Post by Vi » Sun , 14 Nov 2021
Nắng Quảng Trị
_________________________
Tôn Thất Tuệ _ 2014
Đông Hà Quảng Trị 1969
Gió Lào thổi cháy cả tay kèm theo những hạt cát như tên bắn vào da. Hơi nóng ấy ở Quảng Trị tôi nghĩ đủ sức đập vỡ những phân tử tinh dầu trong những ngọn lá tràm hoang không chờ người cắt về nấu chưng cất thành một dung dịch xanh lục có tác dụng giảm đau nhức, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu tràm Dung ga Huế… Dân cư mắt bét vì cát tác quái lên phần da mỏng thín bên trong con mắt. Trên những truông những độn ấy, chỉ có những cây thấp, chặt về nhà lấp dưới vồng khoai lang cho xốp đất, hoặc bỏ vào chuồng heo đạp sau nầy làm phân. Những rừng chồi có sim, móc…Cây tràm nhỏ lắm không như cây tràm Cà Mâu dùng làm cừ cất nhà.
Dãy Trường Sơn dựng đứng như vách, biến vùng phía tây thành khu đại lục về phương diện khí hậu. Mặt trời mùa hè làm cho không khí căng ra như bong bóng. Hơi nóng từ bên Lào theo nguyên tắc trao đổi nhiệt lượng chạy qua khe núi như cái sấy tóc vào Quảng Trị tiếp giáp biển Đông. Thung lũng Bakerfield bắc thành phố Los Angeles cũng mang hình thái đại lục vì bị chấn ngang bởi một dãy núi ra tận bờ nước. Bầu “nhiệt tình” ấy hằng năm tặng cho Nam Cali lớp sóng nóng (Santa Ana Heat Wave). Nó không tác hại cho dân Mỹ vì điều kiện sinh sống đầy đủ, nhà cửa che kín, máy lạnh v.v…
Nhưng với Quảng Trị thì khác. Gió Lào, nó rất lào!, nó đến kèm theo cát bụi và nhất là không thổi cơm được, không thể nhóm lửa. Phải nấu cơm từ khuya, lúc ấy nhiệt độ đại lục xuống thấp, không khí teo lại chờ mặt trời mới phình trương mà đi xuống Quảng Trị.
Trong nắng trưa hè, khoảng 1970 tôi đi qua mảnh đất nghèo xác xơ ấy, tháp tùng bộ trưởng Xã Hội và hai hay ba nhà ngoại giao Âu Châu trong nhiệm vụ thanh sát đời sống của dân di tản các làng nay thành trận mạc. Đoàn thanh tra được hướng dẫn bởi ông trưởng ty địa phương và các nhân viên tòa tỉnh. Đi được một hồi, đột nhiên ông vội vã đưa tay mời đoàn người đổi hướng.
Bên hẻm không người đi
một mái tranh trên cát bều xều như ở bãi biển
một thiếu phụ, duy nhất một người, nói lại chỉ một người
không có áo tang, chỉ có vành khăn trắng,
trên cát bều xều,
trong tư thế nửa ngồi nửa nằm sấp,
bà khóc.
Hai tay bấu vào nền cát như đang xoa bóp lưng ai.
Trong cái u ám của lòng người và ngoại cảnh tiêu điều
có hai màu rực sáng: màu vàng và màu đỏ.
Lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ trên một quan tài.
Túp lều trống vốc, ngoại cảnh, nội tâm
đều nằm hoàn toàn trong quyền thống trị
của ba hiện hữu liên hệ mật thiết dính bó với nhau:
quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ
thiếu phụ vọc đất,
lon sữa bò có cắm mấy chân nhang đỏ.
Bịt mắt bắt dê
__________________________


Enchi Fumiko (1905 – 1986) nữ văn sĩ Nhật xuất thân trong gia đình khoa bảng, từ nhỏ đã đọc văn chuơng, xem kịch kabuki, lớn lên viết kịch. Năm 1930 bắt đầu viết tiểu thuyết, truyện ngắn, nhưng chiến tranh đã làm cuộc đời thay đổi. Năm 1945 nhà bị cháy rụi bởi không kích và năm sau bà bị mổ ung thư tử cung, rồi trải qua nhiều biến chứng, mãi đến 1949 mới viết lại. Truyện Omnazaka (Những Năm Chờ Đợi) đoạt giải Noma 1957. Bà viết nhiều truyện đuợc khen ngợi, được giải thưởng Tanizaki 1969, và lại còn bỏ công dịch sang kim văn truyện dài cổ văn The Tale of Genji. Năm 1985 bà đuợc trao tặng huân chuơng văn hóa cao quý Bunka Kunsho.
Mặc dù viết nhiều loại truyện, nhưng bà chú trọng đến đặc tính cơ bản của phụ nữ trong bối cảnh xã hội cũng như quan hệ cá nhân, đặc biệt là dục tính nữ giới với những biểu thị mạnh mẽ, đôi khi khó hiểu. Mekura oni (Bịt Mắt Bắt Dê, 1962) bao gồm cả hai mặt trên: mô tả cuộc đời một nguời con gái mẹ là kỹ nữ, mà phần vì hoàn cảnh và phần vì cá tính, khi lớn lên đã chọn theo con đuờng của mẹ.
(Phạm đức Thân dịch từ bản Anh ngữ Blind Man’s Buff của dịch giả Beth Cary.)
Mưa nhẹ đang rơi đêm cuối tháng Mười Một thì tôi nhận đuợc điện thoại từ nhà của cô em ở Kyoto. Chủ nhà – Ichiko, em cùng cha khác mẹ – hai ngày truớc nói đi Osaka, mà đến nay vẫn chưa về.
Cũng tình cờ, Kinu, u nguời làm truớc đây của chúng tôi, đã biết Ichiko từ hồi nhỏ, đang đến thăm qua đêm tại nhà tôi. Cho nên tự nhiên là sau khi tôi gác điện thoại tôi bảo u điện thoại về chuyện gì.
“Ô, cô Ichiko ở Kyoto, ” Kinu nói, và ngưng giây lát. Rồi u bật cuời. “Cô ấy nên qua cái tuổi bỏ nhà đi.”
“Đúng vậy,…nhưng đó là điều ông Kajita sợ rằng cô ấy đã làm.”
Ông Kajita là tu sĩ truởng của ngôi đền mà Ichiko đã thuê đất để mở nhà hàng chay kiểu nhà Phật. Ichiko là vợ ông theo tập tục sống chung không hôn thú. Tên cô không ghi trong sổ gia đình, nhưng mọi gia đình thành viên của đền công nhận tình trạng này.
Có lần cô bảo tôi tại sao cô không ghi tên vào sổ. Không phải vì giáo lý cấm Kajita lấy vợ. Ông ngần ngại chuyện này vì ông sợ đạo hữu của đền ông có thể không chấp nhận Ichiko do bởi cô đã từng là geisha; và chính Ichiko cũng không muốn gia nhập đền và đuợc coi như vợ ông.
“Nhưng thưa bà, cô Ichiko chỉ kém bà một tuổi. Nay cô hẳn đã 52.” Kinu tiếp tục băn khoăn về tuổi của Ichiko.
“Dù 52 hay 53, nguời ta ngày nay khác ngày xưa. Chẳng còn nhiều phụ nữ không ngại độc thân và khô cằn nhăn nhúm như tôi,” tôi nói.
“Thưa bà, dĩ nhiên tôi biết bà và cô Ichiko khác nhau. Nhưng không thể có một lý do nào để cô bỏ nhà.đi. Họ nói tiệm cô rất đông khách.”
“Chính thế. Ngay vừa rồi khi điện thoại, ông Kajita nói ông không thể hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Ông nói cô rời nhà hai ngày truớc, bảo rằng cô sẽ ở lại đêm với một nguời bạn tại Osaka. Cho nên hôm qua cô không về họ không nghi ngại gì. Sáng nay khi cô vẫn chưa về, họ mới gửi điện tín – bạn cô hình như không có điện thoại – và biết ra cô không hề có mặt ở đó. Lúc ấy họ mới bắt đầu lo lắng và gọi đây xem cô ấy có thể tới Tokyo chăng.”
“Ừ, nghe có vẻ hơi lạ.”
Lần đầu tiên Kinu bắt đầu tỏ ý nghi ngại.
Mặc dù Ichiko và tôi sinh khác năm, ngày sinh của chúng tôi chỉ cách nhau có 6 tháng, tôi tháng Muời Một và cô tháng Năm sau. Điều này cho thấy chúng tôi không thể cùng mẹ. Tôi là một trong những đứa con của cha hoạt động chính trị và mẹ là vợ chính thức của ông, trong khi mẹ của Ichiko là một geisha ở Yoshi-cho.
Tôi không biết hoàn cảnh thế nào, nhưng theo tôi nhớ lại đuợc, Ichiko đã luôn luôn sống với chúng tôi ở Ichigaya như nguời trong gia đình và đuợc nuôi duỡng như em gái tôi. Chúng tôi cùng nhau đi học từ tiểu học lên trung học tại truờng phụ thuộc của Truờng Sư Phạm Nữ Cao Cấp Ochanomizu. Tôi là một cô gái nhan sắc trung bình, và trên đuờng đi học không ai chú ý nhiều đến khuôn mặt vừa mới cọ rửa sạch sẽ của tôi. Mặc dù họ bảo chúng tôi trông giống nhau, từ khi Ichiko lên 12 hay 13, khuôn mặt cô đã bừng lên như một nụ hoa mầu tuơi sáng. Có một nét duyên dáng hấp dẫn không thể tả đuợc trong vẻ đẹp quanh mắt và miệng cô.
Trong khi cô đang trên xe lửa đến trường hoặc về nhà, đám con trai đôi khi tuồn thư tình vào ống tay áo kimono của cô. Cô có cho tôi thấy một hai bức. Cái kiểu chú ý này có lẽ là một trong những điều đã khuyến khích Ichiko cảm nghiệm sớm hoan lạc. Mùa xuân, bắt đầu vào lớp chín, cô yêu mê mệt một bạn của anh tôi đang là sinh viên Đại Học T, và cô bỏ nhà theo anh ta,
Cuộc tình kết thúc đột ngột bất ngờ. Sau chuyện này, vì có thể tác dụng xấu trên các trẻ khác, Ichiko đuợc gửi trả về sống tại nhà mẹ ruột. Một hai năm sau cha tôi qua đời. Tới lúc đó mẹ Ichiko đã trở nên một trong những geisha độc lập nổi tiếng trong vùng, duới tay có vài geisha trẻ. Bà là một phụ nữ khôn ngoan và bề ngoài rất hòa thuận với mẹ tôi.
Cho dù sau khi đã bị đưa ra khỏi nhà, Ichiko vẫn muốn thân thiết với tôi. Thỉnh thoảng cô viết thư, mời tôi đến khu phố cô. Lúc đó tôi là sinh viên của Truờng Anh Ngữ Tsuda. Lẽ ra bực bội, giận hờn Ichiko lại hãnh diện về tôi. Bây giờ khi tôi nghĩ đến chuyện này tôi thấy hơi lạ; nhưng tôi thuờng nói dốí mẹ, bảo bà rằng tôi đang tới nhà bạn. Thay vì thế, tôi thuờng gặp Ichiko duới Cầu Azuma. Từ đây chúng tôi lấy xuồng máy hơi nuớc tới Vuờn Hyakkaen hoặc Đền Shiharige và thả bộ quanh vùng.
Ichiko chưa trở thành geisha, nhưng cô làm kiểu tóc bới cao như geisha tập sự, mặc kimono sọc mầu sáng, và thắt dải lưng đỏ hoa văn khác nhau. Tuơng phản giữa dáng vẻ cô và tôi – một cô gái trung lưu bậc trên, tóc rẽ đuờng ngôi bên – hằn phải có vẻ kỳ cục khó tin. Chúng tôi thuờng bị trêu ghẹo bởi các thủy thủ tầu chở hàng và các nhân công nghỉ để hút thuốc. Chúng tôi tản bộ dọc sông Sumida vì tôi hồi đó là độc giả hăng say của Nagai Kafu và bị ấn tuợng bởi các truyện Sông Sumida, Vườn Mẫu Đơn, Truyện Đêm ở Shinbashi, và những truyện khác của ông mà bối cảnh là khu ăn chơi. Nó khơi nguồn cho tôi hãnh diện có một cô em xinh đẹp cùng cha khác mẹ, từ cái khu cổ kính lãng mạn đó của Tokyo.
Rồi tôi tốt nghiệp trường sư phạm, lấy chồng, và không bao lâu sau chồng tôi được phái qua Mỹ làm viên chức ngân hàng, và chúng tôi di chuyển đến New York. Bốn năm sau con trai tôi chết bệnh. Dù bằng mọi cách chúng tôi không thể hòa hợp và tôi dùng đó như một cái cớ để ly dị chồng, và trở về Tokyo. Vì tôi không muốn tái hôn, tôi trở lại với mẹ và sống với bà cho tới lúc gần đây khi bà qua đời.
Tôi sống đời bình thuờng đều đặn dạy Anh ngữ. Nếu thỉnh thoảng có bứng lên sáng sủa bất ngờ tô điểm vẻ đều đều đơn điệu thì đó là do Ichiko mang lại. Ngay như mẹ tôi hồi còn trẻ đã coi Ichiko như một phiền toái, đã trả cô về mẹ ruột, nhưng nay cũng đã trở nên yêu thuơng cô hơn hẳn các con dâu. Bất cứ khi nào Ichiko đến thăm, Mẹ thuờng chăm chú nghe Ichiko mô tả những biến chuyển của đời cô cũng như đời các bạn cô.
