Thang âm

Trả lời
Hình đại diện
Dzuy Lynh
Bài viết: 188
Ngày tham gia: Thứ tư 13/05/15 22:52

Re: Thang âm

Bài viết bởi Dzuy Lynh »

          
          
THANG ÂM TRANG 10 - KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI VIỆT NAM CỘNG HÒA

Quân lực Việt Nam Cộng hòa, hay Quân Đội Việt Nam Cộng hòa, là lực lượng quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH), thành lập từ năm 1955, với nòng cốt là lực lượng Quân đội Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, chính yếu là Bảo an đoàn, Bảo chính đoàn. Ngày truyền thống (còn gọi là Ngày Quân lực) là ngày 19 tháng 6.
          
TƯỞNG NHỚ NGÀY QUÂN LỰC 19/6


Ngồi Xuống Đây! Tao Đút Cho Mày
Thơ Giồng Ông Tố - GOT2 | nhạc &trình bày mũ xanh dzuylynh


[youtube][/youtube]


Hình ảnh
          
Last edited by Dzuy Lynh on Chủ nhật 21/06/15 11:44, edited 3 time in total.
Ngoc Han
Bài viết: 1588
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: Thang âm

Bài viết bởi Ngoc Han »

Mỗi lần nhìn lại hình ảnh các anh em TPB mà bùi ngùi. Cám ơn anh Dzuy Linh đã "không bỏ anh em, không bỏ bạn bè" vẫn sống trong tình huynh đệ chi binh, vẫn chia sẻ ngọt bùi với anh em còn ở lại quê nhà bằng tiếng hát lời ca đầy tình nhân bản. Ngày Quân Lực sắp đến, tôi sẽ đứng nghiêm chào những anh em TPB; cúi đầu mặc niệm những anh linh đã vị quốc vong thân với cả một tấm lòng kính ngưởng.
Hình đại diện
Dzuy Lynh
Bài viết: 188
Ngày tham gia: Thứ tư 13/05/15 22:52

Re: Thang âm

Bài viết bởi Dzuy Lynh »

          
Cám ơn chiến hữu Ngọc Hân, cám ơn qúy tao nhân mặc khách qúy mến đã đến với Thang Âm.
Cám ơn Ban Điều Hành Nguười Nam.
Đã cho DzuyLynh có điều kiện và cơ hội được đại diện cho các Anh Chị Em Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đang sống khốn khổ, tủi nhục dưới đòn thù của cộng sản Bắc Việt tại quê nhà xin hỏi một câu với đồng bào Việt Nam hải ngoại:

- CHÚNG TÔI CÒN LẠI GÌ?

Thân kính, mời các cựu quân nhân QLVNCH và qúy đồng hương đang sống luân lạc bốn bể năm châu cùng tưởng nhớ và tri ân những đồng đội cũ, là những anh hùng thời ly loạn đã từ giã tuổi thanh xuân lăn mình vào nơi gió cát sa trường đi bảo quốc an dân.


TƯỞNG NHỚ NGÀY QUÂN LỰC 19/6
Hình ảnh
(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)
https://app.box.com/s/d815d4bdqr0mwc4bdp6vecqw86uref8j



HỎI TÔI CÒN LẠI GÌ...
sáng tác | trình bày Dzuylynh
Album Tháng tư.Em.Nỗi Buồn
(cho đồng đội tôi TPB/QLVNCH - 1975 - 2015 . 40 mùa xuân đã mất )



Ngày vun đất làm chiếu, nung giấc trưa, dâng mồ hôi cho ruồi
Đêm xé trời làm màn, ngơi nửa cơn, hiến máu đào cho muỗi
Trưa lê tấm thân cùn, tiếng nạng khua, nhìn thay cho đôi mắt
Chiều công viên phố chợ, cân tình người, qua xấp vé số nặng tay
Ngày xưa ta tráng sĩ ! Bây giờ là phế binh!
Ngày xưa ta trấn ải ! Bây giờ mình thương mình...

