Ba và tôi


Lòng mẹ thương con như biển Thái bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…
Lòng mẹ đã ấp ủ đời con thơ cho luôn êm thắm, và tình yêu thương của mẹ đã khéo nắn con nên một đứa trẻ ngoan, biết yêu lại, cũng biết kính sợ. Lòng mẹ đã là nơi ghi dấu cho con biết bao là kỷ niệm đầy lưu luyến!
Tôi nhớ có lần người bạn học cũ của tôi lại nêu lên câu hỏi thuộc về tâm lý xã hội là tại sao trên thế giới hình ảnh người mẹ lại dịu dàng, đẹp đẽ bao phủ cả không gian của văn chương và âm nhạc cho dù hình ảnh của người cha cũng đẹp đẽ và thiêng liêng không kém, nếu chiếu theo sự tương quan của lý thuyết âm dương. Với riêng tôi, tôi còn nhớ mãi hình ảnh cha tôi dìu dắt tôi, cõng tôi trên vai Người, nâng bước cho tôi đi qua từng đoạn đường đời từ khi nằm trong nôi đến ngày khôn lớn trưởng thành thì tình cha dành cho con cái là một mối quan hệ thiêng liêng, trân quý. Thượng đế đã tạo ra cha bằng những gi ưu tú và tinh hoa của thế gian này để cho cha có thể đem đến cho con sức bảo vệ vững chắc của núi rừng, của biển cả; để cha luôn là nắng ấm, là mùa xuân, là niềm tin của đời con:
Thương đế đã lấy núi cao hùng vĩ
Vẻ uy nghi lộng lẫy của rừng xanh
Tia nắng ấm của mặt trời mùa hạ
Ngày im lặng của biển cả trong lành
Tình cao thượng của thiên nhiên tạo hóa
Một vòng tay an ủi của đêm vàng
Sự thông thái qua tuổi đời từng trải
Sức vô biên của đôi cánh đại bàng
Nỗi hân hoan của mùa xuân buổi sáng
Niềm tin yêu mạnh mẽ của mầm non
Sự kiên nhẫn cho thời gian vĩnh cửu
Gia đình luôn lo lắng sự sống còn
Những đức tính Thượng đế đều gom lại
Đến khi nào thấy đủ mới thôi mà
Một kiệc tác đã thành công khéo léo
Ngài dịu dàng nhân ái đặt tên « Cha »
(Những gì đã làm thành người cha
-Hải đà chuyển ngữ)
Phải, cha là kết tình của những gì hoàn mỹ nhất…Hình ảnh cha không gần gũi bằng hình ảnh của mẹ nhưng cha luôn là chiếc bóng âm thầm bên cạnh đời con, sẳn sàng đỡ nâng con trong mỗi lần con trượt chân vấp ngã, hay mỗi lần con va chạm với đời ê chề mỏi mệt…Còn gì hạnh phúc và sung sướng nào hơn là trong lúc con đau buồn và yếu đuối nhất, con được áp đầu vào ngực cha để tìm lại hơi ấm của tình thương, để tay cha vuốt nhẹ mái tóc con thơ và được nghe cha nói « hãy cố gắng lên đi con, mọi việc rồi sẽ qua mau… », để cha truyền cho con thêm sức mạnh và nghị lực để con vượt qua bao nguy nan gian khó…
Cha là tất cả trong con,
Là thày dạy dỗ cho con nên người
Là người bạn thiết vui chơi,
Là gương mẫu mực sáng soi vô bờ
Là lòng độ lượng bao la
Là người anh cả chẳng hà nệ chi…
(Cha là tất cả trong con-
Vương Ngọc Long chuyển ngữ)
Hình ảnh của Ba trong tôi là như thế đó…Từ khi tôi cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày hôm nay, Ba luôn là tất cả trong tôi. Người là người thày dạy dỗ cho tôi thành người hữu dụng cho xã hội, cho tôi biết thế nào là sống với: lễ, nhân, tín, nghĩa, hiếu, trung…Ba còn dạy cho tôi thấy được cái quan trọng của : cơ, mưu, trí, dũng…, thấy được bốn chữ yêu thương và bao dung là nền tảng của cuộc đời.

Ba tôi luôn là thần tượng và là người hùng của tôi trong mọi lãnh vực. Khi tôi nhìn ba tôi trong bộ đồ dù oai nghiêm hay trong chiếc áo blouse trắng, tôi đều thấy trong lòng tràn dâng nhiều cảm xúc. Vì đứng ở phương diện nào, Người cũng cho tôi thấy sự dũng cảm, sự kiên cường, sự cố gắng…Dũng cảm trước những đòn tấn công của địch quân hay dũng cảm khi phải băng bó những vết thương rách nát của thịt da; kiên cường trước làn tên mũi đạn của quân thù hay kiên cường trước những thi hài của đồng đội mình vừa nằm xuống mà chính tay mình phải liệm xác người bạn thân đã từng cùng chia sẻ bao ngọt bùi cay đắng của đời quân ngũ với mình:
Anh xuống cùng tôi trên trận này
Hờn lên khóe mắt, súng cầm tay
Ai ngờ trong đợt xung phong ấy
Anh gục khi nào, anh chẳng hay.
Các bạn đưa anh đến chỗ tôi
Mày còn dựng ngược, vuốt cho xuôi
Súng anh tôi giữ mang về cất
Sửa lại nhung y đẫm máu rồi.
Anh bị vết thương bên trái đầu
Chắc rằng anh chết chẳng nghe đau
Lau đi trên mặt bao đất, máu
Băng lại đầu anh, băng trắng phau.
Đưa xác anh không sẳn lá cờ
Tôi đành tẩm liệm với poncho
Vải dầu che nắng mưa khi trước
Nay bó thân anh đã cứng đờ.
Tôi tiễn anh về một chuyến bay
Mang theo tang tóc chất vơi đầy
Hồn anh theo chuyến tàu bay ấy
Hay vẫn dật dờ, phảng phất đây
Tường Vi (1) – Thương Tiếc
(1)" Tường Vi "là ký hiệu của Ba tôi trong quân ngũ
Và sau những vết thương lòng còn rỉ máu đó, Ba tôi lại phải cố gắng vượt qua cái yếu đuối và nhược chí của chính mình để tiếp tục bước tới, tiếp tục diện kiến và giành giựt với tử thần từng mạng sống cho các thương bệnh binh của mình…Rồi những chiều từ hành quân trở về, Người lại vội vàng thay chiếc áo chinh y để khoác lên người chiếc áo blouse trắng, đi theo đoàn y tế xuống những vùng nông thôn mà chuẩn bệnh cho các dân nghèo. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm…Trong ánh mắt của cô bé lên mười, tôi đã không còn nhìn cuộc đời qua cặp kính màu hồng nữa. Tôi đã nhìn thấy vết thương tàn khốc của chiến tranh từ năm tôi lên tám. Sau đó, tôi theo ba tôi về các vùng sâu để chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân cư sống có bữa đói bữa no . Mỗi lần tôi nhìn ba tôi dịu dàng chích từng mũi kim vào các em thơ mà miệng vẫn nói đùa để cho các em không còn đau và sợ…