Đạo Đức Kinh

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20281
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 13
    YẾM SỈ 厭 恥




    Hán văn:
    寵 辱 若 驚. (貴) 大 患 若身.
    何 謂 寵 辱 若 驚. 寵 為 (上, 辱 為) 下. 得 之 若 驚, 失 之 若 驚.
    何 謂 (貴) 大 患 若 身. 吾 所 以 有 大 患 者, 為 吾 有 身. 及 吾 無 身, 吾 有 何 患?
    故 貴以 身 為 天 下, 若 可 寄 天 下. 愛 以 身 為 天 下, 若 可 托 天 下.

    Phiên âm:
    1. Sủng nhục nhược [1] kinh. (Quí) [2] đại hoạn nhược* thân.
    2. Hà vị sủng nhục nhược* kinh. Sủng vi (thượng, nhục vi) hạ. [3] Đắc chi nhược* kinh, Thất chi nhược* kinh.
    3. Hà vị (quí) [4] đại hoạn nhược* thân. Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?
    4. Cố quí dĩ thân vi thiên hạ, nhược [5] khả ký thiên hạ. Ái dĩ thân vi thiên hạ, nhược* khả thác thiên hạ.

    Dịch xuôi:
    1. Vinh, nhục cũng làm lo âu. Sở dĩ hoạn nạn là vì có thân.
    2. Tại sao vinh, nhục đều làm lo âu? Vinh là ở ngôi cao, nhục là ở địa vị thấp. Được cũng lo, mất cũng lo. Vì thế nên nói: Vinh nhục đều lo.
    3. Tại sao nói: «Hoạn nạn là vì có thân?» Ta sở dĩ phải lo âu nhiều, chính vì ta có thân. Nếu không có thân, ta đâu có lo !
    4. Cho nên ai quí thiên hạ hơn thân mình, thì có thể đem thiên hạ giao phó cho, ai yêu thiên hạ hơn thân mình, thì có thể gửi gắm thiên hạ cho họ được.[6]


    Dịch thơ:

    1. Vinh hay nhục lo âu cũng rứa,
    Ta lo âu vì có tấm thân.
    2. Nhục vinh là mối bận tâm,
    Lên voi xuống chó cũng ngần ấy lo.
    3. Luôn sợ hãi là do thân thể,
    Không thân này hồ dễ âu lo.
    4. Xin đem thiên hạ hiến cho,
    Ai vì thiên hạ, chẳng tơ tưởng mình.





    BÌNH GIẢNG

    Hai chương trên, Lão tử khuyên ta:
    • (1) Phải sống hư tâm, khinh khoát.
      (2) Phải biết tiết dục, đừng mê mải chạy theo những thú vui giác quan.


    Trong chương này, Lão tử tiếp tục khuyên ta:
    • Đừng nên bận tâm vì công danh trần tục
      cũng như nên vươn lên khỏi đời sống phàm tục của tiểu ngã.


    1. Không nên bận tâm vì công danh trần tục

    • Lão tử cho rằng công danh chỉ làm khổ con người.
      • Vinh cũng lo, cũng khổ.
        Nhục cũng lo cũng khổ.

      Cái vinh nhục đầy lo âu ấy, chỉ có những người đã qua cầu mới hay.

      Vinh nhục ở đời như là những đợt sóng cồn kế tiếp nhau trên bể hoạn.
      • Câu Tiễn đương là vua nước Việt,
        bỗng thua trận, bị Phù Sai bắt, cùng với vợ, về nước Ngô chăn ngựa.
      • Sở Chiêu Vương, đang làm vua nước Sở,
        bị vua Hạp Lư nước Ngô, cùng Tôn Võ và Ngũ Tử Tư tấn công, phải bỏ kinh đô, xuống thuyền mà chạy.
        Bỗng gặp bọn thảo khấu. Tùy tùng nói đây là Sở Chiêu Vương xin đừng xâm phạm. Bọn thảo khấu trả lời: «Ta chỉ biết có của, chứ không biết có chúa.» Nói đoạn đánh người, cướp của đốt thuyền. Vua, tôi phải bỏ thuyền lên bờ mà chạy.
        Sau gặp thuyền của quan đại phu Lâm Doãn Vĩ cũng đi lánh nạn. Vua tôi xin cho lên thuyền. Lâm Doãn Vĩ đáp: «Ta chở chúa mất nước đi làm gì?» Rồi đi luôn không ghé.
      • Napoléon trước kia ở cung vàng, điện ngọc,
        mà khi bị đi đày ra Sainte Hélène cũng chĩ nằm trên một giường sắt nhà binh cũ, dùng một cái chậu rửa mặt cũ, đặt trên một cái giá gỗ cũ, như một người nghèo nhà quê.
      • Nhiều vua chúa Trung Đông xưa
        bị vua nước địch bắt được, phải khom lưng làm ghế, để vua địch bước lên, mỗi khi lên ngựa.
      • Bacon nói:
        • «Người trên làm đày tớ đến ba lần: đày tớ cho vua, đày tớ cho danh vọng, đày tớ cho công việc,
          vì thế họ mất hết tự do; bản thân mất tự do; hoạt động mất tự do; giờ giấc mất tự do.
          Thật là kỳ dị: người có quyền cai trị người khác, lại không cai trị nổi mình.» [7]
      • Young nói:
        • «Địa vị cao không mang lại hạnh phúc, mà mang lại rắc rối.
          Không ai nghĩ rằng người trên khổ, chỉ có người trên mới thấy điều đó.» [8]
      • Ugo Foscolo nói:
        • «Danh vọng của những người lớn,
          một phần là do sự liều lĩnh, hai phần là do may mắn, còn một phần nữa là do tội ác của họ.» [9]
      • Cung Oán Ngâm Khúc viết:
        • «Mùi phú quí dử làng xa mã,
          Bả vinh hoa lừa gã công khanh.
          Giấc Nam Kha khéo bất bình,
          Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.»

      Chính vì thế mà Lão tử khuyên ta đừng nên bận tâm đến vinh nhục bên ngoài.



    2. Phải vươn lên khỏi đời sống phàm tục của tiểu ngã

    • Lão tử cũng khuyên chúng ta không nên bám víu vào thân tâm bên ngoài, vì nó cũng chỉ phù du tạm bợ như những cái gì hữu hình, hữu tướng, vì nó chính là nguồn gốc của mọi sự khổ đau, phiền trước của con người. Người tu đạo phải biết
      • vươn lên trên những giới hạn hình hài sắc tướng của tiểu ngã
        để tiến lên đến bình diện vô biên tế của Đại Ngã, bình diện của tự do và hạnh phúc trường tồn. [10]

      • Như vậy Lão tử đã chỉ cho ta thấy nguồn gốc lo âu sầu khổ chính là cái phàm thân của ta, là cái tiểu ngã của ta.
        Thế tức là ngài dạy ta: muốn thoát khổ phải đi đến chỗ vô kỷ, vô ngã.
      • Khổng tử đã đạt tới vô ngã. [11]
      • Phật giáo chủ trương diệt ngã.

      Như vậy Phật, Lão, Khổng đều chủ trương rằng
      • cái phàm thân là giả tướng,
        cái chân tâm, chân ngã mới là con người đích thực, là «Chân nhân».


      Huyền học Âu Châu cũng đề cập hai con người:
      • - Một con người phù phiếm, phàm tục mà các nhà huyền học đều lo rũ bỏ. [12]
        - Một con người siêu việt, mà các nhà huyền học đều muốn thực hiện. [13]



    3. Không cầu danh tranh lợi

    • Lão tử kết luận rằng
      • chỉ những người không cầu danh, tranh lợi, chỉ những người thoát được ra ngoài vòng phàm thân, phàm tâm,
      • mới là những người xứng đáng cầm đầu thiên hạ.


    _______________________________________
    • [1] Sáu chữ nhược 若 trên đều có nghĩa như chữ giả 者.
    • [2] Bản của Lưu Tư bỏ chữ quí 貴, cho là thừa,
      Cao Hanh cũng nghĩ vậy.
    • [3] Nhiều sách chỉ viết: Sủng vi hạ 寵 為 下.
      Nhưng Trần Danh Nguyên và Lý Đạo Thuần sửa lại như trên là: Sủng vi thượng, nhục vi hạ 寵 為 上 辱 為 下.
    • [4] Chữ quí 貴 ở đây cũng nên bỏ đi.
      (Cao Hanh).
    • [5] Hai chữ nhược 若 sau nghĩa như chữ tắc 則 (: thì).
    • [6] À celui qui est uniquement soucieux de la grandeur de l’empire (et non de la sienne),
      à celui qui ne désire que le bien de l’empire (et non le sien propre),
      qu’à celui-là on confie l’empire (et il sera en bonnes mains).
      -- Léon Wieger, Les Pères du Système Taoïste.
    • [7] Men in great place are thrice servants,
      servants of the sovereign or state, servants of fame, and servants of business;
      so that they have no freedom, neither in their person, in their actions, nor in their times.
      It is a strange desire to seek powers over others, and to lose power over a man’s self
      - (Bacon). The New Dictionary of Thoughts, p. 250.
    • [8] High Stations tumult, not bliss create, -
      None think the great unhappy, but the great
      (Young) ib. 251.
    • [9] La gloire des grands hommes tient
      pour un quart à leur audace, pour deux quarts au hasard, pour le dernier quart à leurs crimes.
      Encyclopédie des Citations, p. 432.
    • [10] The law of this Infinite life, which was in the Incarnation expressing its own nature to a supreme degree, must then also be the law of the finite life;
      in so far as that life aspires to transcend individual limitations, rise to freedom and attain union with Infinity.
      Evelyn Underhill, Mysticism, p. 145.
    • [11] Tử tuyệt tứ.
      Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã
      子 絕 四 :
      毋 意, 毋 必, 毋 固, 毋 我
      (Luận Ngữ, Tử Hãn chương 9, câu 4)
      Đức Khổng có bốn không:
      (1) Không có ý riêng (lòng tư dục); (2) Không có lòng kỳ tất, nhưng biết tùy cảnh mà làm; (3) Không cố chấp, tức là biết bao dung; (4) Vô ngã: tức là không vị kỷ, tư kỷ.
    • [12] Xem Everlyn Underhill, Mysticism, các trang viết trong dấu ngoặc.
      Surface personality (272), surface consciousness (68), superficial consciousness (?), superficial mind (69), surface mind (262), the finite Life (145), the natural mind (122), the lower nature (145, surface life (80).
    • [13] The transcendental consciousness (272), the interior man (272), the mystical consciousness (273), the subliminal mind (190), the superhuman plane (191), the supersensual plane (147), subconscious deeps (80), the divine Substance (144), the absolute (144), The Principle of Life (144), The Principle of Restitution (144), The Infinite Life (145), The Divine (133), The Archetypal world (186), the deified Life (212).


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20281
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 14
    TÁN HUYỀN 贊 玄




    Hán văn:
    • 視 之 不 見, 名 曰 夷.
      聽 之 不 聞, 名 曰 希.
      搏 之 不 得, 名 曰 微.
      此 三 者 不 可 致 詰.
      故 混 而 為 一.

      其 上 不 皎, 其下 不 昧,
      繩 繩 不 可 名, 復 歸 於 無 物.
      是 謂 無 狀 之 狀, 無 物 之 象.
      是 謂 惚 恍, 迎 之 不 見 其 首. 隨 之 不 見 其 後.

      執 古 之 道, 以 御 今 之 有.
      能 知 古 始, 是 謂 道 紀.

