Đạo Đức Kinh

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Khảo Luận
    ____________________________



    II. Đại cương Đạo Đức Kinh

    B. Lão tử là một nhà huyền học [101]




    Nói Lão tử là một nhà huyền học, nhiều người tưởng như vậy sẽ hạ giá Lão tử.
    Trái lại, nếu chúng ta hiểu rõ thế nào là huyền học, ta sẽ thấy đó là một huy hiệu rất cao siêu.

    Huyền học (mystique) là một danh từ hiện đại tặng dữ cho những ai có một đời sống siêu nhiên mãnh liệt, ý thức như đã tiếp xúc được với luồng quyền lực vô biên của vũ trụ. Những nhà huyền học là những người:

    • 1. Có tâm thần rất thông minh, tinh tế
      2. Nhìn thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình
      3. Nhận thức được tấn tuồng biến thiên ảo hóa của vũ trụ cũng như của lịch sử nhân quần.
      4. Cố tu luyện, cố thanh lọc tâm thần để đi đến chỗ cao minh linh diệu. [102]
      5. Sống phối hợp với Trời, coi mình là hiện thân của Thượng đế.


    Các nhà huyền học đông cũng như tây đều tin tưởng rằng sau bức màn hiện tượng biến thiên chất chưởng, còn có một Bản thể siêu việt, tuyệt vời.

    Các ngài không biết dùng danh từ gì để mô tả Tuyệt đối thể ấy cho hay, cho xứng, cho nên hoặc là tuyên bố mình bất lực trước Tuyệt đối vô biên ấy, hoặc là dùng những danh từ tiêu cực, mơ hồ để diễn tả, để đề cập đến Tuyệt đối thể ấy.

    Các ngài cho rằng con người sinh ra phải tìm cho về được nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy, và tất cả các sự biến hóa của vũ trụ lúc chung cuộc cũng kết thực trong đại thể vô biên vô tận ấy.

    Mà nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người. Con người chỉ việc lắng lòng lại, chỉ việc thu thần định trí, nhìn sâu vào tâm khảm mình sẽ tìm ra được Bản thể siêu việt huyền nhiệm ấy.

    Tìm ra được rồi, chỉ việc sống một cuộc đời khiêm cung, giản dị, hồn nhiên, tiêu sái, hạnh phúc. Từ nay không còn lo âu, không còn háo hức, vì biết rằng ngoại cảnh chẳng qua chỉ là những tấn tuồng phù du hư ảo. Từ nay sẽ thoải mái, hạnh phúc vì biết rằng mình đã nắm giữ được một cái gì quí báu nhất, linh thiêng nhất trần gian.



Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Khảo Luận
    ____________________________



    II. Đại cương Đạo Đức Kinh

    C. Toát lược Đạo Đức Kinh




    Đạo đức kinh của Lão tử chia làm hai phần:

    1. Thượng kinh gồm ba mươi bảy chương, 2140 chữ, bắt đầu bằng chữ Đạo 道.
    2. Hạ kinh gồm bốn mươi bốn chương (từ chương 38 đến hết chương 81), 2815 chữ, bắt đầu bằng chữ Thượng đức 上 德.

    Vì thế nên gọi là Đạo đức kinh 道 德 經. Tổng cộng toàn kinh có 81 chương, 4999 chữ.

    Đạo đức kinh là một quyển sách nhỏ, nhưng nổi tiếng là khó hiểu xưa nay.
    Mỗi người bình giải một cách, Tây có, Tàu có, Việt có, không biết cơ man nào là người bình,
    mà bức màn bí mật nhiều khi vẫn còn nguyên vẹn.

    Riêng Lão tử thời cho rằng quyển Đạo đức kinh là một quyển sách dễ hiểu, có mạch lạc.
    Đạo đức kinh chương 70 viết:

    Lời ta dễ biết dễ làm,
    Nhưng mà thiên hạ chẳng am chẳng tường.
    Lời ta nói có chủ trương,
    Việc ta vốn có lối đường chốt then.
    Nhưng mà tục tử ngu hèn,
    Hiểu ta chẳng nổi chuyện xem thường tình.
    Hiểu ta mấy bậc tinh anh,
    Ít người hiểu nổi nên danh càng lừng.
    Xưa nay các bậc thánh nhân,
    Ngọc tàng dưới lớp áo quần xác xơ.


    Vậy trước khi đi vào Đạo đức kinh ta phải tìm cho ra những lối đường, những then chốt của Đạo đức kinh.

    Trước hết chúng ta sẽ phải ghi nhận rằng Lão tử là một bậc chân nhân đã sống phối kết với Trời.
    Theo danh từ châu Âu hiện đại, thì ngài là một nhà huyền học. Nói như vậy, tức là ngài không phải là Thượng đế giáng trần để cứu nhân loại, như người Trung Hoa thời Hán đã suy tôn, mà ngài chính là một con người, nhờ công phu học hỏi, nhờ công phu tu luyện đã liễu đạt được chân tính con người, đã sống phối kết với Thượng đế.

    • Suy tôn ngài là Thượng đế giáng trần chẳng những một lần mà nhiều lần để cứu nhân loại như Biến hóa kinh chủ trương
      hay là một con người bất tử đã sang cả Ấn Độ dạy đạo cho đức Phật như Hóa Hồ kinh chủ trương,

    thực ra cũng chẳng có lợi gì cho chúng ta, vì như vậy chúng ta không có cách nào để tìm cho ra đường lối ngài.

    Ngược lại, coi ngài là một người học vấn, vì tu luyện đã tìm ra được chân đạo, đã đạt tới trạng thái cực cao minh linh diệu của con người, sẽ giúp ta hiểu đạo ngài, và giúp ta biết đường theo chân nối gót ngài.

    Cát Hồng tiên ông 葛 洪 仙 翁 viết:
    • «Các học giả có óc hẹp hòi đã coi Lão tử như là một người trời siêu xuất quần sinh và khuyên các thế hệ tương lai bắt chước ngài; nhưng làm thế tức là ngăn cản không cho mọi người tin được rằng có thể nhờ học hành mà tìm ra được bí quyết trường sinh bất tử.
      Thực vậy, nếu Lão tử chỉ là một hiền nhân đã đắc đạo, thì mọi người phải hết sức để theo gương bắt chước ngài. Nhưng nếu ra nói rằng: đó là một nhân vật đặc biệt, có thiên tính thì ta không thể nào bắt chước ngài được nữa.» [92]





    Trong quyển Đạo Đức kinh tất cả tư tưởng của Lão tử đều xoay quanh mấy vấn đề then chốt đó.

    1. Thoạt đầu sách, Lão tử đã đề cập đến Đạo.
      Chữ Đạo đây phải được hiểu là Tuyệt đối thể bất khả tư nghị, vô biên tế, là căn cơ, là nguồn gốc muôn loài.
      Ngoài chương đầu sách, Lão tử còn đề cập đến Đạo, đến tính chất của Đạo, đến quyền năng của Đạo ở các chương:
      4, 14, 21, 25, 32, 34, 51.
    2. Còn chữ Đức phải được hiểu là sự hiển dương của Đạo. [103]
      Thánh nhân chính là sự hiển dương tuyệt vời của Đạo, cho nên cũng được gọi là Thượng đức 上 德 nơi đầu chương 38, tức là chương đầu của Hạ kinh.
    3. Sau khi đã hiểu Đạo là bản thể của vũ trụ, là trục cốt của vũ trụ,
      thì những sự biến thiên bên ngoài đều được coi là tương đối không mấy đáng cho ta quan tâm (Xem các chương 2 và 36). Mục đích của cuộc biến hóa chính là sự trở về hiệp nhất với Đạo (chương 42).
    4. Thánh nhân là những người lãnh hội được đạo thể, thực hiện được đạo thể nơi mình,
      nên không ra khỏi nhà mà vẫn thấu suốt thiên hạ sự (chương 47).
      Các ngài sống khiêm cung đơn sơ, hồn nhiên, tiêu sái, phối hợp với trời, treo gương sáng cho đời, sống giữa hồng trần mà chẳng vương tục lụy, chẳng để cho vinh nhục lợi danh và những thú vui giác quan làm tản lạc tâm thần, mờ ám lương tâm (Xem các chương
      4, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 26, 27, 28, 29, 30, 33, 34, 35, 37, 38, 41, 44, 45, 47, 48, 49, 50, 55, 63, 64, 66, 67, 71, 72, 79, 81).
    5. Nguyện ước của Lão tử là muốn cho mọi người đắc Nhất, đắc đạo,
      để trần hoàn này sống trong thanh bình hoan lạc (các chương 39 và 46).
      Chương 53, ngài viết:

      Đạo trời tu dưỡng nơi mình,
      Trước sau ắt sẽ tinh thành chẳng sai.
      Gia đình tu đạo hôm mai,
      Đức Trời ắt sẽ láng lai tràn trề.
      Đạo Trời giãi sáng làng quê,
      Đức Trời ân cũng thêm bề quang hoa.
      Đạo Trời rạng chiếu quốc gia,
      Đức Trời lai láng tuôn ra vô ngần.
      Đạo Trời soi khắp gian trần,
      Đức Trời âu sẽ muôn phần mênh mang...
    6. Con đường tu luyện của ngài rất là giản dị:
      • - Không tập thở, tập hít,
        - Không cần tư thế ngồi thiền,
        - Không cầu trường sinh bất tử cho thân xác.
        - Không nấu thuốc luyện đơn, cũng không cầu linh chi, linh thảo, tuyệt thực, tuyệt cốc.


      Nơi chương 30, ngài viết:

      Người đức cả coi thường tục đức,
      Thế cho nên thơm phức hương nhân.
      Phàm phu nệ đức phàm trần,
      Cho nên xơ xác thêm phần xác xơ.
      Người đức cả vô vi khinh khoát,
      Người phàm phu lao tác tây đông.
      Người nhân dạ ít đèo bòng,
      Con người nghĩa khí kể công kể giờ.
      Con người nghi lễ so đo,
      Làm chưa thấy ứng, nhỏ to bất bình.


      Nơi chương 48, ngài viết:

      «Học nhiều càng lắm rườm rà,
      Càng gần Đạo cả càng ra đơn thuần.
      Giản phân, rồi lại giản phân,
      Tần phiên rũ sạch còn trần vô vi.
      Vô vi huyền diệu khôn bì,
      Không làm mà chẳng việc chi không làm.
      Vô vi mà được thế gian,
      Càng xoay xở lắm đời càng rối beng.»[104]


      Nơi chương 52, ngài viết:

      Âm thầm ấp ủ tấc son,
      Một đời trần cấu chẳng mòn mỏi ai.
      Mặc ai đày đọa hình hài,
      Một đời tất tưởi phí hoài tấm thân.
      Quang minh là thấu vi phân,
      Cương cường là biết giữ phần mềm non.
      Hãy dùng ánh sáng ngàn muôn,
      Đem về soi tỏ gốc nguồn chói chang.
      Thế là thoát mọi tai ương,
      Thế là biết sống cửu trường vô biên.
    7. Lão tử rất ghét hình thức bên ngoài. Nơi chương 38, ngài viết:
      Hễ Đạo mất, nặng tình với Đức,
      Đức không còn lục tục theo Nhân.
      Hết Nhân, có Nghĩa theo chân,
      Nghĩa không còn nữa thấy thuần Lễ nghi.
      Nên nghi Lễ là chi khinh bạc,
      Cũng là mầm loạn lạc chia ly.
      Bề ngoài rực rỡ uy nghi,
      Bề trong tăm tối, ngu si, ngỡ ngàng.
      Nên quân tử chỉ ưa đầy đặn,
      Chứ không ưa hào nháng phong phanh.
      Chỉ cần thực chất cho tinh,
      Không cần bóng bẩy lung linh bên ngoài.
      Bắc cân khinh trọng cho tài.
      Biết đường ôm ấp, biết bài dễ xuôi.
    8. Về phương diện chính trị, Lão tử chủ trương:
      • - Không làm khổ dân, không vẽ chuyện (các chương 3, 17, 29, 75).
        - Tránh chiến tranh (chương 30).
        - Không sùng thượng chiến tướng (chương 31).
        - Để cho dân sống hồn nhiên, không kích thích lòng tham của dân (các chương 17, 65).
        - Ngài mơ ước các nước trong thiên hạ đều nhỏ như những làng xóm, gần nhau đến nỗi gà kêu chó cắn đều nghe thấy; mà rất xa nhau, vì chẳng ai muốn tới nước của nhau.


      Khảo Trang Tử,
      ta thấy quan niệm của Lão tử cũng như của Trang tử là phục hồi lại thời hoàng kim của các vua Phục Hi, Thần Nông, Hoàng đế, Chúc Dung, v.v. khi ấy dân còn sống trong những bộ lạc rất nhỏ, còn hồn nhiên chưa biết chữ nghĩa luật pháp, nhưng sống sung sướng trong thanh bình thịnh trị.
      Trang Tử viết:
      • «Xưa vào thời Dung Thành... Hoàng đế Chúc Dung, Phục Hi, Hoàng đế, dân mới biết kết giây để nhớ việc. Họ cho cơm của họ là ngon, áo của họ là đẹp, phong tục của họ là hay, nhà của họ là yên ổn. Các nước láng giềng nhìn thấy nhau, nghe thấy tiếng gà kêu chó cắn của nước cạnh, mà dân đến chết cũng chẳng đi đâu. Thế mà thời ấy dân lại thịnh trị.» [105]


      Như vậy về phương diện chính trị, Lão tử cũng không nêu được ra quan niệm gì mới mà chỉ muốn làm sống lại khung cảnh thời hoàng kim xa xưa.

