Cúc mọc trên đá - Kawabata Yasunari
Đã gửi: Thứ năm 09/12/21 12:12
Cúc mọc trên đá
Iwa ni kiku, 1952
tác giả Kawabata Yasunari - dịch giả Nguyễn Nam Trân
______________________________________________________________
Không biết đó là loại đá nào (1)! Tôi đã lật quyển Genshoku Nihon Ganseki Zufu (Nguyên sắc Nhật Bản nham thạch đồ phổ) (2) của hai ông Wada Yaezô và Awazu Hideyuki để thử tra xem nhưng vẫn không sao hiểu. Một người dốt nát về khoáng vật như tôi thì dù có trước mắt một quyển sách liệt kê các loại đá dưới dạng hiện vật, cũng khó lòng quả quyết là đá của cái ghềnh đó ăn khớp với cái ảnh nào. Hơn nữa, đã trên ba mươi năm nay, tôi chưa nhìn lại ghềnh đá ấy. Nó nằm tận một chốn thật xa, đó là quê hương tôi.
Mặt trước của ghềnh đá ấy có một cái hỏm ăn khuyết vào (kubomi) thật lớn. Chỉ cần đổ một chút đất lên là đã có thể trồng hoa cúc. Tôi còn nhớ mình đã thấy nơi đó những đóa cúc trắng đang nở. Đó là loại cúc cánh chụm vào nhau nên trông giống quả tú cầu. Giờ đây, trong bất cứ tiệm bán hoa nào ở Kamakura (3) người ta cũng bày bán loại hoa cúc đại đóa nhưng hoa ngày xưa tôi được thấy có lẽ vì là hoa dại, không có bàn tay người chăm sóc, dù cùng là một giống, chúng lại có phần bé hơn
Những đóa bạch cúc ở các cửa hàng hoa ở Kamakura thì nặng nề cho nên khi được cắm vào một cái lọ quá nhỏ, đóa hoa thấy như đang gục xuống. Còn giống bạch cúc nở trên ghềnh đá, chỉ bé thôi nhưng được sống yên bình.
Ngoài ra, hoa cúc ấy không phải được đem trồng ở chỗ đó để tưởng nhớ hay an ủi ai. Mục đích của chúng là để cúng kiếng.
Có một cái đầu đàn bà đã hiện ra từ trên ghềnh đá ấy. Một vong hồn.Nếu cầu siêu và đem hoa tới cúng, nó sẽ không hiện ra nữa. Người ta mới kể rằng từ đó, mỗi năm, hoa cúc đã được đem đến trồng vào chỗ lõm trên ghềnh đá.
Đã ba mươi năm rồi, tôi không trở lại làng xưa. Dù suốt cuộc đời, mỗi năm tôi vẫn có dịp nhìn hoa cúc nở nhưng không hề nhớ lại khóm hoa trên ghềnh đá ấy. Dù vậy mùa thu năm nay, bỗng nhiên tôi có cơ hội đặc biệt để suy ra rằng ghềnh đá ấy phải là một cái tháp cúng dường hay một tấm bia mộ.
Tôi đã đi thăm nhiều ngôi chùa ở Kamakura để tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc trên đá của tiền nhân.
Tôi có lần nói với người ta:- -Di tích thời Kamakura nay sót lại trong thành phố kể ra không có bao nhiêu nhưng các bác không thấy phần lớn các di tích còn nguyên vẹn đều là những vật làm bằng đá hay sao? Chẳng hạn bảo khiếp ấn tháp (hôkyôintô) (4) của vị khai sơn chùa Giác Viên (Gakuenji) hay bảo khiếp ấn tháp nơi chôn vị trụ trì đời thứ hai, Ngũ Luân Tháp nơi chôn cao tăng Nhẫn Tính (Ninshô, 1217-1303) ở Cực Lạc Tự (Gojurakuji), cổng chào (torii) bằng đá của Thần cung Tsurugaoka Hachiman hay ngọn tháp vô phùng (muhôtô) (5) của Đại Giác thiền sư (Daigaku Zenji) chùa Kiến Trường (Kenchôji) đều được xem như quốc bảo của đời xưa (cựu quốc bảo). Còn những mỹ thuật phẩm trọng yếu thì có thể kể đến bảo tháp của Biệt Nguyện Tự (Betsuganji) nơi có bảo khiếp ấn tháp để tướng Uesugi Norikata (1335-1394) (6) có thể tu hành sau khi chết (7) và một vài nơi khác, hay bảo khiếp ấn tháp của Hôjô Shigetoki (1191-1261) (8) đều đã được chỉ định là di tích lịch sử.Lại nữa, hãy còn có các di tích bằng đá khác như bia Kurikara-itabi ở đền thần đạo Gosho (Ngũ Sở) hay ngọn tháp 7 tầng (Shichijuutô) của Uesugi Michiai hoặc tượng đá ngài Jizô (Địa Tạng) ở Tĩnh Quang Minh Tự (Jôkômyôji). Thời Kamakura rõ ràng là giai đoạn toàn thịnh của mỹ thuật đá.
