Chấp tay lạy người

________________

Tôn Thất Tuệ _ 2014

tình mẹ con,
tranh Vũ Cao Đàm 1963

Chị tôi sinh 1930, Canh Ngọ vừa qua đời trước Tết con rồng 2012, một ngày trước khi đưa Ông Táo về châu trời.

Chiến tranh Việt Pháp 1946 đã đưa anh chị em tôi vào tình trạng các bạn cứ tưởng tượng như bỗng dưng con cái ra đường sống cuộc đời homeless. Chị không đi học tiếp mà sống nơi nhà thờ họ ngoại với ông trưởng tộc nghèo, chung nhau tìm cách sống qua ngày. Rồi chị cũng lớn lên sống với nhà chồng gần Đàn Nam Giao. Còn nhớ ông cha chồng có nói với dì tôi: Thưa bà Lãnh (chồng lãnh binh), nếu không có sự đảo lộn thì làm sao tôi có thể đến nhà bà xin cưới dâu.

Hão huyền xã hội ấy không phải là điều tôi muốn ghi lại. Điều chính yếu muốn nói là nhờ những đổi thay xã hội ấy, chị tôi vì nghèo, ít học, đã không làm gì có thể hại ai, mắng chưỡi ai, tống tiền, cho vay cắt cổ, gạt gẫm, kể cả không có dịp làm những sai lầm ngoài ý muốn như phạt tù kẻ vô tội. Chị tôi hay cúi nhìn xuống đất, nghĩa bóng và đen. Chị luôn hất cục đá vô lề, lượm những cành gai, những mẻ chai mẻ sành, đinh… sợ người ta đạp què giò.

Thỉnh thoảng chị gánh xuống chợ Bến Ngự bán những sản phẩm nhà vườn. Nghe ghê quá. Nhưng chỉ có: một trái mít non, một mụt măng tre pheo, vài mụt măng cán dáo, mươi trái vả, vài bó chè xanh, trái thơm non.

Trái thơm là trái thơm non, đem về trộn mắm ăn chon như dừa.

Quan trọng và đầy màu sắc là cái ngãu ớt mọi, ớt tím, ớt chìa vôi, còn xanh còn hườm theo thị hiếu ở Huế. Khi nào trời thưởng, thì có thêm nhúm nấm mối mọc dưới lá tre mục, hoặc vài ba chục tai nấm mèo phơi còn ẩm.

Mấy thứ ấy không nặng bằng một thùng nước nên chị kèm theo năm bảy bó củi. Mấy bó củi nầy đầy tính chất phấn son, tô phết. Bên ngoài là những liếp gỗ mỏng trắng tươi từ thân cây dương liễu; bên trong đủ thứ tầm khào, kể cả nhánh vông gai xốp. Chẳng che dấu lường gạt ai được nhưng cái đẹp cũng câu khách, có giá vậy. Quanh xóm ai cũng nghèo, cho nên không thể mua đi bán lại, có chi bán nấy. Tường trình đầu tiên khi ở chợ về chỉ có hai chữ hoặc “gạo hơn” hoặc “gạo thua”. Đến nay tôi chưa hiểu vì đâu có hai thuật ngữ ấy, gạo hơn là giá hạ, gạo thua là giá cao; tạm hiểu cùng một số tiền, thua là bớt gạo; hơn thì thêm một chút.

Nhưng gạo đã làm chị bận tâm một cách khác vào tuổi đôi tám (1945). Hơn mười năm trước, tôi có về Huế lo dời mô mã tổ tiên bị giải tỏa khu núi Ngự Bình. Tôi chẳng đi đâu, ngoài công việc chính yếu trên. Tôi lẩn quẩn trong vườn và tìm gặp những thứ chị mang đi bán như nói trên. Cây chè đã lão hóa, thân hình cổ quái như bonsai. Mấy cây mít chỉ có trái lèo tèo như quả bưởi, nằm trên cao, chúng có cái tên không đẹp nhưng rất thông dụng ở Huế là mít đọt. Mấy bụi thơm có trái chín như hồi nhỏ người lớn hay đố, mặc áo điều áo đỏ ngồi chỏ hỏ sau nương. Cây vả xưa đã chết, mới trồng cây con.

Chiều hôm trước ngày tôi trở lại Saigon, hai chị em ngồi yên lặng dưới giàn hoa. Bỗng nhiên chị tôi nói: Ba rất kính trọng người ăn mày.

Đến đây các bạn sẽ hiểu vì sao tôi nói chị bận tâm về gạo. 1945 thì chị đã 15, tuổi ta là mười sáu đôi tám là đúng rồi, tuổi đủ để nhớ và biết nhiều. Chị nói vào kỳ đói, gia đình tôi nấu cháo từng nồi lớn, mỗi người đi qua được mời một tô cháo trắng. Chị múc và cha tôi hai tay dâng bát (cái đọi) cháo rồi vái lạy người người ăn. Mỗi người chỉ có một tô, đi quanh đi quất đâu đó trở lui ăn nữa nhưng ăn liền tô thứ hai thì không được. Của ít người nhiều.

Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh đãi cháo ấy; có lẽ nấu đâu ngoài chợ vì nhà tôi ở trong kiệt. Nhưng tôi nhớ mồn một cha tôi mua nhiều gạo lắm (trẻ con thì thấy gì cũng to cũng nhiều). Tự nhiên cái chái trước thành chỗ cao chỗ thấp cho tôi nhảy lên nhảy xuống. Chị phải lo đem gạo cho bà con tận Cồn Hến, có khi qua đò nước lụt rất ghê sợ.

Năm đó cha tôi đi buôn gạo với bác Thanh, tức là cha của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi còn nhớ bác Thanh có đến nhà tôi một lần. Sau hồi cư tôi có thấy vài lần trên xe vespa trước khi bác chết vì tai nạn xe cộ trên đường từ phi trường Phú Bài về Huế. Tôi không hiểu số gạo để tại nhà để đem cho bà con lối xóm hay nấu cháo có phần của bác Thanh hay không. Tuy vậy tôi luôn nguyện hồi hướng công đức cho bác Trịnh Thanh. Việc nầy tôi nghĩ TCS cũng không biết; cũng như không biết sự quen biết giữa cha tôi và cha của ông. Tôi không quen biết TCS; chỉ có một lần tôi đi cùng với một người bạn vô Bộ Thông Tin yêu cầu Ban Kiểm duyệt thông qua bài Nhìn Những Mùa Thu Đi, lần ấy ông nhạc sĩ cũng đi chung. Nói cho rõ thêm, việc can thiệp nầy là do ông bạn (đã chết Mậu Thân) còn tôi chỉ tình cờ đi theo.

Trước và sau vụ gạo nầy, cha tôi thật sự là homeless, nghĩa là ông chỉ lo đâu đâu ngoài đời. Ông tom góp mọi thứ trong nhà để lo cho tuần lễ đồng, tuần lễ vàng. Mẹ tôi mất sớm nên chị lo cơm nước cho mấy em.

Chị tôi gánh những gánh củi xuống chợ bán, lúc chợ ế phải gánh rong quanh Bến Ngự bán cho những người cùng thời với cha tôi. Sau chiến tranh họ vẫn còn làm chủ tiệm vàng, tiệm xe đạp, quán giải khát (buvette), chủ bàn ping pong, chủ tiệm tạp hóa  v.v…Con cái của họ xưa kia cùng đi học bây giờ áo quần bảnh bao không rách vá như chị. Không ai nhìn. Riêng chỉ có ông bà Viên Lang nhận ra, mời ăn cái bánh và chén nước. Dĩ nhiên những người như mụ Giá quét chợ thì trò chuyện huyên thuyên như ngày xưa vô nhà xúc gạo về ăn.

Nghèo chẳng có gì đáng khen hay đáng trách. Nhưng cái hay của cảnh hàn vi là nó giúp mình không có phương tiện sách hại ai. Đó là trường hợp của chị tôi. Chị tôi dốt, không biết thiền là gì và cũng không biết bát văn cửu vạn (bài bạc) là gì, không biết điều khiển 16 ông tướng qua bốn vùng chiến thuật xanh đỏ trắng vàng; không biết champagne ra làm sao. Chị không biết thập ngưu đồ của thiền học. Chính chị không biết đời mình là một ngưu đồ, suốt đời tận tụy và âm thầm nghiền ngẫm sự việc chung quanh như trâu nhai lại.

Tôi tin tưởng cuộc đời vô cầu, vô tạo, vô lụy đã cho chị tôi một sự ra đi nhẹ nhàng. Vào nhà thương khám bệnh định kỳ, đột nhiên hôn mê và từ giả mười giờ sau. Đây là một ví dụ, một trường hợp cụ thể của triết lý Đông Phương, đến từ hư vô và trở về với hư vô hay nói khác chẳng đến chẳng đi. 82 tuổi đời, mà e chừng đã có gần 70 tuổi đạo, đạo vái lạy kẻ nghèo đói, đạo chấp tay lạy người.-

https://tonthattue.blogspot.com/2022/06/chap-tay-lay-nguoi.html

Nắng Quảng Trị

_________________________
Tôn Thất Tuệ _ 2014


Đông Hà Quảng Trị 1969

Gió Lào thổi cháy cả tay kèm theo những hạt cát như tên bắn vào da. Hơi nóng ấy ở Quảng Trị tôi nghĩ đủ sức đập vỡ những phân tử tinh dầu trong những ngọn lá tràm hoang không chờ người cắt về nấu chưng cất thành một dung dịch xanh lục có tác dụng giảm đau nhức, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu tràm Dung ga Huế… Dân cư mắt bét vì cát tác quái lên phần da mỏng thín bên trong con mắt. Trên những truông những độn ấy, chỉ có những cây thấp, chặt về nhà lấp dưới vồng khoai lang cho xốp đất, hoặc bỏ vào chuồng heo đạp sau nầy làm phân. Những rừng chồi có sim, móc…Cây tràm nhỏ lắm không như cây tràm Cà Mâu dùng làm cừ cất nhà.

