Xuân .. Xuân .. Xuân .. Ất Tỵ ...

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21047
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

TẾT

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




              
    TẾT

    _________________________
    Do Duy Ngoc





              

              


    Qua đến mồng một, ngày Tết chỉ còn chút hương vị vì thực tế đón Giao thừa xong có cảm giác Tết đã vừa đi qua hết một nửa đường. Ngày ba mươi, đêm ba mươi rộn ràng không khí Tết đầy ắp trong mỗi căn nhà, làng xóm. Người ta bảo ba mươi chưa phải là Tết, nhưng với tôi, ba mươi mới gọi là Tết. Đó là ngày nhà nhà lo nấu nướng, chuẩn bị rước ông bà về vui Tết với cháu con. Nhà đã thoảng mùi nhang trầm, bàn thờ đã chưng hoa trái. Bàn thờ ngày thường đôi khi lạnh lẽo giờ bừng sáng với những sắc màu. Bát nhang tươi mới, hoa trái đủ đầy, những tấm ảnh không còn phủ bụi, tất cả nhìn về với lòng thành kính. Đám phụ nữ bận rộn với món này món nọ, con gà luộc, bánh tét, bánh chưng, món mặn, món ngọt đã được vớt ra, đã được chế biến. Vài ba món mặn, đôi dĩa mứt bánh chuẩn bị rước ông bà. Cũng một mâm chè xôi, bánh trái đang chờ để cúng Giao thừa lúc nửa đêm. Người ta bắt đầu kiêng cử từ ngày này, trẻ con ra vào vét nồi thưởng thức món ăn, món mứt trước tất cả mọi người. Nếu nói Tết là đoàn viên thì ngày ba mươi là ngày đầy đủ mọi người trong gia đình. Cái không khí rộn ràng chuẩn bị cả nửa tháng trước dồn vào một ngày này nên nó mang mùi Tết nhiều nhất. Ngày xưa còn cho đốt pháo, trưa ba mươi pháo đã bắt đầu nổ và tối ba mươi pháo nổ khắp nơi. Đó mới là Tết. Rước ông bà buổi trưa, cánh đàn ông đôi khi khề khà đến chiều, đám phụ nữ lại lăn vào bếp hay ngồi tám chuyện đất trời. Đám con nít lăng xăng chờ giờ thay áo mới. Không khí nửa đêm với ánh đèn cầy quyện khói nhang biến đêm mang màu thiêng liêng, đêm mang đất trời đến gần với con người, mang tiên tổ về với cháu con. Đó chính là Tết.

    Sáng mồng một, Tết đã xong phần đầu, thay áo mới, thắp thêm nén nhang, đốt thêm ánh lửa ngồi chờ lời chúc của cháu con. Trẻ con vui với áo mới, chạy tung tăng với bao lì xì, vui vì thấy ai cũng vui. Mấy đứa nhỏ thuộc lòng lời chúc, ngọng nghịu, ngượng ngùng chúc Tết ông bà, cha mẹ. Người già vui với lời chúc, vui với đoàn tụ cháu con, quên đi nhọc nhằn, buồn lo để có Tết vui vẻ, đầm ấm. Người trẻ vui sum họp, cha mẹ đủ đầy, anh em yêu thương gắn bó nhau, bỏ sau lưng những khó nhọc của năm cũ để mong một năm mới tốt lành hơn. Tất cả là hình ảnh ngày mồng một Tết. Rồi đi chùa, đi lễ và là xong Tết. Những ngày còn lại chỉ là Tết đã tàn phai. Là những bữa ăn, là những trò chơi vui, là những cuộc thăm hỏi tẻ nhạt, máy móc. Ở thôn quê còn rộn ràng Tết chứ ở thành phố đôi nhà đóng cửa xem truyền hình hay mở máy xem phim. Xem như Tết đã xong rồi. Bàn thờ đèn vẫn sáng, hoa vẫn tươi, mùi nhang trầm vẫn thoang thoảng đợi chiều mồng ba lại cúng tiễn ông bà. Một bữa cúng để chấm dứt Tết, rồi chờ đến năm sau. Bữa tiệc cuối Tết đó có khi không đủ mặt nhưng cũng đủ món cho một lễ cúng. Trẻ con không còn háo hức, người già cũng không còn bận rộn. Tết hết. Những cành mai vẫn còn hoa rơi rớt, nụ vẫn còn đâm chồi. Những chậu hoa ngoài sân vẫn còn khoe sắc, hoa trên bàn thờ vẫn tươi, hoa trái vẫn còn nhưng đèn đã tắt, mùi nhang trầm không còn. Tết đã đi qua. Lại trở về năm tháng thường ngày chờ Tết năm sau. Xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Vòng tuần hoàn không thể thiếu trong đời của mỗi người.




    DODUYNGOC
              

              
    https://www.facebook.com/doduyngoc/post ... ZSrnZfPZl?
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21047
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tết Năm Này Nhớ Tết Năm Xưa

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Tết Năm Này
    Nhớ Tết Năm Xưa

    __________________________
    26/01/2025 _ Bác Sĩ Vĩnh Chánh






    Có bao nhiêu người là chứng nhân cho sự thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế khi người thân trong gia đình, người quen trong khu phố bị giết chết, bị bịt mắt đem đi thủ tiêu, bị tra khảo, đập vào đầu trước khi bị xô xuống khe suối hay bị cột chùm chôn sống với 2 tay bó chặt đàng sau lưng bằng dây điện thoại? Ở đâu ra những hố chôn tập thể tại trường Gia Hội, Gò Cát, Bãi Dâu, Tây Lộc, Phú Thứ, Đá Mài…? Và biết bao ngàn người đã ai oán khóc trong căm hờn và đã chít khăn tang.




