CHỮ MỚI SAI NGHĨA, LAI CĂNG VÀ SÁO RỖNG
_____________________ Đỗ Hồng
Chắc hẳn không ai là không cảm thấy khó chịu khi tình cờ đọc được những chữ sai nghĩa, lai căng và sáo rỗng từ những bài báo trong nước, chẳng hạn như trong những câu sau đây:
1/ “Fed gửi thông điệp về động thái của lãi suất trong tương lai”:
Chữ “Fed”, được viết tắt từ tiếng Anh “Federal Reserve System”, không thể được dùng chung trong Việt ngữ khi chúng ta có thể dịch. Ngoài ra, theo nhiều tự điển trước và sau năm 1975, “động thái” đại khái có nghĩa là trạng thái biến đổi do tác động của sinh vật (như con người chẳng hạn). Vì thế, lãi suất không phải là sinh vật nên không thể có động thái được. Cho nên câu trên có thể được viết lại cho đúng là “Cơ Quan Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ gửi… về chiều hướng của…”.
2/ “Động thái áp thuế của Tổng Thống Trump gây biến động tài chánh trên toàn cầu”:
Chữ “động thái” có thể được dùng cho sinh vật ở đây nhưng nghĩa không chính xác. Chúng ta có thể thay bằng “việc”, đơn giản, dễ hiểu. Ngoài ra, chữ “áp thuế” hơi quái dị (do nuốt bớt chữ từ “áp đặt thuế” hay “áp dụng thuế”?). Chữ ngắn gọn mà ta vẫn dùng là “đánh thuế”.
Cho nên câu này có thể viết là “Việc đánh thuế của… toàn cầu”.
3/ “Tổng Thống Trump cho biết thuế quan 10% chỉ là mức sàn”:
“Thuế quan” cũng là chữ mới quái dị, có thể được thay bằng “thuế nhập cảng” cho dễ hiểu. Ngoài ra, “mức sàn” là chữ mới tào lao. Sao không viết là “mức thấp nhất” hay “mức tối thiểu” cho rõ nghĩa?
Sẵn đây, ta cũng nên thay chữ “mức trần” bằng “mức cao nhất” hay “mức tối đa”.
4/ “Du khách thích thú check-in cánh đồng điện gió ở Bình Định”:
Một lần nữa, ta lại gặp chữ lai căng “check-in” trong câu Việt ngữ. Ta có thể thay bằng “đi xem”. Ngoài ra, “cánh đồng diện gió” có nghĩa không rõ ràng. Sao họ không viết là “khu vực tạo ra điện bằng sức gió”?
Tóm lại, do thiếu trình độ mà lại thích khoe chữ nên các ký giả trong nước hiện nay đã dùng chữ lai căng, sai nghĩa và sáo rỗng, làm cho tiếng Việt trở nên nghèo nàn, tối nghĩa.
Sự dốt nát của VC đã đưa đến những chữ tào lao, lai căng và tối nghĩa, trực tiếp phá nát tiếng Việt trong sáng của thời VNCH, chẳng hạn như trong những tựa đề trên báo trong nước sau đây:
1/ “Nhóm đối tượng trục lợi qua thanh toán trực tuyến dịch vụ taxi”:
Chữ “đối tượng” cầu kỳ bị lạm dụng vô ích. Nếu bỏ đi chữ này vẫn đủ nghĩa. Ngoài ra chữ “thanh toán” là động từ, nếu muốn dùng như danh từ, có lẽ cần thêm “việc” trước chữ này. Hơn nữa, chữ “trực tuyến” (có lẽ được dịch từ “on line”?), ta có thể thay bằng “trên mạng” dễ hiểu hơn.
2/ “Kệ Kim Soo Hyun khóc nức nở, dân mạng chỉ quan tâm đến... kem nền”:
“Kim Soo Hyun” là tên một nhân vật Đại Hàn nổi tiếng. Chữ “kem nền” được dùng tối nghĩa quá, chẳng qua đó là một loại mỹ phẩm (kem) thoa lót trên mặt.
3/ “Triều cường dâng cao gây ngập đường và nhà dân ở Mỹ Tho”:
“Triều cường” là chữ được chế biến lai căng và cầu kỳ dường như để chứng tỏ ta đây là người có học (?). Tại sao họ lại không dùng chữ đơn giản, dễ hiểu là “mực nước” ?
