Chim Công
Kujaku, 1965
tác giả Mishima Yukio - dịch giả Nguyễn Nam Trân
______________________________________________________________
Dẫn nhập:
Mishima Yukio (1925-1970) cho ra mắt "Chim Công" (Kujaku) đầu tiên trong Tạp chí Bungakukai (Văn Học Giới) vào tháng 2/1965 và sau đó, nhiều lần ghép nó vào các tuyển tập truyện ngắn của mình. Trong lời ghi chú của tác giả, ông từng định nghĩa "Chim Công" như một tác phẩm nói về "niềm cô đơn của một người ở tuổi mới lớn".
Mishima còn tỏ ra rất gắn bó với lối suy nghĩ xem "sự hũy hoại một vẻ đẹp đang ở giữa đỉnh cao là cách duy nhất để giữ cho nó được tồn tại vĩnh viễn". Mô típ này từng được thấy nhiều lần trong văn chương Mishima, qua tác phẩm dưới đây cũng như trong "Ưu Quốc" (Yuukoku), "Bọn đạo tặc" (Tôzoku) hay "Kim Các Tự" (Kinkakuji). Trong thực tế, ông đã chứng tỏ điều đó lần cuối cùng vào năm 1970 qua hành động tự kết liễu đời mình ở cái tuổi 45 trung niên khi thân thể sắp suy thoái..
I
Buổi chiều hôm đó, Tomioka tiếp một vị khách đến thăm bất chợt. Người ấy lại là viên cảnh sát hình sự.
Rạng ngày mồng 2 tháng 10, hai mươi bảy con công Ấn Độ của Khu vườn chơi M. nằm cạnh nhà anh đã bị ai đó sát hại một loạt. Khi đọc mẩu tin ấy qua tờ báo buổi chiều, Tomioka cảm thấy lòng mình bị xúc động mạnh mẽ, và qua ngày hôm sau thì, đây rồi, viên cảnh sát ấy đã tìm đến nhà.
Tomioka là một viên chức trong một xí nghiệp chuyên tồn kho các mặt hàng trên bến tàu Yokohama. Anh đến sở đều đặn mỗi ngày nhưng không tỏ ra có hứng thú với công việc. Vì là con trai của một gia đình giàu có chuyên buôn bán bất động sản trong vùng, anh đã nhượng một miếng đất cho người ta dựng nên Khu vườn chơi M. Nhờ huê lợi từ thương vụ nói trên, anh mua dược một chiếc xe hơi mới toanh, mỗi ngày lái nó đến sở làm bằng xa lộ vành đai của thành phố Yokohama.
Buổi sáng thứ bảy 26 tháng 9, một ngày trời đẹp, anh đã dắt theo đứa con gái nhỏ duy nhất của mình đi đến Khu vườn chơi. Ngày thứ năm 1 tháng 10, anh lại trở lại nơi đó nhưng chỉ có một mình. Ngày 26, anh đã ở bên bầy công thả rông ở đấy trong gần một tiếng đồng hồ và bận bịu dỗ dành đứa con gái hay khóc nhè. Còn như ngày 1 tây thì anh đã ở lại đó gần 2 tiếng đồng hồ và đứng ngắm chúng một mình. Khu vườn chơi M nằm cách nhà anh chỉ độ mười lăm phút đi bộ.
Nhân vì trước kia anh là chủ nhân của khu đất ấy, tất cả nhân viên làm việc trong vườn đều quen mặt. Có thể phỏng đoán rằng một trong những nhân viên ấy đã chứng kiến sự hiện diện của anh và báo cho nhà chức trách.
Tomioka sống độc thân trong một thời gian dài. Mãi đến tuổi 40 anh mới lập gia đình. Năm sau thì vợ anh sinh con gái và đứa bé bây giờ đã lên 4. Vợ anh là một người đàn bà vóc dáng cao to, trước kia đã định trở thành ca sĩ opêra nhưng qua tuổi 30, cô ta đã từ giã con đường nghệ thuật. Một người quen biết cả hai bên đã mai mối và sau đó, họ đi đến hôn nhân.
Vợ chồng Tomioka là dân có máu mặt trong vùng nên khi đặt chân qua ngưỡng cửa nhà họ, viên cảnh sát đã tỏ ra vô cùng cung kính. Tuy bộ điệu bên ngoài của ông ta là thế nhưng Tomioka hiểu ngay rằng dưới mắt viên chức ấy, anh chỉ là một đối tượng tình nghi trong vụ mấy con công bị thảm sát, dù ở mức độ nào thì anh hãy còn chưa biết.
II
Được mời vào bên trong gian đại sảnh rộng rãi và cổ kính của gia đình Tomioka, viên cảnh sát tự nhiên cảm thấy cách trang trí nội thất ở đây có cái gì không được bình thường. Món đồ đầu tiên lôi cuốn cái nhìn của ông ta là bức tượng thật khéo léo của một con công bằng kim loại với màu sắc lộng lẫy trông như một con chim thật đặt bên trên lò sưởi.Trên tường có treo một bức tranh thêu với cảnh tượng một bầy công đang đấu đá với nhau. Lại thấy trên một cái kệ có một con công khác làm bằng pha lê kiểu rất thanh nhã. Ngoài ra trong phòng còn một số đồ mỹ nghệ khác nhưng không có món nào mang hình ảnh loài công. Dường như ba tác phẩm nghệ thuật nói trên đã đủ chứng tỏ rằng loài chim này đã có một mối liên hệ mật thiết với chủ nhân của ngôi nhà.
Gian đại sảnh quá rộng lớn và buồn bã toát ra một mùi ẩm mốc.Mõi khi cho tay sờ vào những tấm bạt trắng che mấy cái ghế ngồi, người ta có cái cảm tưởng ươn ướt của một lớp vỏ cây bạch dương đẫm nước mưa.
Vì phải chờ lâu và để giết thời giờ, viên cảnh sát đứng dậy và bắt đầu tiến đến gần mấy món đồ mỹ nghệ dùng vào việc trần thiết gian đại sảnh rồi xem xét từng cái một: nào là bức bình phong kiểu Tàu bằng gỗ đàn hương màu đen, những dụng cụ chài lưới của vùng Nam đảo và lạ hơn cả, có cả bức liễn với bút tích của một chính khách được lồng khung. Rõ ràng là một cách bài trí vô trật tự khiến cho những bức tường không còn lấy được một chỗ trống. Người ta thấy trên đó từ một chứng minh thư cho hành khách viễn dương đã vượt đường xích đạo trang trí hình ảnh nhân ngư và thủy thần cho đến một tấm ngói sứ vuông kiểu Delft vẽ hình một cối xay gió Hà Lan màu xanh dương. Giữa hai món đồ đó là một tấm ảnh ai đó đã chụp và nó thu hút đặc biệt sự chú ý của viên cảnh sát.
Trong tấm ảnh ấy là một thiếu niên khoảng 15, 16 tuổi đang đứng thẳng người. Cậu ta mặc một chiếc áo cổ lọ rộng thùng thình. Thân hình cậu nổi bật trên một nền đầy cây cối, có lẽ là khu rừng nằm đâu đó cạnh nhà. Đó là một thiếu niên với vẻ điển trai hiếm có. Hàng lông mày của cậu thanh tú và đều đặn, đôi mắt sâu, nước da trắng, còn đôi môi hơi mím tạo ra một dáng vẻ có phần lạnh lùng. Trên hết, lớp da mặt xinh đẹp, bóng và căng ra như lớp băng mỏng của một ngày chớm đông, làm lộ trước mắt người xem tất cả nỗi buồn và sự ngạo mạn của một gã con trai. Gương mặt đó đang toát ra cái gì giống như điềm gỡ: một vẻ thanh tú dùng để che đậy sự mong manh dễ vỡ của tâm hồn và một vẻ trong sáng tựa pha lê nhưng phảng phất đâu đó dấu hiệu của sự tàn nhẫn.
