Bí quyết để ung dung sống khỏe trong thời dịch bệnh: câu chuyện của một cao nhân Việt

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Bí quyết để ung dung sống khỏe trong thời dịch bệnh: câu chuyện của một cao nhân Việt

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





              
    Bí quyết
    để ung dung sống khỏe
    trong thời dịch bệnh:
    câu chuyện của một cao nhân Việt

    _________________________
    Nguyên Phong _ 16/06/21
              




    Kinh nghiệm quý giá của một người lớn tuổi có thể giúp chúng ta thêm một cách nhìn mới để vượt qua dịch bệnh.


    Tôi có bác hàng xóm tên Nhân Việt, tuổi đã quá thất thập. Thời trẻ, bác có đi dạy đại học, rồi làm kinh doanh. Bác đã từng là giám đốc một công ty sản xuất thương mại có đến hàng trăm nhân viên. Khi về hưu, bác có một gia sản tươm tất. Bác gái cũng là nhà giáo chân chất, hiền lành. Hai vợ chồng bác có hai người con trai đều có đạo đức và thành đạt. Nhà bác luôn đông khách là học trò các thế hệ lui tới thăm hỏi dù bác đã xa nghề từ lâu. Có thể bên cạnh tình cảm thầy trò, họ còn mong nhận được từ bác những bài học mới vì quả thực trí óc của bác chưa từng nghỉ hưu.

    Bác Việt là con người điềm đạm sâu sắc, truyền thống và rất hiếu học. Dăm năm trước, tức là lúc bác tròn 70 tuổi, tôi sang chơi nhà thấy bác đang ngồi ngay ngắn, ăn vận lịch sự tập viết chữ Hán cổ. Hỏi ở tuổi này bác không nghỉ ngơi lại học để làm gì thì bác bảo:
    • “Bác học chữ Hán cổ để đọc sách vở thánh hiền. Học tập không có tuổi cháu ạ, đức Khổng ngày trước ham học đến quên tuổi già, bác cũng muốn học tập tinh thần ấy”.

    Những tháng gần đây vì dịch COVID diễn biến căng thẳng, tôi hạn chế đi lại, thành ra ít qua lại nhà bác. Nhưng hôm trước, tôi sang nhà để mang cho bác cuốn sách cổ bác nhờ mua hộ.

    Tôi bấm chuông cổng, một người già dáng cao thanh thoát nhanh nhẹn như thanh niên, vừa đeo khẩu trang vừa ra mở cổng, chính là bác Việt. Bác mời tôi vào ngồi uống nước. Tôi nói đùa:
    • - Cháu mới tiếp xúc với người lạ, bác có ngại không ạ?

    Bác Việt cười to:
    • - Mời cháu cứ vào bàn nước ngồi, bác đi pha trà. Chúng ta đeo khẩu trang, giữ khoảng cách là được. Mình làm vậy vì tuân thủ quy định chung và nghĩ cho người khác thôi cháu ạ, chứ thực ra nếu hiểu về bản chất của dịch bệnh, sẽ có cách sống ung dung mà không cần lo sợ quá.

    Tôi cảm thấy tò mò:
    • - Bác có bí quyết gì vậy, có thể chia sẻ với cháu được không ạ?

    Bác Việt tủm tỉm:
    • - Được chứ. Vấn đề này đang nhiều người quan tâm mà. Cháu cứ ngồi đợi bác một chút.

    Trong lúc chờ bác pha trà, tôi đứng ngắm phòng khách giản dị của một phú ông. Ở chính giữa bức tường lớn của phòng khách, thay vì tranh tứ quý như thường thấy, lại là một bức tranh khảm trai thật đặc biệt. Bức tranh có hình một bụi trúc vàng óng, thân thẳng tắp. Nhưng đậu trên những ngọn trúc là một bầy chim sẻ. Ngồi dưới bụi trúc là một người đang thiền tọa, dáng vẻ hao hao bác Việt. Tôi hơi có chút ngạc nhiên.

    Bác Việt đã pha nước xong, bác mời tôi ngồi vào bàn, rót cho một chén trà thơm ngát và ôn tồn nói:
    • - Bí quyết nói ra rất đơn giản, chỉ có một chữ “tâm” thôi cháu. Hiểu được chữ này có thể sống ung dung trong mọi hoàn cảnh.