Tuy nhiên, số người muốn đi dạo để có dịp thưởng thức những tác phẩm bằng đá này có lẽ không nhiều. Tôi đã sống ở Kamakura 15 rồi năm mà tận mùa thu năm nay, chưa bao giờ thấy mình có hứng thú. Phần lớn chúng đều là những ngôi mộ cổ.
- "Vì toàn là mồ mả!"
Tuy bảo chỉ là mồ mả nhưng đây là lần đầu tôi mới dạo bước để được nhìn chúng. Trong số bạn bè và kẻ quen biết của tôi, nhiều người đã qua đời. Sau khi mộ họ xây xong, tôi được thấy phần nhiều mộ đều làm bằng đá với đủ mọi hình dáng. Sau khi đứng trước mộ để hồi tưởng về người đã khuất, tự nhiên tôi lại quay ra suy nghĩ về cái hình thù bằng đá đang hiện ra trước mắt mình.
Trong đám bạn bè của tôi, đã có người xây một ngôi mộ dựa theo hình bảo khiếp ấn tháp cho bà vợ mất trước anh. Nghe nói bảo khiếp ấn tháp là do Tiền Hoằng Thúc đã mô phỏng hình ảnh Kim đồ tháp (9) để tạo ra. Vua dất Ngô Việt là Tiền Hoằng Thúc đã phỏng theo vua A Dục (Ashôka), người từng kiến tạo 8 vạn 4 nghìn tháp (10) bằng đồng và đặt vào đó Bảo khiếp ấn chú kinh rồi đem chia cho các nước. Một phần cũng đã được truyền đến Nhật.. Cái tháp tô vàng bé nhỏ (Kim đồ tháp) đầu tiên được tạo ra trên đất Nhật vào năm thứ 9 niên hiệu Tenryaku (Thiên Lịch) (955), còn như những di phẩm của bảo khiếp ấn tháp thì đến đời Kamakura mới thấy xuất hiện. Những tác phẩm đẹp đẽ dưới dạng bảo khiếp ấn tháp có thể nói chỉ có vào thời Kamakura mà thôi.
Nhân vì tôi sống trong cái thung lũng hơi nông (yato) của chùa Giác Viên (Gakuonji) ở Nikaidô (11) đã trên 10 năm nên có dịp đi thăm cùng khắp các ngôi chùa tại đây. Khi dạo chơi như thế, tôi đã được ngắm thỏa thích hai ngọn tháp nổi tiếng của ngôi chùa ấy. Thế mãi đến gần đây, tôi mới được biết ngọn tháp của vị tổ khai sơn cũng như ngọn tháp của vị tổ đời thứ 6 là Đại Đăng (12) hòa thượng là hai ngọn bảo khiếp ấn tháp lớn và đẹp nhất miền Đông (Kantô). Do hậu quả của trận động đất lớn năm Taishô thứ 12 (tức 1923), phần trên của ngọn tháp của vị tổ khai sơn đã bị đổ xuống, lúc đó mới thấy bên trong thân tháp có hai cái huyệt nhưng hình như chỉ một bên là có đặt di cốt.
Từ cửa sổ ô-tô-buýt khi xe vượt qua ngọn đèo Thập quốc (Jikkoku) (13), đôi khi tôi có nhìn xuống bên dưới con đường núi và thấy có ngôi mộ và ngôi tháp gọi là tục tháp(14) của Tada Mitsunaka (921-997) (15) Nó là một bảo khiếp ấn tháp thời Kamakura. Ngoài ra, ở vùng Shin Kyôgoku sấm uất của thành phố Kyôto, cũng thấy có ngôi mộ và tục tháp của bà Izumi Shikibu (16). Đó cũng là một bảo khiếp ấn tháp khác của thời Kamakura. Tháp cao 11 shaku 5 sun (khoảng 3, 8 m), trong khi đó ngọn tháp ở Giác Viên Tự trên 13 shaku (khoảng 4, 3m). Tuy vậy, nếu là bảo khiếp ấn tháp thì tháp khổ nhỏ có khi hoa lệ và tinh xảo hơn, lại có thể giúp ta biết đây là ngôi mộ dành cho phụ nữ.