Viên cảnh sát hình sự nhìn hết món đồ này tới món đồ khác và có linh cảm chủ nhân của khu dinh cơ này không phải một người bình thường.
Khi ông ta trở về chỗ ngồi thì vừa vặn lúc đó, vợ chồng Tomioka cũng mở cửa để bước vào gian đại sảnh. Anh chồng dáng cao lớn và mảnh khảnh trong khi cô vợ người có hơi đẫy đà một tí, dáng dấp ấy gợi cho ta nhớ rằng xưa kia cô từng là ca sĩ của nhà hát ôpêra. Nếu những đường nét bao quanh khuôn mặt còn đọng lại hình bóng tươi tắn và xinh đẹp của một thời đã qua nhưng nay bị sồ ra thì cánh mũi nhỏ và khóe miệng vẫn còn rõ nét, tạo cho cô một vẻ nghiêm nghị và trang trọng.
-Tôi đến đây là có chút chuyện để bàn riêng với ông nhà...
Viên cảnh sát hình sự cảm thấy bối rối, rốt cuộc ông phải lên tiếng như vậy khi thấy hình như người đàn bà không có ý định rời khỏi gian phòng.Thế nhưng cô ta đã đặt câu hỏi với một giọng trong thanh đến không ngờ tuy có hơi to, run rẩy vì chứa đầy bực tức:
-Vì sao tôi không thể ở lại đây hở thày cảnh sát ? Chẳng qua mục đích cuộc thăm viếng của thày chỉ là mấy con công thôi mà!
-Ôi chao, tôi đã nói chi đâu mà bà chủ đã khai hỏa rồi kìa!
Viên cảnh sát trả lời với một nụ cười ngượng nghịu, đưa mấy ngón tay luồn trong mái tóc.
Tomioka thì không tỏ ra thiếu kiên nhẫn chút nào. Anh vẫn giữ nguyên vẻ trầm tĩnh. Anh ngồi yên vị trong cái ghế bành, một chiếc áo các-đi-găn (cardigan) bằng len cát-sơ-mia (cashmir) màu hạt dẻ khoác hờ trên vai, trông thật thoải mái và bình thản. Dáng dấp trí thức như học giả ấy làm lung lay những giả thuyết mà viên cảnh sát đang nuôi trong đầu. Thế nhưng cùng lúc, viên này đã khám phá ra nhiều dấu hiệu của một sự tàn phá thảm hại trên khuôn mặt đã lộ ra cho ông thấy cái tuổi 45 của người đàn ông ngồi trước mặt.
Tóc anh ngả màu muối tiêu còn làn da đã mất hết sức đàn hồi. Đường nét tuy có gãy gọn nhưng là một sự gãy gọn giả tạo. Người ta có thể ví nó với một hòn non bộ lâu ngày không ai chăm ngó nên bám đầy bụi. Bụi bám từ ngọn giả sơn, trên những cây cầu cũng như trên những ngọn thạch đăng nhỏ và bụi còn bám từ trong ra ngoài những ngôi nhà dân bé tí đúc bằng gốm sứ. Hình ảnh của một hòn non bộ như thế giống một cách lạ lùng với đường nét lộ ra trên khuôn mặt của Tomioka.
Suốt đời mình, anh chàng vẫn chưa làm được một công việc gì cho ra hồn. Anh ta chịu gắn bó với một sở làm là để giữ thể diện với người đời. Một cậu công tử như thế không thể nào là đối tượng cảm tình của viên cảnh sát. Tuy nhiên anh ta có vẻ học thức. Viên chức ấy không biết trình độ của anh đến đâu nhưng điều đó đã tạo nên ấn tượng nơi ông. Mặt khác, phải chăng nền giáo dục mà Tomioka nhận được đã là yếu tố gây ra sự tàn phá trên khuôn mặt khi anh vừa đến cái ngưỡng của lứa tuổi 45.
-Vì bà nhà đã bắn phát súng đầu tiên, tôi xin được phép đi thẳng vào vấn đề nhé. Đúng như bà chủ nói, hôm nay, tôi đến đây là vì sự cố liên quan đến mấy con công đấy! Quả tình tôi được biết ông nhà vốn có sở thích đặc biệt đối với loài chim này.
-Những lời thày phát biểu bóng gió nãy giờ chỉ làm cho chúng tôi thấy khó chịu. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật: có phải thày tình nghi chồng tôi là thủ phạm sát hại mấy con công ấy hay không?
-Không. Tôi không có ý định đó!
Bị ngáng ngay mũi, viên cảnh sát xua tay ra dấu phủ định lời cáo buộc.
-Tôi chỉ thấy sự cố này có vẻ khác thường. Cuộc điều tra sẽ dẫn đến đâu nếu thày cứ dựa vào việc mấy con công bị giết mà đi lùng những người có thiện cảm với chúng. Thày có thực sự tin rằng những người yêu mèo sẽ đi giết mèo và những kẻ yêu trẻ con sẽ lùng trẻ con để giết hay không?
Bị chất vấn như vậy, viên cảnh sát tuy cố giữ im lặng mà cũng tỏ ra bực bội. Nhưng lần này, Tomioka đã vào cuộc:
-Này em, hãy lắng nghe ý kiến của người khác trước khi lên tiếng như vậy. Tôi hiểu được lý do cuộc viếng thăm của thày đấy. Hôm trước khi sự cố xảy ra, tôi đã đứng một mình trong chốc lát để ngắm lũ chim công. Chắc ai đó đã bắt gặp, lấy làm lạ và thông báo chuyện này cho cảnh sát. Có đúng thế không ạ?
-Ông đoán đúng!
Viên cảnh sát dịu giọng và đưa ra nhận xét như vậy.
-Tuy nhiên chồng tôi không phải là người có đủ can đảm để làm một hành động kiểu đó. Hơn nữa, anh ấy không có một lý do nào để đi giết mấy con công. Anh ấy yêu chúng một cách đơn thuần và chỉ có thế!
-Thôi, thôi đi em ạ!
Tomioka ra hiệu bằng tay để chận người vợ khỏi nói thêm. Đó là một động tác thật nhẹ nhàng như khi anh đưa bàn tay ra để sưởi bên lò.
Trên mặt bàn, tách trà mà người nhà đem ra để mời viên cảnh sát đã nguội ngắt. Trên mặt nước màu nâu nhạt thấy nổi một váng bụi mỏng. Dường như bụi bặm trong một ngôi nhà lâu ngày không quét dọn đã từ từ rơi xuống và phủ lên trên đó.
Trong khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, viên cảnh sát nói hết chuyện này đến chuyện nọ những mong tìm cho được một lời giải thích về nhiệt tình của chủ nhân ngôi nhà đối với loài công nhưng ông không sao đạt đến mục đích.
Tomioka chỉ phát biểu một cách tỉnh tuồng:
-Tôi không biết vì lý do gì...Tôi chỉ biết là mình yêu loài chim công.
Trái với sự chờ đợi của viên cảnh sát hình sự, đôi mắt của Tomioka không để lộ ra một vẻ đam mê nào quá sức, hai nàn tay của anh ta cũng chả run rẩy vì dao động. Giọng nói của anh khi đề cập đến sở thích về chim chóc đó nghe cũng bình thường như khi anh nói về sở thích ăn uống của mình và không hề e thẹn như khi thổ lộ nó cho bất cứ người nào mình mới gặp lần đầu. Do đó viên cảnh sát không thể tìm ra chứng cớ của một đam mê vật chất không lành mạnh nào nơi anh cả.
