Sáng tác âm nhạc

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Sáng tác âm nhạc

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Sáng tác
    âm nhạc

    ____________________________
    Phạm Đức Thân


              

              



    Có người cho rằng chỉ cần biết đọc, biết viết là có thể viết văn, làm thơ mặc dù không hay, không có ai đọc. Vd.
    • Con cóc trong hang
      Con cóc nhẩy ra
      Con cóc ngồi đó
      Con cóc nhẩy đi.....

    Tương tự, cũng có người nghĩ rằng chỉ cần biết vài nốt nhạc Đô, Rê, Mi...và cách ký âm trên 5 dòng kẻ là có thể sáng tác được nhạc. Ngay từ thời xưa đã xuất hiện nhiều tập sách kiểu "Làm Thế Nào" để sáng tác 1 ca khúc, 1 bản nhạc piano.... Vd.
    • Nhà xuất bản Welcker (thế kỷ XVIII) phát hành sách "Bản Hệ Thống Dành Cho Bất Cứ Ai Không Biết Chút Gì Về Âm Nhạc Cũng Có Thể Sáng Tác 10.000 Bài Minuet Du Dương Và Đúng Phong Cách".
    • Sau đó còn xuất hiện sách dạy làm thế nào chỉ bằng gieo súc sắc, bất cứ ai không biết nhạc cũng có thể sáng tác được bản Valse. Sách còn được trình bầy dưới ngụ ý do chính Mozart viết.




    Thật ra, sáng tác phải được học tập từ kinh nghiệm và thực tiễn của người khác. Đó là một tiến trình dần dà, từng bước một. Không tác giả nào có thể bắt đầu mà không có một kiến thức đầy đủ về chuyện các nhạc sĩ tiền bối đã thực hiện cuộc tiến hóa của âm nhạc từ xưa đến nay như thế nào.

    Trước hết, đó là vấn đề kỹ thuật đạt được qua những nguyên tắc căn bản phải nắm vững, bao gồm không chỉ hòa âm, đối âm mà cả hình thức, phong cách và tính chất của mọi thể loại. Chúng giống như văn phạm, cú pháp bên ngôn ngữ, được thích ứng trong tư tưởng tác giả thành bản năng. Nhờ vậy trước khi quyết định viết cái gì, tác giả biết chính xác sẽ tự biểu thị bằng cách nào. Không cần phải tuyệt đối độc đáo nhưng thiết yếu tác giả nên cố gắng nói lên một cái gì đó của riêng mình. Cái này chỉ có thể hình thành sau khi đã nghiên cứu kỹ đặc điểm của các tác giả khác. Tác giả lớn thường là người tách khỏi tiêu chuẩn và phương pháp của đương thời để tạo nên cá tính. Vì dẫu sao, trong nghệ thuật, không có quy luật khắt khe mà chỉ có những nhận xét, khuyến cáo. Tuy nhiên chúng có tính ổn định, vững bền trong quá trình phát triển, tác giả cần nắm vững trước khi tìm tòi cái mới.

    Sáng tác âm nhạc là kết hợp cảm hứng và kỹ thuật, cái trước cung cấp chất liệu và cái sau làm nên phong cách. Cái gì gây ra cảm hứng thì vẫn chưa xác định được; cũng như lý do tại sao thình lình một ý tưởng lại trỗi dậy trong đầu người này dưới hình thức âm thanh mà người kia lại dưới hình thức đường nét, thì vẫn chưa được giải thích thỏa đáng. Mặc dù trừu tượng và thuộc thính giác, ý tưởng cũng xuất hiện như đường nét (lên xuống, khúc khuỷu, quanh co) và tác giả có thể biến đổi, khai triển, thích nghi những khả hữu kỹ thuật và thị giác với xúc cảm thẩm mỹ để tạo nên tác phẩm.