4/ “Bị đuổi khỏi họp báo, kênh bóc phốt Kim Soo Hyun tung bằng chứng mới”:
Xin phép đố quý vị “bóc phốt” là gì vậy. Chữ này vừa tào lao lại vừa lai căng. Lai căng là vì chữ này được dịch từ chữ “faute” của tiếng Pháp, có nghĩa là lỗi. Nghĩa bóng của chữ “phốt”, theo người trong nước, là bề trái xấu xa bị giấu kín hay che đậy. Và “bốc phốt” (chữ vô cùng quái đàn) là vạch trần, phanh phui bề trái thường là xấu xa. Ngoài ra, câu trên cũng còn thiếu chữ “cuộc” trước “họp báo” mới đúng là danh từ mà họ muốn dùng. Kế đó, chữ “kênh” cũng tào lao quá so với nghĩa của nó được dùng trước năm 1975 là “con kinh đào”. Ở đây, họ dùng chữ này như là “băng tần” (đài) truyền hình.
Sau khi trắng trợn vi phạm Hiệp Định Paris để cưỡng chiếm miền Nam, VC đã chế biến ra những từ ngữ mới, do thiếu kiến thức, nên thường sai nghĩa và quái dị đến độ rất khó hiểu, chẳng hạn như trong những thí dụ sau:
1/ “Bác sĩ ở Bangkok phẫu thuật ngoài trời cứu người trong lúc động đất”:
Chữ “phẫu thuật” (danh từ) có nghĩa là phương pháp hay môn học về mổ xẻ, nhưng trong câu trên, chữ này được dùng như động từ. Cho nên chữ đúng được dùng cho câu này phải là “giải phẫu”.
2/ “Lễ hội giặt xả mua nhiều giảm nhiều”:
Có lẽ lần đầu tiên trong đời, chúng ta mới đọc thấy nhóm chữ quái dị “lễ hội giặt xả” (giặt giũ mà cũng có lễ hội nữa sao?). Câu này chắc là một câu quảng cáo bán bột giặt hay xà bông. Cho nên ta có thể viết lại cho dễ hiểu là “bột giặt giảm giá: mua nhiều, giảm nhiều”.
3/ “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Philippines, Trung Quốc liền 'cà khịa'”:
Chữ “cà khịa” thường là văn nói, đáng lẽ không nên dùng trong câu văn mang tính cách thời sự nghiêm trọng. Chữ này có nghĩa là gây sự, gây hấn, khiêu khích. Cho nên câu này nên được viết lại cho đúng là “Bộ Trưởng…tới Phi Luật Tân, Trung Cộng liền khiêu khích”.
4/ “Đăng kiểm, phạt nguội song hành”:
Câu này gồm những chữ quái đản (và… bí hiểm), nếu hiện tại không ở VN thì không người nào có thể hiểu được ý nghĩa của nó. “Đăng kiểm” theo người trong nước định nghĩa là kiểm tra an toàn (safety inspection) theo một định kỳ nhất định tùy theo loại xe. Còn “phạt nguội” bị họ dịch sai là “cold punishment” ("Cold punishment" is a phrase that can refer to a punishment that involves exposure to cold temperatures, often used in the context of discipline or as a form of torture: hình phạt chịu đựng độ lạnh, thường được dùng như hình thức kỷ luật hay tra tấn). Ý nghĩa thực sự của chữ này là giấy phạt được gửi đến người vi phạm lưu thông sau khi máy chụp hình ghi lại bảng số xe vi phạm. Câu này muốn nhắc nhở tài xế phải thực hiện hai việc đó (kiểm tra an toàn và đóng phạt hay xem lại coi có nhận giấy phạt chưa) cùng với nhau (song hành).
Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, không biết có phải vì “kỳ thị ngôn ngữ” chăng mà VC chẳng chịu dùng từ ngữ đúng nghĩa của miền Nam, lại cố tình chế ra những chữ quái dị khó hiểu và có khi vô nghĩa nữa, chẳng hạn như trong những thí dụ sau đây:
1/ “Một phòng khám có dấu hiệu nhân bản kết quả xét nghiệm”:
Nếu đọc sơ qua tựa đề của bài báo này, không ai có thể hiểu nổi ký… dỏm muốn viết cái gì. Sau khi bỏ công tìm hiểu chữ “nhân bản”, họa may ta mới hiểu được lờ mờ cái nghĩa của nó. Thì ra phòng khám nghiệm này đã gian lận bằng cách dùng một kết quả xét nghiệm chung cho nhiều bệnh nhân khác nhau. Cho nên câu trên có thể được viết lại cho gọn gàng rõ nghĩa là “một phòng xét nghiệm dùng chung một kết quả cho nhiều bệnh nhân”.