Tomioka lập lại nhiều lần cùng một câu trả lời. Không phải anh phản ứng vì đã cảnh giác trước câu hỏi của viên cảnh sát nhưng rõ ràng đó là một thái độ tự phát. Như thể anh không biết một cách trả lời nào khác. Không có một điều gì từ phía anh làm lộ ra cái khuynh hướng mà nếu là những kẻ tâm lý lệch lạc, họ sẽ khó lòng kềm hãm. Đó là sự động viên tất cả vốn ngôn từ – cho dù nghèo nàn đi nữa – để phát tán những ám ảnh bỏng cháy trong lòng. Trước thái độ bình thản của Tomioka, viên cảnh sát cuối cùng đành chịu thua.
Về phần người vợ, lúc đầu bà ta tỏ ra kênh kiệu, thường quay ngoắt đi để ra dáng không bằng lòng, thế nhưng sau khi người cảnh sát bắt đầu hướng cuộc thẩm vấn về phía chồng mình, bà biết giữ im lặng tuy không có dấu hiệu muốn đứng lên để rời khỏi gian phòng. Bà mặc một bộ đồ đầm màu nhã và nói chung, có vẻ không xem những việc đang xảy ra chung quanh như có liên hệ với mình: điều này hơi khác thường đối với một người từng là ca sĩ nhà hát ôpêra.
Có điều là người đàn bà đang tỏ ra hết sức bực dọc, đến độ viên cảnh sát nghĩ bụng nguyên nhân chính của thái độ khó chịu đó không phải chỉ là mình. Bà như muốn cắt cuộc trao đổi về mấy con công này càng ngắn càng tốt. Lâu lâu bà lại ném một cái nhìn kiêu kỳ và khinh miệt về hướng hai người đàn ông vốn đang cày cục để hiểu được ý nhau.
Khi viên cảnh sát đứng lên ra về, ông ta nhìn quanh mình một lượt và lên tiếng bình phẩm:
-Nhà ông bà có nhiều món đồ trang trí độc đáo đấy!
-Ồ, chỉ là ba thứ lắt nhắt các cụ tôi truyền lại.
Tomioka trả lời bằng một giọng hững hờ. Viên cảnh sát cảm thấy buồn cho cái nghề cảnh sát của mình vì hình như tất cả những điều gì ông phát biểu ngoài phạm vi cuộc điều tra cho dù với tất cả thiện chí đều bị coi như có ngầm chứa hậu ý. Ông những mong chủ nhân đánh giá cao hơn sự sành sõi về cổ vật của một người không chuyên nghiệp là mình.
Không muốn quay lại với cuộc đàm thoại, viên cảnh sát dừng chân trước một bức tường và quan sát. Ông cảm thấy đằng sau lưng, hai vợ chồng nhà Tomioka cũng đang quan sát mình nhưng với ánh mắt ít thân thiện hơn. Cái nhìn của họ như muốn bảo ông nên biến đi cho rảnh và ông có cảm tưởng nó chiếu vào một chỗ trên lưng ông như đang có ai đang dí vào đó một que sắt nóng bỏng.
Viên cảnh sát đột nhiên cảm thấy rõ ràng hơn bầu không khí dịu dàng của mùa thu đã len lỏi vào bên trong căn phòng khách rộng thênh và gây gây một mùi ẩm mốc. Nhìn qua cửa sổ, ông thấy bên ngoài có một hàng cây hạt dẻ; trên con đường rải sỏi từ ngôi nhà ra đến cánh cổng, rải rác những hạt dẻ rơi rụng đang bị phân hóa.Trong khi đưa mắt nhìn những vật trang trí đủ loại treo trên tường, viên cảnh sát hình sự có cảm tưởng mơ hồ như mình đang nghe rõ ràng từ xa vọng lại tiếng kêu thống thiết của đám chim công đã bị người ta sát hại.
Dĩ nhiên cái hôm mà viên cảnh sát tới hiện trường vụ thảm sát thì mấy con công ấy chỉ còn là những cái xác không hồn, mình mẩy bê bết máu me. Với chính đôi tai của ông, viên cảnh sát chưa từng nghe chúng kêu gào một lần nào. Thế mà lạ thay, ông có ấn tượng là tiếng kêu cứu cuống quít của những con vật bất hạnh ấy đã xé rách màn đêm dày dặc để bay đến tận tai ông. Đó là những tiếng kêu mỏng manh, bấu víu vào nhau như những sợi tơ vàng hay bạc được luồn trong một khung vải màu đen.
Bực bội vì câu trả lời hờ hững mới đây, viên cảnh sát bất chợt nẩy ra sáng kiến tinh ranh bằng đưa ngón tay trỏ vào gã thiếu niên trong tấm ảnh và đặt câu hỏi:
-Người này là ai vậy?
Đây là lần đầu tiên đôi mắt Tomioka lóe lên một tia sáng như con cá vọt lên khỏi mặt nước:
-Tôi đấy!
-Ôi?
-Vâng, chính là tấm ảnh của tôi. Ông thân sinh đã chụp nó trong vườn hồi tôi vừa 16 tuổi.
Một nụ cười khinh miệt thoáng hiện trên môi người vợ. Đó là một nụ cười mà viên cảnh sát, tuy tỏ ra ngạc nhiên nhưng hình như đã rình rập từ lâu.
-Nhìn ảnh bây giờ chắc thày cũng không ngờ hình dáng ngày xưa của ảnh là như thế, phải không hở thày. Coi bộ đây là lần đầu tiên, tôi và thày cùng đồng ý với nhau về một chuyện. Hồi tôi mới lấy ảnh, ảnh đã không còn có một nét nào gợi được con người trong bức ảnh. Thực tình thì chúng tôi chỉ mới kết hôn với nhau được có 5 năm!
Vì đã quyết tâm giữ cho được bầu không khí lễ độ suốt cuộc gặp gỡ, viên cảnh sát cố kiềm chế nụ cười và đồng thời che dấu vẻ ngạc nhiên của mình. Thế nhưng nếu nhìn cho kỹ con người trong bức ảnh thì không còn gì để nghi ngờ nữa, đó là hình dáng Tomioka ngày còn trẻ.
Điều quái lạ là tại sao một con người có kinh nghiệm nghề nghiệp về nhân tướng như viên cảnh sát mà mãi đến bây giờ mới nhận ra được cái giống nhau giữa con người trong ảnh và Tomioka. Vâng, khi biết sự thực rồi ông ta mới tìm thấy có sự tương đồng giữa hình thù cặp lông mày của người trong ảnh với đôi mày của Tomioka. Dù vậy, dưới đôi mày thẳng thớm của anh, không còn thấy đâu là đôi mắt trong veo của thời son trẻ mà chỉ có những nếp da nhăn xếp ngang bên dưới. Duy cánh mũi thì vẫn thế, đôi môi mỏng dính cũng vậy. Nó tạo ra một ấn tượng tàn nhẫn.
Thế nhưng sự thay đổi của Tomioka từ vẻ đẹp ngày xưa cho đến khuôn mặt gây giờ thật là khủng khiếp. Việc anh ta đánh mất vẻ điển trai và đánh lừa được con mắt tinh tế của viên cảnh sát dạn dày kinh nghiệm là điều đáng ngạc nhiên rồi nhưng cái làm ông ngạc nhiên nhất là anh ta đã đánh mất nó một cách cùng cực. Khuôn mặt của Tomioka ngày nay chỉ còn thoang thoáng đôi nét của Tomioka thời niên thiếu như bức phác thảo dưới bàn tay của một người vẽ tranh vụng về nhất. Người vẽ tranh ấy, thay vì phóng đại những nét đặc thù của nhân vật lại quá trung thành với các chi tiết nhưng qua những đường nét quá e ấp, mỏng manh và do dự, cuối cùng đã phá hỏng tất cả ấn tượng của sự tương đồng giữa hai khuôn mặt.