Trong khi tôi ở ngoại quốc, Ichiko trở thành một geisha trẻ trong cơ ngơi của mẹ cô và bắt đầu giúp vui trong các bữa tiệc. Cô đẹp lộng lẫy và có tài đối đáp. Cô cũng may mắn có mẹ huớng dẫn mọi chuyện. Mặc dù cô không đuợc huấn luyện nghệ thuật giải trí bắt đầu từ hồi còn nhỏ, nhưng không có gì gợi ra cô có thể là một geisha buông thả. Sau ba, bốn năm làm geisha hạng nhất, Ichiko trở thành tình nhân của Katsuyama Kijuro, một đại lý hàng đầu trong giới mỹ thuật..Ông ổn định cuộc sống cho cô trong một ngôi nhà ở Takagi-cho tại quận Aoyama. Vì tôi sống ở Zaimoku-cho tại Azabu gần đó nên Ichiko thuờng đến thăm tôi. Chính vào thời gian này Mẹ và Kinu biết Ichiko khi đã truởng thành.
Katsuyama là đại lý mỹ thuật buôn bán chính các tranh Nhật. Gia đình ông nghe nói là những nguời cho vay tiền duới thời Edo, cho nên bản năng thích bảo trợ có thể nằm trong huyết quản ông. Ông thích hỗ trợ những gia đình họa sĩ trẻ và những tài năng mới chưa đuợc biết đến, coi đây hầu như là một thói quen giống đánh bạc, và đã phung phí một số tiền lớn vào thú vui này.
Các họa sĩ đó tụ tập tại nhà Ichiko, và vì Ichiko hiểu rõ Katsuyama, cô chăm sóc họ chu đáo. Trong nhà Ichiko chỗ tắm luôn luôn sẵn sàng, ngay cả từ buổi sáng, và tới bữa cơm thức ăn ngon đuợc dọn cùng với bia. Thảo nào nhiều họa sĩ hội tụ ở đây.
“Thật ngạc nhiên ông ấy không ngại gửi các thanh niên lôi thôi lếch thếch đến cô để chăm sóc. Thuờng thuờng đàn ông có gái bao còn không thích cả thân nhân gia đình của nguời tình quẩn quanh chỗ ở của họ.”
Những lần nghe mẹ tôi bình phẩm như vậy tôi cảm thấy thích thú. Mẹ đã học kinh nghiệm về đàn ông từ cha tôi, ông tằng tịu với geisha trong khi giả vờ trung thành với bà. Vì tôi sống đời hôn nhân chỉ có ba bốn năm trong khi ở ngoại quốc, tôi sẽ không bao giờ mơ có thể bình phẩm như thế.
Nhưng Ichiko chỉ mỉm cuời, để lộ hơi lúm đồng tiền trên má. Những ngày này bất cứ khi nào tôi thấy khuôn mặt Ichiko tôi cảm thấy da má cô mềm và mịn, sờ vào sẽ gợi hoan lạc như khi sờ vào trái chín. Phụ nữ trí thức, dùng đầu óc để sinh sông, không bao giờ đuợc diễm phúc hoan lạc như thế.
“Thưa mẹ,” Ichiko nói (lúc này Mẹ không còn ngại Ichiko xưng hô kiểu đó), “Không có vần đề gì cả. Katsuyama tin tuởng con. Ông nói con không phải là loại đàn bà cuồng si đàn ông. Các họa sĩ tụ tập ở nhà con, cách này hay cách khác, có bị con hấp dẫn. Katsuyama hình như lại hài lòng khi thấy họ thăng hoa cái hấp dẫn của con thành đam mê trong công việc. Con có lần tức giận và lên án ông đã dùng con để khơi dậy cái đam mê đó. Nhưng con không thể tranh luận với Katsuyama. Ông nghĩ mỗi nguời như là vật liệu để cho tranh tốt đẹp. Con nghe nói tình nhân truớc của ông đã bỏ đi với một họa sĩ.”
“Điều gì đã xẩy đến cho họa sĩ đó? Anh trở nên thành công?”
Ichiko lắc đầu, “Không, anh không bao giờ thành đạt. Hình như hiện giờ anh đang ở đâu đó trong Kyushu sơn vẽ cho nhà hàng và khách sạn.”
“Vậy thì ông Katsuyama đã thất bại hoàn toàn với họa sĩ đó. Nguời tình của ông còn bị cuỗm mất, và nếu các tranh cũng chẳng giá trị gì, ông ta mất cả chì lẫn chài.”
“Không, trái nguợc hẳn, mất nguời tình lại đem đến một kết quả khác thuờng,” Ichiko vừa nói vừa cuời. “Có một họa sĩ đã trở nên thực sự nổi tiếng qua Nhà Triển Lãm Nitten và hiện giờ còn là một trong những giám khảo của Nhà – họa sĩ phong cách Nhật Bản tên Hirade Shusai. Họ nói anh là nguời tài năng hứa hẹn nhất đuợc Katsuyama đỡ đầu. Ừ, anh đã phải lòng nguời tình của Katsuyama. Anh không nói gì về chuyện này, nhưng nàng đã từ chối anh và bỏ đi với họa sĩ kia. Mẹ không thể biết đuợc tâm tư của nguời đời, nhưng sau vụ đó phong cách của Hirade phát triển nở rộ. Mẹ biết không, giờ hầu như không thể mua tranh của anh nếu không qua Katsuyama. Chúng đã trở nên những thứ đem lại nhiều lợi lộc….Cho nên mẹ không thể bảo Katsuyama đã bị thua lỗ.”
Có một phần sự thật trong điều cô nói. Katsuyama quả có dùng Ichiko như một con mồi trong công việc. Ichiko bảo cô để cho mình sống cuộc đời như vậy vì cô bị lôi cuốn bởi cách Katsuyama dùng nguời như con súc sắc trong trò chơi cờ bạc lạ lùng. Một phụ nữ chỉ 27, 28 mà lại chọn kiểu sống này thì theo tôi có vẻ hơi quá tính toán. Nó có vẻ hư vô một cách kỳ lạ thế nào ấy. Đang thời trổ mã xinh đẹp, làm sao Ichiko lại có thể hài lòng sống trong một thế giới mà sô phận con nguời bị tung hứng như thế? Cho dẫu cái thao túng này có vẻ như là chỉ vì lợi ích nghệ thuật, nó vẫn hình như lạ lùng, không tự nhiên. Và mặc dù chúng tôi có liên hệ với nhau, tôi cảm thấy không thể hỏi cô cặn kẽ hơn.
Mẹ và tôi gặp Katsuyama thời kỳ này. Để thêm tiền tân trang một phần căn nhà, qua Ichiko chúng tôi nhờ cô hỏi xem Katsuyama có muốn mua vài tranh cuốn của Hoitsu và Buncho. Ông mời chúng tôi ăn tối chính thức ở một tiệm Nhật tại Azabu để cám ơn chúng tôi đã bán cho ông những tác phẩm giá trị. Dĩ nhiên Ichiko cũng tham dự.
Trên đuờng về nhà Mẹ nói với nụ cuời nuối tiếc, “Ông Katsuyama yêu Ichiko, nhưng ông yêu kinh doanh hơn. Nhiều chính trị gia cũng giống thế. Họ có thể dốc lòng dồn hết chú ý vào một phụ nữ, nhưng nếu cần thiết cho công việc, họ có thể dễ dàng nhuờng nguời đàn bà quý giá đó cho nguời khác.”
Khi nghe Mẹ nói vậy tôi hoàn toàn không hiểu hết bà muốn nói gì. Nhưng sau này nghĩ tới nghĩ lui tôi mới nhận ra rằng bà hẳn đang phản tỉnh điều bà học đuợc qua kinh nghiệm với Cha. Từ viễn cảnh này, tôi có thể hiểu rằng có lẽ Ichiko chịu sống với Katsuyama già tuổi hơn cô nhiều vì tiềm thức cô mong muốn có một hình ảnh nguời cha.
Trong thời gian hơn 10 năm Ichiko là nguời tình của Katsuyama và là chủ căn nhà dùng làm chỗ tụ tập cho các họa sĩ trẻ phong cách Nhật còn trong bóng tối, tôi chưa bao giờ nghe đồn đại Ichiko tai tiếng dính líu lãng mạn với ai trong bọn họ. Tôi cũng không hề nghe có vấn đề gì giữa Ichiko và Katsuyama.
Katsuyama chết vì ung thư dạ dầy 2 hoặc 3 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Ông di chúc để lại cho Ichiko căn nhà ở Takagi-cho, và cô tiếp tục điều hành đại lý mỹ thuật. Thời gian sống với ông, cô đã học thành thạo công việc. Một số ít họa sĩ đã thành đạt duới sự bảo trợ của Katsuyama, và hầu hết bọn họ tiếp tục huởng lợi ích nhờ ảnh huởng của Ichiko. Mặc dù liên kết với nhà chính của Katsuyama dĩ nhiên bị cắt đứt, nhưng kinh doanh ở Takagi-cho vẫn đuợc hỗ trợ qua những mối liên hệ cá nhân của Ichiko. Cũng như Ichiko đã làm khi Katsuyama còn sống, Ichiko có những họa sĩ trẻ ra vào nhà cô nhưng cô không quan hệ thân mật với ai trong bọn họ. Cô hình như đã tiếp thu hoàn toàn kiểu thao túng của Katsuyama và vẫn dùng các họa sĩ này như những con chốt trong kinh doanh.
Ichiko lúc này đã quá 40. Cô đã chín mùi, trở thành một phụ nữ chín chắn, thân hình nẩy nở, vai tròn căng và bộ ngực không có dấu hiệu gì là trung niên. Cô thích mặc kimono vải dệt cứng Yuk hoặc Shiozawa, làm bằng chất liệu không bám sát vào nguời. Cô hình như không biết rằng vật liệu như thế càng làm cô thêm quyến rũ.
“Tôi quan tâm tất cả cho công việc. Tôi đã nghỉ chơi thôi làm phụ nữ,” cô thuờng nhấn mạnh. Và với vẻ bạo dạn, cô một hơi nốc cạn ly bia.
Cô tiếp tục cuộc đời nữ đại lý mỹ thuật đuợc bao lâu?
Hẳn phải đã 6 hay 7 năm rồi từ khi cô thình lình đóng cửa doanh nghiệp, trả lại gia đình Katsuyama các họa phẩm cô đang nắm trong tay, và tuyên bố sẽ về Kyoto sống ẩn dật.
Sau chiến tranh tôi bận rộn với việc dạy Anh ngữ và tôi ít có dịp hơn để nói chuyện lâu với Ichiko. Khi Ichiko bảo tôi cô sắp dọn về Kyoto thì Mẹ mới chỉ vừa mất truớc đó. Buồn phải chia tay nhau, Ichiko và tôi hàn huyên mãi sau lễ cúng 27 ngày mất của Mẹ.
“Tại sao cô đóng cửa doanh nghiệp giữa lúc cô đang có một số khách hàng tốt thuờng xuyên và nhân viên đã rành nghề?” Tôi hỏi.
Chúng tôi đang ở trong phòng có trưng bầy hình Mẹ. Khi cô ngồi đối diện tôi qua bàn, Ichiko rơi vào thói quen cũ là vén lớp ngoài của kimono đang che phủ hai đầu gối mập tròn và qua hàng mi liếc nguợc lên nhìn tôi.
“Ừ, tôi cũng đã có suy nghĩ một chút, và nhận ra rằng, sau cùng đây là công việc của đàn ông. Nếu Katsuyama còn sống – cho dù ông có bị bại và nằm liệt giuờng – kinh doanh vẫn có thể tiếp tục đuợc. Nhưng không thể nào một phụ nữ đơn thân có thể đảm đuơng việc này.”
“Hóa ra lại như vậy sao? Thật khó cho một nguời không kinh nghiệm như tôi hiểu đuợc nó thế nào.”
Sau khi nói thế, tôi quay nhìn hình Mẹ và thuật lại cô nghe nhận xét của bà về tính cách của Katsuyama
“Thật vậy sao? Bà nói thế quả là nguời hiểu biết. Dĩ nhiên bà đang nói về Cha….Đúng vậy, mẹ của tôi (bà mất sau khi Katsuyama bắt đầu bảo bọc Ichiko đuợc ít lâu) bảo tôi rằng khi Cha đem tôi về nhà chính, ông tạm thời gán bà cho một chủ tịch công ty thuơng mại muợn, để ông này chi trả phí tổn chiến dịch vận động của Cha. Giao dịch này có lẽ hơi đơn giản hơn kế hoạch của Katsuyama. Có thể tôi đã chịu một ông già hơn tôi nhiều mà không thấy phản cảm vì cách nào đó ông làm tôi nhớ đến Cha,”
Ichiko thở dài thật sâu và nói, “Gần đây, tôi đi đến nhận định rằng mọi chuyện trên đời, đặc biệt là quan hệ nam nữ, giống như trò chơi bịt mắt bắt dê. Nguời đóng vai “nó”, con quỷ, bị khăn bịt kín mắt, không thể nhìn thấy gì. Các nguời khác vỗ tay trêu chọc, hấp dẫn nó, nhưng đuợc tự do chạy quanh ra xa nhờ vẫn có thể nhìn. Cho nên họ không bị nó tóm. Nhưng mỗi lần chơi đều có nguời bị tóm. Sai lầm là nghĩ rằng mình không thể bị tóm. Chị có nghĩ là số phận con nguời cũng giống vậy không? Chúng ta khoác lác rằng nó sẽ không tóm đuợc chúng ta. Nhưng chúng ta càng lớn tiếng khoác lác, thì chúng ta càng có nhiều nguy cơ bị tóm bởi con quỷ còn nguy hiểm hơn.”
“Cô nói giống như đang nói về chính mình. Tại sao cô không kể tôi nghe cô đã trải qua những gì?” Tôi mớm lời. Nhưng Ichiko lắc đầu.
“Chẳng có gì đặc biệt ..,” cô nói. “Ngay một nguời ngốc nghếch như tôi mà cũng cảm thấy giống như đang nói điều gì có vẻ triết lý sau khi đã sống ờ đời trên 40 năm. Có lẽ nó hình như buồn cuời đối với một nguời thông minh như chị.”
