Đạo Đức Kinh

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

Trân đã viết:
  1. ...
    không biết chừng nào CS Trung Quốc mới sập hay ý trời vẫn dung túng cho họ?
    ...
.. thiên cơ bất khả lậu .. :giggles: :flower: ..
          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 6
    THÀNH TƯỢNG 成 象




    Hán văn:
    谷 神 不 死 是 謂 玄 牝.
    玄 牝 之 門, 是 謂 天 地 根.
    綿 綿 若 存. 用 之 不 勤.

    Phiên âm:
    1. Cốc thần [1] bất tử thị vị Huyền tẫn. [2]
    2. Huyền tẫn chi môn thị vị thiên địa căn.
    3. Miên miên [3] nhược tồn. Dụng chi bất cần. [4]

    Dịch xuôi:
    1. Cốc thần bất tử, đó là Huyền tẫn.
    2. Cửa Huyền tẫn chính là gốc rễ trời đất.
    3. Miên man trường tồn, dùng không bao giờ hết.


    Dịch thơ:

    Trời bất tử, trường sinh bất tử,
    Cửa trường sinh là cửa càn khôn. [5]
    Miên man muôn kiếp vẫn còn,
    Muôn nghìn biến ảo mà tuồng trơ trơ.





    BÌNH GIẢNG

    Chương sáu này thực ra rất giản dị; đại ý rằng:

    • Đạo hay Cốc thần trường sinh bất tử đó là cánh cửa kiền 乾 (Huyền 玄) khôn 坤 (tẫn 牝)
    • đó là gốc gác, căn cơ của đất trời.
    • Đó là một nguồn sinh tung tỏa vô cùng vô tận, dùng mãi chẳng hề vơi.


    Chương này được các Đạo gia đặc biệt khai thác để áp dụng vào phương pháp tu thân, luyện đơn, cầu đạo, đi tìm trường sinh bất tử. Chính vì vậy mà ta cần khảo cứu chương này cho thấu đáo.



    A. Cốc thần 谷 神 là gì?

    Tiên học từ điển 仙 學 辭 典 giải:
    • Cốc là hư 虛; thần là linh giác 靈 覺. Phép luyện đơn lấy «hư linh bất muội làm căn bản» 虛 靈 不 昧 為 本. Nên Cốc thần chính là «Không linh chi nguyên thần» 空 靈 之 元 神. [6]


    Lưu Nhất Minh 劉 一 明 trong quyển Chu dịch xiển chân 周 易 闡 真 minh định rằng:
    • «Cốc thần chính là:
      • Thái cực 太 極 theo Nho giáo;
        Viên giác 圓 覺 theo Phật giáo;
        Kim đan 金 丹 theo Lão giáo.

      «Cốc,
      • ở đồ bản tròn của Dịch, thời ở vào điểm trống không ở giữa;
        ở đồ bản vuông của Dịch thời ở nơi tâm điểm chữ thập;
        ở nơi con người thời ở chỗ tứ tượng hòa hợp.

      Thần,
      • ở đồ bản tròn của Dịch thời ở nơi Kiền Khôn tương giao;
        ở đồ bản vuông của Dịch thời ở nơi hai cánh chữ thập giao tiếp nhau;
        ở nơi con người, thời ở nơi tứ tượng động tĩnh.

      [... ]
      • Cổ nhân gọi đó là ‘Sinh môn, tử hộ’ 生 門 死 戶, ‘Tạo hóa lô’ 造 化 爐 ‘Âm dương hộ’ 陰 陽 戶.
        Nho gia gọi là ‘Đạo nghĩa chi môn’ 道 義 之 門.
        Phật gia gọi là ‘bất nhị pháp môn’ 不 二 法 門.
        Đạo gia gọi là ‘Chúng diệu chi môn’ 眾妙之門.
        Cũng có thể gọi chung là «Giá cá» 這個. [7]


    Lưu Nhất Minh cũng còn cho rằng:
    • Cốc thần 谷 神 hay Nguyên tẫn 元 牝 [8] (Huyền tẫn 玄 牝) cũng chỉ là một. [9]


    Bạch tổ 白 祖 cho rằng:
    • «Đầu con người có chín cung, cung chính giữa là Cốc thần.
      Thần thường ở trong hang động của mình ban ngày tiếp xúc với vật, đêm tối tiếp xúc với mộng, vì thế không yên ở nơi chốn được». [10]


    Như vậy Cốc thần chính là ở nơi nê hoàn cung,
    vì Nê hoàn chính là «Bản cung của Thần» ở trong con người. [11]



    B. Huyền tẫn 玄 牝 là gì?

    Lão tử cho rằng
    • Huyền tẫn chính là Cốc thần: «Cốc thần bất tử, thị vị huyền tẫn.»


    Các dịch giả châu Âu thường dịch là:
    • la Femelle obscure (Duyvendak);
      la mère mystérieuse (Wieger);
      the Female mystery (J. Legge), v. v...


    Nhưng khảo cứu Đạo gia ta thấy:
    • Huyền tẫn chính là Thái cực, là nơi âm dương hợp nhất, kiền khôn giao thái,


    vì thế Lưu Nhất Minh mới nói:
    • «Huyền tẫn tương giao, lương tri, lương năng hỗn thành vô ngại, kim đan ngưng kết.
      Danh viết: Cốc thần, hựu danh Thánh thai.»
      玄 牝 相 交 良 知 良 能 混 成 無 礙 金 丹 凝 結 .
      名曰: 谷 神 又 名 聖 胎 [12]


    Sách Kim đan đại thành tập viết:
    • «Huyền tẫn là gì?
      Đáp viết: Ở trên là Huyền, ở dưới là Tẫn. Một khiếu Huyền quan phía trái là Huyền, phía phải là Tẫn.» [13]


    Vì thế các nhà luyện đơn mới cho rằng:
    • «Yếu đắc Cốc thần trường bất tử,
      Tu bằng Huyền tẫn lập căn cơ.» [14]
      要 得 谷 神 長 不 死 ; 須 憑 玄 牝 立 根 基.

      Nói nôm na rằng:
      Muốn đắc đạo, muốn trường sinh bất tử,
      phải biết phối hợp Huyền tẫn, nghĩa là phối hợp âm dương, phối hợp nhân tâm với Đạo tâm, phối hợp Thần, Hồn.

    Âm + Dương = Thái Cực
    Tẫn + Huyền = Đạo
    Nhân Tâm + Đạo Tâm = Cốc Thần
    Hồn + Thần


    Mà nơi phối hợp chính là ở
    • Nê hoàn cung 泥 丸 宮 ở chính giữa đầu não con người
      (Huyền quan nhất khiếu 玄 關 一 竅,
      Huyền tẫn 玄 牝,
      Thượng đan điền 上 丹 田).

