Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          

          
          


          

          


... Mời các bạn góp bài, cùng vui đón ...
... Xuân Giáp Thìn ...



          
          

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Những Tết Việt đầu tiên của cộng đồng hải ngoại
    ____________________
    Đoan Trang – 15 tháng 1, 2024



              

    Ảnh: an-nguyen-unsplash

              

    Với cộng đồng người Việt tị nạn, Mùa Xuân Ất Mão 1975 là cái Tết cuối cùng trên quê Cha đất Tổ. Đến khi phải rời bỏ quê hương, vào độ Xuân về, Tết đến, những mất mát, buồn tủi đè nặng tâm hồn, nhưng nỗi nhớ quê hương da diết lại tràn về, thôi thúc những người con ra đi phải bằng mọi cách để tìm lại không khí Tết Việt nơi xứ người, từ những năm đầu tiên…



    Tết Việt đầu tiên trên đất Mỹ

    Gần 50 năm sau ngày rời Sài Gòn, nhạc sĩ Nam Lộc vẫn còn nhớ như in cái Tết đầu tiên ở Hoa Kỳ – quê hương thứ hai của ông. “Đó là năm 1976, lúc tôi thuê nhà trên Los Angeles, chị Khánh Ly (ca sỹ Khánh Ly) từ Miami ghé qua California để thăm em của chị ấy rồi ghé qua nhà tôi, hôm đó có anh Jo Marcel nữa, nhậu nhẹt, hát hò với nhau, chị Khánh Ly thích quá, nên quyết định ở lại L.A. luôn, nhờ ‘khí thế’ ấy, tôi mới quy tụ được anh em chuẩn bị cho cái Tết đầu tiên – Tết Bính Thìn.”

    Thời gian đó, nhạc sĩ Nam Lộc đang làm cho Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Hoa Kỳ (USCC) vùng Los Angeles. Hơn ai hết, ông hiểu rõ tâm trạng của người Việt tị nạn, đau đớn, buồn tủi, sầu bi thế nào khi “Tết nhất đến nơi” mà phải xa quê, vất vưởng nơi xứ người, thế là ông đến gặp ban lãnh đạo USCC và năn nỉ: “Đây là cái Tết đầu tiên, xin quý vị tạo cơ hội để đồng bào người Việt chúng tôi có dịp cùng nhau tụ họp.” USCC hỏi: “Các anh tính làm bằng cách nào?” Nhạc sĩ Nam Lộc trình bày: “Chúng tôi có nhiều anh em nghệ sĩ ở các tiểu bang, và tôi cam đoan là mời được mọi người về đây biểu diễn một chương trình văn nghệ cho đồng bào chúng tôi xem. Tết mà, phải có văn nghệ!”

              

    Tết Bính Thìn 1976. Từ trái: Vũ Huyến, Lữ Liên, Ngọc Bích tập dượt trong căn chung cư của nghệ sĩ Nam Lộc (ảnh tư liệu, nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)

              

    Lần đó, USCC bảo trợ $5,000, nhạc sĩ Nam Lộc dùng số tiền này, mua vé máy bay mời các nghệ sĩ, ca sĩ khắp nơi tụ họp về Los Angeles, trong đó có Hoàng Thi Thơ, Lê Quỳnh, Quỳnh Anh, Kiều Chinh, Kim Oanh, Khánh Ly, Bùi Thiện, Vũ Huyến, Mai Lệ Huyền,… rồi mượn phòng họp của trường Franklin High School ở số 820 N. Ave 54, trên Los Angeles, để mọi người tập dượt. Cánh đàn ông thân quen, ông rủ về căn chung cư của mình.

    “Thời gian tập văn nghệ, vui lắm, mạnh ai nấy tập,” nhạc sĩ Nam Lộc kể. “Còn trang phục thì phải đi đặt, nhưng trong cộng đồng khi đó có người may được, nên họ tình nguyện may đồ cho các nghệ sĩ mặc biểu diễn.”

    Buổi tập dượt bắt đầu từ ngày 27 Tháng Mười Hai và trong vòng một tháng. “Vui nhất là lúc ba người, gồm anh Lê Quỳnh, Vũ Huyên và tôi tập tuồng ‘Trấn Thủ Lưu Đồn’. Vì nhà tôi chật, không muốn làm ồn, nên ba thằng phải ra bãi xe để tập, mở băng ông Hoàng Thư hát rồi múa theo. Cứ mỗi lần tập múa và hát tới câu “Ba năm bác còn đương trấn thủ, Tình dẫu cái mà tình ơi, ơi ới ơi ời…”, thấy mấy tay người Mỹ đi ngang, tụi này phải giả bộ như đang tập võ kung fu, chứ không họ nghĩ có ba thằng khùng đứng giữa trời la làng la xóm.”

              

    Tết Bính Thìn 1976. Nghệ sĩ Kiều Chinh tập nhạc cảnh “Kinh Chiều” của Hoàng Thi Thơ (ảnh tư liệu, nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)

              

    Chương trình văn nghệ còn có tiết mục hài của ông Lữ Liên, Ngọc Bích, Vũ Hiến ban AVT; nghệ sĩ Kiều Chinh đóng kịch “Kinh Chiều”; Thúy Nga, vợ nghệ sĩ Hoàng Thi Thơ thì múa nón,… Rồi có Tam ca Mây Trắng, độc tấu dương cầm Hoàng Thi Thi, đơn ca Bùi Thiện, vũ dân tộc, hoạt cảnh “Đưa em qua cánh đồng vàng”, và các tiết mục khác có sự góp mặt của ca sĩ như Mai Lệ Huyền, Kim Oanh, Kim Quy, Kim Thùy, Trần Hoàng Ngữ, Quỳnh Như, Văn Khâm,… và tất nhiên không thể thiếu giọng ca Khánh Ly.

    Một trong những điều đáng tiếc nhất là nhạc phẩm “Sài Gòn ơi, vĩnh biệt” của nhạc sĩ Nam Lộc, dù tha thiết, da diết, đậm tình là thế, nhưng không được biểu diễn, chỉ vì giai điệu bản nhạc quá buồn, không hợp với không khí Tết.

    “Lúc ấy, mời được các nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ từ mọi nơi về, mình phải bỏ tiền lo chi phí, chứ ai cũng là người tị nạn, có tiền nong dư giả gì đâu!” nhạc sĩ Nam Lộc kể. “Còn ngày biểu diễn thì không bán vé, nghĩ bụng chắc khoảng vài trăm đồng bào ở L.A. tới xem thôi nhưng bất ngờ có hơn 1,000 người đến dự, từ San Jose bay xuống, từ San Diego lái xe tới…”

    Ông kể, Mùng 1 Tết Bính Thìn nhằm ngày 31 Tháng Giêng 1976. Cái ngày đáng nhớ năm ấy, không có một cái gì, từ “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” đến “cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Không có gì, chỉ có nước mắt và ngậm ngùi.

    Là một trong hàng ngàn người đến xem buổi văn nghệ, ông John Trần, cư dân thành phố Huntington Beach, nhớ lại: “Năm đó tôi 16 tuổi, cũng lớn rồi, nên vẫn có thể nhớ mãi cái Tết đầu tiên trong cuộc đời không diễn ra trên quê hương mình. Tết ở Việt Nam vui lắm, thích lắm, nhưng đêm hôm ấy, tôi thấy ai cũng khóc, các cô chú gặp nhau cứ hỏi thăm được vài câu lại ôm nhau khóc, cứ nhìn nhau là khóc, khiến tôi cũng không cầm được nước mắt. Thấm thoát đã gần 50 năm…”

              

    Tết Bính Thìn 1976. Tiết mục múa nón. Từ trái: Quỳnh Như, Kim Oanh, Thúy Nga (vợ Hoàng Thi Thơ, giữa); Kim Quy, Kim Ly, Kim Thùy (ảnh tư liệu, nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)

              
              

    Tết Bính Thìn 1976. Tuồng “Trấn Thủ Lưu Đồn” do Nam Lộc, Lê Quỳnh, Vũ Huyên biểu diễn (ảnh tư liệu, nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp)

              



    Tết ở Đại lộ Bolsa

    Năm 1980, ông Tony Lâm – một trong những người Việt có mặt sớm ở Orange County, và sau đó là nghị viên gốc Việt đầu tiên của thành phố Westminster, lập Phòng thương mại của cộng đồng Việt, để ông Phiêu Chinh làm chủ tịch, ông Lưu Hùng Sơn là thành viên. Ông Tony Lâm tổ chức Hội thiện nguyện Lion Club giúp người tật nguyền, mù lòa. Nhưng điều ông vui nhất là tổ chức được mấy hội chợ vào dịp Tết Nguyên Đán.

    Hội chợ đầu tiên ở Orange County là vào năm Tân Dậu 1981. Ông Tony đứng ra xin phép tổ chức ở Mile Square Park, nhưng năm đó chỉ có loe ngoe vài người. Qua năm sau, ông lại mở chợ Tết. “Lần này đông hơn, vui hơn,” ông kể. “Hội chợ Tết Nhâm Tuất năm 1982 tổ chức ở góc đường Hoover và Westminster (đoạn đường rày xe lửa). Năm đó, có cựu hoàng Bảo Đại tham dự theo lời mời của Đại tá Nguyễn Linh Chiêu, và cả sự hiện diện của cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ.”

