Đêm cuối năm - Nagai Kafuu

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đêm cuối năm - Nagai Kafuu

Bài viết bởi Hoàng Vân »








  • Đêm cuối năm
              
    Joya / Kiri no yoru (22)
    tác giả Nagai Kafuu - dịch giả Nguyễn Nam Trân

    ______________________________________________________________





              

              



              
    • Pauvre année au vent qui pleure
      Jette ton dernier soupir!
      Achille Millien


      (Hỡi năm cũ đang tàn theo gió khóc,
      Hãy trút đi ngươi, hơi thở cuối cùng)

    Ngay trong thành phố Lyon là nơi thường hết sức tĩnh mịch giống như người say ngủ, trùm lên trên bằng lớp sương mù của mùa đông vốn che hết cả vùng đất thấp của sông Rhône, thế mà hôm nay, ngày cuối cùng trong năm, và đúng như điều tôi chờ đợi, nhất là từ xế chiều, không biết bao nhiêu tiếng động trong thành phố đã vang lên và vọng lại đến cánh cửa sổ khép kín của gian phòng tối tăm của tôi nằm trên tầng thứ tư, giống như tiếng gầm gừ của một cơn bão nửa đêm hay thủy triều chập tối.

    Tôi rời chiếc ghế đặt cạnh lò sưởi để nhìn xuống mặt đường bên ngoài cửa sổ. Ánh đèn nhấp nháy đó đây và kẻ qua người lại như trẩy hội trên một thành phố đêm nằm dưới lớp sương giăng.

    Ôi, năm cũ sắp qua rồi. Nó ra đi và không bao giờ trở lại. Ý nghĩ đó làm lòng tôi nặng trĩu và tự dưng tôi rơi vào trong một nỗi buồn thương.

    Tôi trở lại chỗ ngồi và bắt đầu suy nghĩ cách tiễn năm cũ và đón năm mới như thế nào. Một cô giúp việc trong nhà trọ gõ vào cánh cửa và lên tiếng:

    -Cơm dọn rồi, ông ạ!

    Tôi bèn ném mẩu thuốc lá đang hút dở vào bên trong lò sưởi rồi đi vào phòng ăn.

    Không có gì đặc biệt trong căn nhà trọ chỉ dành cho du khách và những người đàn ông cô độc. Đêm nay, nếu là bữa ăn tối trong một gia đình giàu có, đã có thể nghe tiếng nổ khi mở xâm-banh chen lẫn vào tiếng cười nói bên cạnh cái bàn ăn chưng đầy hoa để đón Tân Niên....Nhưng không, hôm nay trong phòng ăn này, quang cảnh lại buồn hơn thế nữa. Số người ở đó chỉ có sáu, còn như phần còn lại, toàn là sinh viên và vẫn thường tranh luận trên bàn ăn, đều đã trở về nhà cha mẹ họ để nghỉ Giáng Sinh. Bà chủ nhà trọ vốn là người có máu làm ăn nên bao giờ ăn nói cũng quá sức lễ độ, đang ngồi sâu trong góc. Bên cạnh bà là một ông người Đức với lưng thật tròn, đã cất công qua đây để học tiếng Pháp. Xong đến một ông già độc thân đã quá sáu mươi, không gia đình thân thích, xưa kia là ca sĩ giọng bán trầm (baryton) ở nhà hát Ôpêra và nay sống bằng một ít tiền dành dụm. Những người khác là ba nhân viên trẻ làm việc cửa hàng hay xí nghiệp nào đó trong thành phố. Nội dung cuộc đàm thoại của họ thường chỉ là hời hợt vì vẫn gặp nhau mỗi ngày. Trái với dự tưởng, bữa cơm đã chấm dứt nhanh chóng.

    Sau khi rời bàn ăn, tôi không về phòng ngay nhưng lại đi ra đường mà không có lý do nào đặc biệt trong đầu.

    Sương mù xuống rất dày từ đầu buổi tối giờ đã biến thành mưa tự lúc nào không biết. Người người, tay cầm dù, bước đi hối hả trên vĩa hè bóng loáng vì phản chiếu ánh đèn.