      Thời Hán Vũ Đế, Cấp Ám đã áp dụng những tôn chỉ đạo Lão vào nghệ thuật trị dân.
      Ông không can thiệp vào đời sống của dân, chỉ để ý đến đại cương không đi vào chi tiết. Một hôm Cấp Ám trách Hán Vũ Đế:
      • «Bệ hạ có nhiều dục vọng quá, mà bề ngoài làm ra vẻ thi nhân nghĩa, như vậy làm sao mà có thể bắt chước Nghiêu, Thuấn được? Ngày xưa Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Vũ không có dục vọng. Chỉ có những minh quân thánh đế mới vô dục. Còn các bậc quân vương khác đều lệ thuộc dục tình, như là rượu chè, sắc dục, tiền tài cung thất, hoặc ngao du, săn bắn, hoặc nuôi chó nuôi ngựa; hoặc mê văn chương; hoặc mê võ nghiệp; hoặc lo chinh phạt, chiếm đất đai; hoặc mê say Phật, Lão. Những dục vọng ấy tuy tác hại nhiều, ít khác nhau, nhưng chung qui đều làm tản mạn tâm thần, và làm sai lạc chính lý. Những bậc quân vương như vậy, mà lại gượng ép thi hành nhân nghĩa thì làm sao có thể cảm lòng dân được. Xưa muốn làm cho người khác trở nên hay, nhà vua trước phải sửa mình. Mà muốn sửa mình, trước hết phải bớt ham muốn. Một tâm hồn bớt ham muốn sẽ hư linh, và thiện sẽ nhập, khí sẽ bình, lý sẽ thắng, cho nên bất kỳ hành động nào cũng hợp lý, cũng tốt đẹp. Nghiêu Thuấn trị dân âu cũng không ngoài những nguyên tắc ấy.»[106]


      Những lời lẽ của Cấp Ám, làm ta hiểu rõ những nguyên tắc trị dân của đạo Lão.
      Một vua tham sắc, tham tài, tham danh, tham lợi, sẽ làm cho muôn dân khổ cực.
      • Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý trường thành,
        Hốt Tất Liệt với mộng xâm lăng,
        Trụ Vương với lòng hiếu sắc cho dân gặp biết bao điêu đứng.

      Nhiều vị vua nước Tàu đã tôn trọng chủ nghĩa vô vi, nên trên chỗ ngai vàng đã treo hai chữ Vô vi thật lớn. [107]
    9. Trong Đạo Đức kinh,
      • Lão tử đề cao Vô vi (xem các chương 3, 10, 37, 38; 43; 48; 63; v. v.)
        và muốn đem chủ trương vô vi
        • vừa vào công cuộc tu thân,
          vừa vào công cuộc trị dân.


      Vô vi về phương diện tu thân,
      dĩ nhiên không phải là sống nhàn cư vô sự,
      mà chính là sống một cuộc đời cao siêu, huyền hóa với Trời.
      • Liệt tử định nghĩa «vô vi» là hoạt động siêu việt.»[108]
      • Trang tử định nghĩa «vô vi» là hoạt động của Trời. [109]
      • Thái Thượng xích văn đổng cổ kinh viết:
        «Mọi việc hữu vi đều do vô vi mà ra, có vô vi thần mới trở về.» [110]
        (Hữu vi sinh tự vô vi,
        Vô vi, thần sẽ hồi qui vẹn toàn.)

      Vô vi về phương diện chính trị,
      cảm hóa dân bằng thần uy, thần lực của mình,
      chứ không phải là vô cớ làm phiền dân, bắt dân hi sinh để thực hiện những tham vọng của mình.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Khảo Luận
    ____________________________



    III. Tổng Luận




    Những bài học Lão tử cho ta
    • về phương diện tu thân,
      cũng như về phương diện chính trị,

    tuy giản dị nhưng rất cao siêu, và rất khó thực hiện.

    Đó là một lý tưởng cho cá nhân cũng như nhân quần phải vươn lên. Có lẽ đến thời hoàng kim mai hậu nhân loại mới thực thi được. Ước gì học Đạo Đức kinh xong chúng ta sẽ:

    Thảnh thơi, ta sống thảnh thơi,
    Đời ta chẳng chút lôi thôi tần phiền.
    Đời ta thơm phức hương tiên,
    Bao nài lớn nhỏ, sá xem ít nhiều.
    Cởi giây thù oán chẳng đeo,
    Ta đem đức độ đổi điều gian ngoan.
    Khó gì ta cũng cứ làm,
    Bắt đầu từ dễ ta sang khó dần.
    To gì ta cũng không cần,
    Bắt đầu từ nhỏ, ta vần sang to.
    Đời người vạn sự gay go,
    Đều từ dễ dãi lần mò mãi ra.
    Những điều cao đại xưa giờ,
    Đều từ nhỏ nhặt đem vo cho thành.
    Cho nên những bậc tinh anh;
    Chẳng cần lớn lối vẫn dành cao sang.
    Những ai hứa hẹn muôn ngàn,
    Tình xuông rồi sẽ bẽ bàng đơn sai.
    Những ai khinh thị cuộc đời,
    Càng ngờ dễ dãi, càng ngời khó khăn.
    Cho nên những bậc thánh nhân,
    Biết e cái khó, khó khăn chừa người.
    (ĐĐK, chương 63)


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương I
    THỂ ĐẠO 體 道
    [1]




    Hán văn:
    道 可 道 非 常 道. 名 可 名 非 常 名.
    無 名 天 地 之 始; 有 名 萬 物 之 母.
    故 常 無 欲 以 觀 其 妙; 常 有 欲, 以 觀 其 徼.
    此 兩 者 同 出 而 異 名. 同 謂 之 玄. 玄 之 又 玄. 眾 妙 之 門.

    Phiên âm:
    1. Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh.
    2. Vô danh thiên địa chi thủy; Hữu danh vạn vật chi mẫu.
    3. Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu; Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu.
    4. Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền. Chúng diệu chi môn.

    Dịch xuôi:
    1. Đạo (mà) có thể gọi được, không phải là Đạo thường (hằng cửu). Tên mà có thể gọi được, không (còn) phải là tên thường (hằng cửu).
    2. Không tên là gốc của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật.
    3. Cho nên thường không có dục để nhìn thấy chỗ vi diệu của mình. Thường có dục, để nhìn thấy chỗ giới hạn (công dụng) [2] của mình.
    4. Hai cái đó cùng một nguồn gốc, nhưng tên khác nhau, đều gọi là Huyền nhiệm. (Cái) tối ư huyền nhiệm ấy chính là cửa phát sinh ra mọi điều huyền diệu.


    Dịch thơ:
    1. Hóa công hồ dễ đặt tên,
    Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.
    2. Không tên sáng tạo thế gian,
    Có tên, là mẹ muôn vàn thụ sinh.
    3. Tịch nhiên cho thấy uy linh,
    Hiển dương cho thấy công trình vân vi.
    4. Hai phương diện một Hóa Nhi,
    Huyền linh khôn xuất huyền vi khôn lường.
    Ấy là chúng diệu chi môn,
    Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.





    BÌNH GIẢNG

    Chương 1 này rất quan trọng vì bàn về Đạo thể của vũ trụ. Ta có thể nương theo ý Lão tử mà bình giải như sau:

    Đạo là gì?

    • 1. Đạo chính là Tuyệt đối, là Bản thể thường hằng cửu vũ trụ. Vì Tuyệt đối, nên Đạo khó bàn cãi, khó xưng danh.
    • 2. Đạo chính là nguồn gốc sinh xuất vũ trụ quần sinh.
    • 3. Đạo có thể ở vào một trong hai trạng thái:
      • Tĩnh và Động.
        Tĩnh là trạng thái chưa hiển dương.
        Động là trạng thái đã hiển dương.
        Chưa hiển dương thời minh linh, ảo diệu, không biết đâu là bến bờ.
        Đã hiển dương, thời mới thấy công trình vân vi, giới hạn.
    • 4. Nhưng hiển dương hay không hiển dương, vẫn chỉ là một đạo thể siêu vi. Danh hiệu tuy khác nhau nhưng tựu trung vẫn là một thực thể.
      Đạo thể siêu vi ấy là cửa thiêng sinh xuất ra mọi điều huyền vi ảo diệu.
    • 5. Quan niệm của các nhà bình giải về chữ Đạo:
      • Các nhà bình giải và các dịch giả Âu châu thường hiểu Đạo là Nguyên lý vũ trụ.
        • Wieger dịch Đạo là Principe (Nguyên lý).
        • A. Rémusat dịch Đạo là Logos (Thần ngôn).
        • Stanislas Julien dịch Đạo là La Voie (Đường).
        • P. B. Blakney dịch Đạo là The Way (Đường).
        • Các dịch giả người Đức dịch Đạo là Weg (Đường), Vernunft (Lý), Wort (Logos, Thần ngôn), Wahrheit (Chân lý).
        • A. W. Watts dịch Đạo là Réalité ultime (Thực thể tối hậu).
        • Trong bản dịch Đạo Đức Kinh đầu tiên ra tiếng Latinh chữ Đạo đã được dịch là: Lý; Nguyên lý; Tạo hóa. [3]
        • A. Rémusat, giáo sư Hoa ngữ ở Đại học Paris, dịch giả Đạo đức kinh, cho rằng chỉ có thể dịch chữ Đạo bằng chữ Logos với nghĩa là Nguyên thể, Nguyên lý, Nguyên âm. [4]
        • Hardwick, giáo sư đại học Cambridge, cho rằng chữ Đạo phải được hiểu là Nguyên nhân trừu tượng, là Nguyên lý, Nguyên sinh vô hình, vô tượng, vô thủy vô chung, vô biên tế, v.v. [5]
      • Các nhà bình giải Đạo đức kinh, Hoa hay Việt cũng đều giải Đạo là Nguyên lý tối cao, là nguồn gốc sinh ra trời đất vạn vật, là Thái cực, v.v.




      Để giải thích chữ Đạo cho rõ hơn, tôi mượn lời lẽ của Hoài Nam tử 淮 南 子
      trong thiên Nguyên đạo huấn 原 道 訓 (xem Hoài Nam tử, chương I),
      và trình bày như sau:

      «Hóa công chở đất che trời,
      Mênh mông bốn hướng, chơi vơi tám từng.
      Cao cao vô tận vô ngần,
      Thẳm sâu, sâu mấy muôn tầm đo sao.
      Trùm trời mà đất cũng bao,
      Vô hình, vô tượng, nhẽ nào hình dung.
      Nguồn tung, suối tỏa tưng bừng,
      Ngỡ là sắp cạn, bỗng dưng đầy tràn.
      Ào ào, cuồn cuộn, vang vang,
      Ngỡ là vẩn đục, vẫn hoàn trong veo.
      Giồng lên, đất ngợp trời teo,
      Tung ra, bốn biển có chiều mung lung.
      Ra tay linh diệu khôn cùng,
      Quang âm khôn cản, dặm chừng vân du.
      Khi tung trời đất không vừa,
      Khi thu, nhỏ xíu lọt vừa nắm tay.
      Tuy co mà dãn như mây,
      Tuy mờ mà sáng như ngày nắng chang.
      Tơ non mà rất cương cường,
      Mềm nhung, mà rắn in tuồng thép gang.
      Gồm tứ đức, vai mang tuế nguyệt,
      Ngất trời mây soi hết trăng sao.
      Mịn màng, thắm thiết biết bao,
      Tế vi, tươm tất tả sao cho cùng.
      Núi nhờ thế, mà tung cao vút,
      Vực dựa uy, sâu ngút ngàn trùng.
      Ngài cho thú chạy trong rừng,
      Cho chim tung cánh chín từng mây xanh.
      Ngài tô ánh quang minh nhật nguyệt,
      Ngài rong cương ruổi hết tinh vi.
      Kỳ lân đùa rỡn cũng vì,
      Phượng loan bay bổng quyền uy không ngoài.
      Đời thái cổ, có hai hoàng đế,
      Nhờ ơn ngài chỉ vẽ trước sau,
      Mới nên nhân đức nhiệm mầu;
      Thần thông hóa dục, dẫn đầu muôn phương.
      Quyền uy ngài khôn lường, khôn tả,
      Rung cả trời, lắng cả đất đai,
      Quay cho trời đất vẫn xoay,
      Xô cho nước chảy đêm ngày chẳng thôi.
      Thủy chung để sánh vai muôn vật,
      Thổi gió giông, ủ ấp làn mây,
      Việc gì cũng có dúng tay,
      Ầm ầm sấm động, mưa bay tỏ quyền...»


