Doãn Quốc Sỹ - Thế Đấy! (*)

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Doãn Quốc Sỹ - Thế Đấy! (*)

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Doãn Quốc Sỹ - Thế Đấy! (*)



    Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và bạn bè thân hữu trong buổi lễ vinh danh và chúc thọ ông vào ngày 10/12/2022 tại Quận Cam, California. Hình https://www.doanquocsy.com/



    Hồi đầu 1970 một nhóm sinh viên văn nghệ ở Sài Gòn mời nhà văn Doãn Quốc Sỹ tới nói chuyện. Tiễn ông ra về rồi, mấy phút sau thấy ông quay trở lại. Ông cười hề hề, hỏi có ai dùng xe gắn máy đưa ông về nhà được không. Tại sao? Ông cười khà khà: “Mất xe rồi! Ai nó lấy mất rồi!”

    Cái xe “nội hóa” La Dalat ông vẫn lái đi giao những tác phẩm của ông và nhà xuất bản Sáng Tạo cho các tiệm bán sách. Cả một tài sản, và phương tiện mưu sinh cần thiết. Nó biến mất. Mà hồi đó ở Sài Gòn chắc không ai mua bảo hiểm để mất xe sẽ được đền! Mất xe, ông vẫn cười khà khà, như thể mới nghe ai kể một chuyện hài hước!

    Cả đời Doãn Quốc Sỹ vẫn cười khà khà, mắt không trợn lên, lông mày không chau lại. Không để cái được, cái mất, cái may, cái rủi làm động tâm. Thường ai cũng muốn tu tập công phu để đạt tới trạng thái này. Hình như Doãn Quốc Sỹ sống tự nhiên như vậy, không hề cố gắng. Ông viết cuốn Vào Thiền, tái bản nhiều lần. Bị cộng sản bắt bỏ tù, vào trong tù ông ngồi thiền. Quản giáo bắt đi nghe gì thì đi. Có gì ăn thì ăn, lúc nào được ngủ thì ngủ. Bị bắt lần thứ hai, vẫn như vậy, lại ngồi thiền. Thở vào, thở ra, nhẹ như mây bay, vững như núi đá.

    Khi Doãn Quốc Sỹ được trả tự do, qua Mỹ, tôi đến thăm ông ở Houston, Texas. Ông khỏe mạnh, hàm răng rất tốt vì mỗi ngày đều súc miệng bằng nước muối. Cả một nhóm khách cùng tò mò thăm hỏi nhưng ông chỉ nói mấy câu sơ sài về cuộc sống trong tù; hình như không thấy chuyện gì đáng kể lại. Ông ngồi nghe chuyện của đám bạn trẻ, và họ nói khá nhiều, hầu hết nói về thế giới người Việt ở địa phương. Tất nhiên, người ta kể chuyện các hội đoàn, các nhân vật nổi tiếng hoặc nhiều tai tiếng, kẻ khen, người chê, tranh nhau nói không dứt lời.

    Hôm đó, lần đầu tiên được ngồi lâu với ông, tôi mới nhận ra là Doãn Quốc Sỹ chỉ im lặng nghe, miễn cưỡng lắm mới nói, nói rất ngắn. Ông lúc nào cũng mỉm cười. Khi một người hướng về phía ông, nói lớn tiếng, ông chỉ đáp một câu, “Thế Đấy!” Đám bạn trẻ kể chuyện sinh hoạt ở Houston, hùng hồn phê bình người này người kia. Ông ngồi nghe, không buông một lời khen, chê, không bình phẩm, phụ họa mà cũng không bài bác. Nghe chuyện xấu hay tốt ông cũng chỉ cười, lâu lâu mới góp một lời, “Thế Đấy!”

    “Thế Đấy!”

    Nếu diễn tả dài dòng thì hai tiếng “Thế Đấy” nghĩa là gì? Ah, cuộc đời nó như thế đấy! Ah! Con người ta như thế đấy! Thế Đấy, ở đời cứ cái này nó sẽ sanh cái kia như thế đấy! Đúng, cái nghiệp báo của mọi người nó diễn ra như thế đấy!