    Họ đi đâu nhỉ? Phải làm gì khác hơn là đi dạo phố giữa cái thời tiết xấu, lạnh và ẩm ướt như thế này chứ! Đêm nay, chương trình hòa nhạc cổ điển không có gì hấp dẫn tôi. Còn như vở Mignon của Thomas mà hình như Nhà hát Ôpêra thành phố đang công diễn thì tôi đã xem đến mấy lượt rồi. Các sân khấu khác chẳng hạn tuồng diễu (vaudeville) của Scribe (23) hay ai khác thì...cứ nghĩ ngợi như thế, tôi đi chen dưới những bóng dù của người qua đường, người ướt sương và những hạt mưa nhẹ, chẳng mấy lúc đã đến kè sông Rhône, gần chân cầu Lafayette. .

    Tôi rất thích đứng ngắm bao quát cảnh trí của bờ sông Rhône! Dù là ban ngày hay ban đêm, mỗi khi tôi băng qua cầu, thế nào tôi cũng đứng bất động dưới những hàng cây ngô đồng (platanes) đang vươn cao lên khỏi bờ đê xây bằng đá, để ngắm cảnh sắc đó. Thế nhưng phải nói là ban đêm, nó còn đẹp hơn cả ban ngày nữa. Nói về cảnh trí ban đêm thì, vào một đêm đông tối tăm, buồn ảm đạm và ẩm ướt như hôm hay những đêm có sương mù nặng như chì giăng trên nền trời, tôi còn thấy nó đẹp hơn cả dưới một đêm trăng sáng hay một buổi tối mùa hè sao trời lấp lánh.

    Nếu là một tối đẹp trời, người ta có thể thấy rất rõ nhà cửa hai bên bờ, những cây cầu và những con đê bằng đá và thưởng thức được quang cảnh ở đây. Bây giờ, ngược lại, tôi chỉ có thể ngắm dòng sông lớn này và vùng chung quanh của nó đằng sau một tấm màn mưa thưa của mùa đông nên không thể nào phân biệt đâu là nhà cửa, đâu là đê và đâu là cầu nữa. Ngay cả những tia phản chiếu lóe lên cạnh lan can cầu hay giữa những hàng cây trồng bên kè sông đều bị bọc bằng hơi nước để biến thành một vòng tròn màu tím hoa diên vĩ, chẳng khác vầng hào quang vây quanh mặt trăng..Đó là cả một hòa hợp về sắc màu của trời đêm! Âm thanh vang lên từ bên trong vầng ánh sáng này là tiếng ì ầm của dòng nước xiết khi nó va vào khung của chân cầu và nghe như tiếng động của một đoàn tàu hỏa đang băng ngang.

    Vừa nghe tiếng nước bên dưới chảy và để nó thấm vào tận đáy lòng mình, tôi vượt qua cầu. Đến gần khoảng giữa của nó, tôi đã nhìn được rất nhiều tia phản chiếu, bắt đầu từ kè sông của bờ bên kia tận đến khu đại lộ đang có nhiều người qua lại. Đêm trừ tịch, hàng quán thường đóng của từ cuối buổi chiều nhưng lối ra vào vẫn còn trang trí những chùm ánh sáng đủ màu rực rỡ như pháo bông để đón rước khách hàng. Bên cạnh chúng, vẫn còn thấy những sạp hàng của những người bán dạo bày ra trên hè phố, bên dưới những cột dù hay lều giăng ra để che mưa.

    Bưu thiếp, ruy băng, hoa giả, kẹp tóc, đồ trang sức gắn lên áo vv..toàn là những món hàng tạp nhạp mà giá cả phần nhiều không quá dăm quan. Họ muốn bán cho hết nội đêm nay nên chạy theo mời mọc khách, trong đó có lẫn cả những ông già tóc bạc đi bên cạnh những người đàn bà trẻ, phần đông là thiếu nữ. Tai sao mấy ống lão này lại chịu đi hứng gió lạnh bờ sông và đứng đội mưa chịu sương ở đây thay vì nằm nghỉ ngơi trên một chiếc ghế dài trước cái lò sưởi ấm cúng?

    Tại sao nàng con gái này không ăn mặc và làm tóc theo kiểu khác để đi xem hát cùng với bạn trai của cô?

