Tháng Ba Mùa Hỗn Loạn
Đã gửi: Thứ hai 20/04/20 09:00
-
Tháng Ba Mùa Hỗn Loạn
Lẽ ra bây giờ khi những cụm hoa huệ bắt đầu nhô lên khỏi mặt tuyết với những chồi non xanh mướt, những nhánh cây trơ cành bắt đầu quẫy mình vươn ra những mầm sống những búp non, thành phố sẽ rộn ràng chuẩn bị đón xuân trong bầu không khí tươi mới. Ở nơi đây, dẫu sẽ còn những đợt tuyết se sắt, những ngày băng giá hoặc có khi những cơn bão rét mướt đi qua, cây lá có thể gẫy đổ, sinh hoạt của thành phố có thể bị chững lại như đã từng bị trong những năm qua. Nhưng đó là chuyện của đất trời, của thiên nhiên, của thời tiết. Vậy mà tháng Ba năm nay thì không.
Riêng với tôi, tháng Ba còn có nhiều lao xao khác. Bởi đó là tháng có ngày sinh nhật của mình, cũng là ngày thị xã cũ nơi tôi sinh ra và lớn lên rơi vào tay người bên kia chiến tuyến. Là tháng chứa đầy những giọt nước mắt buồn tủi cùng những chia ly.
Buổi chiều tháng Ba năm nay từ trường vừa về đến nhà, tôi nhận được điện thoại của sở giáo dục báo tin trường sẽ tạm thời đóng cửa một tuần và chờ cho đến khi có lịnh mới. Thành thật mà nói trong trí tôi đã bùng lên rất nhiều điều mâu thuẫn với nhau. Trước hết tôi nghĩ tiểu bang này mới chỉ có vài người nhiễm vi khuẩn mà làm gì đã rối lên như thế. Nhưng sau đó khi nhớ đến đất nước tôi từng sống mười lăm năm dài ở Âu châu đang vùng vẫy với bịnh dịch này mà ngẩn ngơ. Rồi tôi lại nghĩ đến quê nhà. Lòng tôi não nề buồn. Tôi nhận ra ở nơi đây mới chỉ vài trường hợp nhiễm bịnh thật mà chính phủ đã quan tâm đến mức như vậy trong khi nơi ấy, gần vùng xuất phát dịch, điều kiện y tế thiếu thốn mọi bề, nhưng quan chức chỉ muốn dấu diếm mọi tin tức và vẫn ba hoa “virus không làm gì được ta”. Nhà cầm quyền ở nơi ấy vẫn coi mạng người như một trò đùa, vẫn cố vơ vét đến giọt máu cuối cùng người dân, tăng giá điện, tăng bắt bớ với những người muốn sống công bình.
Tôi như rớt xuống. Không biết suy nghĩ thêm gì trừ những hỗn độn trong trí. Năm phút sau đó tôi nhận thêm cú điện thoại của cô bạn đồng nghiệp, hỏi tôi đã nghe tin gì chưa. Tôi đáp rồi. Bình thường tôi lười đọc email, thường nghe thông báo chuyện ở trường rất muộn nên cô bạn tôi hay nhắc giúp. Bạn bè đồng nghiệp khác trêu tôi có thư ký riêng. Chiều hôm ấy đã không ngoại lệ. Tưởng phải “tường trình” tất cả những gì mình đã được thông báo, nghe tôi trả lời thế, cô bạn có vẻ ngạc nhiên:
– Biết rồi à?
Tôi ừ. Cô bạn chậc lưỡi:
– Tình hình nghe có vẻ rối nhỉ?
Không biết trả lời thế nào, tôi đành nói:
– Thôi kệ, nghỉ vài hôm cho khoẻ, đám con nít hành tụi mình cũng nhiều rồi mà.