    Tôi dè dặt:
    • - Vâng, đúng là cái tâm của mọi người đang lo ngại, có nhiều người hoảng sợ, lại có người tuyệt vọng.

    Bác Việt khoan thai nhấp một ngụm trà rồi từ tốn hỏi:
    • - Cháu đã thấy những gì, có thể chia sẻ với bác không?

    Tôi kể cho bác nghe về tình cảnh ế ẩm của những cửa hàng, những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị đóng cửa và phá sản, ngành du lịch và vận tải điêu đứng. Tôi cũng kể về những người lao động mất việc, những em bé bán báo đánh giày lang thang trên đường phố vắng tanh, cả ngày không có miếng cơm nào vào bụng vì “đói khách”. Có em quỳ dưới mưa, ngửa cái mũ ướt nhẹp chờ khách qua đường bố thí mà cũng chẳng có ai qua lại. Tôi còn kể đến trường hợp một anh xe ôm công nghệ tự tử trên cầu Bình Triệu vì hai năm dịch bệnh đã khiến anh khánh kiệt và tuyệt vọng… ấy là những mảnh đời tang thương trong dịch bệnh và cách ly xã hội.

    Bác trầm ngâm lắng nghe rồi khẽ nói:
    • - Những việc này, bác cũng có nghe nói. Là một người từng kinh doanh, bác thực sự thông cảm với những doanh nhân, doanh nghiệp đang gặp trăm ngàn khó khăn. Hai con trai bác bây giờ chính đang ở trong tình cảnh ấy. Còn là một người Việt, ai nghe những chuyện cháu kể về cảnh ngộ của người lao động mà chẳng thấy xót xa.

    Ngừng lời một chút, bác nói tiếp:
    • - Tuy vậy bác cho rằng, ngoại cảnh dù có ảnh hưởng rất lớn, nhưng sướng khổ đầu tiên là ở cách nhìn sự việc và quan niệm của mình. Và cái đó lại từ tâm mà ra. Tâm này muốn thành đạt được phải qua học tập và rèn luyện.

    Đột nhiên có tiếng xoang xoảng như có vật gì rơi xuống vỡ toang. Tôi giật thót. Nhưng bác Việt vẫn điềm nhiên bảo:
    • “kệ nó cháu, con mèo nhà bác nó đuổi chuột đấy, nghe tiếng rơi góc ấy thì là cái bình quý của bác đã vỡ rồi. Bác gái quý con mèo ấy lắm. Thôi đằng nào cũng thế, lát nữa bác dọn”. Bác Việt nháy mắt với tôi.

    Rồi bác lại tiếp tục câu chuyện:
    • - Cái mà bác thấy những người trẻ kia đang thiếu thốn nhất không phải là những đồng bạc lẻ để chi dụng qua ngày. Tất nhiên trong lúc nước sôi lửa bỏng này, họ cần nhất là miếng ăn, chỗ ở, nhưng trong cả cuộc đời, họ cần giáo dục nhiều hơn, không phải là giáo dục kiến thức hay kỹ năng sống mà là giáo dục cách làm người, giáo dục truyền thống cháu ạ.

    Tôi thắc mắc:
    • - Cháu tưởng xã hội bây giờ đang đề cao kiến thức và kỹ năng sống mà bác?

    Bác Việt lắc đầu:
    • - Cháu có thấy bao nhiêu lái xe ôm công nghệ Grab là kỹ sư, cử nhân, thậm chí thạc sĩ không? Mà không chỉ có chạy Grab đâu cháu. Họ có kiến thức học đường không? Có chứ, đi học bao năm mà.

      Còn kỹ năng sống ư? đa phần là dạy người cách sống khôn khéo để có thể cạnh tranh, nhưng vì nửa vời, nên không thực sự giúp được con người trong nghịch cảnh.

      Giảng đến sâu xa, đến gốc rễ của vui buồn sướng khổ, của quy luật nhân - quả, đức - nghiệp; khiến ta nghèo mà vẫn vui, giàu mà vẫn có đức; thắng không kiêu ngạo, bại không nản chí; trong nghịch cảnh vẫn giữ được lương thiện, cốt cách và tinh thần ung dung... thì chỉ có văn hóa truyền thống mà thôi.

    Tôi thầm nghĩ: “Ừ nhỉ, mình đi học bao nhiêu năm, nhưng đã ai dạy mình những điều này đâu.”