    Người ta tranh đoạt nhau để sống, người ta bận rộn để khỏi phải đói. Không có gì thảm thương hơn là nhìn thấy định mệnh không tránh khỏi như thế nơi con người. Có lẽ đối với tôi, nhìn cảnh người ta lao động hết hơi chỉ vì cuộc sống còn khó chịu và chua xót hơn là cảnh họ tự tử hay chết vì bệnh hoạn.

    Tôi không khỏi nghĩ rằng nghệ thuật, chính trị, triết học hay gì đi nữa, dù dưới chiêu bài nào, cuối cùng đều phải tồn tại với mục đích duy nhất là không để cho người ta phải đói khát.

    Tôi không nhớ rõ là chuyện xảy ra hồi nào nhưng vẫn không quên rằng hôm đó trời đã vào đêm, lạnh và ẩm ướt giống như đêm nay. Đầu tôi hơi nặng. Một tập san văn học mới ra bày trước mắt, tôi có lật vài trang nhưng không đọc.Trong khi đó, tôi nhận ra có một vài mục quảng cáo sách và đặc san nằm trên cái trang màu ở đầu chỗ áp cuối của tập san. Không hiểu vì sao tôi lại đặt cho mình câu hỏi vì cớ gì mà bên Pháp này người ta lại in nhiều sách và tập san đến thế? Chẳng lẽ dân Pháp muốn có nhiều kiến thức đến mức đó hay sao? Còn như báo chí thì cần có ba loại là bảo thủ, cấp tiến để chống lại nó và độc lập để giữ thái độ trung lập? Các báo khác, họ có gì khác để dấu diếm ngoài những mục đích cao thượng mà báo nào cũng tuyên bố hay không? Sẽ có bao nhiêu quyển sách sẽ biến mất nếu người ta không ăn bánh mì mà vẫn sống được?...Bất chợt, tôi không còn thấy thích đọc những quyển sách đang chất đống quanh tôi, và để tránh bầu không khí nặng nề của căn phòng, đã bắt đầu đi dạo hòng tìm thấy một chút hơi mát ở bên ngoài..

    Tôi đi xuyên qua quảng trường đằng trước nhà thờ Saint-Pothin cạnh lối vào nhà trọ. Trên con đường này cũng như trên Đại lộ Saxe, tôi thấy thưa thớt người đi,có lẽ vì cái lạnh của một đêm mùa đông làm cho tay họ đông giá và làm đau cả vành tai. Chỉ có ánh sáng phản chiếu đến từ hai bờ đường in xuống lòng đường những cái bóng đen thui, tối tăm và buồn bã của hàng cây mùa đông trơ trụi trên lối đi mù sương và ẩm ướt. Thực sự là tôi đang không biết đi đâu. Rồi sau khi đi thêm vài cây số thì đại lộ lại rẽ hết phải sang trái, tôi may mắn đến trước cửa vào của một nhà hát trình diễn tạp kỹ (variété) bên cạnh một khu phố nghèo nàn nơi có rất nhiều thợ thuyền sinh sống. Để trốn cái lạnh và hơn nữa, trong đầu lại không có một dự tính gì khác, tôi bèn mua một cái vé rồi chui vào rạp.

    Vào tới nơi được một lúc, tôi ngửi thấy mùi hơi thở của đám đông cũng như cát bụi từ tấm thảm dậy lên, thêm nỗi bên ngoài lại đang ẩm ướt. Không khí vẩn đục khói thuộc lá khán giả hút giữa giờ giải lao làm ánh sáng từ cuối phòng trở nên tối hơn và tất tả có một vẻ bệnh hoạn đến kinh hoàng. Đó là chưa kể những thứ trang trí hào nhoáng và thô kệch, trần nhà, mấy cây cột với bốn bức tường có gắn kính lại khiến cho cảnh tượng trong rạp tối tăm và đìu hiu hơn nữa. Không cần phải nhìn mặt mũi và phục sức của người đi xem, tình huống bên trong rạp đã cho thấy đây làm một trình diễn rẻ tiền ở một vùng bên rìa thành phố ở bất cứ một đất nước nào.

