Cơn khát năng lượng của Trung Quốc

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20276
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Cơn khát năng lượng của Trung Quốc

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Cơn khát năng lượng của Trung Quốc
    ________________
    Thanh Hà _ 12/10/2021






    « Nhà máy » của thế giới khát năng lượng. Công xưởng của thế giới thiếu điện để phục vụ sản xuất và nền kinh tế thứ nhì toàn cầu đã phải cúp điện các cột đèn giao thông để tiết kiện năng lượng. Trung Quốc vì sao nên nông nỗi này ? Năng lượng liệu có là một ngòi nổ đe dọa ổn định xã hội ?


    Trong nhiều tuần lễ, dân cư tại một số khu vực ngay tại thủ đô Bắc Kinh bị cấm sử dụng thang máy, cấm bật máy điều hòa nhiệt độ và nhiều thành phố ở Trung Quốc chìm trong bóng tối vì mất điện như thời mấy chục năm trước. Hãng tin Mỹ Bloomberg cuối tháng 9/2021 đưa tin, 17 tỉnh thành của Trung Quốc ở các vùng đông nam và miền bắc đã liên tục bị mất điện. Tờ báo Hồng Kông South China Morning Post nêu bật lo ngại Trung Quốc lâm vào hỗn loạn do thiếu hụt năng lượng. Những năm gần đây, bước vào mùa đông, một số nhà máy Trung Quốc thường phải tạm cho nhân viên nghỉ việc một vài ngày để tiết kiệm điện. Nhưng chưa khi nào ngay cả dân cư thành phố và các khu nhà ở cũng bị ảnh hưởng. Bài toán năng lượng của Trung Quốc « căng » đến nỗi một số thành phố cắt luôn điện từ các cột đèn đường, đèn giao thông để « tiết kiện được chút nào hay chút nấy ».




    Trên đài RFI tiếng Pháp, giáo sư kinh tế Mary- Françoise Renard đại học Clermont-Ferrand nêu bật ba yếu tố dẫn đến hiện tượng thiếu hụt năng lượng tại « xưởng sản xuất của thế giới ».

    Mary Françoise Renard : « Có nhiều trùng hợp trong cùng thời điểm. Một là hiện tượng giá than đá và khí đốt tăng lên và điều đó ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng gì Trung Quốc. Giá nguyên liệu tăng cao bởi vì kinh tế thế giới đang phục hồi, các nhà máy lại sản xuất như trước khi xảy ra đại dịch. Thống kê cho thấy tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc hiện tại cao hơn cả so với trước khi có đại dịch. Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào than đá. Lý do thứ nhì là Bắc Kinh bắt đầu chú trọng đến yếu tố môi trường, giảm khí thải gây ô nhiễm. Một số báo cáo gần đây chỉ trích một số tỉnh của Trung Quốc không tuân thủ các chuẩn mực về môi trường cho nên chính quyền trung ương đã quyết định siết chặt thêm các biện pháp giới hạn thải khí carbon. Điều đó ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy. Đồng thời do không thể trông chờ vào than đá, thì Trung Quốc phải sử dụng năng lượng ít gây ô nhiễm hơn, thí dụ như chuyển sang dùng khí đốt. Điểm thứ ba là từ cả năm nay quan hệ giữa Trung Quốc và Úc căng thẳng. Bắc Kinh ngừng nhập khẩu than đá của Úc nên đã vội vã quay sang các nhà cung cấp của Indonesia và Mông Cổ… Hệ quả kèm theo là giá khí đốt, hay than đá trên thị trường quốc tế bị đẩy lên cao do luật cung-cầu. Nói cách khác nhu cầu tiêu thụ tăng cao, trong lúc khả năng cung cấp của các nguồn sản xuất than đá, dầu khí, dưới tác động của dịch Covid-19 từ gần hai năm nay, thì lại bị giới hạn ».

    Trong phiên giao dịch hôm 07/10/2021 giá khí đốt tăng thêm 25 % so với hôm trước. Trong một tuần lễ, dầu hỏa tăng giá một cách khiêm tốn hơn với khoảng 3 %. Đầu tháng 10/2021, giá một tấn than đá trên thị trường quốc tế đã nhân lên gần gấp 5 lần so với cùng thời kỳ năm ngoái. Vấn đề đặt ra đối với Trung Quốc là than đá bảo đảm đến 60-70 % nguồn cung cấp điện cho nước đông dân nhất địa cầu và cũng là « lò sản xuất » cho thế giới.



    Tiến thoái lưỡng nan

    Bài toán của Bắc Kinh càng thêm nan giải khi biết rằng từ gần hai năm nay, Trung Quốc và Úc « cơm không lành canh không ngọt ». Chính quyền của ông Tập Cận Bình đã ra lệnh « cấm nhập khẩu than của Úc ». Trung Quốc để mất một nguồn cung cấp quý giá.