    Theo J. Cocteau công chúng thường có một quan niệm hoàn toàn sai lạc về cảm hứng. Ông không tin rằng cảm hứng từ trên trời rơi xuống, mà đúng hơn nó là kết quả của lười biếng sâu xa, và của tình trạng bất lực không điều khiển được một số năng lực trong con người. Những năng lực huyền bí này hoạt động sâu trong chúng ta, được trợ giúp bởi những hiện tượng và đam mê của cuộc sống thường nhật. Chúng đè nặng lên chúng ta và bắt chúng ta phải chiến thắng cái mơ ngủ mà chúng ta đang chìm đắm trong đó, như kẻ tàn phế cố gắng kéo dài giấc mộng, rút ngắn cái nỗi khiếp sợ phải tiếp xúc với thực tại. Tóm lại khi tác phẩm tự tạo trong chúng ta, bất chấp chúng ta, nhất định đòi hỏi phải được chào đời, chúng ta có thể tin rằng tác phẩm này đến từ bên ngoài và do các thần linh ban cho.

    Công chúng thường coi tác giả là một bí mật, chỗ làm việc là tháp ngà. Họ tưởng tượng ra nhiều chuyện liên hệ (vd. vấn đề cảm hứng) khi tự đặt mình vào cương vị tác giả. Thật ra việc sáng tác đối với nhạc sĩ giống như hoàn thành một bổn phận tự nhiên, sinh ra thì phải làm vậy, cũng như ăn và ngủ. Nếu thấy thích thì sáng tác, không thì ngưng; giản dị có vậy. Dĩ nhiên sau khi sáng tác nhạc sĩ hy vọng mọi người (ngay cả chính nhạc sĩ) sẽ thừa nhận cái được viết ra như là do cảm hứng, mà thực chất thường chỉ là ý tưởng đính kèm vào đuôi thôi.

    Nhạc sĩ chờ đợi cảm hứng mỗi ngày, nhưng không phải thụ động. Đây là điểm phân biệt chuyên nghiệp với tài tử. Nhạc sĩ chuyên nghiệp có thể ngồi ngày này qua ngày khác và cho ra 1 bản nhạc. Dĩ nhiên một ngày kia sẽ có 1 bản khá hơn những bản trước đó. Nhưng cái chính là khả năng sáng tác; cảm hứng chỉ là phó sản. Giống như T. Edison đã bảo
    • "Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% lao động".



    1. Nhạc sĩ bắt đầu bằng 1 ý nhạc - ý nhạc chứ không phải ý trừu tượng, ý văn chương hay ý ngoại âm nhạc. Thình lình một nhạc đề xuất hiện trong đầu, không biết từ đâu đến, tác giả không kiểm soát được nó. Nó tự động đến, cho nên nhạc sĩ thường có sổ tay để ghi lại, sưu tập mọi ý nhạc chợt đến..

      Ý nhạc xuất hiện dưới nhiều hình thức: một giai điệu đơn giản; một giai điệu có phụ đệm; một phụ đệm trước rồi sau mới thêm giai điệu; 1 ý tưởng về tiết tấu; có khi là 2, 3 giai điệu đối âm trộn lẫn.

      Nhạc sĩ khảo sát giòng nhạc, tìm vẻ đẹp thuần túy của nó. Ông khoái nhìn cách nó lên xuống, như nhìn một đường vẽ. Ông còn thử sửa đổi, hoàn thiện nó. Nhưng ông cũng muốn biết ý nghĩa tình cảm của giai điệu. Nếu mọi âm nhạc đều có giá trị diễn cảm, thì ông phải tìm biết cái giá trị đó của nhạc đề bằng cảm nhận không thể diễn tả được bằng lời mà chỉ ghi nhận chung chung là buồn hay vui, cao nhã hay thông tục....Đôi khi ông còn mơ hồ về tính chính xác của nó, nhưng sớm muộn bản năng cũng giúp ông nhận ra cái tính chất tình cảm của nhạc đề.

      Dẫu sao nhạc đề cũng chỉ là một chuỗi nốt. Đổi cường độ là tình cảm diễn tả cũng biến đổi theo. Đổi hòa âm hay tiết tấu cũng có tác dụng tương tự. Nhạc sĩ giữ trong đầu mọi biến hình khả hữu của giai điệu. Trước hết ông cố gắng xác định tính cách cốt yếu của nó, rồi tìm các cách có thể nhất thời thay đổi nó.