“Tôi không thấy có chút buồn cuời nào cả. So với cô tôi giống như đứa trẻ với những nếp nhăn của trung niên trên mặt. Tôi thấy quan hệ của cô với ông Katsuyama thật lạ lùng hấp dẫn. Và chuyện cô đóng cửa doanh nghiệp, lui về ở ẩn tại Kyoto hình như cũng có cái gì đằng sau, thành thử tôi tò mò là tất nhiên.”
“Biết mọi sự việc là phù hoa và rút lui khỏi thế gian….” Ichiko đọc lên một câu trong bài hát đàn lute nổi tiếng thời chúng tôi còn trẻ. “Có lẽ lúc nào đó tôi sẽ kể chị nghe,” cô nói. “Xin hãy đợi khoảng 10 năm.”
Bí mật đằng sau chuyện Ichiko đóng cửa đại lý mỹ thuật hình như có liên quan đến một nguời đàn ông. Nhưng tôi không muốn tọc mạch, cho nên tôi đổi đề tài.
Khoảng một tháng sau khi Ichiko đóng cửa cơ sở và dọn đi Kyoto, xác của Kenmochi Akira – một họa sĩ phong cách Nhật đang lên – bất ngờ đuợc phát hiện ở Núi Zao. Anh đã biến mất trên đuờng đến Ấn Độ để tham gia nhóm leo núi huớng tới Himalayas.
Kenmochi khác thuờng trong số các họa sĩ đuơng thời ở chỗ anh không đuợc giáo dục cao. Một họa sĩ trẻ đã nổi lên từ vị thế tập nghề với Takatori Kanichi, tên anh chỉ gần đây mới đuợc biết đến trong giới mỹ thuật. Trong thế giới tranh Nhật nơi những khắt khe của hệ thống huấn nghệ vẫn còn tồn tại, quan hệ giữa Takatori và Kenmochi giống như chủ – tớ hơn là thầy – trò. Sau khi phấn đấu tiến lên trên con đuờng dài Kenmochi cuối cùng cũng bắt đầu đuợc công nhận theo giá trị của chính anh.
Takatori chưa bao giờ đối xử đặc biệt với Kenmochi, nhưng ông bắt đầu chiếu cố đến anh sau khi thấy Ichiko chú ý đến tranh của Kenmochi và mời anh tới nhà cô. Takatori đã đạt địa vị ngày nay nhờ Katsuyama sinh thời tiên đoán phát triển mỹ thuật của ông và đã hỗ trợ tài chánh đáng kể. Takatori đã luôn luôn bị hấp dẫn bởi nữ tính sinh động của Ichiko. Nay thấy cô – một phụ nữ – đề cao Kenmochi, ông bắt đầu nghĩ rằng có thể khai thác vị thế là thầy của Kenmochi. Qua thăng tiến Kenmochi, Takatori có thể giúp Ichiko kinh doanh, và đồng thời chiếm hữu cô.
Thích thú ban đầu của Ichiko đối với tranh Kenmochi không dựa trên hấp dẫn của Kenmochi như một đàn ông. Cho tới thời điểm đó, cô đã âm thầm thực hiện công việc của Katsuyama theo buớc của ông. Nhưng nay cô bị kích động thử nghiệm khả năng kinh doanh của chính mình qua họa sĩ trẻ Kenmochi mà tranh của anh có một vẻ khác lạ. Không giống họa phẩm của những nguời tốt nghiệp truờng mỹ thuật chính thức, tranh Kenmochi có tính chất hiếm hoi, bảo tồn những nét đơn sơ mộc mạc của nông dân vùng đông bắc Nhật Bản.
Tất nhiên Kenmuchi không biết kế hoạch của Ichiko dùng anh như vật liệu để đầu cơ kinh doanh. Anh bị choáng ngợp bởi nét duyên dáng của một phụ nữ chín chắn, hơn anh 10 tuổi và đang ở đình cao của quyến rũ. Tuy nhiên khi Ichiko trở nên biết rõ anh hơn, cô liên tiếp ngạc nhiên truớc sự bộc trực đơn giản của Kenmochi, và tim cô vang vọng một xao động tăng dần. Ichiko cảm thấy hồn và xác mình trở nên trong suốt, minh bạch thấy rõ. Cô tự hỏi có phải đây là cảm nghiệm tình yêu.
Ngay khi cô vừa 16, Ichiko đã bị quyến rũ bởi một bạn của anh tôi. Rồi sau đó, nét đẹp khêu gợi của cô đã khiến cô luôn luôn bị đàn ông theo đuổi, và cô đã dính líu xác thịt với vài nguời truớc khi trở thành tình nhân của Katsuyama. Như ông đã tiên liệu, ngay trong khi dùng cô như con mồi để kinh doanh, đã không xẩy ra đồn đại nào liên kết cô với đám nguời tụ tập ở nhà cô. Bỏ ngoài tai những gì nguời khác có thể đã nói về cô, Ichiko cảm thấy mình trơ trơ như một khúc cây trong một lãnh vực mà nguời ta thuờng giả định có thân mật thực sự giữa nam nữ. Cô nghĩ mình chỉ đơn giản không thích thú lắm loại chuyện đó. Thật ra cô đã quyết định có lẽ cô sẽ dành hết ngày giờ vào chăm lo kinh doanh và sống cuộc đời vui vẻ thích thú. Nhưng cô có thể bảo rằng, trong đam mê Kenmochi, cô đang bị mất quân bình. Về phuơng diện tình cảm, cô co rút lai trong lo sợ, nhưng thân xác cô lại cứ phóng tới truớc.
Kenmuchi không thể không biết đến những tình cảm mê đắm cô dành cho anh, và chẳng bao lâu cả hai bị vuớng vào một cuộc tình. Kenmochi xử sự giống như một phụ nữ có chồng hoảng sợ, duới thời những ngày mà ngoại tình còn bị coi là phạm pháp. Anh sợ rằng Takatori sẽ phát hiện bí mật. Thái độ nhút nhát của Kenmochi đã làm Ichiko đang hứng khởi phải buồn bực đau khổ khôn nguôi.
Thật vậy, Takatori rất tức giận khi đánh hơi đuợc sự thât. Ông nổi đóa và đe dọa sẽ lan truyền đồn thổi chuyện tai tiếng Ichiko, đại lý mỹ thuật, đã có kế hoạch đẩy nguời tình của mình vào giới mỹ thuật; ông sẽ dùng tai tiếng này để phá hoại hoàn toàn chỗ đứng của Kenmochi trong thế giới nghệ thuật. Kenmochi thề rằng, dù nếu anh có bị Takatori nói xấu và loại ra khỏi giới mỹ thuật, anh sẽ tìm cách khác để đuợc thừa nhận theo giá trị của chính anh miễn là anh vẫn đuợc nguời ta yêu thích. Nhưng Ichiko, lớn tuổi hơn, không thể chịu đựng thấy Kenmochi khổ sở bị chối bỏ như vậy.
Để xoa dịu Takatori, Ichiko đành phải nhuợng bộ đòi hỏi xác thịt của ông. Vị thế bề trên hống hách của Takatori đổ sụp. Kenmochi đồng ý chấm dứt quan hệ với Ichiko, và còn đi xa hơn nữa quyết định gia nhập toán leo núi khởi hành đến Himalayas. Có lẽ ngắm cảnh hùng vĩ của những ngọn núi cao này anh chưa từng biết sẽ mở ra những chân trời mới trong tranh anh.
Ichiko kiên quyết không tiếp tục quan hệ thân mật với Takatori. Cho nên cô quyết định đóng cửa doanh nghiệp và
dọn tới Kyoto. Cô hy vọng Kenmochi cũng xây dựng cuộc đời mới. Nhưng hy vọng của cô bị tan biến khi Kenmochi kết liễu đời mình trong đám tuyết núi tại quê huơng, không đuợc ngắm cảnh tuyệt vời của Himalayas tuyết phủ.
Không ai biết bằng cách nào, sau khi chia tay bạn ở Singapore, Kenmochi đã tìm đuờng đến rặng núi đông bắc Nhật Bản. Thầy Takatori của anh giải thích với phóng viên rằng anh đã đối diện – và đây không phải lần đầu – bế tắc mỹ thuật vào một lúc khủng hoảng và hẳn phải đã sụp đổ tinh thần. Họ đã cùng nhau thận trọng không để lộ bí mật của cuộc tình tay ba. Vì thế mặc dù có đồn đại Kenmochi đã đau khổ thất vọng trong tình yêu với Ichiko, ngay cả tôi khi đó cũng không hiểu hoàn cảnh thực sự thế nào.
Tôi đuợc nghe sự thật của câu chuyện từ Ichiko chỉ hai năm truớc đây khi tôi tới núi Koya để đặt tro tàn của Mẹ vào đền trong. Ichiko muốn đi theo và chúng tôi gặp nhau ở Osaka và cùng nhau hành huơng tới núi Koya.
Đêm truớc khi chúng tôi vào đền trong, chúng tôi ngụ trong nhà khách tại một trong những đền trên núi. Ichiko lấy ra từ trong túi du lịch một hộp gỗ nhỏ không sơn phết và đặt lên kệ cạnh hộp đựng tàn tro của Mẹ.
“Cô cũng tính dâng hiến tro?” tôi hỏi. “Của ai vậy?”
Với vẻ mặt trang trọng, Ichiko nói, “Hôp đựng một hình và tro tàn của những bức thư đã đốt cháy của một họa sĩ tên là Kenmuchi – nguời đã tự tử cách đây sáu năm.”
Rồi cô kể tôi nghe câu chuyện mà tôi đã thuật lại ở trên.
Tôi sau cùng hiểu ra hoàn cảnh khiến Ichiko đã đóng cửa đại lý mỹ thuật và tới ẩn dật tại Kyoto.
“Có những kinh doanh mà phụ nữ chỉ không thể thành công. Đại lý mỹ thuật dùng nguời như những con súc sắc. Khi vấn đề giữa nam nữ bị thẩy vào cuộc chơi, không chỗ nào để di chuyển,” Ichiko nói. “Lúc đó tôi muốn giết chết ham muốn của chính mình, để cho Kenmuchi có thể thành đạt. Thay vì thế, can thiệp vội vàng thiếu suy nghĩ của tôi đã giết chết anh. Tôi muốn theo anh và tự tử, nhưng nhiều năm trôi qua, tôi vẫn còn đây, sống nhăn. Tôi còn trở thành vợ của một tu sĩ và kiếm tiền, làm chủ nhà hàng… Thỉnh thoảng, khi tôi tự hỏi mình là cái qủy gì, tôi cảm thấy giống như một cái gì hoàn toàn không có thật, chỉ là một cái bóng. Không, dù cho tôi có sống bao nhiêu năm nữa, tôi sẽ không bao giờ yêu một nguời đàn ông khác. Tôi đã quyết định rằng, nếu chuyện ấy xẩy ra, thay vì gây đau khổ cho nguời, tôi sẽ là nguời phải chết,”
Lúc đó một nụ cuời sâu sắc khắc họa trên khuôn mặt Ichiko, nụ cuời cho thấy cuơng quyết trộn lẫn đau buồn. Chỉ có nụ cuời của một phụ nữ đã buớc đi trên đuờng đời gần 50 năm mới có thể kết hợp đuợc những cảm xúc này.
Hai năm đã trôi qua từ sau cuộc hành huơng của chúng tôi. Báo cáo gần đây xác nhận nhà hàng chay kiểu nhà Phật của Ichiko cạnh cổng chính của một ngôi đền ở Kyoto bán thức ăn ngon và giá cả hợp lý. Du khách từ Tokyo thuòng ghé ăn tại nhà hàng trên đuờng trở về từ Sambo-in. Ngôi đền thuộc Thiên Thai tông, và tu sĩ truởng, ông Kajita, là một nhà trí thức và cũng là diễn giả tại một đại học.
Tôi biết Ichiko cảm thấy có tội trong cái chết của Kenmochi. Tuy nhiên, đôi khi nhớ lại tôi nghĩ rằng, qua nghe thuyết pháp của Kajita về Phật giáo và sáng chiều chuẩn bị thực phẩm chay kiểu nhà Phật, Ichiko theo thời gian già hơn có thể đi tới chỗ hiểu sâu xa hơn quan niệm của Phật giáo coi mọi thứ là phù phiếm. Nhưng đêm tháng Muời Một đó, khi điện thoại rung lên và tôi nghe tin Ichiko đã rời nhà, tôi cảm thấy lo xa. Tôi không thể cuời cách vô tư như Kinu đuợc.
Tôi bị mất ngủ, và cả đêm bị quấy rầy bởi những mộng mị liên tiếp. Sau cùng, khi rạng đông chấm dứt đêm dài cuối thu, tôi hoàn toàn tỉnh giấc bởi chuông điện thoại trong hành lang. Kinu ở qua đêm và đã nhỏm dậy liền để bắt điện thoại. Tôi nghe u trả lời một hai câu, và rồi tôi nghe buớc chân chạy duới hành lang.
“Bà ơi, bà dậy chưa?” Tôi nghe u nói giọng run run. “Điện thoại từ Kyoto. Cô Ichiko đã tự tử.”
“Tôi hiểu…,” Tôi thở dài nói và nhỏm dậy. Giọng trong điện thoại không phải của Kajita. Đó là một giọng nam trẻ, rõ ràng.
“Đây là con trai cả của Kajita,” Giọng nói bắt đầu. “Dì Ichiko đuợc tìm thấy chết trong một khe đá tại nơi gọi là Gyukudo, trong rặng núi bên ngoài Sanzen-in ở Kitayama, phía bắc Kyoto. Chưa có giảo nghiệm nhưng cảnh sát nói rằng có vẻ như tự tử bằng quá liều thuốc ngủ.”
Giọng anh thanh niên hơi run run khi nói. Tự kiềm chế của anh sụp đổ lúc anh tới phần cuối của báo cáo. Khi tôi nhận ra điều này, đau thuơng của anh đâm nhói tim tôi.
“Khi nào bà có thể tới?” anh hỏi, giọng nói đã lấy lại bình tĩnh.
“Bằng xe lửa hôm nay – chậm lắm là chiều nay.”