    Thêm vào đó, Trung Quốc do phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm không khí. Cực chẳng đã, bắt buộc phải cam kết giảm thải khí carbon, giới hạn sản xuất than đá, chuyển hướng sang « năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ». Theo báo cáo của cơ quan tư vấn đầu tư Sinolink Securities « dự trữ của sáu tập đoàn cung cấp than đá hàng đầu Trung Quốc chỉ đủ để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong vỏn vẹn 15 ngày cho toàn quốc ».

    Chuyên gia kinh tế trường King’s College tại Luân Đôn, Tân Duẩn (Xun Sun) được đài truyền hình Pháp France 24 trích dẫn giải thích : « Hiện tượng thiếu hụt than đá này là hệ quả từ chính sách được áp dụng khoảng 5 năm trở lại đây để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và gây nhiều ô nhiễm này. Bắc Kinh đã lên kế hoạch từng bước đóng cửa một số mỏ than ở khu vực tây bắc ». Than đá là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường và nhất là tai nạn hầm mỏ thường gây bất bình trong công luận. Cùng lúc những mỏ nào còn được hoạt động đã phải tuân thủ một số các chuẩn mực về an toàn lao động, về môi trường « khắc nghiệt hơn ».

    Mùa hè vừa qua, chính quyền trung ương khiển trách nhiều địa phương chậm trễ áp dụng các quy định mới của ngành công nghiệp khai thác than đá. Hãng tin Bloomberg tiết lộ luật mới của Trung Quốc dự trù « bản án tù » nếu như các chuẩn mực về an toàn không được tôn trọng để xảy ra những tai nạn đối với môi trường. Giới phân tích cho rằng rất có thể hiện tượng khan hiếm than đá hiện nay là một hình thức phản kháng từ phía các tập đoàn khai thác mỏ để cưỡng lại các chỉ thị của trung ương.

    Chính vì vậy mà sau một cuộc họp khẩn cấp trong nội bộ chính phủ, hôm 30/09/2021 phó thủ tướng Hàn Chính, đặc trách về công nghiệp và năng lượng, đã yêu cầu các đập thủy điện, các công ty trong ngành than đá đến điện lực, dầu mỏ … « bảo đảm nguồn cung cấp cho mùa đông năm nay bằng mọi giá ». Cùng lúc Bắc Kinh đã cho một số mỏ từng bị đóng cửa hoạt động trở lại. Trong lúc đang thiếu hụt than để phục vụ cỗ máy sản xuất và bảo đảm nhu cầu cho gần một tỷ rưỡi người dân, thì Trung Quốc buộc phải tạm đóng cửa nhiều mỏ than sau đợt lũ lụt cuối tuần qua. Chính quyền Quảng Tây hôm 11/10/2021 thông báo 120.000 dân cư phải sơ tán, 60 mỏ than phải tạm ngừng hoạt động.

    Nói cách khác về mặt năng lượng cái khó đối với Bắc Kinh là bắt buộc phải giảm thiểu ô nhiễm không khí, nhưng vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn về mức lệ thuộc vào than đá và đây vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính của ông khổng lồ châu Á này. Năng lượng mặt trời, hạt nhân hay khí đốt và kể cả dầu hỏa cũng mới chỉ đủ để bảo đảm 30-40 % còn lại nhu cầu trên toàn quốc.



    Cái giá đắt phải trả

    Điều chắc chắn là việc các nhà máy phải đóng cửa dài ngày bắt đầu đè nặng lên tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc. Mary- Françoise Renard đại học Clermont Ferrand giải thích :

    Mary-Françoise Renard : « Còn quá sớm để thẩm định về mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, một số nhà máy đã phải đóng cửa, ngừng sản xuất trong một vài ngày. Tôi muốn nói đến trường hợp của một công ty Đài Loan có chi nhánh tại Hoa Lục, gia công cho tập đoàn điện thoại Apple của Mỹ. Chúng ta thấy ngay là cả chuỗi sản xuất của thế giới bị ảnh hưởng. Chắc chắn là tăng trưởng của bản thân Trung Quốc bị suy giảm đồng thời với trọng lượng quá lớn trong dây chuyển sản xuất, trong chuỗi trị giá gia tăng của toàn cầu, tăng trưởng của thế giới sẽ bị chậm lại ».

    Ngân hàng Mỹ Morgan Stanley trong báo cáo đầu tuần trước thẩm định do thiếu điện, khả năng sản xuất của ngành công nghiệp xi măng giảm 29 %, của ngành công nghệ nhôm là 7 %. Riêng ngân hàng Nhật Bản, Nomura, giảm dự phóng tăng trưởng của Trung Quốc hơn 1 điểm trong quý 3 và quý 4/2021.

