*
Tui có hứa sẽ kể chuyện cái giếng biết nói cho ca sĩ RC nghe, chừ thì kể nha .
Cái giếng biết nói nghĩa là "la puits qui parle". Giếng ni nằm tại thành phố Trôo.
Mỗi lần sang Paris, nếu rảnh lại tha lôi nhau đi thăm anh em bên chồng, họ tất cả ở ngay trong Paris (vùng 1), cùng lắm ra ven biên (vùng 2) rồi mỗi bữa vào thành phố mần việc bằng bus metro hay train.
Hồi xưa anh năm làm trong một bịnh viện ngoại thành Paris nên mua nhà gần sở, sáng sáng cuốc bộ cho khoẻ người.
Nghe nói lúc rời VN sang pháp học, thinh không anh bị lao. Bịnh lao là bịnh của người nghèo, thời nẳm được coi là bịnh ngặt. Anh năm là học trò thiếu thốn, dính bịnh cái liệt giuờng liệt chiếu luôn. May thời anh được Christiane, một y tá từ tâm chăm sóc. Chị Christiane nghe nói đang ở dòng tu đậng làm bà sơ, rồi hổng hiểu cách sao đó, chi bỏ dòng để thành y tá. Nhờ có chi mà anh năm hồi phục sức khoẻ, rồi anh cưới chị luôn sau khi học xong chuyên khoa phổi.
Cả hai anh chị năm đều hiền lành phúc hậu. Chị năm lại có khiếu về sinh ngữ nên đọc và viết tiếng nhà chồng, tuy hổng rành rẽ nhưng có thể đọc thư dùm vì anh năm là dân làm biếng - Đọc nhưng hiểu cho hết ý được bao nhiêu thì tui hổng biết -
20 năm trước vợ chồng chị cùng nghỉ hưu, rồi họ dọn về cái hóc bà tó gần thành phố Tours, cách Paris hơn hai giờ lái xe. Lần này tụi tui (thân cò) theo chị sáu (thân trâu) lặn lội đi Tours thăm họ.
Chạy miết một đỗi thì tới trung tâm làng của anh chị năm. Nhằm bữa có phiên chợ. Nghe nói chợ họp tuần một bận cho dân quê mang sản phẩm trồng cấy ra bán. Trời thần ơi, làng có một dúm người và loe hoe vài con đường nhỏ là hết - anh năm chọn chi chỗ đỉu hiu dữ - Chị sáu dừng xe ghé mua cái bánh pie (tarte aux pommes) còn nóng mới ra lò đậng mang biếu chủ nhà lấy thảo.
Nhưng trời thần ơi... nhà anh chị năm còn phải lái thêm 15-20 phút nữa mới tới lận, địa chỉ có tên có số đàng hoàng nha, nhưng nó là một con đường đất nhỏ lồi lõm với chỉ một nóc gia duy nhứt !
Nhà nằm khuất sau rậng cây, xung quanh là cánh đồng mênh mông, rải rác thấy đám trâu bò ngựa trừu thong dong gặm cỏ.
Hàng xóm gần nhứt của anh năm, nhà cũng khuất sau một rặng cây. Muốn thăm nhau thường khi phải lái xe, bằng không cuốc bộ cỡ 20 phút nếu dùng đường làng - còn như xài shortcut thì phải băng ngang ruộng, rất khó bước - Hồi còn khoẻ, anh năm lô ca chơn ra chợ trong những dịp có chợ phiên, và tuy xài đường tắt nhưng xỉn xỉn cũng 5 cây số. Chừ thì yếu rồi nên anh phải lái xe.
Tụi tui ở đó 3 bữa cho hai anh em tâm sự vắn dài. Chị năm chị sáu sửa soạn bữa ăn, 3 bửa chánh và 3 bữa phụ. Riêng tui chắp tay sau đít ra ngoài đồng ngoạn cảnh, căn me giờ cơm dzìa đớp rồi đi tiếp.
Sang tới ngày thứ ba thì chị năm đề nghị đi Trôo.