“Xin làm ơn đến. Cha nói ông muốn bà nhìn mặt dì truớc khi hỏa táng.”
Sau khi gác điện thoại, tôi không thể nhúc nhích. Tôi đứng đó, chân trần trên sàn gỗ lạnh của hành lang.
“Họ nói tự tử. Nhưng quỷ thật, tại sao….?”
Kinu đã ngồi phịch suống sàn, hai cánh tay dang rộng, há hốc mồm nhìn tôi chăm chăm. Từng năm của tuổi u hiện rõ trong dáng ngồi, và khi tôi liếc nhìn điệu bộ như hề của u, tôi nhớ lại cảnh thời niên thiếu – ồn ào sống động của trò bịt mắt bắt dê. Khom lưng, hai tay dang rộng, trông giống Kinu, nguời bịt mắt là con quỷ đuổi bắt đám trẻ con đang vỗ tay, chạy ra xa khi trái khi phải. Kinu hẳn phải 13, 14 khi đuợc gửi tới để chơi trò này với chúng tôi. Nhất định hồi đó u là người mang khăn bịt mắt.
Nhưng lúc này không phải hiện trạng bề ngoài của Kinu như con quỷ bịt mắt tôi đang nhớ lại. Mà chính là điều Ichiko đã nói với xúc cảm sâu xa khi chúng tôi hàn huyên tại căn nhà này truớc khi cô dọn đi Kyoto. Cô đã bảo rằng tất cả chúng ta đều bị tóm bởi số phận riêng của mỗi nguời, cũng giống như chúng ta đã bị tóm bởi con quỷ bịt mắt. Tuy nhiên cô đã không nói gì đến cuộc tình với Kenmochi. Lúc đó Ichiko không bao giờ muốn tới gần con quỷ lần nữa, và cô đã cầu nguyện cô sẽ không bao giờ có cuộc tình khác đầy u ám như thế. Có vẻ như rằng uớc muốn tha thiết của cô đã đuợc chấp thuận cho tới năm truớc năm ngoái, khi tôi gặp cô tại núi Koya. Bây giờ, biết đuợc Ichiko đã đột ngột kết liễu đời mình tôi chỉ có thể nghĩ rằng cô đã lại bị con quỷ mù tóm. Nhưng lần này nó đã hiện duới hình thức quấy rối nào?
Tôi nhớ lại có lần gặp tại nhà của Ichiko ở Kyoto một thiếu niên trẻ đep là con trai cả của Kajita. Từ đó đến nay cũng đã 6 năm rồi, anh trai đó bây giờ hẳn là một sinh viên đại học. Phải chăng anh có thể là con quỷ mù đã dẫn dắt Ichiko đến cái chết? Nhớ lại giọng của anh trong điện thoại – thấp, rõ và run run dù đã kiềm chế, giống như rì rào của một dòng suối nhỏ – tôi đứng đó đóng băng trên sàn nhà.
Phạm đức Thân dịch
Hương linh đã quy y Phật
______________________
Tôn Thất Tuệ _ 3/9/2022
Sau chiến tranh 1945 vì nhà tan nát tôi tá túc ở chùa Thiên Minh, dốc Nam Giao giữa Từ Đàm và Báo Quốc. Đến chùa thì trước tiên chào thầy trụ trì (Thích Quảng Huệ, gốc Sịa) rồi đến “Bà Chùa” vì đệ tử của thầy còn nhỏ, ví như Pháp Chủ Thích Mãn Giác lúc ấy vừa thoát cái tên Điệu Sung; Bà Chùa xem như quản gia của chùa. Đó là bà Công Tằng Tôn Nữ Tâm Dung. Bà có người em gái thường gọi là Cô Em. Cô Em có người con gái là chị Phán kêu theo chồng là ông phán tên Vy, thư ký làm ở Thừa Phủ, tức là tòa tỉnh, anh Vy gốc Quảng Bình.
Cô Em và gia đình anh Phán cùng ba con sống ở một ngôi nhà gạch bên kia đường, chệch lên Từ Đàm chừng 200m, nhà bên cạnh ông thợ rèn đập búa đập đe. Trưởng nam của anh chị là Ma Cẩm Tuyền, rồi đến Ma Cẩm Tú và một em gái tôi quên tên. Ít khi anh Phán qua chùa nhưng chị Phán thì ngày cách ngày đem các con qua chùa. Ai cũng chọc Ma Cẩm Tuyền nói chớt: ba con làm ở Thừa Hụ. Ít lâu sau anh Phán chết bệnh.
Từ ngày góa chồng, như người ta kể lại, chị Phán thường xuống Chợ Bến Ngự giao tiếp với nhiều người. Không lâu sau đó, nửa đêm chị Phán bị bắt cóc và tuần sau người ta tìm xác chị Phán bên vệ đường giữa Nghẹo Dàn Xay và núi Ngự Bình. Ít lâu sau tôi về Bến Ngự sống gần nhà cũ. Bẳng đi hơn 10 năm tôi thành một huynh trưởng hướng đạo học nghề, cùng anh Đoàn Mộng Ngô lập thiếu đoàn Trường Sơn. Tôi trở về Nam Giao “mộ lính”. Ma Cẩm Tuyền và một số bạn hữu thành đoàn viên của tôi.
Nhân đọc trên FB về sự từ trần của một trong những em nầy (Đinh Hữu Quyến) tôi viết về kỷ niệm lập đoàn. Một độc giả cho biết đã sống gần nhà Ma Cẩm Tuyền ở Nha Trang nhưng không biết thầy giáo hiền lành nầy đã là một hướng đạo sinh.
Tôi không chứng kiến việc đi lượm xác chị Phán, chỉ biết sau đám ma, Tuyền và các em mặc áo chế qua chùa cúng cơm cho bố.
Thời gian nầy trước 1950. Chia đều thời gian thành tuần thì tuần nào cũng nghe tin bị bắt cóc như chị Phán, tin có kẻ vào nhà bắn chết. Vào mùa đông, tôi phải từ chùa Thiên Minh qua phía chùa Linh Quang đi lấy đậu khuôn lúc trời còn tối trước khi đi học, có lần đá vào xác chết bên vệ đường.
Rùng rợn nhất là thằng Sắc cùng lớp kéo tối đi vào lối vô chùa Vạn Phước xem xác của sáu ông thầy tu vừa bị hạ sát đêm qua ngay trước cỗng một ngôi chùa gần nhà xa cửa ngõ với Vạn Phước. Người lớn nói với nhau mấy ông nầy là Phật Giáo Thuyền Lữ.
Nhưng cái chết để lại nhiều nét trong đầu tôi là cái chết của mẹ Con Ngãi. Ngãi rất đẹp lớn hơn tôi nhiều nhưng ai cũng gọi là Con Ngãi, tôi cũng gọi như vậy. Mẹ Ngãi buôn thúng bán bưng ở Chợ Bến Ngự cùng hai con là Ngãi và em gái là Tuyết sống trong ngôi nhà tranh ngay cỗng chùa Thiên Minh.
Còn sớm con Ngãi qua chùa nhờ thầy qua thành gọi anh Ân là anh cả, mẹ Ngãi đã bị bắn chết giữa đêm, hai chị em ôm xác mẹ chờ sáng.
Hôm cúng cơm ngay sau khi chôn, tôi đeo song cửa sổ nhìn vào chánh điện. Anh Ân quỳ giữa bưng bát hương, hai bên là Ngãi và Tuyết mỗi người ôm một cây đèn sáp. Khi thầy xướng: Hương linh đã quy y Phật; anh Ân cúi vái, bát hương cũng nghiêng theo. Hai cô em cũng vái, làm cho hai cây đèn cũng nghiêng theo, đổ những giọt sáp nóng xuống chiếu, như những giọt nước mắt nóng. Hương linh đã tạo những vọng nghiệp giai do vô thủy tham sân si, hương linh đã quy y Phật, hương linh sám hối. Người bắn chết hương linh có sám hối không?
https://tonthattue.blogspot.com/2022/09/huong-linh-quy-y-phat-ton-that-tue-sau.html
Em Đã Cho Tôi Bầu Trời (Trịnh Công Sơn) – Thái Thanh
Túy ngọa sa trường
________________________
tôn thất tuệ _ 18/8/2014
![]() |
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
chớ vội cười vì men khói súng
chớ vội cười, xưa nay giặc giả mấy ai về
tình trường không như chiến trường ác nghiệt
những nhát đâm đau đớn mà sướng kinh hồn
thú đau thương ngàn đời ai dễ có, ta là
lão nhện ngơ, tò vò “nuôi” bằng nọc độc,
thân tê liệt mà còn xanh chờ nhộng con khôn lớn
tiệc lên đường, không rượu không thơ.
Ôi tình trường, ôi chiến địa,
để lại con bù nhìn bằng rơm rạ và giẻ rách,
đuổi chim phá lúa mà không quên
kẹp nách cây roi của tiền kiếp, quất trên thây
trong vô thức sâu thẳm,
làm sống dậy những đau thương tuyệt đỉnh
hồn ta si, trở thành điên dại,
bốc đất ăn, cười vui góc chợ.
Người thấy ta là thấy những lần thua trận.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
nhưng ta cười vì hồn ta vẫn còn trong trận mạc
có tình em trong những ngày ngọt dịu,
trên cõi mộng em vẫn là một đồng minh
chưa phản bội, chưa rút quân chiến lược.
Nay ta cười, hồn ta si trở thành điên dại
lấy tàng cây đình hoang làm mái ấm
Túy ngọa sa trường ta nhớ em.-
https://tonthattue.blogspot.com/2014/08/tuy-ngoa-sa-truong.html
Christmas In The Aire – Jaime Jorge
không dùng …
Một người vợ về nhà sau một chuyến mua sắm dài ở hải ngoại, kinh hoàng khi thấy chồng mình trên giường với một cô gái trẻ trung, đáng yêu. Ngay khi người vợ xông ra khỏi nhà trong giận dữ, người chồng đã ngăn cô lại bằng những lời lẽ sau đây:
“Trước khi em đi, anh muốn em nghe rõ mọi việc đã xảy ra như thế nào.
Hôm qua lái xe về nhà, anh thấy cô gái trẻ này, đói khổ và mệt mỏi bên vệ đường. Anh dừng lại cho cô ấy quá giang.
Thấy cô ta đói, anh đưa cô ấy về nhà và cho cô ấy phần thịt nướng mà em đã bỏ quên trong tủ lạnh.
Đôi giày của cô ta mòn nên anh cho cô ấy đôi giày mà em không đi vì lỗi thời.
Bên ngoài lạnh nên anh đã tặng cô ta chiếc áo len mới em chưa mặc lần nào vì màu không hợp.
Quần của cô ta sờn rách nên anh tặng cô ta cái quần em mặc không còn vừa.
Khi sắp ra khỏi nhà, cô ấy dừng lại hỏi, “Còn thứ gì mà vợ anh không dùng nữa không?” Và vì thế mà em thấy cái cảnh tượng ban nãy”
Yêu hoa ngày mưa
__________________________
Quỳnh Chi
Viola
Về chiều mưa rơi sướt mướt. Khi mệt, muốn cảm, chỉ thấy ớn lạnh khi nhìn mưa rơi. May là chiều hôm trước đó đã lặn lội đi xa tới mấy ga tìm mua mấy thứ đồ dùng, khi trời còn nắng ráo. Chỉ hơi tiếc vì khi trời nắng lại không có thì giờ đi xem phong lá đỏ ở ga Isegahara. Ở đó họ nói rằng cho đến cuối tháng này có thắp đèn sáng khắp khuôn viên đền cho tới tối, để du khách leo núi viếng đền có thể ngắm phong lá đỏ cả về đêm.
Hoa anh đào về đêm tỏa mùi hương nên ngắm hoa ban đêm còn có lý, còn phong lá đỏ có mùi thơm hay không mà lại cầu kỳ phải đi ngắm về đêm thế nhỉ ? Dân tộc nào có tính hay lý sự – hay cãi ..hay kiện cáo- chắc hẳn sẽ thắc mắc như thế, nhưng người Nhật vốn yêu thiên nhiên cây cỏ , có lẽ người ta vì yêu quá nên hết ngắm ngày tới ngắm đêm, như kiểu câu thành ngữ của họ “Me ni irete mo itakunai” ? ( = Nhìn thấy đáng yêu quá nên cho luôn vào mắt – để ngắm muốn… lỗ (nổ) con mắt (!!!??) – vẫn không thấy đau ! )
Chiều mưa buồn, càng thêm lạnh như trời đã sang đông. Mấy chiếc bao gối tựa lưng mới mua – khi mua có nhồi bông hẳn hoi nhưng đã phải lấy hết ra để xếp gọn vào vali – nằm co ro trên ghế,
Phải rồi, hay là đội mưa đi mua bông làm lõi cho mấy cái gối này kẻo tội ? Có lẽ cũng phải tìm ra một cái cớ để ra ngoài sương gió. Từ sáng tới giờ trong nhà im vắng, cho đến tivi cũng quên mở để nghe tiếng người. Cảnh vật xung quanh tĩnh lặng đến cô liêu.
Ra đường, không định mà vô tình lại đi về hướng cửa hàng Topos – nay đã đổi chủ đổi tên là Taison – ở tận cuối phố buôn. Không biết từ bao giờ trước cửa hiệu tạp hóa này nay có thêm một hàng hoa, chỉ chuyên bán luôn cả cây cả chậu. Lúc sau này – khoảng gần hai mươi năm trở lại đây – nhiều bà nội trợ Nhật có thú làm vườn, ưa trồng hoa, dù chỉ trồng trong chậu để ngoài ban công hay trên rẻo đất hẹp quanh nhà, trước cửa ra vào. Bởi vậy mà vô số hàng hoa như vậy mọc lên nhan nhản ở mọi đầu đường góc phố. Thậm chí, trong khu phố buôn quanh ga, hễ có mảnh đất trống nào còn chờ xây lại, liền thấy một hàng hoa “dã chiến” xuất hiện, chậu hoa bầy la liệt dưới đất, để rồi cửa hàng hoa cũng sẽ nhanh chóng dọn đi trước khi công ty xây cất đến đào móng đổ bê tông. Mấy hàng hoa như thế bán rẻ hết sức, giá chỉ bằng khoảng một nửa hay ba phần tư giá bán trong các cửa hiệu đàng hoàng.