    Chờ cho tôi dứt khỏi mạch suy tư, bác Việt mới nói tiếp:
    • - Đó là sự giáo dục rốt ráo nhất để trưởng thành từ trong nội tâm, mà đó chính là học làm người đấy cháu. Một người học cao hay một người khôn khéo vẫn có thể trong lúc nội tâm yếu đuối mê muội mà làm điều dại dột, nhưng bác chắc rằng, một người được giáo dục thấm nhuần văn hóa truyền thống sẽ không bao giờ sụp đổ đến mức phải quyên sinh hay liều mình; Hoặc chẳng bao giờ để cái nghèo khó, đói khát làm cho tuyệt vọng hay biến chất. Vẫn là chữ “tâm” phải không cháu?

    Tôi hỏi:
    • - Bác có thể ví dụ cụ thể giúp cháu được không ạ?

    Bác nói:
    • - Này nhé. Bác không hiểu sao bây giờ người ta không chú trọng dạy cho lớp trẻ ca dao tục ngữ nữa, đó là kho kinh nghiệm sống vô cùng quý báu của người Việt xưa. Nếu các em, các cháu được dạy cho thấm vào máu thịt những câu như là:
      • “Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”;
        hay là: “chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”,
        hay là “sông có khúc, người có lúc”...
      thì sao phải tuyệt vọng đúng không cháu? Hay là hiểu rằng
      • “có phúc có phần”,
        “có đức mặc sức mà ăn”...
      thì ai nấy đều lấy đạo đức làm gốc, chỉ coi khôn khéo trí xảo là ngọn, vun bồi đạo đức thì dù chậm nhưng chắc, sao phải lo buồn hay vất vả tranh đấu, phải không?

    Tôi gật đầu đồng tình:
    • - Vậy còn các doanh nghiệp thì sao hả bác?

    Bác nói:
    • - Giới doanh nhân rất thông minh và năng động. Bác không cần nói ra những sáng kiến kinh doanh mà họ đã biết, họ có thừa. Nhưng có những điều thuộc minh triết phương Đông thì không có nhiều người tìm hiểu và áp dụng. Ví như Chu Dịch có viết:
      • Khi người quân tử gặp cảnh khốn đốn hiểm nguy,
        phải nên lấy việc tiết kiệm và tu dưỡng đức hạnh để tránh khỏi tai nạn,
        chứ đừng nên lấy việc theo đuổi lợi lộc để làm niềm vinh quang
        ”.

    Tôi ngạc nhiên hỏi:
    • - Ý là sao hả bác?

    Bác trả lời:
    • - Dịch bệnh là cảnh khốn đốn hiểm nguy đấy. Trong hoàn cảnh này thì phải thay đổi cách nhìn, phải biết tiết kiệm và trau dồi đức hạnh.

    Tôi hỏi:
    • - Như thế nào hả bác?

    Bác Việt nói:
    • - Hai bác cháu mình ra vườn cho thay đổi đi.

    Hai bác cháu tôi đi ra khu vườn đằng sau nhà bác. Vườn rộng nhiều bóng cây. Hoa cúc nở vàng ươm dưới nắng hạ. Cúc tần Ấn độ như tấm thảm xanh mướt phủ thõng xuống bốn phía hàng rào. Có hai hàng tường vi tạo thành lối đi giữa vườn, cây đang nở rộ vô số những bông hoa màu hồng rực, không gian vo ve tiếng ong bay. Dưới gốc tường vi là mấy luống rau xanh rì. Ở sát tường là cây vải, cây nhãn, mít na... đang đơm hoa kết quả. Nhưng không gian vẫn có chút oi nồng.

    Bác Việt nói:
    • - Bác may mắn có được chút thành công, có lẽ cũng nhờ phúc đức ông bà để lại. Nhưng cuộc đời bác đi được đến lúc này, cũng là phải nhiều lần điều chỉnh nội tâm. Chắc khi nãy cháu ngắm bức tranh bụi trúc và chim sẻ có chút ngạc nhiên phải không? Hai ta đều biết trúc tượng trưng cho quân tử, chim sẻ tượng trưng kẻ tiểu nhân. Tiểu nhân lại cưỡi lên đầu lên cổ quân tử là cảnh tiểu nhân đắc ý, quân tử gặp bĩ, trật tự xã hội đảo lộn. Thời trẻ bác lấy làm bất bình ghê lắm. Nhưng rồi trong tâm mình ghét của nào thì Trời sẽ trao của ấy, và nó sẽ khiến mình khổ sở đau đớn. Về sau, bác đã hiểu ra điều này và chỉ điều chỉnh nội tâm mình thôi. Nhưng bác vẫn để bức tranh ấy lại để nhắc nhở mình đó cháu. Nhắc rằng:
      • thay đổi đời không bằng thay đổi chính mình.
        Mà thay đổi chính mình bắt đầu từ thay đổi cách nhìn hay quan niệm
        ”.