    Phiên âm:
    1. Thị chi bất kiến, danh viết Di.
      Thính chi bất văn, danh viết Hi.
      Bác chi bất đắc, danh viết Vi.
      Thử tam giả bất khả trí cật. [1]
      Cố hỗn nhi vi nhất.
                
    2. Kỳ thượng bất kiểu. [2] Kỳ hạ bất muội.
      Thằng thằng [3] bất khả danh, phục qui ư vô vật.
      Thị vị vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng.
      Thị vị bất hốt hoảng, nghinh chi bất kiến kỳ thủ. Tùy chi bất kiến kỳ hậu.
                
    3. Chấp cổ chi đạo, dĩ ngự kim chi hữu.
      Năng tri cổ thủy, Thị vị đạo kỷ.[4]


    Dịch xuôi:
    1. Nhìn không thấy, gọi là Di.
      Nghe không thấy, gọi là Hi.
      Nắm không được, gọi là Vi.
      Ba điều ấy không thể suy cứu đến cùng.
      Cho nên hợp lại làm một.
                
    2. Trên nó không sáng. Dưới nó không mờ.
      Miên man dằng dặc mà không thể đặt tên. Rồi lại trở về chỗ không có gì.
      Đó là trạng thái của cái không trạng thái. Hình tượng của cái không có vật chất.
      Cái có hoảng hốt, đón trước không thấy đầu, theo sau không thấy đuôi.
                
    3. Giữ cái Đạo xưa để trị chuyện nay;
      biết cái đầu mối của thời xưa, ấy là nắm được giềng mối đạo.


    Dịch thơ:

    1. Gọi là Di vì nhìn chẳng nổi,
    Nghe không ra nên gọi là Hi,
    Thoát tay nên gọi là Vi,
    Ba điều ấy, khôn suy cho cùng.
    Suy không cùng nên chung làm một,
    2. Trên chẳng trong, dưới suốt chẳng mờ,
    Mung lung nên khó gọi thưa,
    Miên man bất tận nên vô tượng hình.
    Không dáng dấp, siêu linh ta gọi,
    Không tượng hình nên mới siêu linh.
    Phất phơ không bóng không hình,
    Đầu đuôi chẳng có, cung nghinh đàng nào.
    3. Đành phải sống ướm vào «cổ giả».
    Thấu nguồn xưa là rõ đạo Trời.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử lại luận về Đạo thể.

    • Đại khái Lão tử cho rằng Đạo thể huyền vi, mung lung, ảo diệu, thoát tầm kích quan năng của con người.
      Đại đạo vô hình tướng, nên không có đầu đuôi, dù đón trước theo sau cũng không truy lùng ra dáng dấp.
    • Tuy nhiên, ta vẫn có cách biết được Đạo, nếu ta biết cách khảo sát đời sống các vị thánh nhân đời trước.
      Hiểu được thời cổ, tức là biết được chuyện nay, hiểu được Đạo thể.




    Như vậy chương này Lão tử lại luận về Đạo và cho rằng Đạo vô thanh vô xú, bất khả tư nghị.

    • Rémusat năm 1823 đã cho rằng ba chữ Di, Hi, Vi có lẽ là đã được phiên âm từ chữ (Yod, He, Vau, He: Yahweh: Thượng đế). Chữ này có lẽ đã được nhập vào Trung Hoa trước thời Lão tử.
      Sau này các Ông Victor von Strauss (1870) và Bác sĩ Edkins (1884) cũng lại chủ trương như vậy.
    • James Legge cho rằng chủ trương này vu khoát. [5]
                
    • Tôi không nghĩ rằng ba chữ Di, Hi, Vi đã được phiên âm từ chữ YHVH của Do Thái,
      nhưng biết chắc là nơi đây Lão tử bàn về Đạo thể, tức là bàn về Thượng đế theo từ ngữ các nhà huyền học.
      • Nhan Hồi cũng đã nói trong Luận ngữ:
        • «Càng trông lên, càng thấy cao,
          Càng dùi vào càng thấy kiên cố,
          Mới thấy đằng trước,
          Thoát đã ra sau...» [6]
      • Các bậc đại thánh Âu châu, từ Ruysbroeck, Jean de la Croix đến Thérèse d’Avila, đều phân biệt rõ ràng giữa
        • Thực tại mà họ thấy,
        • với những hình ảnh mà họ dùng để mô tả Thực tại ấy.

        Họ luôn luôn chủ trương như Dionysius và Eckhart rằng
        • Cái mà họ chiêm ngưỡng vốn không có hình tướng.

        Họ lại cũng chủ trương như Jean de la Croix rằng:
        • tâm hồn không thể nào phối hiệp hoàn toàn được với Đạo,
          nếu họ còn phải qua trung gian của Hình, Thức, Sắc, Tướng. [7]
      • Phật cũng nói:
        • «Nhược dĩ sắc kiến Ngã, dĩ âm thanh cầu ngã,
          thị nhân hành tà đạo, bất kiến Như Lai.»
          若 以 色 見 我, 以 音 聲 求 我,
          是 人 行 邪 道, 不 見 如 來
          (Kim Cương kinh).



    Nếu Đạo đã vô hình tướng như vậy thì làm sao mà tìm thấy Đạo?

    Các nhà bình giải đoạn này bình giải mỗi người một cách. Chung qui ta thấy có ba cách này:
    • a) Muốn tìm Đạo phải truy kỳ nguyên, từ lúc chưa có đất trời. [8]
      b) Muốn tìm Đạo phải biết hồi quang phản chiếu, để tìm ra Đạo thể ở đáy lòng. [9]
      c) Muốn tìm Đạo, phải nương theo cách thức của người xưa.

    Khảo các nhà huyền học, ta thấy xưa cũng như nay, đạo lý chỉ có một, đó là:
    • Trời chẳng xa người.
    • Tewekkul Beg, một nhà huyền học Hồi giáo thế kỷ 17 nói:
      • «Ngài chính là tôi, thế mà trước kia tôi u mê, không biết điều huyền diệu siêu việt ấy.» [10]
    • Plotin nói:
      • «Thượng đế chẳng ở ngoài ai, nhưng hiện diện trong mọi sự vật, mặc dầu mọi người không biết vậy.»
        Nói cách khác: «Thần Chúa ở trong các bạn.» [11]
        «Tuyệt đối mà mọi người tìm cầu không có ở cao xa diệu vợi tách rời khỏi vũ trụ hình tướng bất toàn này,
        nhưng đã ở ngay trong lòng biến dịch; đã đứng chờ ngay ở cửa lòng con người và gõ và chờ cho phàm tâm con người dần dà tìm ra được kho tàng của nó.»
        [12]
    • Đại đỗng chân kinh 大 洞 真 經 cũng viết:
      • «Trời vốn dĩ chẳng xa người.»
        (Thiên nhân bản thị vô sai biệt
        天 人 本 是 無 差 別);
        [13]
        và mục đích của khoa luyện đan cũng chính là tìm ra được Thái cực, được Trời, được Đạo trong lòng mình. [14]



    _______________________________________
    • [1] Trí cật 致 詰:
      gạn hỏi đến cùng.
    • [2] Kiểu 皎:
      sáng.
    • [3] Thằng thằng 繩 繩:
      miên man.
    • [4] Đạo kỷ 道 紀:
      giềng mối của Đạo.
    • [5] Cf. J. Legge, The Textes of Taoism, p. 106.
    • [6] Nhan Uyên vị nhiên thán viết:
      Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên.
      Chiêm chi tại tiền, hốt nhiên (yên) tại hậu
      顏 淵 喟 然 歎 曰:
      仰之 彌 高, 鑽 之 彌 堅.
      瞻 之 在 前, 忽 然 (焉) 在 後.
      Luận Ngữ, chương 9, câu 10.
    • [7] The great mystics, however - Ruysbroeck, St. John of the Cross, and St Teresa herself in her later stages - distinguish clearly between the indicible Realty which they perceive and the image under which they describe it.
      Again and again they tell us
      • with Dionysius and Eckhart, that the Object of their contemplation «hath no image»:
        or with St John of the Cross that «the Soul can never attain to the height of the divine union, so far as it is possible in this life, through the medium of any forms or figures.»

      Evelyn Underhill, Mysticism, p. 94.
    • [8] Cổ thủy giả, chỉ Đại Đạo tại Tượng đế chi tiên. Cố vân cổ thủy
      古 始 者, 指 大 道 在 象 帝 之 先. 故 云 古 始.
      Tống Long Uyên, Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 21b.
      [9] Nhân năng phản quan tự tính,
      bất chước thanh sắc, bất chấp hữu vô, tiền niệm bất khởi, hậu niệm bất tục, niệm niệm bất hữu, ly nhất thiết sắc tướng,
      tắc vô trạng chi trạng, vô tượng chi tượng,
      tự nhiên vạn pháp hỗn nhi vi nhất.
      人 能 返 觀 自 性,
      不 著 聲 色, 不 執 有 無, 前 念 不 起, 後 念不 續, 念 念 不 有, 離 一 切 色 相,
      則 無 狀 之 狀, 無 象 之 象,
      自 然 萬 法 混 而 為 一.
      Ib. tr. 32a.
      [10] «Thou art I, but dark was my heart, I knew not the secret transcendent»
      says Tewekkul Beg, a moslem mystic of the seventeenth century.
      Cf. Evelyn Underhill, Mysticism, p. 119.
      [11] «God» says Plotinus «is not external to anyone,
      but is present with all things, though they are ignorant that he is so.»
      In other and older words: The Spirit of God is within you.
      Ib. p. 119.
      [12] The Absolute Whom all seek does not hold Himself aloof from an imperfect material Universe,
      but dwells within the flux of things: stands as it were at the very threshold of consciousness and knocks, awaiting the self’s slow discovery of her treasures.
      Evelyn Underhill, Mysticism p. 119.
      [13] Thiên nhân bản thị vô sai biệt;
      Nhất điểm linh quang hỗn thái huyền.
      天 人 本 是 無 差 別;
      一 點 靈 光 混 太 玄.
      Tr. 5b.
      [14] Đại đỗng chân kinh:
      Đan giả hà dã,
      nhân trung chi thái cực dã
      大 洞 真 經:
      丹 者 何 也,
      人 中 之 太 極 也.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20281
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 15
    HIỂN ĐỨC 顯 德




    Hán văn:
    • 古 之 善 為 士 者, 微 妙 玄 通, 深 不 可 識.
      夫 唯 不 可 識, 故 強 為 之 容.

      豫 焉 若 冬 涉 川.
      猶 兮 若 畏 四 鄰.
      儼 兮 其 若 客.
      渙 兮 其 若 冰 之 將 釋.
      敦 兮 其 若 朴.
      曠 兮 其 若 谷.
      混 兮, 其 若 濁.

      孰 能 濁 以 止, 靜 而 徐 清.
      孰 以 安 以 久 動 而 徐 生.

      保 此 道 者, 不 欲 盈.
      夫 唯 不盈
      故 能 蔽, 不 新 成.

    Phiên âm:
    1. Cổ chi thiện vi sĩ [1] giả, vi diệu huyền thông, thâm bất khả thức.
      Phù duy bất khả thức, cố cưỡng vi chi dung.
                
    2. Dự [2] yên nhược đông thiệp xuyên.
      Do [3] hề nhược úy tứ lân.
      Nghiễm [4] hề kỳ nhược khách.[5]
      Hoán hề nhược băng chi tương thích.
      Đôn hề kỳ nhược phác.[6]
      Khoáng [7] hề kỳ nhược cốc.
      Hỗn hề kỳ nhược trọc.
                