Treo tiếng hờn chiến mã lên phím buồn Nam Ai
Điệu xàng xê nức nở lục huyền cầm bi thương
Tiếng đàn ngân bến bắc, giục con đò sang sông
Tiễn người đi muôn hướng, mình ở lại... trơ vơ!
Nửa đời dâng đất nước, nửa đời thân phế nhân
Quên một phần thân thể, đồng đội chưa lấy về
Hỏi tôi còn lại gì? Người thương binh hôm nay!
Đếm nhịp đời lắt lay, mắt hờn cay lệ tủi
Bốn mươi năm đong đầy bi hận và đau thương
Mang nửa kiếp sống thừa, lê tấm thân tàn phế
Đau tiếng cười ngạo nghễ, nép bên lề cuộc đời
Nghe tiếng đồng xu rơi, ngỡ đạn reo chiến tuyến
Nhìn chinh bào rách nát, thẻ bài con số nhòa...

Tay nay đã không còn, sao lần chuỗi mân côi?
Chân nay đã không còn, sao qùy đảnh lễ dâng hương!
Cầu xin chút tình thương từ những tấm lòng nhân ái
Ngày lang thang tìm quên, đêm một mình tưởng nhớ
Nhạt đèn đường thao thức - trang huyết sử đã mờ
Tủi phận mình bất hạnh, thương đời mình lao lung
Bốn mươi năm đầy vơi xót xa và nghẹn ngào
Bốn mươi năm đổi thay hỏi tôi còn lại gì... cho tôi?!



hoànghoalũng. haimươisáuthángchạp giápngọ 2015.dl.kbc3300



[youtube][/youtube]

Hình ảnh
          
Last edited by Dzuy Lynh on Thứ ba 16/06/15 21:31, edited 2 time in total.
Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Re: Thang âm

Bài viết bởi thiên thanh »

          
Ngày Quân lực Việt Nam Cộng hòa 19-6-1971, 19-6-1973


[youtube][/youtube]

Hình ảnh
          
Hình đại diện
Dzuy Lynh
Bài viết: 188
Ngày tham gia: Thứ tư 13/05/15 22:52

Re: Thang âm

Bài viết bởi Dzuy Lynh »

          
          
TƯỞNG NHỚ NGÀY QUÂN LỰC 19/6

Từ câu nói bất hủ của danh tướng Hoa Kỳ Douglas MacArthur: " Old Soldiers Never Die, they just face away! " ca khúc Người Lính Không Bao Giờ Chết được ra đời trong một đêm thức trắng.
Vâng! Khi Người Lính Già Người Lính Chỉ Mờ Đi. Máu còn vương trên chiến địa, lệ khóc thương đồng đội vĩnh viễn nằm xuống cho cuộc đấu tranh bảo toàn lãnh thổ vẫn chưa khô. Chúng tôi tự hào và hãnh diện đã đóng góp máu xương cho tổ quốc một thời tuổi trẻ.
Không ai có thể đem người Lính ra khỏi chúng tôi, một ngày là Lính, một đời là Lính.
Hôm nay, bây giờ... dẫu nước mất nhà tan, dù vết sẹo chiến tranh đang mờ dần theo năm tháng lưu vong, và hình ảnh kiêu hùng bất tử của Người Lính đang nhạt phai cùng năm tháng.
Nhưng, ngày nào Số Quân, Binh Chủng, KBC còn nhớ thì ngày ấy Người Lính trong chúng tôi vẫn chưa chết bao giờ!


Người Lính Không Bao Giờ Chết
sáng tác &trình bày dzuylynh


[youtube][/youtube]


Hình ảnh
          
Last edited by Dzuy Lynh on Thứ năm 18/06/15 20:43, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Dzuy Lynh
Bài viết: 188
Ngày tham gia: Thứ tư 13/05/15 22:52

Re: Thang âm

Bài viết bởi Dzuy Lynh »

          
          
TƯỞNG NHỚ NGÀY QUÂN LỰC 19/6



Hình ảnh
(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)
https://app.box.com/s/pxu63iarjgf3vsnq72zg


THÁNG NĂM VƠI CẠN CHÉN HỒ TRƯỜNG
thơ nhạc & trình bày dzuylynh



tháng năm sầu đọng đêm không ngủ
dạo khúc quân hành trong mộng du
kẽm gai giăng mắc hồn cô lữ
địa đạo trầm tư phách chiến bào

tháng năm bơi giữa giòng nước ngược
ngụp lặn vẫy vùng trương nỗi đau
hai mươi năm lẻ thân viễn khách
sao mãi vùi sâu giữa vũng sầu

nhắm mắt xuôi tay cùng tuế nguyệt
trăng tròn trăng khuyết đã bao niên
đại dương đem đổ trong bầu rượu
trút cạn căm hờn chôn đáy ly

ai đong cho phỉ hồ tri kỷ
ai uống cạn chung biển nghĩa tình
mũ xanh áo trận vui đời lính
vỡ mộng công hầu sau chiến chinh

