Quan chức và nạn sùng bái tiến sĩ

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Quan chức và nạn sùng bái tiến sĩ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Quan chức và nạn sùng bái tiến sĩ



    Chẳng hiểu sao giới quan chức, đặc biệt là miền ngoài, rất thích bằng tiến sĩ. Sự thật là bằng tiến sĩ không phải như ngày xưa (để đi làm quan) mà là một sổ thông hành để làm nghiên cứu khoa học. Tiến sĩ hoá bộ máy hành chánh chỉ làm lệch lạc ý nghĩa thật của văn bằng tiến sĩ, và dẫn đến tệ sùng bái tiến sĩ một cách quá đáng.

    Một bài báo mới đây cho biết Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội sẽ có "40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ" [1]. Đây không phải là ý tưởng mới, bởi vì hơn 10 năm trước cũng Hà Nội ước mong 100% cán bộ thành uỷ có bằng tiến sĩ. Nhưng sau đó, không biết có phải do bài báo của tôi trên Tuổi Trẻ [2] hay không mà người ta rút lại mục tiêu đó. Nay thì lại đặt ra mục tiêu 'khiêm tốn' hơn, thay vì 100% thì giảm xuống 40%, và thay vì tiến sĩ thì nay người ta thêm 'thạc sĩ'. Dưới đây là vài cái tít để các bạn biết sự tiến hoá của ý tưởng đó ra sao:

    • • Tháng 8/2009: "Hà Nội mong 100% cán bộ Thành ủy "quản" là tiến sĩ" [3].

      • Tháng 9/2009: "Rút mục tiêu 100% cán bộ Thành uỷ quản lí là tiến sĩ" [4].

      • Rồi nay, 2021: "Hà Nội đặt mục tiêu 40% cán bộ Thường vụ Thành uỷ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ" [1].

      • Tại sao quan chức cần phải có bằng tiến sĩ? Tại vì "Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy" [5].
      Nhưng tôi sợ là các vị ấy hiểu sai bản chất của học vị tiến sĩ. Bằng tiến sĩ chẳng giúp 'đột phá tư duy' gì đâu. Mà, 'tư duy' là cái gì? Suy nghĩ thì nói là suy nghĩ, hà cớ gì phải 'tư duy'?


    Tôi muốn trích lại lời thuật của Gs Đặng Phong (trong trang blog của Huy Đức ) như sau: “Một lần, ông Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đến thăm xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu-Côn Đảo, một điển hình đổi mới lúc đó. Xí nghiệp này khi sắp bị phá sản đành phải mời một ông chăn vịt vốn là người thạo nghề đánh cá hồi trước 1975 làm giám đốc. Ông đòi được toàn quyền ‘khoán’ cho xã viên và xí nghiệp trở nên làm ăn rất hiệu quả.”

    Gs Đặng Phong kể tiếp: “Sau khi thăm và hỏi chuyện ở Xí nghiệp, ông Viện trưởng Viện Hàn Lâm Liên Xô hỏi các cán bộ ở trường Quản Lý Trung Ương: ‘Các anh có biết bí quyết thành công của ông giám đốc là gì không?’ Và, ông Viện trưởng đáp: ‘Đồng chí ấy thành công vì đồng chí ấy chưa được học qua lý luận’. Đổi mới trong giai đoạn ấy chủ yếu đều bắt đầu từ những nhà lãnh đạo địa phương chưa qua các trường lớp chính quy lý luận.”

    Câu chuyện đơn giản trên cho thấy không phải có bằng tiến sĩ mới có 'đột phá tư duy'. Thật ra, những gì gọi là 'đột phá' đều phần lớn xuất phát từ những người không bị ràng buộc bởi những lí thuyết hay ý thức hệ, không có bằng cấp đại học (chứ chưa nói đến học vị tiến sĩ). Cứ nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế ở các nước phương Tây thì rõ: có bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị có bằng tiến sĩ đâu.