Trôo là một thành phố du lịch có từ thời xứ sở tạo thiên lập địa lận. Mùa hè du khách kéo tới cũng cả chục ngàn. Sanh hoạt khởi sắc hẳn lên trong độ từ May tới October. 6 tháng còn lợi thì dân số thụt hẳn xuống, vỏn vẹn độ 350 dân địa phương thiệt thụ là hết cỡ !
Trôo thiệt ra là trou, nghĩa là cái lỗ. Thời đệ nhị thế chiến, dân anh sang trú ngụ có đông, trou biến thành Trôo cho hạp ăm hạp nghĩa. Một số nhỏ dân Trôo vẫn giữ tên họ và ngôn ngữ hồng mao tổ tiên dòng họ.
Trôo nằm sát triền núi, ngó xuống con sông nhỏ. Dòng Loire đang rộng, tới Trôo thì hẹp hẳn lợi (hay chẻ nhành thì tui hổng chắc) và chảy ngay giữa. Bên kia (y hình) là ngoại ô Trôo, bên này là trung tâm thành phố Trôo, rải dọc theo sườn đồi. Đất ở đây là đá vôi, lổ chổ tàng ong. Nhà cửa được đào thẳng trong lòng núi.
Sử liệu nói rằng, thuở hồng hoang, dân Celtes, một trong những sắc dân tổ phụ của đại pháp, đã đào vách núi mần màn ăn lông ở lỗ. Dằn dà về sau, dân chúng upgrade từ từ nơi ăn chốn ở cho thoải mái thêm. Với kỹ thuật xây cất thăng tiến, dân tình giả từ hang động xuống đồng bằng phố thị văn miêng.
Đầu thế kỷ 20, trước và giữa hai cuộc chiến thế giới, các hang động tại đây đắt khách trở lợi, chúng được dùng làm nơi trồng nấm và trốn tránh bom đạn chiến tranh. Sau khi chiến tranh kết thúc, thành phố do địa thế thích hạp, biến thành đất du lịch, rồi thừa thằng xông lên, đám nhà cửa đào trong núi ấy được sửa sang upgrade thành nhà ở, kiểu summerhouse cho dân có của.
- Dòm qua lợi trong nét thì... nơi mô nóng là y phép có loại nhà này, từ châu âu qua châu phi và sang luôn cả châu mỹ. Vách núi giữ nhiệt độ trong nhà mát mẻ - và giữ cả độ ẩm - đồng thới còn giữ cả tối tăm. Nên rồi mặt tiền các nhà này được mở rộng tối đa và lắp kiếng chiếu sáng -
"Downtowm" của Trôo nằm tại đỉnh núi (đỉnh đồi thì chánh xác hơn) và có đường cho xe chạy tới trên, còn bằng không thì leo mấy trăm bậc thang bộ nếu có sức. Tại trung tâm thành phố này cò nhà cửa xây cất kiểu thông thường, có nhà thờ và dĩ nhiên có thương mại buôn bán.
Hổng xa lắm thì có cái giếng biết nói nọ. Một tấm bảng chi dẫn đường tới giếng, cốt để gợi tò mò du khách.
Hai khách nhàn du, tay trong tay, đỡ nhau trèo lên cũng chỉ vì muốn biết tới nơi tới chốn.
Trời hỡi trời, cái giếng biết nói thiệt ra hổng nói năng được câu nào ráo nạo, mà chỉ echoing, lập đi lập lợi lời nói của con người - những người thò đầu ngó xuống lòng giếng sâu hun hút -
Thiệt là lừa bịp trằng trợn ! Cũng may là coi giếng hổng phải trả tiền, còn bằng không có đứa dám xổ tiếng Đan Mạch.
Tướng công "nghe" giếng nói một chập, vỗ tay cười ngất, nói cái giếng có "tánh tốt" của qúi bà, lập tới lập lui hoài một câu không mỏi mệt !
Hồi về tới nhà chị sáu, lúc bấm thang máy đi lên, mới để ý thang máy cất tiếng báo tin mỗi lần nó ngưng ngang các tầng lầu. Rồi có mệ kia tức cảnh sanh tình : Ohhhh... Thang máy biết nói, l'ascenceur qui parle !
*