Hàng hoa trước cửa hiệu Taison mở dưới mái hiên và cả trên lề đường, có bầy sơ sài mấy chiếc bàn dài, trên mặt bàn và dưới gầm bàn, quanh bàn là những chậu hoa lớn nhỏ đủ mầu. Một chậu hoa winter cosmos màu hồng nhạt mới thấy hôm trước ở đầu kia giá 98 yên, cho là đã rẻ lắm rồi, mà ở đây chỉ còn nửa giá ! Lại không định mà ghé vào đấy một lúc, chọn được cả một giỏ hoa hồng, tím, trắng, vàng…..
Winter cosmos
A A ! từ đây còn phải lên tới tầng năm để mua bông nhồi gối. Nhưng tội gì phải khệ nệ mà xách hết từng này chậu hoa leo lên, rồi leo xuống nhỉ..
- -Cô bán hoa ơi, chút nữa tôi trở lại lấy hoa được không ?
Cô bán hàng từ trong góc nơi có chiếc bàn tính tiền kê dưới mái hiên chạy ra, niềm nở đáp :
- – Arigatou gozaimasu ! Ame no hi na no ni …wazawaza to kai ni kite kudasatte..Douzo ..Douzo ! Itterasshai !
Ame no hi na no ni, trời mưa gió mà …( quý khách mất công tới đây..Quý hóa quá ! Được mà, xin quý khách cứ đi đi rồi chút nữa trở lại cũng được).
Mới mưa một chút (có phải là giông tố hay lụt lội gì đâu ..nhưng) ở xứ này họ hay nói như vậy đó. Có lẽ người ở xứ nóng yêu mưa nhiều hơn là người ở xứ lạnh. Mưa càng về cuối năm càng rét buốt, làm như họ đã quên đi vẻ đẹp nên thơ của những ngày mưa dưới màn mưa huyền ảo, có những giọt mưa long lanh trên từng cọng lá trong vườn. Ở đây trẻ em ở các khu xóm bình dân không có thói quen tắm mưa. Tuổi học trò không biết lội mưa, đùa nghịch dưới mưa.
Và ngay cả mình đây nữa. Chút nữa, hễ nước mưa lọt vô gói hàng là bông sẽ ướt sũng. Trước mắt phải nhớ một điều rất thực tế : nhớ dặn họ gói bông cho kín giùm ! Ở đó mà lơ đãng mơ màng !
Xong rồi. Gói bông đã được cô bán hàng cho cái túi thật lớn, cuộn mép lại và dán băng keo kín bưng. An tâm ra về, và ghé lại lấy hoa.
Pansy North Pole
Cô hàng tính tiền xong, đưa túi hoa cho khách, còn chìa ra một mẩu giấy nhỏ và giải thích :
- – Đây là tên hoa và lời hoa ( Hana kotoba ), tôi dán vào phía trong túi đây nhé !
Chưa thấy ở đâu một cô hàng hoa dễ thương chu đáo với khách hàng như thế. Thì giờ đâu để cô chép lại ngần ấy tên hoa và lời giải thích về ý nghĩa của từng loại hoa. Có lẽ vì người Nhật quả là yêu hoa, nên mới có một cô hàng hoa khả ái như thế này chăng.
Bỗng mình đạp xe thật mau như hối hả mong mau về tới nhà, háo hức muốn đọc những gì ghi trong mẩu giấy. Cuối thu, trời sập tối từ lâu. Vào nhà, dưới ánh đèn, trên mẩu giấy hoa con con, có lẽ là phiếu ghi tên hoa để kèm theo các chậu hoa đắt tiền hơn, là những giòng chữ viết nắn nót :
“Xin cảm ơn quý khách đã đến mua hoa ngày mưa.
Sau đây là tên hoa và lời những bông hoa mà quý khách đã chọn mua, lời nào cũng hay cũng đẹp:
Winter cosmos = Nhẫn nại, hòa hợp
North Pole = Chân thành
Pansy = Suy tư
Stock (Malcolmia) = Vẻ đẹp vĩnh cửu
Viola = Khiêm nhượng, chân tình “
Mẩu giấy hoa màu hồng nhạt như mảnh vỏ ốc trai lóng lánh, tiếng Nhật gọi là sakura-gai, mà những đợt sóng biển dạt vào bờ đã để lại làm quà tặng cho bãi cát vắng chiều thu.
Cuối thu rồi sang đông, sẽ còn nhiều ngày cuối tuần dài dằng dặc trong mưa lạnh tái tê.
Hôm nào có việc ra đường mà làm biếng, sẽ nhắc mình đừng quên nơi cuối phố này có cô hàng dịu dàng, sẽ ban thưởng món quà tặng đặc biệt dành riêng cho khách yêu hoa ngày mưa.
Quỳnh Chi
(Mùa lễ Cảm tạ Cần lao và lễ Tạ Ơn, 24/11/2008)
Nữ hoàng búp bê
__________________________


Carlos Fuentes (1928 – 2012) là nhà văn Mexico kiệt xuất, cùng với G. Garcia Marquez (Colombia) Mario Vargas Llosa (Peru) Julio Cortazar (Argentina) thập niên 1960 tạo nên “bùng nổ” văn học Mỹ Latin khiến thế giới chú ý, với văn phong hiện thực huyền diệu (magic realism) kết hợp hiện thực với huyễn tuởng, huyền thoại phong phú của Mỹ Latin. Ông viết truyện dài, truyện ngắn, kịch, bình luận và đồng thời là nhà báo, nhà ngoại giao, giáo sư đại học và nhận được nhiều giải văn học của Mỹ Latin. Tác phẩm nổi tiếng có thể kể: La muerte de Artemio Cruz (Cái Chết của Artemio Cruz), Terra Nostra (Đất Nuớc Chúng Ta). Ông đuợc coi là Balzac của Mexico, nhưng ông cũng chịu ảnh hưởng của M. de Cervantes, F. Dostoevsky, M. Proust, F. Kafka, J. Joyce, W. Faulkner…
Nữ Hoàng Búp Bê là truyện ngắn nhưng khó đọc vì chứa đựng nhiều đặc điểm của văn phong truyện dài của C. Fuentes. pha lẫn thực tại và huyễn tuởng, xáo trộn thời gian, độc thoại nội tâm, dòng ý thức, liên tiếp thay đổi cương vị thuật sự, nhiều sử dụng ngũ quan để miêu tả, đôi khi khác lạ bất ngờ (nhìn nhạc, nghe vị, sờ mùi…), chưa kể còn phúng dụ, ẩn dụ…Vd. Nữ Hoàng có thể tuợng trưng Nữ Thần Mặt Trăng (thần của sinh, yêu, chết) – tựa truyện là Nữ Hoàng Búp Bê, không phải Búp Bê Nữ Hoàng. Tên Amilamia do chữ lamia, là ma cà rồng nữ thường quyến rũ thanh niên để hút máu. Những Buổi Chiều trên Nông Trại (Afternoons on the Farm) làm liên tuởng tới Afternoon of a Faun của S. Mallarmé….
Câu chuyện có đủ cả mọi yếu tố huyền ảo, kinh dị, phỉnh gạt, hồi ức, điều tra trinh thám…buộc độc giả vào một chùm rối rắm và mong đợi thêm chi tiết. Cuối cùng độc giả thắc mắc tác giả có chủ ý gì đặc biệt hay là viết chỉ để độc giả suy nghĩ. Làm chủ đuợc văn phong và ngôn ngữ tác giả có tài xây dựng truyện hấp dẫn như là một tìm kiếm câu trả lời nhưng không bao giờ cho biết kết luận rõ ràng.
(Phạm đức Thân dịch từ bản Anh ngữ The Doll Queen của Margaret Sayers Peden.)
________________
Tặng Maria Pilar và José Donoso
I
Tôi đi vì cái thẻ đó – một thẻ lạ lùng làm sao – gợi nhớ đến hiện hữu của cô bé. Tôi tìm thấy nó trong một quyển sách bỏ quên mà những trang sách đã làm sống lại ám ảnh của viết chữ đẹp thời trẻ con. Lâu lắm rồi lần đầu tiên tôi thu xếp lại đống sách. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì có quyển đặt trên kệ cao nhất, đã rất lâu không đọc. Lâu đến nỗi các cạnh của trang giấy như nổi hạt, và một trộn lẫn bụi vàng cùng vẩy cáu bẩn xám rơi trên lòng bàn tay tôi mở ra, làm nhớ đến nước sơn phủ bóng trên những thân hình thoáng thấy đầu tiên trong mộng và sau này trong hiện thực giả trang của trình diễn vũ kịch mà chúng tôi được xem lần đầu tiên. Đó là một quyển sách thời nhỏ của tôi – có lẽ thời nhỏ của nhiều đứa trẻ – liên quan ít nhiều đến một chuỗi những câu truyện điển hình hung bạo có đặc tính là xô đẩy chúng tôi vào lòng người lớn để hỏi đi hỏi lại: Tại sao? Những trẻ vô ơn cha mẹ; những thiếu nữ trinh trắng bị bắt cóc bởi những kỵ sĩ dũng cảm và trở về trong xấu hổ – cũng như những người vui vẻ từ bỏ tổ ấm gia đình; những người già, để đổi lấy chuyện tha cho món nợ quá hạn, đòi lấy cho đuợc cô gái đẹp nhất, chịu đau khổ lâu dài nhất của gia đình bị đe dọa..Tại sao? Tôi không nhớ được những câu trả lời. Tôi chỉ biết rằng từ những trang giấy hoen ố đã bay ra chiếc thẻ trắng với chữ viết xấu xí sai chính tả của Amilamia: Amilamia xẽ khôn quên bạn tốt của mìn – hãy den gặp tôi tai day nơi tôi vẽ nó.
Và trên mặt kia của thẻ là phác họa một lối đi khởi từ dấu X, rõ ràng là cái ghế dài công viên nơi tôi, một thiếu niên chống lại cái giáo dục chán ngấy và áp đặt, đã quên thời khóa biểu lớp học để tiêu nhiều giờ vào đọc sách mà, nếu thật sự không do tôi viết, thì hình như có vẻ đúng là vậy: ai có thể ngờ rằng chỉ từ tưởng tượng của tôi đã nhảy ra nào những tay cướp biển, nào những người truyền tin của sa hoàng, nào những cậu trai nhỏ tuổi hơn tôi một tí mà đã trôi nổi cả ngày xuôi một con sông lớn ở Mỹ trên một chiếc bè. Nắm chặt cạnh ghế công viên như thể đó là cái mỏm truớc của yên ngựa huyền ảo, thoạt tiên tôi không nghe tiếng bước chân sau khi chạy xuống lối đi công viên lát sỏi đã khe khẽ ngưng lại phía sau tôi. Đó là Amilamia, và tôi không biết trong bao lâu em đã im lặng đánh bạn với tôi, nếu không có một chiều kia do thích tinh nghịch em đã chọn làm nhột tai tôi bằng cách lấy hoa bồ công anh thổi về phía tôi, môi tru ra và trán nhăn thành nếp.
Em hỏi tên tôi, và sau khi coi đây như là chuyện rất nghiêm túc em nói tên mình kèm với mỉm cười nếu không thành thực thì cũng không có vẻ gì là đã quá luyện tập. Nhanh chóng tôi nhận thấy Amilamia đã khám phá ra, nếu chữ đó là đúng, một kiểu biểu thị nằm giữa chân thật ngây thơ của tuổi em và những hình thức bắt chước người lớn mà những trẻ được giáo dục đàng hoàng phải biết, đặc biệt là cho những lúc giới thiệu hoặc chia tay. Cái nghiêm túc của Amilamia đúng hơn là quà tặng của tự nhiên, trong khi những bộc phát nổi hứng của em, trái lại, hình như có vẻ giả tạo. Tôi thích nhớ lại em, chiều này qua chiều khác, trong một liên tiếp những hình ảnh gộp chung lại tổng kết thành một Amilamia đầy đủ trọn vẹn. Và tôi không thể ngừng ngạc nhiên thấy rằng tôi không tài nào nghĩ về em thực sự ra sao, hoặc nhớ lại em đã thực sự di chuyển thế nào – nhẹ nhàng, dò hỏi, luôn luôn nhìn chung quanh, Tôi đành phải nhớ em cố định vĩnh viễn trong thời gian, như trong một quyển album. Amilamia ở đằng xa, tại một điểm nơi ngọn đồi bắt đầu thoai thoải từ một hồ nước và cây cỏ ba lá, xuống cánh đồng phẳng nơi tôi đang ngồi quen đọc sách: một điểm chuyển đổi không ngừng của bóng cây và ánh nắng, và một bàn tay vẫy vẫy về phía tôi từ trên đồi cao. Amilamia ngưng đọng đông cứng trong khi bay xuống đồi, váy trắng căng phồng, quần trong vải hoa buộc vào cẳng bằng giải cao su, miệng mở, mắt nhắm ti hí để chống lại luồng không khí, em kêu lên thích thú. Amilamia ngồi dưới cây bạch đàn, giả vờ khóc để tôi phải lại gần. Amilamia nằm sấp tay cầm một bông hoa: những cánh hoa sau này tôi khám phá ra không trồng trong công viên mà tại đâu đó chỗ khác, có lẽ trong vườn nhà Amilamia, vì túi tạp dề xanh lam sọc vuông của em thường đầy những hoa trắng này. Amilamia quan sát tôi đọc, hai tay nắm vào thanh ghế xanh lục, dò hỏi bằng đôi mắt xám: tôi nhớ lại em không bao giờ hỏi tôi đang đọc gì, như thể em có thể thần đoán trong mắt tôi những hình ảnh xuất phát từ trang sách. Amilamia cười thích thú khi tôi nắm eo nhấc bổng em lên xoay quanh đầu tôi; em hình như khám phá ra một phối cảnh mới về thế giới trong khi bay vòng vòng chậm rãi. Amilamia quay lưng lại tôi và vẫy tay tạm biệt, cánh tay giơ cao, các ngón tay ngọ ngoạy phấn khích. Và Amilamia trong cả ngàn dáng điệu em thực hiện chung quanh chiếc ghế tôi ngồi, treo lộn ngược, quần thụng căng phồng, ngồi trên sỏi đá khoanh chân lại và cằm chống trên nắm tay; nằm ngửa trên cỏ, phơi rốn dưới mặt trời; đan dệt các nhánh cây, vẽ hình thú trên bùn bằng một cành cây, liếm những thanh ghế, trốn phía dưới ghế, tước vỏ đã hơi bong ra của thân cây cổ thụ, chăm chú ngó chân trời xa ngoài đồi, ầm ừ mắt nhắm lại, bắt chước tiếng chim, chó, mèo, gà mái, ngựa. Tất cả cho tôi và tuy nhiên không có gì hết. Chính cái cách thức em hiện hữu bên tôi, tất cả những điều này tôi nhớ, nhưng tôi cũng nhớ cả cách em một mình trong công viên. Phải, có lẽ ký ức của tôi về em rời rạc, chắp vá vì đọc sách xen kẽ với ngắm nhìn cô bé má bầu bĩnh, tóc mượt thay đổi trong phản chiếu của ánh sáng: khi thì màu lúa mì, khi thì mầu hạt dẻ nướng. Và chỉ hôm nay tôi mới nhận ra rằng tại thời điểm đó bằng cách nào đó Amilamia đã thiết lập nên một cái điểm khác hỗ trợ cho đời tôi, cái điểm đã tạo nên căng thẳng, giằng co giữa tuổi thơ ngập ngừng bất quyết và thế giới rộng lớn, miền đất hứa đang bắt đầu là của tôi qua đọc sách.