    3. Thục năng trọc dĩ chỉ, tĩnh nhi từ thanh.
      Thục dĩ [8] an dĩ cửu động nhi từ sinh.[9]
                
    4. Bảo thử Đạo giả bất dục doanh.
      Phù duy bất doanh
      cố năng tế,[10] bất tân thành.[11]

    Dịch xuôi:
    1. Bậc hoàn thiện xưa siêu vi, huyền diệu, thâm thúy, thông suốt; thâm thúy khôn lường.
      Vì khó lường nên gượng tả hình dung.
                
    2. Các ngài thận trọng như mùa đông đi qua sông;
      các ngài e dè sợ láng giềng bốn bên;
      kính cẩn như khách;
      lạnh lùng như băng tan;
      mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt;
      man mác như hang núi;
      hỗn mang như nước đục.
                
    3. Ai có thể đục mà nhờ tĩnh lại dần dần trong.
      Ai có thể yên mà nhờ động lại dần dần linh hoạt.
                
    4. Kẻ giữ đạo không muốn đầy.
      Chỉ vì không muốn đầy,
      nên mới che dấu và chẳng đổi mới.


    Dịch thơ:

    1. Ai người xưa khuôn theo đạo cả,
    Sống huyền vi, rất khó tri tường.
    Nay ta gạn ép văn chương,
    Hình dung dáng dấp, liệu đường phác ra.
    2. Họ e ấp như qua băng tuyết,
    Họ ngỡ ngàng như khiếp láng giềng.
    Hình dung khách khí trang nghiêm,
    Băng tan, tuyết tán, như in lạnh lùng.
    Họ đầy đặn như tuồng mộc mạc,
    Nhưng phiêu khinh man mác hang sâu.
    Hỗn mang ngỡ nước đục ngầu,
    3. Đục ngầu lắng xuống một mầu trong veo.
    Ngỡ ù cạc một chiều an phận,
    Nào ai hay sống động khôn lường.
    4. Phù hoa gom góp chẳng màng,
    Ai say đạo cả, coi thường phù hoa.
    Sống ẩn dật, không ưa thanh thế,
    Việc thế gian hồ dễ đổi thay.





    BÌNH GIẢNG


    Chương này chứng tỏ các bậc chân nhân đắc đạo đã có từ thượng cổ.
    Lão tử cho rằng các ngài là những người siêu việt huyền vi, nan trắc, nên rất khó hình dung. Tuy nhiên, Lão tử cũng đã phác họa ra chân dung một vị chân nhân đắc đạo.

    • 1.
      Bậc chân nhân đắc đạo vi, diệu, huyền, thông.
      (Vi 微 = ẩn áo; Diệu 妙 = bất trắc; Huyền 玄 = u thâm; Thông 通 = vô ngại.)
      Ẩn áo, huyền vi, tứ thông, bát đạt, hành tung khôn lường, in tựa thần minh.

      2.
      Các ngài thận trọng như người qua sông băng giá, buổi đông thiên.
      Sự cẩn thận là một đức tính cố hữu của các bậc triết nhân. Kinh Dịch viết:
      • «E dè thắng bớt bánh xe,
        Hồ kia đuôi ướt, ngại bề lội sông.
        Thế thời mới khỏi lỗi lầm.»
        (Dịch, quẻ Ký tế, hào Sơ lục)

      3.
      Các ngài kính cẩn như sợ láng giềng. Bậc chí nhân luôn luôn kính sợ Trời, kính sợ Đạo tiềm ẩn đáy lòng mình, nên lúc nào cũng thận trọng, nên dẫu ở một mình cũng tưởng như ở nơi:
      • mười mắt trông vào, mười tay chỉ vào
        (Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ.)
        十 目 所 視,十 手 所 指,其嚴 乎
        (Đại học, chương 6)

      4.
      Vì tin rằng Trời, Đạo cũng ngự trị trong lòng mọi người nên các ngài đối với ai cũng nghiêm trang cung kính, như gặp khách quí. [12]

      5.
      Các ngài, mới thoạt gặp, có một vẻ ngoài lạnh lùng. Ấy chính là:
      • Quân tử chi giao đạm như thủy
        君 子 之 交 淡 如 水.
        Tiểu nhân chi giao cam như mật
        小 人 之 交 甘 如 蜜.

      Tống Long Uyên lại giải rằng các bậc nhân xưa coi mọi chuyện đời như là
      • «bào ảnh quang hoa»
        泡 影 光 華
        (Xem: Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 23).

      6.
      Các ngài có một vẻ ngoài đơn sơ, chất phác. Luận Ngữ cũng nói:
      • «Những người cương nghị, chất phác, ít nói thời gần sự hoàn thiện.»[13]

      7.
      Các ngài có một tâm hồn rộng rãi, bao la, không câu nệ cố chấp. Uyên Giám loại hàm ghi:
      • Thánh nhân có độ lượng vũ trụ. [14]

      8.
      Các ngài sống cuộc đời ẩn dật, không phô trương thanh thế đức độ, tài năng.
      Đó là chủ trương:
      • Thao quang hối tích, ẩn thánh hiển phàm
        (che bớt ánh sáng làm mờ dấu tích, che dấu vẻ thánh, làm lộ nét phàm)
      của người xưa. [15]

      9.
      Vì thế cho nên các bậc thánh nhân bề ngoài thời rất tầm thường, tưởng chừng như vẩn đục, ù lì, mà bề trong thời trong trẻo, linh động.
      Đạo đức kinh chương 70 viết:
      • «Xưa nay các bậc thánh nhân,
        Ngọc tàng dưới lớp áo quần xác xơ.»

      10.
      Thánh nhân không chuộng phù hoa;
      • chẳng những không ưa phô trương thanh thế, hiện tại (tế)
        mà cũng chẳng mơ ước vinh quang tương lai [16]
        cũng như chẳng có những mộng tưởng chọc nước quấy trời. [17]



    _______________________________________
    • [1] Mã Tự Luân, Phó Dịch đều viết:
      Thiện chi vi đạo giả
      善 之 為 道 者.
    • [2] Dự 豫:
      do dự.
    • [3] Do 猶:
      do dự.
    • [4] Nghiễm 儼:
      nghiêm trang.
    • [5] Khách 客: có sách viết là dung.
    • [6] Phác 樸:
      chất phác.
    • [7] Khoáng 曠:
      rộng.
    • [8] Tống Long Uyên thay chữ dĩ 以 bằng chữ năng 能.
    • [9] Lưu Tư đổi cả câu này lại như sau:
      • Thục năng hối dĩ lý chi từ minh;
        thục năng trọc dĩ tĩnh chi từ thanh;
        thục năng an dĩ động chi (đích) từ sinh
        孰 能 晦 以 理 之 徐 明,
        孰 能 濁 以 靜 之 徐 清 ;
        孰 能 安 以 動 之 (的 ) 徐 生.
    • [10]
      Có sách viết là tế 蔽 (che). Hà Thượng Công giải là che dấu ánh sáng.
      Có sách viết là tệ 弊 (tệ lậu, xấu).
      Có sách viết là tệ 敝 (nát, tệ).
    • [11] Tân thành 新 成: Hà Thượng Công giải là quí công danh.
    • [12]
      Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế.
      出 門 如 見 大 賓, 使 民 如 承 大 祭.
      Luận ngữ chương 12 Nhan Uyên.
    • [13]
      Cương, nghị, mộc, nột cận nhân
      剛, 毅, 木, 訥 近 仁.
      Luận Ngữ, chương 13, câu 27.
    • [14]
      Thánh nhân giả,
      thiên địa chi lượng dã
      聖 人 者,
      天 地 之 量 也
      (Trình tử 程 子).
      Uyên giám loại hàm 淵 鑑 類 函, q. IV, tr. 4670, mục chữ Thánh 聖.
    • [15] Xem Tống Long Uyên, Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 22-23.
    • [16]
      Thí như vị lai chi công danh,
      vị lai chi vinh quí,
      giai thị tân thành chi sự
      譬 如 未 來 之 功 名,
      未 來 之 榮 貴,
      皆 是 新 成 之 事.
      Tống Long Uyên, Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 24.
    • [17]
      Celui qui garde cette règle de ne pas se consumer en désirs stériles d’un état chimérique,
      celui là vivra volontiers dans l’obscurité, et ne prétendra pas à renouveler le monde.
      -- Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 30.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20281
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 16
    QUI CĂN 歸 根




    Hán văn:
    • 致 虛 極, 守 靜 篤.

      萬 物 并 作, 吾 以 觀 其 復.
      夫 物 芸 芸, 各 歸 其 根.

      歸 根 曰 靜,
      靜 曰 復 命.
      復 命 曰 常.

      知 常 曰 明.
      不 知 常, 妄 作, 凶.

      知 常 容.
      容 乃 公.
      公 乃 王.
      王 乃 天.
      天 乃 道.
      道 乃 久.
      沒 身 不 殆.

    Phiên âm:
    1. Trí hư cực, thủ tĩnh đốc.
                
    2. Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan kỳ phục.[1]
      Phù vật vân vân, các qui kỳ căn. [2]
                
    3. Qui căn viết tĩnh.
      Tĩnh viết phục mạng.[3]
      Phục mạng viết thường.
                
    4. Tri thường viết minh.
      Bất tri thường, vọng tác, hung.[4]
                
    5. Tri thường dung.
      Dung nãi công.
      Công nãi vương.[5]
      Vương nãi thiên.
      Thiên nãi Đạo.
      Đạo nãi cửu.[6]
      Một [7] thân bất đãi.[8]

    Dịch xuôi:
    1. Hư không cùng cực, hết sức yên tĩnh.
                
    2. Vạn vật đua sống, ta nhân đó xem chúng trở về (nguồn).
      Vạn vật trùng trùng đều trở về cội.
                
    3. Trở về cội rễ là tĩnh;
      tĩnh là phục mệnh;
      phục mệnh tức là trường cửu.
                
    4. Biết «trường cửu» mới là sáng suốt.
      Không biết trường cửu sẽ làm càn và gây hung họa.
                
    5. Biết «trường cửu» sẽ thung dung
      như công hầu
      vương tước,
      sẽ hợp với Trời
      với Đạo.
      Hợp Đạo rồi sẽ cửu trường:
      thân có mất đi, cũng chẳng nguy hại gì.[9]


    Dịch thơ:

    Thử tách khỏi vòng đời luân chuyển,
    Để lặng thinh ngắm chuyện trần hoàn.
    Muôn loài sinh hóa đa đoan,
    Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.
    Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh.
    Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.
    Biết trường tồn mới là thông,
    Trường tôn không biết, ra lòng tác yêu.
    Biết trường tồn muôn điều thư thái,
    Lòng ung dung hưởng khoái công hầu.
    Công hầu, vương tước, xa đâu,
    Vượt thang thần thánh, lên bầu trời cao.
    Lên trời thẳm hòa vào Đạo cả,
    Cùng đất trời, muôn thủa trường sinh.
    Xác tan, chẳng hại chi mình.[10]





    BÌNH GIẢNG


    Đi đến chỗ «hư cực, tĩnh đốc» tức là đã tách rời khỏi vòng biến chuyển của trần hoàn, «dữ Đạo hợp chân», huyền hóa với Trời với Đạo.
    • «Hư cực» tức là khi lòng trống, không còn vấn vương sắc tướng, trần ai, tục lụy.
      «Tĩnh đốc» tức là khi tâm tư không phát sinh một niềm lự nào.