Được sống trong thung lũng chùa Giác Viên nơi có những ngôi mộ đá (thạch mộ) đẹp nhưng mấy ngôi mộ đầu tiên mà tôi thấy là đẹp lại nằm trong khuôn viên chùa Đại Đức (Daitokuji) ở Kyôto. Tôi muốn nói đến bảo tháp mộ của Sen no Rikyuu (1522-1591)(17) và ngọn thạch đăng mộ của Hosokawa Sansai (1563-1645) (18). Bảo tháp và thạch đăng là vật mà hồi còn sống Rikyuu và Sansai yêu thích nên các ông đã lấy chúng làm mộ. Từ đầu tôi đã nhìn chúng như những món đồ được hai ông Rikyuu và Sansai cho là đẹp. Rồi có lẽ nhờ ở ảnh hưởng của trà đạo, tôi đã cảm thấy nơi chúng một sự gần gũi và tươi tắn chứ không coi chúng như những ngôi cổ mộ bình thường.
Thân tháp của ngôi bảo tháp Sen no Rikyuu có một chỗ như hình cánh cửa đục lõm vào bên trong .Khi nghiêng tai kề vào đó, nghe âm thanh tiếng nước sôi réo như ngọn gió tùng. Tôi bèn đút đầu mình vào. Cái mặt tôi gầy nên chỉ vừa đủ chỗ, khi rút đầu ra, xương má thiếu điều bị cấn vào đá.
Khi nghe hỏi- "Thầy có nghe tiếng ấm nước sôi lên không?"
- "Ờ nhỉ! Nếu mình nghĩ rằng sẽ nghe được tiếng gì đó thì sẽ nghe thấy mà thôi!"
Tôi mới bảo:- -Hình như Rikyuu rất yêu cái tháp đá này nên mới có truyền thuyết là ông đã ăn trộm nó từ sơn lăng của Thái thượng hoàng Nijô (Nijô-in) nằm dưới chân núi Funaoka (19)..
Sở dĩ có tư tưởng về bảo tháp là vì nó đã được nhắc đến trong Kiến Bảo Tháp Thập Nhị Phẩm của bộ kinh Pháp Hoa (Hokekyô). Truyện kể rằng khi Đức Thích Ca giảng kinh trên núi Linh Thứu thì từ dưới lòng đất, một bảo tháp bằng 7 loại ngọc quý (thất bảo) đã bắn vọt ra và bay lượn trong không trung.Từ bên trong bảo tháp trang nghiêm ấy, có tiếng nói vọng ra ca ngợi Đức Thích Ca. Ngài mới lấy một ngón tay phải để mở cửa tháp thì thấy Phật thân của Đa Bảo Như Lai đang ngồi tọa trên lưng sư tử. Đức Thích Ca bèn cùng chia phân nửa chỗ ngồi. "Lúc đó đại chúng thấy trong tháp làm bằng thất bảo có hai vị Như Lai đang ngồi kiết già trên mình sư tử, mọi người đều xin Phật dùng phép thần thông để cho họ được ngồi ở chốn cao xa và hư không như chư Phật. Thích Ca trả lời:- Đa Bảo Phật vốn ở trong bảo tháp, thường đi dạo chơi khắp nơi là vì ngài có nghe lời kinh này".
Vì vậy, trong trường hợp bảo tháp bằng đá, ở bộ phận của trục tháp - có khi là chính diện, có khi là bốn phía - đều có chạm khắc hình những cánh cửa. Trến tháp đá ngôi mộ của Rikyuu, chỗ khắc cánh cửa là nơi có hốc lõm. Tháp cao trên 6 shaku (khoảng 2 m), đục từ một tảng đá nguyên khối và có hình thù rất hiếm thấy..
Thạch đăng của Sansai nghe nói đã được cho mang đi theo mỗi lần ông phải lên phủ Chúa để hầu việc (sankin kôtai) (20). Dù sao, mộ của Rikyuu và của Sansai đều không phải là do các tay thợ đá (ishiya) làm ra sau khi các ông mãn phần. Chúng là những cổ vật đã được kiến tạo ra từ trước. Hai người lúc còn sống đã xem chúng như mỹ thuật phẩm họ yêu thích. Món đồ với vẻ đẹp mà họ từng thấy lúc còn sống đã được giữ nguyên hình dáng để trở thánh nấm mồ của họ. Đó là một cách thức xây phần mộ khá lý thú.Trung tâm của cái đẹp nơi phần mộ là hình dáng của tảng đá làm ra ngôi mộ (mộ thạch).