Hồi đó không. Hồi đó tôi mơ tưởng về những phụ nữ trong sách, về một phụ nữ toàn hảo – chữ này đã làm phiền tôi, không hiểu thực sự nghĩa thế nào – đã cải trang thành Nữ Hoàng để bí mật mua cái vòng cổ, về những nhân vật tưởng tượng của huyền thoại – một nửa người nhận ra được, một nửa như kỳ nhông bụng ướt, ngực trắng – nằm đợi vua chúa trên giuờng. Và như vậy, dần dà không hề nhận ra, tôi đã chuyển từ thờ ơ lãnh đạm với cô bạn nhỏ thiếu thời sang chấp nhận cái duyên dáng và nghiêm túc của em, để rồi từ đó đi tới chối bỏ không ngờ một hiện diện đã trở nên không ích gì cho tôi. Cuối cùng em làm tôi bực mình, tôi 14 tuổi bực mình bởi cô bé 7 tuổi, chuyện này chưa thành ký ức hay hoài niệm, nhưng đúng hơn chỉ là quá khứ và hiện thực của nó. Tôi đã để mình bị lôi đi bởi yếu kém. Chúng tôi đã nắm tay nhau cùng chạy qua cánh đồng. Chúng tôi đã cùng nhau rung lắc những cây thông và nhặt những quả thông mà Amilamia ghen tỵ cất giữ trong túi tạp dề. Chúng tôi đã cùng nhau gấp giấy làm thuyền và vui tươi sung sướng dõi theo chúng tới tận rìa rãnh nuớc. và buổi chiều hôm đó, giữa la hét của hân hoan vui thích, khi chúng tôi cùng nhau ngã xuống đối và lăn tới chân đồi mới ngưng lại. Amilamia nằm trên ngực tôi, tóc em lọt giữa hai môi tôi; nhưng khi tôi cảm thấy em thở hổn hển vào tai tôi và cánh tay dính kẹo ôm quanh cổ tôi thì tôi giận dữ hất cánh tay em ra và để em ngã tiếp. Amilamia khóc, xoa xoa đầu gối và khuỷu tay xây xát, còn tôi trở lại ghế. Rồi Amilamia bỏ đi và hôm sau trở lại, đưa tôi cái thẻ không nói một lời, và ầm ừ, biến mất vào rừng cây. Tôi do dự không biết xé cái thẻ hay kẹp nó vào trang sách quyển: Những Buổi Chiều trên Nông Trại. Ngay cả đọc sách của tôi cũng trở nên trẻ con vì Amilamia. Em đã không trở lại công viên. Vài ngày sau đó tôi rời công viên đi nghỉ mát và khi trở về thì là lúc bận rộn bổn phận của năm đầu trường dự bị. Tôi không bao giờ gặp lại em.
II
Và bây giờ hầu như đã từ bỏ cái hình ảnh xa lạ không còn ảo tưởng, nhưng cảm thấy xót xa hơn bởi sao mà nó thực tiễn thế, tôi trở lại cái công viên đã quên, và đứng trước lùm cây thông và bạch đàn tôi nhận ra cái nhỏ hẹp của chu vi đám cây con lởm chởm mà ký ức của tôi khăng khăng vẽ ra thành độ lớn đủ chỗ cho tưởng tượng phình to rộng. Dẫu sao Michel Strogoff và Huckleberry Finn, Milady de Winter và Geneviève de Brabant đã sinh ra, sống và chết tại đây: trong một vườn nhỏ bao quanh bởi những đường ray sắt bám rêu, trồng thưa thớt những cây cổ lỗ bỏ hoang, chẳng tô điểm đẹp thêm bởi một chiếc ghế dài bằng xi măng sơn trông giống gỗ, buộc tôi phải nghĩ rằng cái ghế dài đẹp đẽ thanh sắt xanh lục chẳng bao giờ hiện hữu, hoặc chỉ là một phần của mê sảng hồi tưởng cho có trật tự đâu ra đấy.
Và ngọn đồi…Làm sao có thể tin rằng cái mỏm đất Amilamia lên và xuống khi tới và đi hàng ngày, cái dốc chúng tôi cùng nhau lăn xuống, lại là thế này. Một khu đất hơi cao những bụi cây sẫm mầu không cao hơn và dốc hơn cái mà ký ức tôi đã tạo ra.
Hãy den gặp tôi tai day nơi tôi vẽ nó. Vậy thì tôi sẽ phải đi qua vườn, bỏ lại đằng sau rừng cây, xuống đồi qua ba bực dốc, xuyên qua khu nhỏ đám cây hạt dẻ – nhất định đây là chỗ em đã thu lượm những cánh hoa trắng – mở cánh cổng công viên kêu cót két và liền ngay đó nhớ lại…biết…thấy mình đang đứng truớc một con đường, nhận ra rằng mỗi chiều của thời niên thiếu, như thể nhờ phép lạ, tôi đã thành công làm ngưng đọng được nhịp thở của thành phố chung quanh, hư vô hóa luồng thủy triều âm thanh của tiếng còi, tiếng chuông, tiếng người, tiếng khóc, tiếng máy, tiếng radio, tiếng chửi thề. Đâu là cái hấp dẫn đích thực, công viên yên tĩnh hay thành phố sôi động?
Tôi đợi cho đèn đường thay đổi, và băng qua phía bên kia, mắt không rời cái đèn hoa diên vĩ đỏ ngăn lại xe cộ. Tôi xem lại cái thẻ của Amilamia. Dẫu sao cái phác đồ thô sơ này là cái hấp dẫn đích thực của tôi đang sống lúc đó, và chỉ nghĩ đến nó làm tôi băn khuăn áy náy. Sau những buổi chiều mất mát của tuổi 14 tôi đã bắt buộc phải tuân theo kỷ luật; bây giờ tôi thấy mình, ở tuổi 29, được chứng nhận bằng cấp thích đáng đàng hoàng, làm chủ một văn phòng, lợi tức trung bình được bảo đảm, vẫn còn độc thân, không có gia đình để phải trợ cấp, hơi chán ngủ với những thư ký, hiếm khi sốt sắng thỉnh thoảng về quê hay ra biển, bỗng cảm thấy thiếu một cái gì hấp dẫn quan trọng như sách, công viên, và Amilamia đã từng một lần tôi có được. Tôi bước xuống đường của khu ngoại ô xám. Những nhà một tầng, khung cửa tróc sơn, nối tiếp nhau đơn điệu. m thanh yếu ớt của khu vực không phá vỡ tính đồng dạng chung: đây tiếng sè sè của thợ mài dao, kia tiếng gõ búa của người sửa giày. Trẻ em khu vực đang chơi đùa tại những đường cụt. Tiếng nhạc của người quay đàn hộp đi rong lọt vào tai tôi, hòa lẫn với tiếng trẻ ồn ào trong các hiệp chơi. Tôi ngừng một lát để xem chúng, với cảm giác thoáng qua rằng Amilamia hẳn phải trong số những nhóm trẻ này, thiếu ý tứ phô ra cái quần trong vải hoa, treo chỗ đầu gối trên một ban công nào đó, hãy còn thích trò nhào lộn, túi tạp dề đầy những cánh hoa trắng. Tôi mỉm cười và lần đầu tiên tôi có thể tưởng tượng cô thiếu nữ 22 tuổi, ngay nếu cô vẫn còn ở địa chỉ này, sẽ cười nhạo ký ức của tôi, hoặc có lẽ đã quên những buổi chiều ở công viên.
Căn nhà giống hệt như những căn nhà khác. Cửa vào nặng dầy, hai cửa sổ chấn song với các cánh cửa sổ đóng kín. Một căn nhà một tầng, phía trên có bao lơn xây giả kiểu tân cổ điển có thể che dấu những sự kiện thực tế của sân thượng: quần áo treo trên giây, những thùng nước, chỗ ờ của người làm, lồng gà. Trước khi tôi rung chuông, tôi muốn rũ bỏ bất cứ ảo tưởng nào. Amilamia không còn sống ở đây. Tại sao em lại ở 15 năm trong cùng một căn nhà? Hơn nữa, mặc dù em cô đơn và độc lập sớm, em hình như là một trẻ được nuôi dạy đàng hoàng, có tư cách tốt, và khu vực này thì không còn khang trang; nhất định là cha mẹ Amilamia đã chuyển đi nơi khác. Nhưng người ở mới có lẽ biết họ ở đâu.
Tôi rung chuông và đợi. Tôi rung lần nữa. Đây là một chuyện bất ngờ khác: không có ai ở nhà. Và tôi có nên cảm thấy cần phải xem lại chuyện tìm cô bạn thiếu thời không? Không. Vì sẽ không xẩy ra lần thứ hai chuyện tôi mở quyển sách thời nhỏ và tìm thấy cái thẻ của Amilimia. Tôi sẽ quay trở lại cái thường ngày của mình, Tôi sẽ quên đi cái khoảnh khắc mà quan trọng của nó nằm ở chỗ là một ngạc nhiên thoáng qua bất ngờ.
Tôi rung chuông một lần nữa. Tôi áp tai vào cửa và tôi giật mình: tôi có thể nghe tiếng thở không đều, khò khè phía bên kia cửa; âm thanh của thở khó nhọc, kèm theo mùi khó chịu của thuốc lá mốc, lọt qua khe cửa
“Chào ông. Xin ông làm ơn cho biết…?”
Khi ông ta nghe tiếng tôi, người đàn ông lùi xa, bước chân nặng nề chập choạng. Tôi lại rung chuông và lần này la to: “Hê! Mở cửa! Chuyện gì vậy? Nghe tôi nói không?”
Không có trả lời. Tôi tiếp tục rung chuông, nhưng không kết quả. Tôi lùi lại khỏi cửa, vẫn còn ngó chăm chăm vào cái khe cửa bé tí, như thể khoảng cách có thể cho tôi nhìn rõ phối cảnh, hoặc ngay cả xuyên thủng. Chú ý chăm chăm vào cái cửa chết tiệt, tôi đã lùi lại xuống tới lòng đưởng. Một tiếng thét lớn, theo sau là một tiếng còi giận dữ kéo dài đã cứu tôi kịp thời. Choáng váng tôi tìm người đã vừa kêu lên cứu tôi. Tôi chỉ thấy chiếc xe hơi đang chạy xuôi trên đường, và tôi bám vào cái trụ đèn, còn hơn cả an toàn, đã hỗ trợ tôi trong khi máu lạnh cóng chạy ào qua da nóng bừng toát mồ hôi, Tôi nhìn về phía cái nhà đã từng là, đã là, hẳn phải là nhà của Amilamia. Kia, đằng sau cái bao lơn, như tôi đã biết trước sẽ có, quần áo treo phơi khô đang bay phấp phới. Tôi không biết có gì khác treo ở đó – váy, đồ ngủ, áo bờ lu – tôi không biết. Tất cả gì tôi thấy là cái tạp dề nhỏ xanh lam sọc vuông hồ cứng, kẹp bằng mấy cái kẹp áo vào sợi dây dài đong đưa giữa một song sắt và một đinh ở tường trắng của sân thuợng.