    Đối với Bắc Kinh câu hỏi đặt ra là phải tính sao nếu như hiện tượng nhà máy đóng cửa kéo dài, công nhân không được trả lương ? Công luận Trung Quốc liệu có kiên nhẫn trước những đợt mất điện triền miên, các trung tâm thương mại sầm uất mất khách vì phải đóng cửa sớm ?

    Đài truyền hình Mỹ CNN nói đến hiện tượng khan hiếm năng lượng nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc từ một chục năm qua. Năm 2011 một trận hạn hán dài ngày làm tê liệt các nhà máy thủy điện Trung Quốc khiến 10 tỉnh trên toàn quốc bị thiếu hụt năng lượng trong đó có tỉnh Quảng Đông, nơi sản xuất đến 10 % hàng made in China. Lần này, tác động còn « nghiêm trọng hơn » vào lúc cỗ máy kinh tế Trung Quốc đang hoạt động tốt sau đại dịch Covid-19 nhưng cũng đã bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi. Tổng cục Thống kê Trung Quốc ghi nhận « đà phục hồi của thế giới còn bấp bênh, tiêu thụ nội địa vẫn trong thế bất cân đối và (Trung Quốc) sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để củng cố nền tảng của đà phục hồi và bảo đảm phát triển vững vàng ».



    Ngõ thoát hiểm nào cho Bắc Kinh ?

    Bloomberg và báo tài chính Nhật Asia Nikkei tiết lộ, dường như một số tập đoàn Trung Quốc kín đáo liên lạc lại với đối tác Úc dỡ bỏ lệnh cấm vận than đá của Úc. Giáo sư Renard đại học Clermont Ferrand không mấy tin tưởng vào kịch bản này :

    Mary- Françoise Renard : « Quan hệ với Canberra đã rất khó khăn trong thời gian qua, tôi không nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ đổi ý, bãi bỏ lệnh cấm mua than đá của Úc. Trung Quốc một mặt tiết kiệm tiêu thụ về năng lượng mặt khác đi tìm các đối tác mới để bảo đảm nguồn cưng ứng ».

    Trên đài RFI Jacques Percebois, chuyên gia về năng lượng, nguyên là giáo sư đại học Montpellier, giải thích áp lực về năng lượng đối với Trung Quốc lại càng cao, do Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là những nguồn tiêu thụ năng lượng lớn của thế giới.

    Jacques Percebois : « Nhu cầu hiện tại đang rất cao, chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc. Trên thị trường khí đốt, một số nhà cung cấp truyền thống của châu Âu quay sang sang xuất khẩu cho Trung Quốc bởi vì Trung Quốc mua vào nhiều hơn với cái giá cao hơn so với châu Âu. Tuy nhiên chúng ta cứ tập trung vào trường hợp của Trung Quốc mà thường quên là Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là những nguồn tiêu thụ năng lượng rất lớn của thế giới ».

    Trung Quốc đang ráo riết ve vãn các tập đoàn than của Indonesia, Bắc Kinh đang rất chiều chuộng các quan chức trong vùng Nội Mông giàu than đá.

    Gần đây nhất là đến lượt Ấn Độ cũng đang đứng trước đe dọa thiếu hụt điện : ngân hàng Mỹ Citigroup báo động : dự trữ của Ấn Độ chỉ tương đương với nhu cầu tiêu thụ quốc gia trong 4 ngày thay vì 14 ngày như bình thường. Ấn Độ cũng là một quốc gia 70 % tiêu thụ năng lượng lệ thuộc vào than đá.

    Một năm trước Đại Hội Đảng, với những thách thức ngắn hạn về kinh tế, về tăng trưởng, về xã hội mà bài toán năng lượng đang đặt ra cho cho ông Tập Cận Bình, không hiểu rằng, hợp tác với Hoa Kỳ chống biến đổi khí hậu có là một ưu tiên của Bắc Kinh hay không ?

    Trong mọi trường hợp, công nghiệp than của Trung Quốc vẫn còn tương lai. Sau cùng cơn khát năng lượng của « công xưởng thế giới » này cho thấy, các doanh nghiệp Âu, Mỹ lao đao nếu như cỗ máy xản xuất của Trung Quốc bị « trật đường ray ». Trong kịch bản ngược lại nếu hoạt động quá tốt thì Trung Quốc hút hết năng lượng của thế giới, tạo ra lạm phát đe dọa tăng trưởng toàn cầu !



    https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3 ... nang-luong
Trả lời

Quay về “rắn Tàu”