    Doãn Quốc Sỹ nhìn cuộc đời với đôi mắt “Thế Đấy!” Nghe kể chuyện đời với đôi tai “Thế Đấy!” Cuộc đời chuyển động, lòng ông không lung lay.



    Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và nhà báo Ngô Nhân Dụng trong buổi lễ. Hình https://www.doanquocsy.com/



    Doãn Quốc Sỹ khiến chúng ta nhớ câu kệ của Trần Nhân Tông trong Cư Trần Lạc Đạo; một trong những bài văn suôi đầu tiên, theo lối “phú,” viết bằng chữ Nôm, tiếng Việt Nam. Cư Trần Lạc Đạo tức là sống ở trong cuộc đời, ở cõi trần tục, nhưng vẫn vui với Đạo. Đoạn cuối Cư Trần Lạc Đạo có bài kệ chữ Hán Việt, kết thúc với câu: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” Hiểu theo nguyên văn là: Nếu “đối cảnh vô tâm” thì khỏi cần hỏi đến thiền.

    Kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, ở đoạn thứ tư trong phẩm thứ nhất, bài kệ thứ 26 đã nhắc đến “Tâm không lay động.” Đối cảnh vô tâm, là đứng trước cảnh ngộ bên ngoài, dù nó biến chuyển thế nào thì lòng mình cũng không động: Không phê phán sạch hay nhơ, hơn hay kém, đẹp hay xấu, trái hay phải, không nổi lên niềm vui sôi nổi hay nỗi buồn rầu rĩ, không mừng hay giận tiếng khen ngợi hay lời chê bai.

    Mở đầu đoạn thứ bảy bài Cư Trần Lạc Đạo, Trần Nhân Tông viết:

    “Hãy xá vô tâm;
    Tự nhiên hợp đạo.”


    Vô tâm, là cái tâm trống trải. Tâm bỏ trống cho gió thổi qua. Trong hoàn cảnh nào cũng không để tâm mình xao xuyến. Những người theo học Bụt Thích Ca mong tu tập để có lúc đạt được trạng thái đó, dù chỉ trong một thời gian ngắn cũng đáng gắng sức công phu.

    Doãn Quốc Sỹ hầu như bẩm sinh đã mang sẵn một cái tâm kiên cố khó bị lay động vì hoàn cảnh. Ông có phước mang sẵn tấm lòng trống trơn, không cần phải cố gắng.

    Trong cuộc sống hàng ngày không biết ông tọa thiền lúc nào. Doãn Quốc Sỹ không báo trước khi ngồi xuống: “Tôi tập thiền đây;” hay là khi đứng dậy “Tôi ngồi thiền xong rồi.” Mỗi giờ phút trong đời sống của ông thể hiện một quá trình thiền tập. Đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, cởi dép, uống nước, nói năng, hầu như lúc nào ông cũng làm chủ thân và tâm. Đối cảnh, đứng trước cảnh ngộ biến đổi cách nào ông cũng có thể thốt lên một câu: “Thế Đấy!”

    Người mang tánh bẩm sinh như vậy chắc phải đã tu nhiều kiếp trước! Cha mẹ sanh ra đã truyền cho hạt giống tốt, tự nhiên không nuôi lòng tham lam quá độ, không nổi cơn giận dữ dễ dàng. Khi biết suy nghĩ thì tự thấy mình chỉ là một tập hợp tạm thời và ngắn hạn của ngũ uẩn, như tất cả mọi chúng sinh, nhờ thế không đeo một Cái Ta quá nặng trong đầu. Dứt trừ nhân ngã. Dừng hết tham sân. Như Trần Nhân Tông viết trong bài kệ Cư Trần Lạc Đạo:

    • Dứt trừ nhân ngã thời ra tướng báu kim cương;
      Dừng hết tham sân mới lảu lòng màu viên giác.