    Người Việt chúng mình tại Mỹ hình như có cơ hội ăn “thiệt” và tiệc tùng trong năm nhiều hơn dân bản xứ, vì ngoài các ngày lễ bình thường, mà q sau: Tháng 12 là tháng ăn chơi, uan trọng nhất là các lễ Chiến Sĩ Trận Vong, Độc Lập, Tạ Ơn, Giáng Sinh, Tết Dương Lịch, còn có Tết Âm Lịch – bây giờ xin sửa lại nhưTháng Giêng cũng lại chơi với ăn đều đều, Tháng Hai thì Hội với Hè - đó là chưa kể đến các ngày lễ không kém phần quan trọng cho cộng đồng người Việt tỵ nạn như ngày Lễ Phật Đản, kỷ niệm Mất Nước 30 tháng 4, ngày Quân Lực VNCH… cùng các ngày kỵ giỗ của từng gia đình, đại gia đình, và các đại hội của từng quân binh chủng, từng hội đoàn, từng hội thân hữu…

    Nhìn về những cái Tết khi còn ở quê nhà, Tết là một ngày lễ quan trọng duy nhất cho mọi người, mọi nhà, cho cả nước. Bởi vậy có những năm Mẹ tôi được chính phủ cho thêm lương tháng 13. Người lớn rộn ràng sửa soạn Tết theo cách người lớn, tỉ mỉ, chuẩn bị trước cả tháng. Con nít chúng tôi có những náo nức riêng. Nhà nhà đều ăn Tết, vui Tết.


    Với đa số trong chúng ta, kỷ niệm về Tết Nguyên Đán khi còn ở quê nhà, hình ảnh anh chị em trong gia đình quấn quýt trong ba ngày Tết, những món ăn đặc biệt, những mứt món đủ màu sắc, mùi pháo nổ với những xác pháo đỏ thắm, thăm mừng tuổi họ hàng… luôn là những kỷ niệm sâu đậm khó phai.


    Sáng Mùng Một Tết Nguyên Đán, gia đình các bác, các cô chú và gia đình chúng tôi đồng tụ tại nhà ông bà Nội tọa lạc ở phần đất cao nhất của xóm Đường Đá, Phủ Cam và trải dài xuống gần Bến Ngự. Một truyền thống của đại gia đình qua bao nhiêu năm, kể từ khi tôi bắt đầu có trí nhớ. Nghe kể lại, Ông Nội dậy sớm nhất bước ra khỏi nhà, tự đạp đất nhà mình trước khi tất cả con cháu đến chúc Tết. Gia đình nào đến trước sẽ vào thăm bàn hoa quả bánh mứt của Bà Nội ở nhà chính, hoặc đứng ngoài sân chờ đợi, chuyện trò rộn ràng với nhau trong khi những đứa con nít cùng trang lứa tranh nhau chạy chơi trong sân vườn rộng lớn. Khi mọi gia đình có mặt đầy đủ, tất cả đồng kéo qua tập trung trước căn nhà riêng của ông Nội, nằm chéo góc bên cạnh nhà lớn.


    Khi ÔB. Nội đồng an vị vào hai chiếc ghế dựa lớn để ngay ở cửa chính được mở rộng, mặt mày rạng rỡ trong áo gấm đỏ, lễ Mừng Tuổi bắt đầu bằng tràng pháo nổ tưng bừng từ dây pháo dài treo trên cây. Riêng tôi bắt đầu ngất ngây với tiếng pháo nổ chát tai, xác pháo đỏ văng tung toé và mùi thuốc súng. Trong không khí trang nghiêm của ngày đầu xuân, Bác của tôi bao giờ cũng là người đầu tiên mở đầu cho buổi lễ, khúm núm đứng trước ÔB Nội xướng to những lời chúc mừng, sau đó cả 2 vợ chồng cùng quỳ trên chiếu vái lạy thân sinh. Tôi vẫn còn nhớ rõ Bác tôi kêu ÔB. Nội bằng Thầy Mạ. Sau Bác là đến phiên các chú các cô, bao gồm luôn cả rể và dâu, trong đó có Mẹ tôi, cùng tiến đến quỳ lạy Thầy Mạ. Bấy giờ, Ô. Nội mới từ tốn ban lời mừng Tân Xuân cho từng người con, cũng theo thứ tự, từ con trai trưởng cho đến cô út.


    Sau thế hệ con đến thế hệ cháu với mỗi gia đình theo thứ tự lần lượt bước vào chiếu hoa. Thông thường người con lớn nhất hiện diện tại chỗ đứng giới thiệu tên từng đứa em trong gia đình mình với ÔB. Nội trước khi tất cả đều quỳ lạy mừng tuổi ông bà. Ông Nội thường hay hỏi từng đứa cháu về chuyện học hành, gia cảnh nếu đã lập gia đình, trước khi nói lời chúc đầu năm. Có những năm, tất cả các cháu được cho đứng sát với nhau và đồng quỳ lạy chúc mừng ÔB. Nội một lần, sau khi một cháu lớn nhất đại diện mở đầu lời Mừng Tết ông bà…

    Kế thế hệ cháu là đến thế hệ chắt, cùng quỳ lạy chung một lúc trong khi chắc lớn tuổi nhất trong đám nói lời cầu chúc ÔB. Cố, với sự nhắc lời, trợ giúp của bậc cha mẹ bên ngoài. Trong những cái Tết trước khi ông Nội tôi mất vào năm 1962, ÔB. Nội tôi đã có trên cả chục đứa chít.