Dãy Trường Sơn dựng đứng như vách, biến vùng phía tây thành khu đại lục về phương diện khí hậu. Mặt trời mùa hè làm cho không khí căng ra như bong bóng. Hơi nóng từ bên Lào theo nguyên tắc trao đổi nhiệt lượng chạy qua khe núi như cái sấy tóc vào Quảng Trị tiếp giáp biển Đông. Thung lũng Bakerfield bắc thành phố Los Angeles cũng mang hình thái đại lục vì bị chấn ngang bởi một dãy núi ra tận bờ nước. Bầu “nhiệt tình” ấy hằng năm tặng cho Nam Cali lớp sóng nóng (Santa Ana Heat Wave). Nó không tác hại cho dân Mỹ vì điều kiện sinh sống đầy đủ, nhà cửa che kín, máy lạnh v.v…

Nhưng với Quảng Trị thì khác. Gió Lào, nó rất lào!, nó đến kèm theo cát bụi và nhất là không thổi cơm được, không thể nhóm lửa. Phải nấu cơm từ khuya, lúc ấy nhiệt độ đại lục xuống thấp, không khí teo lại chờ mặt trời mới phình trương mà đi xuống Quảng Trị.

Trong nắng trưa hè, khoảng 1970 tôi đi qua mảnh đất nghèo xác xơ ấy, tháp tùng bộ trưởng Xã Hội và hai hay ba nhà ngoại giao Âu Châu trong nhiệm vụ thanh sát đời sống của dân di tản các làng nay thành trận mạc. Đoàn thanh tra được hướng dẫn bởi ông trưởng ty địa phương và các nhân viên tòa tỉnh. Đi được một hồi, đột nhiên ông vội vã đưa tay mời đoàn người đổi hướng.

Bên hẻm không người đi
một mái tranh trên cát bều xều như ở bãi biển
một thiếu phụ, duy nhất một người, nói lại chỉ một người
không có áo tang, chỉ có vành khăn trắng,
trên cát bều xều,
trong tư thế nửa ngồi nửa nằm sấp,
bà khóc.

Hai tay bấu vào nền cát như đang xoa bóp lưng ai.
Trong cái u ám của lòng người và ngoại cảnh tiêu điều
có hai màu rực sáng: màu vàng và màu đỏ.
Lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ trên một quan tài.

Túp lều trống vốc, ngoại cảnh, nội tâm
đều nằm hoàn toàn trong quyền thống trị
của ba hiện hữu liên hệ mật thiết dính bó với nhau:
quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ
thiếu phụ vọc đất,
lon sữa bò có cắm mấy chân nhang đỏ.

https://tonthattue.blogspot.com/2022/07 … t-nam.html

Túy ngọa sa trường

________________________

tôn thất tuệ _ 18/8/2014




Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

chớ vội cười vì men khói súng

chớ vội cười, xưa nay giặc giả mấy ai về

tình trường không như chiến trường ác nghiệt

những nhát đâm đau đớn mà sướng kinh hồn

thú đau thương ngàn đời ai dễ có, ta là

lão nhện ngơ, tò vò “nuôi” bằng nọc độc,

thân tê liệt mà còn xanh chờ nhộng con khôn lớn

tiệc lên đường, không rượu không thơ.

 

Ôi tình trường, ôi chiến địa,

để lại con bù nhìn bằng rơm rạ và giẻ rách,

đuổi chim phá lúa mà không quên

kẹp nách cây roi của tiền kiếp, quất trên thây

trong vô thức sâu thẳm,

làm sống dậy  những đau thương tuyệt đỉnh

hồn ta si, trở thành điên dại,

bốc đất ăn, cười vui góc chợ.

Người thấy ta là thấy những lần thua trận.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

nhưng ta cười vì hồn ta vẫn còn trong trận mạc

có tình em trong những ngày ngọt dịu,

trên cõi mộng em vẫn là một đồng minh

chưa phản bội, chưa rút quân chiến lược.

Nay ta cười, hồn ta si trở thành điên dại

lấy tàng cây đình hoang làm mái ấm

Túy ngọa sa trường ta nhớ em.-

https://tonthattue.blogspot.com/2014/08/tuy-ngoa-sa-truong.html