      Sau khi đã hiểu Đạo là Nguyên lý tối cao của vạn hữu,
      sau khi đã nhận định rằng Đạo vô hình danh và bất khả tư nghị,
      tôi sẽ dùng những từ ngữ «hữu hình danh» như: Hóa Công, Hóa Nhi, Tạo hóa, Khuôn xanh, Khuôn thiêng, v.v. để dịch chữ Đạo. Sở dĩ tôi dám làm như vậy là vì:
      • 1. Đạo không có tên, cho nên dùng danh từ nào cũng bất xứng như nhau, kể từ ngay cả chữ Đạo.
        Chính Lão tử cũng chủ trương như vậy. Ngài viết:
        • «Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết đạo.»
          吾 不 知 其 名, 字 之 曰 道
          (Ta không biết tên ngài, ta gọi bằng Đạo.)
      • 2. Trang tử nhiều khi cũng đã nhân cách hóa Đạo và gọi bằng Tạo Hóa, Tạo vật giả, v.v.
        (Xem Nam Hoa kinh, chương 6, F).



    Câu
    «Thường vô dục dĩ quan kỳ diệu,
    thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu.»
    常 無 欲 以 觀 其 妙, 常 有 欲 以 觀 其 徼


    nơi đoạn 3 chương này xưa nay thường được dịch và giải như sau:
    • «Không có dục tình mới thấy được bản thể vi diệu của Đạo,
      có dục tình thời chỉ thấy được những hình tướng, vạn thù, sai biệt bên ngoài của Đạo mà thôi.»

    Ý rằng muốn hiểu Đạo, thời cần phải sống phối kết với Đạo, vì thế nên Hà Thượng Công 河 上 公 mới gọi chương này là «Thể Đạo» 體 道. Các nhà Đạo học cũng còn cho rằng hai câu này chính là chìa khóa để đi vào công phu tu luyện, đắc đạo, thành tiên. Hà Thượng Công 河 上 公, Huỳnh Nguyên Cát 黃 元 吉, Wieger, Legge, Stanislas, Julien, v.v. đều hiểu nhất loạt như vậy.

    «Rằng hay thì thật là hay», nhưng riêng tôi thấy rằng nếu dịch như vậy, chương nhất này sẽ mất mạch lạc. Đoạn 3 này sẽ không ăn ý với đoạn 4. Wieger đã nhìn thấy sự mất mạch lạc ấy nên ông đã đánh số đoạn 3 thành đoạn 4, và lúc dịch đã đem đoạn 3 này xuống cuối chương.

    Chẳng lẽ Lão tử viết sách mà không lưu ý đến mạch lạc của chương cú hay sao. Chính vì vậy mà khi dịch
    • tôi vẫn áp dụng hai câu này cho Đạo, thay vì cho người,
      và cho rằng hai câu này mô tả hai phương diện ẩn hiện của Đạo.

    Tịch nhiên cho thấy uy linh,
    Hiển dương cho thấy công trình vân vi.


    Dịch như vậy ta thấy hai câu sau cùng mới có ý nghĩa:

    «Hai phương diện một Hóa Nhi,
    Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,
    Ấy là chúng diệu chi môn,
    Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.»


    Lối dịch và hiểu của tôi làm cho chương này trở nên nhất trí, vì trên dưới chỉ luận về Đạo, về Đạo thể. Và nếu có thể đặt tên cho chương này, tôi sẽ đặt là Đạo thể thay vì hai chữ Thể đạo của Hà Thượng Công.

    Nhận xét rằng Lão tử sau này còn dùng nhiều chương để bàn luận về Đạo (xem các chương 4, 14, 6, 25, 34, 42, 52) thì không có lẽ nơi chương I, ngài lại nói được có một hai câu về Đạo, rồi vội vàng quay ra dạy công phu tu luyện, biết Đạo, hiểu Đạo. Chính vì vậy mà tôi mới có lối bình và dịch như trên. Sai hay phải sau này tùy công luận phê phán. [6]




    _______________________________________
    • [1] Tên các chương theo Hà Thượng Công 河 上 公.
    • [2] Annie Besant dịch:
      • Nous devons être trouvés toujours sans désir
        Si nous voulons en sonder le mystère profond.
        Mais si le désir est toujours en nous,
        Nous n’en verrons que la frange extérieure
        Annie Besant, La Sagesse antique, p. 22.
    • [3] The first translation of the Tao Teh King into a Western language was executed in Latin by some of the Roman Catholic missionaries and a copy of it was brought to England by a Mr. Matthew Raper, F. R. S. and presented by him to the Society at a meeting on the 10th January 1788, – being the gift to him of P. Jes. De Gramment, Missionarius Apostolicus, ex-Jesuita. In this version, Tâo is taken in the sense of Ratio, or the Supreme Reason of the Divine Being, the Creator and Governor.
      James Legge, The Text of Taoism, p. 58.
    • [4] Ce mot me semble ne pas pouvoir être bien traduit si ce n’est par le mot Logos, dans le triple sens
      • de souverain Être
        de raison
        et de parole.»
      (Ibid., p. 58)
    • [5] The indefinite expression Tao was adopted to denominate an abstract cause, or the initial principle of life and order, to which worshippers were able to assign the attributes of immateriality, eternity, immensity, invisibility.
      (Ibid., p. 59)
    • [6]
      • a) Hai phương diện ẩn hiện của Đạo thường hay được các nhà huyền học đề cập tới. Annie Besant viết trong quyển La Sagesse antique như sau:
        • Dans le Tâo Teh Ching, l’enseignement traditionnel au sujet du Non-Manifesté et du Manifesté ressort clairement:
          Le Tâo qui peut être suivi n’est pas le tao éternel et immuable.
          Le nom qui peut être nommé n’est pas le nom éternel et immuable.
          Lorsqu’il n’a point de nom, il est Celui qui a engendré le Ciel et la Terre;
          lorsqu’il possède un nom, il est la Mère de toutes choses. (...)
          Sous ces deux aspects, il est identique en réalité mais à mesure que le développement se produit, il reçoit différents noms.
          Ensemble nous les appelons le Mystère. (I, 1, 2, 4)
          Xem La Sagesse antique, p. 18.
      • b) Ramakrishna nhận định về Tuyệt đối cũng giống y như Lão tử. Ông viết trong quyển L’ Enseignement de Ramakrishna như sau:
        • - L’Absolu est ineffable, impensable, inconcevable.
          (op, cit. p. 467)
        • - L’Absolu est l’Être non conditionné par quoi que ce soit:
          ni, par le temps, ni par l’espace, ni par la causalité, comment les paroles pourraient-elles l’exprimer.
          (Ibid., p. 467)
        • - Quand on pense à l’Être Suprême sous son aspect inactif (nishkriya) on le nomme Dieu absolu (Shuddha-Brahman)
          et quand on le représente sous son aspect actif créant soutenant et détruisant, on le nomme Shakti ou Divinité personnelle.
          (Ibid., p. 475)

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 2
    DƯỠNG THÂN 養 身




    Hán văn:
    天 下 皆 知 美 之 為 美, 斯 惡 已; 皆 知 善 之 為 善, 斯 不 善 已. 故 有 無 相 生, 難 易 相 成, 長 短 相 形, 高 下 相 傾, 音 聲 相 和, 前 後 相 隨.
    是 以 聖 人 處 無 為 之 事, 行 不 言 之 教.
    萬 物 作 焉 而 不 辭, 生 而 不 有, 為 而 不 恃, 功 成 而 弗 居.
    夫 唯 弗 居, 是 以 不 去.

    Phiên âm:
    1. Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình,[1] cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy.
    2. Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo. [2]
    3. Vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị,[3] công thành nhi phất cư.
    4. Phù duy phất cư, thị dĩ bất khứ. [4]

    Dịch xuôi:
    1. Thiên hạ đều biết đẹp là đẹp, thế là xấu vậy; đều biết tốt là tốt thế là không tốt vậy, bởi vì có không sinh ra nhau dễ khó thành tựu lẫn nhau, ngắn dài tạo thành lẫn nhau, trên dưới lộn lạo ra nhau, thanh âm hòa hợp với nhau, sau trước theo nhau.
    2. Cho nên thánh nhân dùng Vô vi mà xử sự, dùng «vô ngôn» mà dạy dỗ.
    3. Vạn vật hoạt động mà vẫn im lìm; sống động mà không (đòi quyền) sở hữu; lao tác mà không cậy công; công thành mà không lưu luyến.
    4. Không lưu luyến nên mới không mất.


    Dịch thơ:
    1. Người đời thấy đẹp biết khen,
    Thế là cái xấu đã chen vào rồi.
    Điều hay đã rõ khúc nhôi,
    Thời đà dang dở lôi thôi sinh dần.
    Mới hay: Không có chuyển vần,
    Dễ sinh ra khó, vắn nhân thành dài.
    Thấp cao tùy ngó ngược xuôi,
    Tiếng ca, trầm bổng, dòng đời trước sau.
    2. Thánh nhân khinh khoát tầng cao,
    Vô vi, thầm lặng, tiêu hao dạy đời.
    3. Kìa xem muôn vật thảnh thơi,
    Im lìm sinh hoạt, một lời cũng không.
    Ngày đêm làm chẳng kể công,
    Công thành phơi phới, tuyệt không bận lòng.
    4. Không nấn ná lúc thành công,
    Cho nên tồn tại mãi cùng thiên thu.





    BÌNH GIẢNG

    1. Sau khi đã cho ta thấy Đạo thể siêu việt tuyệt đối ở nơi chương I,
    Lão tử liền cho ta thấy nơi đây một cái nhìn bao quát về thế giới tương đối biến thiên, đầy mâu thuẫn, và cho rằng những mâu thuẫn ấy đều là tương đối, giả tạo đối với một nhà đạo học.

    • Theo Lão tử
      • trong cái hay có cái dở, trong cái dở lại có cái hay. (ĐĐK, chương 58).
        Vả lại, «Thiện ác cũng chẳng khác nhau là bao nhiêu.» (ĐĐK, ch. 20)

      Tại sao vậy? Bởi vì vạn vật ảo hóa biến thiên.
      • Nếu ta tách mọi sự ra khỏi vòng biến dịch, ta sẽ thấy xấu tốt khác nhau.
        Nhưng nếu ta lồng mọi sự vào vòng biến chuyển, ta sẽ thấy thiện cũng như ác, đẹp cũng như xấu, không có gì là cố định.
    • Héraclite cũng đã viết:
      • «Trong chu kỳ biến hóa, sống chết đắp đổi nhau. Tiên tục, tục tiên; tục sống thời tiên chết, tục chết thời tiên sống.» [5]
        «Sống hay chết, thức hay ngủ, trẻ hay già chỉ là một, vì sự biến hóa, cái này sẽ thành cái kia, cái kia sẽ thành cái nọ. [6]
        [... ] Nhất tán thời thành vạn, vạn tụ thời thành nhất.» [7]
    • Kinh nghiệm cũng cho chúng ta thấy rằng:
      • Sự thiện ác theo đà thời gian, theo trào lưu lịch sử cũng đã luôn luôn thay đổi bộ mặt.

      Sử gia Henry Steele Commager viết:
      • «Lịch sử cho chúng ta thấy rằng các tiêu chuẩn, các giá trị, các nguyên tắc biến đổi theo thời gian và xã hội. Ở trong một xã hội, chúng biến đổi theo mỗi thế hệ. Các giáo hoàng xưa đã được lựa chọn vì học vấn và nhân đức đã tin rằng luân lý bắt buộc các ngài phải tiêu trừ «loạn giáo» (hérésies) bằng sắt bằng lửa, bằng bạo tàn bằng tra tấn. Các người Âu châu thế kỷ XVI đã không ngần ngại, giết người da đỏ, vì cho rằng họ không có linh hồn. Những người thanh giáo (puritains) giỏi giang và ngay thẳng đã không ngần ngại kết án tử hình những mụ phù thủy, và ở thế kỷ XIX, các người Công giáo miền Nam nước Mỹ đã cho rằng chế độ nô lệ là một ân sủng của Trời.» [8]
    • Trang tử cũng viết đại khái rằng:
      • «Trên phương diện Đạo thể thì một cọng cỏ hay một xà nhà, nàng Lệ hay Tây Thi, vui hay buồn, khôn hay dại, tất cả đều là một. Thịnh suy thành bại chỉ là những trạng thái tương tục luân phiên. Tất cả đều là một nhưng chỉ có những bậc đại trí mới thấy được. Cho nên thánh nhân vượt lên trên các quan niệm thị phi yên nghỉ trong Hóa Công, mặc cho sự vật chuyển vần xuôi ngược.» [9]

    Thế tức là
    • trong thế giới biến dịch, ta phải chấp nhận mọi trạng thái, mọi khía cạnh,
      và phải biết vươn mình lên trên những cặp mâu thuẫn tương đối ấy để sống trong Đạo thể đại đồng.

    Vì thế tiếp theo Lão tử mới khuyên chúng ta:
    • Xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo.» 處 無 為 之 事, 行 不 言 之 教.