    Chính vì thế mà Huyền tẫn còn được gọi là:
    • Huỳnh phòng 黃 房,
      Thần thất 神 室,
      Kim đỉnh 金 鼎,
      Ngọc lô 玉爐,
      Huyền quan 玄 關,
      Chân thổ 真 土,
      Ngân ngạc 鄞 鄂 …[15]


    Sách Thông thiên bí thư 通 天 秘 書 có cả một chương nói về Huyền tẫn. Đại loại Huyền tẫn là:
    • Thái hư chi cốc 太 虛 之 谷
      Tạo hóa chi nguyên 造 化 之 源
      Hỗn độn chi căn 混 沌 之 根
      Thái cực chi đế 太 極 之 蒂
      Hư vô chi hệ 虛 無 之 系
      Qui căn khiếu 歸 根 竅
      Phục mệnh quan 復 命 關
      Mậu kỷ môn 戊 己 門
      Hoàng trung cung 黃 中 宮
      Đan nguyên phủ 丹 元 府
      Chân nhất xứ 真 一 處
      Huỳnh bà xá 黃 婆 舍
      Chu sa đỉnh 朱 砂 鼎
      Long hổ huyệt 龍 虎 穴
      Qui trung 規 中
      Trung 中(trung điểm vòng Dịch), v. v... [16]




    C. Huyền tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn.
    玄 牝 之 門 是 謂 天 地 根


    Biết được Cốc thần, biết được Huyền tẫn chi môn, tức là biết được gốc gác, căn cơ của trời đất, vạn vật.
    Chẳng những thế còn biết được căn cơ, gốc gác của con người. Biết được căn cơ, gốc gác, tức là biết được nơi chốn trở về, vì thế trên đã nói Huyền tẫn chi môn cũng chính là: Qui căn khiếu, Phục mệnh quan.

    Sách Kim đan đại thành tập viết:
    • «Giữ được chân nhất ở Thiên cốc (Nê hoàn), khí vào được Huyền quan, tức là đạt tới Bản lai thiên chân». [17]


    Đạt tới Căn nguyên 根 源 tức là tìm ra được «Bản lai diện mục» 本 來 面 目. [18]
    Biết được Huyền tẫn chi môn, tức là biết chỗ luyện đan, biết nơi ngưng kết thánh thai.

    Sách Thông thiên bí thư viết:
    • «Ở trong con người có một khiếu gọi là Huyền tẫn...
      Huyệt này là gốc gác căn cơ cho khoa luyện đan, hoàn phản; là nơi thần tiên ngưng kết thánh thai.» [19]




    D. Biết được lò cừ Tạo hóa rồi,
    biết được Chân thể của Đạo rồi
    thì thấy mọi sự đều vĩnh cửu.

    Từ biến chuyển nhìn ra trời đất,
    Thì đất trời chớp mắt đã qua.
    Từ trong vĩnh cửu nhìn ra,
    Muôn loài muôn vật như ta, vô cùng. [20]





    _______________________________________
    • [1] Cốc thần 谷 神:
      các dịch giả châu Âu thường dịch Cốc thần là l’Esprit de la Vallée, như vậy không có nghĩa gì.
      Wieger dịch là: «La puissance expansive transcendante qui réside dans l’espace médian», không sai nhưng dài dòng quá.
    • [2] Huyền tẫn 玄 牝:
      nên hiểu Huyền là dương, tẫn là âm, và Huyền tẫn Thái cực nơi âm dương hợp nhất.
    • [3] Miên miên 綿 綿: dài dằng dặc.
    • [4] Cần 勤: hết.
    • [5] Ngộ chân thiên 悟 真 篇 vân:
      • Yếu đắc Cốc thần trường bất tử
        要 得 谷 神 長 不 死
        Tu bằng Huyền tẫn lập căn ky
        須 憑 玄 牝 立 根 基
        Chân tinh ký phản huỳnh kim ốc
        真 精 既 返 黃 金 屋
        Nhất khỏa minh châu vĩnh bất ly.
        一 顆 明 珠 永 不 離
    • [6] Đái Nguyên Trường 戴 源 長, Tiên Học từ điển 仙 學 辭 典, tr. 89:
      Cốc giả hư dã, thần giả linh giác dã, đan pháp dĩ hư linh bất muội vi bản, thị cốc thần giả, nãi không linh chi nguyên thần dã.
      谷 者 虛 也, 神 者 靈 覺 也, 丹 法 以 虛 靈 不 昧 為 本, 是 谷 神 者, 乃 空 靈 之 元 神 也.
    • [7] Xem Lưu Nhất Minh, Chu dịch xiển chân, tr. 11.
      Thị cốc dã, tại viên đồ tắc Kiền Khôn trung hư xứ thị, tại phương viên tắc thập tự trung phân xứ thị, tại nhân thân tắc tứ tượng hoà hợp xứ thị. Thị thần dã, tại viên đồ tắc Kiền Khôn giao đại xứ thị, tại phương viên tắc thập tự giao tiếp xứ thị, tại nhân thân tắc tứ tượng động tĩnh xứ thị.
      [...] Cổ nhân hiệu viết sinh môn tử hộ, hựu viết tạo hoá lô, âm dương lô; Nho viết Đạo nghĩa chi môn; Thích viết bất nhị pháp môn; Đạo viết chúng diệu chi môn. Tổng nhi ngôn chi viết Giá cá nhi dĩ.
      是 谷 也, 在 圓 圖 則 乾 坤 中 虛 處 是, 在 方 圓 則 十 字 中 分 處 是, 在 人 身 則 四 象 和 合 處 是. 是 神 也, 在 圓 圖 則 乾 坤 交 代 處 是, 在 方 圓 則 十 字 交 接 處 是, 在 人 身 則 四 象 動 靜 處 是.
      [...] 古 人 號 曰 生 門 死 戶, 又 曰 造 化 爐, 陰 陽 爐; 儒 曰 道 義 之 門; 釋 曰 不 二 法 門; 道 曰 眾 妙 之 門. 總 而 言 之 曰 這 個 而 已.
      (xem Tiên Thiên Phương Viên Đồ 先 天 方 圓 圖; ấn bản Chu Dịch Xiển Chân, Tây An 西 安 Trung Quốc, 1995, tr. 25-26.)
    • [8] Huyền tẫn 玄 牝
      từ đời nhà Thanh được cải là Nguyên tẫn 元 牝 để tránh tên húy nhà vua.
    • [9] Xem Lưu Nhất Minh, Chu Dịch Xiển Chân, tr. 9:
      Sở vân cốc thần bất tử, thị vị nguyên tẫn, nguyên tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn dã.
      所 云 谷 神 不 死,是 謂 元 牝,元 牝 之 門,是 謂 天 地 根 也
      (Bản Tây An 1995, tr. 25)
    • [10] Bạch tổ viết:
      «Nhân chi đầu hữu cửu cung, trung nhất cung danh viết Cốc thần. Thần thường cư kỳ cốc, nhật tắc tiếp ư vật, dạ tắc tiếp ư mộng, bất năng an định kỳ cư dã.»
      白 祖 曰 :
      人 之 頭 有 九 宮 中 一 宮 曰 谷 神 神 常 居 其谷 日 則 接 於 物 夜 則 接 於 夢 不 能 安 定 其 居 也 .
      Tiên học từ điển, mục từ Cốc thần, tr. 89.
    • [11] Nê hoàn thần chi bản cung 泥 丸 神 之 本 宮
      (Thôi Hi Phạm 崔 希 范, Nhập dược kính 入 藥 鏡, tr. 10b.)
    • [12] Lưu Nhất Minh, Chu dịch xiển chân, các đồ hình tr. 9.
      Như vậy Huyền là dương, Tẫn là âm.
    • [13] Kim đan đại thành tập 金 丹 大 成 集, chương 4a.
    • [14] Xem Chu dịch xiển chân, tr. 9a.
    • [15] Chú viết:
      Huỳnh phòng, Thần thất dã, Kim đỉnh dã; Ngọc lô dã; Huyền quan dã; Chân thổ dã; Ngân ngạc dã...
      注 曰 :
      黃 房 神 室 也 金 鼎 也 玉 爐 也 元 關 也 元 牝也 真 土 也 鄞 鄂 也
      Thôi Hi Phạm, Nhập dược kính, tr. 4b.
    • [16] Thông thiên bí thư 通 天 秘 書, quyển 4, tr. 9b.
    • [17] Vấn: Thái ất hàm chân.
      Đáp viết: Thủ chân ư Thiên cốc, khí nhập Huyền quan, tức đạt «bản lai Thiên chân»
      問 : 太 乙 含 真
      答 曰 : 守 真 於 天 谷 氣 入 玄 關 即 達 本 來 天 真.
      Kim đan đại thành tập, tr. 6b.
    • [18] Đỗng kiến bản lai diện mục, chứng triệt vô thượng căn nguyên
      洞 見 本 來 面 目 證徹 無 上 根 源.
      Xướng đạo chân ngôn 倡 道 真 言, quyển 1, tr. 2b.
    • [19] Phù thân trung nhất khiếu danh viết Huyền tẫn. Thử huyệt nãi kim đan hoàn phản chi căn; thần tiên ngưng kết thánh thai chi địa.
      夫 身 中 一 竅 名 曰 玄 牝 . 此 穴 乃 金 丹 還 返 之 根 ; 神 仙 凝 結 聖胎 之 地
      Thông thiên bí thư, quyển 4, tr. 9b.
    • [20] Cái tương tự kỳ biến giả nhi quan chi, tắc thiên địa tằng bất năng dĩ nhất thuấn; tự kỳ bất biến giả nhi quan chi, tắc vật dữ ngã giai vô tận dã.
      蓋 將 自 其 變 者 而 觀 之 則 天 地 曾 不 能 以 一 瞬 ;自其 不 變 者 而 觀 之 則 物 與 我 皆 無 盡 也 .
      Tô Đông Pha 蘇 東 坡, Tiền Xích bích phú 前 赤 壁 賦.
      Xem bài phú Tiền Xích bích của Tô Thức 蘇 軾, bản dịch Nguyễn Văn Thọ, tạp chí Văn đàn, năm thứ 3, bộ 3, số 41, ngày 9 đến 15. 8. 1962.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 7
    THAO QUANG 韜 光
    [1]