    Xong lễ mừng tuổi ÔB. Nội, các người con cùng dâu rể bước đến gần trò chuyện thân mật hơn, rót trà rượu đưa mời Thầy Mạ của mình. Đó là lúc tôi thoáng thấy các phong bì đỏ được đưa vào tay Ông Nội và cả Bà Nội. Sau đó, Bà Nội mới thủng thỉnh mời tất cả mọi người vào nhà lớn thưởng thức các món Tết. Tôi nhìn thấy đủ loại mứt, từ mứt hột sen, mứt thơm, mứt dừa, mứt gừng, mứt mãng cầu, mứt kim quật, mứt khoai, mứt củ sen, đậu phụng ngào, hột dưa… cho đến các món mặn như nem, chả heo, chả bò, chả thủ, tré, thịt quay, gà nấu đậu, vịt nấu măng khô, cải xanh nấu với giò heo, xôi lạp xưởng & tôm khô, xôi gấc, rồi bánh tét dưa món, bánh tét chiên, củ hành dầm nước mắm, củ kiệu, bánh chưng, bánh su sê, bánh thuẫn, bánh bột nếp, bánh hột sen và đậu xanh cái tròn cái vuông gói trong giấy kiếng nhiều màu sặc sỡ…


    Bao nhiêu hương vị ngọt ngào, hiếm quý và cổ truyền của một cái Tết Âm Lịch do chính tay bà Nội làm cùng các người con trong gia đình đem đến từ ngày hôm trước. Khi lớn hơn và ở xa hơn, tôi cũng đã từng đạp xe đạp đem đồ Tết của nhà mình đến biếu ông bà Nội. Và trên bàn luôn có món quà Tết của “Cậu” Cẩn và của chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm gởi đến biếu cho OB. Nội, vì Bà Nội tôi là em của Bà Cụ Cố tức là Dì ruột của các vị đó.


    Buổi ăn chấm dứt, đại gia đình xúm xít lập sòng chơi đổ Tam Hường, chơi bài cartê (5 lá bài), bài xì lác, tứ sắc, bài xịp…Tiếng la hét của người hên bạc kẻ thua tiền, tiếng reo hò vui cười, chọc ghẹo hòa cùng với tiếng xoang xoảng của những con súc sắc đổ trong tô sứ, tiếng pháo lẻ nổ đì đùng ngoài sân từ lũ con nít chúng tôi làm không khí Mùng Một Tết thêm hào hứng. Sau ăn trưa, đổ Tam Hường hay chơi bài lấy hên, các gia đình lần lượt kéo nhau đến đạp đất từng nhà một, không cách xa nhau lắm, với nhà Bác trước rồi đến nhà các Cô, Chú, lập lại màn chúc Tết nhau, rồi ăn uống, và lì xì cho con nít. Truyền thống này vẫn tiếp nối dù sau này chỉ còn có bà Nội, vẫn trang trọng và ấm cúng dù mức độ nhỏ hơn vì số con cháu thưa dần với các anh chị con bác và cô chú vì sinh kế, lập gia đình và đi học nơi xa nên khó về.

    Trong ký ức tôi, cái hay nhất, cái đáng nhớ nhất, sống mãi trong lòng của mình, không phải là những khi được mừng tuổi OB Nội và đi thăm các Bác, Cô, Chú. Hay là được cho mặc bộ quần áo mới, được lì xì, cho ăn bánh mứt, các món đăc biệt của Tết. Mà chính là những ngày trước Tết, đôi khi cả vài tuần trước Tết, thời gian các anh chị xúm nhau sửa soạn cho ba ngày Tết. Cái truyền thống đó chính là tinh thần đoàn tụ của một gia đình. Đó là tìm mua và trưng một cành mai vàng với những thiệp chúc Tết treo ở các nhánh nhỏ. Đó là cùng chia nhau cắt các củ cà rốt, củ cải, dưa leo, trái su hào, su le. Rồi đem phơi khô trên các rổ tròn vài ba nắng cùng với ớt, tỏi, củ hành, củ kiệu, để sau đó cho vào hủ, thẩu to nhỏ, đổ thêm nước mắm nấu với đường làm dưa món, và hành dầm nước mắm và hành dầm chua. Sau màn dưa món là đến màn làm các loại bánh bột nếp, bánh đậu xanh khô ép vào khuôn, bánh hột sen vo tròn mà tôi có nhiệm vụ cắt giấy gương màu xanh đỏ vàng trắng cho các chị bao lại. Kế tiếp là những ngày lột vỏ hạt sen và lấy tim sen ra, xắt các củ gừng, cà rốt, những trái dừa (cả non lẫn già), cắt các trái thơm, các củ sen, củ khoai, dùng cả chùm kim cúc đâm vào kim quật để lấy hột và vắt bớt nước chua ra… để ngào với đường thành các loại mứt. Nhiệm vụ của tôi là canh lửa, quạt lò, thêm than cho 2-3 cái lò mà phần thưởng là thỉnh thoảng được cho ăn thử vài ba miếng. Một khi làm xong, các sản phẩm này, bao gồm mứt hạt sen, gừng khô và dẻo, mứt thơm, mứt dừa, mứt thơm trộn chung với mứt gừng dẻo, mứt củ sen, mứt cà rốt, mứt kim quật, mứt khoai lang, thường được cất giữ trong các thẩu hoặc trong các bao, thùng lớn... Tôi vẫn thich nhất là mứt dừa và đậu phụng ngào có các màu trắng xanh đỏ khác nhau và mứt khoai lang có thêm hương vị gừng, vàng cháy dính sát đáy nồi. Và món bánh tét chiên ăn với dưa món, nhưng phải chờ sau Tết mới ăn được món này.