Có lẽ Rikyuu đã vẽ ra trong đầu cách thiết kế bảo tháp theo kiểu mình yêu thích. Thế nhưng, nếu ông trao bản thiết kế này cho thợ đá và bảo họ làm nên nó sẽ không thể nào được coi là một tác phẩm đẹp để dùng làm bia mộ cho ông. Không những chúng không bộc lộ được sức mạnh của thời đại ông sống mà còn in dấu vết những cái gọi là sét rỉ của thời đại ấy.. Tuy từ thời Momoyama (hậu bán thế kỷ 16), dựa trên sở thích của giới trà sư, các ngọn thạch đăng đã được chế biến theo nhiều hình thái khác nhau nhưng phải nói là sau thời Kamakura trở đi (thế kỷ 12 đến đầu 14), nghệ thuật của nó bắt đầu suy thoái và phong cách ban sơ đã không còn nữa. Những vị như Rikyuu phải chọn lựa những gì mình thích từ những tác phẩm mỹ thuật làm bằng đá từ đời xưa (có sức mạnh mà thời đại của ông không bì kịp) để làm mộ cho mình. Hành động của các ông bị coi như xa hoa và ngạo mạn một cách cùng cực nhưng đồng thời, cũng có thể được xem là thanh nhã và khiêm cung. Ngay người đời sau như chúng ta đây, khi đến chiêm bái mộ phần họ, sẽ phải cảm động sâu sắc biết bao khi đứng trước các ngọn bảo tháp và thạch đăng này. Thiết tha với bảo tháp và thạch đăng đến độ đem nó về để làm mộ mình thì ta có thể nghĩ rằng các vị đó đã quán triệt tất cả cái đẹp của cuộc nhân sinh, ngay cả một nấm mộ đá.
Thế rồi trong khi dạo bước để ngắm các mỹ thuật phẩm bằng đá ở vùng Kamakura, cái hiện ra đầu tiên trong óc tôi là ngôi mộ của Rikyuu và của Sansai.
Thấy tôi hay ngắm nghía những tấm ảnh trong tập tranh ảnh về mỹ thuật phẩm bằng đá, người trong nhà cũng ghé mắt vào và thấy phần nhiều là những ngôi mộ nên có hỏi tôi:- -Sau này ông muốn mộ mình như thế nào?
Tôi đã trả lời:- -Thì tôi đã mua sẵn mấy món cổ vật mà mình thích.
Hiện giờ đã có những tháp đá (thạch tháp) khá đẹp để làm mộ được đem ra mua bán như những món đồ mỹ nghệ. Nếu phải xây cho mình một nấm mộ thì tôi sẽ học theo cách của hai ông Rikyuu và Sansai, nghĩa là trong khi còn sống, đi chọn những món đồ mình thích. Tôi đã say sưa tưởng tượng đến cái cảnh đó. Chỉ cần nghĩ mình sẽ có một ngôi mộ làm bằng một thứ đồ mỹ nghệ cổ dù đó là đa bảo tháp, bảo khiếp ấn tháp, ngũ luân tháp, vô phùng tháp, hay cả thạch Phật hoặc thạch đăng...cái tình cảm khó chịu khi nghĩ đến việc đi xây mộ cho mình đã có phần nào nhẹ bớt.Người đến viếng thăm mộ sẽ cảm được cái đẹp.Tuy đó là cái đẹp tôi nhìn ra nhưng nó không phải là cái đẹp do tôi hay thời đại của tôi kiến tạo. Đó là cái đẹp mà bây giờ có muốn chế ra cũng không được nữa. Đó là cái đẹp mà Nhật Bản cổ đại đã truyền lại, nó nằm trong tảng đá mà cho đến nhiều đời sau, cũng vẫn còn đó. Bên trong sinh mệnh lâu dài của đá giữa dòng thời gian đang trôi, có cái sinh mệnh ngắn ngủi của tôi.
Những cổ mỹ thuật phẩm bằng đá thì cứ để nguyên thế mà dùng nên trên đó sẽ không khắc tên tuổi của tôi. Chỉ có những người biết đó là mộ của tôi mới hiểu. Ai không biết thì cứ đến đó, cảm thấy vẻ đẹp thanh u ấy rồi ra về. Cho dù chẳng còn lấy một người biết đó là phần mộ của tôi thì tảng đá tôi dùng để làm mộ vẫn đứng đó một cách đẹp đẽ. Được như thế, có lẽ tôi đã để lại cho đời một nét đẹp Nhật Bản.
Mấy chuyện sống chết và làm mổ mả sau đó không có gì đáng để suy nghĩ nhưng sau khi bạn bè và người quen biết, hết người này đến người kia, xây xong mộ mới, đầu óc mình có khi cũng thấy vướng bận. Ngay ngôi mộ của người từng nói là không cần mộ cũng vừa xây xong. Chuyện mộ phần trở thành một gánh nặng cho tôi nên có lẽ vì thế mà tôi cứ nghĩ ngợi không đâu về chuyện học đòi hai ông Rikyuu và Sansai.Nếu đợi khi chết rồi mới cho xây thì sẽ không bao giờ dựng được ngôi mộ đẹp. Đó là nỗi buồn đến giữa một thời đạo đức suy vi (matse).