    Hán văn:
    天 長 地 久. 天 地 所 以 能 長 且 久 者, 以 其 不 自 生, 故 能 長 生.
    是以 聖 人 後 其 身 而 身 先, 外 其 身 而 身 存.
    非 以 其 無 私 耶? 故 能 成 其 私.

    Phiên âm:
    1. Thiên trường, địa cửu. Thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giả, dĩ kỳ bất tự sinh, cố năng trường sinh.
    2. Thị dĩ thánh nhân, hậu kỳ thân nhi thân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn.
    3. Phi dĩ kỳ vô tư da? Cố năng thành kỳ tư.

    Dịch xuôi:
    Trời dài, đất lâu. Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không sống cho mình, vì thế nên trường sinh.
    Vì vậy thánh nhân để thân ra sau mà thân ở trước; để thân ra ngoài mà thân còn.
    Phải chăng vì không riêng tây, nên vẫn thành được cái riêng tây?


    Dịch thơ:

    Trời đất bền, không vì mình sống,
    Rẻ tấm thân, hiền thánh vinh danh.
    Khinh thân, chẳng xá chi mình,
    Vô tư nên mới hoàn thành riêng tư.





    BÌNH GIẢNG

    Chương này dạy ta hai bài học trọng đại:



    1. Bắt chước đất trời mà hành sự.

    Lão tử chủ trương:
    • Thánh nhân phải biết noi gương trời đất mà hành sự.

    Chủ trương này cũng chính là chủ trường của kinh Dịch. Dịch kinh 易 經 viết:
    • «Thiên thùy tượng, hiện cát hung, thánh nhân tượng chi.»
      天 垂 象 現 吉 凶 聖 人 象 之
      (Trời sinh hiện tượng, cho biết hay dở, thánh nhân trông đó mà bắt chước.) [2]

    Nếu chúng ta nhìn vào thiên nhiên, vào vũ trụ
    để mà tìm ra những bài học luân lý tiềm ẩn trong mọi hiện tượng,
    thì trời đất đối với ta sẽ trở thành một cuốn sách vĩ đại.





    2. Sống một cuộc đời vô ngã, vô kỷ, chí công, vô tư.

    Lão tử cũng dạy cho ta bài học «vô ngã, vô kỷ».
    Lão tử cho rằng
    • trời đất trường cửu
      chính là vì không có lòng tư tâm, tư kỷ,
      hằng lồng trong vạn vật chẳng hề lìa xa,[3] sinh dưỡng vạn vật chẳng hề bỏ sót vật nào.[4]

    Cũng một lẽ nếu thánh nhân, chỉ lo lợi lộc riêng tư của mình, thì chỉ mua oán chuốc sầu, mà chẳng thành tựu được công trình chi to tát. Muốn trường cửu, cần phải biết quên mình. Quên mình tức là rũ bỏ hết tiểu kỷ, tiểu ngã, hòa mình với Đại đồng:

    Tống Long Uyên cho rằng:
    • Thánh nhân coi đạo đức là gốc, coi ảo thân là ngọn, không cầu vinh hiển cho mình.[5]

    Trang tử viết:
    • Chí nhân vô kỷ 至 人 無 己.[6]

    Lại viết:
    • «Chỉ có thể tán tụng bậc chí nhân rằng: Ngài đã hợp nhất với đại đồng, và không còn cái mình nhỉ nhoi nữa.»[7]

    Đã không còn cái mình nhỏ nhoi, tức là đã thể hiện được Đại ngã. Thể hiện được Đại ngã tức là nhập Niết bàn, theo từ ngữ Phật giáo.[8]

    Thánh nhân vì không còn lòng tư kỷ, nên lấy lòng người làm lòng mình, không còn tranh chấp. Chính vì thế mà tồn tại cùng với thời gian, chính vì thế mà những cái gì riêng tư của mình cũng chẳng mất.

