Lão Tử và trí tuệ của ông trong Đạo Đức Kinh

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Lão Tử và trí tuệ của ông trong Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           



              
    Lão Tử
    và trí tuệ của ông trong Đạo Đức Kinh

    _________________________
    Minh An _ 14/04/21




    Những câu từ ngắn gọn và súc tích trong "Đạo Đức Kinh" của Lão Tử, thông điệp đầy đủ và vô cùng mạnh mẽ, nhịp điệu sáng rõ, hài hòa và trôi chảy, nó có thể mang lại cho người ta một sự hiểu biết sâu sắc và mạnh mẽ, là một ngọn hải đăng và người bạn đồng hành trên con đường người tìm “Đạo”.



    Truyền thuyết về Lão Tử

    Lão Tử là người Khúc Nhân, huyện Khổ, nước Sở vào thời Xuân Thu. Họ của ông là Lý, tên Trùng Nhĩ, tự Bá Dương. Truyền thuyết kể rằng mẹ của ông sau khi nhìn thấy một ngôi sao băng lớn bay ngang qua bầu trời, bà đã mang thai. Lão Tử sinh ra trước khi khai thiên tịch địa, là tinh linh thần phách của trời đất. Vì là khí Thần linh của thượng giới xuất hiện ở nhà họ Lý, nên Lão Tử sinh ra có họ người thường là Lý. Mẹ của Lão Tử mang thai ông 72 năm mới mở nách trái sinh hạ ra ông. Mới sinh ra tóc ông đã bạc. Cũng có ghi chép rằng mẹ của Lão Tử tình cờ sinh ra ông dưới Lý Thụ (cây mận). Mới sinh ra, Lão Tử đã biết nói và ông chỉ vào Lý Thụ và nói: “Hãy lấy nó làm họ của tôi”.

    Thời Thượng Tam Hoàng, Lão Tử là Huyền Trung Pháp sư. Thời Hạ Tam Hoàng là Kim Khuyết Đế Quân, thời Phục Hi thị là Úc Hoa Tử, thời Thần Nông thị là Cửu Linh Lão Tử, thời Chúc Dung là Quảng Thọ Tử, thời Hoàng Đế là Quảng Thành Tử, thời Chuyên Húc là Xích Tinh Tử, thời Đế Khốc là Lộc Đồ Tử, thời Nghiêu là Vụ Thành Tử, thời Thuấn là Doãn Thọ Tử, thời Hạ Vũ là Chân Hành Tử, thời Ân Thương là Tích Tắc Tử, thời Chu Văn Vương là Thủ Tàng Sử. Tại Tề quốc chính là Si Di Tử, tại Ngô quốc chính là Đào Chu Công.

    Khổng Tử đã từng nhận xét về Lão Tử như thế này: "Nếu tôi gặp người có tư tưởng như chim bay, tôi có thể chế ngự và khuất phục người đó bằng những lý lẽ chính xác và sắc bén như cung tên của mình. Nếu tư tưởng của một người phóng nhanh như một nai sừng tấm, tôi có thể truy đuổi anh ta bằng một con chó săn, và anh ta chắc chắn sẽ bị khuất phục bởi lý lẽ của tôi. Nếu tư tưởng của một người như cá bơi sâu trong lý luận, tôi có thể dùng móc câu để bắt họ. Tuy nhiên, nếu người có tư tưởng như rồng, cưỡi mây khiển gió, ngao du thái hư huyễn cảnh, vô hình vô ảnh không nắm bắt được, thì tôi không thể đuổi theo và bắt được họ. Tôi nhìn thấy Lão Tử mà cảm thấy tư tưởng cảnh giới của ông giống như rồng ngao du trong thái hư, khiến tôi không nói nên lời, khiến tôi tâm thần bất định, không biết ông ấy là người hay là Thần”.