    Tách rời khỏi vòng biến dịch, để nhìn xem dòng biến dịch sẽ chuyển hướng về đâu?
    Lão tử đã cho thấy vạn sự biến dịch chung qui sẽ trở về cội gốc, mà cội gốc ấy chính là Trời, là Đạo.

    Biết được lẽ phản phục, tuần hoàn của Vũ trụ, tức là bao quát được lẽ Dịch.
    Đó là quan niệm «Nhất bản tán vạn thù; Vạn thù qui nhất bản.» 一 本 散 萬 殊, 萬殊 歸 一 本 của triết học Đông Phương.

    Đó là một cuộc biến hóa có hai chiều
    • tiến thoái,
      thăng giáng,
      thịnh suy,
    để thực hiện một vòng tuần hoàn của Tạo Hóa.

    Khoa học ngày nay mới chỉ biết rằng «tiến hóa có một chiều» theo định luật Dương tiêu Âm trưởng (hoạt lực giảm, tiềm lực tăng) của Carnot Clausius.[11] Nhưng các nhà huyền học đều sớm nhận thấy vòng trần hoàn biến dịch ấy của vũ trụ.
    • Radhakhrishnan nói:
      • «Đầu và cuối sẽ ăn khớp với nhau.» [12]
        «Lịch trình của lịch sử đã từ thần minh đi xuống, và rồi ra sẽ trở về lại Thần minh.» [13]
    • Các môn phái triết học Á đông Ấn Độ hay Trung hoa, cũng đều nhận định rằng:
      • Vũ trụ này có trở về tâm, trở về nguồn mới thoát được sự phá tán, suy vong.[14]
    • Khảo các Giáo phụ Công giáo, ta thấy chỉ có Origène là có chủ trương như Lão tử.
      Origène cho rằng mọi hồn đã phạm tội ở trần gian, khi chết đi, sẽ bị lửa làm cho tinh khiết, rồi dần dà, các tâm hồn sa đọa ấy, cũng như ma quỉ, sẽ siêu thăng dần dần; cuối cùng sẽ được thanh lọc hoàn toàn và sẽ sống lại trong những thể xác khinh phiêu và Thượng đế sẽ là mọi sự trong mọi người.[15]


    Biết được lẽ phản phục, tuần hoàn của trời đất ta sẽ thấy vũ trụ này sinh hóa
    • tuy có những chu kỳ cố định
      như không bao giờ cùng, không bao giờ hết, miên man vô tận.


    Biết được nhẽ ấy,
    • sẽ thung dung, khinh khoát,
      và sẽ phóng tâm tu luyện để đi đến chỗ huyền hóa với Trời với Đạo,

      dẫu cái xác này tiêu ma đi theo định luật chi phối vật chất,
      thì ít là cái thần ta cũng vĩnh cửu với đất trời...



    _______________________________________
    • [1]
      Bản của Phó Dịch chép: «Ngô dĩ quan kỳ phục.»
      Nhiều bản chép: «Ngô dĩ quan phục.» 吾 以 觀 復
      Hà Thượng Công chép: «Ngô dĩ thị quan kỳ phục.» 吾 以 是 觀 其 復 .
                
    • [2]
      Nhiều bản viết: «Các phục qui kỳ căn.» 各 復 歸 其 根.
      Bản của Phó Dịch không có chữ «phục»: 各 歸 其 根.
                
    • [3]
      Nhiều bản chép là «Thị vị phục mạng» 是 謂 復 命.
      Nhưng bản của La Chấn Ngọc 羅 振 玉 Cảnh Long ngự chú và Anh Luân 英 倫 đều viết: «Tĩnh viết phục mạng.» 靜 曰 復 命.
                
    • [4] Vọng tác 妄 作:
      làm càn.
                
    • [5]
      Bản của Vương Bật chép: «Công nãi vương, vương nãi thiên» 公 乃 王, 王 乃 天.
      Nhưng nhiều bản sửa là: «Công nãi chu, chu nãi thiên» 公 乃 周, 周 乃 天.
                
    • [6] Năm chữ «nãi» 乃 ở trên trong bản Cảnh Long đều đổi thành chữ «năng» 能 .
                
    • [7] Một 沒:
      hết.
                
    • [8] Đãi 殆:
      nguy.
                
    • [9]
      Các nhà bình giải thường hiểu đoạn này như sau:
      • «Biết trường cửu sẽ bao dung,
        bao dung sẽ công bình;
        công bình sẽ bao quát;
        bao quát là Trời,
        Trời là Đạo.
        Đạo thì trường cửu.
        Chung thân không nguy.»
    • [10]
      Đoạn sau có thể dịch khác như sau:
      • «Biết trường tồn muôn chiều khoan quảng,
        Lượng bao dung, rộng choán càn khôn.
        Bao dung, rộng rãi ngàn muôn,
        Như trời, bao quát chẳng còn riêng tư,
        Không riêng tư, y như Đạo cả,
        Hợp Đạo rồi, muôn thủa lâu lai.
        Tiêu tan là cái hình hài,
        Tinh thần âu sẽ muôn đời trường sinh.
    • [11]
      L’energie se dégrade et l’univers tend vers l’immobilité.
      André Lamouche - La destinée humaine, Flammarion, p. 94.

      Rappelons que le Principe de Carnot traduit la tendance de l’énergie à se dégrader ou à se dissiper,
      ce qui entraine une augmentation de l’entropie, c’est-à-dire de l’extension spatiale de l’énergie au cours de ses transformations.
      Ib. p. 49 note 16.

      ... C’est cette marche à sens unique, toujours dans le sens de dégradation irréversible,
      qui justifie le nom de principe d’évolution par lequel on désigne souvent le second principe de Carnot.
      Ib. p. 95.
                
    • [12]
      Radhakrishman says,
      «There is coincidence of the beginning and the end.»
      Grace E. Cairns, Philosophy of History, p. 312.
                
    • [13]
      The process of history has come from the divine Spirit and to the Divine Spirit it returns.
      Ib. 312.
                
    • [14]
      For all Oriental cyclical Philosophies - Hindou, Buddhist, Jain or Chinese, Taoist, Yoga system - spiritual freedom is the goal.
      This means escape from the bondage of the matter world of fragmentation and disintegration
      - to the world of spiritual unit and integration with the one, the Center, who is at the same time the All.
      Ib., p. 459.
                
    • [15]
      Un point principal de sa (Origène) doctrine était «l’apocastase universelle»;
      les âmes de ceux qui ont commis le péché sur la terre, vont après la mort, dans un feu de purification, mais peu à peu toutes, ainsi que les démons, montent de degré en degré et finalement, totalement purifiées, ressusciteront dans des corps éthérés et Dieu sera de nouveau tout en tous.
      Berthold Altaner, Précis de Patrologie, p. 306.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20281
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 17
    THUẦN PHONG 淳 風




    Hán văn:
    • 太 上, 不 知 有 之.

      其 次, 親 而 譽 之.

      其 次, 畏 之.

      其 次, 侮 之. 信 不 足 焉, 有 不 信 焉.

      悠 兮, 其 貴 言. 功 成 事 遂, 百 姓 謂 我 自 然.

    Phiên âm:
    1. Thái thượng,[1] hạ [2] tri hữu chi.
    2. Kỳ thứ, thân nhi dự chi.
    3. Kỳ thứ, úy chi.
    4. Kỳ thứ, vũ chi. Tín bất túc yên, hữu bất tín yên.
    5. Du hề,[3] kỳ quí ngôn. Công thành, sự toại, bách tính vị ngã tự nhiên.

    Dịch xuôi:
    1. Thánh quân thời cổ xưa (cai trị), dân ở dưới không biết rằng có.
    2. Bậc dưới, họ thân và ngợi khen.
    3. Bậc dưới nữa họ sợ.
    4. Bậc dưới nữa, họ khinh. Vì không đủ tin, nên dân không tin.
    5. Bậc thánh xưa quí lời nói. Công việc xong xuôi, mà dân đều bảo rằng: «Tự nhiên bởi ta.»


    Dịch thơ:

    Thánh xưa trị nước, trị dân,
    Bàn dân ở dưới coi gần như không.
    Rồi ra thân cận tán đồng,
    Rồi ra sợ hãi, rồi đâm khinh nhờn.
    Bởi không thủ tín đàng hoàng,
    Cho nên dân mới ngỡ ngàng chẳng tin.
    Thánh xưa lời nói giữ gìn,
    Khi xong công việc, dân xem tự mình.





    BÌNH GIẢNG


    Lão tử cho thấy nền chính trị Trung Hoa đã trải qua nhiều thời kỳ, và càng ngày càng sa đọa,
    • từ thời đại hoàng kim «vô vi nhi trị» 無 為 而 治
      xuống dần mãi cho tới thời kỳ hữu vi 有 為 dùng bá đạo trị dân.


    Để dễ bề khảo sát, ta có thể chia nền chính trị Trung Hoa thành nhiều thời kỳ như sau:

    1. Trước thời Tam Hoàng 三 皇 và thời Tam Hoàng (khoảng 2800 trở về trước)
      (Phục Hi 伏 羲, Thần Nông 神 農, Chúc Dung 祝 融). [4]
      Đó là thời của Vô vi nhi trị 無 為 而 治.
                
    2. Thời Ngũ Đế 五 帝 (2700 - 2200) (Hoàng đế 黃 帝, Chuyên Húc 顓 頊, Đế Cốc [Khốc] 帝 嚳, Nghiêu 堯, Thuấn 舜). [5]
      Đó là thời của Đức trị 德 治. Thời này phát minh ra lễ nhạc, tôn ti trật tự, cung thất, áo xống, thư tịch, xe cộ, cầu đò, v.v.
                
    3. Thời Tam Vương 三 王 (2200 - 1000):
      [Đại Vũ 大 禹 (2505-2197); Thành Thang 成 湯 (1766-1753); Vũ Vương 武 王[6] (1122-1115)].
      Đó là thời của Nghĩa trị 義 治 và Hình phạt 刑 罰.
                
    4. Thời Ngũ Bá 五 霸 (伯) (từ 1000 về sau):
      [Tề Hoàn Công 齊 桓 公 (683-641); Tấn Văn Công 晉 文 公 (634-626); Tần Mục Công 秦 穆 (繆)公 (673-644); Tống Tương Công 宋 襄 公 (649-653); Sở Trang Vương 楚 莊 王 (612-589)].
      Đó là thời của Trí trị 智 治 và Mưu lược 謀 略.

    • - Thời thái thượng tức là thời Tam Hoàng về trước.
      Thời ấy các bậc chân quân trị dân bằng phương pháp vô vi, tự nhiên đến nỗi dân như không hay không biết.
      • Trang tử viết:
        • «Thời chí đức, không chuộng hiền, không dùng tài;
          người trên như cành cây (rủ bóng mà không hay);
          người dưới như hươu rừng (đến nương bóng mà không ơn).
          Các bậc lãnh đạo cư xử đoan chính mà không cho thế là nghĩa;
          thương yêu mà không biết đó là nhân;
          thành thực mà không biết thế là trung;
          xử phải mà không biết thế là tín;
          hoạt động lao tác một cách tự nhiên mà không mong báo đền.
          Vì thế nên không có chuyện gì nổi bật,
          và cũng chẳng có sử ký.» [7]

        Thời buổi vô vi, ở nơi đường cái, dân chúng thường gõ mõ đất mà ca rằng:
        • «Sáng làm, tối nghỉ,
          đào giếng để uống, trồng tỉa để ăn,
          có thấy đâu đức vua reo rắc đến ta?» [8]
    • - Kịp đến thời Ngũ Đế,
      dân chúng ngày càng cảm thấy ảnh hưởng của vua chúa, và thân vua, khen vua.
                