    Nhắc lại sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ này, ký giả Du Miên nói, năm đó trên Đại lộ Bolsa, ở khu Bolsa Mini Mall (nay là khu Thành Mỹ), cộng đồng người Việt cũng tổ chức Tết. “Khu Bolsa Mini Mall lúc đó có khoảng bốn, năm tiệm của người Việt,” ông Du Miên kể. “Tết mà im ắng thì chán lắm, tui bèn nghĩ ra chuyện tinh nghịch, chơi thôi, là đốt pháo, vì lâu quá rồi không được nghe tiếng pháo…”

              

    Pháo nổ vang trời trên Đại lộ Bolsa trong ngày diễu hành Tết Quý Mão 2023 (ảnh: Đoan Trang)

              

    Nhưng muốn đốt pháo phải có giấy phép. Mà lấy giấy phép ở đâu? Chẳng ai biết, mọi người đoán là phải hỏi Sở Cảnh sát. Ông Du Miên đi gõ cửa cảnh sát, nhưng họ nói họ không có quyền, mà là bên cứu hỏa. Qua bên cứu hỏa thì họ đồng ý, với điều kiện phải có người đứng ra ký giấy bảo đảm an toàn. “Chẳng tay nào dám ký, tôi làm liều, ký luôn,” ông Du Miên kể.

    Đốt pháo cũng phải có bục, có kệ đàng hoàng, nên ký giả Du Miên mời Tùng Giang làm sân khấu trước nhà sách Tú Quỳnh. Năm đó, ông mới có đứa con nhỏ, đặt luôn con lên xe đẩy đi xem đốt pháo. Buổi đốt pháo không ngờ thành công tới mức đốt hết luôn chỗ pháo mua ở chợ Ái Hoa, Hòa Bình. Chưa hết, những thương gia ở Bolsa Mini Mall cũng thủ sẵn nhiều băng pháo, lại lôi ra đốt tiếp.

    Trong giấy tờ ký giả Du Miên đặt bút ký, có điều kiện là sau khi xong xuôi phải dọn dẹp sạch sẽ. Hôm đó, pháo đốt xong, để lại một “bãi chiến trường”. Ký giả Du Miên nhớ lại: “Xác pháo nhiều tới mức không thể dùng chổi hốt, nên phải thuê xe. Mà xe hốt tới thì phải trả tiền. Tiền đâu có! Tụi tôi bèn kêu gọi những thương gia trong khu buôn bán, mỗi người góp vô một ít, trả phí cho xe hốt. Ai cũng đồng tình, vui lắm! 4 giờ sáng là sạch sẽ không còn một xác pháo.”

    Vui chuyện, ông Du Miên kể lại một chi tiết mà ông cho rằng thời đó ít người để ý tới: “Với người Mỹ, cựu hoàng Việt Nam, cựu Phó Tổng thống VNCH, và thị trưởng Westminster có mặt ở sự kiện nào, thì sự kiện đó được coi là rất quan trọng. Nhưng bữa đó, khi báo Mỹ phỏng vấn cảnh sát, họ nói thấy bên Bolsa đông hơn, vui hơn, vì có đốt pháo, thế là mấy nhà báo đăng tin bên đốt pháo nhiều hơn bên có ông Bảo Đại.”

    Qua tới năm 1983 – Tết Quý Hợi, ông Tony Lâm cùng ông Phạm Đặng Long Cơ tổ chức chợ Tết trên Đại lộ Bolsa, đoạn giữa Magnolia đến Bushard, thuê kiến trúc sư Thái Bá làm cổng Tam Quan, bà con người Việt kéo đến tham dự rất đông.

    “Hội Chợ Tết năm đó chỉ được ngày đầu tiên Thứ Sáu là vui, chứ hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật thì mưa tầm tã,” ông Tony Lâm kể. “Vui Xuân thì phải có hát hò. Ông Cơ mướn ông Hoàng Thi Thơ làm chương trình ca nhạc, với thù lao $17,000, thỏa thuận là phải đưa tiền trước. Mưa, không có biểu diễn gì. Năm đó tụi tôi lỗ lớn. Mọi người cãi nhau, tôi thì lo ‘thu dọn chiến trường’, là đem cái cổng Tam Quan đi gửi, chứ chỗ đâu mà chứa! Rồi từ đó chán quá, tôi bỏ, không đứng ra tổ chức Tết nhất gì nữa.”

              

    Hội Tết Sinh viên tại Costa Mesa 2023 (ảnh: Đoan Trang)

              



    Dấu ấn Tet Festival và Đạo luật bánh chưng

    Từ khi Tổng hội Sinh viên Việt Nam, miền Nam California, gọi tắt là UVSA (Union of Vietnamese Student Associations of Southern California) ra đời, chuyện tổ chức Tết nhất, diễu hành, hội chợ,… ngày càng đi vào nền nếp. Năm 1982, khi một nhóm liên trường gồm các sinh viên Việt Nam các trường cao đẳng, đại học như Orange Coast, Golden West, Long Beach, Irvine… cùng hợp sức lại để tổ chức hội chợ Tết nho nhỏ, làm ở thành phố Garden Grove.

    Nhận thấy người Việt dù ở đâu cũng không thể đánh mất tập tục văn hóa ngàn đời của dân Việt, là đón Tết, vui Tết, ăn Tết, từ những năm sau đó cho đến bây giờ, UVSA đứng ra tổ chức hội chợ, cũng như thực hiện các công tác khác để phục vụ cộng đồng. Phải gọi là “cộng đồng Việt ở hải ngoại” vì những hội chợ Tết sau này, việc đón Tết ở Nam California đã trở thành “điểm hẹn” không chỉ cho cộng đồng Việt ở California, mà còn từ các nơi khác, từ nhiều tiểu bang Mỹ cũng như các quốc gia khác, như trở về nhà của mình vậy.

    Nhưng Tết mà thiếu bánh chưng, bánh tét thì còn gì là Tết. Theo luật California, các loại bánh này nếu đem bán ở nhiệt độ bình thường sẽ bị phạt, vì gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, chuối…, dù nấu kỹ từ 10-12 tiếng, vẫn không thể giữ lâu ở nhiệt độ thường. Thức ăn bán cho công chúng buộc phải bày bán trong tủ lạnh với nhiệt độ tối thiểu 41 độ F. Nếu tuân thủ luật, các nhà làm bánh chưng phải dẹp nghề, vì chẳng ai không mua bánh chưng đông lạnh!

    Cũng vì quy định này, vào dịp Tết năm 2006, Cơ Quan Y Tế Orange County đã yêu cầu nhiều chủ chợ vứt bỏ rất nhiều bánh chưng, vì không hợp tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Năm đó, dân biểu Trần Thái Văn đứng ra can thiệp, yêu cầu một giải pháp dung hòa và được cơ quan này cho phép bánh chưng được bày bán không cần để trong tủ lạnh, nhưng không được lâu quá bốn tiếng.

              

    Quầy bánh chưng, bánh tét bán bên ngoài khu chợ ABC, thành phố Westminster, California (ảnh: Đoan Trang)

              

    Dự luật mà dân biểu Trần Thái Văn soạn thảo có tên AB 2214, liên quan các loại thực phẩm truyền thống trong dịp Tết của Việt Nam như bánh chưng, bánh tét. Dự thảo được Hạ viện Tiểu bang California thảo luận và thông qua lúc 10 giờ tối ngày Thứ Ba, 31 Tháng Năm 2006, với tỷ số phiếu 75/1 – luật sư Trần Thái Văn cho biết.

    Hơn 10 năm sau, một đạo luật khác cũng liên quan đến loại bánh truyền thống Việt – Đạo Luật SB 969 cho phép bánh chưng, bánh tét được bán ở nhiệt độ bình thường trong vòng 24 tiếng sau khi nấu chín. Đạo Luật SB 969 có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng 2017. “Đó là một ngày quan trọng cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở tiểu bang California, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử tiểu bang, có một đạo luật được viết ra để giải quyết các nhu cầu đặc biệt của cộng đồng Việt Nam, và được ký ban hành,” Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn cho biết.

    Và như vậy, Tết ở California, nhất là hai nơi có cộng đồng Việt đông đúc: Little Saigon ở Orange County, và San Jose ở Santa Clara, ngày càng xôm tụ, có nhiều “món ăn chơi” không thể thiếu trong dịp Tết.

              

    Người Việt các nơi về ăn Tết ở Nam California. Trong ảnh là một gia đình chụp hình kỷ niệm tại Hội Tết Sinh viên tại Costa Mesa năm 2023 (ảnh: Đoan Trang)

              

    Từ năm 2013, UVSA tổ chức hội chợ Tết (Tet Festival) tại Trung tâm Tổ chức Sự kiện & Hội chợ OC ở Costa Mesa. Năm nào cũng có khoảng 200 nhân viên và hơn 500 tình nguyện viên, Tet Festival thu hút mọi người trong ba ngày cuối tuần, là dịp để giới thiệu văn hóa, ẩm thực và giải trí Việt Nam. Hơn 40 năm qua, Tet Festival được cải thiện đáng kể, ngày càng thể hiện tốt hơn nét văn hóa và truyền thống Việt. UVSA tạo ra một sinh hoạt văn hóa để mọi người hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống Việt Nam theo nhiều cách, từ ẩm thực, biểu đến triển lãm văn hóa.

    Tết ở Little Saigon còn phải kể đến chương trình diễu hành trên Đại lộ Bolsa. “Hơn chục năm nay, cứ tới Tết Nguyên Đán là cả nhà tôi phải bay qua California,” chị Tracy Phạm, định cư tại Grand Rapid, Michigan, cho biết. “Hai đứa nhỏ nhà mình được ‘ăn Tết Việt’ ở California từ lúc chập chững biết đi; càng lớn, tụi nhỏ càng thích được qua Little Saigon ăn Tết. Bận làm ăn đến mấy, vợ chồng tôi cũng sắp xếp để không bỏ lỡ năm nào.”