    Lưu Tư 劉 思, tác giả quyển Bạch thoại dịch giải Lão tử kể một truyện rất dí dỏm sau đây để giải thích câu «Phi dĩ kỳ vô tư da, cố năng thành kỳ tư» 非 以 其 無 私 耶? 故 能 成 其 私:
    • Công Nghi Hựu làm tướng nước Lỗ, tính rất thích cá. Cả nước dâng cá. Công Nghi không nhận. Đệ tử trách:
      • “Thầy thích cá, mà không nhận cá, vì sao?” -
      Công Nghi nói:
      • “Chính vì thích cá, mà không nhận cá. Nếu nhận cá sẽ mất chức tướng quốc, dẫu thích cá, cũng không thể cung cấp cá cho mình. Không nhận cá, thời còn chức tướng quốc, vì thế nên vẫn có cá ăn lâu dài...” [9]

    Đạo Đức kinh, chương 66, cũng viết:

    «Sông biển kia cớ sao mà trọng,
    Nước muôn khe thao túng vì đâu?
    Biển sông vì thấp vì sâu,
    Cho nên mới được đứng đầu muôn khe.
    Muốn cao cả, ngôi che nhân thế,
    Phải hạ mình, nhỏ nhẹ khiêm cung.
    Cầm đầu phải ẩn sau lưng,
    Mình sau, người trước chớ đừng kiêu căng.
    Cho nên những nhân quân thánh đế,
    Ở trên dân, dân nhẹ như không.
    Trước dân, dân vẫn nức lòng,
    (Người tung kẻ hứng, như rồng gặp mây).
    Dạ vốn chẳng toan bài tranh chấp,
    Thế cho nên chẳng gặp đấu tranh.»





    _______________________________________
    • [1] Thao quang 韜 光:
      che giấu bớt ánh sáng.
    • [2] Hệ từ thượng, chương 11.
    • [3] Thể vạn vật nhi bất khả di 體 萬 物 而 不 可 遺 .
      Đạo đức kinh giảng nghĩa 道 德 經 講 義, tr. 10b.
    • [4] Sinh vạn vật nhi bất quỹ 生 萬 物 而 不 匱.
      ib. 10b.
    • [5] Dĩ đạo đức vi bản, dĩ ảo [huyễn] thân vi mạt, bất cầu vinh hiển ư nhất thân
      以 道 德 為 本, 以 幻 身 為 末, 不 求 榮 顯 於 一 身
      (Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 10)
    • [6] Nam hoa kinh, I, Tề vật luận, C.
    • [7] Luận tụng hình khu, hợp hồ Đại đồng. Đại đồng nhi vô kỷ.
      論 頌 形 軀,合 乎 大 同 . 大 同 而 無 己.
      Cf. Wieger, Les pères du système Taoïste, Tchoang Tzeu, chap. 11, E. p. 291-293.
    • [8] Hữu đại ngã cố, danh đại Niết bàn. 有 大 我 故 名 大 涅


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 8
    DỊ TÍNH 易 性
    [1]




    Hán văn:
    上 善 若 水.
    水 善 利 萬 物 而 不 爭, 居 眾 人 之 所 惡, 故 几 於 道.
    居 善 地, 心 善 淵, 與 善 仁, 言 善 信, 政 善 治, 事 善 能, 動 善 時.
    夫 唯 不 爭, 故 無 尤.

    Phiên âm:
    Thượng thiện nhược thủy.
    Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ [2] ư Đạo.
    Cư thiện [3] địa, tâm thiện uyên, dữ [4] thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thời.
    Phù duy bất tranh, cố vô vưu. [5]

    Dịch xuôi:
    Bậc trọn lành giống như nước.
    Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, ở chỗ mọi người đều ghét, cho nên gần Đạo.
    Ở thì lựa nơi chốn; tâm hồn thời thâm trầm sâu sắc; giao tiếp với người một mực nhân ái; nói năng thành tín; lâm chính thời trị bình; làm việc thời có khả năng; hoạt động cư xử hợp thời.
    Chính vì không tranh, nên không ai chê trách oán thán.


    Dịch thơ:

    1. Người trọn hảo giống in làn nước,
    2. Nuôi muôn loài chẳng chút cạnh tranh.
    Ở nơi nhân thế rẻ khinh,
    Nên cùng Đạo cả mặc tình thảnh thơi.
    3. Người trọn hảo, chọn nơi ăn ở,
    Lòng trong veo, cố giữ đức nhân.
    Những là thành tín nói năng,
    Ra tài bình trị chúng dân trong ngoài.
    Mọi công việc an bài khéo léo,
    Lại hành vi mềm dẻo hợp thời.
    4. Vì không tranh chấp với ai,
    Một đời thanh thản, ai người trách ta.





    BÌNH GIẢNG

    Có nhiều cách bình giảng chương này:
    1. Vương Bật, Hà Thượng công, Tống Long Uyên
      toàn đề cập các đức tính của nước.
    2. James Legge và Duyvendak
      cho rằng chương này nói về sự trọn hảo.
    3. Có nhiều tác giả khác như Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần
      áp dụng chương này vào «bậc trọn hảo», vào thánh nhân.
      Tôi cũng chủ trương như vậy.


    Ở chương này,
    • Lão tử khuyên các bậc thánh nhân phải bắt chước nước.
      • Nước bao giờ cũng chảy chỗ trũng, chỗ thấp, làm ơn ích cho muôn loài muôn vật.
      • Bậc thánh nhân cũng phải như vậy:
        • phải sống cuộc đời khiêm cung, từ tốn, quên mình vì người, không tự cao tự đại,
          có như thế mới gần Đạo gần Trời. [6]
    • Ngoài ra thánh nhân phải:
      1. Chọn nơi ăn chốn ở, vì chỗ ăn ở ảnh hưởng rất nhiều đến toàn thể con người.
      2. Phải sống thâm trầm, không phù phiếm, xốc nổi.
        Tham Đồng Khế 參 同 契 của Ngụy Bá Dương 魏 伯 陽 có câu:
        • «Chân nhân tiềm thâm uyên, phù du thủ qui trung.»
          真 人潛 深 淵,浮 游 守 規 中
        và giải rằng đó là luôn giữ được Nguyên thần ở Nê hoàn.[7]
      3. Giao tiếp với người bằng một lòng nhân ái.
      4. Nói lời thành tín.
      5. Nếu cầm quyền chính, sẽ đem bình trị lại cho thiên hạ.
      6. Khi làm công việc, tỏ ra có khả năng.
      7. Hoạt động uyển chuyển theo thời.
    • Chẳng những thế thánh nhân sẽ không tranh chấp với ai.



    Cát Trường Canh toát lược chương này như sau:
      • «Nước bỏ chỗ cao, mà chảy xuống chỗ thấp
      • – ngày đêm, nước làm việc chẳng ngừng. Trên trời, nước làm mưa, làm sương. Dưới đất, nước sinh sông, sinh lạch. Đâu đâu nước cũng thấm nhuần, tắm gội. Nước làm ích cho mọi loài.
      • Nước luôn tuân phục, không kháng cự. Đắp đê ngăn thời nước ngừng; mở cửa cống cho thoát thời nước chảy. Nước cũng đổi hình thù vuông tròn tùy theo bình chứa.

      Con người thường có khuynh hướng khác hẳn.
      • Con người luôn ưa lợi lộc, luôn luôn vị kỷ.
      • Vì thế con người phải bắt chước làm nước.
      • Kẻ nào hạ mình để phục vụ người, sẽ được mọi người thương mến, và không bị ai chống đối.» [8]





    _______________________________________
    • [1] Dị tính 易 性:
      sống giản dị, theo tính tự nhiên.
    • [2] Cơ 幾: gần.
    • [3] Thiện 善:
      • (a) ưa thích, chịu.
        (b) nên, tốt,... mới tốt. (Ví dụ: Tâm phải sâu xa mới tốt. Lời nói phải tín thành mới tốt.)