đồng đội bây giờ cũng lặng thinh
ngơ ngác mình ta, chỉ một mình
trăng treo lều cỏ nghìn u uất
sinh tử phù vân hắt bóng câu

ai có cùng ta vịn chén sầu
đứng trên bờ vực dõi sông sâu
ngước lên tủi nhục sầu vong quốc
cúi xuống thẹn thùng với núi sông

hồ trường ai rót ai người uống
trần ai ai hiểu cuộc vuông tròn
tiêu dao ngày tháng thơ cùng nhạc
theo bóng hạc vàng cạn ánh trăng



chớm hạ vịnh nửa vầng trăng. california ngày 1 tháng 5 quý tỵ 2013 . dzuylynh


Hình ảnh
          
Hình đại diện
Dzuy Lynh
Bài viết: 188
Ngày tham gia: Thứ tư 13/05/15 22:52

Re: Thang âm

Bài viết bởi Dzuy Lynh »

          
          
TƯỞNG NHỚ NGÀY QUÂN LỰC 19/6



Hình ảnh


c ỏ b ồ n g d ấ u n g ự a


lặng lẽ tịch tà cơi ánh dương
non xanh mây khói phủ biên cương
vó câu mù mịt đường thiên lý
ráng hồng pha huyết lệ sầu bi

ta ngẩn ngơ nghe rừng hoang phế
một thuở sa trường bẻ kiếm cung
lá cũng lao lung chìm đáy vực
nhạn vẽ lưng trời đục sắc mây

cỏ bồng dấu ngựa vầy lau sậy
thương nhớ rừng xưa mục lá bồi
chưa tàn hợp cẩn đã ly bôi
quân tử thuyền quyên cách biệt rồi

chia tay quan ải đồi sim tým
nắng tẩm hòang hôn tým chiến bào
sa cơ thất thế anh hào tận
trống trận khua hồi nức nở ngân

xẻ vạt mây rong tầng nhân thế
tiếng nhạc lời thi khéo não nề
ai đẩy tâm hư kề xảo tự
ai bày tâm ảnh đổi ngôn thi

thư án trầm tư mờ di cảo
mịt mù sương khói tảo hương xưa
ta nhóm trúc rừng cơi chút lửa
cho em đun nửa vựa duyên thừa

núi thẳm non xanh chừng mỏi vó
ta về vui chốn cổ sơn trang
hiên ngòai đàn tích tịch tình tang
trong lều cỏ ngâm câu thơ vụng

phím cung sên phách ngang chùng
cỏ bồng dấu ngựa mịt mùng thảo hư...

hoàng hoa lũng chớm thu nhâm ngọ.sept.26.2014.dzuylynh




Hình ảnh
          
Last edited by Dzuy Lynh on Thứ năm 18/06/15 13:27, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Dzuy Lynh
Bài viết: 188
Ngày tham gia: Thứ tư 13/05/15 22:52

Re: Thang âm

Bài viết bởi Dzuy Lynh »

          
          
TƯỞNG NHỚ NGÀY QUÂN LỰC 19/6



Hình ảnh
(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe câu truyện ngắn)
https://app.box.com/s/yir7ky3m1arvjw4ry0n64q40pj2xufwn


THẰNG KHÙNG TRONG TRẠI TÙ CẢI TẠO
tác giả Phùng Quán | diễn đọc Dzuylynh

Lời tác giả: Mặc dầu là một Phật tử, xin mời các hiền huynh và quý bạn đọc bài viết nói về Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công Giáo Việt Nam can trường, hậu thế kính tôn và ghi ân ngài. (viết lại theo lời kể của nhà văn Nguyễn Tuân)



"… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.

Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen…Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính.

Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc.

Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi "thằng khùng" (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.

Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài

Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc.

Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám thị trại gọi anh ta lên:
- Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?

Anh ta chấp tay khúm núm thưa:
- Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.

Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc…

Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, "đầu chày, đít thớt, mặt bù loong" cũng phải rơm rớm nước mắt. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?…

Thế rồi, một lần, mình và anh ta cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho dầm nước. Trời nóng như dội lửa. Bãi sông đầy cát và sỏi bị nóng rang bỏng như than đỏ. Trên bãi sông mọc độc một cây mủng già gốc sần sùi tán lá xác xơ trải một mảng bóng râm bằng chiếc chiếu cá nhân xuống cát và sỏi. Người lính gác ngồi trên bờ sông dốc đứng, ôm súng trú nắng dưới một lùm cây. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:
- Anh Tuân này - không rõ anh ta biết tên mình lúc nào- sống ở đây anh thèm cái gì nhất?

- Thèm được đọc sách - mình buột miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên.

- Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? - anh ta hỏi.

- Voltaire! - một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống… Nhiều lúc chẳng cần biết có ai nghe mình, hiểu mình hay không. Đó chính là tâm trạng của anh công chức nát rượu Marmeladov bất chợt nói to lên những điều tủi hổ nung nấu trong lòng với những người vớ vẩn trong một quán rượu tồi tàn, mà Dostoievsky miêu tả trong “Tội ác và Trừng phạt”

Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông loá nắng, hỏi lại:
- Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào?

Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta… Mình lại liên tưởng đến một cậu làm việc cùng phòng hồi còn ở Đài phát thanh, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đọc tên nhạc sĩ Chopin (Sôpanh) là Cho Pin.

Mình trả lời anh ta:
- Tôi thích nhất là Candide.

- Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?

Không đợi mình trả lời, anh ta nói tiếp:
- Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ.

Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence. Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…

Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: "Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!".
- Chúng mình lùa trâu lên bờ đi! - anh nói.

Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta:
- Anh là ai vậy?

Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời:
- Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa.

Rồi anh ta tiếp:
- Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi…

Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn - ngu ngơ, đần độn như thường ngày.

Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh. Nghe các trại viên kháo nhau mình mới biết.
Thằng chuyên gia khâm liệm e đi đong. Thế là nếu bọn mình ngoẻo, sẽ không còn được khâm liệm tử tế và chẳng có ai khóc tống tiễn vong hồn… - những người tù nói, giọng buồn.
Mình gặp giám thị trại, xin được thăm anh ta.

Giám thị hỏi:
- Trước kia anh có quen biết gì thằng này không?

Mình nói:
- Thưa cán bộ, không. Chúng tôi hay đi lùa trâu với nhau nên quen nhau thôi.

Giám thị đồng ý cho mình đến thăm, có lính đi kèm. Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…

Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói:
- Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…

Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN.

Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.

Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ Nhẫn ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu.

Giám thị hỏi:
- Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam.

Mình nói
- Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí.

Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán…

Phùng Quán

________

Ghi Chú:

(*) THẰNG KHÙNG trong tù này là Cha Chính Vinh, tức là Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH (1912-1971), của Nhà thờ lớn Hà Nội. Bài viết của Phùng Quán đã kể lại chuyện thật những năm, những ngày cuối trong ngục tù của Ngài.

Xin mời đọc thêm tiểu sử của Cha Vinh để chúng ta biết thêm nhiều chi tiết về cuộc đời Ngài; và cũng để hiểu thêm gương phụng sự Chúa của Ngài….

Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH,
Cha chính Hà Nội, (1912 – 1971).



Hình ảnh
          
Hình đại diện
Dzuy Lynh
Bài viết: 188
Ngày tham gia: Thứ tư 13/05/15 22:52

Re: Thang âm

Bài viết bởi Dzuy Lynh »

          

          
TƯỞNG NHỚ NGÀY QUÂN LỰC 19/6




Hình ảnh

Mười Chín Tháng Sáu, một thoáng 50 năm




19/6/1971
Saigon hoa lệ, hậu phương yên bình rầm rộ tiếng bánh xích xe tank nghiến trên đại lộ, phi cơ vần vũ múa trên bầu trời thủ đô Hòn Ngọc Viễn Đông.
Tiếng quân đi rầm rập dưới bóng quân kỳ hòa trong tiếng kèn đồng của dàn quân nhạc, tiếng loa phát thanh oang oang thêm vào thanh âm của hàng ngàn hàng vạn đồng bào nói bằng đôi tay vỗ hoan hô ngày thành lập Ngày Quân Lực VNCH.
Một bản thiên anh hùng ca hoành tráng.
Một trang Quân, Quốc Sử cận đại viết xuống.