    Tôi hỏi:
    • - Như thế nào ạ?

    Bác Việt nói:
    • - Ví như thay vì ta cảm thấy buồn chán, bức bối thì ta coi thời gian cách ly là lúc tạm nghỉ ngơi, để ta cải thiện sức khỏe, tránh xa lối sống không lành mạnh: ăn nhậu, chơi bời, phung phí thời gian, sức khỏe và tiền bạc. Thời gian này ta có thể học thêm một điều gì đó làm phong phú và mạnh mẽ đời sống tinh thần, hoặc chuẩn bị trước những điều kiện cho dự án sắp tới. Hoặc là quan trọng nhất: ta dành thời gian bên gia đình, dạy dỗ con cái, yêu thương bạn đời, phụng dưỡng cha mẹ...

      Thời xưa, trí thức khi không được dùng
      • thì từ quan về quê, dạy học giúp dân,
        hoặc nuôi chí lớn, rèn giũa tài năng, vun bồi đức hạnh để có ngày quay lại phụng sự nước nhà.
      Ở Trung Hoa xưa có ông Lã Vọng, Bá Lý Hề, Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý v.v. Việt Nam có Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến v.v. Có ai kêu buồn chán hay stress như thời nay đâu, phải không cháu?

    Tôi cũng phụ họa:
    • - “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
      Người khôn người đến chốn lao xao” (1)
      "Họ có Đạo, có đời sống tinh thần phong phú nên dễ dàng làm được thế phải không bác?"

    Bác gật đầu:
    • “Đúng vậy”.

    Tôi lại hỏi:
    • - Vậy tiết kiệm như thế nào ạ?

    Bác nói:
    • - Bây giờ không phải là lúc ham lợi lớn hay mở rộng đầu tư kinh doanh, hoặc theo đuổi các cơ hội béo bở. Giờ là lúc cần thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu. Bác cũng nói với hai con trai mình: cố gắng duy trì công việc, cắt giảm tối đa các khoản chi thừa thãi lãng phí trong doanh nghiệp và trong cả cuộc sống riêng, bớt ăn tiêu đi, không mua đồ xa xỉ, không xài sang, bớt đi lại, đừng ăn nhậu nữa... Đó là tiết kiệm.

    Tôi cười:
    • - Đang tiêu xài thoải mái, giờ đưa vào khuôn khổ cũng khó đấy bác nhỉ?

    Bác cười:
    • - Đúng vậy, nhưng chưa khó bằng thích nghi về tâm lý.
      • Tiết kiệm thì thường đi kèm với tâm khiêm tốn, thận trọng.
        Còn xa hoa, lãng phí gắn liền với tâm kiêu ngạo, bất cẩn.
      • Khiêm tốn thì Trời người đều thương,
        kiêu ngạo thì Trời người đều ghét,

        đạo lý xưa nay luôn là vậy.
      Đức Lão tử có lần nói rằng:
      • “người gặp tai họa
        mà có thể tự kiểm điểm, đoạn ác tu thiện,
        thì họa đi và phúc sẽ đến;
      • nếu người có phúc báo
        mà kiêu ngạo, xa xỉ và dâm dật,
        thì phúc đi và họa sẽ đến”.

    Tôi băn khoăn:
    • - Nhưng còn người nghèo thì sao hả bác? Họ đâu có tích lũy để nghỉ ngơi?

    Bác Việt thở dài, đoạn bác lấy tay nâng một ngọn cây yếu ớt đang xõa xuống mặt đất, lấy một cây gậy chống nó lên và cột lại:
    • - Ừ, họ mong manh quá. Những người may mắn hơn cũng cần hỗ trợ họ về vật chất, hoặc cho họ công việc. Dẫu có cắt giảm chi tiêu tối đa cũng cố gắng đừng sa thải họ. Phúc đức của người chủ cũng từ chỗ ấy mà ra. Nhưng tự thân họ cũng cần có sự thay đổi trong suy nghĩ mới được...

