Hanoi’s War – Nguyễn thị Liên Hằng
Đã gửi: Chủ nhật 06/04/25 07:57
-
Hanoi’s War
– Nguyễn thị Liên Hằng
_______________________
Nguyễn Văn Lục -31/03/2025
Đã có nhiều sách viết về chiến tranh Việt Nam từ phía người cộng sản, người Việt Quốc gia và nhất là từ phía người Mỹ. Hầu hết các tài liệu ấy đều một cách nào đó cho rằng cuộc chiến ấy bắt nguồn do sự can thiệp của người Mỹ phát động và chấm dứt bằng cuộc Việt Nam hóa chiến tranh cũng do phía Hoa Kỳ.
Thế nhưng cuốn Hanoi’s war- một cuốn sách nói về lịch sử cuộc chiến tranh ấy- mà trọng tâm của cuốn sách muốn trình bày cuộc chiến do Hà Nội chủ xướng. Hanoi’s war dịch sát nghĩa là cuộc chiến của Hà Nội.
Trong hình bìa cuốn sách, chữ War được in màu đỏ đậm- tượng trưng cho cờ đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng, chỉ thị Hà Nội là đã khởi động cuộc chiến tranh này..
Ngoài ra còn có thêm phụ đề là: Lịch sử Quốc tế của cuộc chiến cho hòa bình ở Việt Nam..
Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng xuất thân từ một gia đình người tỵ nạn đã di tản một ngày trước 30 tháng tư khi bà mới được 5 tuổi. Bà có bằng tiến sĩ sử học đại học Yale và nhận được học bổng Fubright để về VN khảo cứu trong hai năm 2001 và 2002. Hiện nay, bà là giáo sư sử học của University ở Kentucky, dạy về lịch sử bang giao quốc tế của Hoa Kỳ, đặc biệt chú trọng vào vùng Đông Nam Á, nhất là thời kỳ chiến tranh lạnh.
Và mãi đến năm 2012, sách mới được xuất bản.
Trong khi đó các sách sử của các sử gia đều tập trung nghiên cứu các lý do chính yếu là cội nguồn dẫn tới sự can thiệp của Hoa Kỳ và tiến trình Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam.
Phần sử gia Liên Hằng xem xét bối cảnh Quốc tế của cuộc chiến, cách giới lãnh đạo miền Bắc theo đuổi chiến tranh và thời điểm sự kết thúc sự can thiệp của người Mỹ.
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì bà xử dụng những tài liệu tối mật trong văn khố của cộng sản.
Nhờ đó bà có điều kiện thu tập được nguồn tài liệu đầu nguồn từ bộ ngoai giao, của quân đội, của đảng cộng sản trong nước chưa từng được công bố và khai thác cũng như các nguồn tư liệu khác trên thế giới như tài liệu của Trung Quốc hoặc của Liên Xô.
Và bà vẽ lên khung cảnh lịch sử toàn diện về cuộc chiến..
Tác giả đã giải thích là có sự thuận lợi bởi vì giới hữu trách VN coi thường công trình của tôi và coi tôi là một người phụ nữ trẻ, sẽ có nhiều thách đố trong cuộc chiến vốn có thể không thích hợp với nữ giới.
Nhưng một sử gia người Mỹ, ông Geoge C. Herring lại có cái nhìn đứng đắn và khách quan hơn, tác giả cuốn: “ America’s longest war, the United States in Viet Nam” đã đưa ra nhận xét:” Xử dụng những tài liệu mới mẻ và quan trọng từ những văn khố trên khắp thế giới mà phần đông là từ Việt Nam, Nguyễn thị Liên Hằng đã viết và tạo dựng được những điểm son đầu tiên và xác thực của cuộc hòa đàm đã dẫn dắt đến Hội nghị París.
Tác phẩm Hanoi’s war là một công trình đặc sắc, là những viên gạch xây dựng không thể bỏ qua cho sự thay đổi tức thì của lịch sử những xung đột ở Việt Nam..”
Ngoài ra, tác giả Liên Hằng còn phỏng vấn nhiều nhân vật ở Việt Nam ở cả hai phe như Bùi Diễm, Bùi Tín, Hoàng Minh Chính, Hữu Ngọc, Lưu Đoàn Huỳnh, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Đình Ước, Nguyễn Khắc Huỳnh, Nguyễn Ngọc Dung, Trần Thị Liên. (Riêng cô Trần Thị Liên, con gái giáo sư Trần Văn Toàn cũng là một tiến sĩ sử học. NVL ghi chú).