    Nếu trên Đại lộ Bolsa, 40 năm trước chỉ có pháo đốt ở khu Thành Mỹ, thì nhiều năm qua, ở đây không thiếu thứ gì. Đó là lý do Tết năm nào, giữa lòng thủ đô người Việt tị nạn, người ta cũng tụ họp về đông đúc. Trung sĩ Phương Phạm thuộc Sở Cảnh sát Westminster từng chia sẻ: “Tôi làm ở đây lâu rồi, nên chuyện Đại lộ Bolsa kẹt xe vào dịp Tết là bình thường, đông đúc nhất là ở khu vực Thương xá Phước Lộc Thọ, nơi tổ chức các hội chợ, chợ hoa, chợ Tết,… Mấy ngày đó, cảnh sát phải làm việc nhiều, cực mà vui lắm!”



    https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-n ... hai-ngoai/
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Tại sao tháng 12 Âm lịch
    gọi là ‘tháng Chạp’?
    Lễ Chạp, lễ Lạp là gì?

    ____________________________
    Trung Hòa _ 25/01/24





    Chúng ta thường gọi tháng 12 Âm lịch là tháng Chạp, và còn dùng các từ như “giỗ Chạp”, "lễ Chạp", "lễ Lạp"... Nguồn gốc của những cái tên này như thế nào, nó mang ý nghĩa gì, và quá trình diễn biến lịch sử cho đến ngày nay ra sao?


    Tại sao tháng 12 Âm lịch gọi là tháng Chạp? Lễ Chạp là gì?

    Theo “Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt” do Giáo sư ngôn ngữ Nguyễn Tài Cẩn biên soạn, thì tháng 12 Âm lịch có tên là “tháng Chạp”, là từ 2 chữ gốc Hán "Lạp nguyệt" (nghĩa là tháng 12 Âm lịch), người Việt đã đọc chệch từ Lạp (臘) thành Chạp. Hiện người Việt chúng ta còn dùng các từ như: “Tháng Chạp”, “giỗ Chạp”, "lễ Chạp", "lễ Lạp".... Do ảnh hưởng của Nho giáo, nên khá nhiều lễ nghi của người Việt xưa căn cứ theo các điển tịch lễ nghi Nho giáo.

    Theo “Thuyết văn giải tự” giải nghĩa chữ “Lạp” rằng: “Đông Chí hậu tam Tuất, Lạp tế bách Thần”.

    Nghĩa là: Ngày Tuất thứ 3 sau ngày Đông Chí, là lễ Lạp cúng tế chư Thần.

    Ví dụ: Ngày 10/11/2023 Âm lịch (tức 22/12/2023 Dương lịch) là ngày Đông Chí, ngày Giáp Dần, vậy ngày Tuất tứ 3 tức là ngày Bính Tuất 13/12/2023 Âm lịch (tức 23/1/2024). Thời cổ đại, vào ngày này lẽ làm lễ Lạp (người Việt đọc chệch thành Chạp) để cúng tế chư Thần.

    Theo “Ngọc chúc bảo điển” thì “Lạp giả tế tiên tổ, Lạp giả báo bách Thần, đồng nhật dị tế dã”.

    Nghĩa là: Lễ Lạp là cúng tế tổ tiên, và lễ cúng chư Thần, cùng ngày mà 2 lễ khác nhau.

    “Lễ ký - Nguyệt lệnh” có chép: “Lạp tiên tổ ngũ tự”, nghĩa là lễ Lạp (Chạp) là lễ tế tổ tiên và 5 vị Thần: Môn, Hộ. Tỉnh, Táo và Trung Lựu, tức 5 vị Thần cai quản: Cửa cổng, nhà, giếng, bếp, và chính giữa nhà (trung tâm).

    Tại sao lại gọi là Lạp (chạp)? Sách “Phong tục thông” giải nghĩa: “Lạp giả Liệp dã. Án Liệp dĩ tế. Cố kỳ tự tòng nhục. Tòng nhục liệp thanh”.

    Nghĩa là: Lạp (臘) nghĩa là Liệp (獵 - săn bắt). Dùng thú săn được để làm lễ tế. Do đó dùng thịt (Nhục 肉 - thit) để cúng tế. Nghĩa theo bộ Nhục, âm theo chữ Liệp (巤 - lông cổ con thú).

    Như vậy có thể thấy, Chạp (Lạp) tức là hoạt động thờ cúng tổ tiên và chư Thần của người xưa. Đây là một trong những hoạt động lớn trong, thể hiện sự tôn kính của người xưa đối với Trời, Đất, Thần linh, và đạo hiếu đối với tổ tiên. Do ngày lễ lớn này vào ngày Tuất thứ 3 sau tiết Đông Chí (tức khoảng giữa tháng 12 Âm lịch), nên người ta gọi tháng 12 này là Lạp Nguyệt, tức Tháng Lạp, gọi chệch ra là Tháng Chạp.



    Nguồn gốc và sự diễn biến của Lễ Lạp (Lễ Chạp)

    Người xưa vào dịp cuối năm, để cảm tạ Ông Trời đã ban phúc trong cả năm qua, nên chuẩn bị đồ cúng tế tinh tế ngon lành, để bày tỏ lòng thành kính của mình đối với Trời, Đất và chư Thần, đồng thời cúng tế tổ tiên để báo cáo về những thành quả mà mình đã nỗ lực đạt được trong năm qua.

    Nghi lễ cúng tế cảm tạ Trời Đất Thần linh và ông bà tổ tiên này có từ thời thượng cổ.

    “Thuyết văn giải tự” là sách thời Hán, ghi chép ngày lễ Lạp là vào ngày Tuất thứ 3 sau ngày Đông Chí, đó là quy định của triều Hán mà thôi. Sách “Phong tục thông nghĩa” giải thích rằng: Theo Ngũ hành thì nhà Hán ứng với Hỏa, mà Hỏa suy vào ngày Tuất, nên vào ngày này, triều Hán làm lễ Lạp để cúng tế, để tăng thêm năm lượng.

    Lễ Lạp xưa là một đại lễ cấp quốc gia, cả nước từ trên xuống dưới, từ vua quan đến bách tính lê dân, đều tiến hành lễ Lạp, chỉ là đối tượng cúng tế khác nhau mà thôi.

    Sách Lễ Ký viết về việc tiến hành lễ Lạp rằng: Thiên tử tế Trời Đất, tế tứ phương, tế núi sông, tế Ngũ Thần (ngũ tự). Chư hầu tế Thần địa phương (phương tự), tế núi sông, tế Ngũ Thần (ngũ tự). Đại phu tế Ngũ Thần (ngũ tự). Sĩ (trí thức) tế tổ tiên.

    Sách Lễ Ký cũng viết: Người dân thường làm lễ thờ cúng Thần Cổng (Môn Thần) và Thần Bếp (Táo Thần, tức Táo Quân).

    Cùng với sử thay đổi của lịch sử, và sự du nhập văn hóa Nho gia vào Việt Nam, cho đến ngày nay, lễ Lạp này diễn biến thành lễ cúng Táo quân và lễ cúng tất niên đêm Giao thừa, tống cựu nghênh tân.




    Trung Hòa

    https://www.ntdvn.net/tai-sao-thang-12- ... 06189.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    Mùi của Tết
    ____________
    Do Duy Ngoc _ 19/01/2024





    Hồi còn bé, tôi rất mong ngày Tết. Không phải vì Tết có nhiều món ăn ngon, cũng không phải vì những bộ áo quần mới, cũng chẳng phải Tết có được thêm tiền lì xì. Tôi mong Tết vì cái mùi của Tết. Cái mùi mà bây giờ lên hàng lão tôi khó tìm thấy đủ như những ngày xưa.

    Trời đất, thiên nhiên bốn mùa đều có mùi của mùa. Mùa xuân có mùi của cây non trổ lộc, mùi của hương hoa. Mùa hạ có mùi của nắng, mùi của mồ hôi, mùi gió biển và mùi cá khô phơi tràn bãi cát. Mùa thu có mùi của lá vàng, của gió thu lướt trong không khí, mùi của nắng vàng mật ngọt. Mùa đông có mùi của bếp lửa, của bắp nướng, của chén khoai khô ngào đường và mùi của những cơn gió cắt da. Nó còn cái mùi của những chiếc áo ấm cất lâu trong tủ mang ra còn vương mùi long não. Mùi của Tết khác hẳn, nó không phải là mùi của bốn mùa gộp lại mà nó có mùi rất riêng. Tôi gọi đó là MÙI CỦA TẾT. Mùi này một năm chỉ có một thời gian rất ngắn rồi phai đi chờ đến Tết năm sau.

    Trước hết, trong tôi là mùi của hoa. Đó là mùi hăng hắc độc đáo và nồng nàn của những chậu hoa vạn thọ mà Ba tôi rất thích bày khắp sân mỗi dịp Tết về. Những chậu hoa với những bông vàng rực, sáng cả một góc sân. Đó là hương của những cành hoa huệ trắng Mạ ưa cắm trong chiếc bình bằng đồng được đánh bóng sáng ngời đặt trên bàn thờ. Ngay phòng khách mùi hoa lay ơn đỏ Mạ cắm đặt ở bàn salon cũng có mùi nhè nhẹ. Đó là mùi thơm thoang thoảng của những chậu lan khoe sắc trên giàn ở bìa sân do nhiều người biếu Ba trong dịp Tết. Đó cũng là mùi thơm rất mỏng từ chậu mai vàng nhiều cánh nở bung được đặt trang trọng ở giữa nhà. Tất cả hương của những thứ hoa bàng bạc trong nhà báo hiệu đã cận Tết rồi.