    Có lẽ tôi đã viết quá nhiều, nói quá lời, vì yêu mến, kính trọng Doãn Quốc Sỹ, không phải vì văn chương của ông mà vì cách sống, cuộc sống hàng ngày, bình thường, của ông. Không thể nói Doãn Quốc Sỹ là người “đối cảnh vô tâm.” Đó là một tuyệt đỉnh của công phu tu tập mà chúng tôi không dám thẩm định. Nhưng được gần gũi Doãn Quốc Sỹ ít lâu nay, tôi biết mình có thể học cách sống của ông, qua hai chữ “Thế Đấy!”

    “Thế Đấy!”

    Đứng trước bất cứ cảnh ngộ nào, nếu mình biết thốt ra tự đáy lòng hai chữ “Thế Đấy!” thì chắc cũng quý lắm rồi!

    Chú Thích: Bài kệ trong Cư Trần Lạc Đạo như sau:

    Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,

    Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

    Gia tung hữu bảo hưu tầm mịch,

    Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.


    (Ở cõi trần vui với đạo, tùy theo cơ duyên. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà đã có của báu, ngưng đi tìm kiếm. Đối cảnh vô tâm, khỏi hỏi đến Thiền).

    (*) Viết nhân sinh nhật thứ 100 nhà văn Doãn Quốc Sỹ

    Ngô Nhân Dụng


    Nguồn: https://www.diendantheky.net


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Trăm Tuổi Hạc Bố Sỹ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Trăm Tuổi Hạc Bố Sỹ





    Không biết con hạc ngoài đời có sống đến trăm năm tuổi không mà sao ông bà xưa ta lại hay chúc tụng nhau “Trăm Tuổi Hạc”. Chẳng hiểu, nhưng nhận thấy hình ảnh con hạc và cây tùng cỗi đại diện cho người cao tuổi sống lâu là đẹp. Nên tôi chọn con hạc để kính chúc bố Sỹ đạt được như thế.

    Bố Doãn Quốc Sỹ sinh năm 1923, nên năm 2022 này chỉ đạt TRĂM TUỔI đối với người châu Á chúng tôi, tính theo Âm lịch. Người Tây phương phải đến năm 2023 họ mới chúc mừng ông TRĂM TUỔI. Do vì lũ con cháu muốn bố sống dài lâu nên bố Sỹ trăm tuổi Ta, chúng tôi mừng bố. Sang năm bố Sỹ trăm tuổi Tây, chúng tôi lại mừng bố trăm tuổi nữa, có sao đâu!

    Bố Sỹ trăm tuổi nhưng vẫn khỏe, khỏe cả về thể chất đến tinh thần. Bố vẫn đi từng bước vững chãi mỗi sáng, đi bộ vòng quanh khu nhà ở. Khi Ông đi ông thích được nắm tay con gái để cảm thấy an toàn hơn vì đó cũng là cái gậy và cũng là con mắt của ông. Mắt ông kém lắm rồi, nay chỉ thấy mờ mờ bằng con mắt phải thôi. Thế nhưng không có con ông cũng đi, sợ gì! Ông mê đi nên cửa nhà quên đóng là ông lấy cớ ra ngoài lấy thư. Thư không có thì tiện chân ông đi thẳng. Cứ thủng thẳng chắp tay sau đít là ông đi, lần theo vỉa hè mà đi.


    Đi, Ông không sợ xe, xe sợ ông thì có. Có một hôm ông đã làm xe sợ vì ông cứ ngang nhiên băng qua đường mà không chờ đèn cho phép. Xe trờ đến và thắng lại kịp từ xa. Người con gái chạy theo khi không thấy ông quay vào nhà, kịp nhìn thấy cảnh ấy mà ú tim và trợn mắt nhìn. Hú hồn!