Nghe một người quen buôn bán cổ mỹ thuật phẩm cho biết là có một cái tháp 13 tầng làm ra vào thế kỷ 13 thời Kamakura, cho nên tôi càng thêm hăng hái, nghĩ rằng tháp 13 tầng như vậy thì tốt quá vì sẽ cao vút và dễ thấy. Tôi mới nhìn thảm cỏ đang để mặc cho mọc loạn xạ trong khu vườn nhà mà nghĩ:- -Nếu dựng được cái tháp Kamakura 13 tầng ấy giữa khu vườn này, chắc mình sẽ không còn cần cái gì khác.
Nhưng tôi không nói rằng nó sẽ là ngôi mộ dành cho mình sau khi chết.
Lại tưởng tượng cảnh anh lái buôn cổ mỹ thuật phẩm trẻ tuổi đó chở nó trên một chiếc xe vận tải mà đem đến.
- -Thế nhưng dựng được nó lên khó lắm. Tháp cao đến 20 shaku (khoảng 6 m), phải làm một cái móng cao rồi mới nhấc tháp đá đó đặt lên trên.
Cho dù lấy cái tháp 13 tầng làm mộ, thì với chiều cao 20 shaku, nhìn từ xa cũng thấy, có hơi quá khổ đối với một ngôi mộ dành cho (cá nhân) tôi và có lẽ sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên.
Ngọn tháp vô phùng của vị tổ khai sơn Kenchôji (Kiến Trường Tự) là ngài Rankei Dôryuu (Lan Khê Đạo Long, 1213-1278) cũng như tháp vô phùng của ngài Mugaku Sogen (Vô Học Tổ Nguyên, 1226-1286) (21) có thể coi là hai ngôi mộ đẹp. Hai ngọn tháp bao gồm được cái vô hình vô tượng của vạn vật, cả thân tháp hình quả trứng đều có ý nghĩa sâu xa. Khi tôi tham dự vào những buổi trà đạo và được ngắm bút tích hai ngài Lan Khê và Vô Học thì hình ảnh của những ngôi mộ làm bằng tháp vô phùng lại hiện ra trong lòng tôi. Các tháp vô phùng của bao đời cao tăng chùa Giác Viên (Gakuonji) trên đầu có hình quả trứng và được sắp bên nhau.Về hình thù của mộ thì tôi tuy thích tháp vô phùng nhưng hình như tháp vô phùng nào đều là mộ cả.Vật được người xưa có lần dùng làm mộ, nay truyền tới tôi khiến cho tôi muốn tránh dùng lại nó làm mộ một lần thứ hai.Thế nhưng làm một cái tháp mới như vậy vào thời buổi này, có lẽ hình thù sẽ không sao coi được. Một lý do khác nữa là cái đẹp của tháp vô phùng đã đạt đến đỉnh cao nhất vào thời Kamakura mất rồi.
Như vậy, tôi là người có cái may mắn là được sống ở Kamakura để có thể tản bộ quanh các chùa và thưởng ngoạn các cổ mỹ thuật phẩm bằng đá. Ngày xưa ở Nhật không có kiến trúc bằng đá và mỹ thuật phẩm bằng đá cỡ lớn cũng không có nốt. Có thể nói đó là chứng cớ về sự yếu kém của văn hóa Nhật Bản. Khi tôi nhìn những ngôi chùa cổ ở Kamakura, kể cả các vật thể như vô phùng tháp, bảo khiếp ấn tháp, ngũ luân tháp, Địa Tạng thạch Phật, có bảo là thấy chúng thê lương hoang phế thì cũng không ngoa.Những tảng đá cổ như nấp dưới bóng núi, không có vẻ đẹp đập vào mắt ai. Thế nhưng khi hình ảnh của những tảng đá xưa cũ ấy đi vào mắt tôi thì cái sức mạnh của vẻ đẹp ẩn tàng trong đó như được truyền theo cùng, làm tôi cảm thấy mình gần gũi làm sao với một nước Nhật xa xưa.
Thế rồi sau khi ngắm những ngọn tháp vô phùng, trên đường về, chân tôi vừa dẫm lên những xác lá hồng (momiji), bất chợt lòng nghĩ đến những khóm cúc mọc trên bờ đá nơi quê nhà.
Nếu ghềnh đá đó được xem là là ngôi mộ của một người con gái chết không mồ mả thì những đóa cúc kia có phải là món đồ cúng cho nàng hay không nhỉ? Theo lời kể thì nàng là một người rất đáng thương, ngay cả danh tính cũng không có. Nàng là một thường dân sống trong núi và câu chuyện của nàng cũng rất đỗi bình thường .Nàng đợi một chàng trai dưới chân ghềnh đá và chết vì lạnh cóng. Chỉ có chừng ấy.