2/ “Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa sẽ tuyển sinh”:
Thoạt xem qua những chữ viết tắt ở trên, chắc rất ít người ở hải ngoại đoán được là gì. THCS là “trung học cơ sở” và THPT là “trung học phổ thông”. Nhưng thế nào là “trung học cơ sở” và “trung học phổ thông”?
Hai chữ “cơ sở” và “phổ thông” chả có nghĩa gì liên hệ tới hai bậc trung học mà chúng ta dùng trước năm 1975: trung học đệ nhất cấp (lớp đệ thất đến đệ tứ hay lớp 6 - lớp 9) và trung học đệ nhị cấp (lớp đệ tam đến đệ nhất hay lớp 10 - lớp 12).
3/ “Hà Nội 'tút tát' công viên, người dân vẫn vượt rào tập thể dục”:
Chữ “tút tát” vô cùng quái dị, chả biết xuất phát từ đâu (có thể từ hang Pác Pó chăng?). Người ta có cảm tưởng đây không phải là chữ Việt. Thì ra, chúng quá dốt không biết đến chữ “tân trang” đơn giản mà chúng ta vẫn dùng trước kia.
4/ “Các công trình nằm trong vùng động đất thì phải được thiết kế có sức kháng chịu động đất”:
“Kháng chịu” quá kỳ dị, có vẻ mâu thuẫn nhau (vừa chống (kháng) lại vừa chịu (bằng lòng)). Người ta có thể hiểu “chịu” được dùng cho “chịu đựng” một cách không rõ ràng. Ngoài ra, VC hay nuốt bớt chữ, thay vì viết “công trình xây cất”, họ lại viết trống rỗng là “công trình”. Tóm lại, câu trên có thể được viết lại là “trong các vùng động đất, việc xây cất phải tạo sức chống lại thiên tai này”.
Giới làm báo trong nước hiện nay thường có khuynh hướng viết tắt và dùng chữ sai, sáo rỗng không cần thiết, chẳng hạn như trong những tựa đề bản tin sau đây:
1/ “Châu Âu thúc giục người dân ‘cư an tư nguy’”:
“Cư an tư nguy” (居安思危) là câu châm ngôn được ghi trên huy hiệu trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức thời VNCH, với ý chỉ là sống trong an bình phải luôn nghĩ đến lúc nguy nan để phòng bị. Với ý nghĩa đó, báo chí cộng sản trong nước đã dùng châm ngôn này để viết tựa cho bản tin. Thay vì viết rõ là “Châu Âu thúc giục người dân phòng bị (khủng hoảng)”, họ lại dùng câu châm ngôn đó một cách sáo rỗng vô ích.
2/ “Nhóm cố vấn an ninh của ông Trump bị rò rỉ dữ liệu cá nhân trên mạng”:
Trước năm 1975, chữ “rò rỉ” chỉ được dùng cho trường hợp ống nước bị lũng lỗ nhỏ khiến nước rỉ ra, chứ chưa bao giờ được dùng cho tin tức hay chi tiết vốn không cần có kiểu chữ quá tượng hình như thế. Chúng ta chỉ dùng chữ “lộ” là đúng và đủ cho “dữ liệu cá nhân”.
3/ “Tầm soát ung thư tiêu hóa”:
Chữ Hán-Việt “tầm soát” (truy tầm và kiểm soát?) nghe hơi lạ kỳ vì tiếng ta đã có chữ “tìm” đồng nghĩa rồi. Ngoài ra, “tiêu hóa” là một chức năng của cơ thể trong khi bệnh ung thư xảy ra trên bộ phận cơ thể (thí dụ: ung thư da, ung thư gan, ung thư phổi…, không ai viết/nói “ung thư hô hấp” hay “ung thư tiêu hóa”… cả). Ta nên dùng chữ đúng là “bệnh ung thư đường ruột”. Và cả câu có thể được viết lại cho đúng là “Tìm bệnh ung thư ruột”.