Trong cái hào khí ngút trời ấy, những người lính tác chiến các quân binh chủng, đánh giặc bảo an ngày đêm ngoài chiến địa không có cái vinh dự được các em gái hậu phương xinh tươi như mộng choàng vòng hoa chiến thắng, kèm theo một nụ hôn, hôn phơn phớt cho có lệ, có e ấp, hay hôn đậm đà nghe chút chít, chùn chụt, chan chát!
Cũng may cho tôi không được một lần đỏ mặt, tê má cứng người với sự biểu hiện "hết sức mặn nồng" tình quân dân cá nước của các nữ sinh Trưng Vương, Gia Long, Lê văn Duyệt, Sương Nguyệt Ánh, Bồ Đề Saigon. Chẳng may, thật không may... tôi còn đang thụ huấn ở quân trường Thủ Đức, và chưa biết, chưa dám yêu ai... xin thề như thế! Bởi anh không muốn Em hóa đá Vọng Phu, bởi anh không đủ can đảm chứng kiến cái thảm cảnh ...kinh hoàng "Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ, Em ở nhà lấy... Mỹ nuôi con" hay "Anh trở về bại tướng một chân, em khăn tang miệng cười hí hí" bưng đàn nhảy ùm qua thuyền khác cái đùng.


19/6/1973
Ngày tổ chức Mừng Ngày Quân Lực cuối cùng của chính quyền, quân đội và đồng bào Miền Nam Việt Nam.
Ngày chứng tỏ cho thế giới và Đồng Minh thấy sự trưởng thành và độc lập của Quân đội VNCH sau các chiến thắng vang dội Bình Long, An Lộc, Quảng Trị. Những trân chiến đi vào quân sử VNCH nói riêng, quân sử Thế Giới nói chung. Ngày quân dân cán chính Việt Nam hãnh diện ngẫng cao đầu, vỗ ngực xưng tên với các lực lượng võ trang, bán võ trang và chính qui, trừ bị và hiện dịch của các lực lượng Quân Sự Châu Á Thái Bình Dương.
Ngày này năm ấy, đơn vị Tổng Trừ Bị TQLC chúng tôi vẫn từng phút từng giây hành quân giành lại từng tất đất nền nhà với cộng phỉ ở tỉnh Quảng Trị.


19/6/1979
" ...Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày, lửa thù no đôi mắt. Chân nghe lạ từng khu chiến thuật. Áo nhà binh thương lính, lính thương ai, nhìn đời mà đi..."
Tôi bỏ ly rượu đế xuống, đẩy tô canh chua cá bông lau qua một bên, bỏ lại chiếc túi xách cũ xì trên bàn bước vội ra lộ.
Lần nào cũng vậy, từ Saigon ngồi xe đò xuống Cần Thơ đi "hát chui", trong khi ăn trưa chờ qua phà đều tấp vào đây. Quán cơm bên này Bắc Mỹ Thuận có món chim mía rô ti xỏ xâu béo ngậy và quán cô Tám Canh Chua (thuở ấy, cô Vân Trần Facebook hãy còn bé xíu chưa mở quán cơm bình dân để cạnh tranh với cô Tám Chua, và tôi đi Tu Nghiệp Khổ Sai mới hồi cư chưa bao lâu) dáo dác tìm xem tiếng hát rất quen này phát xuất từ đâu?
Chiếc áo rằn ri màu sóng biển bệt 72 đã sờn như cây tây ban cầm, chiếc nón bo xé tưa vành đội lệch, chiếc nạng gỗ loang lổ nước vẹc ni đã tróc lốm đốm, hai hốc mắt đã múc đồng tử lũng sâu tô thêm nét bi ai cho gương mặt hốc hác vì thiếu ăn thiếu ngủ của thằng Thường !!!
Nó, người lính mang máy truyền tin của tôi chớ còn ai vô đây nữa chứ? Bỗng dưng hình ảnh người âm thoại viên trước mặt mờ đi, nước mắt tôi ràn rụa nhỏ lên cái lon sữa bò chỉ vỏn vẹn dăm ba đồng bạc vụn kẹp bằng cọng kẽm trên cần đàn Binh Nhất Thường.
Tôi dắt nó vô quán. đẩy vai bảo ngồi xuống :
- (Giả giọng BaKe 75) Này, cậu là lính thủy đánh bộ Ngụy phải không? Cớ sao lại ra nông nỗi thế này?
- Địt mẹ anh, anh là bộ đội à? Có cho tiền thì vất vào lon, không cho thì cút mẹ anh đi! Tôi đéo sợ các anh đâu!
- Gượm tí đã nào, hề hề, sao bạn mình hung hăng thế? Đúng là lính con bà Phước! Chú rên như thế nghe tệ quá, làm sao có tiền, để anh làm hộ cho chú mày mấy bãi nhé, cứ gọi là tiền vô như nước đấy! Anh là văn công mà.
- Văn cái củ bùi!