    2. Xử vô vi chi sự

    Hai chữ Vô vi rất là quan trọng.
    Lão tử, Liệt tử, Trang tử thường đề cập đến hai chữ vô vi.
    • Ta thấy Đạo đức kinh đề cập hai chữ Vô vi nơi các chương:
      • - Chương 2, B
        - Chương 3, C
        - Chương 10, D
        - Chương 37, A
        - Chương 38, A
        - Chương 43, B
        - Chương 48, B
        - Chương 57, C
        - Chương 63, A
        - Chương 64, C
    • Xung Hư chân kinh 沖 虛 真 經 đề cập Vô vi nơi các chương:
      • - Chương 2, J (Léon Wieger, Les Pères du Système Taoiste, tr. 94)
        - Chương 8, H (tr. 186) (Định nghĩa Vô vi).
    • Nam Hoa kinh đề cập Vô vi nơi các chương:
      • - Chương 6, G (tr. 258) và E (tr. 254)
        - Chương 7, F (tr. 266)
        - Chương 10, D (tr. 280)
        - Chương 11 A (tr. 284)
        - Chương 11 D (tr. 290)
        - Chương 11 F (tr. 292) (Định nghĩa Vô vi)
        - Chương 12 A và B (tr. 294)
        - Chương 13 A (tr. 308)
        - Chương 13 B (tr. 310)
        - Chương 15 B (tr. 130)
        - Chương 18 A (tr. 350)
        - Chương 22 H (tr. 396)


    Vô vi là gì?
    • Các học giả bình giải Đạo Đức kinh thường cho rằng Vô vi là sống thuận theo tự nhiên.
      Thiết tưởng giải như vậy chưa cho chúng ta thấy được hết tầm quan trọng của hai chữ Vô vi.
    • Liệt tử cho rằng:
      • «Lời nói cao siêu nhất là sự thầm lặng,
        việc làm cao siêu nhất là vô vi.» [10]
    • Trang tử cho rằng:
      • «Vô vi là đường lối của trời đất.» [11]
        «Vô vi là công việc của Trời.» [12]
        «Tịch mịch vô vi là căn bản của vạn vật.» [13]
        «Vô vi để trở về khế hợp với bản căn, bản tính, để thành thần.» [14]
    • Chương 37 Đạo Đức kinh cũng cho rằng Vô vi là hoạt động của Đạo. [15]
    • Các nhà luyện đan thời cho rằng:
      • - Vô vi là nhập đại định. [16]
        - Đạt tới Vô vi là đạt tới Đại chu thiên 大 周 天, giai đoạn tối hậu của khoa luyện đan, tức là nhập định hóa thần 入 定 化 神. [17]

    Tóm lại, ta có thể nói rằng theo đạo Lão thì:
    • Ở cõi hữu vi là cõi người;
      lên cõi vô vi là lên cõi trời.
    • Chính vì thế mà xưa cao tăng Cưu Ma La Thập 鳩 摩 羅 什 (Kumarajiva, 340-413) đã dùng hai chữ Vô vi để dịch chữ Niết Bàn 涅 槃 . Như vậy đạt tới Vô vi tức là đạt tới cõi bất sinh bất diệt. [18]
    • Mặt khác chúng ta cũng nên ghi nhận rằng chữ Niết bàn còn được phiên âm ra tiếng Hán bằng hai chữ Nê hoàn 泥 丸 . [19]
    • Đạo Phật cũng đã dùng chữ Nê Hoàn để phiên âm chữ Niết Bàn. Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết:
      • Phục thỉnh thế tôn vị chứng minh
        Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.
        Nhất nhất chúng sinh vị thành Phật
        Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn.
        Dịch:
        Cúi xin Thế Tôn hãy chứng minh,
        Đời ác ngũ trược thề vào trước.
        Như một chúng sinh chưa thành Phật
        Trót chẳng về nơi cảnh Niết Bàn. [20]

    Như vậy ta có: Niết Bàn = Vô vi = Nê Hoàn = Não thất ba.
    Phương trình này làm ta liên tưởng đến câu nói sau đây của một nhà Tâm lý học Âu châu:
    • «Sự khác biệt giữa kiến thức và tín ngưỡng chẳng qua là sự khác biệt giữa cổ não (trung não) và tân não (ngoại não).» [21]



    Vượt lên trên thế giới phù sinh, tương đối để đi vào thế giới của chân nhất, của Đạo thể, đó là: Xử vô vi chi sự 處 無 為 之 事 .

    Khảo kinh Kim Cương, ta cũng thấy nói y như vậy. Phật nói:
    • «Phàm cái gì có hình tướng, thảy đều hư vọng.»[22]
    Lại nói:
    • «Phải lìa tất cả các chấp tướng mới gọi là chư Phật. [23]

    Ngài Cảo thiền sư ngộ được câu «Lìa tất cả các vọng chấp mới là chư phật» nên có làm hai bài tụng rằng:
    • «Thân khẩu ý thanh tịnh,
      Thị danh Phật xuất thế.
      Thân khẩu ý bất tịnh,
      Thị danh Phật diệt độ.
      Tức tâm thị Phật vô dư pháp.
      Mê giả đa ư tâm ngoại cầu.
      Nhất niệm quách nhiên qui bổn tế
      Hoàn như tẩy khước thượng thuyền đầu.

      Phỏng dịch:
      Thân khẩu ý thanh tịnh,
      Đó là Phật xuất thế.
      Thân khẩu ý bất tịnh,
      Đó là Phật nhập diệt.
      Tâm kia là Phật chớ nên quên,
      Mê mới ngoài tâm kiếm mọi miền
      Nhẽ ấy vỡ ra là tới Phật,
      Dễ như rửa cẳng bước lên thuyền. [24]

    Phật lại dạy:
    • Tu Bồ Đề, Bồ tát phát tâm Bồ đề phải xa lìa tất cả các chấp tướng.
      Bồ tát không nên sinh tâm trụ chấp nơi sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần [... ]
      Nói tóm lại, Bồ tát đừng sinh vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả.
      Nếu Bồ tát tâm còn trụ chấp nơi nào, thì không phải thật an trụ chân tâm. (Ib. 109).

    Ta cũng có thể mượn mấy vần thơ phỏng theo ca vịnh David XV mà giải câu «Xử vô vi chi sự» như sau:

    Ai lên núi Chúa cao quang,
    Dừng bước đền vàng sang trọng huyền linh.
    Là ai giữ tấm lòng thanh,
    Giữ bàn tay khỏi vấn tanh mùi phàm.
    Ai lên núi Chúa cao quang,
    Dừng bước đền vàng sang trọng huyền linh.
    Là ai sống giữa phù sinh,
    Chẳng hề mơ quẩn ước quan bận hồn. [25]





    Hành vô ngôn chi giáo

    Nếu trên đã giải Vô vi là hoạt động của thần, của Đạo, của Trời,
    thì bây giờ lại phải giải Vô ngôn là tiếng nói của Đạo, của Thần, của Trời.

    Tiếng nói của Thần, của Đạo tưởng là thầm lặng nhưng chính là sấm vang rung chuyển vũ trụ.
    • Lão tử Đạo đức kinh, chương 41 viết:
      • «Đại âm hi thanh.» 大 音 希 聲 (Tiếng to như sấm mà dường vô thanh.)
    • Liệt tử giải:
      • Vô ngôn là chí ngôn, là tiếng nói cao siêu nhất chính là vì vậy. [26]
    • Trang tử cũng viết trong Nam Hoa kinh:
      • «Vô vi chi chi vị Thiên, vô vi ngôn chi chi vị Đức.»
        (Vô vi là việc của Trời,
        Hễ là Đức cả không lời lặng thinh.)


    Vì thế cho nên những bậc đại trí thường muốn vô ngôn.
    • Liệt tử viết:
      • «Đắc ý giả vô ngôn, tiến trí giả diệc vô ngôn.» 得 意 者 無 言,進 智 者 亦 無 言
        (Người được như ý thời không nói. Người đại trí cũng không nói.)[27]
    • Khổng tử cũng muốn Vô ngôn, vì đó là thái độ của Trời. Ngài nói:
      • «Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vẫn vần xoay, vạn vật vẫn sinh hóa.» [28]
    • Phật nói:
      • «Thủy tùng thành đạo hậu,
        Chung chí Bạt đề hà.
        Ư thị nhị trung gian,
        Vị thường thuyết nhật tự.»
        Dịch:
        «Từ khi mới thành đạo,
        Đến lúc nhập Niết Bàn,
        Trong khoảng thời gian này,
        Ta không nói một chữ.» [29]
    • Kinh Kim Cương cũng viết:
      • «Vô thuyết, vô văn, chân Bát Nhã.» 無 說 無 聞 真 般 若. [30]


    Mới hay:
    Tiếng của người thì hữu thanh, hữu ngôn,
    tiếng của Trời, của Đạo thời vô thanh, vô ngôn.





    3. Sống tự nhiên vô vi, vô ngôn như vậy chính là khuôn theo đường lối của trời đất, vì vũ trụ vạn vật đều im lìm sinh hoạt, tuy sinh mà không cho mình là có, tuy làm mà không tự thi, tuy thành công mà không lưu luyến với thành quả đã thâu lượm được.




    4. Thánh nhân cũng phải vô tự, vô dục, phải theo được gương người xưa «dầu được cả thiên hạ, lòng cũng không dính bén.»[31] Có thể mới trường cửu cùng trời đất. [32]




    _______________________________________
    • [1] Bản của Vương Bật in là Trường đoản tương giảo 長 短 相 較.
      Các bản sau này đổi là Trường đoản tương hình 長 短 相 形
      cho hợp vận với câu Nan dị tương thành 難 易 相 成 ở trên.
    • [2] Đoạn này sẽ được bàn lại nơi chương 43 Đạo đức kinh.
    • [3] Đoạn này có hai cách dịch:
      • a. Coi chữ «vạn vật» là chủ từ (sujet)
        (Xem James Legge, The Texts of Taoism, tr. 96; Nghiêm Toản, Đạo Đức kinh, tr. 11)
      • b. Coi chữ «thánh nhân» là chủ từ (sujet) chữ «vạn vật» là túc từ (complément)
        (Xem Wieger, Les Pères du Système Taoïste, tr. 19; Nguyễn duy Cần, Đạo Đức Kinh, tr. 46);