    Ông Sỹ có thể chất tốt của một người già trăm tuổi như vậy là do ông ăn được và ngon miệng. Ba bữa chính trong ngày, ông không bỏ bữa nào. Bữa sáng ông thường ăn cereal bỏ vào bát trái cây có sữa tươi. Trái cây trong bát có đủ màu, tức là có đủ vitamine cho nhu cầu một cơ thể. Ông ăn xong cái, húp sạch cả sữa, rồi mới đặt bát xuống bàn. Buổi sáng ông có hai viên thuốc trợ lực cho xương và chống già. Sao lại chống già? Thì viên thuốc đó nó giúp các tế bào trong cơ thể ông không được phép già như tuổi của ông, phải là tế bào của người trẻ!? Viên thuốc có hiệu nghiệm một chút ở chỗ tóc ông bị hói nay đã mọc lên khá dầy. Bên cạnh hai viên thuốc vô thưởng vô phạt, mỗi tối ông chỉ phải uống hai viên thuốc cho cái tiền liệt tuyến dở chứng của ông. Không một loại thuốc nào cho chuyện cao huyết áp, tiểu đường hay cao mỡ gì cả!

    Hai bữa ăn trưa và chiều, ông ăn vào lúc 12:00 trưa và 5:30 chiều. Thường khi các món ăn được thay đổi từ cháo, bún, mì, khoai tây nghiền và cơm… để ông dễ nhai và dễ nuốt. Thức ăn như thịt luôn được cắt nhỏ xíu xiu để ông khỏi phải nhai. Rau cũng vậy, cũng phải cắt nhỏ bỏ thẳng vào bát của ông. Nếu ăn cơm thì chan canh sâm sấp cho dễ nuốt. Ông không bao giờ bỏ dở thức ăn có trong chén của mình. Đó là bản tính từ trẻ, ông tuân thủ lời “đẻ”, mẹ của ông, “hạt cơm là hạt ngọc”.

    Về phần uống ông rất lười uống nước. Ông chỉ uống chất gì ngọt ngọt như sữa tươi khoắng đường, nước ngọt, và rượu. Do vậy, thường ngày sau bữa cơm, ông ăn đét se và ly nước lọc thì “dessert” ngọt luôn hết sạch trừ ly nước. Do vậy, cô em gái ngồi kế cạnh cứ phải dùng kế cụng ly với anh, thì mới hết ly nước. Phải đến vài ba lần cụng ly mới cạn.

    Một vài chuyện ngoài lề về cô em gái của ông Sỹ. Cô thua ông anh của cô những mười bốn (14) tuổi. Năm 1954 di cư vào Nam, cô vừa đậu xong bằng Thành Chung, nên được ông anh chọn đem theo cùng. Ông anh ý rằng để cô em học cho xong bằng Tú Tài thì vừa vặn Nam Bắc xum họp lại, lúc đó cô đã có mảnh bằng mang về dâng lên ông bà. Tính từ năm đó đến nay đã được sáu mươi tám (68) năm anh em có nhau. Anh luôn thương em và ngược lại em luôn ngưỡng mộ anh. Rồi đến khi chồng cô mất, cô và anh của cô luôn có nhau trong bữa ăn trưa và chiều. Nhờ thế cô mới có thể giúp anh nạp đủ nước vào cơ thể để máu huyết lưu thông dễ dàng.

    Về nết ngủ, ông Sỹ ngủ ngon lành và dễ dàng. Một đêm ông có thể đi tiểu vài ba lần, nhưng lần nào xong vào giường ông cũng ngủ lại ngay được tức thì. Ban ngày, sau bữa ăn sáng là giờ đi bộ tập thể dục, về đến nhà là ông lại có thể ngủ tiếp. Lần này ông ngủ ngồi, ông thích vậy. Ngủ ngồi sướng lắm, ông không phải bỏ giầy đi bộ ra, lưng dựa vào cái gối, đầu ngả vào thành ghế sa lông, tay buông xuôi hai bên người, thế là ngủ ngon. Có cả ngáy khọt khẹt nữa!

    Có khi cắc cớ, con gái hỏi ông có mơ thấy mẹ không thì ông trả lời “Bố con mình chẳng ai mơ thấy mẹ, chắc mẹ đã đầu thai kiếp khác rồi!”