    Sau đó là đến đợt làm các loại bánh ngọt như bánh thuẫn và bánh Beignet với các khuôn bằng kim loại và phải chiên với dầu. Mẹ tôi và anh chị tôi làm rất nhiều hai loại bánh này để trong cả chục thùng nhôm khá lớn trước đây đựng dầu ăn hay nước mắm rửa sạch. Để sau đó, Mẹ tôi cùng 2 bà chị sinh đôi và tôi mang đến tặng cho các tù nhân trong Lao Thừa Phủ, nằm sau lưng tòa hành chánh tỉnh, ngay sát bên hông trường Đồng Khánh. Lao Thừa Phủ là nơi Mẹ tôi bị Pháp cầm tù trong hai năm vì tham gia rải truyền đơn khi đang còn học nội trú trường Đồng Khánh, và Người cũng từng lên tiếng với chúng tôi là chắc có những tù nhân bị giam oan trong đó.


    Một hai đêm trước giao thừa, một số gia đình trong “xóm” Đồng Khánh rủ nhau nấu bánh chưng, bánh tét. Đây thật sự là một điều rất thú vị cho tôi khi được cho ngồi canh nồi bánh cùng với các anh chị lớn trong xóm, được nghe những câu chuyện lý thú và nhất là có một đêm không ngủ nằm trên các chiếu trải trên hành làng trước dãy các lớp học. Tôi còn nhớ rõ nồi nấu bánh là nửa phần dưới của thùng đựng dầu (kêu là thùng phuy, có lẽ là do chữ fuel mà ra?) rất lớn của quân đội được cưa làm hai, nước trong thùng sôi liên tục cả chục giờ nên cả xóm đã phải chuẩn bị củi từ cả tuần trước. Ngày mai lại, một chiếc bánh chưng được vớt ra trước để chia nhau ăn thử, tôi xí được một miếng nhỏ. Ngon ơi là ngon! Nghĩ lại mà lòng vẫn còn tràn ngập kỷ niệm. Không ngon sao được khi thức trắng cả đêm đói bụng quá chừng mà cháp được một miếng thì phải ngon tuyệt và nhớ đời.



    Các món khác như chả lụa, nem tré, hột dưa, táo tàu, hồng khô, mứt mãng cầu…thì phải đi mua bên ngoài. Sau này, khi không còn ai đủ sức kêu gọi nấu bánh chưng và bánh tét, thì gia đình tôi cũng phải đặt mua thôi. Trước Tết, Mẹ tôi bao giờ cũng mua một tạ gạo, như một dấu hiệu tốt cho nhà không thể thiếu gạo cơm, vốn là căn bản của mọi gia đình nhiều con. Những hủ dưa món, hộp mứt, những bánh trái rồi cũng được Mẹ tôi sai chúng tôi đem biếu cho các Dì trong trường ĐK, hay tặng cho các người quen đã từng cho Mẹ tôi vay nợ mà Mẹ tôi luôn nhớ ơn vì họ đã tin tưởng Mẹ tôi khi thiếu hụt tiền để nuôi các anh chị học xa…


    Vào những năm tôi lớn đủ để rủ các bạn trong xóm ĐK đạp xe qua phố xem đoàn múa lân trình diễn trước các của tiệm của phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu hay Gia Hội… theo nhìn các đoàn múa lân thay phiên nhau vừa nhún nhảy như thể đi quyền, vừa leo lên vai nhau hay leo lên thang cố lấy cho được phong bì đỏ đựng tiền, giữa những tiếng nổ chát tai của xâu pháo treo dài từ trên lầu xuống tận đất. Tôi cũng đến các hội chợ Tết, ngay trong khu công viên trước Cửa Thượng Tứ, xem hoa, xem xiếc, mua pháo, mua vé vào xem xe môtô chạy vòng vòng trong nhà tròn cao, nhìn người chơi bài ba lá, bầu cua cá cọp hay xổ số loto. Khi vào học ở Saigon, tôi cùng chúng bạn cũng có dịp chen nhau đi chợ Tết Bến Thành, mua các loại khô sặc, khô cá thiều, khô nai…cùng các loại mứt, rượu mận và trái cây miền Nam thơm ngon. Và nhất là dạo khu bán hoa trên con đường Nguyễn Huệ, ngắm hoa và ngắm các thiếu nữ tuổi xuân thì.


    Ngày cuối năm, tức ngày 30 Tết, chúng tôi thay phiên nhau dọn dẹp nhà cửa, làm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị áo quần tươm tất cho ngày mai. Người làm đi chợ mua thêm vài món nấu liền vì chợ đóng cửa trong ba ngày Tết. Như các món gà nấu đậu, vịt nấu măng khô, canh cải nấu với giò heo… Và tối hôm đó, Mẹ tôi cùng các con mình xúm xít ngồi ăn bánh chưng và bánh tét với dưa món, hành dầm nước mắm với vài món mặn khác, cũng như cùng nhau thưởng thức vài món mứt nhà làm. Sau đó đến màn chơi đổ Tam Hường mà tôi mê nhất là tiếng leng keng trong thanh của ba con súc sắc trong cái tô lớn. Chờ nghe pháo nổ và đón giao thừa.


    Đó là những năm tháng êm ấm tại Huế, của cái “thuở thanh bình ba trăm năm cũ” nơi tôi được nuôi dưỡng, lớn lên và đến trường. Khi các thành phố vẫn thanh bình, cuộc sống dân chúng ấm no hạnh phúc.