Tôi và cô cùng làm trong lớp các trẻ em tự kỷ, thường gặp phải những phản ứng bất thường của các em hằng ngày nên nhiều lúc đuối sức. Chuyện rên rỉ bảo chỉ muốn được “nghỉ vài ngày cho khoẻ” gần như ngày nào cũng được lôi ra nói. Cô bạn tôi người Ấn, sinh ra và lớn lên ở Singapore, cái đất nước ai cũng biết dẫu nhỏ bé nhưng đẹp và có đời sống rất cao so với nhiều nước đông nam Á khác, nếu không vì chuyện tình duyên trắc trở hẳn cô bạn tôi sẽ không bao giờ rời khỏi quê hương mình. Cô thường rủ tôi khi về hưu thì qua dưỡng già ở quê cô. Những chuyện nằm duỗi chân bên bờ biển, phơi nắng, hóng gió mát có lúc nửa đùa nửa thật cả cô lẫn tôi hay nói với các đồng nghiệp khác trong giờ giải lao. Tôi hẹn với cô một mùa hè nào đó, dầu chưa già, chưa về hưu tôi cũng sẽ làm một chuyến nghỉ ngơi với cô ở đó.
Nhưng kỳ này, có lẽ còn nghỉ dài hạn, mà chắc chẳng có gì vui. Chưa tính tới chuyện lương hướng có thể không được trả, cái bầu không khí nặng nề ở chung quanh thừa sức để khiến chúng tôi ngộp thở. Những tháng Ba các năm trước, có thể gọi mùa này là mùa dịch cảm cúm vì trời nóng lạnh bất thường, nhức đầu sổ mũi hành hạ nhiều người là điều không thể tránh, nhất là trẻ em trong lớp của chúng tôi. Ngày nào đến lớp cũng có thể nghe các em lẫn cô giáo ho hen, rồi có thể thấy những khuôn mặt đầy nước mắt nước mũi, hoặc có khi sốt nóng đến độ chúng tôi phải gọi phụ huynh đến đưa về. Chúng tôi thường đùa với thời tiết trái khuấy mà không gặp những chuyện như thế, có lẽ phải ăn mừng…
Và đang khi tôi còn suy nghĩ mông lung, cô bạn tôi lại chậc lưỡi bảo cả trường chỉ có tôi và cô người Á châu, dẫu không có ai nghi ngờ, không ai khó chịu, nhưng chắc tự mình cũng phải e dè để người khác không mất thoải mái. Tôi im lặng. Không muốn nhưng vẫn nhớ đến một vài tin tức chẳng biết thật hay giả về chuyện người châu Á bị hành hung khi dịch bịnh bùng nổ mà thở dài.
Ngày đầu tiên không đi làm, hai đứa nhóc không đi học, ba bà cháu chúng tôi vẫn có những sinh hoạt bình thường như những kỳ nghỉ khác, nấu ăn làm bánh, vẽ viết, nên tôi chưa nhận ra sự thay đổi chóng vánh bên ngoài. Cho đến khi con gái và rể tôi trở về nhà nói mọi sinh hoạt trong thành phố đang bắt đầu chững lại, nhà hàng không có khách, tiệm tạp hoá không có những thứ vẫn có thể mua dễ dàng bất cứ khi nào như trước đây, và ngoài đường xe cộ ít hẳn lại, tôi mới bắt đầu chú ý. Tôi nói có thể một phần nào đó do nhà trường đóng cửa, không xe bus, không phụ huynh đón đưa học sinh, và người già theo lời khuyên của chính phủ không ra đường nhiều nên vắng chăng. Các con tôi không nói gì. Có lẽ cũng có cùng hy vọng như tôi là mọi sự sẽ không đến nỗi nào.
Tuy nhiên bầu không khí lặng người mỗi ngày mỗi tăng. Dẫu gia đình chúng tôi rất bình tĩnh, không hoảng hốt, và luôn theo dõi tất cả những thông tin của chính phủ cũng như làm theo mọi điều được khuyên, đồng thời chúng tôi không bao giờ nói đến những điều bi quan, hay bàn tán về những tin tức không được kiểm nghiệm, vậy mà cũng có lúc cũng không thể giữ lòng yên bình. Chẳng hạn chỉ cần một vài việc tình cờ ập đến cùng lúc như đi mua một thứ cần dùng cho gia đình mà không nơi nào có bán, về đến nhà bạn bè lại gọi đến kể lể hoặc than thở về những bất tiện do cơn đại dịch gây ra là tâm trí đã khác. Rồi đọc thêm tin tức trên báo trên truyền hình, internet, nghe radio nhắc nhở thế nọ thế kia, cố gắng lắm nhưng có lúc tinh thần cũng xuống thấp.