    Vậy học tiến sĩ để làm gì ?

    Học vị tiến sĩ thường dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Để dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, học vị tiến sĩ là một 'giấy thông hành' quốc tế, cũng giống như muốn hành nghề kĩ sư thì phải có bằng kĩ sư. Cố nhiên cũng có một số người tham gia nghiên cứu khoa học dù họ không có học vị tiến sĩ, nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ.

    Trong quá trình đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải làm quen với những kĩ năng cơ bản như phát hiện vấn đề, cách phát biểu giả thuyết, thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu (kể cả đo lường), phân tích và diễn giải kết quả nghiên cứu, công bố khoa học, v.v. Điều này cũng có nghĩa là nếu muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị kinh doanh, quản trị hành chánh, thì học vị tiến sĩ không cần thiết, và thí sinh không nên mất thì giờ để đạt được học vị này.

    Học vị tiến sĩ dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp khoa bảng. Học vị tiến sĩ là một 'chứng từ' để theo đuổi sự nghiệp khoa bảng. 'Khoa bảng' ở đây được hiểu là giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Cố nhiên, ở nhiều đại học phương Tây, vẫn có người có thể trở thành giáo sư dù không có học vị tiến sĩ, nhưng cơ hội tiến thân trong các nấc thang khoa bảng ngày nay cho những cá nhân như thế không mấy cao.

    Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đòi hỏi các giảng viên và giáo sư hay các nhà nghiên cứu phải có học vị tiến sĩ. Tại sao? Tại vì họ muốn đảm bảo trường đại học có đầy đủ chuyên gia để giảng dạy các môn học cấp cao và bắt buộc các chuyên gia này phải làm nghiên cứu khoa học. Phần lớn giáo sư đại học có học vị tiến sĩ, nhưng rất ít người có bằng tiến sĩ sẽ trở thành giáo sư.

    Xin nhắc lại: nếu muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị doanh nghiệp, kĩ nghệ, hay các chức vụ hành chánh, hay các chức vụ mang tính quản lí trong hệ thống chánh phủ thì thí sinh không nên theo học chương trình tiến sĩ, mà nên theo học chương trình cao học quản trị kinh doanh hay quản trị hành chánh (MBA – Master of Business Administration).

    Tôi biết ngày nay có đại học đưa ra chương trình huấn luyện tiến sĩ quản trị hành chánh (Doctor of Business Administration), nhưng mục tiêu vẫn là đào tạo nhà nghiên cứu và giáo sư hơn là nhà quản lí. Cốt lõi của học vị tiến sĩ, và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác, là nghiên cứu khoa học, không phải quản trị.

    Do đó, xin đừng sùng bái văn bằng tiến sĩ như là một chứng từ cho sự 'đột phá tư duy.' Thật ra, ngược lại thì đúng hơn: phần lớn tiến sĩ không có làm gì đột phá cả . Điều này đúng, bởi vì phần lớn (có thể 99% ) các nhà khoa học với học vị tiến sĩ chỉ làm việc trong những mô thức (paradigm) thông thường, và mô thức này thường được định hướng bởi những nhà khoa học tiền phong khác. Sùng bái bằng tiến sĩ là một căn bệnh xã hội lạc hậu và thấp kém hơn là một tín hiệu của xã hội tiến bộ.

    Nguyễn Tuấn
    ______
    [1] https://tienphong.vn/ha-noi-dat-muc-tie ... -bo-thuong...
    [2] https://tuoitre.vn/dung-de-lam-phat-tie ... ong-bo-may...
    [3] https://baomoi.com/ha-noi-mong-100-can- ... 122732.epi
    [4] https://dantri.com.vn/.../rut-muc-tieu-100-can-bo-thanh...
    [5] https://www.moha.gov.vn/in-tin-bai/tin-bai-8492.html





    Nguồn:https://www.facebook.com/t.nguyen.2016


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn Tuấn”