    Khi tôi bước vào rạp thì cánh màn vẽ đầy những hình ảnh quảng cáo của các cửa tiệm đã được khép lại trên sân khấu. Chỉ nghe thấy tiếng rao của một bà già bán hoa, một ông bán kẹo bánh và một đứa bé bán tờ chương trình đang len lỏi giữa đám khán giả nói chuyện ồn ào. Những người dáng đứng đắn nhưdân hàng phố thì ngồi trên ghế kiểu dành cho ban nhạc, còn mấy ông ra vẻ kỹ sư xây dựng thì hầu như đã bỏ chỗ ngồi của mình, vài ông lại lê la bến cạnh mấy người đàn bà trắc nết đêm nào cũng lượn qua mấy lối đi bao chung quanh chỗ ban nhạc ngồi để bắt khách. Những người khác thì đang gọi thức uống mà mình muốn bên quầy rượu nằm ở góc hành lang.

    Tất cả đều hối hả trở về chỗ cũ khi ban nhạc bắt đầu so dây trong một cái hố thấp và tối dành cho họ khi giờ giải lao giữa hai màn chấm hết. Rồi trong khi ban nhạc đang chơi một khúc rất đơn điệu, bỗng nhiên tất cả trở nên ầm ĩ vì tiếng trống, kèn và vĩ cầm cùng cất lên to đến hết cỡ rồi cánh màn được kéo lên. Một người đàn bà to lớn chầm chậm bước ra từ cánh gà, bày đến phân nửa đôi vú bên ngoài bộ áo dài xẻ hở cổ, màu sắc chói chang và phần dưới lại ngắn cũn.

    Bà ta đã khá lớn tuổi, thân hình to béo, vai và cánh tay mũm mĩm, đôi mắt híp và khuôn mặt bự phấn. Thế nhưng bên dưới thì từ cằm cho đến cổ họng, chỉ có da mà không có mỡ, thấy như là mớ thịt nhão nhoẹt. Những đường gân to nổi lên chung quanh cổ. Còn khi bà ta xoay người dưới ánh đèn sáng, dù nhìn từ xa, ai cũng có thể nhìn ra những nếp nhăn hằn rất sâu hai bên cánh mũi..

    Dù sao bà đã khéo léo nở trên môi một nụ cười trẻ trung và gửi một ánh mắt mời mọc về mấy hàng ghế trong những "lô" (loges) cạnh mình. Bà bước một hai bước sang phải, ba bốn trước sang trái trên sân khấu, hai bàn tay đặt bên eo, còn vai và hông thì nẩy ra trước ra sau một kiểu lạ lùng theo tiếng nhạc đang chơi dồn dập. Thế rồi, sau một tiết mục, bà lại cúi người và đặt bàn tay trái nhè nhẹ lên trái tim trong khi chìa cánh tay phải ra đằng trước, cử chỉ như thể tìm cách nâng đỡ một vật gì, cái dáng mà bất cứ nữ ca sĩ nào cũng làm, trước khi cất tiếng hát một bài hát bình dân đang ăn khách nhan đề "Có ai mà chưa nếm khổ đau!" (On a toujours le chagrin).

    Có tiếng vỗ tay tán thưởng của đám khán giả ngồi trên tầng cao của rạp nhưng cái giọng the thé của bà làm chói tai tôi thật sự vì tôi đã nghe quen giọng hát của các ca nữ nổi tiếng khắp nơi và trình diễn đều đặn ở các Nhà hát Ôpêra với những ban nhạc hàng đầu. Bà có vẻ hát sái giọng nhất là khi có ý định đổi qua một cung bậc cao hơn nhưng khổ cái là khi gân cổ lấy sức, bà lại không đủ âm lượng. Những đường nét khủng khiếp đến từ cố tật hay co giật hai bên cánh mũi và khóe miệng khiến người ta có thể đoán biết tuổi tác mà bà cố gắng che dấu bằng cách trát thêm phấn sáp. Nó không tương xứng với những cử chỉ điệu đà mà bà muốn dùng để thi thố khi trình diễn và đã khiến tôi tội nghiệp cho bà hơn là khó chịu.