    Con gái chăm bố cứ thường la lên rằng “Chưa ai chăm người già lại sướng như chăm ông Sỹ này!” Quả là vậy, ông tuyệt đối tuân thủ lệnh con. Con muốn bố ăn cái này thì bố ăn, con muốn bố uống cái này thì bố uống, con muốn bố đánh răng thì đánh răng. Tiết mục đánh răng này bố rất lười, lười từ thuở còn mẹ. Con gái đã quẹt kem vào để sẵn trên ly, thế nhưng ông lại len lén bỏ lại vào ly cắm bàn chải. Chỉ còn cách dúi bàn chải vào tay bố thì không trốn chạy đi đâu được. Bố đành đánh răng!

    Tiết mục tắm. Cách đây một năm, ông vẫn tự tắm lấy, tắm cả tiếng đồng hồ! Ông kỳ cọ kỹ lắm, nết này nó “run in the family”. Nó chạy trong huyết quản của bà, của hai cô em, người nào khi vào buồng tắm cũng phải cả giờ đồng hồ mới ra. Và kể từ ngày ông Sỹ bị mổ sa ruột, con gái không muốn ông tắm lâu nữa, nên xâm nhập vào buồng tắm để tắm gội và xối nước cho mau kết thúc cuộc tắm của ông.

    Người ta vẫn thường nói Thân – Tâm gắn liền nhau, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Do vậy, ông Sỹ đã có một thân khỏe mạnh thì tâm của ông cũng được khỏe lây. Có ai đặt câu hỏi “tâm phải an trước rồi mới có thân khỏe không?” Câu hỏi này người viết cũng đã từng hỏi, nhưng không có câu trả lời chính xác. Chỉ lấy kinh sách Phật ra thì thấy nó đồng hành và không tách biệt. Không trước, không sau.

    Tâm ông Sỹ đã từ lâu, dường như không còn “Tham, Sân, Si, Hận” gì cả. Ngay từ thuở trong tù cộng sản, hai lần tù, cũng không ai nghe ông thù ghét mấy người quản giáo. Ông Sỹ đã từng nói trong sách hay trong câu chuyện với mọi người “Mình bị tù còn có ngày về, chứ mấy người quản giáo này họ cứ phải gắn liền với nhà tù thì chẳng khác gì tù!” Vợ con những ngày sau này chớ hề nghe một chuyện gì về chồng và bố lúc ở tù. Có chăng chỉ nghe vài mẩu chuyện từ các bạn tù của ông mà thôi.

    Tâm ông Sỹ nay không có gì có thể làm nó gợn sóng lên được. Ngay cả cái vui ông cũng không vui quá thì lấy đâu cái buồn có cơ hội làm gợn lòng của ông?!

    Ngày Sinh Nhật Một Trăm Tuổi của ông con cháu tề tựu về, nhà náo động rộn ràng, ông biết đó chứ. Nhưng nào ai thấy ông hưng phấn nói cười như lũ con cháu. Ông vẫn điềm tĩnh ngồi ăn cùng cô em và con cháu. Chúng nó quây quần ca hát, chúc tụng ông, ông chỉ mỉm cười và tay nhịp nhịp theo tiếng đàn và tiếng hát. Cái vui của ông được phát ra đến tầm cỡ như vậy mà thôi.

    Thôi thì… chúng con mười sáu con và dâu rể, mười bốn cháu, sáu chắt, và toàn gia đình bên nhà cô Em của ông anh, đồng thanh chúc ông Sỹ “Trăm Tuổi Hạc”. Rồi từ đó, từ cột mốc này ông cộng thêm những năm sau, sau nữa vui cùng em, con, cháu, chắt. Người viết còn đang nghe vang nhiều lời chúc tụng từ bạn văn, bạn nhà giáo, học trò, bạn con, bạn cháu đang chúc tụng ông, ông có nghe chăng?



    California, ngày 6 tháng 2, 2022
    Doãn Tư Liên



    nguồn:https://www.diendantheky.net


              
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”