Làng tôi nằm trong thung lũng, dọc theo một con sông. Bên bờ sông, những ghềnh đá như thế không hiếm. Ghềnh đá trong câu chuyện thuộc loại lớn nhất trong đám, khi đứng dưới bóng nó, sẽ khó lòng bị ai bắt gặp. Dưới chân ghềnh có một vực sâu. Bóng của ghềnh đá trải rộng trên mặt vực nhưng không thể nào in hết lên đó. Sau khi đã mệt mỏi vì chờ đợi, người con gái lại leo lên ghềnh đá, có lẽ cô muốn ló mặt để nhìn về hướng con đường mà chàng trai sẽ tới. Gương mặt của hồn ma nhô ra trên ghềnh đá có thể là hình dáng của nàng lúc ấy. Nàng đã đứng bên trên cái hỏm của mặt ghềnh. Vì vậy mà hoa cúc mới được đem đến trồng ở nơi đó chăng?
Tôi bước ra khỏi cổng ngôi cổ tự nằm trên núi ở Kamakura vừa thả bộ dưới rặng cây tuyết tùng để xuống phía dưới. Tôi bèn trao đổi câu chuyện với vong hồn của người con gái đã nhô đầu ra trên cái ghềnh đá ở quê nhà:
- -Mái tóc dài của cô ướt cả rồi nhỉ? Không lẽ tóc cũng chảy nước mắt? Có phải nước mắt từ tóc rịn ra không cô?
-Có lẽ trận mưa pha tuyết (mizore) hôm qua đã làm nó ướt đấy. Em hạnh phúc khi đứng đợi người ấy. Lẽ nào em lại khóc.
-Đêm nay hình như tuyết cũng sẽ đổ xuống! Cô về nhà nhanh đi cho đỡ bị cóng. Giờ này anh ấy đâu tới nữa.
-Anh ấy bảo em cứ đứng đây mà chờ. Chỉ cần em chờ thì thế nào anh ấy cũng tới. Dù em có về nhà hay chăng, lòng em vẫn còn ở lại dưới bóng ghềnh đá này để đợi anh ấy. Bắt tấm lòng và thân xác rời nhau ra và để cho lòng phải băng giá một mình thì sao bằng cứ đứng ở đây, vì như vậy, em còn thấy ấm áp hơn.
-Cô cứ đứng chờ mãi như thế này ư?
-Anh ấy bảo em mỗi ngày hãy ra đứng đây mà chờ. Do đó, mỗi ngày em đều đến đợi.
-Cô đợi đã bao ngày mà anh ấy có đến đâu nào! Chân tay của cô đã lạnh cóng hết cả rồi. Thôi, hãy trồng hoa cúc trên ghềnh đá này để nó chờ đợi thay cô thì có tốt hơn không?
-Khi nào còn sống thì em còn đợi. Nếu em chết đi rồi, chắc là hoa cúc sẽ nở và đợi chờ thay em.
-Cho dù hoa cúc có đợi, chưa chắc anh ấy sẽ đến đâu đấy!
-Anh ấy muốn đến lắm chứ nhưng chắc có gì ngăn trở nên không đến được. Nếu như em đợi ở chỗ anh ấy dặn mình phải đợi, em có cảm tưởng như anh ấy đang có mặt. Giống như em vậy, cúc vẫn nở hoa, khoe hương sắc và không thay đổi dù người nó đợi có đến hay không.
-Thế nhưng mặt mày của cô đã thay đổi rồi đó. Nhìn cô, tôi thấy như đang chết cóng đến nơi.
-Mùa thu năm nay, hoa cúc có khô héo đi nữa, thu năm sau nó lại nở ra thôi. Nếu như hoa cúc thay thế được em thì em đã thấy hạnh phúc rồi.
Cái đầu của vong linh người con gái biến mất. Trong tôi, hình ảnh huyền ảo của hoa cúc lại hiện ra. Nơi ghềnh đá đó, tôi thấy tuyết bắt đầu rơi.
Cả ghềnh đá lẫn khóm hoa cúc đều được tuyết nhuộm trắng, không còn phân biệt đâu là hoa nữa. Thế rồi cả ghềnh đá, hoa và tuyết đều chìm vào trong màu tro xám của trời chiều.
Cứ thế mà cái ghềnh đá thiên tạo giữa núi non đã biến thành ngôi mộ của người con gái. Nghĩ về nó, tôi tự nhủ thầm không biết nó phải là cái tháp vô phùng (22) của nàng hay không bởi vì cái ghềnh đá to lớn đó cũng như vực sâu bé nhỏ kia đều không thấy nơi đâu có viết tên nàng.
