Tại sao Âm nhạc giầu Tình cảm

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tại sao Âm nhạc giầu Tình cảm

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Tại sao Âm nhạc
    giầu Tình cảm

    ____________________________
    Phạm Đức Thân_ 16.04.2020


              

              


    "Âm nhạc", theo Marmontel, "là nghệ thuật kết hợp các âm thanh để thỏa mãn thính giác". Nhưng việc kết hợp này dựa trên nguyên lý cấu tạo nào?

    Xét cho kỹ về thực chất, ta thấy âm nhạc có một xu hướng nội tại là
    • giải quyết những mâu thuẫn, những tương phản, dị biệt âm thanh
    • bằng một hài hòa về âm hưởng.
    Âm nhạc đặt ra vấn đề vi phạm cân bằng âm thanh và hướng tới giải quyết vi phạm ấy thành một hài hòa sau cùng. Sự sống của âm nhạc chính là ở chỗ kích động các vi phạm, các mâu thuẫn. Vi phạm càng gay gắt, giải quyết càng phức tạp, thì hiệu quả âm nhạc càng lớn lao.

    Xu hướng trên của âm nhạc phản ánh hiện tượng tương tự trong đời sống xã hội cũng như con người. Xã hội loài người luôn luôn hướng tới thanh bình và cá nhân mỗi người bao giờ cũng ước ao hạnh phúc. Nhưng để đạt cứu cánh đó, người ta phải kinh qua những đau khổ, đấu tranh rồi mới có thắng lợi. Trên phương diện bản thể, ta thấy âm nhạc thể hiện đúng cái quy trình nói trên của cuộc sống:
              
    Con người = đau khổ -> đấu tranh -> thắng lợi
    Âm nhạc = mâu thuẫn -> giải quyết -> hài hòa

              
    Thành thử âm nhạc trở nên cao cả vĩ đại và gần gũi với ta. Âm nhạc dường như làm cho ta thấy rõ chiều sâu của cuộc sống. Các tác phẩm âm nhạc lớn thường được xây dựng trên nguyên lý cấu tạo này, thể hiện được cái ý nghĩa của âm nhạc.

    Đối chiếu hai cấu trúc trên, ta thấy mâu thuẫn âm nhạc tương ứng với đau khổ trong cuộc sống. Hay nói cách khác thể hiện tình cảm như buồn rầu, đau khổ ... thì dễ tạo được mâu thuẫn gay gắt trong âm nhạc để nhạc sĩ có cơ hội phát triển và giải quyết thành tác phẩm giá trị; và mặt khác, dễ đi vào tâm hồn thính giả do cảm nhận con người thường là cuộc đời buồn nhiều hơn vui.

    Cho nên âm nhạc hay và được ghi nhớ trong đầu thường có sắc thái buồn, giầu tình cảm. Cũng trong tinh thần đó A. de Musset đã viết "Les plus désespérés sont les chants les plus beaux" (Tuyệt vọng là bài ca đẹp nhất).




    Nguyên ủy có lẽ phải đào sâu trong tiềm thức con người.

    Ta sống ở đời, nhưng nghi ngờ ngay chính hiện hữu của mình. Ta sinh ra buộc phải tự do, kể cả tự do chết bất cứ lúc nào. Dù muốn dù không ta phải chọn lựa, và có trách nhiệm trở thành hoặc không trở thành một cái gì đó. Về bản thể, ta bị coi như tước đoạt hết, không có quê hương ngay khi lọt lòng mẹ. Một người xa lạ trong thế giới, nhưng vẫn phải ràng buộc với nó. Con người cô đơn trong những quyết định của mình để làm cho hiện hữu của mình có ý nghĩa. Hiện hữu như thiếu bản thể và con tim khao khát đi tìm cái yếu tính đó. Nghệ thuật ra đời, nó là biểu thị cái ý thức có trước cả tư tưởng phản tỉnh lẫn hành động thực tiễn của con người.

    Nghệ thuật là giầu tình cảm. Nghệ thuật không những là dấu hiệu của sự bất túc bẩm sinh trong hiện hữu và nhu cầu bản thể của con người, mà còn là hoài hương (nostalgic) trong ý nghĩa gốc của từ đó (nostos = trở về, algos= đau khổ), nghĩa là không quê hương. Trong ý nghĩa sâu thẳm nhất, hiện tượng nghệ thuật là chứng cứ của nỗi đau khổ về tình trạng không quê hương và thiếu một yếu tính của con người.

    Chúng ta đều có một nhu cầu bên trong muốn sống sâu xa hơn, đầy đủ hơn và ý thức hơn, hiểu rõ hơn kinh nghiệm của mình và của cả người khác nữa. Âm nhạc truyền đạt những kinh nghiệm sống có ý nghĩa. Có ý nghĩa vì đã được chọn lọc, tập trung và tổ chức. Nhiệm vụ của âm nhạc không phải chỉ nói lên kinh nghiệm mà còn cho phép người khác tham gia, chia sẻ cái kinh nghiệm đó.

    Âm nhạc là phương tiện giúp ta, qua tưởng tượng, sống phong phú hơn nhờ đào sâu kinh nghiệm của mình và mở rộng hiểu biết qua kinh nghiệm của người khác.

    Nhưng có một nghịch lý trong hiện hữu con người. Đó là mọi kinh nghiệm, dù là đau khổ, khi được truyền đạt qua môi trường nghệ thuật thì đều trở nên cái gì đó thích thú. Trong cuộc sống thực, chết chóc, đau khổ và chịu đựng là những cái không ai thích, nhưng trong nghệ thuật người ta lại khoái. Chúng ta không thích hoảng sợ, căng thẳng trong cuộc sống nhưng chúng ta lại tìm nó trong nghệ thuật.

    Hình như có một giá trị nào đấy trong cuộc sống mãnh liệt, sôi nổi. Sống sôi nổi, mãnh liệt là đối nghịch, phản kháng cái chết. Buồn tẻ, chán ngán, không nhạy cảm có thể coi như gần đồng nghĩa với cái chết, một cái chết dần mòn. Âm nhạc đem lại cho ta đời sống. Nó truyền đạt kinh nghiệm hiệu quả hơn nhiều nghệ thuật khác.

    Như R. Sessions đã viết
    • " Đối với tôi,
      và tôi tin rằng cũng vậy đối với hầu hết các nhạc sĩ khác,
      những ý tưởng âm nhạc hoàn toàn có nhiều nội dung, nhiều ý nghĩa đặc biệt, nhiều liên hệ sống động với kinh nghiệm, hơn bất cứ những từ nào dùng để diễn tả những ý tưởng đó".


    Thảo nào không ai là không thích âm nhạc, nhất là nhạc buồn.







    Phạm Đức Thân

    http://www.art2all.net/tho/phamducthan/ ... inhcam.htm
Trả lời

Quay về “câu chuyện âm nhạc”