Thành phố này dân cư không đông đúc, khu vực chúng tôi sống rất yên tĩnh, êm ả. Xe cộ không qua lại nhiều khiến chúng tôi vui và hài lòng lắm. Nhưng sau ngày nhà trường đóng cửa, thư viện đóng cửa, nhìn ra đường càng lúc càng vắng, vắng đến ái ngại, lòng bất giác cũng ái ngại theo.
Và trong những ngày ngồi nhà nhìn ra ngoài như thế, tôi bỗng chạnh lòng nhớ đến con đường trước mặt nhà vào một tháng Ba năm xưa. Cái con đường dẫu không vắng lặng nhưng yên ả, ngày trước hai bên đường còn có hàng cây kiền kiền rất đẹp. Sau này chiến tranh lan tràn, con đường cần phải mở rộng thêm nên chỉ còn lại khu vườn ươm trồng khuynh diệp. Con đường rất yên lành như vậy mà bỗng một tối khi đang ngủ, mọi người đều bị đánh thức bởi tiếng người, tiếng chân chạy ồn ào bên ngoài. Rồi những ô cửa sổ mở ra, những khung cửa chính mở ra. Mọi người đều sững sờ trước hình ảnh những đoàn người gồng gánh, bồng bế nhau như thác lũ đang đổ về phố chính.
“Huế mất rồi!”. “Quảng Trị mất rồi!”… Đó là những câu trả lời từ những người tản cư từ bên kia đèo Hải Vân vào thị xã chúng tôi. Đó là những ngày gần cuối tháng Ba, sau khi tướng Ngô Quang Trưởng xác nhận bỏ Huế vì đã thất thủ Quảng Trị. Đó là những ngày mà sau đó các đoàn xe công voa không còn chạy ra tuyến đầu mà đều ngược về phương nam. Là những ngày người người nhà nhà hỗn loạn với các tin tức lạnh người tràn về. Mất nơi này, mất nơi kia. Và cũng vẫn như hiện tại, không ai dám cả quyết những gì sắp xảy đến trong tương lai, có những gia đình cũng gắng không hoang mang, nhưng rồi vẫn không thể ngồi yên.
Những ngày cuối tháng Ba ấy, trường lớp thưa dần rồi còn lại lèo tèo không bao nhiêu học sinh đến lớp. Tôi cũng đã đến trường cho đến một ngày cổng hoàn toàn đóng. Chúng tôi đã thẩn thờ ra về trên những con phố vắng lặng, tàn hoang. Nhiều nơi đã đóng cửa, hàng quán phố chợ đã tiêu điều, nhiều nhà đã không còn ở lại. Cái nhộn nhịp biến mất, sức sống của thị xã như chết rũ theo. Tôi trở về nhà với lòng buồn bã nhưng chưa biết nỗi lo lắng của người lớn. Mãi hôm sau khi nhiều người đến nhà kể cho ba mẹ tôi nghe kho gạo gần thương cảng đã bị cướp, nhiều gia đình bỏ đi sớm cũng bị người tản cư vào ở hoặc bị ai đó vào nhà sục của, tôi mới thấy sự lo sợ nhuốm lên. Khi xe quân trấn không còn tuần hành trên đường để giữ an ninh, ba tôi hỏi mẹ tôi có nên đi hay không. Đi hay không? Di tản hay không? Mẹ tôi không biết trả lời thế nào nên ba tôi chạy lên nhà cô họ tôi, người có chức vụ cao nhất của hãng hàng không Việt Nam tại thị xã để hỏi vé máy bay. Trước đó vài tháng ba mẹ tôi đã đặt cọc tiền mua nhà ở Sài Gòn, nên chuyện vào thủ đô đúng là điều nên làm. Nhưng đến lúc ấy thì mọi sự đều đã muộn. Ngay cả cô tôi mà cũng không có phương tiện nào để ra đi…