              
    Anh về qua xóm nhỏ, Em chờ dưới bóng dừa
    Nắng chiều lên mái tóc, Tình quê hương đơn sơ
    (Tình Quê Hương / Đan Thọ)

              

    Tiếp theo là những năm biến động của phong trào sinh viên Phật Giáo tranh đấu, những chỉnh lý chính trị ở trung ương, sự hiện diện của quân đội Mỹ đưa đến những hỗn loạn trong quần chúng và dấu hiệu leo thang của chiến cuộc, nhất là vào năm cuối của tôi ở Trung Học và năm đầu tiên ở Đại Học. Tuy nhiên, do ở thành thị, đa số học sinh sinh viên như chúng tôi vẫn thờ ơ hưởng thụ, vẫn ngây thơ với sách vở, chưa hề có khái niệm chín chắn về cuộc chiến dù có theo dõi tin tức chiến sự, dù nhìn thấy lính tráng xe tăng máy bay, hay có anh chị trong quân đội, như trường hợp nhà tôi có anh đầu tôi là một bác sĩ và anh rể đầu là một dược sĩ đều trưng tập vào Quân Y. Tôi vẫn nghĩ cuộc chiến xa lạ này không phải của mình và đang xẩy ra ở miền quê hay núi rừng xa xôi, hay tại những địa danh hẻo lánh.


    Vào cuối tháng Giêng 1968, trước Tết Mậu Thân, Trường YKH mở tiệc Tất Niên. Ban Đại Diên ĐH YK Huế (gồm có các đàn anh Đặng Ngọc Hồ, Trần Đình Ái…) mở một Tiệc Tân Niên rất lớn mà tôi vùng các bạn năm thứ Nhất lấy làm hân hoan và hãnh diện tham dự. NgoàI các GS như quý Thầy Cô Lê Huy Chương, Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Vă Tự, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Vĩnh…còn có GS Lê Thanh Minh Châu, trong chức vụ Tân Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, đến tham dự như khách mời danh dự. Thầy tiến vào sảnh đường giữa tiếng vỗ tay ngập trời của các sinh viên và tiếng nhạc hòa tấu Symphony # 5 của Beethoven. Bản nhạc đó do BS. Trần Lương Hoa chọn. Symphony # 5 . Và Thầy Viện Trưởng cũng là người đầu tiên được mời ra ouvrir le bal trong một điệu nhạc luân vũ với 1 nữ sinh viên Văn Khoa Trần Thị Bích Hà. Một trong những bản nhạc đáng nhớ nhất trong đêm Tân Niên đó là bản “Biệt Ly” do phu nhân GS. Nguyễn Mạnh Hùng trình bày thật điêu luyện.



    Chưa đến mươi ngày sau, Biến Cố Tết Mậu Thân 1968 xẩy ra.


    Đúng vậy! Có ai ngờ quân CS đã tráo trở xé thỏa thuận hưu chiến, đem chiến tranh đến tận các thành phố trong những ngày thiêng liêng của đất nước trong Tết năm 1968. Biết bao nhiêu người đã sống lo âu sợ hãi khi nhìn thấy chiến tranh với bom đạn và chết chóc đến ngay tận làng xóm mình, tận nơi nhà mình, như trường hợp gia đình tôi? Đã nhìn thấy cảnh đổ nát kinh hoàng của thành phố, đã bị kẹt giữa hai lằn đạn? Đã chứng kiến sự dã man tàn ác của phe gọi là giải phóng? Có bao nhiêu người là chứng nhân cho sự thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế khi người thân trong gia đình, người quen trong khu phố bị giết chết, bị bịt mắt đem đi thủ tiêu, bị tra khảo, đập vào đầu trước khi bị xô xuống khe suối hay bị cột chùm chôn sống với 2 tay bó chặt đàng sau lưng bằng dây điện thoại? Ở đâu ra những hố chôn tập thể tại trường Gia Hội, Gò Cát, Bãi Dâu, Tây Lộc, Phú Thứ, Đá Mài…? Và biết bao ngàn người đã ai oán khóc trong căm hờn và đã chít khăn tang.

    Và cũng từ đó, các anh em chúng tôi trong YK Huế tránh hát bản nhạc “Biệt Ly” trong những cuộc vui chơi. Chỉ vì giai thoại bản nhạc ấy đã được hát ngay trước Tết Mậu Thân.


    Xin ngậm ngùi xót xa tưởng nhớ đến Giáo Sư và Bà Gunther Krainick, GS. Raymund Disher, GS. Alterkoster thuộc phái bộ yểm trợ y khoa Freiburg nước Đức, đã bị thảm sát và chôn trong cùng một ngôi mộ tại khuôn viên chùa Tường Vân, GS. Nguyễn Văn Đệ bị chúng bắt theo và chết trên đường dài ra Bắc, một số nhỏ anh chị em trong trường Y Khoa kẻ thì mất tích, vài thằng thì duồn theo phía địch, hay bị giết, cùng chung số phận với trên năm ngàn người dân, công chức, lính tráng… bị bắn bỏ, đập vỡ sọ, chôn sống trong các ngôi mộ tập thể…Thế giới sững sờ, và công phẫn khi nhìn thấy sự dã tâm và sắt máu của con người CS, giết người hàng loạt trong khi lại nhân danh giải phóng. Thật là mỉa mai và lố bịch.