      Nhạc đề càng hoàn chỉnh thì càng ít khả năng biến hình theo những khía cạnh khác nhau. Nếu nhạc đề đủ dài, đủ hoàn chỉnh, khó biến đổi thì nó coi như đã có dạng xác định. Nhạc đề chỉ gồm vài nốt không ý nghĩa thì lại mở rộng chân trời khai phá hơn. Trong nhiều trường hợp, bản nhạc giá trị hay không hoàn toàn không tùy thuộc vào nhạc đề đẹp hay không. Nhạc sĩ không xét nhạc đề theo tiêu chuẩn này.

                
    2. Bây giờ là lúc quyết định môi trường cụ thể cho nhạc đề. Không phải ai cũng có tài như Beethoven:
      • "Khi một ý tưởng nẩy sinh trong đầu thì bao giờ tôi cũng nghe thấy nó ở trong nhạc cụ, chứ không phải chỉ là có trong đầu".
      Cho nên đa số tác giả phải tìm xem nhạc đề thích hợp nhất cho nhạc cụ nào? Hoặc cho giàn nhạc? Hoặc vì tính cách sâu lắng, thân mật thích hợp hơn cho tứ tấu? Hoặc vì tính cách du dương có thể đặt dưới dạng ca khúc? Hoặc vì kịch tính để dành cho nhạc kịch? Đôi khi tác giả viết được nửa tác phẩm rồi mới nhận ra môi trường nào thích hợp nhất cho nhạc đề.

                
    3. Đến đây vẫn chưa có tác phẩm. Tác giả biết rất rõ rằng phải cần một cái gì khác thêm vào để tạo nên 1 tác phẩm hoàn chỉnh. Trước hết cố tìm những ý nhạc khác có thể đi đôi với nhạc đề nguyên thủy. Muốn chúng liên hệ với nhau, cách dễ nhất là chọn cái gì tương đồng hoặc dị biệt với nhạc đề gốc, chúng không quan trọng bằng nhưng rất cần thiết để hoàn thành tác phẩm. Sau đó phải tìm kiếm chất liệu bắc cầu để liên kết các ý nhạc với nhau.

      Có 2 phương cách chính để thêm vào chất liệu gốc.
      1. Một là phương pháp kéo dài để cho tính chất nào đó của nhạc đề được xác định rõ nét.
      2. Hai là phương pháp biến đổi nhạc đề, phát triển, khai phá chất liệu ban đầu.
      Tất cả những việc này đều cần thiết để sáng tạo bản nhạc hoàn chỉnh: có ý nhạc hạt nhân, thêm những ý khác ít quan trọng hơn, kéo dài những ý nhạc, tìm chất liệu bắc cầu liên kết các ý, và triển khai đầy đủ các ý nhạc.

                
    4. Bây giờ tới công việc khó khăn nhất: nhào nặn tất cả các chất liệu để tạo thành 1 tổng thể cô đọng sít sao. Trong tác phẩm hoàn tất, mọi thứ phải ở đúng vị trí của nó. Thính giả phải có thể tìm được lối đi trong tác phẩm, không lạc đường, không lẫn lộn nhạc đề với chất liệu bắc cầu v.v...Tác phẩm phải có một cái đầu, một khúc giữa và một cái đuôi. Tác giả phải làm sao để thính giả luôn luôn biết được mình đang ở chỗ nào trong tương quan với đầu, giữa và đuôi. Ngoài ra toàn thể được sắp đặt phối trí khéo léo sao cho không nhận ra đâu là chỗ có những hàn gắn, đâu là chỗ cảm hứng chấm dứt, đâu là chỗ kỹ thuật bắt đầu.

      Khi sắp xếp chất liệu, tác giả không nhất thiết bắt đầu từ những mảnh vụn. Trái lại, mỗi tác giả được rèn luyện kỹ đều có sẵn những khuôn mẫu cấu trúc hình thức để tham khảo, chúng là cố gắng tổng hợp của nhiều thời đại để bảo đảm cho việc sáng tác được mạch lạc, sít sao, chặt chẽ. Nhưng dù hình thức nào nó cũng phải có 1 đường mạch chính, nghĩa là tạo cho thính giả cảm giác 1 cái gì đang luân lưu, 1 chiều liên tục từ nốt đầu đến nốt cuối. Âm nhạc phải luôn luôn chẩy, vì đó là yếu tính của nó. Nhưng việc sáng tạo nên cái liên tục và trôi chẩy đó, chính là mục tiêu của cả một đời nhạc sĩ.