    Mùi của Tết còn là mùi của nhang, trầm khiến cho căn nhà ấm lại trong cái lạnh đầu xuân. Mùi nhang khói như sợi dây nối liền những người đã khuất với những người đang sống. Mùi để nhớ về, mùi của những cuộc đoàn viên. Cháu con thắp lên cây nhang, đốt lên ánh nến, mẩu trầm rồi vái lạy trước bàn thờ, trước di ảnh của ông bà, cha mẹ. Cái mùi nhang khói ấy theo mãi suốt một đời người.

    Đó còn là mùi thơm của thau mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt khoai, mứt me Mạ làm. Cái mùi cháy của đường phảng phất mùi va ni cuốn hút thằng bé chực chờ được vét thau. Cái mùi và miếng mứt hơi cháy ở đáy thau theo thằng bé đi suốt cho đến tuổi già. Giờ không mấy nhà tự làm mứt nữa, tiệm, siêu thị bán đầy, chẳng mấy ai mất công ngồi đổ mồ hôi bên bếp lửa. Mạ tôi mất hai chục năm rồi, tôi không còn được thưởng thức món mứt của Mạ và cũng chẳng còn được nhìn dáng Mạ chảy mồ hôi bên nhiều thau mứt nữa. Bóng Mạ vẫn về trong ký ức mỗi độ Tết đến, xuân về.

    Tết còn có mùi của các loại bánh in. Ngày xưa Mạ làm đủ loại bánh gói trong những loại giấy bóng màu. Mùi của bánh thơm thơm hương bưởi, hương va ni, mùi của bột. Tất cả đặt trong những chiếc khay gỗ quý khảm xà cừ. Nó còn là mùi của những chén chè đậu xanh, chè khoai tím xếp từng dãy trên bàn. Còn mùi bánh chưng trong thùng sôi sùng sục đêm giao thừa, nó có thoảng nhẹ của mùi nếp chín, mùi của lá chín và mùi chi nữa không tả được và cũng chẳng quên được.

    Còn mùi của thịt heo luộc, thịt heo ngày xưa luộc chín có mùi thơm của thịt mà bây giờ khó tìm thấy nữa. Thịt luộc chín ăn đã ngon, ngâm vào nước mắm lại càng ngon. Ngâm đến khi thịt biến màu sẫm, mỡ trong màu hổ phách. Lúc đấy miếng thịt heo ngâm nước mắm lại mang mùi khác. Không phải mùi của thịt jambon, thịt nguội mà là mùi đúng chất Việt Nam bởi nó thấm đẫm mùi nước mắm Việt qua tay chế biến của người phụ nữ Việt. Cũng phải kể đến mùi của món bắp bò ngâm nước mắm nữa. Và cũng không quên tảng thịt heo quay thơm lạ lùng với những mảng da dòn tan. Đó là chưa kể đến mùi thơm của những đòn chả nóng, xâu nem chua, những cây tré đượm mùi riềng.

    Rồi đến mùi hăng hăng của kiệu. Phơi một nắng, kiệu bỏ vào lọ giấm lại có mùi khác. Thêm mùi của dưa món, ngâm chín tới mà ăn với bánh chưng, bánh tét mới thấy hết cái ngon của dưa món. Một sự hoà điệu tuyệt vời.

    Nó còn là mùi của những bếp than hồng đỏ lửa trên đó có nồi thịt kho tàu với trứng, trên đó có nồi cá kho thơm phức mùi nghệ, trên đó có mùi cá nướng, cá chiên chuẩn bị bữa cúng rước ông bà.

    À còn mùi của những loại rau. Rau thơm miền Trung nhỏ lá nhưng thơm hơn nhiều vùng lá to mà tinh dầu kém. Món chi ăn cũng có rau kèm, ngày Tết ăn nhiều dầu mỡ lại càng cần rau.

    Ngày xưa còn có mùi pháo. Mùi mang âm hưởng Tết nhiều nhất. Nghe mùi pháo là biết Tết đã tới rất gần. Đêm Giao thừa, trong khoảnh khắc giao thoa giữa cái cũ và cái mới, trong không gian thiêng liêng, mùi pháo, tiếng pháo báo hiệu Tết tới, thể hiện không khí rộn ràng của một năm mới, đón chào những thành công mới. Chỉ tiếc giờ đây Tết không còn pháo. Không tiếng nổ của pháo nên mùi của Tết thiếu đi một nửa khi không còn mùi pháo. Đứa bé ngày xưa chỉ giữ mãi hình ảnh những phong pháo nổ dòn và cậu bé hân hoan lượm pháo lép trong mùi nồng nặc của khói pháo. Tội nghiệp những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên khi Tết không còn pháo. Trong ký ức của chúng không có mùi của pháo. Không được nghe những tiếng nổ giòn giã và xác pháo hồng ngập sân.

    Mùi của giấy tiền, vàng mã cũng là mùi của Tết dù ngày giỗ chạp cũng thường đốt loại này. Nhưng ngày Tết thì mùi này có khác hơn, đượm mùi thiêng liêng, trân trọng hơn. Lại nhớ Ba mỗi lần đốt vàng mã, Ba bắt phải đốt cháy hết thành tro, Ba bảo không thể cúng cho ông bà áo quần, tiền vàng rách vì chưa cháy hết.

    Cuối cùng là mùi của những dĩa trái cây, mỗi loại trái có một mùi riêng, tổng hợp lại thành mùi hoa quả ngày Tết đến.

    Mùi của Tết là sự tổng hoà của nhiều mùi mà chỉ có ngày Tết mới có. Nó không chỉ là mùi của những vật phầm. Nó còn là mùi thiêng liêng đi theo suốt quãng đời của mỗi người. Có thể mỗi gia đình, mỗi dòng tộc có mùi Tết riêng nhưng tựu trung mùi của Tết là mùi khó quên nhưng giờ khó tìm cho đầy đủ cái mùi ấy như những ngày xưa cũ.

    Chẳng còn bao ngày nữa lại đến Tết. Nhắc mùi của Tết lại nhớ Ba, nhớ Mạ, nhớ những người đã mất quá chừng. Nỗi nhớ trào nước mắt.




    DODUYNGOC











    https://www.facebook.com/doduyngoc/?locale=vi_VN
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




Tháng chạp





Tháng chạp đi qua quá vội vàng
Bồn chồn cơn gió lạ tạt ngang
Vườn ai hoa nở vàng trước ngõ
Sương đọng đìu hiu đợi úa tàn

Ta ngỡ mây về trời rất trong
Dạ cứ nôn nao héo cả lòng
Người ở chân trời ta cuối đất
Sắp hết năm rồi bàn tay không

Tháng chạp lại về với chút mưa
Mưa như hạt bụi nắng chưa vừa
Chân người lướt nhẹ hòn đá nhỏ
Tưởng lời đất kể chuyện năm xưa

Bụi rớt trên vai ngày tháng tận
Râu tóc dài thêm đời lận đận
Còn bao hôm nữa đến giao thừa
Nhà trống nhện giăng Tết đã cận

Tháng chạp loay hoay đào chớm nở
Tìm kiếm hình người khung kính vỡ
Ta buồn nhiều hơn tới tháng giêng
Lúc nhìn lại mình đời lỡ dở

Một hôm đứng ngó cây cầu cũ
Dòng nước không trôi chiều héo rũ
Một mình cô độc trời xô nghiêng
Tuổi già qua mau như sóng lũ

Tháng chạp đêm nằm nghe dế kêu
Ngoài hiên thềm vắng đọng rong rêu
Trăng non rệu rã trời không gió
Bấc lụn đèn lu chẳng muốn khêu

Tháng chạp mắt người như lá cây
Đi ngang phố vắng bóng in gầy
Ta gom ký ức đầy trong túi
Đợi bén lửa tàn phía đồi tây



Đỗ Duy Ngọc
8.2.2021

          
https://www.facebook.com/doduyngoc/post ... FiXCf17K7l
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Một giao thừa trong đời
    _____________________
    30 Tháng Giêng 2013 _ Vương Mộng Long









    Từ cuối năm 1975, hàng ngàn tù nhân sĩ quan cấp tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ nhiều trại tập trung quanh Sài Gòn đã bị chuyển về nhốt tại trại tù Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hòa.

    Vào một đêm giữa tháng 10, 1975, từ Long Giao, tôi bị chuyển tới đây trên một chiếc Molotova bít bùng kín mít. Tôi bị dẫn vào khu K2. Hai tuần sau có lệnh “biên chế,” tôi lại bị chuyển sang khu K3. K3 chỉ chứa sĩ quan cấp thiếu tá. Tôi bị giam ở đây từ ngày 1 tháng 11, 1975 cho tới ngày lên tàu Sông Hương ra Bắc (tháng 7, 1976). Thời gian này, tin tức truyền thanh, truyền hình về tình hình thế giới càng lúc càng xấu đi. Người ta đồn rằng, hình như Cộng Sản Việt Nam đang trên đường tiến chiếm Thái Lan. Thế Giới Tự Do như càng lúc càng xa chúng tôi hơn.

    Anh em chúng tôi gặp nhau thường ngày, tụ tập từng nhóm, đánh cờ tướng, tán gẫu, bàn chuyện nhà cửa, gia đình, nước non, thời quá khứ. Trong những lúc tụ tập chuyện trò, chúng tôi nghe bạn bè rỉ tai rằng, chính quyền giải phóng đang nghiên cứu hồ sơ cá nhân của từng người, để xét tha (?).Cũng có tin bi quan, cho rằng chúng tôi sắp bị đưa ra tòa án nhân dân để xử tội. Chúng tôi thực sự hoang mang, chẳng biết tương lai mình sẽ đi về đâu.