Nhờ góc độ chính xác của các tài liệu và văn bản, sách báo, thu băng ghi lại những cuộc phỏng vấn hằng trăm người có liên hệ đến cuộc chiến, phải nói là một dẫn chứng đồ sộ có nhiều tính thuyết phục.
Tác phẩm Hanoi’s war chia làm 4 phần:
- Phần một: con đường của chiến tranh cách mạng do Lê Duẩn cầm đầu, chỉ đạo cuộc chiến và hoạch định chính sách..( Năm 1955 thay vì tập kết di chuyển trên chiếc tàu của Ba Lan Kelliski cùng với vợ là bà Nga và con gái ra Bắc, Lê Duẩn đã lén lút quay trở lại trên một chiếc canot bên dòng sông Ông Đốc ở Cà Mâu..Con gái Lê Duẩn là Lê Vũ Anh được du học sang Nga và chết thảm vì khi sinh cháu thứ ba bị băng huyết. Tôi- Nguyễn Văn Lục có viết về câu chuyện bi thảm này.)
- Phần hai, phá vỡ những huyền thoại cũ và nêu lên cuộc chiến tại Hà Nội và sự tranh dành quyền lực. Và nổi bật là trận chiến trong thời kỳ Tổng công kích tết Mậu thân và thời kỳ của hội nghị hòa bình ở París.
- Phần ba, theo đuổi cuộc chiến tranh, vừa đánh vừa đàm tạo cái thế thượng phong trên bàn Hội nghị để thương lượng của chế độ Hà Nội.
- Phần bốn, tạo dựng một nền hòa bình giả tạo và què quặt với nỗ lực chống lại khuynh hướng chủ hòa trong nội bộ cũng như thúc đẩy cường độ chiến tranh để mưu tìm một nền hòa bình của kẻ chiến thắng.
Khi đó, Lê Duẩn đã lập ra Trung Uơng Cục Miền Nam với những người lãnh đạo đứng đầu như Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt.vv.
Sau đó, Lê Duẩn(1908-1986). trở về Hà Nội quyết định việc thống nhất đất nước bằng võ lực với chiêu bài: “ Chống Mỹ cứu nước”..Ai không đồng ý với lập trường chống Mỹ cứu nước đều bị Lê Duẩn loại trừ. Lê Duẩn đã dùng sự khủng bố để loại trừ những thành phần phản kháng bằng bạo lực với khẩu hiệu: “ Bọn xét lại chống đảng”, Đó là những người bị tù không có án.
Đúng như nhận xét của nhà văn Nguyễn Tuân viết:” Nước ta là một pháp trường trắng, không có đầu rơi, không có máu chảy, mà có người chết.”
Nạn nhân của Lê Duẩn-Lê Đức Thọ khởi đầu với ông Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Phạm Kỳ Vân,Nguyễn Kiến Giang, Hoàng Quốc Việt, Vũ Đình Huỳnh( bố của Vũ Thư Hiên) và nhà văn Vũ Thư Hiên
Trên thực tế, ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, theo giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng chỉ đóng vai trò biểu tượng. Còn chính Lê Duẩn mới là kiến trúc sư, chiến lược gia, lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.
Chính sách đu giây giữa Liên Xô và Trung Quốc lúc đầu ngả theo Trung Quốc cũng gây những bất lợi không nhỏ cho Hànội.
Tác giả Hanoi’s war cho rằng Hoa kỳ tự đánh bại mình trong cuộc chiến tranh Việt Nam thật ra chỉ là một huyền thoại. Chính Bắc Việt đã khơi mào cuộc chiến và đánh giá, định hình được các hành động của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng như xác định được cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới.
Chính Lê Duẩn đã dồn toàn lực cho cuộc chiến từ năm 1964 khiến Hoa Kỳ bắt buộc phải trực tiếp can thiệp vào chiến tranh khiến làm cho cuộc chiến của phía quốc gia mất chính nghĩa.
Có nghĩa là, quân Bắc Việt không là một con bài thụ động mà chính họ đã chủ động gây ra cuộc chiến với sự chấp nhận hy sinh mọi thứ, nhất là sinh mạng để đạt được chiến thắng. Sự tổn thất về sinh mạng lên đến hàng triệu người.
Trong một bài phỏng vấn dành cho đài V.O.A, Giáo sư Liên Hằng, nhận thức sai lầm lớn nhất của phe quốc gia là đánh giá sai lầm về ông Hồ Chí Minh. Chính Lê Duẩn mới là người đóng vai trò chủ đạo, chiến lược cũng như lãnh đạo các nỗ lực chiến tranh của miền Bắc.