Một khi đã biết được người trong ảnh là Tomioka thì đã có thể nắm được sợi chỉ dò đường và lần hồi tìm thấy những nét hao hao giữa hai khuôn mặt như khi người ta làm lộ ra những đường nét ẩn dấu vì được vẽ bằng một loại mực hóa học. Bây giờ viên cảnh sát không còn có gì để nghi ngờ nữa. Nhân vật trong ảnh chính là Tomioka thời trẻ.
Trong khi đạp xe đạp để trở về công sở, viên cảnh sát lấy làm ngạc nhiên vì trong đầu mình, hình ảnh một Tomioka thực sự với khuôn mặt mệt mỏi nhòa nhạt dần để nhường chỗ cho một Tomioka hoàn toàn đẹp đẽ trẻ trung. Đêm hôm đó tuy trời không trăng nhưng viên cảnh sát nghĩ rằng ông thấy trước mắt mình có một vầng trăng sáng ngời chiếu lên trên khuôn mặt hư huyễn đó.
Để về đến trụ sở cảnh sát, viên cảnh sát hình sự phải đi trên một con đường không tráng nhựa và đầy sạn sỏi. Một bên là những bờ tre nối liền nhau và sâu bên trong đôi khi thấp thoáng ánh đèn vàng của một ngôi nhà nào đó. Còn bên kia chỉ trơ những cánh đồng đã gặt xong. Đường gập ghềnh khó đi nên cuối cùng viên cảnh sát phải xuống yên xe tiếp tục đi bộ, ghi-đông trên tay và thân mình ông đôi khi chạm phớt vào mấy lùm tre bên vệ đường.
Đây là một con đường tắt nối Khu vườn chơi M. với con đường vành đai của thành phố Yokohama. Chợt viên cảnh sát thấy đằng sau lưng mình có một luồng ánh sáng và khi nó tiến đến gần, đã đột ngột chiếu cái bóng lớn của mình ra đằng trước. Ông ta hiểu ngay ấy là một chiếc xe trở về từ Khu vườn chơi và bánh xe đang làm bắn qua hai bên đường những viên sỏi nhỏ. Ông né tránh bằng cách tấp vào phía bờ tre thêm chút nữa để cho chiếc xe vượt qua. Một hình ảnh đập vào mắt ông: màu trắng lóa của chiếc khăn quàng của người phụ nữ đang nép vào người lái xe. Đó là một chiếc xe lớn, kiểu khá xưa. Tiếng động cơ ồn ào, thân xe rung chuyển khi bánh xe cao thấp trên con đường sỏi đá gập ghềnh. Màn đêm cũng không đủ che dấu bụi bặm đang bám đầy thân xe.
Khi chiếc xe đã qua rồi, một lần nữa viên cảnh sát dừng bước một đỗi trong cái yên tĩnh vừa tìm lại được để suy nghĩ. Ông quay đầu nhìn ra đằng sau. Trên bầu trời, ông nhận ra Khu vườn chơi đang đỏ rực lên như một đám cháy bao quanh bằng những mảng tối đen của rừng cây dày. Ông cũng thấy nhiều chùm ánh sáng vàng có, xanh có, đỏ có đang di động một cách chậm rãi. Có lẽ là những ngọn đèn phát ra từ bánh xe quay của một vòng đu lớn.
III
Sau khi người cảnh sát hình sự rời khỏi ngôi nhà, Tomioka bảo vợ cho phép anh được ngồi một mình đôi phút. Cô ta đồng ý và bước ra khỏi phòng nhưng không quên làm một động tác quen thuộc nghĩa là để lại một nhận xét bằng cái giọng nói trong thanh của mình:
-Suy nghĩ chi cho mệt. Anh làm như mình là thủ phạm vậy!
-Em buồn cười! Anh cũng có người làm chứng là mình không dính dáng gì đến vụ đó chứ!
-Ối dào. Nếu anh làm gì khi em đang ngủ, làm sao em biết được!
Vợ anh đi ra ngoài, Tomioka ở lại một mình, thu người trong chiếc ghế bành và hút thuốc lá. Vừa khi người vợ rời khỏi đó, anh có cảm tưởng như có một người bán chong chóng cho trẻ con vừa huýt còi trong gió vừa đẩy chiếc xe thồ hàng của hắn đi xa dần.
Tomioka nghĩ thầm đến mùa này ban đêm đã phải bắt đầu đốt lò sưởi. Như vậy phải lau bụi cái lò chạy bằng khí đốt mình đã để mặc suốt những tháng hè vừa qua. Anh nhớ da diết tuổi ấu thớ qua cái mùi bốc ra từ gian đại sảnh này, cùng với tấm thảm dày kiểu Tàu đầy mùi ẩm thấp như bây giờ. Lúc đó, nhà anh bắt đầu cho đốt lò sưởi lần đầu tiên trong mùa và căn phòng dần dần tỏa ra hơi ấm.
Sau khi viên cảnh sát đến viếng, việc mấy con công bị sát hại đã trở thành một thực tế gần gũi đối với anh. Thực vậy, cái chết của chúng đã khơi dậy nơi anh một ấn tượng sống động, có lẽ một phần vì buổi chiều hôm trước, anh đã thừ người nhìn ngắm chúng cho nên ấn tượng ấy đã đuổi theo anh suốt trong những giờ kế tiếp, khiến cho anh cứ thế mà chìm đắm trong một trạng thái thẩn thờ. Thế nhưng kể từ khi viên cảnh sát đến viếng, cái ấn tượng ấy như bừng tỉnh và vùng dậy để gắn anh liền với thực tế. Cái chết của chúng mơ hồ như giấc chiêm bao nay đã trở thành một thực tế tàn nhẫn nhưng huy hoàng. Thế rồi, nhờ ở sự gợi ý của một viên cảnh sát hình sự lâu năm trong nghề và cũng nhờ ở cái sức mạnh soi thấu của đôi mắt, tiếng nói cũng như toàn thể nhân cách ông ta, đã làm một thực tế ảo lộ ra rõ ràng như ai đem cường toan đổ lên tấm bảng bằng kim loại. Tomioka bắt đầu bị thu hút một cách lạ lùng bởi ý muốn đi tìm lý do cái chết của những con công. Hơn nữa, cũng giống như điều mà người vợ anh ta đã thông minh gợi ý, biết đâu chẳng phải là chính anh ta, khi đang ngủ mơ, đã gây ra hành động tàn khốc này.
Cho dù không giữ lại giả thuyết này, vụ việc hãy còn có nhiều điểm tối mà lý tính của con người không hiểu được. Có nhiều điểm hoàn toàn phi lý, một sự phi lý được che đậy bằng cái vỏ đẹp đẽ. Tomioka nghĩ rằng hai chữ "xa hoa" nếu dùng để ví von với việc nuôi nấng và chăm sóc đàn công thì thật phù hợp nhưng phải chăng nếu đem nó đối chiếu với việc tàn sát chúng thì biết đâu lại còn tương xứng hơn nữa. Và anh nhận ra rằng sự hiện hữu của loài công đã hàm chứa nghịch lý đó. Người ta có thể xem việc nuôi một trăm con bò, một trăm con ngựa, ngay cả một trăm con chim hoàng yến là một hành động xa hoa, nhưng nào ai có thể nói việc tàn sát một trăm con vật như vậy là xa hoa cho được.