    • - Đến thời Tam Vương,
      vua chúa đã bắt đầu xa dân, hình phạt đã được bày đặt, pháp luật đã trở nên chặt chẽ, nên dân chúng đâm ra sợ sệt các nhà lãnh đạo.
                
    • - Đến thời Ngũ Bá,
      vì vua chúa dùng xảo thuật, mưu kế để chiếm nước, đoạt dân, nên dân bắt đầu khinh khi, không còn mến phục nhà cầm quyền nữa.


    Chung qui cũng là vì vua chúa không biết thủ tín đối với dân.
    Lão tử kết luận rằng nhà vua cần phải thận trọng trong lời ăn tiếng nói, và phải biết cai trị cho hết sức khéo léo, tế nhị, đến nỗi khi một công trình gì hoàn tất, dân vẫn tưởng là do dân làm, chứ không phải do vua chủ xưởng và điều động.

    Tóm lại trị dân mà «vô vi» mới tốt, còn đi vào «hữu vi» thì dù ít, dù nhiều cũng vẫn chẳng hay. [9]
    Thậm chí Trang tử cho rằng con người bắt đầu sa đọa
    • từ thời Toại Nhân 燧 人 (Toại Nhân đã phát minh ra lửa)
      và Phục Hi 伏 羲 (Phục Hi đã lập ra qui chế hôn phối gia đình). [10]



    _______________________________________

    • [1] Thái thượng 太 上:
      bậc chí nhân, thánh đức.
      Hà Thượng Công cho đó là bậc «Thái cổ vô danh chi quân» 太 古 無 名 之 君.
      Có sách viết: «Hạ bất tri hữu chi» 下 不 知 有 之.
                
    • [2] Hạ 下:
      người dân.
                
    • [3]
      Do 猶: theo Hà Thượng Công. --
      Du 悠: theo Vương Bật.
                
    • [4] Theo Bạch Hổ thông 白 虎 通.
                
    • [5] Theo Đại Đới, Lễ ký.
                
    • [6] Theo Từ Nguyên.
                
    • [7] Trang tử Nam Hoa Kinh, Thiên địa.
                
    • [8]
      Vô quái hồ «vô vi» chi thế,
      khang cù lão nhân kích nhưỡng nhi ca:
      «Nhật xuất nhi tác,
      nhật nhập nhi tức,
      tạc tỉnh nhi ẩm,
      canh điền nhi thực,
      đế lực hà hữu ư ngã tai?»
      無 怪 乎 無 為 之 世,
      康 衢 老 人 擊 壤 而 歌:
      日 出 而 作,
      日 入 而 息,
      鑿 井而 飲,
      耕 田 而 食,
      帝 力 何 有 於 我 哉?
      Lý Văn Hùng 李 文 雄, Trung Quốc tân thiên tự văn 中 國 新 千 字 文, tr. 44.
                
    • [9] Văn Trung tử cũng có nói:
      • «Cường quốc chiến binh,
        bá quốc chiến trí,
        vương quốc chiến nghĩa,
        đế quốc chiến đức,
        hoàng quốc chiến vô vi»
        強 國 戰 兵,
        霸 國 戰 智,
        王 國 戰 義,
        帝 國 戰 德,
        皇 國 戰 無 為.
        Xem Nguyễn Duy Cần, Lão tử, Đạo đức kinh, q. I, tr. 108.

                
    • [10] Xem Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 332-333.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20281
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 18
    TỤC BẠC 俗 薄




    Hán văn:
    • 大 道 廢, 有 仁 義.
      智 慧 出, 有 大 偽.

      六 親 不 和, 有 孝 慈.

      國 家 昏 亂, 有 忠 臣.

    Phiên âm:
    1. Đại Đạo phế,[1] hữu nhân nghĩa.
      Trí tuệ [2] xuất, hữu đại ngụy.
                
    2. Lục thân [3] bất hòa, hữu hiếu từ.
                
    3. Quốc gia hôn loạn, hữu trung thần.[4]

    Dịch xuôi:
    1. Đại đạo mất mới có nhân nghĩa,
      Trí tuệ sinh mới có dối trá lớn.
                
    2. Lục thân bất hòa, nên có kẻ thảo người lành.
                
    3. Quốc gia rối loạn mới có trung thần.


    Dịch thơ:

    Đạo cả hết, đạo huyền đồng hết,
    Mới lan tràn học thuyết nghĩa nhân.
    Trí sinh, trá ngụy sinh dần,
    (Dân gian còn biết thiên chân là gì !)
    Tình gia tộc một khi suy giảm,
    Hiếu từ sinh trong đám cháu con.
    Quốc gia gặp lúc ám hôn,
    Trung thần xuất hiện, giang sơn ly loàn.





    BÌNH GIẢNG


    Lão cũng như Trang, chủ trương
    • sống thuận theo tự nhiên «không làm sai thực tính của tính mệnh»,
      không bỏ mất «thiên chân», không bỏ mất lẽ thường nhiên ở đời.

    Muốn được vậy phải tránh mọi chuyện hữu vi giả tạo, dầu sự hữu vi giả tạo ấy là lý tưởng nghĩa nhân.
    • Thà rằng sống nghĩa nhân, mà không biết nghĩa nhân là gì,
      còn hơn nêu cao chiêu bài nghĩa nhân, mà lại sống bất nhân, bất nghĩa.
                
      Thà rằng như đàn cá sống tung tăng trong nước, mà không để ý đến nước là quí,
      còn hơn là làm đàn cá mắc cạn thiếu nước phải mớm rãi cho nhau để tỏ tình thương nhau.[5]

    Trang tử, trong thiên Mã đề, đã viết như sau:
    • «Thời xưa dân sống tự nhiên, theo tính tự nhiên.» Mọi người đều canh cửi lấy áo mặc, cầy bừa lấy lúa ăn. Họ sống kết thành một hồn khối duy nhất không hề chia ly, thuận theo tính tự nhiên.

      Thời buổi tự nhiên thuần túy ấy, mọi người đi lại rong chơi phỉ chí, ngắm cảnh mặc tình, chẳng có phép tắc nào chi phối dáng đi điệu đứng, lối nhìn của họ. Thời ấy, trên núi không có đường ngang, lối ngách, không có hầm hồ; dưới nước không có thuyền, đập. Muôn vật đua sinh, chung sống. Cho nên có thể buộc thú vật dắt đi chơi; tổ quạ, quẹt có thể trèo lên xem mà không hại. Thời ấy, người chung sống với vật và chưa có chuyện kỳ thị quân tử tiểu nhân. Tất cả đều sống hồn nhiên thuần phác, vui theo tính trời.

      «Kịp đến thánh nhân cặm cụi làm nhân, tập tễnh làm nghĩa, mà thiên hạ mới mất tự tin;
      lan man làm nhạc, khúm núm làm lễ, mà thiên hạ mới chia ly...» [6]

    Như vậy tức là ở đời «một phép lập, là một tệ sinh».
    Cũng một lẽ, óc chất càng mở mang, con người càng trở nên sảo trá.

    Gia đình có đảo điên thì mới có sự phân biệt ai là hiếu tử, ai là ngỗ nghịch.
    Quốc gia có hôn loạn, thì mới có sự phân biệt giữa trung thần và nghịch tặc.

    Do đó nhà nào có người hiếu tử là dấu hiệu nhà đó đã suy vi, không có tinh thuần;
    nước mà đã có trung thần tức là nước đã loạn ly, lòng dân đã kẻ Tần người Sở chia phôi.

    Như vậy, theo Lão tử, lịch sử loài người đã suy vi dần
    • từ một thời hoàng kim,
      con người đã dần dần bước xuống thời bạc, đồng, sắt, thép, loạn ly, ngụy tạo.

    Chính vì thế mà Hà Thượng Công đã dùng hai chữ «Tục bạc» mà gọi chương này. «Tục bạc» là phong tục một ngày một trở nên phù phiếm bạc bẽo.

    Sự sa đọa ấy đã được Trang tử mô tả:
    • «Thời thượng cổ là thời đạo đức,
      Thời Đại Đình, Lật Lục, Chúc Dong,
      Hiên Viên, Ly Súc, Thần Nông.
      Phục Hi, Hách Tự, Hoàng,[7] Trung [8] Dung Thành.
      Thời buổi ấy thanh bình an lạc,
      Và chúng dân thuần phác ung dung.
      Thắt thừng, bện lõi mà dùng,
      Ăn ngon, mặc đẹp chưa từng xốn xang.
      Thời buổi ấy làm bang giáp cạnh,
      Tiếng gà kêu, chó cắn đều nghe,
      Tuy không cách trở sơn khê,
      Nhưng không tiếp xúc đi về với nhau.
      Thời buổi ấy đâu đâu cũng trị,
      Sống yên bình đến thế thời thôi...
      Ngày nay, người chạy theo người,
      Thoạt nghe hiền thánh, là sôi lên tìm.
      Đùm cơm gạo, đi xem cho thỏa,
      Bỏ thân tình, bỏ cả việc quan.
      Xe xe, ngựa ngựa miên man,
      Trước sau nô nức từng đoàn kéo đi.
      Thích khôn khéo, thích nghe khôn khéo.
      Nên loạn ly trăm nẻo phát sinh,
      Càng khôn, càng loạn nhân tình,
      Càng khôn ngoan lắm, điêu linh càng nhiều.
      Càng cung nỏ, càng điều dò bẫy,
      Thời chim trời càng sẩy, càng sa.
      Cành nhiều mồi, lưới, đó, lờ,
      Thời thôi cá nước những lo cùng phiền.
      Càng cạm bẫy, lưới, ken, ke, lẫy,
      Thời thú rừng càng thấy lao lung.
      Lọc lừa, trí trá càng tăng,
      Càng nhiều biện thuyết, nhố nhăng càng nhiều.
      Thiên hạ thích tìm điều chẳng biết,
      Điều biết rồi lại xếp một bên,
      Tưởng là không phải chê liền,
      Tưởng là đã phải một niềm chấp nê.
      Ấy vì thế sinh bè sinh đảng,
      Thế cho nên sinh loạn, sinh ly.
      Làm cho nhật nguyệt mờ đi,
      Làm cho sông núi tinh huy giảm dần.
      Làm sâu bọ phong trần, nhớn nhác,
      Làm muông chim ngơ ngác bồn chồn,
      Ghê thay là bệnh thích khôn,
      Làm cho «thiên ám, địa hôn» cũng vì.
      Bỏ «điềm đạm», «vô vi» bỏ hết,
      Chỉ ưa điều bép xép, lăng nhăng,
      Nào hay bép xép xì xằng
      Là nguồn ly loạn, lố lăng xưa rày.» [9]



    _______________________________________

    • [1] Phế 廢:
      bỏ.
                
    • [2] Hà Thượng Công và nhiều bản khác viết: Trí huệ 智 惠.
                
    • [3] Lục thân 六 親:
      cha mẹ, chú bác, anh em.
                
    • [4]
      Bản Phó Dịch đổi là «hữu trinh thần» 有 貞 臣. --
      Bản Quảng Minh 廣 明 (đời Đường Hi Tông 唐 僖 宗), sau mỗi vế trên, lại có thêm chữ yên 焉; tức là sau các chữ phế 廢, xuất 出, hòa 和, loạn 亂, đều có chữ yên 焉.
                
    • [5] Xem Nam Hoa kinh, Nhượng Tống dịch, tr. 245.
                