    Kể từ ngày ấy, mỗi khi Tết đến, tinh thần Tết không như trước vì bao nhiêu oan hồn chưa thể siêu thoát, vẫn còn tức tưởi đòi máu trả bằng máu. Sau biến cố mất nước năm 1975, Miến Nam trở thành nhà tù lớn, hàng triệu người bầm dập khốn khổ, hàng trăm ngàn người phải rời bỏ quê hương. Để từ đó, đường chia muôn ngả, đời rẽ vạn lối đi. Kẻ chiến thắng nham hiểm ác độc, luôn tìm cách xâu xé Miền Nam và đày đọa người chế độ cũ kể luôn cả dân lành. Những thành phần 30 tháng 4 múa rối thổi kèn, à la mode với dép râu và mũ tai bèo, người quân tử chật đầy trong nhà tù. Kẻ đành xa xứ tản mác năm châu bốn bể, người ở lại câm lặng mòn mỏi, ngơ ngác. Mỗi chúng ta đều cõng trên lưng phận đời trôi nổi. Nhưng chúng ta vẫn phải vươn lên mà sống, vẫn phải bươn bả về phía trước. Cho dù có khi, hay có nhiều khi, phía trước vẫn đục tối, hãi hùng, đầy cạm bẫy và ma quỷ.



    Giờ đây, lòng tự hỏi lòng có vui không, có rộn rã khi Tết đến? Hình ảnh Ông Đồ Già vẫn như xưa? Các trẻ nhỏ chạy theo pháo nổ? Những người dân bị mất đất mất nhà sẽ lang thang trong những ngày trước Tết và trong Tết? Những người con gái bị mua bán sang các nước sẽ có chăng thì giờ cúng vái tổ tiên, nhớ về cha mẹ? Cuộc sống thay đổi, không còn ai mơ những ngày phải tự tay làm bao thứ mứt món, và mấy ai còn muốn ngồi canh nồi bánh chưng trong đêm Ba Mươi khi ngoài phố chợ bán không thiếu món gì. Thật vậy, khi tinh thần Tết đang mất dần, khi không khí Tết không còn như xưa, khi gia đình các tù nhân lương tâm bị bao vây kinh tế, thì các bạn đang ở hải ngoại, xin hãy cùng nhau hướng về quê nhà, thắp một nén hương trong ngày Tết, chân thành cầu nguyện cho chế độ CS chóng tàn, nước Việt Nam không bị mất tất đất với bọn phương Bắc, dân lành tử tế vĩnh viễn sống không bị chèn ép trong đồng ca an bình, người người xây dựng lại truyền thống công bằng bác ái, theo đúng nghĩa của người Việt chân chính thương mến nhau – như đã từng có, trước đây, tại Miền Nam Việt Nam - trước khi nhóm người CS vô thần vô tổ quốc, là con cháu của cái mác, cái búa và cái liềm, xuất hiện thống trị đất nước bằng bạo lực.



    Tôi ước mơ có một ngày nào đó, khi thanh bình thật sự trở về trên nước VN, khi chính thể CS hoàn toàn tan rã, khi con người công chính trở lại làm nền tảng trong xã hội mới, chúng ta sẽ trở về, những ngưới bạn từ thời xa xưa, cùng nhau làm lại một bữa tiệc Tất Niên, mời vong linh các thầy, các bạn, các anh em đồng đội đã chết trong khói lửa chinh chiến, trong các biến cố tang thương của đất nước, trong các trại tù, trên biển…cùng nhập tiệc. Kẻ đang sống cùng người thiên cổ bên cạnh nhau hoài niệm đến một miền thùy dương ngọt ngào nhân tính, một ngôi trường thân yêu giàu truyền thống giáo dục và y đức, một thành phố mến yêu thơ mộng. Để nghe những người quá cố tâm sự về cái chết oan khiên của mình. Được như vậy, hương hồn các vị đó sẽ sớm được siêu thoát và vĩnh viễn an nghỉ chốn nghìn thu. Và chúng ta đây giảm khắc khoải đau thương…



    Em ơi, dưa món năm mô em làm cũng ngon hết. Năm ni cũng hết sẩy. Nhớ chiên bánh tét cho anh ăn với dưa món nghe.



    Vĩnh Chánh
    Nam CA, USA

    https://vietbao.com/a321249/tet-nam-nay-nho-tet-nam-xua
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21047
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Xuân Chiến Địa

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Xuân Chiến Địa
    _______________
    Hồ Đinh








              
    “Chợt nhớ Xuân nào trên chiến địa,
    Tao mày hiu hắt đón Xuân chơi.
    Một thằng Bộ Binh đời như bỏ.
    Một đứa Nhảy Dù cũng tả tơi...”

              

    Bốn câu thơ cũ, mới đó mà đã mấy mươi mùa thương nhớ, càng khiến cho người lính già thêm trơ trọi lạc lõng, giữ những tối ba mươi lạnh lẽo nơi chốn quê người... Trong quán khách bên đường, ta một mình sóng đôi với ngọn đèn hiu hắt, qua đêm lại một năm buồn. Rượu chưa nhắp mà môi dã muốn cay sè, ngoài trời con chim kỷ niệm vẫn như thiết tha giục giã dù khói lửa đã ngưng trên chiến địa, bạn bè cũng không còn quan hà cạn chén ly bôi, sau những tiếng tỳ bà nhặt khoan nức nỡ.


    Tan tác, chia xa giờ đây chúng ta đang lang thang như mây chiều, sau những năm tháng đã dốc ngược đời mình cho quê hương. Lính là thế đó, buồn nhiều vui ít với một chút nhun nhén tình cờ bắt gặp trên các nẽo đường hành quân vô định, qua dăm ba ngày Tết dưỡng quân hay canh giặc chốn tiền đồn lẽ loi ngoài quan tái.


    Ai đã từng là lính mới cảm thông cho lính, sống thật cô đơn lếch thếch và chết cũng rất hiu hắt ngậm ngùi. Thời gian và không gian đời lính cũng chẳng qua chỉ là một cái mốc vô tình để biết ta hiện hửu. Nhưng thôi tiếc làm gì ai biểu chúng ta sinh ra làm trai hùng đất Việt? nên phải chấp nhận kiếp lính “ ôm yên gối trống đã chồn, nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh “ để rồi thui thủi “ đêm từng đêm ngó mông lung, ôm cây súng lạnh hát rừng mà nghe “..