      Duyvendak theo James Legge, dịch câu này như sau:
      • On considère:
        - bon pour la demeure, le lieu (favorable)
        - bonne pour le cœur, la profondeur,
        - bonne pour les rapports sociaux, l’humanité
        - bonne pour la parole, la bonne foi
        - bon pour le gouvernement, l’ordre
        - bonne pour le service, la capacité
        - bon pour l’action, de saisir le moment favorable

      Duyvendak, Tao Te King, p. 19.
    • [4] Dữ 與:
      sự giao tiếp.
    • [5] Vưu 尤:
      lỗi lầm oán trách.
    • [6] Thánh nhân dĩ khiêm thoái tự xử, dĩ ti hạ tự an, ninh khúc kỷ dĩ toàn nhân, bất hiếu cao nhi tự đại.
      聖 人 以 謙 退 自 處, 以卑 下 自 安, 寧 曲 己 以 全 人, 不 好 高 而 自大 .
      Tống Long Uyên, Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 11.
    • [7] Chân nhân tiềm thâm uyên, phù du thủ qui trung...
      Tùy chân tức chi vãng lai, nhiệm chân tức chi thăng giáng, tự triêu chí mộ, nguyên thần thường thê ư nê hoàn…
      真 人 潛 深 淵, 浮 游 守 規 中 ...
      隨 真 息 之 往 來, 任 真 息 之 升 降, 自 朝 至 暮, 元 神 常 棲 於 泥 丸 ...
      Phục mệnh thiên vân: «Hội hướng ngã gia viên lý, tài bồi nhất mẫu thiên điền.
      復 命 篇 云 : 會 向 我 家 園 裏, 栽 培 一 畝 天 田.
      Thiên điền 天 田 là thiên tâm 天 心, thiên cốc 天 谷, nê hoàn 泥 丸)
      Chu dịch tham đồng khế phát huy 周 易 參 同 契 發 輝, quyển trung, tr. 18b.
    • [8] Xem Léon Wieger, Les Pères du Sytème Taoïste, p. 25.


Trân
Bài viết: 164
Ngày tham gia: Thứ sáu 11/03/16 09:20

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Trân »

  1. khi đọc ĐĐK, t. phải tự tóm tắt những ý chính để hiểu rõ và dễ nhớ hơn. xin anh Hoàng Vân và thôn làng đừng cười t. nhé. :giggles:

    *
    khảo luận.
    1. tiểu sử lão Tử: mơ hồ & ẩn ước; thực tế xen lẫn huyền thoại (Lão tử có từ trước đất trời, sống vĩnh cửu cùng với đất trời là Thượng đế, chẳng những giáng trần một lần mà đã giáng trần nhiều lần ...)--->dân gian xưa nay đều thêu dệt rất nhiều huyền thoại quanh cuộc thai sinh của vị giáo chủ mình.
    a. theo Tư Mã Thiên: người thôn Khúc Nhân, quản thủ thư viện nhà Chu, tu đạo đức: gần thực tế nhất, mô tả Lão tử như một ẩn sĩ, một hiền triết có gia đình con cái như mọi người, bất quá là sống lâu hơn người thường, biết đường tu luyện hơn người thường.
    b. theo Lão Tử Minh: Lão tử tính Lý, tự Bá Dương, người huyện Tương nước Sở, quan coi thư viện nhà Chu... nhiều phần huyền thoại.
    c.theo Lão Tử Biến Hóa Kinh: đầy rẫy những huyền thoại: Bảy hai năm chẵn gửi thân mẹ lành; mũi hai sống, lỗ tai ba...
    2. đại cương Đạo Đức Kinh:
    a. hiếu cổ: yêu và muốn làm sống lại nếp sống của cổ nhân: sống gần trời, hồn nhiên siêu thái: không bị dục vọng & danh lợi lôi cuốn, không bị tập tục xã hội ràng buộc.
    b. huyền học: danh hiệu dành cho những ai thông minh tinh tế thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình
    --->coi mình là hiện thân của Thượng đế--> cố tu luyện đến chỗ cao minh linh diệu.
    c. toát lược Đạo Đức Kinh:
    * Đạo: Tuyệt đối thể bất khả tư nghị, vô biên tế, là căn cơ, là nguồn gốc muôn loài.
    * Đức: sự hiển dương của Đạo.
    * biến thiên bên ngoài đều được coi là tương đối: Mục đích của cuộc biến hóa chính là sự trở về hiệp nhất với Đạo.
    * Thánh nhân: là những người lãnh hội được đạo thể, thực hiện được đạo thể nơi mình.
    * Nguyện ước của Lão tử: là muốn cho mọi người đắc Nhất, đắc đạo.
    * Con đường tu luyện: giản dị-không tập thở, tập hít; không ngồi thiền; không cầu trường sinh bất tử cho thân xác; không nấu thuốc luyện đơn...
    * Về phương diện chính trị: tránh chiến tranh, để dân sống hồn nhiên, không bắt dân hy sinh để thực hiện tham vọng của mình.
    * chủ trương vô vi để tu thân và trị dân.
    3.Tổng luận:
    Đạo Đức Kinh của Lão tử để tu thân và trị dân rất giản dị nhưng rất cao siêu và khó thực hiện.

    *
    ngoài mục đích đọc ĐĐK vì đó là hướng đi cho người hướng tâm về, liều thuốc cho người lữ hành (by anh Hoàng Vân), t. còn học được những từ ngữ mới như khảo luận, đại cương, toát lượt, tổng luận, bình giảng,tấn tuồng, phương thuật, trục cốt, lời lẽ uẩn súc ... ngày t đi học, hình như, sách giáo khoa không có những từ vựng này. dõi theo bản dịch ĐĐK của bs Nguyễn Văn Thọ, t có cảm tưởng được ngồi trong lớp học thời Việt Nam Cộng Hoà.

    :flower: :flwrhrts: :kssflwr:
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           



    Cám ơn Trân tóm tắt. Anh rất vui khi đọc và anh nghĩ các bạn khác cũng thế, vì có người tóm tắt cho mình.

    Khi đọc những lời bình giải của BS Nguyễn văn Thọ, thì có những câu, những quan điểm mà anh không đồng ý, nhưng lướt qua vì không thấy gì là quan trọng, vì đối với một đề tài tâm linh như ĐĐK, anh chỉ là một gã mù rờ voi.