    Tôi ở lán 24 thuộc K3 (lán là nhà, K là Khối, danh từ VC). Mỗi lán chứa khoảng hơn 40 tù nhân, trong lán 24 đó có vài cựu sĩ quan Đà Lạt gồm anh Trần Ngọc Dương (k10), Nguyễn Lành (k16), Hoàng Thế Bình (k18), Tạ Mạnh Huy (k19), khóa 20 có Ngô Văn Niếu và tôi (Vương Mộng Long). Lán tôi cách lán 17 vài thước. Lán 17 có ba anh Biệt Động Quân k20 Võ Bị là Nguyễn Cảnh Nguyên, Trịnh Trân, và Quách Thưởng. Trong cảnh thiếu đói thường xuyên, chúng tôi phải chia nhau từng mớ rau rền, tán đường thẻ, miếng cơm cháy.

    Lán 24 lúc nào cũng hôi thối đầy ruồi nhặng, vì nó nằm trên đường đi ra cầu tiêu, mà bệnh kiết lỵ của tù ở đây hầu như bất trị. Anh trưởng lán 24 tên Trần Thành Trai nguyên là y sĩ thiếu tá làm việc tại quân y viện Duy Tân, Đà Nẵng. Bác Sĩ Trai luôn luôn xác định lập trường của anh là quyết tâm “học tập tốt” để được tha về với vợ con, vì vậy mỗi lệnh của ban chỉ huy trại đưa xuống, anh luôn luôn tìm cách thi hành đúng đắn.

    Thằng Niếu, bạn tôi, được một chân làm bếp, nó ăn uống dưới bếp, nên phần cơm của nó dư, được mang về tiếp tế cho tôi và anh Nguyễn Phong Cảnh (k10/TĐ) người nằm cạnh tôi.

    Vào những ngày cuối năm Ất Mẹo, không khí ở đây trở nên rộn rịp vô cùng. Những người liên lạc được với gia đình thì có những gói quà nhỏ gởi vào cho ăn Tết, những kẻ ít may mắn hơn thì đành trông chờ vào những gì ban chỉ huy trại ban cho. Thời gian này, các lán gấp rút tập văn nghệ để trình diễn đêm giao thừa. Để khỏi tập ca hát nhảy múa, tôi tình nguyện làm công tác tạp dịch, quét tước. Trong khi mọi người ca múa, xả rác, tôi đi lượm rác và xách nước về cho bạn cùng lán rửa mặt rửa tay.

    Hai ngày trước Tết, lán tôi phải tập họp đi làm cỏ ngoài rào K3.

    Trại Suối Máu vốn dĩ là trại tù Phiến Cộng Tam Hiệp của Quân Đoàn 3. Trại có hai khu, hai hệ thống hàng rào. Lớp rào trong nhốt tù, rồi tới khu canh tù, ngoài cùng là rào mìn phòng thủ. Trại tù Phiến Cộng này có sáu khối. Mỗi khối cách biệt nhau bởi một khoảng đất trống, có rào mìn. Từ khối này muốn liên lạc với khối kia chúng tôi phải hét lên mới nghe tiếng nhau. Ra khỏi hàng rào thứ nhất, tôi chứng kiến vài sự đổi đời. Cái miếu thờ Thổ Địa trở thành cái chuồng nuôi heo. Nhà Thờ và Niệm Phật Đường của trại tù binh đã thành chuồng gà sản xuất. Sư và Cha, Tuyên úy của trại này, chắc cũng đi tù đâu đây không xa! Ngoài xa, bên kia hàng rào mìn là bãi cỏ trống rồi tới đường quốc lộ 1.

    Trên quốc lộ, xe lam chạy xuôi ngược; người người vội vàng buổi chợ cuối năm. Có vài bàn tay giơ lên ngoắc ngoắc về hướng trại tù, đôi người dân có liên hệ, hoặc ai đó còn nhớ tới chúng tôi, những sĩ quan cấp tá của QLVNCH, những người bảo vệ chế độ đến giờ cuối cùng, và những người chậm chân, chạy không kịp, đang bị nhốt ở đây, trong khu nhà tù do chính tay Công Binh Việt Nam Cộng Hòa xây dựng lên trước đó nhiều năm.

    Sáng nay bầu trời mầu xanh, không một gợn mây. Từ hướng phi trường Biên Hòa, bên kia cánh đồng trồng khoai mì, những chiếc F5 thực tập lên, xuống, lượn vòng.

    Đưa tay chỉ những cánh chim sắt đang bay trên trời cao, anh bạn Thiếu Tá Không Quân Trần Chiêu Quân nói với tôi rằng, sau 30 tháng 4, có một số phi công của Việt Nam Cộng Hòa bị trưng dụng để huấn luyện cho phi công Bắc Việt lái những máy bay chúng ta còn để lại. Những chiếc F5 sáng như bạc đảo lộn trong không gian. Tiếng rít của phi cơ làm cho tâm hồn người cựu chiến binh nao nao.

    Làm sao quên được? Lần đầu ra trận (tháng 2, 1966). Hôm đó, cũng vào một sáng đầu xuân, đơn vị tôi án binh dưới chân núi Trà Kiệu (Quảng Nam) chờ lệnh xuất phát. Tôi ngồi bên bờ nam sông Thu Bồn, say sưa nhìn những cánh F-4C, F-5A Hoa Kỳ đan nhau trên vùng trời bắc. Bên kia sông, vùng trách nhiệm của Trung Đoàn 51 Biệt Lập, khói đạn bom cuồn cuộn...

    Rồi tới trận Mậu Thân (1968) với những chiếc AD6 Sky Raider dềnh dàng, chậm rãi phóng từng trái napalm dài như chiếc xuồng màu trắng, lướt trên đỉnh 1632 cuối phi đạo Cam Ly, Đà Lạt. Khi bom chạm mục tiêu, từ đó, những sợi lửa lân tinh trắng xanh, trông giống như những cái vòi bạch tuộc, vươn cao...

    Còn nữa...

    Nhớ thời chống giữ Pleime, ngày ngày, tôi nghe quen tiếng L19 lè xè của Võ Ý (k17). Chiếc L19 như cánh diều mảnh khảnh, lững lờ quanh đỉnh Chư Gô, hay trên Ya Drang, thung lũng Tử Thần. Chúng tôi trông chờ đôi lúc trời trong, những phi tuần A-37 theo nhau tuôn bom... chờ những chiếc trực thăng rà sát đọt cây, lướt trên ngọn cột cờ căn cứ. Xạ thủ trên tàu chỉ kịp đạp vội xuống sân trại vài thùng pin, đạn, gạo sấy, con tàu đã lật bụng đảo một vòng, thoát chạy về đông. Phòng không như lưới, thảy xuống cho nhau được thùng nào, hay thùng nấy! Thảy đồ xong là chạy. Đồ tiếp tế, có thùng còn nguyên dạng, có thùng vỡ tan, có thùng bay vào bãi mìn. Như thế cũng quý hóa lắm rồi! Cám ơn người anh em Nguyễn Công Cẩn (k21) và phi đoàn 229 Lạc Long.

    Rồi đêm xuống, cứ như “đúng hẹn lại lên,”

    “Thái Sơn đây Hỏa Long gọi!”

    Chiếc AC-47 của anh Trần Bạch Thanh (k16) đã có mặt trên vùng. Những đóm hỏa châu lập lòe, vừa trải rộng tầm quan sát cho người trấn giữ tiền đồn, vừa làm cho họ cảm thấy ấm lòng.

    Đã mất rồi, ngày xưa ấy!

    Giờ này tôi đang đứng nhìn những cánh chim sắt chao lượn trên đầu, người lái không phải là quân bạn. Tiếng động cơ F5 nghe sao quá xót xa!




    ***
    Tôi đang nhổ cỏ thì thấy một đoàn người từ hướng ban chỉ huy trại hò nhau khiêng một cái cổng gỗ rất to vừa đóng xong.

    Tấm bảng nền đỏ chữ vàng “Không Có Gì Quí Hơn Độc Lập Tự Do” được nâng niu như trứng trên vai những người tù nhễ nhại mồ hôi. Những người tù đang bị sức nặng của cái cổng đè trĩu trên vai. Họ phải lên gân chân mỗi lúc bước tới trước.

    Mới vài tháng trước đây họ còn là những vị chỉ huy oai phong lẫm liệt. Giờ đây đành cam thân sống cảnh đọa đày, đóng vai những anh thợ mộc bất đắc dĩ không công. Ngày nào họ cũng ra đi rất sớm, chiều tối mới trở về trại. Họ dựng những cái cổng chào. Họ tu sửa, sơn phết những khẩu hiệu trên tường. Họ trồng lại hàng rào trại.

    Mọi việc làm này là để chào đón ngày Quốc Hội Việt Nam Thống Nhất ra đời. Những vị sĩ quan cao cấp này đã khởi đầu nghề thợ mộc của họ bằng những cái bảng “Không Có Gì Quí” ở trại tù Tam-Hiệp.

    Tôi có quen vài người trong số những người hằng ngày xuất trại làm mộc, như cựu CHT/BĐQ/ QLVNCH là Đại Tá Trần Công Liễu (k8 VB) và cựu Tiểu Đoàn Phó Nhảy Dù là Thiếu Tá Trương Văn Vân (k20 VB). Cả hai vị đó, sau này nơi đất Bắc, đã thành hai ông đội trưởng nổi tiếng. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh!