    Trên đây là khái quát diển hình các công đoạn thực hiện khi bắt tay vào sáng tác âm nhạc. Tuy nhiên tùy cá tính mỗi tác giả, việc thực hiện diễn ra nhanh chậm, cũng như phương pháp khác nhau. Trên thực tế có thể phân biệt 4 loại nhạc sĩ sáng tác.

    • 1/ Loại cảm hứng ngẫu phát (F. Schubert, H. Wolf):
      Âm nhạc tuôn ra như suối. Bắt đầu bằng cả một ý nhạc dài hoàn chỉnh, hơn là 1 nhạc đề, dễ hoàn thành tác phẩm và với sản lượng nhiều. Thích hợp cho các bản ngắn, ít phức tạp, như ca khúc chẳng hạn.
      • Schubert viết rất nhiều ca khúc (vài trăm bài).
      • Bản nhạc Yesterday* nổi tiếng của Paul McCartney là cảm hứng trong một giấc mơ.

      2/ Loại kiến tạo (L.van Beethoven):
      Bắt đầu bằng 1 nhạc đề, coi như ý hạt nhân và dựa trên đó, dùng nhiều kỹ thuật, xây dựng nên tác phẩm. Thời gian cần thiết thường lâu dài và lao động cũng vất vả cực nhọc hơn.
      • Bản thảo của Beethoven thường có những dập xóa, thay đổi.

      3/ Loại truyền thống (Palestrina, J.S. Bach):
      Sinh vào lúc một phong cách sắp phát triển nở rộ, tác giả chỉ cần hoàn chỉnh nó tới mức tối đa. Bắt đầu thường bằng một khuôn mẫu hơn là một nhạc đề. Dĩ nhiên phải có ý nhạc trước, nhưng tác giả đã biết có sẵn những khuôn mẫu hình thức nào để phát triển thành bài hoàn chỉnh.
      • Vd. các tấu khúc của J.S.Bach.

      4/ Loại tiên phong (Mussorgsky, C. Debussy):
      Khảo hướng sáng tác đi ngược lại mẫu mực truyền thống, thích tìm tòi thử nghiệm cái mới.
      • Vd. sử dụng nhiều nghịch âm hoặc âm giai khác âm giai trưởng-thứ thông dụng.


    Tuy nhiên sáng tác theo kiểu nào không quan trọng, kết quả mới đáng kể. Tác giả nào cũng đều đi tìm cái huyền diệu làm nên tác phẩm giá trị. Đó là cái khả năng không thể giải thích được, biết đúng cái nốt kế tiếp là nốt nào. Hình thức chỉ là một danh từ trống rỗng, một cái vỏ, nếu không có tài năng tìm được cái không thể tránh được đó, có thể diễn tả bằng chữ là "Đúng, tất yếu". Khi tạo được cảm giác cái nốt này đi sau cái nốt kia đúng là cái nốt duy nhất chính xác, tất yếu phải xẩy ra vào lúc đó, tại mạch nhạc đó, thì nhiều phần là đã thành công. Cái khả năng tạo được cảm giác sau cùng: 1 cái gì đó tất yếu ở cõi đời này; 1 cái gì đó hoàn toàn ăn khớp, theo đúng quy luật của nó một cách sít sao; 1 cái gì đó có thể tin cậy, nó không bao giờ làm người nghe thất vọng...

    Chuyện này không dễ như J.S. Bach đã bảo, khi sáng tác ông chỉ giản đơn đặt cái nốt đúng vào vị trí đúng của nó. Tìm được cái đúng này là lao tâm khổ tứ của cả một đời nhạc sĩ, vì đó chính là bí quyết thành công của sáng tác âm nhạc.




    Phạm Đức Thân

    ____

    * Mời nghe Paul McCartney đàn và hát "Yesterday", một ca khúc được sáng tác từ giai điệu nghe thấy trong mơ:
              

              



    http://www.art2all.net/tho/phamducthan/ ... amnhac.htm
Trả lời

Quay về “câu chuyện âm nhạc”