4/“EU nêu điều kiện dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Nga”:
Không biết có phải vì lười hay muốn chứng tỏ ta đây thông thạo ngoại ngữ, ký… dỏm trong nước đã dùng chữ tắt “EU” (European Union) cho bản tin Việt ngữ khiến nó dị hợm làm sao! Đáng lẽ nên viết đầy đủ là “Liên Hiệp Âu Châu”. Ngoài ra, chữ “dỡ bỏ” là một động từ không cần phải được tượng hình đến độ thô kệch như vậy. Chúng ta thường dùng “bãi bỏ” vừa đúng lại vừa có tính cách nghiêm trọng hơn cho vấn đề thời sự hay chính trị. Và câu trên có thể được viết lại là “Liên Hiệp Âu Châu nêu (đặt) điều kiện để bãi bỏ cấm vận cho Nga”.
Trước năm 1975, chúng ta cố tìm tiếng Việt để thay thế cho những chữ nước ngoài. Ngược lại, sau khi cưỡng chiếm miền Nam, Việt cộng, bên cạnh việc chế ra những chữ quái dị, lại dùng từ ngữ nước ngoài nhiều hơn (nguyên chữ hay phiên âm) có lẽ để chứng tỏ ta đây cũng là người thông thạo ngoại ngữ một cách lai căng, lố bịch, chẳng hạn như trong những thí dụ sau đây:
1/ “Hồ gần cạn kiệt, dân góp tiền mua ống 'tăng bo' nước về cứu cây trồng”:
Chữ “cạn kiệt” quái dị quá vì thông thường chữ “kiệt” (kiệt quệ, kiệt sức…) chỉ dùng cho người hay động vật. Cho nên chỉ cần dùng chữ “cạn” là đã đủ hiểu. Ngoài ra, chữ “tăng bo” có lẽ được phiên âm sai từ chữ “transport” có nghĩa là “chuyên chở” hay trong trường hợp này thì nên dùng “dẫn” (“mua ống dẫn nước về tưới cây”).
2/ “'Cài' shipper vào khách sạn, lễ tân tinh vi trộm tiền”:
Chữ “shipper” được dùng nguyên chữ nước ngoài thay vì dùng tiếng Việt là “người giao hàng”. Ngoài ra, chữ “lễ tân” cũng quái dị quá. Chúng ta trước đây dùng chữ “nhân viên tiếp tân” hay “người tiếp tân” rất thông thường và rõ nghĩa.
3/ “Chìm tàu chụp mực trên biển”:
Chữ “chụp mực” cũng kỳ lạ không kém, thay vì là “săn mực” hay “bắt mực” hoặc “câu mực”. Và dĩ nhiên, mực là phải ở biển cho nên không cần phải viết/nói thừa là “trên biển”.
4/ “Khởi tố thanh niên tạo bill chuyển tiền giả lừa lấy tiền thật”:
Chữ “bill” tại sao không được dịch là “hóa đơn” cho dễ hiểu? Rõ ràng là “dốt hay nói chữ”!
Sau năm 1975, có những chữ bị dùng sai nghĩa có thể do thiếu trình độ hiểu biết và thích dùng “đao to búa lớn” để che lấp cái dốt, VC đã viết/nói như trong những thí dụ sau đây:
1/ “Chúng ta phải khẩn trương lên kẻo trễ”.
Chữ “khẩn trương” đã bị dùng sai để yêu cầu “nhanh lên” trong khi trước kia chúng ta dùng trong trường hợp “ban bố tình trạng khẩn trương” để chỉ tình trạng cấp bách, nguy hiểm và rất quan trọng.
2/ “Ông A. được tuyển vào vị trí trưởng phòng”.
Chữ “vị trí” đã bị dùng sai để chỉ một chức vụ trong khi trước kia chúng ta dùng chữ này để chỉ một nơi chốn.
3/ “Dự kiến đám cưới sẽ diễn ra vào tháng tư”.
Chữ “dự kiến” (預見) có nghĩa là thấy trước, đoán trước, bị dùng sai. Đáng lý ra phải dùng chữ “dự định” hay “dự trù” thì hợp lý hơn (“đám cưới dự trù diễn ra…”).
4/ “Nhân viên bị điều về ngoại ô”.
Chữ “điều” (điều động?) bị dùng không chính xác. Trước năm 1975, trong trường hợp này, chúng ta dùng “bị đổi về” hay “bị thuyên chuyển về” rõ nghĩa và đúng hơn.