    Gần mười hai năm lính, Tết nào cũng Tết tha hương, Xuân nào cũng Xuân chiến địa. Ðêm trừ tịch giữa tối ba mươi cái khoảnh khắc “ năm cũ sắp tàn”, khi mà mọi nhà chặt then kín cửa, để sửa soạn đón giao thừa trong niềm hạnh phúc của gia đình, thì lính cũng đón chào năm mới trong chiếc hầm trốn đạn hay mái chòi canh giặc đen tối lạnh băng. Nhớ từ đâu bổng kéo tới, vây kín cái không gian nhỏ hẹp này. Ngoài trời mưa Xuân đến sớm nhưng sao buốt lạnh quá chừng, khiến cho ta thêm buồn rầu trong bóng tối một tết tha hương. Dường như có ai đang hát ru một khúc tình ca của lính, nhắp một chút men nồng để thấy lại ngày xưa, để ta dìu ta trở về những mùa Xuân cũ nơi chiến địa, những Tết không bao giờ quên được trong cuộc đời.





    - TẾT LÍNH ÐẦU TIÊN TRÊN RỪNG NÚI MIỀN TÂY BẮC BÌNH THUẬN:

    Ma Lâm xưa nay vẫn là cửa ngỏ để vào vùng tây bắc Bình Thuận hùng vĩ và đầy huyền thoại. Ma Lâm là thủ phủ của quận Thiện Giáo, nằm giữa châu thổ phì nhiêu của con sông Cả (Quao), phát nguyên tại Di Linh và ra biển Ðông tại cửa Phú Hài, có Quốc lộ 12 hay còn gọi là Liên tỉnh lộ 8 hoàn thành ngày 1-10-1914, từ Phan Thiết đi Di Linh chạy ngang qua.


    Ðây là biên địa cuói cùng của Vương quốc Chiêm Thành trước vào năm 1693, nên có nhiều người Chàm và Thượng Ba Phủ, sống tại các xã Ma Lâm Chàm, Phú Nhiêu, Sông Trao, Trịnh Hòa, Tịnh Mỹ. Nhiều địa danh như Rừng Ðú, Mang Tố, Làng Chão, Vũng Dao... và các câu chuyện xưa về người Chàm, trên mảnh đất Bình Thuận, theo thời gian tan biến vào cát bụi nay chỉ còn là huyền thoại của một thời vang bóng. Cũng vì địa thế hiểm trở, chinh chiến triền miên nên Quốc lộ gần như bị bỏ hoang, cũng như hầu hết miền Tây bắc bị quên lãng, để mặc cho người Thượng tha hồ đốt rừng bừa bãi làm rẫy, dù vùng này nếu ruộng đất được khai thác, cũng đủ cung ứng nhu cầu lúa gạo cho nhiều người trong tỉnh.


    Đầu năm 1964 gần tết Nguyên Đán, chúng tôi gồm mười lăm đứa mãn khóa, từ Sài Gòn bổ sung cho Trung Ðoàn 43 biệt lập, lúc đó do Thiếu Tá Võ văn Cảnh (sau lên Chuẩn tướng là tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh năm 1972), làm Trung Ðoàn Trưởng kiêm Biệt Khu Trương Biệt Khu Bình Lâm, trách nhiệm ba tỉnh Bình Tuy-Bình Thuận-Lâm Ðồng. Bộ chỉ huy Trung đoàn đóng tại quận Di Linh với Ðại đội trọng pháo của Ðại Uý Ngô Tất Tống và Tiểu đoàn 3/43 của Đại Úy Uý Công. Riêng Tiểu Đoàn 1/43 của Ðại Uý Ngô văn Diệp (tử trận năm 1965 tại Trảng Bàng) và Tiểu Đàn 2/43 của Ðại Uý Hai, lúc đó đồn trú tại Phan Thiết.


    Ngày đầu tiên về đơn vị cũng là ngày cuối năm, nên khi xe lủa tới Ðà Lạt, nhằm lúc thiên hạ đang rộn rịp chuẩn bị đón giao thừa. Cao nguyên Lâm Viên mùa Tết, nên trời rét căm căm. Chúng tôi hầu hết đều là dân xứ biển và miền Nam, nên chịu không thấu với cái lạnh miền núi cắt da tím thịt trong bộ đồ trận mỏng manh, qua đêm đầu tiên tại nhà vãng lai của Tiểu Khu Tuyên Ðức.


    Viết sao cho hết nổi buồn rầu của bọn lính mớ xa nhà trong đêm Tết? dù đêm Xuân Ðà Lạt thật tuyệt vời, khiến ta cứ ngở như mình đang lạc lối đào nguyên, giữa hoa và người đẹp, cả hai sắc hương đường như cùng với mây trời ngạt ngào trong sương giá. Ðà Lạt đêm Xuân thú vui không kể xiết, khắp phường phố thiên hạ quần áo là lượt hạnh phúc, gắn bó từng cặp, từng đôi trong muôn màu đam mê rực rỡ nhưng với bọn lính mới đầu đời, Ðà Lạt lại vô tình hờ hững. Bởi vậy cả bọn đều mong mau sáng để sớm trả lại cái thiên đường hạnh phúc mà trời trót dành cho những giai nhân tài tử.