    • [6]
      Trang tử, Nam Hoa kinh, chương IX, Mã đề, đoạn B, và C.
      Xem Nhượng Tống dịch, Nam Hoa kinh, tr. 170.
      Xem Wieger, Les Pères du Système Taoïste, tr. 275.

                
    • [7]
      Hoàng: Bá Hoàng 伯 皇.
                
    • [8]
      Trung: Trung Ương 中 央.
      Đại Đình 大 庭, Lật Lục 栗 陸, Chúc Dung 祝 融, Hiên Viên 軒 轅, Ly Súc 驪 畜, Thần Nông 神 農, Phục Hi 伏 羲, Hách Tư 赫 胥, Bá Hoàng 伯 皇, Trung Ương 中 央, Dung Thành 容 成.
                
    • [9] Phỏng dịch chương Khư Khiếp 胠 篋, Trang từ Nam Hoa kinh, chương 10.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20281
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 19
    HOÀN THUẦN 還 淳




    Hán văn:
    • 絕 聖 棄 智, 民 利 百 倍.
      絕 仁 棄 義, 民 復 孝 慈.
      絕 巧 棄 利, 盜 賊 無 有.
      此 三 者 以 為 文, 不 足.
      故 令 有 所 屬.
      見 素 抱 朴.
      少 思 寡 欲.

    Phiên âm:
    1. Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội. [1]
    2. Tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ. [2]
    3. Tuyệt [3] xảo khí [4] lợi, đạo tặc vô hữu.
    4. Thử tam giả dĩ vi văn,[5] bất túc. [6]
    5. Cố lệnh hữu sở thuộc. [7]
      Kiến [8] tố bão phác.
      Thiểu tư quả dục.

    Dịch xuôi:
    1. Dứt thánh bỏ trí, dân lợi gấp trăm.
    2. Dứt thân bỏ nghĩa dân lại thảo lành.
    3. Dứt khéo, bỏ lợi, không có trộm cướp.
    4. Ba điều đó hào nhoáng bên ngoài, chẳng đủ vào đâu.
    5. Phải chú trọng điều này:
      Giữ vẹn tinh anh, chất phác:
      ít riêng tây, ít ham muốn.


    Dịch thơ:

    1. Dứt bỏ thánh, khinh thường tiểu trí,
    Trong dân gian, lợi sẽ gấp trăm.
    2. Tung hê, nhân, nghĩa, chẳng cần,
    Tự nhiên dân sẽ mười phân hiếu từ,
    3. Dứt khéo léo cùng là tài lợi,
    Dân theo gương bỏ thói gian tham.
    4. Ra chi phù phiếm vẻ văn,
    Cốt sao nắm giữ được phần tinh hoa.
    5. Hiển dương Đạo, sống cho phác thiệt,
    Ít đam mê và ít riêng tây.





    BÌNH GIẢNG


    Chương này được Hà Thượng Công đặt tên là «Hoàn thuần». Đại khái, Lão tử khuyên ta
    • hãy bỏ hết mọi điều nhân vi, nhân tạo để trở về đời sống tự nhiên;
    • hãy rũ bỏ những qui ước xã hội tù túng con người để sống cho khinh khoát;
    • hãy gạt bỏ lòng tiểu kỷ tham dục, để sống đời thuần phác hòa đồng.



    Trước hết Lão tử khuyên ta hãy dứt thánh, bỏ trí.
    • Chữ thánh đây không có nghĩa là vị thánh nhân chân thực đã thực hiện được thiên chân, đã sống theo thiên lý,
      mà là những bậc thông minh hơn người, thường làm quân sư cho vua chúa, vẽ vời cho vua chúa biết những phép tắc, đường lối để khống trị dân.[9]
    • Trí đây không phải là những người đại trí, đã thấu suốt được bản tính, đã nhìn thấy được thiên chân tiềm ẩn đáy lòng,
      mà là những bậc tiểu trí bày ra trăm mưu ngàn chước mê hoặc lòng người.

    Lão tử cho rằng dẹp được những hạng thánh, trí ấy đi dân chúng sẽ hạnh phúc hơn nhiều.


    Lão tử cũng cho rằng đem những chiêu bài nhân nghĩa ra để mà dạy dân tức là làm cho lòng dân rối loạn, không còn biết thế nào là sống theo tự nhiên, và bước dần vào đời sống giả tạo.
    • Trang tử cũng chủ trương:
      • «Tại sao không để cho dân sống tự nhiên? Tại sao lại muốn cho dân quên mất bản tính của họ? Từ khi vua Thuấn (khoảng 2255) dùng khẩu hiệu «Nhân Nghĩa» làm lạc hướng con người, con người đã trở nên khổ sở, vì bị tù túng trong những khuôn khổ giả tạo, nhân vi.»[10]



    Lão tử khuyên ta dứt khéo, bỏ lợi thì mới có thể sống an bình.
    Xã hội chúng ta ngày nay đã mắc bệnh chuộng khéo, ham lợi, nên mới khổ sở vì những nạn đao binh, đạo tặc lớn nhỏ;
    • lớn như đi chinh phục nước người,
      nhỏ như đi cướp giật của người, hoặc bày ra những mưu thần chước quỉ để moi móc tiền người.



    Lão tử cho rằng những cái hào nhoáng bên ngoài không thể nào thỏa mãn được con người. Con người muốn sống hạnh phúc vẫn cần phải quay về với thiên chân, với tự nhiên.[11]

    Tóm lại,
    thiên chân, thiên tính
    bao giờ cũng hơn nhân vi, qui ước.

    • Trang tử viết trong thiên Khư Khiếp đại khái như sau:
      • «... Lắm phép tắc loạn ly cũng lắm,
        Càng vẽ vời càng lắm điêu linh.
        Thánh sinh, đạo chích cũng sinh,
        Thánh tiêu, trộm cắp lẻ mình tiêu luôn.
        Làm đấu hộc, đong lường, cân trái,
        Bầy tín phù, bầy ngãi, bầy nhân.
        Càng nhiều phép tắc gian trần,
        Gian ngoan điêu trác càng tăng thêm hoài.
        Ăn cắp nhỏ mới tai, mới họa,
        Ăn cắp nhiều, thời bá, thời vương.
        Bá vương rồi cũng huênh hoang,
        Chiêu hiền, đãi khách xênh xang quanh mình.
        Nên dứt thánh, dứt tình với trí,
        Thời cướp ngày sẽ bí lối sinh.
        Trầm châu, đắm ngọc tan tành,
        Rồi ra trộm cắp lưu manh hết liền.
        Phá ấn tín, dân nên thuần phác,
        Đập đấu cân, dân gác ghen tuông,
        Phá tan thánh pháp kỷ cương,
        Rồi ra dân sẽ rộng đường tới lui.
        Vứt đàn sáo, bịt tai Sư Khoáng,
        Thời chúng dân sẽ sáng tai ra.
        Tung hê màu sắc, văn hoa,
        Cho mờ van vả, cho nhòa Ly Châu.
        Hãy hủy hẳn giây, câu, khuôn thước,
        Tay Công Thùy tìm chước chặt đi.
        Sử, Tăng ta hãy khinh khi,
        Bị mồm Dương, Mặc, bịt đi đỡ phiền.
        Điều nhân nghĩa đảo điên hãy bỏ,
        Bỏ đi rồi sẽ rõ «Huyền đồng»
        «Huyền đồng» là chính thần thông,
        Hợp cùng Đạo cả, ung dung vẹn nghì.
        Kìa Tăng, Sử, Công Thùy, Sư Khoáng,
        Hạng Ly Chu và hạng Mặc Dương,
        Đều là nhân đức phô trương,
        Rốc bầu tinh túy, huyên hoang bên ngoài.
        Chính vì vậy gieo tai gieo họa,
        Loạn dân tình, loạn cả nước non,
        Tưởng là ích lợi ngàn muôn,
        Nào ngờ điên đảo, mỏi mòn lòng ai.» [12]

      Trang tử cũng còn viết trong thiên Đại Tông Sư đại khái như sau:
      • «Đời trần thế là đời mộng ảo,
        Tỉnh với mơ lộn lạo, khác chi.
        Tử sinh như ở với đi,
        Như thay hình tướng có chi bận lòng.
        Dù nam bắc tây đông cũng vậy,
        Trời bảo sao ta hãy vui theo,
        Mặc cho ngoại cảnh xoay chiều,
        Giữ lòng tạo hóa phiêu diêu thỏa tình.
        Đem thân gửi mênh mông bát ngát,
        Thời thân này mất mất làm sao.
        Muốn tìm ra Đạo chí cao,
        Mà không suy tưởng, nhẽ nào tìm ra.
        Hãy thâu lượm tinh hoa sử sách,
        Hãy khơi tung nguồn mạch đáy lòng,
        Hư vô khi đã khai thông,
        Rồi ra sẽ được huyền đồng chẳng sai.
        Tìm Trời, phải quên đời, quên cảnh,
        Quên phù sinh, ảo ảnh bên ngoài,
        Tâm hồn khi hết pha phôi,
        Mới mong rực rỡ ảnh Trời hiện ra.
        Đã thấy Đạo, đâu là kim cổ,
        Hết cổ kim, vào chỗ trường sinh.
        Ham sinh, thời lại điêu linh,
        Phù sinh chẳng chuộng, thần minh ấy là,
        Hãy cố gắng vượt qua nhân nghĩa,
        Hãy quên đi nghi lễ của đời,
        Quên mình, quên cả hình hài,
        Thông minh, trí tuệ gác ngoài tâm linh.
        Hãy hợp với vô hình, vô tượng,
        Cùng Đại thông vô lượng sánh đôi.
        Thế là được Đạo, được Trời,
        Thoát vòng biến hóa muôn đời trường sinh.» [13]



    _______________________________________

    • [1] Bách bội 百 倍:
      gấp trăm.
                
    • [2] Phục 復:
      trở lại.
                
    • [3] Tuyệt 絕:
      dứt.
                
    • [4] Khí 棄:
      bỏ.
                
    • [5] Văn 文:
      vẻ hào nhoáng bên ngoài.
                
    • [6] Bất túc 不 足:
      không đủ.
                
    • [7] Nguyễn Duy Cần và Nghiêm Toản đọc 屬 là «chúc».
                
    • [8] Nghiêm Toản đọc 見 là «hiện».
                
    • [9] Ta thấy ở nhiều chương khác Lão tử thường đề cập đến bậc thánh nhân chân chính.
                
    • [10] Xem Nam Hoa kinh, chương Biền mẫu, đoạn A.
      -- Les Pères du Système Taoïste, p. 271.

                
    • [11]
      The work of the Church ends when the knowledge of God begins.»
      Evelyn Underhill, Mysticism, p. 199.
                
    • [12] Xem Nam Hoa kinh, chương 10, Khư Khiếp, đoạn B.
                
    • [13] Nam Hoa kinh, chương 6, Đại tông sư, các đoạn F, G, H.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20281
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 20
    DỊ TỤC 異 俗




    Hán văn:
    • 絕 學 無 憂.
      唯 之 與 阿, 相 去 幾 何.
      善 之 與 惡, 相 去 若 何.

      人 之 所 畏, 不 可 不 畏. 荒 兮 其 未 央 哉.

      眾 人 熙 熙, 如 享 太 牢, 如 登 春 台.

      我 獨 泊 兮 其 未 兆, 如 嬰 兒 之 未 孩. 儡 儡 兮 若 無 所 歸.