    Tuy nhiên, nhờ Trân tóm tắt, mà anh thấy nổi lên những điểm bất đồng của cá nhân anh. Anh xin đem ra đây một cách làm biếng, bằng hình thức kẻ vàng những bất đồng, (kẻ xanh nhạt những điểm rất đồng tình .. :giggles: ..) một hình thức đóng góp cho những cuộc tranh luận nếu có về ĐĐK.



    khảo luận.
    1. tiểu sử lão Tử: mơ hồ & ẩn ước; thực tế xen lẫn huyền thoại (Lão tử có từ trước đất trời, sống vĩnh cửu cùng với đất trời là Thượng đế, chẳng những giáng trần một lần mà đã giáng trần nhiều lần ...)--->dân gian xưa nay đều thêu dệt rất nhiều huyền thoại quanh cuộc thai sinh của vị giáo chủ mình.
    a. theo Tư Mã Thiên: người thôn Khúc Nhân, quản thủ thư viện nhà Chu, tu đạo đức: gần thực tế nhất, mô tả Lão tử như một ẩn sĩ, một hiền triết có gia đình con cái như mọi người, bất quá là sống lâu hơn người thường, biết đường tu luyện hơn người thường.
    b. theo Lão Tử Minh: Lão tử tính Lý, tự Bá Dương, người huyện Tương nước Sở, quan coi thư viện nhà Chu... nhiều phần huyền thoại.
    c.theo Lão Tử Biến Hóa Kinh: đầy rẫy những huyền thoại: Bảy hai năm chẵn gửi thân mẹ lành; mũi hai sống, lỗ tai ba...
    2. đại cương Đạo Đức Kinh:
    a. hiếu cổ: yêu và muốn làm sống lại nếp sống của cổ nhân: sống gần trời, hồn nhiên siêu thái: không bị dục vọng & danh lợi lôi cuốn, không bị tập tục xã hội ràng buộc.
    b. huyền học: danh hiệu dành cho những ai thông minh tinh tế thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình
    --->coi mình là hiện thân của Thượng đế--> cố tu luyện đến chỗ cao minh linh diệu.
    c. toát lược Đạo Đức Kinh:
    * Đạo: Tuyệt đối thể bất khả tư nghị, vô biên tế, là căn cơ, là nguồn gốc muôn loài.
    * Đức: sự hiển dương của Đạo.
    * biến thiên bên ngoài đều được coi là tương đối: Mục đích của cuộc biến hóa chính là sự trở về hiệp nhất với Đạo.
    * Thánh nhân: là những người lãnh hội được đạo thể, thực hiện được đạo thể nơi mình.
    * Nguyện ước của Lão tử: là muốn cho mọi người đắc Nhất, đắc đạo.
    * Con đường tu luyện: giản dị-không tập thở, tập hít; không ngồi thiền; không cầu trường sinh bất tử cho thân xác; không nấu thuốc luyện đơn...
    * Về phương diện chính trị: tránh chiến tranh, để dân sống hồn nhiên, không bắt dân hy sinh để thực hiện tham vọng của mình.
    * chủ trương vô vi để tu thân và trị dân.
    3.Tổng luận:
    Đạo Đức Kinh của Lão tử để tu thân và trị dân rất giản dị nhưng rất cao siêu và khó thực hiện.

    *
    ngoài mục đích đọc ĐĐK vì đó là hướng đi cho người hướng tâm về, liều thuốc cho người lữ hành (by anh Hoàng Vân), t. còn học được những từ ngữ mới như khảo luận, đại cương, toát lượt, tổng luận, bình giảng,tấn tuồng, phương thuật, trục cốt, lời lẽ uẩn súc ... ngày t đi học, hình như, sách giáo khoa không có những từ vựng này. dõi theo bản dịch ĐĐK của bs Nguyễn Văn Thọ, t có cảm tưởng được ngồi trong lớp học thời Việt Nam Cộng Hoà.


    BS Thọ dùng những từ xưa vì ngoài nghề BS ra, ông từng là giáo sư đại học về Triết Học Đông Phương (67-75) .. :flwrhrts: ..
    Ông sinh 1921 tại Hà Nam, Bắc Việt và mất 2014 tại Issaquah, Washington, Hoa Kỳ.


    :flower:
Trân
Bài viết: 164
Ngày tham gia: Thứ sáu 11/03/16 09:20

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Trân »

Hoàng Vân đã viết:
  • Nói Lão tử là một nhà huyền học, nhiều người tưởng như vậy sẽ hạ giá Lão tử.
    Trái lại, nếu chúng ta hiểu rõ thế nào là huyền học, ta sẽ thấy đó là một huy hiệu rất cao siêu.

    Huyền học (mystique) là một danh từ hiện đại tặng dữ cho những ai có một đời sống siêu nhiên mãnh liệt, ý thức như đã tiếp xúc được với luồng quyền lực vô biên của vũ trụ. Những nhà huyền học là những người:

    • 1. Có tâm thần rất thông minh, tinh tế
      2. Nhìn thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình
      3. Nhận thức được tấn tuồng biến thiên ảo hóa của vũ trụ cũng như của lịch sử nhân quần.
      4. Cố tu luyện, cố thanh lọc tâm thần để đi đến chỗ cao minh linh diệu. [102]
      5. Sống phối hợp với Trời, coi mình là hiện thân của Thượng đế.
  1. anh Hoàng Vân ơi, t sai khi viết "danh hiệu". đúng ra là danh từ và huy hiệu.

    và đây mới là đúng trình tự suy luận của tác giả:
    (2) "thấy Trời nơi tâm khảm mình"---> (4)"cố tu luyện cố thanh lọc tâm thần để đi đến chỗ cao minh linh diệu"---->(5)"sống phối hợp với Trời, coi mình là hiện thân của Thượng đế".

    *
    anh tô đậm "coi mình là hiện thân của Thượng đế" và "cố tu luyện...". có phải anh nghĩ: đã là hiện thân của Thượng đế thì cần gì phải cố tu luyện nữa nên bất đồng với ý đó?

    thêm một ý nhỏ ngoài lề: t liên hệ câu "coi mình là hiện thân của Thượng đế" với lời kinh Pháp Hoa: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" (Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh) có ok không?
Trân
Bài viết: 164
Ngày tham gia: Thứ sáu 11/03/16 09:20

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Trân »

  1. t. không hiểu rõ ý này: "Mục đích của cuộc biến hóa chính là sự trở về hiệp nhất với Đạo", t. định cứ tóm tắt trước rồi đọc từ từ thêm những bình giảng về những chương sau này xem có thông tỏ hơn chút nào không? để t. rủ Vịnh Nghi vào tranh luận nhé, Vịnh Nghi ơiiii :giggles: ... ah, mời cả thôn làng người Nam nữa ha :flower: .
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

Hoàng Vân đã viết:
  •           
    ...
    ....
    a. hiếu cổ: yêu và muốn làm sống lại nếp sống của cổ nhân: sống gần trời, hồn nhiên siêu thái: không bị dục vọng & danh lợi lôi cuốn, không bị tập tục xã hội ràng buộc.
    b. huyền học: danh hiệu dành cho những ai thông minh tinh tế thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình
    --->coi mình là hiện thân của Thượng đế--> cố tu luyện đến chỗ cao minh linh diệu.
    c. toát lược Đạo Đức Kinh:
    * Đạo: Tuyệt đối thể bất khả tư nghị, vô biên tế, là căn cơ, là nguồn gốc muôn loài.
    * Đức: sự hiển dương của Đạo.
    * biến thiên bên ngoài đều được coi là tương đối: Mục đích của cuộc biến hóa chính là sự trở về hiệp nhất với Đạo.
    * Thánh nhân: là những người lãnh hội được đạo thể, thực hiện được đạo thể nơi mình.
    * Nguyện ước của Lão tử: là muốn cho mọi người đắc Nhất, đắc đạo.
    * Con đường tu luyện: giản dị-không tập thở, tập hít; không ngồi thiền; không cầu trường sinh bất tử cho thân xác; không nấu thuốc luyện đơn...
    * Về phương diện chính trị: tránh chiến tranh, để dân sống hồn nhiên, không bắt dân hy sinh để thực hiện tham vọng của mình.
    * chủ trương vô vi để tu thân và trị dân.
    3.Tổng luận:
    Đạo Đức Kinh của Lão tử để tu thân và trị dân rất giản dị nhưng rất cao siêu và khó thực hiện.
    ....