Cuối tháng Ba thị xã mất. Gia đình tôi kẹt ở lại như rất nhiều người. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh thành phố dần dà bớt hỗn loạn nhưng sau đó là chìm hẳn vào hoang tàn. Bóng tối trùm lên mọi ngõ ngách, mọi đời sống. Mỗi một ngày qua đi là một cơn đau nhức. Mỗi một ngày qua đi là một nỗi kinh hoàng…
Bốn mươi lăm năm sau, trên một đất nước thanh bình, yên ổn, bỗng bất chợt như bắt gặp lại những cảm giác bồn chồn bất ổn xưa kia. Mặc dầu là những nỗi lo sợ không có tên vì không là lửa đạn, không là chinh chiến, không là người có thể giết người bằng súng, bằng khủng bố, bằng cả cái đói nhưng chúng vẫn có một sức mạnh rất lớn. Nỗi lo sợ bây giờ có thể bị thổi phồng từ truyền thông, từ thông tin không chinh xác, từ người nọ lan sang người kia, hoặc từ đâu không rõ nhưng đã nhưng bùng lên dữ dội và nổ ra ở khắp nơi, không chỉ ở một đất nước mà nhiều đất nước khiến không ai có thể ngồi yên.
Tôi đã buồn rầu nhiều ngày. Nặng nề nhiều ngày. Nhưng sáng nay khi thức dậy, đọc những lời chia buồn, những bài viết về nữ danh ca đã không còn ở với chúng ta, đọc thêm tin cựu thiếu tướng đã quyết đấu với kẻ thù cho đến giờ phút cuối cùng cũng vừa giã từ cõi đời, tôi tự hỏi, giả sử giờ này Chúa muốn tôi ra đi, kể cả ra đi vì bịnh cúm đang hoành hành khắp thế giới chăng nữa, tôi sẽ nói gì với Chúa? Xin Ngài cho ở lại hay tôi sẽ sẵn sàng? Tôi đã vâng lời Ngài dạy sống cách bình tĩnh và đầy niềm tin yêu. Tôi cũng đã “Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên”. Đặc biệt trong mùa dịch bịnh, tôi đã làm theo tất cả những gì sở y tế chỉ bảo, tuân thủ các luật lệ chính phủ ban hành. Nhưng nếu dịch bịnh vẫn xảy đến với tôi, thì phải chăng là ngày giờ của tôi đã được định, tôi có nên vui vẻ lên đường?
Tôi đã ngồi yên nhiều giờ để suy gẫm. Và cuối cùng tôi yên lòng. Tôi nghĩ thêm, những ngày cuối tháng Ba ở đây rồi cũng sẽ hết, những tháng năm khác cũng sẽ qua, dịch bịnh cho dẫu có chậm đi chăng nữa cũng sẽ không còn. Nhưng sau đại dịch, nếu tôi vẫn còn hiện hữu trên trái đất này, nơi tôi đang sống và nhiều nơi khác trên thế giới chắc chắn sẽ không có những gương mặt người đáng sợ, những khủng bố tinh thần kinh khiếp, những ngày đói rách cùng cực do một thứ chủ nghĩa tạo nên. Cuộc sống ở nơi đây chắc chắn sẽ trở về bình yên như trước.
Phải, mọi thứ sẽ phải qua đi.
Tôi chỉ thương cho quê hương vẫn còn muôn vàn khốn khó, rồi sẽ khốn khó thêm. Thương cho những mảnh đời bất hạnh vẫn còn nhiều lắm, ở nơi đó, đã nhọc nhằn sẽ còn nhọc nhằn thêm…
Tôi đã cầu nguyện. Tôi đang cầu nguyện. Và tôi sẽ cầu nguyện cho quê hương tôi… Nhưng lòng tôi đau đớn vô cùng.
HOÀNG NGA
Nguồn:https://vietluan.com.au