Mẹ - Kawabata Yasunari

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Mẹ - Kawabata Yasunari

Bài viết bởi Hoàng Vân »







  • Mẹ
    (Haha, 1926) (33)
    __________________
    Kawabata Yasunari -
    Nguyễn nam Trân dịch




              

              

    I – Nhật Ký Người Chồng

    Đêm nay tôi cưới vợ về,
    Khi ôm nàng trong tay – tôi cảm thấy cái mềm mại đàn bà.
    Mẹ tôi cũng từng là một người con gái.
    Nước mắt đầm đìa, tôi ngỏ với người vợ mới,
    Hãy trở thành một bà mẹ hiền nghe em!
    Hãy trở thành một bà mẹ hiền nghe em!
    Bởi vì anh chưa bao giờ biết mẹ của anh[22].



    II- Khi người chồng lâm bệnh.

    Trời ấm đến độ chắc đã đủ cho chim én quay về. Từ bên sân nhà hàng xóm, những cánh hoa mộc lan rụng xuống, bay lướt đi như những con thuyền trắng. Bên trong cửa kính, người vợ đang dùng cồn lau thân thể chồng mình. Người chồng gầy guộc đến trơ xương sườn, trên những chỗ lõm đó, mồ hôi rịn ra khi ngủ đã đọng lại thành cáu ghét.

    -Anh trông giống như là…gì nhỉ, anh và căn bệnh của anh, cả hai như muốn chết chung vì tình!

    -Dám lắm đó! Bệnh phổi mà em[23].Vi trùng nó đục hết vùng quanh tim, làm gì chẳng thấy thế.

    -Phải rồi, vì trùng nó còn gần gũi với trái tim anh hơn cả em nữa. Khi anh vừa lâm bệnh, trước tiên em thấy anh trở nên vô cùng ích kỷ. Anh đã trêu ngươi đóng bít cánh cửa mà em có thể đi qua để vào bên trong tìm đến với anh. Nếu như chân anh mà bước được, nhất định là anh đã xua em qua một bên và bỏ nhà ra đi rồi.

    -Nếu đúng như vậy thì tại anh không muốn một cuộc quyên sinh vì tình tay ba trong đó có anh, em và lũ vi trùng.

    -Nếu cả ba có phải chết chung cũng được. Em không muốn thờ ơ nhìn cảnh anh đang cùng căn bệnh của anh rủ nhau chết chung. Dầu ba anh đã lây bệnh cho má anh, anh không lây bệnh cho em đâu. Không nhất thiết là cha mẹ và con cái phải chịu chung một số phận, anh à!

    -Đã đành như vậy. Mãi đến khi mắc bệnh, anh có bao giờ biết rằng căn bệnh phát ra nơi anh cũng là bệnh của cha mẹ anh đâu. Thế nhưng bây giờ thì rõ ràng anh cũng mắc cùng một bệnh.

    -Đâu có sao. Anh cứ lây cho em đi, lây cũng được mà. Như vậy em không bị anh cho em không được gần gũi anh.

    -Em nên nghĩ cho con chúng mình.

    -Con, con thì sao…?

    -Em không hiểu tâm trạng của anh gì hết. Má bên em hãy còn mạnh, sao em không chịu nghĩ cho bà.

    -Anh sao cứ gánh hết thiệt thòi cho mình, lúc nào cũng cam chịu. Nếu anh nói như vậy, em hận lắm, muốn giết má luôn đó. Em muốn nuốt mấy con vi trùng. Để em nuốt, nuốt hết cho coi.

    Người vợ vừa gào khóc, vừa phóng tới, nhắm đôi môi chồng. Người chồng chụp lấy cổ áo vợ mình.

    -Cho em nuốt! Cho em nuốt mà!

    Người chồng đem hết sức tàn của tấm thân gầy trơ xương ghìm lấy thân hình người vợ đang vùng vẫy chống trả. Bộ ngực trắng nõn đầy đặn phơi ra. Người chồng thổ một nhúm máu lên trên đôi vú no tròn đó rồi ngã lăn:

    -Đ…., đ…, đừng để con bú sữa em, em nhé!




    III- Khi người vợ lâm bệnh.

    -Má ơi, má, má ơi!

    -Má đây con. Má còn sống mà.

    -Má!

    Đứa bé lại chạy va vào cánh cửa phòng người bệnh. Thế là nó khóc òa.

    -Chớ cho nó vào. Đừng cho con vào!

    -Em sao mà lạnh nhạt !

    Người vợ nhắm mắt lại như giận lẫy vì nói không ai nghe rồi thả đầu mình xuống mặt gối.

    -Hồi xưa anh cũng như đứa nhỏ này, đâu được ai cho vào phòng bệnh thăm mẹ đâu. Cứ phải đứng ngoài cửa khóc hoài đó chứ!

    -Số phận hai cha con giống nhau, hở anh!

    -Số phận, số phận cái gì em. Anh có chết cũng van em đừng nhắc lại tiếng đó. Anh ghét cay ghét đắng nó.