    Chín tháng sau ngày chế độ Cộng Hòa sụp đổ, tôi đang chứng kiến một hoạt cảnh chẳng bao giờ ngờ: Trên trời, phi công Việt Cộng đang lái F5, trước cổng trại tù, sĩ quan cấp tá VNCH đang dựng cổng chào, quanh rào trại tù, sĩ quan cấp tá VNCH đang làm cỏ. Nơi nơi, người người, chuẩn bị đón xuân. Mỗi người mang một tâm sự riêng...

    Tới trưa, khi nghe tiếng kẻng phát cơm của nhà bếp, chúng tôi được dẫn trở lại trong vòng rào trại K3. Khi đi ngang qua sân bóng chuyền, tôi thấy người ta đang cá độ nhau trận đấu tay đôi đang diễn, một bên là Thiếu Tá Trần Đạo Hàm, Thủ khoa k17/VB, bên kia là một tay Thiếu Tá Không Quân. Anh Lê Hữu Khái (k15) và thằng bạn tôi, thằng Nguyễn Bích (k20) đang nhảy tưng tưng cổ vũ cho anh Hàm. Cái miệng thằng Bích lớn lắm, nó la hét vỗ tay, bình luận ào ào. Anh Hàm thật là may mắn, có cái loa phóng thanh cỡ bự Nguyễn Bích cổ vũ nên anh có vẻ như đang dẫn điểm.

    Tôi thấy nhiều người đã để ghế “xí” chỗ tốt cho buổi TV văn nghệ tối; ngày nào cũng thế, cứ đến trưa là bà con đem ghế ra đặt sẵn trên sân bóng để “xí” chỗ xem phim TV của đài Sài Gòn Giải Phóng. Ai chậm chân thì không còn chỗ tốt. Thời gian này TV Sài Gòn Giải Phóng liên tiếp chiếu bộ phim nhiều tập “Trên Từng Cây Số” và “Đại úy Đen” của Ba Lan.

    Trong các lán, có nhiều bạn tụ tập bóc lột nhau bằng những con bài. Xì phé, sập xám và mạt chược là những môn chơi phổ thông khắp nơi trong trại. Tôi đã chứng kiến nhiều anh thua bạc phải bán cả những quà cáp từ gia đình gởi vào, như kem đánh răng, thuốc lào, thuốc tây để trừ nợ.

    Sau Tết ít lâu, tôi nghe một câu chuyện đau lòng ở K3 năm ấy: có một vị thiếu tá quận trưởng khi cắt bánh thuốc lào làm đôi để chi cho chủ nợ một nửa, thì phát hiện ra một bức thư “chui” của người nhà giấu trong ruột bánh thuốc lào. Bức thư vắn tắt đôi lời làm đau lòng người đọc,

    “Chị ấy đã gởi hai đứa con của anh cho bà nội của chúng nuôi. Chị đã đi lấy chồng rồi! Anh đừng buồn, ráng học tập lao động cho tiến bộ để sớm được thả về mà nuôi dạy con anh.”

    Cái tin bất ngờ sét đánh ấy đã làm cho ông quận sững sờ, buông rơi những con bài cơ, rô, chuồn, bích. Từ đấy, tôi thấy ông suốt ngày thẫn thờ bên rào, nhìn về phía xa xôi. Đôi lúc tỉnh táo, ông ôm cây đàn guitar solo những bài nhạc xưa, buồn đứt ruột.

    Tôi bồi hồi nhớ lại lời tổng thống nói ngày nào:

    -“Đất nước còn, còn tất cả. Đất nước mất, mất tất cả!”

    Ôi! Lời tổng thống nói thật là hữu lý!

    Tổng thống ơi! Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình để giữ nước, nhưng chúng tôi đã không thể giữ nổi. Chúng tôi lấy làm xấu hổ vô cùng.

    Sao tổng thống không ở lại giữ nước với chúng tôi?

    Lúc này chúng tôi đã mất tất cả rồi tổng thống ơi!

    Về tới lán tôi nhận được một vỉ thuốc ho, một nắm xôi đậu xanh, và mười cục đường tán do anh bạn BĐQ Bắc Hải (Phan Văn Hải) ở lán 22 gởi cho. Tôi, Phan Văn Hải, cùng Phan Độ (k20), Huỳnh Bá An (k20), Trần Hữu Bảo (k20), xuất thân từ trường Nam Tiểu Học Đà Nẵng. Chúng tôi là học trò của cô giáo Phạm Thị Tịnh Hoài, lớp Nhất C.

    Hải là sĩ quan khóa đặc biệt Thủ Đức, anh về phục vụ cùng đơn vị BĐQ của tôi ở Pleiku. Những ngày cuối của cuộc chiến, Thiếu Tá Phan Văn Hải giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ89/BĐQ. Khi đi tù, bạn tôi không có ai thư từ, tiếp tế, nhưng hắn bài bạc rất giỏi, nên lúc nào cũng sung túc.

    Chiều hôm đó, anh lán phó hậu cần, Hải Quân Thiếu Tá Bùi Tiết Quý thâu tiền của trại viên trong lán, gởi cán bộ trại mua giùm mì gói, tương, chao, xì dầu và đường tán để ăn bồi bổ thêm trong ba ngày Tết. Tối đến, sau khi đã chia hết phần đường cho người mua, anh Quý cạo được một chén đường chảy dính trong thùng giấy và bao giấy gói đường. Anh ung dung ngồi thưởng thức nồi chè đặc biệt, nấu bằng đường mót được với hột su su và mấy hạt bắp non anh trồng được bên rào. Làm đội phó hậu cần cũng có chút bổng lộc!

    Sáng ba mươi Tết, lại gặp ngày tổ tôi trực lán, tôi và một số bạn bị chỉ định xuống làm việc tăng cường cho lán 9 nhà bếp. Tôi phụ việc vo gạo cho thằng Niếu và anh Cung. Những tạ gạo đựng trong bao viền chỉ xanh rất cũ được chuyển về từ bưng biền. Gạo thì mốc vàng, mốc xanh. Những tổ sâu gạo to như nắm tay.

    Khi tôi tách những cái tổ sâu ra từng phần nhỏ thì những con sâu gạo trắng ngần có khoang, béo núc, to gần bằng đầu đũa và dài cả phân, ngo ngoe, ngo ngoe... Anh Cung không cho phép tôi vứt bỏ những cái tổ sâu ấy, anh nói rằng nếu vứt bỏ sâu đi thì hết gạo.

    “Nếu vứt sâu đi thì còn cái gì mà ăn? Cứ nấu tưới đi! Sâu cũng bổ béo, cũng nhiều 'prồ-tê-in', sâu gạo chứ có phải là dòi ở ngoài chuồng xí đâu mà ngán!”

    Khi chảo cơm bắt đầu sôi thì nhiều khách khất thực nước cơm đã cầm ca đứng đợi. Anh Cung cho vài người, mà cũng từ chối đôi người. Người có phần, thì riu ríu cám ơn, người không có phần tiu nghỉu ra về, miệng lầm bầm, “đ.m, đ.m...”

    Những trại viên nhà bếp gọi đám người chờ xin nước cơm là “đội quân cầm ca.” Chữ “cầm ca” ở đây không có nghĩa là ca sĩ, ca hát, hay ca kỹ mà có nghĩa đen chỉ sự cầm cái ca U.S dùng để đựng nước uống, cái ca nằm dưới cái bi-đông bộ binh ấy mà! Dân cầm ca phải đứng xếp hàng cả giờ đồng hồ trước cửa lò cơm để chờ xin một ly nước cơm. Chuyện xếp hàng trước, xếp hàng sau, đôi lúc cũng gây ra ẩu đả. Nước cơm có vitamin B1 chữa được bệnh phù thũng (?).

    Sau này, khi ở trại tù Phú Sơn 4, Thái Nguyên, tôi có đọc một tài liệu nói về cái chất độc của nấm cúc vàng từ gạo mục, gạo mốc. Nấm cúc vàng có chứa một loại chất độc nguyên nhân gây ung thư gan. Nước cơm lại là phần đậm đặc nhất của chất độc nấm cúc vàng từ gạo mốc. Không biết có bao nhiêu nạn nhân của bệnh xơ gan sau này có mặt trong đội quân “cầm ca” ngày ấy?

    Chiều ba mươi Tết, bữa ăn có thịt heo kho. Thằng Niếu đem thêm về cả phần lòng heo bồi dưỡng nhà bếp của nó.

    Thời buổi khó khăn, thuốc lá bắt đầu khan, những tay nghiền miền Nam bắt đầu nói chuyện thuốc lào. Những danh từ “điếu cày,” “điếu bát,” “Cái Sắn,” “Hố Nai,” “Vĩnh Phúc,” “Tiên Lãng” nghe mãi cũng quen tai.

    Anh Hoàng kim Thanh, Liên Đoàn Trưởng LĐ24/ BĐQ của tôi, từ bên K4 nhờ ai đó chuyển cho tôi được một bao 555 và một lạng cà phê.

    Trong khi thằng Niếu và anh Cảnh lo bếp núc cúng Tất Niên thì tôi đi vòng vòng tán dóc với Lưu Văn Ngọc (k20), cựu sĩ quan Quân Pháp Quân Đoàn 2.





    ***
    Tối ba mươi Tết ở K3 Suối Máu không khí thật là rộn rã tưng bừng. Mọi lán đều đã chuẩn bị sẵn sàng chương trình văn nghệ chào đón Chúa Xuân. Sân khấu văn nghệ được thiết lập giữa sân tập họp. Đèn điện sáng choang. Cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam che kín cả sân khấu.