      眾 人 皆 有 餘, 而 我 獨 若 遺. 我 愚 人 之 心 也 哉.
      沌 沌 兮 眾 人 昭 昭, 我 獨 昏 昏.
      眾 人 察 察, 我 獨 悶 悶. 澹 兮 其 若 海. 飂 兮 若 無 止.
      眾 人 皆 有 以 而 我 頑 且 鄙.

      我 獨 異 於 人, 而 貴 食 母.

    Phiên âm:
    1. Tuyệt học vô ưu.
      Duy [1] chi dự a,[2] tương khứ kỷ hà.[3]
      Thiện chi dữ ác tương khứ nhược hà.[4]
                
    2. Nhân chi sở úy, bất khả bất úy. Hoang [5] hề kỳ vị ương tai.[6]
                
    3. Chúng nhân hi hi [7] như hưởng thái lao,[8] như đăng xuân đài.
                
    4. Ngã độc bạc [9] hề kỳ vị triệu, như anh nhi chi vị hài.[10] Luy luy [11] hề nhược vô sở qui.
                
    5. Chúng nhân giai hữu dư, nhi ngã độc nhược di.[12] Ngã ngu [13] nhân chi tâm dã tai.
      Độn độn hề [14] chúng nhân [15] chiêu chiêu,[16] ngã độc hôn hôn.[17]
      Chúng nhân[18] sát sát,[19] ngã độc muộn muộn.[20] Đạm [21] hề kỳ nhược hải.[22] Liêu [23] hề nhược vô chỉ.[24]
      Chúng nhân giai hữu dĩ [25] nhi ngã ngoan [26] thả bỉ.[27]
                
    6. Ngã độc dị ư nhân, nhi quí thực mẫu.

    Dịch xuôi:
    1. Dứt học, hết lo.
      Dạ với ơi khác nhau bao lăm?
      Lành với dữ khác nhau mấy tầm?
                
    2. Cái mà người sợ, ta há không sợ, nhưng không đến nỗi hoảng hốt mất tinh thần. [28]
                
    3. Người đời hớn hở, như hưởng cỗ bàn, như lên đài xuân.
                
    4. Riêng ta lặng lẽ, chẳng chút phô trương, y như trẻ thơ, chưa biết mỉm cười. Dáng điệu phờ phạc, lênh đênh vô định.
                
    5. Chúng nhân có thừa, riêng ta thiếu thốn. Lòng ta ngu dốt thay, mù mịt tay.
      Người đời sáng chói, riêng ta mịt mù. Vắng lặng như biển khơi, vi vu như gió thổi.
      Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta ngu xuẩn, thô kệch.
                
    6. Riêng ta sống khác người, vì không lìa xa «mẹ thiên nhiên».


    Dịch thơ:

    1. Rũ tục học, sẽ quên lo lắng,
    Dạ với ơi khác đặng bao lăm.
    2. Dữ lành khác độ mấy tầm,
    Cái điều người sợ, bình tâm được nào.
    Nhưng chẳng nỗi ra vào hốt hoảng,
    Lo thì lo nhưng chẳng bàng hoàng.
    3. Người vui như hưởng cỗ bàn,
    Vui như trẩy hội đăng đàn tiết xuân.
    4. Riêng ta nín lặng tần ngần,
    Như tuồng trẻ nít chưa phân biệt gì.
    Ta ngơ ngẩn biết đi đâu tá,
    5. Người giàu sang, ta há bị quên!
    Lòng ta ngu độn thấp hèn,
    Người đời sáng suốt, sao riêng ta đần.
    Người xét nét, biện phân mọi lẽ,
    Chỉ riêng ta quạnh quẽ, trong suông.
    Mênh mang trên mặt trùng dương,
    Mặc cho gió cuốn, sóng vương không ngừng.
    Ai cũng có chỗ dùng lợi ích,
    Chỉ riêng ta thô kệch ương gàn.
    6. Nay ta sống khác nhân gian,
    Vì ưa sữa «mẹ muôn ngàn thụ sinh».





    BÌNH GIẢNG


    Chương này Lão tử có ý mô tả sự khác biệt giữa hai lối sống:
    • (a) Lối sống của thánh nhân;
      (b) Lối sống của phàm nhân.


    Thánh nhân không mấy bận tâm về nền «tục học»
    • vì thấy hiểu rằng trong thế giới tương đối này, dở hay, giỏi dốt cũng chỉ là như tuồng ảo hóa.

    Có biết nhẽ ấy, sẽ thấy lòng được thung dung, khinh khoát.

    Tục nhân lo cái gì, thánh nhân lo cái ấy;
    • nhưng tục nhân thì lo đến hốt hoảng mất tinh thần,
      còn thánh nhân thì không bao giờ để ngoại cảnh làm xao xuyến tâm thần.


    Phàm nhân chạy theo phù du, ảo ảnh bên ngoài, lao đầu vào những thú ăn chơi, đài các.
    Thánh nhân thời sống thanh đạm, bạn bè cùng những thú vui cao khiết tinh thần, nên thường bị người đời coi là quê kệch, lạc hậu, thoái hóa.

    Phàm nhân chạy theo tài lợi, cố súc tích tài lợi;
    còn thánh nhân thì lại không am tường những cung cách kiếm tiền.

    Phàm nhân tỏ ra sắc sảo, tính toán rạch ròi mọi chuyện thế gian;
    thánh nhân không mấy lưu tâm đến thế sự, nên khi lâm sự, thường vụng về, ngây thơ, không thể có những thủ đoạn gian ngoan, xảo nguyệt.

    Xét theo tiêu chuẩn thế tục, thì phàm nhân có vẻ văn minh tân tiến,
    còn thánh nhân thời lại có vẻ quê mùa, chất phác,
    • vì một đằng theo rõi thời trang, thời thế;
      một đằng sống nội tâm, mà không mấy chú trong đến những hình thức bên ngoài.


    Cái khác biệt của thánh nhân là:
    • Thánh nhân sống phối kết với Đạo, với Trời, không lìa xa Thiên chân, Thiên thể,
      còn phàm nhân thì sống xa Đạo, xa Trời, bị cuốn lôi trong vòng hồng trần tục lụy.


    Câu «quí thực mẫu» của Lão tử toát lại đời sống huyền đồng của các bậc thánh nhân mọi nơi mọi đời.
    • Câu này làm ta liên tưởng đến một đoạn sau đây trong quyển Mysticism của Everlyn Underhill:
      • «Nhà huyền học trực giác được
        • một thế giới siêu nhiên nằm gọn trong biên cương của lòng sốt mến,
          và một tâm hồn siêu thoát tục lụy, nhưng hằng khao khát muốn vươn lên cho tới Tuyệt đối; chỉ vừa lòng khi được sống phối hợp với Thượng đế.

        Lúc ấy, theo sự mô tả của Patmore, thánh nhân
        • sẽ như «trẻ thơ còn ngậm vú mẹ Tạo Hóa»
          hay như «người tình đã tìm lại được người tình».[29]



    _______________________________________

    • [1] Duy 唯:
      dạ (với ý cung kính).
                
    • [2] A 阿:
      ơi (với ý khinh thường).
                
    • [3] Kỷ hà 幾 何:
      là bao.
                
    • [4] Nhược hà 若 何:
      là bao.
      (Có sách viết là Hà nhược).
                
    • [5] Hoang 荒:
      rộng lớn, hoang vu.
                
    • [6] Vị ương 未 央:
      không bờ bến.
                
    • [7] Hi hi 熙 熙:
      vui vẻ.
                
    • [8] Thái lao 太 牢:
      yến tiệc lớn.
                
    • [9] Bạc 泊:
      yên lặng, thuần phác.
                
    • [10] Hài 孩:
      cười.
                
    • [11] Luy luy 儡 儡:
      nhớn nhác, phờ phạc.
      -- Bản Hà Thượng Công viết là «thằng thằng hề...» 乘 乘 兮
      (chữ 乘 ở đây đọc là thằng [: nghiêng đổ], không đọc là thừa).
                
    • [12] Di 遺:
      bỏ sót, mất.
                
    • [13] Ngu 愚:
      ngu dốt.
                
    • [14] Độn độn 沌 沌:
      hỗn độn mờ mịt.
                
    • [15] Có sách viết là «tục nhân» 俗 人.
                
    • [16] Chiêu chiêu 昭 昭:
      sáng sủa.
                
    • [17] Bản của Hà Thượng công: Ngã độc nhược hôn 我 獨 若 昏.
                
    • [18] Có sách viết là «tục nhân» 俗 人.
                
    • [19] Sát sát 察 察:
      trong trẻo, tinh tường.
                
    • [20] Muộn muộn 悶 悶:
      đục vẩn, mờ mịt.
                
    • [21] Đạm 澹:
      lặng lẽ,
      có sách viết là «Hốt» 忽.
                
    • [22] Hải 海:
      có sách viết là «Hối» 晦.
                
    • [23] Liêu 飂:
      vi vút.
                
    • [24] Vô chỉ 無 止:
      không ngừng.
                
    • [25] Dĩ 以:
      dùng.
                
    • [26] Ngoan 頑:
      ngu, ương, bướng.
                
    • [27] Bỉ 鄙:
      thô bỉ, dốt nát.
                
    • [28] Dịch theo Wieger:
      «Mấy chữ hoang hề, kỳ vị ương tai này rất khó dịch.
      Vương Bật cho đó là để mô tả sự cách biệt giữa đạo nhân với tục nhân.»
                
    • [29]
      The mystic vision, then, is of a spiritual universe held tight within the bonds
      • of love,
        and of the free and restless human soul, having within it,
        • the spark of divine desire,
          the tendency to the absolute,

        only finding satisfaction and true life when united with this life of God.

      Then in Patmore’s lovely image «the babe is at its mother’s breast, the lover has returned to the beloved».
      Evelyn Underhill, Mysticism, p. 160.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20281
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 21
    HƯ TÂM 虛 心




    Hán văn:
    • 孔 德 之 容, 惟 道 是 從.

      道 之 為 物, 惟 恍 惟 惚.
      惚 兮 恍 兮, 其 中 有 象.
      恍 兮 惚 兮, 其 中 有 物;
      窈 兮 冥 兮, 其 中 有 精.
      其 精 甚 真, 其 中 有 信.

      自 古 及 今, 其 名 不 去, 以 閱 眾 甫.

      吾 何 以 治 眾 甫 之 狀 哉.
      以 此.

    Phiên âm:
    1. Khổng đức chi dung, duy Đạo thị tùng.[1]
                
    2. Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt.
      Hốt hề, hoảng hề, kỳ trung hữu tượng.
      Hoảng hề, hốt hề kỳ trung hữu vật;
      ảo hề minh hề, kỳ trung hữu tinh.
      Kỳ tinh thậm chân, kỳ trung hữu tín.
                
    3. Tự cổ cập kim, kỳ danh bất khứ, dĩ duyệt chúng phủ.[2]
                
    4. Ngô hà dĩ trị chúng phủ chi trạng tai,
      dĩ thử.

    Dịch xuôi:
    1. Dung nghi của bậc Đại đức, khuôn theo Đạo.
                
    2. Đạo sinh ra muôn vật, hoảng hoảng hốt hốt
      nhưng trong vẫn có hình ảnh của Đạo.
      Hoảng hoảng hốt hốt nhưng trong vẫn có bản thể (của Đạo).
      Mờ mịt nhưng trong vẫn có tinh hoa (của Đạo).
      Tinh hoa ấy rất chân thực; trong lại có tín.
                