Tất cả chỉ vì công là công mà thôi! Thật vậy, công là một giống chim có vẻ đẹp huy hoàng khôn tả. Khoa sinh vật học của động vật cho biết cái màu xanh chói chang của bộ lông công có công dụng bảo vệ chúng tránh cái nắng nôi của những cánh rừng vùng nhiệt đới vốn đầy ắp tia mặt trời nhưng lý do ấy chỉ đúng một phần thôi. Sự kiến tạo một loài chim như con công phải chăng đã đến từ lòng kiêu căng của Đấng Tạo Hóa bởi vì Tạo Hóa thấy cần phải có một động vật mang vẻ đẹp hoa lệ như nó. Có lẽ sau khi Ngài cảm thấy mệt mỏi với việc sáng tạo những loài động vật để phục vụ cho một mục đích lợi ích đã đặt ra trước đó, Đấng Tạo Hóa mới nghĩ đến một loài vật tượng trưng cho sự vô ích và vì vậy, và những con công kia mới có lý do để ra đời. Hành động xa xỉ đó đã đến vào hôm cuối cùng của công việc tạo dựng trời đất, trong một buổi hoàng hôn mà ánh sáng tô lên trên bầu trời những đường nét muôn màu muôn vẻ. Chính vì muốn phá tan sự hư không và đập vỡ màn đêm u ám mà Đấng Tạo Hóa đã cố tình biến cái tối tăm thành những sắc màu rạng rỡ và ban chúng cho những con công. Do đó mỗi hoa văn trên từng cánh lông vũ kia đã được làm ra sau khi Tạo Hóa đối chiếu chúng một cách nghiêm ngặt với từng yếu tố cấu thành bóng đêm sâu thẳm.
Sự cố vừa qua đã làm lộ trước mắt ta thấy bản chất của loài công. Việc tàn sát những con công này còn là một hành động xa hoa hào nhoáng hơn cả việc sinh thành và chăn nuôi chúng. Nếu như ý nghĩ đó đã làm cho một người yêu loài công như Tomioka phải chìm đắm trong một trạng thái nửa mơ nửa tỉnh thì thật không có gì đáng ngạc nhiên.
"Cuộc sống như thế đó có ý nghĩa lý gì không nhỉ? " Tomioka thường tự đặt câu hỏi như vậy trong giờ nghỉ ngơi giữa buổi trưa những ngày làm việc nhàm chán ở khu nhà kho, khi anh nhìn ra biển khơi ở đàng sau bến cảng nhiều thuyền bè đi lại, nơi ấy có một đường thẳng sáng lóa hai màu xanh dương và xanh lục như lông viền quanh cổ một con công. "Cuộc sống như thế đó có ý nghĩa gì không nhỉ? Với sinh vật ấy, cái chết còn huy hoàng hơn cả kiếp sống, sinh và tử đều được tiến hành theo cùng một luận lý. Dường như chúng là loài chim mà vẻ huy hoàng của ban trưa và vẻ huy hoàng của bóng đêm cũng chỉ là một".
Tomioka suy nghĩ miên man nhưng rốt cuộc, kết luận duy nhất anh tìm ra được là những con công kia chỉ đạt đến sự hoàn hảo khi chúng bị giết. Sự hào nhoáng đã căng tròn như một cánh cung, có tác dụng nâng đỡ sự tồn tại của chúng khi đang hướng về một đích nhắm, đó lả cái chết thảm khốc. Cũng vậy, trong bao nhiêu thứ tội ác con người có thể làm ra, việc thảm sát những con công có lẽ là phù hợp với bản chất của thiên nhiên hơn cả. Giết không phải là chặt nát ra từng mảnh nhưng là kết hợp cái đẹp với sự hũy diệt lại với nhau. Khi tự nhủ như vậy, Tomioka muốn bào chữa cho tội ác mà có lẽ anh đã phạm phải trong một giấc mơ.
Ý tưởng này chợt loé chợt tắt trong trí anh giữa bức màn đêm đang bao phủ gian đại sảnh thoảng mùi ẩm mốc, nhưng càng lúc càng rõ rệt hơn.
Tomioka nhận ra rằng việc không chứng kiến được cảnh thảm sát bầy công có lẽ là điều đáng hối tiếc nhất trong cuộc đời anh. Những con vật anh đã nhìn ngắm một cách say sưa vào buổi xế trưa ngày 1 tháng 10 khi một mình trở lại Khu vườn chơi M. chỉ là những con công còn sống. Anh hồi tưởng cảnh tượng đó và thấy như đang hiện ra trước mắt mình những con công Ấn Độ được thả tự do mà anh đã xem xét chi li dưới từng góc cạnh.
Muốn ngắm những sợi lông vũ dài phủ cuối đuôi công và xoè ra như cánh quạt, phải đợi đến một buổi sáng mùa xuân khi con chim đực cảm thấy cần thiết phô trương cho chim cái tất cả vẻ đẹp cao ngạo của mình. Vào mùa này, Tomioka thường có thói quen cố tình đến khu vườn bách thú từ thật sớm để nhìn cho được khung cảnh ấy. Tiếc thay những con công Ấn Độ được nuôi và thả tự do kia không có các đẹp hùng tráng của những con công đảo Java vốn là giống chim kiêu hãnh và ngạo nghễ. Nhìn chúng từ xa, người ta chỉ thấy đó là một bầy chim sắc xanh sáng nhưng nhiều khi cái màu ấy lại lẫn vào bên trong màu xanh của thảm cỏ bao trùm hết phần lớn diện tích Khu vườn chơi. Tuy nhiên, khi đến gần và quan sát một cách kỹ lưỡng, ta mới thấy rằng màu sắc tinh tế trên bộ lông của bầy công Ấn Độ lại có phần nổi trội ở một khía cạnh nào đó nếu so với vẻ đẹp huy hoàng của giống công Java.
Mấy con công bằng những bước chân gấp rút bất chợt ùa tới bên cái băng dài anh đang ngồi, như thể chúng đang mong mỏi một điều gì đó nơi anh. Từ cái ức rộng và tròn của nó nhô lên một cần cổ dài xoay qua xoay lại liên hồi, bên trên đó và cao hơn cả là cái đầu chim khô khốc. Khi đến bên anh, chúng không ngừng gục gặc rồi thình lình vươn cổ lên cao đủ cho anh nhìn thấy từng chi tiết trên đó. So sánh với những màu sắc sặc sỡ trên thân nó, đầu của công chỉ là một cái đầu chim gầy guộc. Với cái mõm xám, những nếp nhăn xếp thành quầng bao quanh đôi mắt và dưới đó là vài sợi lông màu trắng. Cái đầu chim cùng với những bàn chân khẳng khiu gợi lên hình ảnh của những xác ướp Ai Cập khô đét khiến cho người ta có cảm tưởng chúng là những sinh vật bất tử. Tuy nhiên sự bất tử ấy là giả hiệu. Thực ra sự sống của con công vốn nằm bên dưới tấm áo khoác hoa mỹ kia và chỉ cần hủy hoại bộ vó ấy là nó sẽ chết.
Những sợi lông trên chóp đầu của bầy công phản chiếu ánh sáng mặt trời nên lấp lánh một màu xanh biếc, đong đưa cái thấp cái cao như những lá quạt khi được vuốt ve bởi luồng gió nhẹ. Vòng cổ màu xanh dương sẫm phản chiếu ánh nắng đôi khi trông như là xanh lục nhưng nếu nhìn xuống phần dưới của cần cổ thì sẽ thấy nó hoàn toàn xanh trước khi ngả sang vàng nhạt. Sự chuyên đổi màu sắc đó đã được thực hiện như phù thủy nhằm đánh lừa nhãn quan của người xem: khi màu xanh dương nhạt đi để đổi thành xanh lục, không ai biết được màu xanh lục đó đã bắt đầu từ chỗ nào. Bộ lông dày dấu trong đáy sâu của nó những sự chuyển đổi màu sắc và phản quang tinh tế. Nhiều khi dưới một loại ánh sáng nào đó, nó cho ta thấy tất cả những màu sắc đã hợp lại thành màu của mặt biển. Khi gặp phải một nơi mà bóng tối quá dày đặc, màu vàng nhạt kia sẽ biến thành một màu vàng chói lọi. Khi công gồng mình để phô trọn tấm áo lông của nó ra, mỗi cái lông vũ của bộ áo khoác đó sẽ dựng đứng lên cho ta thấy bên dưới chòm lông màu xanh lấp lánh của cần cổ, hãy còn cỏ những sợi lông nâu nằm mãi thật sâu.