Giáo sư Liên Hằng nói:
“ Khi bắt đầu cuộc nghiên cứu, tôi lấy làm sửng sốt về những gì mà tôi khám phá được, những điều mà chúng ta vẫn chấp nhận là sự thực khi được học về chiến tranh Việt Nam trên đất Mỹ. Tôi phát hiện ra rằng có nhiều điều hoàn toàn sai sự thực. Chẳng hạn một điều đơn giản là từ hồi nào đến giờ, tôi được học rằng, ông Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ hướng dẫn cuộc cách mạng và là người làm quyết định… nhưng trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận ra rằng trên thực tế, người làm các quyết định quan trọng, lãnh đạo miền Bắc là một nhân vật khác ít tiếng tăm trên trường quốc tế, đó là Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn. Tôi có thể lập luận rằng chính ông Lê Duẩn mới là người lãnh đạo miền Bắc.”
Vẫn theo giáo sư Liên Hằng thì cùng với cánh tay mặt của ông, là ông Lê Đức Thọ, ông Lê Duẩn cai trị chế độ miền Bắc với một bàn tay sắt, và coi ông HCM và Võ Nguyên Giáp, một người hùng cách mạng khác, là những đối thủ, là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền hạn của ông ở Hà Nội.
Chính ông Lê Duẩn đã gạt ông Hồ Chí Minh và tướng Giáp cùng các ủng hộ viên sang một bên, trong khi làm hầu hết các quyết định quan trọng trong cuộc chiến .
Giáo sư Liên Hằng đơn cử hai trường hợp, thứ nhất trong những năm 1963-1964, ông Lê Duẩn đã dùng thủ đoạn hăm dọa ông Hồ Chí Minh phải giữ im lặng, khi ông chống đối quyết định leo thang chiến tranh để giành toàn thắng trước khi lực lượng quân sự Mỹ có thể can thiệp.
Và trường họp thứ nhì, vào năm 1967-1968, khi ông Hồ và tướng Giáp cùng các đồng minh chống đối kế hoạch của ông Lê Duẩn tiến hành cuộc Tổng công kích tết Mậu thân.
Một nhận thức sai lầm khác cho rằng Đảng Cộng sản VN được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân VN cho tới khi chiến tranh kết thúc hồi năm 1975 là hoàn toàn không đúng..
Giáo sư Hằng nói rằng những chứng cớ mới cho thấy là một lần nữa, đây cũng là một “huyền thoại”.
“Đó cũng là một điều không đúng sự thực. Tôi đã phát hiện là có nhiều quan điểm bất đồng với đảng Cộng sản và cách họ tiến hành chiến tranh Việt Nam”.
Giáo sư Liên Hằng nói một điểm khác cũng làm bà ngạc nhiên là ý kiến cho rằng các nỗ lực chiến tranh của Cộng sản Việt Nam đã chiếm được con tim và khối óc của dân miền Nam và thắng lợi trên mặt trận chính trị là thắng lợi lớn nhất của cộng sản việt Nam với người Mỹ. Bà nói:
“ Trên thực tế, qua nghiên cứu, tôi thấy rằng thắng lợi lớn nhất của cộng sản miền Bắc là trên mặt trận ngoại giao trên trường quốc tế.. Tới những năm 1973-1975 thì Hà Nội đã thắng cuộc chiến tranh chính trị cho nên người ta hiểu rằng cộng sản miền Bắc đã đánh bại cường quốc lớn nhất thế giới lúc đó là Hoa Kỳ, thực sự bằng cách dành được thắng lợi trên sân khấu ngoại giao.”
Theo tiến sĩ Liên Hằng trong phần kết luận cuốn sách. (từ trang 298).
“ Thỏa ước hòa đàm Paris đưa đến chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Nó chỉ đánh dấu một sự kết thúc cay đắng một cuộc chiến cho hòa bình và kết thúc về một sự tàn phá trong chiến dịch Operation Linebacker II.
Và mặc dầu thỏa ước đã được ký kết, nhưng không bên nào tin rằng cuộc chiến đã qua.”
Vì thế, một mặt nào đó, cuộc chiến vẫn tiếp tục.
Chính quyền Saigon tuyên truyền bôi nhọ thỏa ước.
Dưới quyền điều khiển quân đội của Văn Tiến Dũng đã không cần thiết mong đợi một sự nổi dạy của quần chúng nữa. Phần Thiệu, trước áp lực phải rời bỏ chức vụ đã lên tiếng thống thiết thóa mạ người bạn đồng minh của mình và được hộ tống sang Đài Loan nhường quyền cho phó tt. Trần văn Hương. Và một tuần sau, ông Hương cũng ép buộc nhường cho tướng Dương Văn Minh- một con người không muốn tiếp tục cuộc chiến đấu vô vọng- đã mở đường cho một cuộc đầu hàng vô điều kiện cộng sản Bắc Việt.