    3. Từ xưa đến nay, tên ngài vẫn đó, để bẩm sinh ra muôn vật.
                
    4. Ta làm sao biết được hình trạng đầu gốc muôn vật?
      Nhờ vậy !


    Dịch thơ:

    1. Người chí thánh hòa mình với Đạo,
    Dáng dấp người ẩn áo vẻ Trời.
    2. Trời sinh ra khắp muôn loài,
    Phất phơ phất phưởng ảnh Trời ở trong.
    Tưởng muôn loài tối tăm u ẩn,
    Tinh quang Trời vẫn lẩn bên trong.
    Tinh quang ấy thực thiên chân.
    Khơi nguồn tín dưỡng xa gần xưa nay.
    3. Xưa và nay, tên ngài vẫn đó,
    Tên ngài còn mới có chúng sinh,
    4. Ta hay dáng dấp quần sinh,
    Là nhờ phương pháp thuyết trình trên đây.





    BÌNH GIẢNG


    Chương này có hai cách bình giải:
    1. Đạo sinh xuất muôn loài,
      nên từ trong lòng Đạo đã thấy mung lung, hoảng hốt, hình ảnh của muôn loài muôn vật.
    2. Đạo sinh xuất muôn loài,
      nhưng vẫn lồng trong lòng muôn loài muôn vật.



    Léon Wieger bình dịch theo lối thứ nhất như sau:
    1. Vạn vật trong thế giới hiện tướng đều phát xuất từ nguyên thể bằng cách khai triển, hiển dương.
    2. Nguyên thể là như thế này:
      Nguyên thể hoảng hốt khó phân, khó định.
      Tuy khó phân định nhưng bên trong đã có các chủng loại.
      Tuy khó phân định, nhưng bên trong đã có các vật, tuy còn là ở trong trạng thái tiềm ẩn.
      Thực là ẩn áo, thực là nhiệm mầu.
      Trong nhiệm mầu ẩn áo đó vẫn có một tinh hoa; tinh hoa đó là thực tại.
      Đạo là như thế đó.
    3. Từ xưa đến nay tên ngài vẫn y nguyên.
      Ngài sinh xuất ra muôn vật.
    4. Làm sao mà ta biết gốc gác quần sinh?
      Ta biết bằng cách đó (bằng cách quan sát vũ trụ một cách khách quan);
      do đó ta thấy vạn vật tương đối đều phát xuất từ Tuyệt đối.[3]



    Tôi bình dịch theo lối thứ hai.
    Đại khái rằng:
    • Thánh nhân trong dạ có Trời; Vạn vật trong lòng có Đạo.
    • Đạo chẳng hề xa rời người vật, vì thế nên bậc đại thánh chính là hiện thân của Trời.
    • Vạn vật bên ngoài tưởng chừng như là tối tăm, u uẩn, phàm hèn
      nhưng kỳ thực vẫn hàm chứa Đạo, hàm chứa Tuyệt đối bên trong.
    • Mới hay Tuyệt đối không hề rời xa Tương đối,
      hay nói theo từ ngữ Phật giáo: Niết bàn không hề rời xa Luân Hồi.
    Muốn tìm Niết Bàn phải tìm trong Luân Hồi,
    Muốn tìm Tuyệt đối, phải tìm trong tương đối.
    Muốn tìm Trời, tìm Đạo, phải tìm ngay trong lòng mình.



    Ở đây tôi trình bày cả hai phương pháp bình giảng, vì chúng bổ túc lẫn cho nhau và cho chúng ta một cái nhìn viên mãn về vũ trụ vạn hữu.

    Vũ trụ vạn hữu này là biểu dương của Thượng đế, của Tuyệt đối.
    Cho nên vũ trụ vạn hữu này vẫn hàm tàng Tuyệt đối.
    Đó chính là phương pháp chính xác để biết nơi đâu mà tìm ra Đạo, ra Trời !


    _______________________________________

    • [1] Câu này tôi giải thích theo Cao Hanh và Trương Mạc:
      • Bậc đại đức khi nói năng cử động luôn luôn theo Đạo mà hành chỉ.
    • [2] Chúng phủ 眾 甫:
      vật trước nhất đầu tiên phát sinh ra vạn vật.
                
    • [3] Xem Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 33 - 34.


Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20281
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Thượng Kinh 上 經 Đạo Kinh 道 經
    __________________

    Chương 22
    ÍCH KHIÊM 益 謙




    Hán văn:
    • 曲 則 全;
      枉 則 直;
      窪 則 盈;
      敝 則 新;
      少 則 得;
      多 則 惑.

      是 以 聖 人 抱 一, 為 天 下 式.
      不 自 見, 故 明.
      不 自 是, 故 彰.
      不 自 伐, 故 有 功.
      不 自 矜, 故 長.

      夫 唯 不 爭,
      故 天 下 莫 能 與 之 爭.

      古 之 所 謂 曲 則 全 者, 豈 虛 言 哉.
      誠 全 而 歸 之.

    Phiên âm:
    1. Khúc tắc toàn;
      uổng tắc trực;
      hóa tắc doanh;
      tệ tắc tân;
      thiểu tắc đắc;
      đa tắc hoặc.
                
    2. Thị dĩ thánh nhân bão Nhất, vi thiên hạ thức.
      Bất tự hiện, cố minh.
      Bất tự thị, cố chương.
      Bất tự phạt cố hữu công.
      Bất tự căng, cố trưởng.
                
    3. Phù duy bất tranh,
      cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.
                
    4. Cổ chi sở vị «khúc tắc toàn giả», khởi hư ngôn tai.
      Thành toàn nhi qui chi.

    Dịch xuôi:
    1. Cái gì khiếm khuyết, thì làm cho nên toàn vẹn.
      Cái gì cong, thì làm cho ngay.
      Cái gì trũng thì làm cho đầy.
      Cái gì cũ thì làm cho nên mới.
      Ít thì lại được,
      nhiều thời lại mê.
                
    2. Cho nên thánh nhân ôm giữ cái Một (Đạo), để làm mẫu mực cho thiên hạ.
      Không phô trương, cho nên sáng;
      không tự cho mình là phải, cho nên hiển dương;
      không kể công, nên có công;
      không khoe mình, cho nên hơn người.
                
    3. Vì không tranh giành,
      cho nên thiên hạ không ai tranh dành với mình.
                
    4. Câu nói của người xưa: «Cái gì khiếm khuyết, thì làm cho nên toàn vẹn», há phải là câu nói suông?
      Vẹn toàn rồi sẽ trở về với Đạo.


    Dịch thơ:

    1. Bao dang dở, làm cho tươm tất,
    Bao cong queo, hãy bắt cho ngay.
    Hãy san chỗ trũng cho đầy,
    Cũ càng đổi mới, mới ngay tức thì.
    Đạm thanh sẽ thoả thuê, đầy đủ,
    Phiền toái nhiều, trí lự ám hôn.
    2. Thánh nhân một dạ sắt son,
    Hoà mình với Đạo, treo gương cho đời.
    Ít phô trương, (nhưng) rạng ngời, sáng quắc,
    Chẳng khoe khoang, (nhưng) vằng vặc trăng sao.
    Chẳng vênh váo, vẫn cao công nghiệp,
    Chẳng huênh hoang, ngồi tít tầng cao.
    3. Không tranh ai nỡ tranh nào,
    4. Lời người xưa nói nhẽ nào sai ngoa:
    «Bao dang dở, làm cho tươm tất,
    Tươm tất rồi ắt sẽ về Ngài.»





    BÌNH GIẢNG


    Chương này các nhà bình giải thường cho rằng Lão tử đề cao sự khiêm cung. Chính vì thế mà Hà Thượng Công đã toát lược chương này bằng hai chữ «Ích khiêm».

    Nhưng thiết tưởng bình giải như vậy chưa nêu rõ được hết các ý tứ của Lão tử. Thực vậy, trong chương này Lão tử khuyên ta:

    • 1. Sửa sang mọi lỗi lầm, khiếm khuyết
      để đi đến chỗ thành toàn, sống đơn sơ thuần phác. (đoạn 1)
                
      2. Kết hợp với Trời, với Đạo, sống âm thầm lặng lẽ, không phô trương thanh thế,
      vô vi mà vẫn treo gương cho đời. (đoạn 2)
                
      3. Không tranh chấp với ai. (đoạn 3)
                
      4. Từ xưa tới nay, ai cũng công nhận rằng
      có thành toàn mới trở về được với Trời, với Đạo. (đoạn 4)


    Phân tách như vậy ta sẽ thấy chương này hết sức phong phú.

    1.
    Trước tiên Lão tử cho thấy bổn phận chúng ta là cải tiến không ngừng để đi đến chỗ toàn thiện. Đó cũng chính là thiên mệnh.
    • Trung Dung viết:
      • «Hoàn toàn là đạo của Trời,
        Trở nên hoàn thiện, đạo người xưa nay. [1]
    • Chúa Jésus cũng dạy:
      • «Các bạn hãy trở nên hoàn thiện, như cha các bạn ở trên trời.» [2]

    Con người sinh ra ở đời, khó có ai hoàn thiện, hoàn mỹ ngay. Nhưng mọi người đều có thể trở nên hoàn thiện, hoàn mỹ nếu biết sang sửa tâm hồn mình.
    • Lão tử mô tả sự sửa sang tâm hồn bằng mấy lời bóng bảy:
      • Bao dang dở làm cho tươm tất,
        Bao cong queo hãy bắt cho ngay.
        Hãy san chỗ trũng cho đầy,
        Cũ càng đổi mới, mới ngay tức thì.
    • Câu này cũng tương tự như câu sau đây trong thánh kinh Công giáo:
      • «Vì Yahve, hãy mở đường trong sa mạc,
        Hãy chỉnh trang đạo lộ chốn hoang vu,
        Lấp thung lũng, bạt đồi núi âm u,
        Biến vực thẳm cho trở thành đồng nội.» (Isaie 40, 3, 4)
    • Trung Dung cũng dành chương XXIII để dạy về phương pháp chỉnh trang tâm hồn ngõ hầu tiến tới hoàn thiện. Trung Dung gọi thế là «Trí Khúc». Couvreur giải hai chữ «trí khúc» là:
      • Cố làm cho tâm tình còn khiếm khuyết trở nên hoàn hảo.


    2.
    Khi đã sửa sang được mọi chếch mác, dở dang trong tâm hồn rồi,
    con người mới có thể «bão nhất», kết hợp với Trời với Đạo, nêu gương sáng soi cho đời.
    Lúc này chẳng cần phô trương, mà ảnh hưởng tự nhiên sẽ ngày một lan rộng.


    3.
    Thế là không cần chạy theo vinh quang, mà vinh quang sẽ đến với mình,
    không phải tranh chấp với ai, mà vẫn có địa vị sang cả.


    4.
    Lão tử kết luận:
    • «Tự cổ cập kim», có sửa sang được hết chếch mác, có trở nên hoàn thiện,
      mới trở về được với Đạo, với Trời.


    Như vậy Lão tử đã tìm ra được một định luật thiên nhiên và đạo giáo rất quan trọng:

              
    «Con người phải tinh tiến, phải cải thiện mình,
    để đi đến chỗ hoàn thiện.
    Có hoàn thiện mới có thể «đắc Đạo, bão nhất».

    Chắc chắn không một vị giáo chủ nào có thể dạy ngược với định luật này được.

              



    _______________________________________

    • [1]
      Thành giả, Thiên chi đạo dã;
      thành chi giả, nhân chi đạo dã
      誠 者, 天 之 道 也;
      誠 之 者, 人 之 道 也.
      Trung Dung, chương XX.
                
    • [2] Mathieu, V, 48.


Trả lời

Quay về “Thiên đạo - Nhân đạo”