    Trước giờ văn nghệ, loa phóng thanh truyền đi những bản nhạc từ đài Sài Gòn Giải Phóng mà Tô lan Phương là giọng ca chính. Những nghệ sĩ tù cũng ăn mặc tươm tất để sẵn sàng trình diễn giúp vui. Đàn ghi ta, trống, sáo đều làm bằng vật liệu lấy từ kho của nhà bếp như tôle, củi, ván gỗ... các nghệ nhân tự đẽo gọt, cắt xén, dán, ghép thành các nhạc cụ.

    Tám giờ tối, buổi “liên hoan văn nghệ” đêm ba mươi Tết bắt đầu.

    Mở màn chương trình là bài đồng ca “Như Có Bác” tôi không nhớ do lán nào trình diễn.

    Kế tiếp, người Thiếu Tá Không Quân Hoàng Đình Ngoạn (k17 VB) lên đài trong tiếng hoan hô vỗ tay của “đồng bọn” tù Võ Bị. Anh vừa hát được nửa bài tình ca, nhạc vàng “Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên” thì bị cán bộ chặn lại, đuổi xuống đài. Lý do, “Nhạc Ngụy ủy mị!” Sau đó, chỉ những bài hát giải phóng được phép trình diễn.

    Tiếng sáo trúc Tô Kiều Ngân lâm ly bài “Mùa Xuân Trên Thành Phố HCM” hòa ca cùng tiếng sáo miệng của Nguyễn Tuyên Thùy. Tôi nghe vọng lại từ các khu khác, đại để, bạn tù cũng chỉ hát những bài ca eo éo, nghe rợn tóc gáy, như “Cô Gái Vót Chông,” “Tiếng Đàn Ta Lư,” “Năm Anh Em Trên Chiếc Xe Tăng” vân vân... Khắp sáu K sáng rực ánh đèn, vang rền tiếng nhạc...

    Năm mới đang từ từ tiến về...

    Đến khi màn trình diễn của lán 24 vừa được giới thiệu, thì tôi bỏ chạy về lán. Tôi ngồi một mình trong cái nhà tôle vắng tanh. Nỗi đau đớn nhói tim tôi!

    Ngoài kia, bạn cùng lán của tôi, không tự nguyện, đang phải đóng vai dân quân chống Tầu, chống Tây, chống Mỹ, chống Ngụy trong một vở trường kịch. Khi họ tập bài bản trong lán, tôi biết họ cũng đau lòng lắm.

    Bạn Võ Bị của tôi, Tạ Mạnh Huy vì là Tây lai phải đóng giả làm Tây cho người ta trói. Thằng Niếu phải đóng vai BĐQ Ngụy giơ tay đầu hàng để anh Dương Bắc Kỳ đóng vai ông bô lão nông dân Việt Nam đả đảo. Mỗi lần tập xong, các bạn tôi đều buồn, họ đề nghị anh lán trưởng Trần thành Trai cho tập một kịch bản lịch sử “Vua Quang Trung diệt quân Thanh” nhưng anh lán trưởng không đồng ý.

    Anh Trai nói, ban chỉ huy trại đã ra lệnh cho anh phải thực hiện cho được trường kịch này để mừng Giao Thừa, vì nó có tính cách “lô gích lịch sử”(?). Và đêm ấy, anh đội trưởng Trần thành Trai đã thực hiện thành công xuất sắc vở trường kịch “Việt Nam 4000 năm anh hùng.”

    Ngay sau khi bế mạc buổi văn nghệ mừng xuân Bính Thìn, mùa xuân đầu tiên của nước Việt Nam Thống Nhất (mùa xuân đầu tiên quân và dân Miền Nam mất nước) anh đội trưởng Trần Thành Trai đã được ban chỉ huy trại tuyên dương công lao trước trại.

    Khi trên sân khấu người diễn kịch bắt đầu hát bài “Tiến Quân Ca” thì tôi bật khóc. Một mình, ngồi trong đêm tối, tôi nức nở khóc vùi. Tôi chưa bao giờ thấy cái khóc lại có hiệu lực chữa đau đớn hiệu nghiệm như đêm ấy! Chợt tôi nghe tiếng chân ai ngoài cửa lán. Rối tiếng lên đạn súng AK...

    Thình lình, tia đèn pin chiếu ngay mặt tôi, làm mắt tôi chói lóa.

    -“Anh kia! làm gì ngồi khóc đấy? Sao không đi 'rự nễ' mừng xuân?”

    Tên bộ đội đi tuần tra lớn tiếng hỏi.

    Tôi lấy tay che mắt, nhưng không nhìn thấy gì. Tôi lặng thinh. Tiếng quát lại tiếp:

    -“Anh có mồm không thì bảo? Câm à? Sao không giả nhời tôi?”

    Tôi vẫn ngồi im. Ánh đèn đảo một vòng quanh vách lán rồi tắt. Căn phòng tối om. Tôi nghe tiếng chửi:

    “Địt mẹ thằng câm! Mới xa nhà có mấy tháng mà đã nhớ nhà phải khóc. Ông đây xa nhà hai 'lăm' rồi mà ông có khóc đâu! Đồ không biết xấu hổ!”

    Tôi vẫn lặng thinh.

    “Rầm!”

    “Chảng!”

    Tên bộ đội giận dữ, đóng sập cửa lán. Nó còn bồi thêm một cái đá cật lực vào vách tôle. Vài giây sau, tôi nghe tiếng dép râu bước đi xa dần về hướng sân. Tôi nhìn đồng hồ tay (khi đó chưa có lệnh thu giữ tư trang của tù) lúc ấy hai cái kim lân tinh chập nhau trên số 12: Giao Thừa!

    Ngoài sân tiếng ca hát còn đang tiếp tục. Tôi mồi một điếu thuốc 555. Trong trí óc tôi, hình ảnh những Giao Thừa đã qua trong đời hiện về, mờ nhạt như từ thế giới nào rất xa...

    Ngày xưa, mỗi độ Giao Thừa, cho dù lúc đó tôi đang đi hành quân với một toán Biên Vụ (Viễn Thám) quân số chỉ có năm người, lần mò trên những nhánh của hệ thống đường mòn Hồ chí Minh trên đất Lào, hoặc len lỏi trong rừng tre gai Plei-Trap Valley, hay lúc tôi đang chỉ huy cả năm, sáu trăm quân trấn giữ Pleime, hoặc ải địa đầu Bu-Prang miền biên giới Việt Miên, tôi không lần nào quên nghe chương trình Giao Thừa của Đài Phát Thanh Quân Đội.

    Giao Thừa Xuân Bính Thìn là Giao Thừa đầu tiên trong đời, tôi không tìm thấy lá cờ nước tôi, không nghe được câu hát: “Này công dân ơi! Đứng lên đáp lời sông núi...”

    Bài quốc ca này đã đi vào lịch sử.

    Một thế hệ đã hát nó với cả bầu máu nóng trong tim. Bao nhiêu người thân của tôi, bao nhiêu bạn bè của tôi đã cống hiến tuổi trẻ và cả thân xác mình cho bài ca đó.

    Một thế hệ đã lớn lên thành người với bài ca đó.

    Một thế hệ sẽ mang theo nó xuống tuyền đài...

    Chợt tiếng anh lán trưởng Trần thành Trai vọng lại trên loa phóng thanh,

    “Đổi đời đã tới! Cách mạng đã thành công!”

    Tiếng hô lặp lại hai chữ “Thành công!” của trại viên vang dội đêm Trừ Tịch. Tôi cảm thấy tiếng hoan hô đã làm rung những tấm tôle trên mái.

    Trời đêm Trừ Tịch tối đen.

    Tôi không biết những vạt đen ẩn hiện sau hè, là bóng những bụi rau rền, giàn mùng tơi hay những hồn ma đói cuối năm chập chờn.

    Ngoài xa vẳng lại, từ bên K4, ai đó bắt đầu hát bài “Lá Đỏ.”..





    ***
    Vài năm sau, tôi nghe tin, cựu y sĩ thiếu tá quân y viện Duy Tân, Đà Nẵng, Trần Thành Trai đã được tha khỏi trại cải tạo. Bác Sĩ Trai đã cùng Bác Sĩ Trần đông A, cựu y sĩ thiếu tá Nhảy Dù, nổi tiếng sau những ca mổ tách rời trẻ song sinh ở Sài Gòn. Tôi cũng đã nghe tin, giờ này, Bác Sĩ Trai đang là một dân biểu của Quốc Hội nước CHXHCNVN.

    Nhân ngày đầu Xuân Ất Dậu (2005), tôi nhớ lại chuyện xưa, ba mươi năm trước. Nhớ những bạn Võ Bị, cựu tù lán 24 K3 Tam Hiệp. Trong số những người bạn đó, thì hai người đã qua đời, là Hoàng Thế Bình và Ngô Văn Niếu. Còn những bạn khác như Dương, Lành, và Huy thì đang ở Mỹ, không rõ họ có còn nhớ chuyện ngày xưa hay không? Riêng tôi, cái đêm Giao Thừa ba mươi năm trước ấy đã trở thành không thể nào quên, vì đó là lần đầu trong đời, tôi đón năm mới với thân phận một người tù mất nước...

    (Seattle, Lập Xuân)




    Vương Mộng Long (K20)

    https://hung-viet.org/a13187/mot-giao-thua-trong-doi
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          



          

          

          




Bông hồng mùa xuân





“Bán cho tôi một bông hồng đi, cô bé!
Đoá nào tươi còn búp nụ mịn màng.”

Tôi ngước lên:
“Xin ông chờ tôi lựa.
Một bông hồng vừa ý nghĩa, vừa sang!”


Khách mỉm cười:
“Cô thật tài quảng cáo!
Thế... hoa hồng mang ý nghĩa sao, cô?”