    Tiếng hát đó còn có thể xem như một tiếng gào khi đứng trước cái đói. Từ hồi còn sống ở New York, tôi dã biết nhiều cuộc sống của những nghệ sĩ trình diễn tạp kỹ (variété)như bà. Biết đâu người đàn bà này lúc nhỏ chẳng có thời theo học ở "Nhạc viện thành phố Paris" (Conservatoire de Paris)! Khi đó, có thể bà đã mơ trở thành một ngôi sao Ôpêra. Tuy nhiên và tuy nhiên ...Hai chữ hy vọng trong thế giới của bà giống như khói, như mây. Bây giờ bà chẳng còn thân thích, con cái, bạn bè. Sống xa kinh đô, bà trôi dạt từ khu phố này đến khu phố khác của các tỉnh địa phương, mỗi đêm cất một tiếng hát héo dần theo thời gian và càng thực hiện nó một cách khó khăn hơn. Chạy theo thời đại thôi cũng không đủ để cho mình hạnh phúc. Chỉ còn có cách mua lòng không chút thẹn thùng những người khách đã bỏ tiền ra mua một chỗ trong "lô" (loges).

    Khi những ý tưởng chợt đến trong đầu tôi, tất cả những gì có trong rạp đều trở nên buồn tẻ. Mấy người nhạc công trong ban nhạc này đã phải trình tấu những bản nhạc bình dân quê kệch, đệm cho mấy màn xiếc và ảo thuật...nhưng ngày xưa biết đâu họ chẳng từng hâm mộ Mozart và nuôi mộng trở thành một nhà sáng tác nhạc như Beethoven. Thuở ấy, bà lão ở chỗ giữ áo khoác cho khách hay bà bán hoa kia là những người như thế nào nhỉ?

    Bà ca sĩ đã rời sân khấu và được thay thế bằng một người diễn màn hài độc thoại, ông không khác chi người kể chuyện rakugo ở Nhật Bản. Ông ta bước vào sân khấu bằng những bước lửng thửng như một chàng say, mặt ông sơn đỏ như tôm hùm, mặc một chiếc áo "redingote" kẻ ô vuông trên nền xanh và rộng thùng thình, đội mũ chỏm cao lệch qua một bên đầu. Vừa nhìn tướng ông ta, đám đông đã phá lên cười cho dù ông ta chưa trổ tài nói một câu nào lém lỉnh..

    Tôi bỗng cảm thấy mình không thể chịu đựng quang cảnh ấy thêm một phút nào nữa nên hấp tấp đi ra cửa. Chao ôi, sương mù ở đâu tuôn ra mà dày như thế này!Không còn thấy đâu là chỗ để đặt bàn chân. Khi bước đi, tôi không khỏi cất tiếng ho như thể là mỗi lần thở, mình đã phải hít khói.Tôi quen với sương mù của những đêm đông đã từ lâu lắm nhưng vì hôm nay nó quá dày, tôi phải đứng yên một chỗ đề nhìn chung quanh. Những tia phản chiếu như đã hoàn toàn đánh mất ánh sáng của chúng. Chỉ còn có những tấm màn đen kịt bọc kín mít. Cứ tưởng đây là cảnh tượng hỗn loạn của thời tạo thiên lập địa. Tất cả nhân vật, nhà cửa, cây cối đều như nằm mờ mịt trong những tấm màn đen. Xa xa, từ phía thành phố, vọng lại tiếng còi hụ của xe lửa hình như muốn thông báo sự có mặt của chúng để khỏi phải đâm sầm vào nhau..

    Bóng tối vẫn thường làm dậy lên một sự lo âu và sợ hãi vô cớ, lại khiến cho người ta tìm đến bất cứ chỗ nào để có được chút ánh sáng. Cho nên tôi đã bước bằng những bước chân vội vã về khu phố có các quán cà phê. Thế rồi, tôi bất chợt nhớ về cuộc sống đáng thương của các cậu bồi bàn, lúc nào cũng bận rộn len lỏi giữa những dãy bàn ghế, ngày đêm không nghỉ, để có thể trả lời không trễ nãi một giây đòi hỏi của khách hàng.