Ngày xưa, ngài Nam Dương Huệ Trung, quốc sư bên nhà Đường khi được Hoàng đế Đại Tông hỏi về nguyện vọng sau khi chết thì ông đã trả lời:- -Xin ngài bảo người ta xây cho lão tăng một cái tháp vô phùng.
Sách Bích Nham Lục có nói về "hình thù cái tháp của quốc sư" (quốc sư tháp dạng), từ đó mới sinh ra kiểu nói "tháp vô phùng" (muhôtô, vô phùng tháp).
Tháp vô phùng là một cái tháp không có chỗ kết nối với nhau (nuime no nai) vì những chỗ đó mắt trần không sao nhìn thấy. Nó là cái tháp không có thực mà cả thiên địa vạn vật đều được bao gồm bên trong. Ngoài ra thân tháp còn có hình quả trứng. Có lẽ nó tượng trưng cho khái niệm vô phùng (23).
Trong nghĩa địa nhà chùa, nếu nhìn những ngôi tháp của thầy trụ trì các đời, ta sẽ thấy chúng được xếp bên nhau và tròn vo như đầu của chư tăng.
Tuy vậy, tháp vô phùng vẫn là sản phẩm do con người làm ra. Họ cắt đá và đẽo gọt sao cho nó có được cái hình tròn. Tảng đá trong thiên nhiên mới có thể xem là ngôi mộ vô phùng. Và ghềnh đá ở quê hương tôi chẳng hạn, là cái xứng đáng với cách gọi ấy. Phải chăng nó là ngôi mộ của người con gái không mồ mả? Chính ra cô gái cũng không mong chi đến một nấm mồ, hơn nữa chẳng ai có ý định đem đá xây mồ cho cô cả. Hòn đá thiên nhiên đã tự nó biến thành ngôi mộ cho cô đó thôi. Ngoài ra, còn phải hỏi xem "mộ vô phùng" là cái thứ gì nữa chứ! Dù có một "sinh mệnh vô phùng" (24) có lẽ vẫn không thể nào có một ngôi "mộ vô phùng". Nếu đúng như thế, ghềnh đá kia cũng tượng trưng được cho một "sinh mệnh vô phùng" đấy hay sao? Những đóa bạch cúc nở trên ghềnh đá hẳn là thế thôi.
Trong thế giới này, nếu vẫn có những đóa hoa nở và những ghềnh đá vươn lên cao thì tôi đâu cần xây cho mình một ngôi mộ để làm gì!
Có lẽ cả cõi đất trời trong thiên nhiên này, cả cổ tích về người con gái ở quê nhà, đều có thể xem như là phần mộ của tôi rồi. Lý do tôi thích dạo bước đi tìm mộ người khác và thưởng ngoạn chúng như những mỹ thuật phẩm bằng đá chỉ vì tôi là người hãy còn đang sống. Từ đó, tôi mới nhận ra rằng việc mình cứ mãi lo toan xây mồ xây mả cho bản thân quả là một điều ngu ngốc. Vừa suy nghĩ lan man như thế, trong ánh nắng chiều le lói, tôi rời khỏi nơi đó và bước về phía trung tâm Kamakura.
Dịch ngày 29/4/2021
Thư mục tham khảo:- Kawabata Yasunari, Iwa ni kiku (Cúc mọc trên đá) trang 289 đến 300
trong Tuyển tập truyện ngắn nhan đề Kataude (Cánh tay rời) do Azuma Masao tuyển từ các tác phẩm kinh dị của Kawabata,
Chikuma Bunko, Nxb Chikuma, Tôkyô , ấn bản lần thứ nhất năm 2006.
- Akizuki Ryômin, Ichi nichi Ichi Zen (Nhất nhật nhất Thiền) thoại 225 (Truyện Quốc sư Nam Dương Huệ Trung đối đáp vua Đại Tông về tháp vô phùng) trang 238-239.
Kôdansha Gakujutsu Bunko, Kôdansha, Tôkyô xuất bản, 2003.
(1) - Thành ngữ Nhật Bản Iwa ni kiku (Cúc mọc trên ghềnh đá) hay Iwa ni hana (Hoa mọc trên ghềnh đá) ý nói việc không thể có hay không tưởng tượng nổi.
(2) - Quyển từ điển về các loại khoáng thạch của Nhật với ảnh chụp theo màu sắc thiên nhiên kèm thêm lời chú dẫn.