Với cuộc giải phóng Saigon, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ ăn mừng chiến thắng sau 15 năm chiến đấu của Hà Nội.
Chẳng bao lâu sau, nòng súng chưa kịp nguội, Hà Nội đã tiến hành cuộc chiến bên Campuchia để truy diệt bọn Khmer rouge.
Một lần nữa cho thấy quân đội Việt Nam đã lật đổ được con hùm xám Polpot đã từng có cuộc chiến giữa đôi bên một năm trước đây.
Phần người láng giềng Trung Quốc mượn cớ bênh vực Kampuchia muốn dạy cho một đàn em VN một bài học thế nào là lòng biết ơn và quân đội Trung Quốc đã tàn phá 6 tỉnh phía Bắc của Việt Nam.
Ngày 15/ 6/ 1986 , 100.000 người Hà Nội đã tiễn đưa Lê Duẩn về bên kia thế giới.
Cái chết của Lê Duẩn đánh dấu một giai đoạn mở đầu cho một giai đoạn chấm dứt một hội chứng đau thương, mất mát giữa Việt Nam-Hoa Kỳ với thời kỳ Đổi Mới vào năm 1986.
Mặc dầu Việt Nam thoát sang thời kỳ hội nhập và những người từng bị Lê Duẩn trù dập nay có cơ hội được phục hồi lại uy tín trước mặt thế giới. Đặc biệt là đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phần Phạm Hùng, Lê Đức Thọ hai năm sau cũng theo gót Lê Duẩn về bên kia thế giới.
Một thành phần các cựu viên chức cũ trẻ như Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Lê Đức Anh, và Võ Văn Kiệt trỗi dạy nắm những vai trò chủ chốt trong đảng, gia nhập cộng đồng thế giới, quyết tâm rời bỏ Kampuchia sau 10 năm chiếm đóng, làm hòa với Trung Hoa cộng sản và gia nhập với các nước trong Asean năm 1995, gia nhập tổ chức thương mại thế giới và nhất là cố gắng xích lại gần hơn với Hoa Kỳ như thể mượn Hoa Kỳ như một thứ lá chắn trước Trung Hoa Cộng Sản.
Tương lai Việt Nam nay mở ra một kỷ nguyên mới với tham vọng tham gia vào sự phát triển và đổi mới với cộng đồng thế giới.
Đôi lời bàn của người viết điểm sách của Nguyễn thị Liên Hằng
Phải nhìn nhận rằng nay gió đã đổi chiều, gió chướng đổi thành gió lành, biến kẻ thù không đợi trời chung thành bạn. Một trang sử mới đã mở ra cho VN. Phần VN, phải dọn dẹp rác rưởi, xóa bỏ những giọng điệu tuyên truyền mạ lỵ Hoa Kỳ. Đế quốc Mỹ nay trở thành người bạn Mỹ.
Đặc biệt là mối tương giao hợp tác buon bán trao đổi với Hoa Kỳ. Về thương mại, năm 2023, hai bên đạt 132 tỉ đô la. Trong đó xuất khẩu của VN sang Hoa Kỳ đã chiếm 119 tỉ Đô la. Cán cân thương mại đem lại lợi thế lớn cho VN, xếp hạng thứ tư trong các nước liên hệ thương mại với Hoa Kỳ.
Về chính sách, Hoa Kỳ và VN, dưới thời Tổng thống Biden đã ký thỏa thuận là: Đối tác chiến lược toàn diện. Một thỏa thuận cao nhất vào tháng 10/2023 vì hòa bình, tương lai và phát triển bền vững.
https://www.danchimviet.info/hanois-war ... 025/33768/ - Phần một: con đường của chiến tranh cách mạng do Lê Duẩn cầm đầu, chỉ đạo cuộc chiến và hoạch định chính sách..( Năm 1955 thay vì tập kết di chuyển trên chiếc tàu của Ba Lan Kelliski cùng với vợ là bà Nga và con gái ra Bắc, Lê Duẩn đã lén lút quay trở lại trên một chiếc canot bên dòng sông Ông Đốc ở Cà Mâu..Con gái Lê Duẩn là Lê Vũ Anh được du học sang Nga và chết thảm vì khi sinh cháu thứ ba bị băng huyết. Tôi- Nguyễn Văn Lục có viết về câu chuyện bi thảm này.)