    Tôi là một kẻ thích cái ngọt ngào của sự nhàn tản và biếng nhác gấp mấy lần người khác. Nếu thấy cảnh ai đó đang tất bật với công việc thì tôi thấy thương hại cho họ đến mức độ không kham nổi ý tưởng về những lo âu của kiếp người. Tôi không còn biết mình sẽ đi đâu trong cái đêm sương mù khủng khiếp này. Tôi bắt buộc phải lấy một chuyến tàu đang chạy ngang đây để về nhà càng sớm càng tốt. Thế nhưng tôi vẫn không xua đi được hình ảnh khuôn mặt lạnh cóng và bụi bặm của người thợ máy.

    Tôi không muốn vào quán cà phê và cảm thấy khó nhọc nếu phải bắt một chuyến xe lửa. Do đó, tôi cứ phải bước liêu xiêu trong màn sương mù đen đặc, không biết mình sẽ về đâu.

    Khác với cảnh ở bên Mỹ, các thành phố của Pháp thường có những con hẻm nhỏ chạy ngang chạy dọc hay chạy tắt mà không biết đưa về hướng nào.Vừa mới đây, sau khi lạc trong sương mù tối tăm, tôi đã đi vào một con hẻm như vậy. Tôi nhận ra là chiều rộng của nó chỉ đủ cho một chiếc xe thồ qua lọt và những ngôi nhà thấp tè tè xây bằng đá hai bên bờ đường sao mà giống như những cái nhà tù. Mái ngói đỏ đổi qua màu đen nhạt của chúng đã đè lên và lấp hết phân nửa những cái cửa sổ mà cánh cửa đã rơi hầu hết. Mấy bức tường này đều bê bết đất và buồn thảm. Đá lát đường chỗ thấp chỗ cao nên bộ hành không biết đặt chân vào đâu.Cho dù giày có lót đế thật dày, hễ bắt đầu bước là những chỗ rỗng trong giày đã bị một thứ nước bẩn không rõ nguồn gốc chui vào bên trong ngay. Chất nước này khi nhận một luồng ánh sáng không biết từ đâu tới và không biết của ai đã loáng lên bên trên mặt một cái màu trông rất tởm. Đằng trước mấy cánh cửa tối tăm của những căn nhà vốn mở toang toác như cái mồm trụi hết răng của một lão già đã chết, ai đó đã bày bừa những cái thùng to bằng sắt để đựng rác mà mỗi ngày, khi trời vừa tờ mờ sáng sẽ có xe ngựa đổ rác tới bê đi. Rồi lại có nhiều con mèo hoang, sau khi đánh hơi được mùi tanh tưởi dậy lên từ bãi rác, đã tụ tập nơi đây để kiếm mấy khúc xương thịt xương cá làm thức ăn.

    Màn đêm, sương mù, những con mèo hoang, mùi hôi thối..vv.. nói chung một sự hòa điệu nhịp nhàng của khung cảnh trong con hẻm vô danh này, không biết tại sao mà lôi cuốn tôi đến thế. Tôi vừa bước vừa nhớ lại tâm trạng não nề của Baudelaire khi ông đi trong đêm vắng trên những con hẻm của thành phố Paris và đã ghi lại nó trong những vần thơ. Tôi thấy mình cũng đang có một tâm tình như vậy.

    Trên con đường hẻm gập ghềnh này, đáng lẽ ra phải có cái xác chết của một anh chàng ăn mày vô gia cư (clochard) (24) nằm ra đó và qua cánh cửa sổ tối tăm của ngôi nhà này, chính ra tôi phải nhìn thấy được khuôn mặt xám ngoét của một anh chồng nghiện ngập và sát nhân, người vừa mới thắt cổ vợ cho chết để đoạt của.

    Đột nhiên, quanh tôi chợt trở nên vắng lặng. Lũ mèo hoang đã đi đâu tứ tán. Tôi giương mắt ra nhìn cho thật rõ bởi vì đằng sau lớp sương mù đen kịt, có tiếng guốc gỗ nghe rõ mồn một rồi sau đó bóng dáng của hai người đàn bà hiện ra. Loại guốc gỗ (sabots) này thì ngoài các bà nông dân dưới quê, trên thành phố chỉ có những kẻ phải lao động cực nhọc hay hạng người hết sức nghèo túng mới phải mang thôi. Thế thì thật hợp lý vì hai người này đều để đầu trần chứ không đội mũ. Tuy trời lạnh đến cỡ này mà họ cũng chẳng có một cái khăn "san" (châle) khoác vai, còn áo bên trên thì cáu bẩn và phía dưới chỉ quấn mỗi một tấm váy tơi tả.