Tôi bối rối:
“Hình như người ta bảo
Nó tượng trưng tình nồng thắm vô bờ.”


“Cám ơn cô! Giá bao nhiêu đây nhỉ?”
Tôi lắc đầu:
“Thôi, xin biếu không ông,
Một đoá hoa không bao nhiêu ông ạ!
Rất mong ông làm người đẹp vừa lòng.”


Khách bỗng nhìn tôi, mặt như xoáy lốc.
“Cô bé lầm! Tôi không tặng người yêu.
Thằng bạn thân tuần qua vừa ngã gục,
Một bông hồng cho nó bớt quạnh hiu.
Nhưng cô bé phải nhận tiền tôi đi chứ!
Hoa cho không, rồi mẹ mắng làm sao?”

Tôi cúi mặt.
“Xin gửi người xấu số,
Chuyện của ông làm tôi bỗng nghẹn ngào!”


Khách quay đi, áo hoa rừng đã bạc,
Dáng cao gầy khuất hẳn bóng chiều nghiêng.
Tôi bất chợt đưa tay làm dấu thánh:
(“Mẹ giữ gìn cho người ấy bình yên!”)





Trời đầu xuân còn vương vương sắc lạnh,
Nắng vàng mơ, má con gái thêm hồng.
Tôi bâng khuâng nhớ đến người khách lạ.
(Mình nhớ Người, Người có nhớ mình không?)

Chiều hai chín phố phường sao tấp nập
Người ta vui từng cặp đẹp bên nhau.
Mắt tôi lạc... rồi bỗng dưng bừng sáng;
“Phải anh không? Người khách lạ hôm nào?”

Tim đập mạnh sau áo hàng lụa mỏng,
Anh đến gần, lời nói cũng reo vui:
“...Sao cô bé... hàng hôm nay đắt chứ?
Có nhớ tôi... hay cô đã quên rồi!
Hành quân xong, tôi vừa về hậu cứ,
Ghé ngang đây xin cô một bông hồng
Và mong cô cho tôi xin lời chúc:
“Rất mong ông làm người đẹp vừa lòng.”


Tôi bỗng nghe như tim mình thắt lại,
Gượng tìm hoa, rồi trao tặng tay Người.
Khách nhìn tôi, mắt bỗng dưng dịu xuống,
Đầy đăm chiêu và nghiêm lại nụ cười:

“- Xin lỗi cô, nếu lời tôi đường đột,
Nhưng thật tình tôi không thể nào quên
Người con gái trong một lần gặp gỡ,
Nhớ thật nhiều... dù chưa được biết tên
Một bông hồng - như hôm nào cô nói:
Là tượng trưng tình nồng thắm vô bờ.”


Tôi run tay, nhận hoa hồng Người tặng
Sự thật rồi... mà cứ ngỡ đang mơ.



Lý Thụy Ý
          
          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20285
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Giáp Thìn ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           






    6 loại “quả cát tường”
    không thể thiếu trong đêm giao thừa

              
    theo phong tục của người Hoa

    _________________________
    Triệu Lệ _ 27/01/24






    Đêm Giao thừa không chỉ là một ngày lễ truyền thống lớn mà còn là khoảnh khắc gia đình đoàn tụ sum vầy và cầu mong phúc lành trong năm mới. Trong ngày này, chúng ta thực hiện nhiều công việc chuẩn bị để chào đón năm mới, như dán câu đối đỏ, dán hình Thần giữ cửa, cúng tổ tiên, thức đón năm mới, chuẩn bị bữa tối Giao thừa, đốt pháo hoa,... và việc sắp xếp trang trí "trái cây may mắn" cũng là một phần quan trọng. Những loại trái cây này biểu tượng cho mong ước một năm mới an lành, thuận buồm xuôi gió, hạnh phúc, khỏe mạnh và thịnh vượng. Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với bạn sáu loại "quả may mắn" để sắp xếp trong đêm Giao thừa, mong rằng năm mới sẽ tràn đầy may mắn, tốt lành và bình an!



    Quả táo - mang ý nghĩa bình an
              

    Quả táo mang ý nghĩa bình an

              
    Táo luôn được coi là một loại trái cây tốt lành trong văn hóa người Hoa vì tên của nó là “蘋” (đọc là “píng”) đồng âm với chữ “bình- 平” (trong từ bình an). Người ta có câu: “Có tiền hay không, hãy về nhà dịp Tết”. Trong lòng các bậc làm cha mẹ, dù bạn kiếm được nhiều hay ít trong năm, điều họ mong đợi nhất là con cái sống an lành. Vào đêm giao thừa, cả gia đình ngồi lại bên nhau, hạnh phúc thưởng thức bữa tối cuối năm.

    Táo thường được coi là "quả bình an," biểu tượng cho sự an lành. Trong ngày đặc biệt này, chắc chắn là phải bày ra những quả táo mang ý nghĩa bình an. Ngoài ra, táo có màu đỏ rực rỡ, rất đẹp mắt, giúp tăng thêm không khí ngày tết.




    Quả cam vàng - mọi điều ước của bạn đều thành hiện thực
              

    Sắc cam tươi tắn cho năm mới tràn đầy năng lượng

              
    Cam cũng là một loại "quả may mắn" không thể thiếu trong bữa tối giao thừa, vì từ "橙- Cam" với từ "成- thành công" có cùng cách phát âm là “chéng”, mang theo ý nghĩa đầu năm mong muốn mọi việc thành công, tài lộc thịnh vượng.

    Có hình dạng tròn đầy và màu vàng óng, cam càng làm tăng thêm không khí vui tươi, hân hoan của mùa xuân, tạo thêm sắc màu cho ngày Tết đầu năm. Không chỉ vậy, quả cam có hương vị ngon ngọt, mọng nước, là thức uống được lựa chọn trong bữa tiệc có món mặn nhiều đạm trong dịp Tết. Đồng thời, chúng cũng chứa nhiều vitamin và chất xơ dinh dưỡng, rất có lợi cho sức khỏe.




    Quả lựu – nhiều con, nhiều phúc
              

    Quả lựu đỏ

              
    Chúng ta đều biết, khi lựu được bóc ra, bên trong có rất nhiều hạt mà từng hạt đều đầy đặn, mang theo ý nghĩa tượng trưng cho sự thịnh vượng của gia đình và nhiều con nhiều cháu. Hơn nữa, cả bên trong và bên ngoài của lựu đều có màu sắc rực rỡ, trong văn hóa người Hoa thì nó đại diện cho hạnh phúc, phú quý và may mắn.

    Mỗi khi năm mới đến, mọi người đều mong muốn không khí trong nhà đầy ắp niềm vui và sự may mắn, cho nên lựu trở thành một loại quả trang trí không thể thiếu trong đêm giao thừa. Trong đêm giao thừa, những người lớn trong gia đình thường đặt lựu ở những vị trí nổi bật, như trên bàn trong phòng khách hoặc cửa sổ. Mục đích của việc này là cầu mong cho gia đình mình thịnh vượng, có nhiều con nhiều cháu, đồng thời cũng mang lại may mắn và tài lộc trong năm mới.




    Quả thanh long – đỏ lửa rực rỡ
              

    Quả thanh long

              
    Thịt quả thanh long thơm ngon và hấp dẫn, luôn được mọi người yêu thích. Ngoài ra, từ chính tên gọi thanh long “火龍果” còn có chứa chữ “火- lửa”, hình dạng của nó cũng giống như một ngọn lửa, mang theo ý nghĩa lửa rực rỡ của niềm vui. Không chỉ vậy, màu sắc bên ngoài của thanh long rất tươi sáng. Việc bày thanh long trong đêm giao thừa mang theo ý nghĩa về sự phồn thịnh trong sự nghiệp và cuộc sống, hứa hẹn một năm mới phát đạt và thịnh vượng.




    Mía - tăng trưởng đều đặn
              

    Cây mía

              
    Mía là loại cây có thân nhiều nước, ngọt ngào và ăn rất ngon miệng mà trong chúng ta ai cũng đều quen thuộc, nó rất dài và có từng đốt từng đốt, mang theo ý nghĩa là "tiến bước vững vàng, sự nghiệp phồn thịnh". Khi chuẩn bị bước sang năm mới trong đêm giao thừa, chúng ta mong muốn mọi thứ trong năm mới sẽ như hoa nở rộ, mỗi năm sẽ càng tốt hơn, gia đình hạnh phúc, phú quý và may mắn. Ngoài ra, mía còn có vị ngọt ngào, tượng trưng cho cuộc sống ngọt ngào của năm mới. Vì vậy, mía là một loại cây được cho là "quả may mắn" trong đêm giao thừa.




    Quả hồng - mọi việc đều như ý
              

    Quả hồng

              
    Hương vị của hồng ngọt ngào và ngon miệng, không chỉ mang lại niềm vui thưởng thức mà còn đem đến lợi ích cho sức khỏe cho gia đình. Hồng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, không chỉ ngon miệng mà còn rất bổ dưỡng.

    Hơn nữa, chữ "柿" của hồng có cùng phát âm với "事" (việc), trong văn hóa truyền thống người Hoa, hồng mang theo ý nghĩa mong mọi sự việc đều suôn sẻ, mọi ước mơ đều trở thành hiện thực. Vì vậy, nhiều gia đình thường bày hồng trong đêm giao thừa để bày tỏ những hy vọng tốt đẹp cho cuộc sống trong năm mới, mong muốn mọi việc đều được suôn sẻ, ước mơ trở thành hiện thực.





    Theo Triệu Lệ - Aboluowang
    Khả Vy biên dịch


    https://www.ntdvn.net/trong-dem-giao-th ... 06707.html
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”