    ...
Trân đã viết:
Hoàng Vân đã viết:
  • Nói Lão tử là một nhà huyền học, nhiều người tưởng như vậy sẽ hạ giá Lão tử.
    Trái lại, nếu chúng ta hiểu rõ thế nào là huyền học, ta sẽ thấy đó là một huy hiệu rất cao siêu.

    Huyền học (mystique) là một danh từ hiện đại tặng dữ cho những ai có một đời sống siêu nhiên mãnh liệt, ý thức như đã tiếp xúc được với luồng quyền lực vô biên của vũ trụ. Những nhà huyền học là những người:

    • 1. Có tâm thần rất thông minh, tinh tế
      2. Nhìn thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình
      3. Nhận thức được tấn tuồng biến thiên ảo hóa của vũ trụ cũng như của lịch sử nhân quần.
      4. Cố tu luyện, cố thanh lọc tâm thần để đi đến chỗ cao minh linh diệu. [102]
      5. Sống phối hợp với Trời, coi mình là hiện thân của Thượng đế.
  1. anh Hoàng Vân ơi, t sai khi viết "danh hiệu". đúng ra là danh từ và huy hiệu.

    và đây mới là đúng trình tự suy luận của tác giả:
    (2) "thấy Trời nơi tâm khảm mình"---> (4)"cố tu luyện cố thanh lọc tâm thần để đi đến chỗ cao minh linh diệu"---->(5)"sống phối hợp với Trời, coi mình là hiện thân của Thượng đế".

    *
    anh tô đậm "coi mình là hiện thân của Thượng đế" và "cố tu luyện...". có phải anh nghĩ: đã là hiện thân của Thượng đế thì cần gì phải cố tu luyện nữa nên bất đồng với ý đó?

    thêm một ý nhỏ ngoài lề: t liên hệ câu "coi mình là hiện thân của Thượng đế" với lời kinh Pháp Hoa: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" (Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh) có ok không?
Trân đã viết:
  1. t. không hiểu rõ ý này: "Mục đích của cuộc biến hóa chính là sự trở về hiệp nhất với Đạo", t. định cứ tóm tắt trước rồi đọc từ từ thêm những bình giảng về những chương sau này xem có thông tỏ hơn chút nào không? để t. rủ Vịnh Nghi vào tranh luận nhé, Vịnh Nghi ơiiii :giggles: ... ah, mời cả thôn làng người Nam nữa ha :flower: .
  • anh chỉ tô vàng, tô xanh trên bản tóm tắt, cho vui, cho lẹ chứ không có trở về nguyên bản của BS Nguyễn văn Thọ (NTNVT). Cám ơn Trân đã đem nguyên bản ra .. :D ..

    • huyền học: danh hiệu
      • đối với anh
        • "nhà huyền học" là một danh hiệu
          .. như "nhà bác học Marie Curie", "nhà tâm lý học Sigmund Freud"
        • còn "huyền học" là một khoa học
          cũng như y học, sữ học, triết học, toán học .. vv .. chứ không phải một danh hiệu.
    • --->coi mình là hiện thân của Thượng đế--> cố tu luyện đến chỗ cao minh linh diệu.
      • "coi mình là hiện thân của TĐ"
        • có thể dẫn đến hiểu lầm
          "nhận thức trong vạn vật và trong mình đều có bản chất của TĐ"
          nghe rõ hơn và bình đẳng hơn

        cố tu luyện đến chỗ cao minh linh diệu.
        • "tu"
          thì được
          nhưng "cố .. luyện đến chỗ cao minh linh diệu"
          thì không được, vì không hiểu "Đạo"
    • t liên hệ câu "coi mình là hiện thân của Thượng đế" với lời kinh Pháp Hoa: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" (Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh) có ok không?
      • TĐ khác với Phật
        Có thể hiểu nôm na
        • TĐ= Đấng Hóa Sanh
        • Phật= người Thanh Tịnh Tỏa Sáng ... vv và vv ..
          (mà phải đến "giai đoạn Phật" thì họa may mới diễn tả được Phật như thế nào ..)

        "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh"
        • chúng sanh đều có cái nhân Thanh Tịnh Tỏa Sáng để mà phát huy đến vô cùng
    • "Mục đích của cuộc biến hóa chính là sự trở về hiệp nhất với Đạo"
      • chắc là ý NTNVT muốn nói
        kết cục của cuộc biến hóa chính là sự trở về hiệp nhất với Đạo
        "Mục đích" và "Kết Cục" là hai cái khác nhau
        • " Biến Hóa" có chủ ý và mục đích đấy,
          nhưng không cần phải có chủ ý, mục đích, mục tiêu là "trở về hiệp nhất với Đạo"
        • vì "trở về hiệp nhất" đã nằm trong quy luật rồi, không cần phải có chủ ý, không cần phải là mục tiêu
          tự nhiên cũng phải trở về ...



    :flower:
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 9
    VẬN DI 運 夷
    [1]




    Hán văn:
    持 而 盈 之, 不 如 其 已.
    揣 而 銳 之, 不 可 長 保.
    金 玉 滿 堂, 莫 之 能 守.
    富 貴 而 驕, 自 遺 其 咎.
    功 成 名 遂, 身 退, 天 之 道.

    Phiên âm:
    1. Trì [2] nhi doanh [3] chi bất như kỳ dĩ.[4]
    2. Sủy [5] nhi nhuệ [6] chi bất khả trường bảo.
    3. Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ.
    4. Phú quí nhi kiêu, tự di [7] kỳ cữu.[8]
    5. Công thành, danh toại, thân thoái,[9] thiên chi đạo.

    Dịch xuôi:
    1. Giữ mà làm cho đầy mãi, không bằng dừng lại.
    2. Mài cho nhọn, cho sắc không giữ được lâu.
    3. Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được.
    4. Giàu sang mà kiêu căng, sẽ tự vời tai họa.
    5. Thành công, thành danh rồi thời nên lui thân, ấy là đạo Trời.


    Dịch thơ:

    1. Bình nước đầy giữ sao khỏi đổ,
    Đổ chi đầy quá cỡ chứa chan?
    2. Ra công mài nhọn dao oan,
    Giữ sao cho được vẹn toàn trước sau?
    3. Đầy vàng ngọc nhà nào bền bỉ,
    4. Quá giàu sang chắc sẽ kiêu sa,
    Suy vong do đó sinh ra,
    5. Nên giờ vinh hiển là giờ thoái lui.
    Công thành thân thoái lẽ Trời.





    BÌNH GIẢNG

    Chương này bàn về sự thăng trầm của cuộc đời.

    Léon Wieger bình chương này như sau:
    • «Một bình nước đầy, hơi đụng tới sẽ tràn, hoặc sẽ hao dần vì bốc hơi.
      Một lưỡi nhọn quá nhọn, sẽ bị khí trời làm giảm sức bén.
      Một kho tàng trước sau sẽ bị cướp bóc, bị tịch thâu.
      Mặt trời lên đến đỉnh sẽ xế; trăng mà tròn thời sẽ khuyết. Một bánh xe quay tới điểm cao nhất sẽ lộn xuống.
      Ai mà hiểu định luật phổ quát và bất biến này của trời đất là hết doanh sẽ đến hư, khi thấy công danh của mình đã lên tới cực điểm rồi, thì phải liệu bề rút lui. Làm vậy không phải vì sợ nhục sau này, mà chính là để bảo thân, để theo đúng đường lối của số mệnh.