Lưng công điểm những đốm màu nâu nhạt nhưng hai bên lườn, màu nâu còn tươi hơn một bậc. Tuy nhiên ánh sáng của chòm lông xanh bao quanh cổ họng đã tỏa rộng lên thân chim một màu xanh biếc trông như ngọc thạch.
Mấy con công biết ngoảnh cổ qua lại một cách thành thạo hầu như ma thuật, khi thì đưa mỏ gãi vào ức, khi thì vào lưng. Lúc đó, chòm lông trên cần cổ sẽ phóng ra những tia sáng màu xanh dịu và những cái lông vũ sẽ dựng đứng lên từng cái một như một rừng tên nhỏ. Những cái lông dài chung quanh đuôi lại làm tỏa ra những hình tròn giống như vỏ sò nâu hay xám khiến người ta muốn ví chúng với một chùm rong biển đang kéo theo mình bao nhiêu là sò ốc. Thân thể của chúng mềm mại và đầy đặn còn bộ lông thì mọc theo một thứ tự không chút sai lệch và tất cả đều đổ về phía đuôi.
Ta thấy những con công ấy như được cắt ra từ một giòng sông đầy ắp những đợt sóng cồn, làm tràn ra hai bên bờ những luồng ánh sáng màu xanh. Dĩ nhiên con sông đó là một dòng nước chảy trên bề mặt của một lòng sông xanh như ngọc bích và chan hòa ánh sáng. Mặt nước kia là con đường đã được khai thông nhờ chia cắt được cái bạo lực muốn chế ngự của những tia nắng mặt trời khỏi cái bạo lực ngạo nghễ của những ghềnh đá lót dưới lòng sông. Mặt nước màu ngọc bích nếu có chói lòa là vì nó đã phản chiếu ánh sáng của những viên đá quí và chỉ là một sự phản chiếu chứ không có gì khác. Bầy công như thế đã tạo thành những ngọn sóng của một dòng sông mà mặt nước dấu bên dưới nó những viên đá quí. Mỗi con công như phản chiếu một phần của một màu xanh tuyệt đối, huy hoàng và chói lòa. Nói cách khác, nó là màu sắc của ảo tưởng.
Khi người ta giết những con công ấy đi, chúng sẽ trở về với nguồn cội tức là những viên đá quí ban đầu và có lẽ, lúc đó, mặt nước cũng sẽ tụ hội với lòng sông.
Tomioka nhắm mắt lại và mường tượng khung cảnh cuộc thảm sát ấy và nghĩ rằng nó phải gây ra được những khoái cảm huy hoắc đến rùng mình. Bờ môi của Tomioka đang thì thầm như một người cất lên một câu hát nhẹ: "Nhất định là lúc đó những tiếng kêu thảm thiết của bầy công sẽ băng ngang qua bầu trời của buổi bình mình kia và cắt nát nó như những lưỡi dao bén ánh một màu xanh nhạt. Những chiếc lông màu xanh lục sẽ bay tán loạn. Ôi, những cái lông xanh lục áp sát vào thân hình đàn công một cách ngoan ngoãn cho đến nay đã đợi mãi cái phút giây này. Từ lâu, chúng nó đã mơ ước hành động được giải phóng như thế! Lần này, từng cái lông - giống như vô số con công nhỏ - đang phản chiếu những tia sáng mặt trời đầu tiên của buổi mai trên Khu vườn chơi M. đã tự do bay tung lên như những đốm lửa xanh. Vâng, chính lúc đó người ta mới thấy cái dòng máu quí giá màu đỏ thắm, cái màu mà bộ lông công hãy còn thiếu, đã vọt ra và vẽ lên trên đó những đường nét tinh vi và tươi tắn. Lúc ấy, con công đã đóng một vai trò mới, vai trò của con thú rừng bị săn, vai trò của một con chim trĩ. Nó có bản chất của một con mồi mà người đi săn thu hoạch được từ lúc hừng đông nên mang một ý nghĩa hoàn toàn nghi thức. Giờ đây bầy công không còn có thái độ lăng xăng cuống quít vốn có thể làm phương hại đến dáng vẻ uy nghiêm của chúng. Khi trở thành con mồi săn hoàn toàn bất động, một con mồi mang một vẻ đẹp đường đường, mình mẩy bê bết máu với những cụm màu xanh, lục và vàng vòng quanh cần cổ không còn động đậy, chim công đã tạo cho mình hình ảnh bộ áo giáp trang sức bằng những sợi giây tua đủ màu trên thân thể của một kỵ sĩ tử trận. Chúng là những con mồi mà thây đang lăn lóc trên mặt đất dưới một bầu trời bình minh điêu tàn và thê thảm. Tuy làm thân công, chúng đã đạt đến đỉnh điểm số phận của loài chim. Cổ chúng nằm rũ ra, bất động như cánh cung, một tư thế phù hợp với chúng nhất. Còn lông thì sau khi bay lên không trung như vô số những con công bé tí - nay đã trở về với vị trí nguyên thủy, rơi hết lượt này đến lượt khác và phủ lên những cái xác không hồn kia một tấm thảm tuyết màu xanh lục. Máu của chúng dịu dàng thấm vào lòng đất....Có lẽ đó chính là khi bầy công tìm lại bản chất của chúng, cũng như mặt nước sông và lòng sông đã hòa lại thành một, và những con công kia biến thành những viên ngọc quí. Ôi, ta sẽ hối tiếc suốt đời nếu bỏ lỡ cơ hội nhìn được cảnh tượng như vậy. Nếu là kẻ đã ra tay làm chuyện tàn sát đàn công thì có lẽ ta sẽ dành rất nhiều thời giờ để nhìn cho mãn nhãn giây phút kỳ diệu đó. Ta ghen tức với gã sát nhân kia! Ta muốn biết rõ hắn là đứa nào. Hay ít nhất ta phải nhìn cho được khuôn mặt của kẻ đã thực hiện cái tội ác xa hoa hào nhoáng này!"
Tomioka chợt thấy người nóng ran, anh nắm chặt hai bàn tay, mở to đôi mắt nhìn chung quanh mình. Anh nhận ra trên bức tường đối diện có treo một mẫu giấy ố vàng mà cha mình để lại. Đó là bức chúng minh thư dành cho người đi viễn dương đã vượt qua đường xích đạo. Tài sản, gia đình, sự nghiệp, xã hội chung quanh...tất cả những gánh này đã đè nặng trên vai anh. Anh nhớ lại cái cặp táp (landocel) nặng nề mà anh đeo trên vai suốt thời thơ ấu. Khi anh dợm chạy, anh nghe được cả cái bọc hộp bằng nhựa cứng đựng bút nằm bên trong cạp táp lúc lắc kêu thành tiếng. Thế nhưng giờ đây, dù anh có chạy bao nhiêu đi nữa cũng không còn nghe tiếng kêu nào ở trên lưng.
Vọng đến bên tai anh chăng chỉ là tiếng đàn piano. Tiếng đó đến từ căn phòng của vợ anh nằm ở tầng gác. Anh đã cấm cô ta nhiều lần vì e tiếng đàn ấy sẽ đánh thức giấc ngủ của đứa con gái nhỏ nhưng vợ anh chả bao giờ chịu nghe. Vào những đêm cảm thấy trong người khó ở, nàng còn bắt đầu gỏ tay lên phím và hát thử bằng cái cổ họng đã qua thời sung sức của mình. Tiếng hát ấy vọng từ xa xôi và hòa vào cùng tiếng đàn piano nghe thật buồn. Cái giọng trong thanh nhưng quá cao của nàng lan tỏa ra khắp vùng chung quanh: trên con đường đi của âm thanh, khi băng ngang những bụi cây khuya đang rì rào, không biết nó đã để lại trên lưng những tia sáng lấp lánh nào.