    Khi trong đầu tôi còn nghi họ là dân ăn mày thì một trong hai người đàn bà đang nói chuyện rõ to với nhau, đã đột ngột dừng lại trước mặt tôi và gọi một cách sàm sỡ:

    -Mon coco! (Cục cưng ơi!)

    Tôi ngửi thấy nàng nồng hơi rượu. Có thể nàng là một cô thợ giặt, vợ của một gã đàn ông nghèo khổ nào đó và sống trong một căn buồng trần cắt xéo (măng xác = mansarde) trong xóm này. Tôi có cảm tưởng nàng đã nhầm tôi với một ai khác cho nên tôi không định dừng lại. Thế nhưng nàng đã tiếp tục goi với một giọng mạnh mẽ hơn: Mon petit! (Anh yêu!) và sau khi đến gần bên tôi, mời mọc: On se promène ensemble? (Có đi chơi với tụi em không?)

    Tôi nghe tiếng cô gái thứ hai, giọng chần chừ:

    -Thôi đi chị ơi! Ông này coi bộ nghiêm quá!

    Nhưng người con gái có vẻ trọng tuổi hơn một chút đã định nắm lấy tay tôi và nói:

    -Về đằng em nè! Gần đây thôi.

    Tôi hiểu ngay. Người ta vẫn nói là ở nước này, những nàng con gái nghèo khổ chẳng hạn con sen người ở hay thợ thuyền đều có thể đi vào con đường bán dâm dù không phải là dân chuyên nghiệp. Thế những hình thù hai cô gái này quá xấu xí khiến tôi phải ngạc nhiên trố mắt nhìn. Thấy thế, cô gái lớn mới hơi xẳng giọng với tôi: "Nếu anh không ưa tui thì đi với con nhỏ này nè!". Thế rồi cô ta nhấn mạnh: "Nè, nó chưa ..." và rồi "Con nhỏ này chưa biết hơi trai đâu đó!". Chắc cô ta nghĩ câu nói này sẽ đánh thức sự tò mò trong tôi cho dù tôi đang do dự và vẫn chưa mở lời. Cô ta bèn nhìn mặt tôi với vẻ nghi ngờ và bảo:"Anh tưởng tui nói dối anh hả? Không có đâu! Anh đoán xem, nó bao nhiêu tuổi? Mới mười bốn thôi hà!"

    Nói xong, như để chứng tỏ cho tôi biết lời mình nói là sự thật, cô mới nói với một giọng như răn đe cô gái đi cùng, lúc đó đang đứng cúi gầm ở cách đó chừng năm sáu bước, vì sương mù nên không thấy rõ: "Jeannette, tới đây coi! Mầy đứng đó làm gì!"

    Cái bóng người con gái đó, nhìn qua lớp sương mù, như xanh ra. Cô ta đến gần tôi cùng một lượt với tiếng guốc gỗ.

    Tôi nhìn cô gần hơn. Đúng là chị cô không nói sai. Cô bé chỉ độ 14 hay 15 tuổi.

    -Sao? Anh thấy nó có dễ thương không? Chịu rồi chứ?

    -Em này là bạn của cô à?

    Tôi hỏi mà không có lý do gì đặc biệt, chỉ vì cô ta đã mời mọc tôi một cách dạn dĩ.

    -Không, em gái tui đó.

    Nàng nói với một giọng bình thản. Tôi lại nhìn mặt hai người một lần nữa cho rõ: Cô chị nhanh nhẩu nói với tôi: Được không? Đưa nó đi ngay cho tui. Còn Jeannette, sao mầy cứ đứng một đống thế kia ? Ha, ha, ha. Ông ơi! Không ai hiểu nổi con nhỏ này! Nó nói với tui là nó cần tiền nhưng đến phút cuối cùng, nó lại đâm ra mắc cỡ. Kiểu này ai biết đâu mà rờ!"