(3) - Thành phố Kamakura cách Tôkyô vài giờ tàu điện là nơi Kawabata sinh sống trong chiến tranh và cả lúc viết tác phẩm này (1952)
(4) - Chữ hôkyô (bảo khiếp) có nghĩa là hòm rương báu. Tháp này chứa các bộ kinh đà la ni (thần chú) và được xem như tháp mộ, thường nằm trong khuôn viên nhà chùa và dành cho các nhà sư trụ trì đã quá cố. Xuất phát từ thế kỷ thứ 10 ở vùng Ngô Việt bên Trung Quốc, sau truyền vào Nhật. Ở Kamakura loại tháp mộ như thế rất phổ biến.
(5) - Còn gọi là Rantô (Noãn tháp) giống hình quả trứng tượng trưng cho bào thai nhưng lại có từ 6 đến 8 góc (lục giác hay bát giác), là loại thạch tháp thường dành làm nơi chôn các thiền tăng.
(6) - Võ tướng thời Mạc phủ Ashikaga, thay mặt nhà chúa cai quản miền Đông Nhật Bản.
(7) - Nguyên tác: gyakushu (nghịch tu) tức sám hối về hành động lúc sinh tiền.
(8) - Võ tướng thời Kamakura, nhân vật quan trọng trong tập đòan Hôjô, sau xuất gia.
(9) - Tháp tô vàng.
(10) - Vua A Dục là vị vua sùng Phật bên Thiên Trúc. Còn con số 84.000 ám chỉ vô số kinh.
(11) - Tên vùng đất ở Kamakura nơi Shôgun Yoritomo lập chùa để cầu hồn cho các chiến sĩ của ông chết trong cuộc chiến tranh ở miền Đông Bắc.
(12) - Tức Đại Đăng quốc sư (Daitô Kokushi), danh hiệu của Tông Phong Diệu Siêu (Shuuhô Myôchô (1282-1337), thiền tăng tông Lâm Tế (Rinzai) sống vào cuối thời Kamakura.
(13) - Ngọn đèo ở gần Kamakura cạnh biên giới 10 tiểu quốc (phiên) thời xưa.
(14) - Có lẽ là tháp mộ của người không xuất gia.
(15) - Trước có tên là Minamoto sau vì sống ở vùng Tada nên được lấy đất làm tên. Là võ tướng đời Heian trung kỳ, có công phò tá Thiên hoàng Seiwa.
(16) - Nữ thi nhân triều Heian, năm sinh và mất không rõ. Một trong 36 ca tiên thời trung cổ.
(17) - Sen no Rikyuu (Thiên Lợi Hưu) :Trà sư nổi tiếng nhất của Nhật. Sau vì làm trái ý Toyotomi Hedeyoshi, bị chủ nhân và cũng là người từng sủng ái ông buộc ông phải mổ bụng tự sát.
(18) - Tức Hosokawa Tadaoki: Sansai (Tam Trai) là Phật hiệu. Võ tướng thờ 3 đời thủ lãnh từ Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi cho đến Tokugawa Ieyasu. Ông là lãnh chúa vùng Kokura (trên đảo Kyuushuu)
(19) - Tuy gọi là núi nhưng chỉ là tên một ngọn đồi ở phía bắc Kyôto nổi tiếng là nơi ngắm tuyết (yukimi).
(20) - Chế độ chính trị của Mạc Phủ Tokugawa bắt các lãnh chúa dịa phương phải lên sống ở Edo một thời gian, tuy gọi là đi hầu việc nhưng cốt để nhà chúa bắt họ ăn xài tiêu tán tài lực và tiện bề kiểm soát như con tin.
(21) - Hai cao tăng thiền Lâm Tế từ bên nhà Tống đã đến Nhật hành đạo vào thế kỷ 13 thời Kamakura rất được Mạc phủ trọng vọng..
(22) - Vô phùng có nghĩa là "không thấy đường chỉ" qua hình ảnh của một tấm áo may khéo. Nhật có thành ngữ Ten.i muhô (thiên y vô phùng) để nói về một tâm hồn khả ái hay một nét đẹp tự nhiên, không son phấn hoa hòe.
(23) - Xem Bích Nham Lục, thoại nhan đề "Dữ lão tăng tác cá vô phùng tháp" (Hãy xây cho tôi cái tháp không do tay người làm ra). Cuối cuộc đối thoại, Hoàng đế Đại Tông nhà Đường mới hiểu là vị lão tăng muốn tiến cử Thiền sư Đam Nguyên, một đệ tử đạo đức thế chỗ cho mình (như một cái tháp sống) vì không cần dựng một cái tháp đá lưu niệm nhưng vô nghĩa sau khi ông chết.
(24) - Phải chăng Kawabata muốn nói đến những "thiên nhiên thể" tức mọi sinh vật có mặt trong thiên nhiên, dù chúng là con người, thú vật, đất đá hay cây cỏ và theo đó thì muôn vật, không có gì sinh ra và mất đi?
http://chimvie3.free.fr/84/nguyennamtra ... Da_084.htm