      - "Nhưng những điều vừa nói chỉ có ý nghĩa khi người ta giữ được mạng sống của mình trong đại dịch thôi phải không bác?"
      Tôi hỏi.

    Bác bật cười:
    • - Cái đó liên quan trực tiếp đến điều thứ ba mà bác sắp nói: "trau dồi đức hạnh". Điều này thì không phân biệt người giàu hay người nghèo.

      - "Như thế nào hả bác?"
      Tôi tò mò hỏi

    Bác Việt nói:
    • - Người xưa xem thiên tai, dịch bệnh, địch họa… như là chỉ dấu của việc đạo đức xã hội sa sút, trong xã hội ấy có mình. Bởi vậy, trong tai họa ai nấy phải bồi dưỡng đức hạnh, đừng tham lam manh động kẻo những gì đang có cũng mất nốt, mà điều mất mát lớn nhất chính là tính mạng. Nói về điều này, y học cổ đã có nhiều đúc kết. Tinh hoa của Trung Y cổ đại là Hoàng Đế nội kinh. Trong cuốn sách này có câu:
      • “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”,
        có nghĩa là:
        “bên trong có chính khí, tà khí không thể xâm nhập được”.
        Chính khí là cái tâm chính trực, ngay lành.
        Tà khí là bệnh tật, ý nghĩ xấu ác hay tiêu cực.
      Lại có những câu như là:
      • “Tâm giả, quân chủ chi quan dã, thần minh xuất yên”
        “Chủ minh tắc hạ an”,
        “chủ bất minh thập nhị quan nguy”.
        “Tâm giả, sinh chi bản, thần chi biến dã.”

    Nhác thấy tôi đờ mặt ra ngơ ngác, bác phì cười nói:
    • - Xin lỗi cháu, bác giải nghĩa ngay đây:
      • “Tâm là vua, chủ quản các cơ quan, tinh thần và trí tuệ sinh ra từ đây.
        Chủ mà trong sáng tất các cơ quan bên dưới sẽ yên ổn.
        Chủ không trong sáng thì 12 tạng cũng nguy hiểm.
        Tâm là căn bản của sự sống, có thể biến đổi tinh thần.
        Vì vậy, điều trị thân thể trước hết phải điều trị cái tâm”.
      Mà điều trị cái tâm thì không gì bằng
      • nghĩ điều lương thiện,
        nói lời ngay thẳng,
        làm việc ngay lành,
        dũng cảm cự tuyệt cái xấu…
      chính khí cũng từ ấy mà ra. Bảo tồn được chính khí, sợ gì bệnh tật. Lại vẫn là chữ “tâm” phải không cháu?
    • - "Lại phải có lòng tin vào Thần Phật, lòng tin vào chính nghĩa và đạo đức, tin và làm theo như đó chính là bản chất tự nhiên của mình, có phải không thưa bác?"
      Tôi cũng sốt sắng góp lời.

      - "Ồ, đó chính là chữ “tâm” lớn nhất rồi cháu, “tâm Phật” mà".
      Bác Việt cười lớn sảng khoái, chòm râu bạc rung rung.

    Gió bỗng nổi lên lồng lộng, cây cối trong vườn xào xạc như đang reo lớn hân hoan. Gió mát lịm da thịt, mang theo tiếng cười giòn tan của bác Việt thấm sâu vào lòng và thổi cho tan biến những bí bách của tâm can. Chắc hình ảnh này nhiều năm sau tôi sẽ vẫn còn nhớ: bác Việt đứng đó dưới nắng vàng, miệng cười sau lớp vải khẩu trang trông đến ngộ, mắt bác cũng cười, lấp lánh.

    Còn tôi thì mau mắn cảm ơn bác và nói lời tạm biệt. Chắc chắn tôi sẽ tìm cơ hội để chia sẻ những lời vàng ý ngọc của bác Việt, mong chữ “tâm” của bác lan tỏa, kết duyên với tâm thiện hình như vẫn còn không ít trong tâm hồn mỗi người Việt chúng ta.




    Nguyên Phong

    Chú thích:
    (1): Trích thi phẩm “Cảnh nhàn” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm


    https://www.ntdvn.com/van-hoa/bi-quyet- ... 97376.html
Trả lời

Quay về “Thiên đạo - Nhân đạo”