III
Trong Phòng Hồ Sơ tôi được bảo chủ tài sản tên là R. Valdivia, người cho mướn căn nhà. Cho ai mướn? Họ không biết. Valdivia là ai? Ông ta khai trên giấy tờ là doanh nhân. Ông hiện sống ở đâu? Anh là ai? người phụ nữ trẻ tò mò cao giọng hỏi tôi. Tôi đã không thể giữ bình tĩnh và tự tin. Giấc ngủ đã không làm giảm mệt mỏi căng thẳng. Valdivia. Khi tôi rời văn phòng, mặt trời làm tôi khó chịu. Tôi liên kết cái ác cảm gây ra bởi mặt trời nóng bốc hơi đang rọi chiếu qua mây – như thế càng làm cho mạnh hơn – với ham muốn trở về cái công viên râm mát, ẩm thấp. Không. Chính chỉ là cái khao khát muốn biết Amilamia có còn sống trong căn nhà đó không và tại sao họ không cho tôi vào. Nhưng tôi phải từ bỏ cái ý tưởng phi lý làm tôi thức suốt đêm. Đã nhìn thấy cái tạp dề phơi trên sân thượng, cái tạp dề em dùng để giữ hoa, tôi bắt đầu tin rằng trong căn nhà đó có sống cô bé 7 tuổi tôi đã biết 14, 15 năm trước..Cô hẳn phải có con gái nhỏ! Phải. Amilamia ở tuổi 22 là mẹ một em bé có lẽ cũng ăn mặc như mẹ, trông giống như mẹ, lập lại các trò chơi như mẹ, và – ai biết đấy – có thể ngay cả cũng tới cùng cái công viên. Chìm trong suy nghĩ, tôi một lần nữa lại đã tới cửa căn nhà. Tôi rung chuông và chờ đợi tiếng thở nặng nhọc bên kia cửa. Tôi đã lầm. Cửa mở ra bởi một phụ nữ, không thể nào quá 50. Nhưng quấn trong một khăn choàng, mặc đồ đen và giày thấp đen, không trang điểm và tóc muối tiêu thắt nút thành búi, bà hình như đã chối bỏ mọi ảo tuởng hay bề ngoài của tuổi trẻ. Bà quan sát tôi bằng cặp mắt lãnh đạm đến độ gần như độc ác.
“Cậu muốn gì?”
“Ông Valdivia phái tôi đến.” Tôi ho và tay đưa lên luồn vào tóc. Tôi lẽ ra nên cầm theo cái cặp ở sở. Tôi nhận ra rằng không có nó tôi không thể thủ vai thật giỏi được.
“Valdivia?” bà ta hỏi không ngạc nhiên, không quan tâm.
“Phải. Chủ căn nhà này.”
Một điều rõ ràng. Nguời đàn bà không để lộ gì trên nét mặt. Bà nhìn tôi, hờ hững.
“Ờ, phải. Chủ căn nhà,”
“Tôi vào được không?”
Trong những hài kịch rẻ tiền, tôi nghĩ, người chào hàng rong thường thò một chân vào trong chẹn cửa để thiên hạ không thể đóng cửa vào mặt mình. Tôi cũng làm vậy, nhưng người đàn bà đã bước lui lại và lấy tay ra hiệu mời tôi vào cái có thể là nhà xe. Một cạnh nhà là cánh cửa gắn ô kính, sơn đã nhạt màu. Tôi bước về phía cửa qua lối đi lát ngói vàng và quay về phía người đàn bà đang bước những bước ngắn theo sau, hỏi lại: “Lối này?”
Tôi chú ý lần đầu tiên, trong bàn tay nhợt nhạt, bà cầm một chuỗi hạt và không ngừng mân mê. Từ hồi nhỏ tôi đã chưa từng thấy một chuỗi hạt cổ lỗ nào như vầy và tôi muốn nói điều này, nhưng thái độ thiếu lịch sự thẳng thừng của bà khi mở cửa làm tôi không muốn cho không, bắt chuyện. Chúng tôi vào một phòng dài hẹp. Người đàn bà mau chóng mở toang các cánh cửa sổ. Nhưng do bốn cái chậu sứ bao kính trồng những cây vạn niên nên căn phòng vẫn chìm trong bóng tối. Đồ vật khác duy nhất trong phòng là một sofa bằng mây với lưng ghế cao và một ghế bập bênh. Nhưng cây trồng và đồ đạc thưa thớt chẳng phải là những thứ tôi chù ý.
Người đàn bà bảo tôi ngồi xuống sofa rồi bà ngồi vào chiếc ghế bập bênh. Cạnh tôi trên tay ghế mở ngỏ một sách giống như tạp chí.
“Ông Valdivia gửi lời xin lỗi vì đã không đích thân đến,”
Nguời đàn bà đong đưa ghế, mắt không chớp. Qua khóe mắt tôi liếc nhìn quyển sách khôi hài.
“Ông gửi lời thăm hỏi và…”
Tôi ngừng chờ đợi phản ứng của người phụ nữ. Bà tiếp tục đong đưa ghế.
Sách tạp chí viết nguệch ngoạc những chữ đỏ.
“…và bảo tôi tin bà biết rằng ông sẽ phải làm phiền bà trong vài ngày…”
Mắt tôi nhanh chóng lục lọi căn phòng.
“…Cần phải lượng giá lại căn nhà để tính thuế. Hình như việc này đã không được làm trong…Bà đã sống ở đây từ…”
Phải. Đó là một thỏi son ngắn nằm dưới ghế. Nếu người đàn bà mỉm cười thì đó là trong khi tay bà vẫn chậm rãi mân mê chuỗi hạt. Tôi thoáng cảm thấy một ánh diễu cợt không làm hiện chút khó chịu nào trên mặt bà. Bà vẫn không trả lời.
“…từ ít nhất 15 năm, đúng không?”
Bà không thừa nhận. Bà không bác bỏ. Và trên cặp môi mỏng nhợt nhạt không có chút son nào.
“…Bà, chồng bà, và…?”
Bà ngó chăm chăm tôi, không hề thay đổi nét mặt, hầu như thách thức tôi tiếp tục. Chúng tôi ngồi yên lặng một lúc, bà mân mê chuỗi hạt, tôi dợm người tới truớc, tay đặt trên đầu gối, đứng dậy.
“Thôi được, chiều nay tôi sẽ trở lại với các giấy tờ…”
Người đàn bà gật đầu và lặng lẽ nhặt thỏi son và sách khôi hài, dấu chúng trong khăn choàng..
IV
Quang cảnh không thay đổi. Chiều nay trong khi tôi viết những con số giả mạo vào quyển sổ và giả vờ chú ý đến lượng định giá trị cái sàn gỗ xám xịt và chiều dài phòng khách, người đàn bà đong đưa ghế, ba thập niên của chuỗi hạt thì thầm qua những ngón tay bà. Tôi thở phào khi hoàn tất cái giả định là kiểm kê của phòng khách và xin phép xem phần còn lại của căn nhà. Người đàn bà vừa nhỏm dậy vừa tựa cánh tay áo đen dài xuống mặt ghế, sửa lại khăn choàng trên đôi vai nhỏ gầy guộc.
Bà mở cánh cửa thủy tinh mờ và chúng tôi bước vào phòng ăn có thêm rất ít đồ đạc. Nhưng cái bàn có chân bằng nhôm và bốn ghế dựa bằng nhôm với nhựa, chẳng cho thấy chúng phân biệt gì với đồ đạc phòng khách. Cửa sổ khác, với chấn song sắt và cánh cửa sổ đóng kín, hẳn đôi khi được mở ra làm sáng phòng ăn với các bức tường trống trơn, và không có kệ hoặc tủ bát đĩa. Vật duy nhất trên bàn là một đĩa nhựa đựng trái cây gồm một chùm nho đen, hai quả đào, với đám ruồi vo ve phía trên. Người phụ nữ, khoanh tay, mặt không chút biểu lộ, ngừng lại sau tôi. Tôi mạo hiểm phá vỡ cái trật tự của sự việc: rõ ràng những phòng này sẽ không cho tôi biết điều thực sự tôi muốn biết.
“Chúng ta có thể lên sân thượng được không?” Tôi hỏi. “Đó có thể là cách tốt nhất để đo lường toàn khu vực.”
Cặp mắt người đàn bà sáng lên khi bà nhìn tôi, hoặc có lẽ chỉ là do tương phản với tối tăm của phòng ăn,
“Để làm gì?” sau cùng bà nói. “Ông…Valdivia…biết kích thước rất rõ.”
Những ngập ngừng này, truớc và sau tên chủ nhà, là chỉ dấu cho thấy có cái gì đó sau củng đã bắt đầu làm phiền bà, buộc bà để tự vệ phải dựa vào một kiểu diễu nhại nào đó.
“Tôi không biết,” tôi cố cười gượng. “Có lẽ tôi thích đi từ trên xuống dưới và không phải” – nụ cười gỉa tạo của tôi biến mất – “từ dưới lên trên”
“Cậu sẽ đi theo cách tôi chỉ cậu.” người đàn bà nói, cánh tay khoanh truớc ngực, cây thánh giá bạc đong đưa chỗ áo đen truớc bụng.
Truớc khi mỉm cười yếu ớt, tôi tự bắt mình phải nhận thức rằng trong bóng tối này, điệu bộ cử chỉ của tôi vô dụng, ngay cả chỉ tượng trưng cũng không. Tôi mở quyển sổ, bìa cứng kêu sột soạt, và tiếp tục ghi chú thật nhanh, không hề ngó lên, viết xuống những con số và lượng giá cho một công việc mà tính hư cấu của nó – má tôi hơi đỏ và lưỡi khô khốc bảo tôi – đang chẳng đánh lừa được ai, Và khi tôi phủ đầy tờ phác đồ với những con số phi lý, những căn bậc hai và công thức đại số, tôi tự hỏi cái gì đã khiến tôi không đi thẳng vào đề, không hỏi về Amilamia và ra khỏi đây với một trả lời thỏa mãn. Không có gì cả. Tuy nhiên tôi chắc chắn, ngay dù tôi có câu trả lời, tôi sẽ không biết được sự thật. Người đồng hành với tôi nhỏ thó, im lặng là người tôi sẽ không nhìn lần thứ hai khi gặp ngoài đường, nhưng trong căn nhà hầu như không ai ở với đồ đạc thưa thớt, bà không còn là một khuôn mặt vô danh trong đám đông và biến thành một nhân vật bí hiểm trong các truyện muôn thuở cũ mèm. Nghịch lý là ở chỗ đó, và nếu ký ức về Amilamia đã có lần được khơi dậy lại bởi ham thích tưởng tượng của tôi, tôi sẽ theo đúng luật chơi. Tôi sẽ đào tận gốc mọi vẻ bên ngoài, và không ngừng nghỉ cho tới khi có được câu trả lời – có lẽ đơn giản và rõ ràng, trực tiếp và hiển nhiên – nằm ngoài những che đậy mà bà có chuỗi hạt bất ngờ đưa ra cản đường. Tôi có ban khống cho người chủ miễn cưỡng một ngạc nhiên lạ lùng nào không? Nếu có, tôi sẽ chỉ thích thú hơn trong những mê cung chính tôi nghĩ ra. Và các con ruồi vẫn đang vo ve trên đĩa trái cây, thỉnh thoảng đậu xuống chỗ bị hao hụt của trái đào, một miếng cắn nhỏ – lấy cớ phải ghi chú tôi nghiêng người gần hơn – chỗ răng nhỏ đã để lại vết cắn trên vỏ mịn và thịt trái đào. Tôi không nhìn về phía bà. Tôi giả vờ đang ghi chú. Trái cây hình như bị cắn, không cần phải cầm lên. Tôi khom người xuống để nhìn rõ hơn, đặt hai tay trên bàn, đưa môi gần hơn như thể muốn tái diễn hành động cắn đào mà không cần phải cầm nó. Tôi nhìn xuống và thấy dấu hiệu khác gần chân tôi: vết xe của hai lốp cao su trông như của xe đạp, vết in của hai lốp kéo dài tới cạnh bàn và rời đi, nhạt dần theo chiều dài căn phòng, về phía bà ….
Tôi gấp quyển sổ lại
“Thưa bà, chúng ta tiếp tục.”
Khi tôi quay về phía bà, tôi thấy bà đứng hai tay chống trên lưng một ghế dựa. Ngồi truớc bà, ho vì khói thuốc lá đen, là một ông to con vai rộng và cặp mắt như bị che dấu mất: cặp mắt này, hầu như không nhìn thấy sau mí mắt phồng to nhăn nhúm, dày và rủ xuống như cổ con rùa lâu đời, tuy nhiên đang theo dõi mọi cử chỉ của tôi. Má cạo không sạch, ngang dọc cả ngàn nếp nhăn xám, trũng xuống từ xương gò má nhô cao, bàn tay hơi xanh lục gấp lại dưới cánh tay. Ông mặc áo sơ mi vải thô xanh lam, mái tóc rối quăn tít trông như đáy con tàu bám đầy sò nhỏ. Ông không cử động, dấu hiệu duy nhất hiện diện của ông là thở khó khăn như rít lên mà tôi đã từng nghe qua khe hở của cửa căn nhà (như thể mỗi hơi thở phải phá vỡ cửa chặn của đờm, khó chịu và lạm dụng thuốc lá).
Lạ thật, ông lẩm bẩm: “Chào cậu…” và tôi bỗng sẵn sàng quên hết mọi sự: cái bí mật, Amilamia, chuyện lượng giá, dấu vết lốp xe đạp. Xuất hiện của con gấu già hen suyễn này biện minh cho một rút lui nhanh chóng. Tôi đáp lại “Chào ông,” giọng điệu cho thấy tôi đang chào từ giã. Mặt nạ con rùa chuyển thành nụ cười xấu xí: mỗi lỗ chân lông của thịt hình như làm bằng cao su giòn dễ vỡ, bằng vải dầu với sơn đang tróc ra. Cánh tay vươn ra ngăn tôi lại.
“Valdivia chết cách đây bốn năm,” người đàn ông nói giọng tắc nghẹn, xa vắng phát xuất từ bụng hơn là từ thanh quản: một giọng cao, rít lên yếu ớt.