Nếu không theo phản xạ tự nhiên thì tôi đã lãnh nguyên cái thùng đàn vào mặt rồi. Thường giận tím mặt định phang nguyên cây đàn "đui què sứt mẻ" giống chủ nhân của nó vào tôi.
Đùa đến đây cũng đủ rồi, tôi ôm cứng vào tay xiết chặt vào lòng người anh em sống ăn chung bịch gạo sấy, lắc đò Sông Hương lắc chung một... chỗ, nằm chung một bệnh viện dã chiến, nó trên giường, tôi dưới đất, giọng nhòe đi:
- Địt mẹ thằng bắc kỳ rau muống cành cạch lửa Bùi Tru Phát Riệm, tao nè, mày nhớ không?
Đôi mắt Thường không biết nói, không phải thế. Nói cho đúng là hai cái lỗ đen sâu hoắm kia nhăn nhúm lại, rồi khô khốc. Nước mắt ấy đã lau khô rồi! Nhưng tôi biết hai cái lỗ đen như đêm Trường Sơn, sâu như giao thông hào ấy đang lệ ngược vào trong.
Thường khóc tồ tồ:
- Ông Thầy! Ông Thầy? Ông còn sống à? Địt mẹ em nghe thằng Minh đại liên nó nói ông chết chìm ở bờ biển Sơn Trà rồi mà!
- Chết đéo gì được. Mạng tao lớn lắm. Cái nanh heo rừng hộ mạng thằng Thạch Căn cho, tao bán mẹ nó rồi, lấy tiền mua vé xe đò lủi xuống đây theo anh Đinh Việt Lang hát chui kiếm bạc cắc nè!
Mừng mừng tủi tủi, cứ như thế hai thầy trò tôi ôn lại chuyện ngày xưa bên chai rượu trắng Gò Đen cho đến khi tiếng người lơ xe quang quác kêu hành khách lên phà qua bắc nhét đầy tai.
Tôi trả tiền nhậu, dắt Thường theo làn sóng người buôn thúng bán mẹt lên phà, quyết định bỏ đi hát chuyến này, ểnh cổ lên mà rống chung một cặp với thằng em suốt cả tuần. Bến sông Tiền Giang sau ngày mất nước sao mà giống Tiền Đường thế nhỉ?