      Duyvendak lại cho câu này xuống nơi chương 51 (Xem J. J. L. Duyvendak, Tao To King, tr. 7, tr. 121).
      Tôi theo cách thứ nhất, vì lẽ động từ «tác» 作 và «sinh» 生 đều là những động từ không có bổ từ trực tiếp (complément direct).
    • [4] Wieger phân câu như sau:
      • Công thành nhi phất cư. Phù duy phất cư, thị dĩ bất khứ.
      Tôi coi câu Công thành nhi phất cư thuộc vào cuối câu 3.
      James Legge cũng làm như vậy.
    • [5] Dans le cycle, vie et mort s’échangent.
      «Immortels, mortels, mortels immortels; notre vie est leur mort, et notre mort est leur vie.»
      (Abel Jannière, La Pensée d’Héraclite d’Éphèse, Aubier, Editions Montaigne, 1959, p. 80)
    • [6] C’est la même chose d’être, ce qui est vivant et ce qui est mort, éveillé ou endormi, jeune ou vieux,
      car par le changement ceci est cela, et par changement cela est à son tour ceci. (Ib. 80-81)
    • [7]... Grand cycle de la concentration et de la déconcentration de l’Identique. (Ib.)
      L’un pénètre dans la multiplicité et la multiplicité n’est qu’une forme de l’Unité,
      bien plus, elle est l’Unité même... (Ib. 91.)
    • [8] Si l’histoire «nous apprend» quelque chose, c’est bien que les normes, les valeurs et les principes varient considérablement d’âge en âge, de société en société, et même d’une génération à l’autre, dans la même société. Des papes qui avaient été choisis pour leur savoir et leurs vertus étaient convaincus que la morale exigeait qu’ils abattent les hérésies par le fer et par le feu, par la cruauté et la torture; les Européens du XVIe siècle ne se faisaient aucun scrupule de tuer les Indiens, parce que les Indiens n’avait pas d’âme; des puritains doctes et droits envoyaient sans broncher les sorcières à la mort, et au XIXe siècle, dans le Sud des Etats Unis les chrétiens considéraient l’esclavage comme une bénédiction.
      (Henry Steele Commager, L’historien et l’histoire, Nouveaux Horizons 1967, p. 149.)
    • [9] Nam Hoa Kinh, chương 2, C.
    • [10] Chí ngôn khứ ngôn, chí vi vô vi 至 言 去 言, 至為 無 為
      (Xung Hư chân kinh, chương 2, J; Wieger, p. 94.)
    • [11] Vô vi nhi tôn giả, thiên đạo dã 無 為 而 尊 者, 天道 也
      (Nam hoa kinh, chương II, F; Wieger, p. 292.)
    • [12] Vô vi vi chi chi vị Thiên, vô vi giả, vạn vật chi bản dã
      無 為 之 謂 天, 無 為 者 萬 物 之 本 也.
      (Nam hoa kinh, chương 12, B; Wieger, p. 294.)
    • [13] Phù hư tĩnh, điềm đạm tịch mịch, vô vi giả, vạn vật chi bản dã
      夫 虛 靜, 恬 淡, 寂 寞, 無 為 者, 萬 物 之 本 也
      (Nam hoa kinh, chương 13, A; Wieger, p. 302.)
    • [14] Vô vi phục phác, thể tính, bão thần 無 為 復 樸, 體 性 抱 神
      (Nam hoa kinh, chương 12, K; Wieger, p. 302.)
    • [15] Đạo thường vô vi nhi vô bất vi 道 常 無 為 而 無 不 為
      (Đạo đức kinh, chương 37, A.)
    • [16] Đại chu nhập định 大 周 入 定
      (Thiên tiên chánh lý trực luận, tr. 36a.)
      Hữu vi giả tiểu chu thiên dã; vô vi giả đại chu thiên dã
      有 為 者 小 周 天 也 ; 無 為 者 大 周 天 也
      (Thiên tiên chính lý trực luận 天 仙 正 理 直 論, tr. 28a.)
    • [17] Cái tiểu chu thiên giả hóa khí, đại chu thiên giả hóa thần
      蓋 小 周 天 者 化 氣, 大 周 天 者 化 神 (Ib. 35a.)
    • [18] Vô vi tức Niết bàn, Phạn ngữ cụ túc viết Ban niết bàn. Dịch vi tịch diệt, hoặc bất sinh bất diệt. La Thập tựu Trung Quốc cựu danh, dịch tác Vô vi. [...] Vô vi giả chỉ tự tính thanh tịnh chi tâm, nguyên lai cụ túc, vô tạo tác tướng. Phật kinh thượng vô tu vô chứng, tức chỉ thử nhi ngôn. Chỉ yếu bả sinh diệt tâm diệt liễu, thử tịch diệt tức hiện tiền. Chí tu hành hạ thủ, tức thượng văn phi pháp phi phi pháp, lưỡng biên bất thủ. Tương phân biệt vọng tưởng trừ tận phương khả…
      無 為 即 涅 槃, 梵 語 具 足 曰 般 涅 槃. 譯 為 寂 滅, 或 不 生 不 滅. 羅什 就 中 國 舊 名, 譯 作 無 為. [...] 無 為者 指 自 性 清 淨 之 心, 原 來 具 足, 無 造 作相. 佛 經 上 無 修 無 證, 即 指 此 而 言. 祇 要 把 生 滅 心 滅 了, 此 寂 滅 即 現 前. 至 修 行 下 手, 即 上 文 非 法 非 非 法, 兩 邊 不 取. 將 分 別 妄 想 除 盡 方 可
      (Giang Vị Nông cư sĩ di trước, Kim cương kinh giải nghĩa, quyển 2, tr. 129.)
    • [19] Le terme Niwan (Nê hoàn) qui signifie littéralement Pilule de Boue est en réalité une transcription du mot sanscrit Nirvana.
      (Henry Maspero, Le Taoïsme, p. 94 (Xem thêm p. 19, 20, 92, 117, 141, 143.)
    • [20] Đại đức Thích Chân Giám dịch, Thủ lăng nghiêm, Linh sơn Phật học Nghiên cứu hội, tr. 243.
    • [21] L’opposition entre la connaissance et la foi se remène à celle qui existe entre l’archipallium et le néopallium. (Ernest Aeppli, Psychologie du Conscient et de l’Inconscient, Payot Paris, 1953, p. 19.)
    • [22] Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng 凡 所 有 相 皆 是 虛 妄
      (Kinh Kim cương, Thích Thiện Hoa dịch, Hương đạo xuất bản, 1967, tr. 101.)
    • [23] Ib., tr. 102.
    • [24] Kinh Kim Cương, Thích Thiện Hoa dịch, Hương đạo xuất bản, tr. 10.
    • [25] Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, Cung thánh tổng hợp, 1963, tr. 70.
    • [26] Xung Hư chân kinh, chương 2, J.
    • [27] Nam hoa kinh, chương 12, B (Wieger, p. 294.)
    • [28] Xung Hư chân kinh, chương 4, E (Wieger, p. 120.)
    • [29] Tử viết: Dư dục vô ngôn.
      Tử Cống viết: Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên?
      Tử viết: Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên, thiên hà ngôn tai?
      子 曰: 予 欲 無 言. 子 貢 曰: 子 如 不 言, 則 小 子何 述 焉? 子 曰: 天 何 言 哉, 四 時 行 焉, 萬 物 生 焉, 天 何言 哉 ?
      (Luận ngữ, XVII, 18)
    • [30] Tử viết: Nguy nguy hồ! Thuấn Vũ chi hữu thiên hạ dã, nhi bất dư yên
      子 曰: 巍 巍 乎! 舜禹 之 有 天 下 也, 而 不 與 焉
      (Luận ngữ, VIII, 18)
    • [31] Đắc thiên hạ nhi bất dự 得 天 下 而 不 預
      (Luận Ngữ)
    • [32] Về sự tương đối của các cặp mâu thuẫn, xin đọc thêm:
      Đạo đức kinh 20, D-36; A-40, A-58, B. Nam hoa kinh chương 2, C; 6, C.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 3
    AN DÂN 安 民




    Hán văn:
    不 尚 賢, 使 民 不 爭. 不 貴 難 得 之 貨, 使 民 不 為 盜. 不 見 可 欲, 使 民 心 不 亂.
    是以 聖 人 之 治, 虛 其 心, 實 其 腹, 弱 其 志, 強 其 骨. 常 使 民 無 知 無 欲. 使 夫 知 不 敢 為 也.
    為 無 為, 則 無 不 治.

    Phiên âm:
    1. Bất thượng hiền, sử dân bất tranh. Bất quí nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo. Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn.
    2. Thị dĩ thánh nhân chi trị, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc,[1] nhược kỳ chí, cường kỳ cốt. Thường sử dân vô tri vô dục. [2] Sở phù trí giả bất cảm vi dã.
    3. Vi vô vi, tắc vô bất trị.

    Dịch xuôi:
    1. Không sùng thượng hiền tài, khiến cho dân không tranh. Không quí của khó được, khiến cho dân không trộm cướp. Không phô trương những gì kích thích lòng ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn.
    2. Vì vậy phép trị nước của thánh nhân là làm cho dân: Trống lòng; No dạ; Yếu chí; Mạnh xương. Thường khiến cho dân không biết, không ham. Khiến cho kẻ trí không dám làm gì cả.
    3. Làm theo phép Vô vi, thời không gì là không trị.


    Dịch thơ:
    1. Không sùng thượng hiền tài trần thế,
    Cho dân gian bỏ lệ tranh đua,
    Không tham vật quí khó mua,
    Cho dân hết thiết đi vơ của người.
    Mọi vẻ đẹp bên ngoài chẳng thiết,
    Cho lòng dân cao khiết trong veo.
    2. Trị dân hiền thánh muốn điều,
    Ít ham, ít muốn, ăn nhiều uống no.
    Bao tơ tưởng làm cho yếu hết,
    Nhưng thịt xương sắt thép khang cường. [3]
    Tò mò, cớ tưởng vấn vương,
    Dân ta ta giữ cho thường vô lo,
    Khiến người xảo quyệt mưu cơ,
    Sống trong cảnh ấy khó mà ra tay.
    3. Sống khinh khoát mảy may chẳng bợn,
    Thời muôn điều ngang chướng hết ngay.





    BÌNH GIẢNG

    Chương này là một trong những chương của Đạo Đức kinh bàn về cách trị dân theo Lão tử.
    Vậy trước khi bình giải chương này chúng ta nên biết đại khái chủ trương của Lão tử và Trang tử về chính trị.

    Chủ trương của Lão tử là muốn cho dân trở lại đời sống thời thái cổ, vì thời buổi ấy dân chúng sống thuần phác hồn nhiên, thuận thiên lý, chưa có chút gì là nhân vi ngụy tạo.
    Thời thái cổ ấy đại khái là thời Tam Hoàng - Phục Hi, Thần Nông, Chúc Dung (khoảng 2800 trước kỷ nguyên trở về trước) - hoặc là thời trước nữa: càng mộc mạc, càng thô sơ càng tốt.

    Ta có thể mượn lời Trang tử nói trong thiên Khư Khiếp 胠 篋, Nam Hoa kinh mà mô tả thời thái cổ ấy như sau:
    • Thời thượng cổ là thời đạo đức,
      Thời Đại Đình, Lật Lục, Chúc Dung,
      Hiên Viên, Lý Súc, Thần Nông,
      Hách Tư, Thái Hạo, Hoàng, Trung, Dung Thành. [4]
      Thời buổi ấy thanh bình an lạc,
      Và chúng dân thuần phác ung dung.
      Thắt thừng bện lõi mà dùng,
      Ăn ngon, mặc đẹp, chưa từng xốn xang.
      Thời buổi ấy lân bang giáp cạnh,
      Tiếng gà kêu chó cắn đều nghe,
      Tuy không cách trở sơn khê,
      Mà không tiếp xúc đi về với nhau.
      Thời buổi ấy đâu đâu cũng trị,
      Sống yên bình đến thế thì thôi. [5]

    Gần đây Ernest Aeppli, một nhà tâm lý học Âu châu đã mô tả trạng thái ban sơ ấy của nhân loại như sau:
    • «Người ban sơ ít ngã chấp, sống hồn nhiên, thuận theo thiên lý.»
    Vì ngã chấp còn ít oi, nên họ sống hầu như hòa mình với đoàn thể, và chính vì thế, trách nhiệm họ cũng được giảm thiểu đến mức tối đa. Lúc ấy, đời sống tri thức họ rất thô sơ, nhưng sức mạnh vô thức họ lại hoạt động rất mạnh. Người thời buổi văn minh ngày nay thường ước mơ trạng thái ấy. Họ muốn trút bỏ trách nhiệm và muốn thoát nợ suy tư. Họ muốn trở lại tình trạng thiên nhiên, và họ tưởng tượng ra một đời sống tiên cảnh, khi mà con người chưa ăn phải trái tri thức đắng đót. [6]

    Lão tử ước mơ cho dân con sống lại những ngày hoàng kim ấy. Đạo Đức kinh chương 80, Lão tử viết:
    • «Nước ta bé nhỏ dân thưa,
      Vài mươi tôi giỏi, ta chưa hề dùng.
      Dạy dân sợ chết làm lòng,
      Cho nên dân chẳng vẫy vùng phiêu lưu.
      Xe kia thuyền nọ đìu hiu,
      Nào ai muốn cưỡi, muốn chèo mà chi.
      Binh kia giáp nọ ủ ê,
      Chẳng ai dở dói nghĩ khoe, nghĩ bày.
      Dạy dân trở lại thắt dây,
      Sống đời thuần phác tháng ngày tiêu dao.
      Cho dân ăn uống thanh tao,
      Cho dân ăn mặc bảnh bao, chững chàng.
      Cho dân đời sống bình an,
      Cho dân phong tục dịu dàng đẹp tươi.
      Liên bang nào cách mấy mươi,
      Gà kêu, chó cắn đòi nơi rõ ràng.
      Tuy rằng gần gũi tấc gang,
      Suốt đời dân chúng nào màng tới nơi.

    Lão tử cũng như Trang đều cho rằng người xưa vẹn được thiên chân, thiên tính của mình, vì thế nên sung sướng hạnh phúc.
    Ngày nay các nhà cầm quyền vì bày vẽ quá nhiều luật pháp, lễ nghi, hình thức, nên đã làm cho dân con mất thiên chân thiên tính, để rồi chạy theo những văn minh, những kiến thức kiến văn giả tạo bên ngoài. Những cái đó không đem lại hạnh phúc, an bình cho con người được; trái lại chúng chính là mầm loạn lạc chia ly.