VC đã phá hoại tiếng Việt trong sáng của thời VNCH, đưa tới tình trạng dùng chữ sai nghĩa, rỗng tuếch và thừa thãi, chẳng hạn như trong những thí dụ dưới dây:
1/ “Xe va chạm nhau khiến một người chết”:
Chữ “va chạm” mang ý nghĩa chạm nhẹ hay cọ quẹt. Cho nên chữ này bị dùng sai bét khi có tai nạn chết người. Do đó, chữ đúng nghĩa phải là “xe đụng nhau khiến…” hay “tai nạn xe khiến…”.
2/ “Bé gái sơ sinh khoảng một ngày tuổi”:
Chữ “tuổi” bị dùng sai vì tuổi tương đương với thời gian 1 năm (thí dụ: em bé 5 tuổi có nghĩa là em sinh ra được 5 năm). Cho nên chỉ cần nói/viết “Bé gái sơ sinh khoảng một ngày” là đầy đủ nghĩa.
3/ “Bạn không có cửa thắng tôi đâu”:
Nhóm chữ “không có cửa” rất quái dị. Trước năm 1975, không ai dùng chữ khùng điên như thế mà dùng “không thể” rất đơn giản, dễ hiểu.
4/ “Phú Quốc hiện đang đẩy nhanh tiến độ, rà soát, giải phóng mặt bằng để gấp rút làm xong bãi tắm công cộng”:
Các chữ “tiến độ” và “gấp rút” bị dùng thừa thãi vì đã có chữ “đẩy nhanh”. Ngoài ra, “rà soát”và “giải phóng mặt bằng” là những chữ quái dị, cầu kỳ và sáo rỗng. Trước năm 1975, ta dùng “kiểm soát” và “dọn dẹp khoảng đất” rất đơn giản và dễ hiểu. Cho nên câu trên nên viết cho đúng là “… hiện đang đẩy nhanh việc kiểm soát, dọn dẹp khoảng đất để làm xong…”.
Người trong nước, do ảnh hưởng của ngôn ngữ VC, đã và đang dùng chữ sai nghĩa lại còn lai căng và nuốt chữ, đưa tới những câu khó hiểu như trong các thí dụ sau:
1/ “Chế độ hỗ trợ thêm cho cán bộ…”:
Chữ “hỗ trợ” đã bị dùng sai rất thường xuyên, chẳng những ở trong nước mà còn ở hải ngoại nữa, bởi vì nghĩa của chữ này là giúp đỡ lẫn nhau (hỗ), tức là giúp đỡ hai chiều. Trước năm 1975, trong trường hợp này, chúng ta dùng chữ “giúp đỡ” (một chiều) đúng nghĩa hơn.
2/ “Hãng mỹ phẩm Mỹ gây sốc vì bán trứng giá rẻ”:
Chữ “sốc” được xem là lai căng vì nó được phiên âm từ chữ “shock” để chỉ sự ngạc nhiên. Vì vậy, ta có thể thay chữ “sốc” bằng “ngạc nhiên”. Ta chỉ dùng chữ nước ngoài (dù là phiên âm) khi tiếng ta không có chữ đồng nghĩa.
3/ “Mở rộng cao tốc Bắc - Nam”:
Chữ “cao tốc” có nghĩa là “tốc độ cao” tức là chỉ một việc trừu tượng, không thể nhìn thấy hay sờ mó được. Chữ này bị dùng sai vì nuốt bớt chữ. Ta có thể sửa lại cho đúng như “… mở rộng đường cao tốc (hay xa lộ)…”.
4/ “Bộ Quốc phòng đề xuất dừng hoạt động sản xuất tại cảng Cam Ranh khi có tình huống quốc phòng”:
Chữ “đề xuất” lạ kỳ quá so với từ ngữ ta thường dùng trước đây là “đề nghị” hay “yêu cầu”. Kế đó, chữ “dừng” cũng có vẻ không suôn sẻ lắm, có thể chọn thay bằng “ngưng”.
Ngoài ra, “tình huống quốc phòng” cầu kỳ, sáo rỗng, không có nghĩa rõ ràng. Chắc là họ muốn nói đến tình trạng “thiếu an ninh” hay “đất nước cần phòng bị” chăng (?).
Người dân miền Nam bây giờ đã quên hay cố tình quên hai chữ “Đá Banh” và thay vào đó là 2 chữ dị hợm tào lao “Bóng Đá”….
Người dân miền Nam không còn gọi “Tô Phở” mà lại gọi là “Bát Phở” trong khi đó cái Bát (cái Chén) nhỏ hơn cái Tô…
Người dân miền Nam không còn gọi cái “Thắng Xe” mà lại gọi là “Phanh Xe”….