    Câu chuyện đằng sau "Đạo Đức Kinh"

    Lão Tử sắp đi qua quan ải đến miền Tây, dự định tới núi Côn Luân. Người trấn giữ quan ải là Doãn Hỷ xem chiêm tính dự đoán rằng sẽ có Thần nhân đi qua đây, vì vậy ông ra lệnh cho người quét sạch 40 dặm đường nghênh tiếp, và quả nhiên là Lão Tử đã đến.

    Từ khi Lão Tử đi du hành, ông đều không truyền dạy điều gì ở cả vùng Trung Nguyên. Ông biết trong mệnh của Doãn Hỷ có sắp đặt việc đắc Đạo nên đã dừng lại ở đó. Có một người tên Từ Giáp được Lão Tử thuê làm người hầu từ khi còn là một thiếu niên, mỗi ngày Lão Tử giao hẹn trả cho cậu ta khoảng 100 đồng tiền, và tổng cộng ông nợ tên người hầu này 7,2 triệu đồng tiền công. Từ Giáp thấy Lão Tử sắp ra khỏi quan ải đi xa, hắn muốn lấy lại tiền lương càng sớm càng tốt, nhưng sợ rằng không thể được, vì vậy đã nhờ người viết đơn kiện gửi tới Doãn Hỷ. Người viết đơn không biết rằng Từ Giáp đã theo Lão Tử hơn 200 năm, chỉ biết rằng anh ta sẽ trở thành một người giàu có nếu đòi lại được số tiền mà Lão Tử nợ, và đồng ý gả con gái cho Từ Giáp. Thấy cô gái xinh đẹp, Từ Giáp càng vui mừng, bèn đem đơn kiện nộp cho Doãn Hỷ.

    Doãn Hỷ sửng sốt khi xem bản cáo trạng, và đi nói với Lão Tử. Lão Tử nói với Từ Giáp rằng: "Lẽ ra ngươi đã chết từ lâu rồi, ta ban đầu làm quan nhỏ, nhà nghèo, lại còn không có lấy một người giúp đỡ, nên ta đã thuê ngươi và ban cho ngươi ‘bùa Thái huyền Thanh sinh' nên mới có thể sống đến ngày nay. Tại sao ngươi lại kiện ta? Ta đã hứa với ngươi rằng sau này nếu ngươi vào nước An Tức, ta sẽ dùng vàng tính hết tiền công và trả lại cho ngươi. Vì sao ngươi vội vã như thế, không đợi được?". Nói xong liền khiến Từ Giáp cúi xuống đất, há mồm, thấy bùa 'Thái Huyền Chân phù' lập tức bị nhổ ra, mực chu sa viết trên lá bùa vẫn như vừa mới được viết, và Từ Giáp bỗng chốc trở thành một bộ xương khô.

    Doãn Hỷ biết rằng Lão Tử là Thần, vì vậy đã quỳ xuống và cầu xin cho Từ Giáp, và tình nguyện trả nợ thay cho Lão Tử. Lão Tử ném lại bùa Thái Huyền Chân phù cho Từ Giáp, và Từ Giáp lập tức sống lại. Doãn Hỷ đưa cho Từ Giáp 2 triệu tiền rồi đuổi hắn đi. Doãn Hỷ cung kính hành lễ làm đệ tử của Lão Tử, Lão Tử đã dạy cho Doãn Hỷ bí truyền Đạo trường sinh. Doãn Hỷ lại thỉnh cầu Lão Tử dạy bảo răn dạy thêm. Lão Tử khẩu thuật 5.000 chữ, Doãn Hỷ sau khi trở về đã viết lại theo trí nhớ. Đây là tác phẩm kinh điển nổi tiếng của Lão Tử "Đạo Đức Kinh".

    Trên thực tế, Lão Tử và “Đạo Đức Kinh” mà ông để lại đều là văn hóa truyền lại cho con người tu Đạo và tu luyện. Đạo là bí ẩn vì nó diễn giải sự tồn tại thực sự trở về nguyên thủy và trở về với thực tại chân chính từ một góc nhìn tự nhiên, nói cho con người, lăn lộn trong thế giới phàm trần, danh vọng, tài lộc và tình cảm đều là danh vọng trôi qua, chỉ như chớp nhoáng trong chảo, không thể tồn tại lâu dài. Chỉ bằng cách cẩn thận lĩnh hội ý nghĩa thực sự của Đạo trong tự nhiên là điều giá trị nhất trong cuộc sống.