    Trang tử chủ trương đại khái như sau nơi thiên Mã đề 馬 蹄:
    • «Kìa thiên hạ ung dung tự tại,
      Sống đơn sơ vui với muông chim.
      Sống đời mộc mạc tự nhiên,
      Thung dung cùng đạo một niềm sắt son.
      Vì đâu đã mỏi mòn nhớn nhác,
      Vì đâu nên tan tác phân ly?
      Bày ra nhân nghĩa mà chi?
      Để cho thiên hạ suy vi tần phiền.
      Gỗ không nát, sao nên được chén,
      Ngọc không tan, sao vẹn chương khuê.
      Đạo tan đức nát ê chề,
      Mới bày ra được những bề nghĩa nhân.
      Loạn năm sắc, mới văn mới vẻ,
      Rối thanh âm, bày vẽ đàn ca.
      Ai làm đạo đức xác xơ,
      Lập ra nhân nghĩa vẩn vơ hại đời.
      Lập nghi lễ, hình hài trói buộc,
      Lập nghĩa nhân, bày chước ủi an.
      Lòng người vì thế ly tan,
      Khôn ngoan càng lắm, gian ngoan càng nhiều. [7]


    Trong thiên Biền Mẫu 駢 拇, Trang tử lại viết đại khái rằng:
    • «Vậy đừng có suy bì vẽ sự,
      Đừng chia phôi quân tử tiểu nhân.
      Đã cùng đánh mất thiên chân,
      Dù phân biệt hão, cũng ngần ấy thôi.
      Đem thiên tính làm tôi nhân nghĩa,
      Giỏi Sử, Tăng ta kể như không.
      Vì ăn mà tổn tấc lòng,
      Du nhi có giỏi, chớ hòng ta khen.
      Đem nhã nhạc đảo điên tính khí,
      Sư Khoáng kia, nào quí chi đâu.
      Tính Trời lệ thuộc năm mầu,
      Ly Chu ta cũng trước sau coi hèn.
      Ta sau trước chỉ khen đạo đức,
      Phục tính trời, chẳng phục nghĩa nhân.
      Thông minh chẳng tại kiến văn,
      Mà do tìm được cốt căn của mình.
      Bỏ căn cốt tông minh đâu nữa,
      Đạo Chích [8] kia cũng lứa Bá Di,[9]
      Đều là đắm đuối, sân si,
      Đều là thiên lệch có gì khác đâu.
      Nên ta chẳng tìm cầu nhân nghĩa,
      Chẳng mơ màng dâm tị, đảo điên,
      Cốt sao giữ vẹn căn nguyên,
      Tính trời cốt giữ tinh truyền trước sau...» [10]


    Vì thế cho nên theo Lão tử, làm chính trị là phải cố phục hồi trạng thái hồn nhiên nguyên thủy ấy cho dân.
    Muốn được vậy đại khái sẽ:
    1.
    Không sùng thượng hiền tài, để dân hết tranh dành.
    2.
    Không tham vật quí khó mua, khó chuốc, để dân hết trộm cắp.
    3.
    Không ngó ngàng đến những vẻ đẹp bên ngoài, để cho dân khỏi loạn.
    4.
    Lo cho dân ăn uống no đủ, sống một đời sống khỏe mạnh.
    (Thực kỳ phúc, cường kỳ cốt.)
    5.
    Không đem kiến văn kiến thức dạy dân.
    (Thường xử dân vô trị.)
    6.
    Không kích thích thị hiếu của dân, cho lòng dân không bợn ham muốn tư dục, thanh thản hồn nhiên.
    (Hư kỳ tâm..., thường sử dân vô tri vô dục.)
    7.
    Giữ không cho những người khôn ngoan, tinh quái lũng đoạn tinh thần dân, đời sống dân.
    8.
    Như vậy, dân sẽ sống hồn nhiên, hạnh phúc, thế làm không làm mà vẫn làm được hết mọi sự, vẫn trị được hết mọi sự.
    (Vi vô vi tắc vô bất vi.)


    Trong thiên Khư Khiếp 胠 篋, Trang Tử cũng theo chủ trương của Lão tử,
    nhưng đã trình bày chủ trương ấy với một luận điệu quyết liệt hơn nhiều. Ông viết đại khái như sau:
    • ... Nên dứt tánh, dứt tình với trí,
      Thời cướp ngày sẽ bí lối sinh.
      Trầm châu, đắm ngọc tan tành,
      Rồi ra trộm cắp lưu manh hết liền.
      Phá ấn tín, dân nên thuần phác,
      Đập đấu cân, dân gác ghen tuông.
      Phá tan thánh pháp, kỷ cương,
      Rồi ra dân sẽ rộng đường tới lui.
      Vứt đàn sáo, bịt tai Sư Khoáng,
      Thời chúng dân sẽ sáng tai ra.
      Tung hê mầu sắc văn hoa,
      Cho mờ văn vẻ, cho lòa Ly Châu. [11]
      Hãy hủy hẳn giây, câu, khuôn, thước,
      Tay Công Thùy [12] tìm chước chặt đi.
      Sử, Tăng [13] ta hãy khinh khi,
      Bịt mồm Dương,[14] Mặc,[15] bịt đi đỡ phiền.
      Điều nhân nghĩa đảo điên hãy bỏ,
      Bỏ đi rồi, sẽ rõ huyền đồng.
      Huyền đồng là chính thần thông,
      Hợp cùng đạo cả, thung dung vẹn nghì.
      Kìa Tăng, Sử, Công Thùy, Sư Khoáng,
      Hạng Ly Chu hay hạng Mặc Dương.
      Đều là nhân đức phô trương,
      Dốc bầu tinh túy, huynh hoang bên ngoài.
      Chính vì vậy gieo tai gieo họa,
      Loạn dân tình, loạn cả nước non.
      Tưởng là ích lợi ngàn muôn,
      Nào ngờ điên đảo, mỏi mòn lòng ai. [16]


    Tóm lại, chủ trương của Lão tử, chính là
    • không can thiệp vào đời sống dân,
      không đem kiến văn, kiến thức dạy dân.

    Tại sao?
    • a. Vì con người là một nghệ phẩm tối cao, không được nhào nắn bậy bạ.
      Đạo Đức kinh chương 29 viết:
      • Những muốn nặn muốn nhào thiên hạ,
        Suy cho cùng chẳng khá được nào.
        Lòng người nghệ phẩm tối cao.
        Ai cho ta nặn ta nhào tự do?
        Lòng người ai nắm giữ hoài,
        Già tay nặn bóp bao đời tiêu ma...» [17]
    • b. Vì thánh nhân chỉ giúp cho vạn vật sống tự nhiên theo thiên chân, thiên lý mà thôi.
      Đạo Đức kinh chương 64 viết:
      • Cho nên hiền thánh trên đời,
        Chỉ say Đạo cả chơi vơi ngàn trùng.
        Của khan, vật hiếm chẳng mong,
        Của đời người tế đèo bòng mà chi.
        Học là học đạo siêu vi,
        Dạy đời lầm lạc hướng đi tuyệt vời.
        Giúp ai thanh thả đường trời,
        Chứ không chọc nước quấy trời uổng công.
    • c. Vì đem điều xảo trá, đem kiến văn kiến thức dạy dân,
      là làm hại dân, làm cho họ trở nên xa Đạo, xa trời, trở nên bất trị, chứ không làm lợi cho họ.
      Đạo Đức kinh chương 65 viết:
      • Nên những kẻ am tường đạo cả,
        Chẳng đem điều xảo trá dạy dân,
        Muốn dân chất phác ôn thuần...» [18]


    Đọc thiên Biền Mẫu của Trang tử ta càng thấy rõ chủ trương để mặc cho dân sống theo «tự nhiên» của Đạo Lão.
    Trang tử viết đại khái như sau:
    • «Chân nhân biết nhẽ chân thường,
      «Thường nhiên», «chí chính» am tường vân vi.
      Cũng vì vậy nên chê ngụy tạo,
      Ghét những điều đánh tráo, lộn sòng.
      Chân liền ngón chạnh, bướu sưng,
      Ấy đâu có phải của chung con người.
      Cũng một lẽ, hán hài cổn mãng,
      Với những điều mô phạm nghĩa nhân.
      Cùng là lễ nhạc, gian trần,
      Ấy đâu có thuộc chân tâm con người.
      Kìa Sư Khoáng vẽ vời tơ trúc,
      Nọ Ly, Chu háo hức xiêm y,
      Sử, Tăng bày chuyện lễ nghi,
      Mặc, Dương biện bác thôi thì trăm khoanh.
      Thế đâu phải nhân tình chất phác,
      Toàn là điều bôi bác bên ngoài.
      Le le cổ ngắn lẽ trời,
      Hạc kia dài cổ cũng thời tự nhiên.
      Dài hay ngắn bớt thêm đều khổ,
      Phá tự nhiên phá vỡ lòng ai.
      Keo sơn, qui củ bên ngoài,
      Chẳng qua vá víu nhất thời ích chi...

    Bình chương này, Duvendak cho rằng về phương diện chính trị, đạo Lão phản văn hóa.[19]
    Wieger cho rằng Lão tử muốn cho dân chúng trở thành những con vật siêng năng cần cù, dễ bảo.[20]
    Những lời phê bình như vậy hơi quá đáng, vì thực ra Lão tử muốn điều hay cho dân, chứ không muốn điều dở cho dân; muốn cho dân sống yên vui chứ không muốn lợi dụng dân.

    Trở về lối sống hồn nhiên nguyên thủy, Lão Trang không cho đó là phục cổ, mà là phục hồi lối sống thiên nhiên của con người. Phục cổ theo Lão trang có nghĩa là đem áp dụng những chính sách, những lễ nghi, những pháp độ của các vua chúa xưa vào đời sống dân ngày nay. Điều đó Lão cũng như Trang và nhất là Trang không hề cổ súy. Trang thì cho rằng «lễ nghi pháp độ biến thiên theo thời gian» nên người nay không thể theo pháp độ người xưa.[21]

    Chúng ta chỉ có thể nhận xét rằng từ khi Lão tử chủ xướng những quan điểm trên về chính trị đến nay,
    chưa có một triều đại vua chúa nào ở Trung Hoa dám đem ra mà áp dụng.
    Chẳng những vua chúa không theo nổi Lão tử, mà chính ngay khi đạo Lão cực thịnh vào đầu đời Tam Quốc với những nhà lãnh đạo nổi tiếng như Trương Lỗ 張 魯, Trương Giác 張角, Trương Bảo 張 寶, Trương Lương 張 梁, Trương Tu 張 修, với những vùng đất lớn lao đã được đặt dưới tầm ảnh hưởng như vùng Hán Trung, với một số giáo dân lớn lao, ta thấy các nhà lãnh đạo tinh thần đạo Lão lúc ấy cũng hoàn toàn đi vào hữu vi, hữu tướng với một giáo hội có hệ thống tổ chức, có nhiều loại cán bộ, có binh lực, có lễ nghi, có kinh kệ, có bùa chú, có đóng góp, hội hè, v.v. [22]

    Xem thế đủ biết, muốn đem nhân loại ra khỏi trào lưu lịch sử
    thực là một điều không thể làm được.





    _______________________________________
    • [1] Câu: Hư kỳ tâm, thực kỳ phúc 虛 其 心 實 其 腹
      nhiều người thường tách ra, để hướng về phía tu dưỡng.
      Sách Đông du bát tiên 東 遊八 仙 viết:
      • «Phép sống lâu chẳng có lạ gì, lòng phải trống mà bụng phải đặc.
        Chung Ly nguyên soái hỏi: Xin ông cắt nghĩa cho rành.
        Ông ấy nói: Trong lòng đừng lo việc gì cả, để cho thư thái như không, ấy là trống lòng. Còn đừng theo việc sắc dục, dưỡng tinh thần, nguyên khí chẳng hao, gọi là đặc bụng.» (tr. 27)
    • [2] Hoài Nam tử 淮 南 子 (quyển 1, chương 11b) có một đoạn tương tự:
      • «Thị cố chí nhân chi trị dã yểm kỳ thông minh, diệt kỳ văn chương, y đạo, phế trí, dự dân đồng xuất vu công chính, ước kỳ sở thủ, quả kỳ sở cầu, khử kỳ dụ mộ, trừ kỳ thị dục, tổn kỳ tư lự.»
        是 故至 人 之 治 也 掩 其 聰 明, 滅 其 文 章, 依 道, 廢 智, 與 民 同 出 于 公 正, 約其 所 守, 寡 其 所 求, 去 其 誘 慕, 除 其 嗜 欲, 損 其 思 慮.
    • [3] Trước kia tôi dịch mấy câu này theo xu hướng tu dưỡng như sau:
      • Lối đường hiền thánh khó theo,
        Rảnh rang niềm tục, chắt chiu niềm trời.
        Bỏ ham muốn thảnh thơi hồn phách,
        Lo tài bồi cốt cách thiện lương.