Bị nắm chặt mạnh, hầu như đau đớn, tôi tự nhủ giả vờ chẳng ích lợi gì. Nhưng khuôn mặt cao su như sáp đang quan sát tôi không nói gì, và vì thế, mặc dù mọi sự, tôi còn có thể giả vờ một lần nữa, giả vờ như đang tự bảo với mình khi tôi nói: “Amilamia…”
Phải; không ai phải giả vờ nữa. Nắm tay chụp cánh tay tôi chỉ trong thoáng chốc cho thấy sức mạnh của nó, liền nơi lỏng ngay kìm kẹp, rồi thõng xuống, yếu ớt và run rẩy, truớc khi nhấc lên lại, đưa bàn tay như sáp lên vai ông: người đàn bà, thoạt tiên bối rối, giờ nhìn tôi bằng cặp mắt của con chim bị thuơng và rên lên khô khan, sụt sùi nhưng không làm đổi chút nào vẻ mặt kinh ngạc cứng đờ. Đột nhiên hai người độc ác trong tưởng tượng của tôi lại là hai người già cô đơn, bị bỏ mặc, bị thuơng tổn, hầu như không thể tự an ủi, và cái siết tay rùng mình này đã làm tôi thật xấu hổ. Mơ tưởng quái dị đã đưa tôi tới cái phòng ăn cứng đơ này để xâm phạm riêng tư và bí mật của hai con người lưu đầy khỏi đời sống bởi một cái gì đó tôi không có quyền được chia sẻ. Tôi chưa bao giờ tự khinh mình nhiều như vầy. Chưa bao giờ tôi thấy lời nói của mình lại thất bại vụng về như vầy. Cử chỉ nào của tôi cũng sẽ vô ích: nên chăng tôi lại gần hơn, chạm vào họ, vuốt ve đầu người đàn bà, và xin họ tha thứ cho chuyện xâm nhập của tôi? Tôi nhét quyển sổ vào túi áo jacket, Tôi vứt bỏ vào quên lãng những đầu mối trong câu truyện trinh thám của tôi: sách khôi hài, thỏi son, trái cây bị cắn, những vết lốp xe đạp, cái tạp dề xanh lục sọc vuông…tôi quyết định rời căn nhà không nói gì thêm. Ông già, từ sau cặp mí mắt dày hẳn đã chú ý thấy thế.
Giọng cao khó thở hỏi: “Cậu đã có biết nó?”
Thì quá khứ, tự nhiên thôi, quen sử dụng bởi họ hàng ngày, sau cùng đập tan ảo tưởng của tôi. Câu trả lời là đây. Cậu đã có biết nó? Đã bao lâu? Đã bao lâu thế giới sống không có Amilamia, bị ám sát thoạt tiên bởi quên lãng của tôi, và rồi sống lại, hầu như từ hôm qua, bởi một ký ức u buồn, bất lực? Từ khi nào đôi mắt xám nghiêm túc này đã thôi ngạc nhiên bởi hân hoan truớc một vườn luôn luôn hiu quạnh? Từ khi nào đôi môi này đã thôi tru ra hay mím lại trong cái vẻ nghiêm túc kiểu cách mà, bây giờ tôi mới nhận ra, Amilimia hẳn phải đã khám phá và thánh hóa vật dụng và biến chuyển của một cuộc đời mà có lẽ em trực giác là mong manh thoáng qua?
“Vâng, chúng tôi đã cùng nhau chơi đùa ở công viên. Cách đây lâu lắm rồi.”
“Khi đó nó mấy tuổi?” ông già nói, giọng còn bị tắc nghẹt hơn truớc.
“Em hẳn phải 7 tuổi. Không, già hơn thế.”
Người đàn bà cao giọng khi bà dơ tay lên như thể nài nỉ: “Nó trông thế nào, cậu.? Làm ơn cho chúng tôi biết nó trông thế nào?”
Tôi nhắm mắt lại. “Amilamia cũng là một ký ức của tôi. Tôi chỉ có thể hình dung em qua những vật em đã chạm vào, những vật em đã mang lại, những gì em đã khám phá trong công viên. Phải. Bây giờ tôi thấy em, đi xuống ngọn đồi. Không. Bảo đó là khu chẳng cao mấy với những gốc cây con lởm chởm là không đúng. Đó là một ngọn đồi, có cỏ, và Amilamia đến và đi đã vạch thành một lối mòn, và em đã vẫy tay chào tôi trên đỉnh đồi truớc khi bắt đầu xuống, kèm theo có nhạc, phải, nhạc tôi đã nhìn thấy, sơn tôi đã ngửi thấy, vị tôi đã nghe thấy, mùi tôi đã sờ thấy…huyễn tưởng của tôi…” Họ có nghe tôi nói không? “Em đi xuống vẫy tay, mặc đồ trắng, trong tạp dề xanh lam sọc vuông…cái tạp dề ông bà đang treo trên sân thượng…”
Họ nắm cánh tay tôi và tôi vẫn không mở mắt.
“Nó trông sao, cậu/”
“Mắt em xám và mầu tóc thay đổi trong phản chiếu của mặt trời và bóng cây…”
Họ nhẹ nhàng dắt tôi đi, cả hai người. Tôi nghe tiếng thở nặng nhọc của người đàn ông, và tiếng va chạm của cây thánh giá chuỗi hạt vào thân người đàn bà.
“Làm ơn cho chúng tôi biết…”
“Không khí đã làm em chảy nước mắt khi em chạy; lúc em tới ghế tôi ngồi, má em long lanh bạc những giọt lệ vui sướng…”
Tôi vẫn không mở mắt. Bây giờ chúng tôi đang đi lên cầu thang. Hai, năm, tám, chín, mười hai bậc. Bốn bàn tay dẫn dắt người tôi.
“Nó trông sao, nó trông sao?”
“Em đã ngồi dưới cây bạch đàn, và bện cành cây thành vòng hoa lá, và giả vờ khóc khiến tôi phải ngừng đọc để tới em…”
Bản lề cửa kêu cọt kẹt. Mùi tỏa ra đánh bạt mọi thứ: nó làm tán loạn các giác quan khác, nó ngự trị như người Mông Cổ da vàng trên ngôi báu trong huyễn tưởng của tôi; nặng nề như quan tài, luồn lách như trơn trượt của lụa rủ, tô điểm chạm trổ như cây trượng Thổ Nhĩ Kỳ, tối mờ như mạch quặng sâu hun hút, chói sáng như ngôi sao chết. Mấy bàn tay không còn giữ tôi. Hơn cả sụt sùi, đó là run rẩy của người già đang bao phủ quanh tôi.
Từ từ tôi mở mắt: truớc hết còn choáng váng qua giác mạc ươn ướt, rối qua mạng mi mắt, nhìn thấy căn phòng ngộp thở trong trận chiến khổng lồ giữa các hương thơm, nồng nặc và mờ đục, những cánh hoa hầu như giống da thịt; hiện diện của hoa mạnh đến nỗi ở đây chúng hình như mang tính chất của da thịt sống – ngọt ngào của hoa nhài, nôn nao của hoa huệ trắng, hoa loa kèn của huyệt mộ, hoa dành dành của đền đài. Chiếu sáng qua môi sáp sáng chói của những ngon nến to cháy xèo xèo, phòng ngủ nhỏ không cửa sổ với hào quang của sáp và hoa ẩm thấp, tấn công vào ngay trung tâm mạng lưới thần kinh của tôi và từ đó, chỉ ở đan điền, trung tâm thần kinh của cuộc sống, tôi mới có thể tỉnh trí lại và nhận biết ngoài các cây nến, giữa những hoa rải rác, là cơ man đồ chơi cũ: các vòng đủ mầu sắc và những quả bóng nhăn nhúm thiếu hơi, anh đào khô trong, ngựa gỗ bờm trông thô không đều, xe máy, búp bê mù không tóc, gấu nhồi lòi cả mạt cưa, vịt bằng vải dầu bị chọc thủng, chó bị mối mọt, dây nhảy mòn bung cả sợi, lọ thủy tinh đựng kẹo khô khốc, giầy cũ mòn sờn, xe ba bánh (có ba bánh? không, hai, và không phải là bánh của xe đạp hai bánh – cặp bánh song song phía dưới), giầy nhỏ bằng da với len; và, đối diện tôi, trong tầm tay, cái quan tài nhỏ đặt trên những thùng xanh lam trang trí với hoa giấy, lần này hoa của đời sống, cẩm chướng và hướng dương, anh túc và tu líp, nhưng giống như những hoa khác, hoa của sự chết, tất cả gom thành một sưu tập góp nhặt tạo bởi bầu khí của cái nhà quàn nóng nực trong đó, an nghỉ giữa quan tài bằng bạc, giữa những tấm lụa đen, trên gối satin trắng, khuôn mặt bất động điềm tĩnh được viền quanh bởi đăng ten, nổi bật nhờ các sắc mầu hồng, lông mày kẻ bằng bút chì lợt nét, mi mắt khép, lông mi thật, dày, hắt bóng mảnh mai trên đôi má khỏe mạnh như ngày nào ở công viên. Đôi môi đỏ nghiêm túc, tạc dưới dạng hầu như trề ra giận dữ mà Amilamia giả vờ để cho tôi phải đến chơi. Tay khoanh vào nhau truớc ngực, Một chuỗi hạt, giống của mẹ em, quấn quanh cổ bằng sáp. Vải liệm trắng nhỏ phủ trên thân hình dễ thuơng, sạch sẽ, của tuổi truớc dậy thì.
Hai người già đang quỳ gối sụt sùi.
Tôi vươn tay ra và lướt ngón tay trên khuôn mặt bằng gốm của cô bạn nhỏ. Tôi cảm thấy cái lạnh của những nét sơn phết này, cái lạnh của nữ hoàng búp bê chủ trì cái phù hoa hoành tráng của phòng chết hoàng gia. Gốm, sáp, vải. Amilamia xẽ khôn quên ban tốt của mìn – hãy den gặp tôi tai day nơi tôi vẽ nó.
Tôi rút ngón tay khỏi cái xác giả mạo. Dấu vết của vân tay lưu lại chỗ tôi sờ vào da búp bê.
Và một nôn nao bò vào dạ dày nơi khói nến và mùi hơi khó ngửi của hoa huệ trắng trong căn phòng đóng kín đã đến tụ ở đó. Tôi quay lưng về phía mộ Amilamia. Tay người phụ nữ nắm cánh tay tôi. Cặp mắt chăm chăm ngây dại không có vẻ gì liên hệ với giọng đều đều bình tĩnh nói khẽ.
“Đừng trở lại, cậu. Nếu cậu thực yêu nó, đừng trở lại nữa,”
Tôi cầm tay mẹ Amilamia. Tôi nhìn qua đôi mắt choáng váng, thấy đầu ông già đang chôn giữa hai đầu gối, và tôi ra khỏi phòng, tới cầu thang, tới phòng khách, tới sân trong, tới ngoài đường.
V
Nếu không phải một năm thì chín hay mười tháng đã trôi qua. Hồi ức về cái sùng bái ngẫu tượng đó không còn làm tôi sợ. Tôi đã quên mùi hoa và hình ảnh của búp bê hóa thạch. Amilamia người thật đã trở lại trong ký ức tôi và tôi cảm thấy, nếu không phải là hài lòng, lành mạnh trở lại: công viên, cô bé sinh động, những giờ đọc sách thời niên thiếu, đã thắng những ám ảnh của một sùng bái bệnh hoạn. hình ảnh cuộc sống có sức mạnh hơn. Tôi tự nhủ sẽ sống mãi với Amilamia đích thực của tôi, kẻ chiến thắng cái hoạt kê của sự chết. Và một hôm tôi dám ngó lại cái quyển sổ ghi chú với tờ phác đồ, trên đó tôi viết những dữ kiện của một lượng giá giả mạo. Và từ những trang này, lần nữa, thẻ của Amilamia lại rơi ra, với chữ viết nguệch ngoạc trẻ con kinh khủng, và cái phác đồ từ công viên đến nhà em. Tôi mỉm cười khi nhặt nó lên. Tôi cắn một cạnh thẻ, nghĩ rằng, mặc dù mọi chuyện, hai người già tội nghiệp có thể chấp nhận món quà này.
Tôi vừa huýt sáo vừa mặc jacket và vuốt thẳng cà vạt. Tại sao không tới gặp họ và tặng cái thẻ này có chữ viết của chính cô bé?
Khi tới gần căn nhà một tầng tôi hầu như chạy. Mưa bắt đầu rơi lác đác nặng hột, đem khỏi mặt đất, bằng huyền diệu tức thì, cái mùi của mưa ướt phúc lành, khuấy động đất mùn và làm tăng nhanh mọi sức sống có gốc rễ trong bụi đất.
Tôi rung chuông. Mưa trở nên nặng hơn và tôi cũng nôn nóng sốt ruột rung tiếp. Một giọng chát chúa vang lên: “Tôi ra đây!” và tôi chờ đợi bà mẹ với chuỗi hạt muôn thuở mở cửa cho tôi. Tôi lật cao cổ áo jacket. Quần áo, nguời tôi ngửi cũng khác trong mưa nữa. Cửa mở.
“Anh cần chi? Anh đã đến, thật tuyệt vời!”
Cô gái dị dạng ngồi trong xe lăn đặt một tay trên núm cửa và mỉm cười với tôi gượng gạo, không thể hiểu ý nghĩa là thế nào. Cái bướu trên ngực cô khiến cho cái váy biến thành miếng vải trùm lên người, tuy nhiên là một miếng vải trắng tạo một vẻ làm dáng đối với cái tạp dề xanh lam sọc vuông. Cô thiếu nữ nhỏ nhắn lấy một gói thuốc lá từ túi tạp dề và nhanh chóng mồi một điếu, môi sơn mầu vàng cam để lại vết trên đầu điếu thuốc. Cô sửa lại mái tóc lúc nào cũng quăn mầu lúa mì vàng như đồng, và trong suốt thời khắc đó không ngừng chăm chăm nhìn tôi với vẻ hi vọng, dò hỏi, đau buồn – đồng thời pha lẫn sợ hãi.
“Đừng, Carlos. Đi đi. Đừng trở lại.”
Và từ trong nhà, ngay lúc đó, tôi nghe tiếng thở lớn khó nhọc của ông già, đang tới gần.
“Mày đâu? Mày há chẳng biết rằng mày không được trả lời gọi cửa? Vào ngay! Đồ quỷ cái! Tao lại phải đập mày nữa sao?”
Mưa nhỏ giọt xuống trán tôi, má tôi và vào miệng tôi; và hai bàn tay nhỏ bé sợ sệt đánh rơi sách khôi hài xuống vỉa hè đá sỏi ướt mưa.
Phạm đức Thân dịch