Sau khi nhìn xong tấm chứng minh thư cấp cho người cha, rốt cuộc Tomioka đã đưa mắt nhìn tấm ảnh mà cho đến nay anh không có can đảm đối mặt. Đó là bức ảnh đẹp tuyệt trần của một thiếu niên mới lớn nhưng lại phảng phất một nỗi sầu đời...
"Cái vẻ điển trai, tuy với một tốc độ chậm chạp nhưng đã vuột khỏi bàn tay ta một cách phủ phàng. Ta đã làm gì nên tội để phải nếm lấy cảnh này. Hay có một tội lỗi nào đó ta đã phạm mà không ý thức được như những tội ác mà ta đã thực hiện trong giấc mơ, đến khi thức dậy thì không còn nhớ nữa!"
IV
Buổi chiều ngày 20 tháng 10, viên cảnh sát hình sự sau khi đi thăm vườn chơi M. lại đạp xe đến nhà Tomioka lần thứ hai. Ông muốn xin lỗi họ về những chuyện xảy ra trong lần gặp gỡ trước.
Khu vườn chơi M. đã mua lại một số công mới và trưng bày cho công chúng xem vào hôm 15. Thế nhưng rạng ngày 18 thì chúng trở thành đối tượng của một cuộc bạo hành khác.
Lần này, dấu vết ở hiện trường được lưu giữ đầy đủ nên người ta đã phát hiện được nhiều dấu chân chó. Trước sau hôm 15 đã có vài cú điện thoại kỳ lạ gọi tới, một kẻ tình nghi bảo rằng hắn ta chính là người từng giết hại lũ công và đánh tiếng hăm dọa chủ vườn nếu lần nay không trả một món tiền chuộc là 50 vạn Yen thì hắn sẽ giết nữa cho xem.
Trong số 25 con công chủ vườn mới mua, chỉ có 2 sống sót. Hai mươi ba con kia đã bị sát hại trong vòng một tiếng đồng hồ, vào lúc hừng đông không một ai chứng kiến.
Khi viên cảnh sát hình sự kéo chiếc xe đạp trên con đường lát đá từ ngoài cổng dinh cơ để đi vào, bỗng nghe tiếng ai gọi làm ông ta phải ngoảnh đầu lại nhìn. Thì ra là Tomioka, trên tay đang cầm một cây chổi. Một bên con đường lát đá được viền kín bằng rặng cây hạt dẽ, bên đối diện là hàng cây phong điểm thêm nhiều bụi cây tạp nhạp. Tomioka đã hiện ra dưới tàng lá của rặng phong ấy. Viên cảnh sát bèn cúi chào anh ta với tất cả sự trịnh trọng mà ông đã sửa soạn sẵn.
-Tôi thành thực xin lỗi ông về những gì xảy ra tối hôm trước.
-Có gì mà thày phải ngại. Tôi vừa mới ở sở về. Lá rụng nhiều quá, tôi phải lao động một chút để cảm thấy đói trước giờ cơm. Mà này, thày, vụ đó lại tái phát cơ à?
Tomioka hơi nhíu mày lại như muốn đánh giá mức độ trầm trọng của vấn đề.
Nhân vì viên cảnh sát không còn thấy cần thiết phải xem xét biểu cảm bên ngoài của anh nữa nên Tomioka đã có thể lên tiếng như thế để thể hiện một cách thoải mái niềm vui tàn nhẫn của mình. Có điều viên cảnh sát đã không nhận ra là hàm răng của người đối thoại đang lóe sáng trong bóng tối.
-Tôi đến để báo tin ông về chuyện đó và cũng để ngỏ lời xin lỗi ông. Tôi rất tiếc hôm trước đã làm ông phải lo lắng. Thật ra hôm nay chúng tôi đã đi đến kết luận cho vụ án. Có lẽ ngày mai báo chí sẽ đưa tin thôi.
-Thủ phạm đã bị tóm rồi hở thày?
Tomioka tiến về phía viên cảnh sát, tay vẫn không rời cây chỗi. Nhân viên hình sự ngửi thấy thoang thoảng mùi ngai ngái của những chiếc lá phong đỏ mục bị vùi dưới nền đất hòa vào bóng tối tím sẩm thành một khối dày đang bủa vây lấy họ. Cái mùi này gợi nhớ mùi lạnh lẽo của những thạp ngâm rượu thuốc.
-Không ạ!
Viên cảnh sát chợt đánh mất sự quả quyết của mình lúc mới đến nơi và trở nên do dự khi buột ra cái câu trả lời đơn giản nhất. Thực ra, kết quả của cuộc điều tra cho thấy thủ phạm đây là một lũ chó hoang. Hôm qua người ta đã mời một chuyên viên là bác sĩ thú y của Công viên Ueno và vị này đã kết luận rằng, tất cả những vết thương của bầy công đều do chó cắn. Còn như trường hợp những con công chết không thương tích rõ ràng, ông cho là chúng đã bị nội thương đến xuất huyết. Theo lời giải thích của vị thú y thì công là một giống động vật cực kỳ nhát nhúa, nên khi cảm thấy mình bị một kẻ địch tấn công thì chúng đã co rúm người và đập cả đầu vào trong hàng rào giây kẽm. Và cũng vì vậy, chỉ cần một con thú dữ nào đó cắn vào cánh là chúng đã sợ đến vỡ tim vỡ phổi và chết vì xuất huyết do nội thương.
"Mặt khác, chó hoang không giống như chó nhà. Có khi lần đầu tiên chúng chỉ tấn công đơn độc nhưng lần sau thường kéo đến cả đàn. Chúng có thói quen là lúc đầu lấy móng cào nền đất. Do đó người ta đã phát hiện dấu vết những nơi chúng cào ở bên dưới hàng rào giây kẽm, nơi đàn công trú ẩn – để tìm cách luồn vào". Cách trình bày của vị thú y đầy sức thuyết phục đến độ mọi người đều chấp nhận kết luận thủ phạm của những cuộc tàn sát này chính là lũ chó hoang. Dĩ nhiên, tôi vẫn tiếp tục cuộc điều tra bằng cách giăng một cái bẫy. Thế nhưng..."
-Không, không! Không thể nào cơ sự lại xảy ra như vậy.
Tomioka lên tiếng như muốn cực lực phủ nhận.
Viên cảnh sát hình sự chưa hề chứng kiến sự quả quyết như thế trong giọng nói của Tomioka. Ông cảm thấy bên má mình hơi thở nóng hổi của Tomioka phả ra xuyên qua bóng tối.
-Không, không thể được. Thủ phạm phải là một người nào đó. Làm sao ai lại đi kết luận như thế nhỉ. Có thể chó cắn nhưng phải có con người dẫn dắt chúng chứ! Điều này chắc như đinh đóng cột. Người này phải là kẻ thạo việc điều khiển chó.
-Giả thuyết nghe cũng được đó! Nhưng mà đâu là bằng chứng?
Giọng của Tomioka càng trở nên sôi nổi:
-Chứng cứ à? Bộ thày muốn thách thức tôi sao? Giả thuyết chó hoang nghe không trôi. Tôi chắc chắn thủ phạm phải là một anh chàng nào đó... Thầy vừa bảo rằng sẽ tiếp tục cuộc điều tra và giăng bẫy bắt hắn, đúng không?
-Ông muốn bảo là...
-Tôi muốn hỏi là thày có muốn thực hiện hay không thôi.
-Tôi muốn điều tra thêm nữa...
-Nội đêm nay?
-Vâng, ngay đêm nay.