      Lưu Nhất Minh 劉 一 明 trong Chu Dịch Xiển Chân 周 易 闡 真, chương Văn Vương Hậu Thiên Bát Quái 文 王 後 天 八 掛, cũng giải như vậy.
    • [4] Thái Hạo 太 昊 = Phục Hi 伏 羲.
      Hoàng 皇 = Bá Hoàng 伯 皇.
      Trung 中 = Trung ương 中 央.
      Đại Đình 大 庭, Lật Lục 栗 陸, Chúc Dung 祝 融, Hiên Viên 軒 轅, Ly Súc 驪 畜, Thần Nông 神 農, Phục Hi 伏 羲, Hách Tư 赫 胥, Bá Hoàng 伯 皇, Trung Ương 中 央, Dung Thành 容 成.
    • [5] Nam hoa kinh, chương 10, Khư khiếp 胠 篋, đoạn C.
    • [6] L’homme très peu conscient de lui-même qui ne se dirige pas dans la vie par ses propres initiatives conscientes, le primitif, enfant de la nature, vit en harmonie inconsciente avec les archétypes. Son moi est cependant très réduit, de telle sorte que toute son individualité n’est pas différenciée de la collectivité. Sa responsabilité en est diminuée pour autant. C’est vers cet état, alors que les forces du moi sont très réduites alors que celles de l’inconscient sont très importantes, que tend souvant la nostalgie de l’homme civilisé. Il voudrait se libérer de ses responsabilités et, dit-il, ne plus être obligé de penser. Il voudrait retourner «à la nature» et il imagine une existence paradisiaque dans laquelle il n’a pas mordu encore au fruit amer de la connaissance.
      — Ernest Aeppli, Psychologie du Conscient et de l’Inconscient, Payot Paris, 1953, p. 60.
    • [7] Xem Nam hoa kinh, chương IX, C, D.
    • [8] Đạo Chích: Tên một người ăn trộm nổi tiếng.
    • [9] Tên một người hiền cuối đời Ân.
      Bá Di và em là Thúc Tề không thần phục nhà Chu, đã nhịn đói cho đến chết ở núi Thủ Dương.
    • [10] Nam hoa kinh, chương VIII, Biền mẫu 駢 拇, C, và D.
    • [11] Ly Châu 離 朱: tên người thợ vẽ đã nghĩ ra văn vẻ, trang hoàng.
    • [12] Công Thùy 工 倕: tên của một người giỏi về lễ nhạc.
    • [13] Sử 史, Tăng 曾: Sử Thu 史 鰍 và Tăng Sâm 曾參, tên hai người giỏi về lễ, nhạc.
    • [14] Dương: Dương Chu 楊 朱, triết gia thời Xuân thu.
    • [15] Mặc: Mặc Địch 墨 翟, triết gia thời Xuân thu.
    • [16] Nam hoa kinh, chương X, Khư khiếp, B.
    • [17] Xem thêm Nam hoa kinh, chương XI, Tại hựu, B.
    • [18] Cổ chi thiện vi đạo giả, phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu chi
      古 之 善 為 道 者 非 以 明 民 將 以 愚 之 .
    • [19] Dans son application politique, le Taoïsme est donc anti-culturel.
      Duvendak, Tao To King, Adrien Maisonneuse, 1953, p. 9.
    • [20] Faites des hommes, des bêtes de travail productives et dociles, veillez à ce que, bien repus, ils ne pensent pas, ne sachant rien, les hommes n’auront pas d’envies, ne coteront pas de surveillance, et rapporteront à l’État.
      -- Léon Wieger, Les Pères du Système Taoïste, Cathasia, 1950, p. 20, commentaires.
    • [21] Cf. Nam hoa kinh, chương XIV, Thiên vận 天 運, D.
    • [22] Xem Henri Maspero, Le Taoïsme, Civilisation du Sud S. A. E. P. Paris, 1950, p. 149-184.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 4
    VÔ NGUYÊN 無 源




    Hán văn:
    道 沖 而 用 之 或 不 盈.
    淵 兮 似 萬 物 之 宗.
    挫 其 銳, 解 其 紛, 和 其 光, 同 其 塵.
    湛 兮 似 或 存.
    吾 不 知 誰 之 子. 象 帝 之 先.

    Phiên âm:
    1. Đạo xung [1] nhi dụng chi hoặc [2] bất doanh. [3]
    2. Uyên [4] hề tự vạn vật chi tông. [5]
    3. Tỏa [6] kỳ nhuệ,[7] giải kỳ phân,[8] hòa kỳ quang, đồng kỳ trần.
    4. Trạm hề [9] tự hoặc tồn. [10]
    5. Ngô bất tri thùy chi tử. Tượng [11] đế chi tiên. [12]

    Dịch xuôi:
    1. Đạo rỗng không mà dùng không hết.
    2. Đạo sâu xa man mác tựa hồ như là tổ tông vạn vật.
    3. Làm nhụt bén nhọn, tháo gỡ rối rắm, pha trộn ánh sáng, hòa mình cùng bụi rậm.
    4. Trong trẻo thay, tựa hồ trường tồn.
    5. Ta không biết Đạo con ai; hình như có trước Thiên đế.


    Dịch thơ:

    A. Dịch cách thứ nhất:
    1. Đạo không hư dùng muôn đời không cạn,
    2. Sâu ngàn trùng, sinh ngàn vạn chúng sinh.
    3. Dấu sâu sắc, gỡ cho hết mối manh,
    Pha ánh sáng hòa mình cùng trần cấu.
    4. Nhưng trong trẻo, muôn đời không nhơ dấu,
    5. Ta chẳng hay, ngài sinh xuất từ đâu,
    Trước Thiên đế, (trước muôn ngàn hiện tượng).



    B. Dịch cách thứ hai:
    1. Đạo vơi, dùng mãi không vơi,
    2. Thẳm sâu, tông tổ muôn loài thụ sinh.
    3. Làm tầy mũi nhọn (cho tình),
    Gỡ tung rối rắm, (quần sinh hòa hài).
    Sáng mình pha sáng muôn loài,
    Hòa mình cùng với trần ai mới là.
    4. Thế nhưng trong (ngọc) trắng (ngà),
    Muôn đời vẫn chẳng chút là hư hao.
    5. Con ai ta biết đâu nào,
    Trước ngôi Thiên đế, từ bao lâu rồi.





    BÌNH GIẢNG

    Chương này Lão tử lại bàn luận về Đạo. Đạo vượt tầm tri thức của ta.
    1. Đạo huyền linh cao diệu, tưởng như là hư không, trống rỗng mà dùng chẳng bao giờ vơi, chẳng bao giờ hết.
    2. Đạo sâu man mác, đã sinh xuất ra vũ trụ quần sinh.
    3. Chẳng những thế, Đạo lại còn luôn lồng trong vạn hữu (immanence).
    Muốn vậy, Đạo đã dấu hết sắc bén, bỏ mọi phiền tạp, hòa ánh sáng cùng vạn hữu, đồng hóa mình với sự thấp hèn của vạn hữu.
    4. Tuy nhiên, Đạo vẫn luôn trong trẻo, vẫn vĩnh viễn trường tồn, tự nhiên tự tại.
    5. Không thể biết Đạo đã sinh xuất từ đâu. Có lẽ Đạo có trước Thượng đế.


    Vì vậy mà Hà Thượng Công đặt tên chương này là «Vô nguyên» (Không đầu cội).

    Lão tử luôn luôn tỏ ra dè dặt khi bàn luận về Đạo. Chương này ngài dùng:
    • hai chữ tự 似 (tựa hồ);
      hai chữ hoặc 或 (chỉ nghi ngờ, không quyết đoán);
      một chữ bất tri 不 知.

    Như vậy Lão tử tỏ ra rất khiêm tốn không hề dám quyết đoán gì về Đạo, mà toàn là phỏng đoán.

    Chương này chỉ có ý nói:
    • (1) Đạo vô biên tế, vô cùng tận;
      (2) Đạo là căn nguyên vạn hữu;
      (3) Đạo hằng lồng trong vạn hữu;
      (4) Đạo có trước mọi hiện tượng.


    Trang tử, nơi chương Đại tông sư, có một đoạn bình về Đạo cũng na ná chương này của Lão tử. Đại khái như sau:
    • Đạo thời hữu tín, hữu tình,
      Vô vi mà lại vô hình mới hay.
      Dễ truyền, khó bắt lạ thay,
      Giữ thời giữ được, trông rày hẳn không.
      Tự sinh, tự bản vô cùng,
      Có từ trời đất còn không có gì.
      Sinh trời, sinh đất ra uy,
      Quỉ thần âu cũng là tùy sở do.
      Cao cao vô tận khôn dò,
      Cao hơn Thái cực vẫn cho là thường.
      Thẳm sâu, sâu mấy ngàn muôn,
      Sâu hơn vũ trụ, mà nhường không hay.
      Lâu lai nào kể tháng ngày,
      Trước trời trước đất, lâu này lâu chi.
      Sống từ muôn thủơ vẫn y,
      Ngàn muôn tuổi thọ đã gì già nua.
      Hi Vi, Hoàng Đế, Kiên Ngô,
      Kham Phi, Chuyên Húc đã nhờ thần thông.
      Đạo trời soi sáng cõi lòng,
      Mới thành thần thánh, sống cùng trời mây.
      Lão Bành, Phó Duyệt nhờ tay,
      Ngung Cường, Vương Mẫu may thay được ngài.
      Mới nên thần thánh tuyệt vời,
      Ngự cung Thiếu Quảng, chơi nơi Ngân Hà.
      Biết bao thỏ lặn ác tà,
      Hai vầng nhật nguyệt khôn qua Đạo Trời.
      Kìa như Bắc đẩu thảnh thơi,
      Cũng nhờ Đạo cả, mới ngôi cửu trùng.
      Đạo Trời ngẫm thực vô cùng,
      Bao nhiêu quyền phép thần thông nhiệm mầu. [13]




    Nói rằng Đạo vô biên thể, Đạo là tông tổ vạn hữu
    thì đó là một chuyện dễ nói, đạo gia nào cũng nói được như vậy.
    Hoài Nam tử 淮 南 子 cũng đã viết:
    • «Lúc còn là toàn thể, thời như là thuần phác, lúc đã phát tán, thời y như là đục ngầu; đục rồi dần dần lại trong, vơi rồi dần dần lại đầy, lặng lẽ như vực sâu, phơ phất như mây nổi; tựa như không mà vẫn có, tựa như mất mà vẫn còn, tất cả vạn vật, vạn sự đều phát xuất từ một cửa Đạo.»[14]




    Còn như nói rằng Đạo lồng trong vạn hữu,
    thì chỉ những bậc chân sư mới dám nói.

    Lão tử đã đề xướng chủ trương này nơi chương này.
    Trang tử cũng đã long trọng chủ trương như vậy trong thiên Tri Bắc du, đoạn F, khi ông đối thoại với Đông Quách tử. Wieger đã dịch rất thoát ý phần kết đoạn ấy như sau:
    • «Xin đừng hỏi Đạo ở trong đây hay đó. Đạo ở trong lòng vạn vật. Vì thế người ta mới gọi Đạo là lớn, là tuyệt luân, là toàn bích, là phổ quát, là viên mãn. Tất cả những từ ngữ đó đều áp dụng cho một thực thể duy nhất đó là Bản thể vũ trụ.»[15]




    Lão tử chủ trương Đạo có trước mọi hiện tượng;
    nơi chương 25, Đạo đức kinh, ta thấy viết:
    • Có một vật an nhiên tự hữu,
      Trước đất trời vĩnh cửu, tự thành.
      Tịch liêu, vắng ngắt vắng tanh,
      Một mình mình biết, một mình mình hay.
      Muôn vàn chẳng chút đổi thay,
      Đó đây quanh khắp, đó đây chẳng chồn.
      Sinh muôn vật mẹ muôn thiên hạ,
      Tính danh ngài ta há biết sao,
      Tên ngài phải gọi thế nào,
      Gọi liều là Đạo, gọi ào là To.
      Vì quá to nên xa thăm thẳm,
      Thăm thẳm xa mà vẫn gần kề,
      Đạo to, to lớn muôn bề...


    Câu «Tượng Đế chi tiên» 象 帝 之 先 này
    đã làm điên đầu các nhà bình giải châu Âu, vì đối với châu Âu Thượng đế là tuyệt đối, là rốt ráo rồi, thì sao lại có thể nói được rằng Đạo có trước Thượng đế.
    • Thực ra vấn đề này cũng dễ bình giải, nếu chúng ta nhận định rằng các nhà huyền học trong đó có Lão tử, đều chấp nhận rằng:
      • Tuyệt đối có hai phương diện:
        • Vô 無: Tuyệt đối chưa hiển dương;
          Hữu 有: Tuyệt đối đã hiển dương.
      • Tuyệt đối chưa hiển dương, Lão tử gọi là Vô 無 hay là Đạo 道.
        Tuyệt đối đã hiển dương, Lão tử gọi là Hữu 有 hay là Đế 帝.
      • Như vậy nói rằng Đạo có trước Thượng đế thực ra cũng không sai quấy gì.
    • Châu Âu thực ra cũng đã có quan niệm này từ lâu đời.
      Xưa Hésiode (thế kỷ 8 trước công nguyên) đã có lần nhắc tới. Đối với Hésiode
      • «Hồng mông» không phải là «hư vô tuyệt đối» mà là một cái gì vô định và bất khả tư nghị có trước trời đất và thần minh». [16]
    • Vả lại, từ ngữ châu Âu cũng đã có những chữ: GodheadGod; DeitéDieu.
      Cũng như Bà la môn có chữ: BrahmaBrahman.
    • Ramakrishna cũng đã nói:
      • «Khi ta nghĩ đến thực thể tối cao dưới hình thức thái tĩnh (Nishkriya) ta gọi Ngài là Thượng đế siêu việt tuyệt đối (Shuddha Brahman),
        còn khi ta nghĩ đến Ngài dưới hình thức hoạt động, tạo dựng, gìn giữ hay hủy hoại, ta gọi Ngài là Shakti hay Thượng đế hữu ngã.» [17]



    Tóm lại, theo tôi,
    • phân tuyệt đối thành Vô 無, Hữu 有, hay Hữu ngã 有 我, Vô ngã 無 我, chỉ là những phân biệt của gian trần.
    • Sau trước cũng chỉ có một Tuyệt đối. Đó là điều mà tôi đã chủ trương trong tập Vô cực luận 無 極 論.





