Trang 1/1

VĂN TẾ CỦA KHA TIỆM LY

Đã gửi: Chủ nhật 06/04/25 08:22
bởi Hoàng Vân
  •           






    VĂN TẾ CỦA KHA TIỆM LY
    __________________________
    PHẠM LƯU VŨ





    Kha Tiệm Ly là bút danh văn chương của ông, tên thật là Thái Quốc Tế. Cái bút danh làm tôi nhớ tới bài thơ của thi sĩ đất Kinh Bắc là Trần Ninh Hồ:
    • “Người suông tớp rượu nhạt
      Ngắm bình rạn, hoa ôi
      Gặp Kinh Kha bạn cũ
      Khoe cặp vé… khứ hồi”

    Thật là đủ “lục chủng” chán chường trong cuộc đời này. Ông kể bút danh Kha Tiệm Ly là do ông thầy dạy chữ Hán là cụ Trần Văn Huấn đặt cho, hiểu là hai chữ ghép từ Kinh Kha và Cao Tiệm Ly, người ôm đàn hát trên sông Dịch, để tiễn Kinh Kha vào đất Tần, “một đi không trở lại” cũng đúng, mà hiểu theo nghĩa khác, thì Kha là một thứ đá giống như ngọc, Ly là phương Nam, thuộc về hỏa, tức là mặt trời. Tiệm Ly là gần chạm mặt trời.

    Cái bút danh tưởng kiêu hãnh, song lại dự báo cho cuộc đời lận đận và chán chường, không thể chán hơn của một người tài hoa như ông. Sinh năm 1947, là một trí thức “làu thông kinh sử” và rất giỏi chữ Hán, sau biến cố 1975, ông bị chế độ mới cho đi “học tập cải tạo”. Oái oăm thay, do sức khỏe kém, nên “bị” (được) tha trước thời hạn, khiến ông không đủ tiêu chuẩn để thuộc diện HO, phải về SG bán vé số kiếm sống, suốt cho đến nay khi Cụ đã ngót nghét… bát tuần.

    Chế độ thế quyền đã không “dung” được ông, nhưng văn chương Lạc Hồng đã “thâu nhiếp” ông vào lòng. Tập Tuyển thơ Kha Tiệm Ly gồm 9 phần, đủ các thể loại, từ Văn tế, Phú, Hành, Tứ tuyệt, Đường thi, Xướng họa đạt đến trình độ kinh điển trong kinh điển, đến thơ uống rượu, thơ tự do, thơ tình… là những con chữ của tao nhân, là những cái tình của mặc khách. Một tâm hồn lồng lộng và dõng dạc, mà không hề “treo ngược trên cành cây”…

    Về văn tế, có lẽ từ cụ Đồ Chiểu xuất thần với kiệt tác “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, đến Kha Tiệm Ly, thì đất Nam bộ nói riêng, và cả xứ Việt thường nói chung, mới có những “Văn tế” đạt đến tầm kiệt tác và kinh điển của Kha Tiệm Ly.

    Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du của ông đoạt giải Nhất, nhân kỉ niệm 200 năm, ngày mất của Đại thi hào. Mở đầu bằng những câu:
    • “Gió dìu mây, mây phủ màu tang
      Sương chạm lá, lá rơi nước mắt
      Khóc người tuấn kiệt, núi thẳm ngậm ngùi
      Chạnh khúc đoạn trường, dòng sâu man mác…”

    Rồi khóc Tố Như, nhưng cũng là khóc cho tất cả những bậc tuấn kiệt của cả cõi Việt thường, ở cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, trong đó có ông:
    • “Kinh luân một bụng, đâu anh hùng, đâu tri kỉ, đường trần ai ngoảnh lại bơ vơ…”

    Có những câu mượn cảnh để tỏ người, giọng văn thật là dõng dạc và khí phách:
    • “Cạnh muôn hoa, vua mẫu đơn chẳng muốn tỏa hương
      Giữa bầy chim, chúa phượng hoàng đâu cần khoe sắc…”

    Có những câu đưa khả năng diễn tả của tiếng Việt lên hàng “pháp âm”, dẫu đến quỷ thần cũng lập tức hiểu ngay:
    • “Lẽ vô thường lại đùa cợt nhân sinh
      Đò ly biệt luôn đưa sầu vạn vật…”

    Rồi đến những bài
    • văn tế Uy Viễn tướng công,
    • văn tế anh hùng Thiên Hộ Dương,
    • văn tế đồng bào bị nạn Covid,
    • văn bia TNXP,

    trong tập có 6 bài, bài nào cũng hay và tuyệt hay. Đến mức có lẽ sau Kha Tiệm Ly, phải rất lâu, hoặc không bao giờ có người viết được tời cỡ như ông.

    Các thể khác: Phú, Hành, Tứ tuyệt… của ông, tôi sẽ viết sau, phải viết riêng cho từng loại mới xứng đáng.



    PHẠM LƯU VŨ
    https://www.facebook.com/khatiemly1252/ ... Ggyq7oPJdl