Người dân miền Nam không còn gọi “Vỏ Xe” mà lại gọi là “Lốp Xe”...
Người dân miền Nam không còn gọi “Chiếc Xe Hơi” mà lại gọi là “Con Xe hoặc Ô Tô” ….
Người dân miền Nam không còn gọi “Bảng Số” mà lại gọi quái gở là “Biển Số”…
Người dân miền Nam không nói “Kí Lô” mà lại nói là “Cân” (một Cân thịt…một Cân cá…)
Người dân miền Nam không còn gọi “Trái” mà đổi lại gọi là “Qủa”
Người dân miền Nam không còn gọi “Chiên Trứng” mà lại gọi là “Rán Trứng”
Người dân miền Nam không còn gọi Mì Bò, Mì Gà, Mì Chay để phân biệt, mà gọi chung tất cả đều là “Mì Tôm”
Người dân miền Nam không còn nói “Quẹo Phải hoặc Quẹo Trái” mà lại nói là “Rẽ Phải – Rẽ Trái”…
Người dân miền Nam không cỏn nói “Đậu Xe” mà lại nói là “Đỗ Xe” hai chữ “Xe Đò” quen thuộc cũng biến mất thay vào đó là “Xe Khách”…
Người dân miến Nam không còn nói “Khoảng 4 giờ” thay vào đó là nói “Tầm” Tầm 4 giờ chẳng hạn…
Người dân miền Nam không còn nói “Một Đôi hay Một Cặp” mà lại cố tình nói SAI là “Cặp Đôi” tức là 4…
Người dân miền Nam không còn nói “Thập Niên” tức là 10 Năm mà bây giờ lại nói SAI là “Thập Kỷ” tức 1000 năm…
Người dân miền Nam không còn nói là Đài Truyền Hình mà lại nói là “Kênh Truyền Hình – Kênh Youtube”…
Người dân miền Nam không còn nói “Phát Thanh hoặc Phát Hình” mà lại nói là “Phát Sóng” Sóng làm gì có âm thanh và có hình mà phát !!...
Người dân miền Nam bây giờ không còn nói là “Hợp Ca” mà lại nói là “Tốp Ca” và hai chữ “Hòa Âm” cũng bị thay vào đó là “Phối Âm”
Người dân miền Nam bây giờ không còn nói “Bảo Đảm” mà đổi ngược lại nói là “Đảm Bảo”… Người dân miền Nam không còn nói “Ly Bia” mà lại nói là “Cốc Bia”…
Người dân miền Nam cố tình quên những từ ngữ “Xuất Cảnh – Nhập Cảnh” và thay thế vào đó là những từ ngữ dị hợm “Xuất Khẩu – Nhập Khẩu” và “Biên Giới” tức là giới ranh thì lại nói quái dị là “Cửa Khẩu”
Người dân miền Nam hình như đã quên “Quan Thuế Phi Cảng, Quan Thuế Hải Cảng.. thay vào đó thì ở Phi Trường hay ở Bến Cảng đều gọi là “Hải Quan” và “Phi Đạo” thì cũng gọi theo miền ngoài là “Đường Băng” hơn nữa dân miền Nam hình như quên Hàng Không Mẫu Hạm mà chỉ biết “Tàu Sân Bay”
Người dân miền Nam không còn nói " Phản ảnh" mà bây giờ nói là "Phản ánh"!
Người dân miền Nam không còn nói đi “Diễn Hành” mà bây giờ lại nói là đi “Diễu Hành” tức là đi diễu cợt làm trò hề….còn rất nhiều những từ ngữ quái đản của lũ khỉ csvn chế ra…không thể nói hết ở đây được, hẹn dịp khác.
Riêng những người Việt ở hải ngoại cũng đã bị Bắc hóa về ngôn ngữ không thua kém gì dân miền Nam, nhất là những người làm truyền thông và những trường học dạy tiếng Việt toàn dùng từ ngữ SAI bét…. Vì họ không được học đủ để hiểu nghĩa tiếng VIỆT!
Coi như tiếng Việt, chữ Việt phong phú trong sáng và thanh tao càng ngày càng bị biến đổi và biến mất.
Buồn thay cho nền Văn Hóa của một đất nước mà hàng trăm triệu người cho là thiên đường và đáng sống nhất trên thế giới..!!!!