    _______________________________________
    • [1] Xung 沖 : rỗng, trống không.
      Hoài Nam tử 淮 南 子 (tr. 11b) có câu: Xung nhi từ doanh 沖 而 徐 盈.
    • [2] Hoặc 或:
      Duyvendak giải: rỗng nhưng từ từ lại đầy, đổi thành chữ cửu 久 .
    • [3] Doanh 盈: đầy, không hết.
      (Cao Hanh 高 亨 giải)
    • [4] Uyên 淵: 1. vực; 2. sâu.
    • [5] Tông 宗: tông tổ; gốc.
    • [6] Tỏa 挫: bẻ.
    • [7] Nhuệ 銳: nhọn.
    • [8] Phân 紛: rối rít, rối rắm.
    • [9] Trạm 湛: 1. sâu; 2. trong.
    • [10] Hoặc tồn 或 存:
      Duyvendak sửa là cửu tồn 久 存 (bền vững, lâu dài).
    • [11] Tượng 象: hình như
      (Cf. Legge).
    • [12] Đế 帝:
      Vương Bật 王 弼 giải là Thiên đế 天 帝.
      Legge, Wieger đều giải là Thượng đế 上 帝.
    • [13] Cf. Trang Tử Nam hoa kinh 莊 子 南 華 經, chương 6, Đại tông sư 大 宗 師, D.
    • [14] Cf. Hoài Nam tử 淮 南 子, tr. 11b. Tứ bộ bị yếu 四 部 備 要:
      «Kỳ toàn dã thuần hề nhược phác, kỳ tán dã hồn hề nhược trọc. Trọc nhi từ thanh, sung nhi từ doanh, đạm hề kỳ nhược thâm uyên, tấn hề kỳ nhược phù vân. Nhược vô nhị hữu, nhược vong nhi tồn. Vạn vật chi tổng giai duyệt nhất khổng, bách sự chi căn giai xuất nhất môn.»
      其 全 也 純 兮 若 樸, 其 散 也 混 兮 若 濁. 濁 而 徐 清, 沖 而 徐 盈, 澹 兮 其 若 深 淵, 汛 兮 其 若 浮 雲. 若 無 而 有, 若 亡 而 存. 萬 物 之 總 皆 閱 一 孔, 百 事 之 根 皆 出 一 門.
    • [15] «Ne demandez pas si le Principe est dans ceci ou dans cela. Il est dans tous les êtres. C’est pour cela qu’on lui donne les épithètes de Grand, de suprême, d’entier, d’universel, de total. Tous ces termes différents, s’appliquent à une seule et même réalité, à l’unité cosmique.»
      Cf. Wieger, Les pères du système Taoïste, Tchouang Tzeu, chap. 22, F, p. 395.
      Câu «Tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần» sẽ còn được thấy nơi chương 56, và Duyvendak đem đoạn này xuống nơi chương 56, theo lối Mã Tự Luân và Trần Tử. Nhưng làm như vậy, mặc nhiên đã bỏ đi mất một nhận xét tối ư quan trọng về Đạo, đó là nhận xét: «Đạo chẳng xa lìa vạn hữu.»
    • [16] Le mythe à la fois théogonique et cosmogonique à été repris, on le sait, par Hésiode. Le Chaos, répétons-le, n’est pas exactement le néant absolu, c’est quelque chose d’indéterminé et d’indéfinissable qui précède l’être au monde et des dieux.
      -- Claude Tresmontant, P. E. D. p. 76.
    • [17] Quand on pense à l’Être suprême sous son aspect inactif (nishkriya), on le nomme Dieu absolu (Shuddha-Brahman) et quand on le représente sous son aspect actif et créant, soutenant et détruisant, on le nomme Shakti ou divinité personnelle.
      -- L’Enseignement de Ramakrishna, p. 475.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 5
    HƯ DỤNG 虛 用




    Hán văn:
    天 地 不 仁, 以 萬 物 為 芻 狗.
    聖 人 不 仁, 以 百 姓 為 芻 狗.
    天 地 之 間, 其 猶 橐 籥 乎.
    虛而 不 屈, 動 而 愈 出.
    多 聞 數 窮, 不 如 守 中.

    Phiên âm:
    1. Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu. [1]
    2. Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu.
    3. Thiên địa chi gian,[2] kỳ do thác thược [3] hồ.
    4. Hư nhi bất khuất,[4] động chi dũ xuất.
    5. Đa ngôn số cùng, bất như thủ trung. [5]

    Dịch xuôi:
    1. Trời đất không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm.
    2. Thánh nhân không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm.
    3. Khoảng trời đất giống như ống bễ. Trống không mà không hao kiệt, càng động, hơi càng ra.
    4. Nói nhiều cũng chẳng hết, thà giữ lấy Trung.


    Dịch thơ:

    1. Đất trời chẳng có lòng nhân,
    Mà xem vạn vật in tầm chó rơm.
    2. Thánh nhân chẳng có lòng nhân,
    Mà xem bách tính in tầm chó rơm.
    3. Kiền khôn mở đóng khôn lường,
    Trống nhưng mãi mãi là nguồn hóa sinh.
    4. Thà rằng ôm ấp Đạo mình,
    Còn hơn vất vả thuyết minh suốt đời.





    BÌNH GIẢNG

    Chương này bình về sự hoạt động của Đạo, của trời đất.


    1. Thiên địa bất nhân
    天 地 不 仁


    Trời đất đối với vạn vật chí công vô tư, không hề có sự thiên tư, thiên vị.
    Vạn vật trong trời đất này đều được chi phối bằng những định luật vĩnh cửu, chính vì vậy mới trường tồn.
    • Mùa xuân vạn vật sinh sôi, hoa cỏ đua tươi, khí hậu đầm ấm,
      lúc ấy không phải là trời đất có lòng thương hơn;
    • mùa đông khi sương sa tuyết phủ, lá rụng hoa rơi, mưa phùn gió bấc,
      lúc ấy không phải là trời đất mang dạ oán hờn,

    mà chính là vì chu kỳ biến dịch đã tạo nên những hình thái như vậy.
    Trời đất cưu mang, sinh trưởng, che chở vạn vật như vậy, không phải bằng lòng nhân tầm thường của nhân thế, mà bằng một lòng nhân siêu việt.
    Vì siêu việt
    nên người ta lại cho là trời đất bất nhân.

    • Trang tử trong thiên Đại tông sư, đã dùng Hứa Do mà bình về Đạo như sau:
      • «Thày ta hỡi, Thày ta hỡi (Đạo),
        Thày sắp đặt vạn vật mà không cho thế là làm nghĩa;
        rưới ân trạch khắp muôn đời mà không cho thế là nhân;
        có từ trước đời thượng cổ, mà không cho thế là già!
        Che chở trời đất, chạm trổ hình hài, mà không cho thế là khéo.
        Ta hoạt động trong Ngài vậy!» [6]
    • Cũng vì có lòng nhân siêu việt như vậy, nên không thương loài nào hơn loài nào, vị loài nào hơn loài nào.
      Trong Xung Hư chân kinh có chép:
      • «Điền thị nước Tề nhà có giỗ tổ, mời thực khách có thời ngàn người. Có một người khách đem biếu cá vàng và ngỗng trời.
        Điền thị trông thấy, liền nói:
        • ‘Trời đối với con người thật là hậu hĩ. Chẳng những đã sinh ra lúa gạo, lại còn sinh ra chim, cá cho con người dùng.
        Các thực khách đều đồng thanh hưởng ứng.
        Duy có con ông Bào thị, mới mười hai tuổi, tiến ra và nói với Điền thị rằng:
        • Điều ông vừa nói đó không đúng. Trời đất muôn vật và ta đều là các loài như nhau, chẳng có hơn kém. Các loài khôn, các loài mạnh, ăn thịt các loài ngu, các loài yếu, chứ chẳng phải loài này vì loài kia mà sinh ra. Người bắt loài vật mà ăn thịt, chứ đâu phải trời vốn vì người mà sinh vật. Cũng như muỗi, mòng hút máu người, hổ lang ăn thịt, nhưng không phải là trời đã vì muỗi mòng mà sinh ra người, vì hổ lang mà sinh ra thịt.»[7]




    Dĩ vạn vật vi sô cẩu
    以 萬 物 為 芻 狗


    Cho nên đối với đất trời, không có loài nào tuyệt đối là trọng, loài nào tuyệt đối là khinh;
    mà khinh trọng đều là tương đối, đều là tùy theo thời gian, không gian, nhu cầu, công dụng nhất thời.
    Y như con chó cỏ trước khi hành lễ, thì được nâng niu, quí báu; sau khi hành lễ rồi, thì bị vứt ra đường, cho mọi người mặc tình chà đạp. [8]
    Thật đúng là:
    • Có thời có tự mảy may,
      Không thời cả thế gian này cũng không.



    2. Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu
    聖 人 不 仁, 以 百 姓 為 芻 狗


    Thánh nhân
    • theo gương đất trời,
      cũng sống vượt lên trên lòng nhân tầm thường của chúng nhân,
      không thương kẻ này mà bỏ kẻ kia, không trọng đây khinh đó,
      nhưng sống thuận theo thời gian, hoàn cảnh, hòa mình cùng muôn vật.



    3. Thiên địa chi gian, do ư thác thược hồ. Hư nhi bất khuất động nhi dũ xuất
    天 地 之 間 其 猶 橐 籥 乎 虛 而 不 屈 動 而 愈 出


    Ở đây Lão tử lại tiếp tục nói đến cái diệu dụng của trời đất.
    Trời đất y như là hư không, mà càng dùng lại càng có,
    «hồ hết lại có, hồ vơi lại đầy»,

    chẳng khác gì như cái bễ thợ rèn; để yên thì không có hơi, nhưng hễ kéo, thì hơi sinh ra mãi không bao giờ hết.



    4. Đa ngôn số cùng, bất như thủ trung
    多 聞 數 窮, 不 如 守 中


    Bàn về Đạo cần chi phải nhiều lời, vì:
    «Nhất ngôn khả dĩ đại ngộ,
    一 言 可 以 大 悟
    Bán cú khả dĩ thông huyền.»
    半 句 可 以 通 玄
    (Một lời đủ giác ngộ,
    Nửa câu đủ thấu huyền.)


    «Thủ trung bão nhất.»
    守 中 抱 一
    (Nắm giữ chân tâm, ôm ấp Đại nhất)


    , thế là đủ rồi, cần chi phải bàn bạc cho nhiều.




    _______________________________________
    • [1] Sô cẩu 芻 狗: chó cỏ, chó rơm.
      Xưa, người ta bện cỏ, rơm thành chó, để dùng khi tế lễ; trước khi dùng đến, người ta quí báu chắt chiu; khi lễ xong rồi, người ta đem vứt bỏ.
      (Xem Nam hoa kinh, chương 14, D.)
    • [2] Thiên địa chi gian 天 地 之 間:
      có bản chép là thiên địa chi môn 天 地 之 門 .
    • [3] Thác thược 橐 籥: ống bễ thợ rèn.
      Nó gồm hai phần: một ống tròn bên ngoài 橐 (thác), một nòng thụt sinh gió bên trong 籥 (thược).
    • [4] Khuất 屈: hết, hao kiệt.
    • [5] Trung 中: ở đây tức là Đạo.
    • [6] Nam hoa kinh, chương VI, Đại tông sư 大 宗 師, đoạn I.
    • [7] Liệt tử 列 子, Xung Hư chân kinh 沖 虛 真 經, chương VIII, đoạn Y.
    • [8] Xem Nam hoa kinh, chương 14, Thiên vận 天 運, đoạn D.


Trân
Bài viết: 164
Ngày tham gia: Thứ sáu 11/03/16 09:20

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Trân »

t. nghĩ dân tộc Trung Hoa ngày nay nên ôn lại Đạo Đức Kinh để họ đằm thắm hơn, bớt tham vọng bá chủ hoàn cầu...

*
thanks anh Hoàng Vân đã mang kinh về thôn làng :flwrhrts: . t cũng hay theo dõi bài anh đăng nhưng chắc từ từ mới thấm :-).
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • hihi .. Trân .. :flower: ..

    ĐĐK không có nói chuyện "đạo đức" như mình thường nghĩ (v.d.: ông này, bà nọ có 1 đời sống đạo đức)
    mà vẽ một sơ đồ cấu trúc của tạo hóa và thầm hướng dẫn lối đi sao cho "thuận con tạo"

    81 (9x9) bài thơ, cho rằng của Lão Tử, là 81 bức hình chụp góc này góc nọ của sơ đồ cho đời học hỏi. Vì là "Tạo Hóa" nên sự học hỏi này không ngưng và ai có đi "tầm" (tìm) thì mới hy vọng "kiến" (thấy) , "đạt" (hiểu).

    Hiểu ít nhiều và từ cái hiểu mà hành ít nhiều thì cũng ít nhiều thuận theo con Tạo mà "Vô Vi". Có duyên mới đọc được ĐĐK, có tâm mới hiểu được ĐĐK, và có hành mới Vô Vi theo ĐĐK ... Điều này trong triệu người họa may có 1.

    Làm người là sống trong ràng buộc của xác thân; người sống trong 1 quốc gia độc tài không tự do, như một quốc gia CS, thì lại có thêm một mảng lưới sắt độc trùm lên cuộc sống.
    Suy nghĩ và hành động dị biệt là chết ngay ở Bắc Hàn. Người dân Trung Cộng cũng thế, được nhồi sọ và huấn luyện thành ngang ngược, ích kỷ, vô lương tâm để dễ bề tung ra như một biển quân zombies hầu bành trướng lảnh thổ TQ tìm miếng ăn ...


    :sad3:
Trả lời

Quay về “Thiên đạo - Nhân đạo”