    Trí tuệ của Lão Tử tỏa sáng chân lý Đạo nhân sinh. Trong “Đạo Đức Kinh” của ông để lại, có rất nhiều câu nói tỏa sáng trí tuệ vĩ đại của Lão Tử. Những câu hồi văn (văn đọc thuận nghịch) với phương pháp tu từ thể hiện một cách súc tích mối liên hệ nội tại giữa các sự vật, và triển hiện một cách tự nhiên cảnh giới vô hình của đại Đạo.

    Tác phẩm "Đạo Đức Kinh" được coi là cội nguồn của vẻ đẹp của chữ Hán "hồi văn". Trong "Văn Tâm Điêu Long - Minh thi" của Lương Lưu Hiệp có viết: "hồi văn thịnh, thì Đạo bắt đầu".

    Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số câu hồi văn trong “Đạo Đức Kinh, để cùng suy ngẫm về những đạo lý sâu xa của nhân sinh ẩn chứa trong đó.



    Trí giả bất ngôn, ngôn giả bất trí
    (Người biết thì không nói, người nói thì không biết)


    Người thực sự hiểu biết Thiên địa đại Đạo sẽ không nói “Đạo”, khoan thai mà ngộ được Thiên ý, vui mừng trong tâm, đồng thời không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân hàng ngày, tu thân tự xét mình, hy vọng không gây lỗi; kẻ miệng luôn nói “Đạo”, nói những lời cao siêu kinh động, chắc chắn không phải trí giả hiểu đại Đạo thật sự. Vì Đạo là để người quân tử dùng cho tu hành chứ không phải dùng để đi tuyên giảng.



    Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị
    (Dùng thái độ vô vi làm việc, dùng phương pháp không sinh thêm việc để xử lý sự việc, coi thanh đạm vô vị là hương vị)


    “Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị”. Đây là nói về một cảnh giới trong Đạo nhân sinh, công phu thuần theo tự nhiên. Nhân sinh nơi trời đất, Lão Tử nói rằng “nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”. Đạo của tự nhiên là Đạo của sinh mệnh. Vì vậy, Đạo gia lấy phản bổn quy chân làm trọng, không nhấn mạnh hữu vi. Cuộc đời mọi lúc mọi nơi đều là trường tu luyện, trong hành vi và xử lý mọi việc đều cần buông bỏ truy cầu danh lợi tình, để cởi bỏ mọi gông cùm ràng buộc, và có thể dễ dàng hòa hợp với Đạo tự nhiên.

    Vi vô vi: Vi vô vi là không ngạo mạn kiểu cách, không cưỡng cầu công thành danh toại, để không mắc tội hay lâm vào nghịch cảnh, phản bổn quy chân, thì thiên phú tốt nhất có thể tự nhiên phát huy.

    Sự vô sự: bằng lòng với số phận, lấy vô sự làm trên hết, vì thế sự cũng vô sự. Cuộc đời sinh ra đã có số mệnh định sẵn, lạc quan và biết mệnh, kiên trì tu tâm không cầu bên ngoài, tu khứ danh lợi tình, không hiển thị, nếu cởi bỏ được những trói buộc này thì cuộc đời có được tự do, tự tại.

    Vị vô vị: Tu bỏ dục vọng thân và khẩu, không có chấp trước và không ham muốn, thì vị cũng vô vị. Vì con người không có ham muốn và ràng buộc với đồ ăn và sắc, nên dị đoan và tà ma không tìm đến cửa để làm loạn không gian, và chỉ con người mới có thể là chủ nhân của chính mình.



    Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín;
    Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện;
    Trí giả bất bác, bác giả bất trí

    (Lời nói chân thực thì không đẹp, lời nói đẹp thì không chân thực.
    Người thiện lương thì không xảo biện, người xảo biện thì không thiện lương.
    Người biết Đạo thì không học rộng, người học rộng thì không biết Đạo)


    Điều này chủ yếu nói về tri thức thực sự của con người và chân Đạo của nhân sinh. Hồi văn tương phản cho thấy mức độ nông sâu, đồng thời tiến tới ý nghĩa thực sự của sinh mệnh từng tầng, từng cảnh.

    Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín: lời nói chân thật không sáo rỗng, hoa mỹ, mà rất đơn giản và bình dị; lời nói đẹp đẽ dễ nghe, nhưng trống rỗng và giả. Nói và nghe đều coi trọng chữ "chân".

    Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện: người thiện không nói những lời khéo léo, biện giải. Người xảo biện nói nhiều, lời nói nhiều tất tổn thất hoặc vô ý làm tổn thương người khác và gây thù chuốc oán, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa hại thân. Đối với cách nói chuyện, điều quan trọng nhất là giữ “thiện”.

    Trí giả bất bác, bác giả bất trí: người biết “Đạo” hiểu rằng mục đích thực sự của sinh mệnh là phản bổn quy chân, họ sẽ chuyên tâm giữ vững, nhất tâm cầu Đạo, và tu thiện bản thân; người uyên bác mà không biết mục đích của nhân sinh, không biết nơi trở về của sinh mệnh, tự cao với học vấn uyên bác mà mê mất trong biển học vô biên, bỏ lỡ ý nghĩa đích thực của sinh mệnh. Mục đích cuối cùng của việc học là tăng trí tuệ cho sinh mệnh, từ đó ngộ Đạo.



    Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục
    (Họa là nơi phúc nương tựa, phúc là nơi họa ẩn nấp)


    Họa và phúc có quá trình thay đổi và phụ thuộc lẫn nhau. Khi bất hạnh xảy ra là cơ hội để tạo phúc, vì nếu con người có thể sám hối và tự trách mình khi gặp phải bất hạnh, từ đó tu Đạo hành thiện, thì họa đi phúc sẽ đến. Còn trong phúc kỳ thực có chôn dấu họa, nếu con người vì có được phúc mà trở nên đắc ý vênh váo, thì phúc đi họa tới cũng sẽ không còn xa.



    Tri bất tri thượng hĩ, bất tri tri bệnh dã
    (Biết mình còn những điều chưa biết, đó là cao thượng; Không biết mà tỏ ra biết, thì đó là bệnh)


    Biết điều mình không biết, đơn giản và ngay thẳng, khiêm tốn nhận ra khuyết điểm của bản thân, đây là thượng đức. Không thực sự biết lại còn "không biết vẫn tỏ ra là biết" có thể khiến điên đảo thị phi và đi chệch hướng, đó là nguyên nhân gây ra bệnh tật hoặc họa hoạn.



    Thiện nhân giả, bất thiện nhân chi sư; Bất thiện nhân giả, thiện nhân chi tư
    (Người thiện là thầy của người bất thiện. Người bất thiện là tấm gương soi của người thiện)


    Người thiện là thầy của kẻ bất thiện. Kẻ bất thiện là tấm gương cảnh tỉnh cho người thiện.

    Lương tri mạnh mẽ của một người thiện bừng sáng phát ánh quang huy của đạo đức, và lòng nhân ái vị tha hoàn toàn vô tư tự nhiên rực sáng, cảm động lòng người, kẻ bất thiện cảm nhận được đức của người thiện và tự nhiên kính trọng xem người thiện như một người thầy. Người thiện thì khiêm tốn, không tự mãn, gặp kẻ bất thiện sẽ coi đó là tấm gương cảnh tỉnh, nếu thấy bản thân có khuyết điểm giống vậy thì sửa đổi.




    Minh An

    https://www.ntdvn.com/van-hoa/lao-tu-va ... 66428.html
Trả lời

Quay về “Thiên đạo - Nhân đạo”