    Một nhà bình giải cho rằng:
    • khi giờ đã điểm, thánh nhân sẽ tháo cũi, sổ lồng, để sống ngoài vòng cương tỏa. Như kinh Dịch đã nói, lúc ấy thánh nhân không còn phục vụ vua chúa nữa, vì tâm trí ngài đã ở trên một bình diện cao hơn. [10] Nhiều đạo gia xưa nay đã theo đường lối này và đã qui ẩn lúc đang thời thịnh mãn. [11]


    Con người cần phải biết định luật doanh hư, tiêu trưởng của trời đất, mới bảo tồn được tấm thân. Đó chính cũng là chủ trương của Dịch, và của Khổng giáo.
    • Kinh Dịch nơi Thoán truyện quẻ Phong 豐 viết:
      • «Vừng dương cao sẽ xế ngang,
        Trăng tròn rồi sẽ chuyển sang hao gầy.
        Đất trời lúc rỗng, lúc đầy,
        Thăng trầm, tăng giảm đổi thay theo thời.
        Đất trời còn thế nữa người,
        Quỉ thần âu cũng một bài thịnh suy.» [12]
    • Trong quyển Khổng tử thánh tích đồ có kể:
      • «Trong miếu thờ Lỗ Hoàn công có treo một bình gọi là y khí.
        • Để không thì nghiêng;
          đổ nước vào lưng chừng thời ngay ngắn,
          đổ nước đầy đến miệng thì lập úp xấp lại.
          Vua chúa treo để tự răn.

        Đức Khổng bảo môn đệ đổ nước thí nghiệm, thấy đúng như vậy.
        Ngài dạy các môn đệ rằng:
        • Muốn trì mãn (giữ sự sung mãn) phải hết sức khiêm cung.»[13]
    • Thoán truyện quẻ Khiêm 謙 cũng viết:
      • «Trời làm vơi chốn dồi dào,
        Mà thêm vào những chỗ nào khiêm cung.
        Đất soi mòn bớt cao phong,
        Mà cho lòng biển, lòng sông thêm dày.
        Quỉ thần hại kẻ no đầy,
        Mà đem phúc lại cho người khiêm cung.
        Người thường ghét kẻ thừa dùng,
        Còn người khiêm tốn thật lòng thời ưa.
        Trên khiêm thời sáng mãi ra,
        Dưới khiêm ai kẻ hơn ta được nào?
        Khiêm cung giữ vẹn trước sau,
        Rồi ra quân tử gót đầu hanh thông.» [14]
    • Rút lui đúng lúc đúng thời, kinh Dịch gọi thế là:
      • - Hiếu độn 好 遯 (rút lui mà vui thích);[15]
        - Gia độn 嘉 遯 (rút lui một cách đẹp đẽ);[16]
        - Phì độn 肥 遯 (rút lui mà lòng khoan khoái).[17]



    Ta có thể tóm tắt tư tưởng của Lão, của kinh Dịch về sự cần phải rút lui khi đã thành công như sau:

    - Bịn rịn mà chi lúc rút lui,
    Tư tình, quân tử rũ xong rồi,
    Thênh thang nhẹ gót đường bôn tẩu,
    Tiểu nhân tình lụy, khó êm xuôi.
    (phóng tác hào cửu tứ quẻ Độn)

    - Rút lui đẹp đẽ mới là lui,
    Phải thời, mọi chuyện sẽ êm xuôi,
    Mình mạnh, mình lui người mới phục,
    Lui cho lý tưởng khỏi pha phôi.
    (phóng tác hào cửu ngũ quẻ Độn)

    - Rút lui hớn hở mới là hay,
    Về với điền viên, với cỏ cây,
    Bỏ chuyện công danh vui đạo lý,
    «Công thành thân thoái» lẽ xưa nay.
    (phóng tác hào thượng cửu quẻ Độn) [18]




    _______________________________________
    • [1] Vận di 運 夷:
      có thể là «bị hại vì vận mệnh».
    • [2] Trì 持:
      cầm.
    • [3] Doanh 盈:
      đầy.
    • [4] Dĩ 已:
      thôi.
    • [5] Sủy 揣:
      mài nhọn.
    • [6] Nhuệ 銳:
      làm cho sắc bén.
    • [7] Di 遺:
      để lại.
    • [8] Cữu 咎:
      lỗi.
    • [9] Công thành, doanh toại, thân thoái:
      Có nhiều sách chỉ chép có công toại, thân thoái.
    • [10] Xem quẻ Cổ 蠱, hào thượng cửu:
      «Bất sự vương hầu, cao thượng kỳ sự.»
      不 事 王 侯 高 尚 其 事.
    • [11] Xem Wieger, Les Pères du Sytème Taoïste, tr. 25 - 26.
    • [12] Xem Dịch kinh, quẻ Phong 豐, Thoán truyện:
      Nhật trung tắc trắc, nguyệt doanh tắc thực; thiên địa doanh hư, dữ thời tiêu tức, nhi huống ư nhân hồ? Huống ư quỉ thần hồ?
      日 中 則 昃 月 盈 則 食 ; 天地 盈 虛 與 時 消 息 而 況 於 人 乎 ? 況 於 鬼 神 乎
      Xem Nguyễn Văn Thọ, Chân dung Khổng Tử, tr. 209.
    • [13] Xem Khổng tử thánh tích đồ, tr. 62 - 63.
      -- Xem Nguyễn Văn Thọ, Chân dung Khổng tử, tr. 210.
    • [14] Xem kinh Dịch, quẻ Khiêm 謙, Thoán truyện:
      Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm, địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm, quỉ thần hại doanh nhi phúc khiêm, nhân đạo ố doanh nhi háo khiêm. Khiêm tôn nhi quang, ti nhi bất khả du: Quân tử chi chung dã.
      天 道 虧 盈 而 益 謙, 地 道 變 盈 而 流 謙, 鬼 神 害 盈 而 福 謙, 人 道 惡 盈 而 好 謙. 謙 尊 而 光, 卑 而 不 可 踰: 君子 之 終 也.
      Xem Chân dung Khổng tử, tr. 210-211.
    • [15] Xem Kinh Dịch quẻ Độn 遯, hào cửu tứ:
      Hiếu độn, quân tử cát, tiểu nhân phủ. 好 遯 君 子 吉 小 人 否.
    • [16] Xem Kinh Dịch quẻ Độn 遯, hào cửu ngũ:
      Gia độn, trinh cát. 遯 嘉 遯 貞 吉.
    • [17] Xem Kinh Dịch, quả Độn 遯, hào thượng cửu:
      Phì độn, vô bất lợi. 遯 肥 遯 無 不 利.
    • [18] Xem Kinh Dịch, dịch thơ và bình giảng của Nguyễn Văn Thọ, nơi quẻ Độn 遯.


Trả lời

Quay về “Thiên đạo - Nhân đạo”