Tomioka trầm ngâm một chút và với cái giọng đau đớn nhưng thoáng đôi chút ngập ngừng như muốn khỏa lấp một lời cầu xin nhiệt thành, anh rót nhẹ vào tai viên cảnh sát:
-Thế thì, tối nay, cho phép tôi tháp tùng thày nhé!
V
Các quan chức cao cấp của nha cảnh sát đã chấp nhận sự cộng tác của người công dân quá sốt sắng này. Tomioka được phép đi cùng với viên thanh tra cảnh sát vào trong vườn chơi vào lúc trời tối, sau khi vườn đã đóng cửa và quét dọn xong xuôi. Cô vợ của anh, với một nụ cười miệt thị, đã trao cho anh phần xăng-uých. Còn viên cảnh sát thì mặc lên người một cái quần tây và áo khoác ngoài để giúp ông ta chịu được cảnh lấm lem. Ông còn mang theo khẩu súng lục và cái ống dòm.
Hai người đàn ông băng qua quảng trường của khu vườn chơi, giờ dây vắng tanh không một bóng người. Bồn phun nước đã ngưng hoạt động, đèn điện cũng tắt hết, kể cả những ngọn đèn trên bánh xe đu treo trên không trung. Những mái nhà hình vòm và hình vuông nằm im lặng như những thể khối đen xì dưới vòm trời sao. Sau khi vòng qua đằng sau Khu du lịch vũ trụ, viên cảnh sát lấy con đường hãy còn chưa được lát đá dẫn về nơi cư ngụ của bầy công. Đây là nơi mà vào ban đêm lũ chim được nhốt lại. Trong ngày, người ta để cho chúng được chạy nhảy tự do nhưng lúc trời sụp tối thì họ đưa cả vào đây và phân chia chúng trong 6 cái chuồng nhỏ, mỗi chuồng có từ 4 đến 5 con. Giờ đây, chỉ còn mỗi hai con trong đám là sống sót và chúng được để chung vào trong một cái chuồng nhỏ để làm mồi nhử.
Đằng sau chỗ trú của chúng là một con đường xe hỏa tí hon, chỉ riêng nơi đây đất được đắp vun cao như cái gò. Thế thì hôm trước lũ cho hoang đã phải phá cái hàng rào làm bằng giây kẽm ở phía đối diện để chui vào bên trong chuồng. Phía hàng rào kẽm gai này người ta có trồng một dãy những bụi cây con, và xuyên qua đám lá của chúng, có thể nhìn thấy những cái đồi con đầy cây cối bao lấy Khu vườn chơi ở đằng xa. Những ngọn đồi bọc chung quanh vườn trải dài chỗ cao chỗ thấp một cách nhịp nhàng nhưng ngọn đồi phía chính diện chỉ còn sót lại dấu vết của một rừng cây và những bụi tre bị phát quang. Ngoài ra không thấy đèn đóm của một mái nhà dân nào cả.
Tomioka và viên cảnh sát nấp mình trong bóng tối cạnh cái chuồng công. Trời về đêm nên không khí mát mẻ, họ nghe cả tiếng công gù từ bên trong chuồng. Hai con công sống sót, không còn giữ được vẻ hào nhoáng của chúng lúc ban ngày, đang thu người lại bên nhau trong một xó như hai khối đen trên cái thanh ngang chúng đang đậu.
Tomioka có cảm giác là trong cái bóng tối đang bao phủ lấy khu vực họ ẩn nấp vẫn còn lấp lánh những vệt sáng linh động của lũ công đã bị tàn sát. Bóng tối ở đây không phải là một thứ bóng tối bình thường. Có lẽ chỉ cần một chiếc lông công trong ký ức rơi xuống mặt đất trong cái đêm đen này là đủ gợi lên được những sắc màu đẹp đẽ từ xanh dương, xanh lục váng nhạt...để rồi bóng tối đó sẽ đọng lại trong từng chân tơ kẻ tóc của nó kỷ niệm về những sắc màu huy hoàng rực rỡ của bộ lông công.
Thời gian chờ đợi của hai người kéo dài thêm. Trong khi viên cảnh sát bắt đầu buồn ngủ, Tomioka vẫn còn tỉnh táo rình rập con mồi. Cảm thấy đầu óc mình trống rỗng, anh cố gắng tập trung ý nghĩ bằng cách hồi tưởng lại hình ảnh của bầy công, và đôi lúc không khỏi ném một cái nhìn khinh thị về phía viên cảnh sát, người đang khom mình bên cạnh anh, đôi mắt hầu như không còn nhướng lên nổi nữa.
Tomioka chờ đợi tiếp. Mặt đồng hồ dạ quang của anh cho biết trời đã quá nửa đêm. Khu vườn chơi im ắng, không mảy may tiếng động. Trước mắt anh là ánh sáng của bầu trời sao đang chiếu lên đường ray của đoàn xe lửa tí hon. Trên tầng không, lác đác có những đám mây đang tụ lại thành cụm lơ thơ. Không một ngọn gió. Thế rồi cái đồi cao như bị ép xuống và một vầng trăng đỏ quạch từ đó nhô ra. Trăng dần dần lên cao và màu đỏ ấy nhạt bớt đi và được thay vào bằng một thứ ánh sáng trong xanh hơn, làm cho cái bóng đen của hai con công đang nằm im càng in rõ nét.
Bỗng nhiên từ xa xa vọng tới tiếng chó sủa. Cũng từ phía xa ấy, có những tiếng sủa khác dội lên như để trả lời chúng. Xong, tất cả đều im bặt. Bất chợt, viên cảnh sát cảm thấy Tomioka đang lay vai ông nên chực nhỏm người dậy. Đôi mắt của Tomioka long lanh:
-Thày xem kìa. Có đúng y như điều tôi nói không?
Viên cảnh sát ngoan ngoản nhìn về phía ngọn đồi trọc cây. Dưới ánh sáng của vầng trăng, ông ta thấy có rất nhiều vệt đen rải rác, sự lộ hiện của những gốc cây bị phạt quang đã làm thay đổi toàn bộ tầm nhìn của ông. Bóng những gốc cây trông giống như đốm đen hình học in khá đều đặn trên một trang giấy trắng trải rộng.
Có một bóng người tiến về chỗ họ đang nấp. Trước cái bóng đó, họ phân biệt được 4, 5 cái bóng khác. Những cái bóng đó tỏa ra mọi hướng. Không còn lầm vào đâu nữa, đấy là mấy con chó. Khi cái bóng người kia cúi khòm xuống thì ta hiểu được ngay là anh chàng đang phải chiến đấu để ghìm chúng lại bằng cách cố ưỡn người ra phía sau.
Viên cảnh sát hình sự nhấc cái ống dòm lên để nhìn. Người hiện ra trước mắt ông là một thanh niên dáng mảnh mai, quần áo tuyền đen, đang nắm giây cương với cả hai tay để trì kéo đàn chó. Đột nhiên, ánh trăng soi lộ ra gương mặt trắng trẻo của anh ta làm viên cảnh sát phải bật ra một tiếng kêu.
Ông không thể nào lầm lẫn được: ấy là khuôn mặt của người trẻ tuổi điển trai mà ông đã có dịp thấy treo trên bức tường ngôi nhà của Tomioka.
Dịch giữa tháng 1-2/2020Tư liệu tham khảo:- 1-Mishima Yukio, Kujaku (Khổng Tước), trích từ quyển 17 trong Toàn Tập Mishima Yukio, Nxb Shinchô, Tôkyô, 1973. Nguyên tác Nhật ngữ.
- 2-Jacqueline Pigeot dịch Kujaku (Paons) sang tiếng Pháp trong Tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản đương đại (Anthologie des nouvelles japonaises contemporaines) do Gallimard, Paris, ấn hành, 1986. Bản ngoại văn tham chiếu.
http://chimvie3.free.fr/91/nguyennamtra ... ng_091.htm