    Ở một góc nhà, đứa bé đang khóc. Người đi tuần đêm đang đi qua, tay đánh mõ gỗ để làm hiệu. Tiếng rao nghe như thể ai lấy thanh sắt đập chan chát vào lớp nước đá nhểu xuống đọng trên cái máng tre.

    -Anh đâu còn nhớ kỷ niệm gì về mẹ của anh nhỉ?

    -Đúng rồi.

    -Anh mới lên ba hồi má mất?[24]

    -Ừ, anh mới có ba tuổi.

    -Đứa bé này[25] cũng mới lên ba!

    -Thế nhưng khi anh có tuổi hơn thì sẽ có lúc anh bất chợt nhớ ra khuôn mặt của mẹ anh không chừng.

    -Nếu anh đã được dịp thấy mặt má lúc má mất thế nào có ngày anh cũng nhớ ra thôi.

    -Không, em! Anh chỉ nhớ lúc mình va người phải cánh cửa buồng thôi. Nếu anh được tự do vào thăm bệnh mẹ thì ngược lại, nhất định bây giờ anh chưa chắc đã nhớ mãy may gì về mẹ anh đâu.

    Người vợ sụp mí mắt xuống một đỗi. Sau đó mới cất tiếng:

    -Sinh giữa thời đại không còn lòng tin tôn giáo, chúng mình thật thiếu may mắn. Thời buổi này, đâu còn ai tin có kiếp sau!

    -Em này, bây giờ đúng là thời đại mà người chết đi là kẻ bất hạnh nhất. Rồi một mai sẽ có một thời đại ngộ đạo[26], lúc mà người chết cũng tìm được hạnh phúc.

    -Đúng như anh nói!

    Rồi trong lòng người vợ hiện ra biết bao nhiêu là kỷ niệm về những lần mình cùng chồng mình đi du lịch phương xa. Nàng cảm thấy những phong cảnh xinh đẹp lần lượt chập chờn hiện ra trong đầu nhưng rồi như chợt tỉnh, nàng nắm lấy tay chồng, lặng lẽ nói:

    -Này anh, em…..Được làm vợ anh, em rất hạnh phúc, anh ạ! Em không bao giờ oán hận vì mình bị lây bệnh đâu anh. Anh tin lời em chứ!

    -Anh tin em mà.

    -Nếu thế, khi nào con mình lớn lên, anh cũng dựng vợ gả chồng cho nó nghe anh!

    -Anh hiểu ý em.

    -Trước khi cưới em, anh đã đau khổ nhiều rồi, phải không? Chính anh cũng mắc phải cùng một chứng bệnh như cha mẹ mình, lại lây cả bệnh ấy cho vợ, sinh được đứa con cũng sợ nó mang bệnh ấy. Dù vậy, cuộc hôn nhân này đã đem lại hạnh phúc cho em. Thế là đủ. Do đó anh không cần phải bắt con mình nếm sự đau khổ và buồn rầu vô ích vì khiến nó nghĩ rằng việc kết hôn đối với nó là điều không nên. Anh hãy để cho con vui hưởng cuộc sống vợ chồng. Đó là ý nguyện cuối cùng của em đó.




    IV- Nhật ký của người chồng.

    Đêm nay con gái tôi không ngủ,
    Khi ôm nó trong tay – tôi cảm thấy cái mềm mại đàn bà.
    Mẹ chúng ta cũng từng là một người con gái.
    Nước mắt đầm đìa, tôi ngỏ với đứa con thơ,
    Hãy trở thành một bà mẹ hiền nghe con!
    Hãy trở thành một bà mẹ hiền nghe con!
    Bởi vì cha con ta[27] chưa bao giờ biết về mẹ của mình.

              



    (Dịch ngày 20/05/2008)
    [22] Đoản thiên này mang tính cách tự truyện vì
    • cha (1901),
      mẹ (1902)
      bà (1906)
      em gái (1909)
      và ông (1914)
    của Kawabata lần lượt qua đời cách nhau không lâu. Có thể cha mẹ của ông chết vì lây bệnh cho nhau.
    [23] Bệnh lao phổi là lưỡi liềm của tử thần khó tránh trong bối cảnh những năm trước thế chiến thứ hai.
    [24] Năm mẹ mất (1902), Kawabata mới lên ba vì ông sinh năm 1899..
    [25] J. Martin Holman (sách đã dẫn) dịch là một đứa con trai nhưng như thế thì không phù hợp với đoạn cuối của nguyên tác, nói rõ “đứa bé này” là một cô con gái (waga musume).
    [26] Tác giả dùng chữ chie (trí huệ, trí tuệ), xin dịch theo nghĩa ngộ đạo hay liễu ngộ của nhà Phật gần gũi với tâm tình người Nhật hơn là nghĩa trí tuệ (sophia) trong triết học Tây Phương.
    [27] Nguyên văn Ware, một chữ có thể hiểu theo số ít lẫn số nhiều.

    https://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/Kawab ... Phan-1.htm
Trả lời

Quay về “của người”