Ngày hát trên sương khói lênh đênh, hát cắm mủi vào mảng phù sa miền tây đỏ quạch, và trên hết hát cho thân phận người thương binh, hát trên nỗi đau máu đỏ da vàng nhược tiểu tang thương thống khổ.Tôi ký... miệng cho Thường một tuần phép "miễn lao động bằng mồm". Tôi bao sân với một đống Boléro mùi, không hát Boston như ông Quan Một Hùng Nhô Ó Biển đã viết, đã nói trên đài phát thanh phát ớn Australia sau này "Lính hát boléro, quan chơi boston!"
Cám ơn Bồ Tát Quan Âm, ngày Quân Lực năm ấy, cả tuần lễ sau ngày 19/6/1979 thầy trò tôi trúng một mẻ lưới bạc lẻ cũng kha khá...
Không còn nhớ rõ cho lắm, nhưng ngoài vài ba ca khúc "đỏ" mà tôi đã nhuộm xanh cho Thường, nó khoái chí nhất ê a cả ngày có đoạn:
"Anh ỉa đầu sông em cuối sông, uống chung dòng nước dòm rõ mông! Thương nhau đã thúi ba mùa lúa, anh đón em về ỉa đầy sông, em cõng anh về ngủ ...vần công! Và thêm khúc nữa: "Quê em miền trung du, ngày đêm muỗi lu bù, giặc về như lũ cú..."
Cái thằng em "khỉ khô" này cũng gan to bằng cái thớt, tru tréo om xòm, riết rồi dân cư hai bờ Bắc Mỹ Thuận, cả bầy đỉnh cao trí tệ của loài khỉ bị, hay được nghe riết cũng bắt ghiền luôn! Thời tranh tối tranh sáng, chắc chẳng ai quỡn mà đi làm khó dễ chi cái đám Ngụy quân tàn binh chế độ cũ đó làm khỉ gì...
Cứ thế, mở mắt là nhậu, dợt "tuồng", đến lúc sương sương thầy trò mới dắt díu nhau mò đi rên kiếm cháo, đổi bạc hóa mồi... mai lại nhậu tiếp, đời trôi như dề lục bình, bến trong bến đục, bến xe bến phà gì cũng chơi tuốt luốt. Ối, bịnh gì mà cử chớ!
...
Mấy năm sau, tôi chuyển "nghề" đi buôn lậu thịt heo và thuốc lá Samit, tạt ngang quán cũ ăn cơm và "giao hàng".
Nghe cô Tám Chua nói thằng Thường đã nhảy sông tự tử sau trận nhậu xỉn quắc cần câu, bạt tai thằng Du kích dích cu, bị tụi nó bề hội đồng hộc máu. Tiên sư bố chúng mày! Quân chết tiệt cộng sản cướp nước hèn hạ...Tôi thương thằng Thường muốn ứa nước mắt, nhưng không thấy có giọt nào. Hẳn là nước mắt tôi nó cũng khô từ lâu...
...
Hôm nay, nghe lời xúi nhèo nhẹo của cô em hài xanh áo đỏ trên Facebook, tao nấu tô mì ăn liền này cúng mày đó thằng em.
Sống khôn thác thiêng, em nhớ chia cho anh em ở trên trời mỗi thằng mấy cọng nghen Thường! Không nêm nếm được em trai à, bữa nay tao ăn chay, uống chai, mày không thông cảm thì cũng đếch làm gì được tao đâu! haha.


19/6/2015
Còn gì để nói, nếu không là ngồi đây còng lưng gõ xuống những con chữ trên bàn phím mà nhỏ lệ tiếc thương cho anh em, những thằng "Ra Đi Chẳng Hẹn Ngày Về", những anh em "đui què sứt mẻ" đã bỏ lại một phần thân thể chín tháng cưu mang máu mẹ tinh cha trên sa trường thuở ấy.
Nhắc cho mình, cũng là nhắc với anh em đồng đội là những ai còn cố mà thở cho xong hết một kiếp người luân lạc, cho chiến hữu và cho các thế hệ mai sau, cái gì quên được thì quên, cái gì không bao giờ quên được thì phải luôn ghi nhớ trong lòng.
Nước mất thì đã mất rồi, nhà tan thì cũng đã tan hoang.
Nhưng Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm với tôi chưa bao giờ không nhớ!
Anh em chúng mình, chí ít là những ai còn nhớ số quân, ai còn giữ Thẻ bài, Quân phục, chưa quên Khu Bưu Chính, còn đứng nghiêm trang chào kính Quốc, Quân Kỳ vào những mùa giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Nguyên Đán, Quốc Hận Tháng Tư Đen...
Còn luân lưu trong tim dòng máu đỏ da vàng Lạc Việt, Hồng Bàng tha hương luân lạc, chúng ta làm sao quên?
Chứ gì nữa! Phải không?
Chẳng thể nào quên ngày 19 tháng sáu; NGÀY QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA.
Một thoáng... 50 năm.


Rạng sáng ngày 19/6/2015 giờ Miền Nam Việt Nam
thunglũnghoavàng.ThảoVânAm 11:36 :12 Pm USA.DzuyLynh


Hình ảnh
          
Last edited by Dzuy Lynh on Chủ nhật 21/06/15 12:39, edited 3 time in total.
Hình đại diện
Vũ Tuyết Như
Bài viết: 461
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 06:45

Re: Thang âm

Bài viết bởi Vũ Tuyết Như »

:applaud: :flower:

Hình ảnh
Trả lời

Quay về “Thang Âm”