    Trong khi tôi còn chưa biết phải xử ra sao thì cô chị đã đưa tay nắm chặt lấy ống tay áo khoác của tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy hết sức xấu hổ và sợ hãi, không biết làm cách nào để trốn khỏi nơi đó. Chợt tôi nghe có tiếng chân ai đang bước trên mặt đường đá gập ghềnh để tiến về phía này.

    (Sự sợ hãi và hổ thẹn bất ngờ choàng ập tới. Tôi vùng chạy để không ai nhận ra tôi nhưng tôi đã dừng lại và thở phào vì rõ ràng là có giọng nói của một người đàn ông từ trong sương mù. Có lẽ ông ta đã gây ra mấy tiếng động hồi nãy và những ngôi nhà hai bên đường trên con đường hẹp đã vọng lại âm thanh ấy. Được một chốc, tôi nghe tiếng giày và guốc gỗ bước song song. Một trong hai người đàn bà sau khi vuột tôi đã bắt được con mồi đêm của cô ta. Nhưng ai nhỉ? Cô em hay cô chị đây?) (25)

    Vào những đêm khuya khi bước giữa lớp sương mù dày đặc của mùa đông, lúc nào tôi cũng nhớ lại cái buổi tối đi trong con hẻm ấy, một cái đêm cuối năm tuy đèn vẫn sáng, người vẫn qua lại đông đảo ở ngoài phố nhưng cũng đã bày ra trước mắt tôi cảnh tượng những người bán hàng làm việc mãi đến giữa đêm trong hiệu buôn hoặc cửa hàng hợp tác (kankôba) (26) với đồng lương bạc bẽo cũng như cảnh những cậu hầu bàn ở các quán cà phê đông đúc, không một phút ngơi tay. Nhìn những chuyến xe điện qua lại ngược xuôi tự dưng trong lòng tôi bỗng thấy mình bị dằn vặt bởi một nỗi buồn vốn cũng tối tăm như bóng đêm vậy. Nếu về nhà bây giờ tôi cũng chỉ một mình, không có ai làm người tâm sự. Tuy vậy, tôi không muốn quay lại cái rạp hát cũ để ghé mắt xem, cho dù tôi đang muốn tìm đến một chỗ nào vui nhộn. Trong lúc còn đang nghĩ ngợi như thế, bước chân đã đưa tôi về chỗ cũ và tôi nhận ra mình lại đang đứng trên chiếc cầu bắc qua sông Rhône như khi nãy.

    Trong tiếng gầm gừ của dòng nước xiết vẫn như tự bao đời, đến giữa đêm, tôi nghe từ phía xa của cái đồng hồ lớn treo trên Tòa Thị Chính, đang ngân như muốn chôn đi cái năm cũ 1907.

    Mỗi tiếng kêu đều dài, rất dài. Tiếng thứ 12 cũng là tiếng cuối cùng hãy còn chưa gióng khi tôi băng qua cây cầu dài bằng những bước chân nặng nề.





    Dịch ngày 02/07/2021
    (22) - Trong ấn bản của Nxb Shinchô phát hành vào tháng 7/1951, nguyên tác mà chúng tôi sử dụng, nhan đề đã được đổi thành Kiri no yoru (Đêm sương mù).
    (23) - Augustin-Eugene Scribe (1791-1861) nhà viết kịch người Pháp.
    (24) - Nơi đây, Kafuu đã liên tưởng đến một bài thơ nhan đề "Thịt thối rữa" trong tập Những cái hoa ác (Fleurs du Mal) của Baudelaire mà ông đã dịch sang tiếng Nhật trong San Hô Tập.
    (25) - Đoạn này chỉ có trong ấn bản cũ được Yamamoto Takeo dịch và đã bị lược bỏ khỏi bản Shinchô (1951).
    (26) - Một loại cửa hàng thời Meiji, Taishô, tập trung và bày bán nhiều mặt hàng một lượt, tiền thân của cửa hàng bách hóa (department store).


    http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyennam ... demcuoinam
Trả lời

Quay về “của người”