    Rồi thì chia tay, dăm đứa gọi là kém may mắn khi về Tiểu Đoàn 3/43 gần mặt trời. Số còn lại bổ sung cho Tiểu Đoàn 1 và 2/43. Một cuộc hành quân mở ra vào ngày mùng ba Tết Nguyên Đán, mục đích khai thông Quốc Lộ 12 đưa lính mới và Quân trang Quân dụng bổ sung cho hai đơn vị tại Bình Thuận. Nhờ vậy mới có dịp hưởng được một cái Tết núi rừng vui nhộn với người Koho, quanh bếp lửa hồng.


    Bộ tộc Koho sống đông đảo tại Cao Nguyên Nam Trung Phần, có nguồn gốc pha trộn từ nhiều sắc dân Chàm, Mã Lai, Chà Và, Chân Lạp... gồm các bộ lạc Churu, Noang, Sre, Maa, Sil, Toa, Queyong, Lat, Nop, Kodiong, Nam.. chủ yếu sống tại các tỉnh Quảng Ðức, Tuyên Ðức, Lâm Ðồng,Bình Thuận, Bình Tuy và Long Khánh. Ðược vui Tết với người Koho là một thích thú tột cùng, vì ngoài việc được ăn uống tự do, còn hưởng được tình người qua cử chỉ, một hành động đối với người Việt trong thời chinh chiến, hầu như đã mất mát hay nếu còn cũng chẳng qua sự giả tạo, lớp son phấn hào nhoáng bên ngoài.


    Vì lộ trình bị bỏ hoang lâu ngày không được sửa chữa và xử dụng nên khắp nơi đầy ổ voi ổ gà. Thêm vào đó là nhiều đèo cao với vô số khúc quanh co lên trời, xuóng lủng, do đó đoàn xe di chuyển rất chậm vì phải mở đường và tu bổ quan lộ, nên đêm đó phải đóng quân và cũng là dịp ngàn năm một thuở được chủ làng trong buôn Koho, tai thung lũng Klonodium sát Quốc lộ mời ăn Tết.


    Lễ hội theo truyền thống được tổ chức giữa sân nhà Hội Ðồng. Tất cả đều là sự đóng góp chung từ củi đốt, trâu bò tới rượu cần. Quang cảnh đêm Tết thật hấp dẫn với đống củi cao như núi đủ rực sáng suốt đêm, mấy trăm hủ rượu cần và ba con trâu cột sẵn quanh các hàng cột được chạm trổ. Khắp nơi còn có những cây phướng, nêu và cờ xí càng tăng thêm nét đẹp và trang nghiêm trong ngày Tết.


    Rồi khi ráng chiều vừa khuất sau rặng Núi Bà cao đen thăm thẳm đầy huyền bí, cũng là lúc chiêng trống nơi nhà Hội Ðồng trổi dậy, thúc dục dồn dập như tiếng trống trận xua quân, kêu gọi mọi người trong Buôn tề tựu nơi bếp lửa hồng vừa cất cao ngọn. Tiếng lửa lách tách nổ vui tai, cộng với tiếng người chuyện trò huyên náo. Nam nử, già trẻ vui Tết ăn mặc quần áo đẹp và mới nhất của họ, dù chỉ là thứ vải bâu thô thiển. Ở đây hoa nhiều không đếm hết nhưng cũng không có hoa gì đẹp hơn hoa mai làm đêm thêm ngát, làm cho lính đã ngây ngất bên ché rượu cần, lại càng ngẩn ngơ hóa bướm vì tiếng hát ngây thơ hồn nhiên của các cô gái vùng cao, khiến cho mấy chục năm qua rồi, mà trong hồn mỗi lần chợt nhớ, như muốn khựng vì mùi chua của rượu cần và muì hương của núi rừng Tây Bắc. Sáng tới lính lại lên đường, không được như người Koho, sung sướng tiếp tục cuộc vui Tết quanh các gia đình, cho đến hết tháng Giêng mới chấm dứt khi cả Buôn không còn rượu và thịt:

              
    “Ớ chàng trai lính ơi,
    đừng quên đêm nay bên vũ điệu Lam Tơi,
    đôi ta tình cờ quen nhau ngắn ngũi
    nhưng em nguyện chờ chàng trở về ...”

              




    - ÐÊM CHỜ TẾT NGOÀI VÒNG ÐAI AO CÂY BÀI (CỦ CHI).


    Cuối năm 1964, toàn bộ Trung Ðoàn 43 Biệt Lập từ Di Linh tăng phái hành quân cho khu 32 Chiến thuật, trách nhiệm tỉnh Hậu Nghĩa nhưng chủ yếu là tại quận Củ Chi, khắp các xã Bình Mỹ, Tân Thạnh, Trung An, Phú Hòa Ðông, Phước Vĩnh An,Tân Phú Trung, Tân Thông, Nhuận Ðức,Trung Lập, Phước Hiệp, Thái Mỹ, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng và huyện lỵ Tân An Hội. Lúc đó, bộ chỉ huy đoàn đóng tại Tân Thông, các Điểu đoàn 2 và 3/43 nằm tiền đồn khắp các xã xôi đậu, chỉ riêng Tiểu Đoàn 1/43 được dưỡng quân ba ngày Tết tại quận, vì đã lội suốt một năm khắp các chiến trường Bình Thuận, Bình Tuy, Long Khánh, Bình Dương, Bình Long và Hậu Nghĩa.


    Ban 5 Trung đoàn đã soạn thảo nhiều chương trình để lính và gia đình vui một cái Tết đặc biệt tại hậu phương. Ngày ba mươi tháng chạp, trung đoàn xuất tiền hành quân công thêm tiền thưởng của tỉnh và trung đoàn, giao cho Ban 4 ra chợ Củ Chi mua sắm gà, vịt, heo, bò, bánh trái và rượu đế Bà Ðiểm làm tiệc tất niên. Lúc đó, đa số lính của Tiểu đoàn là người Trung, nên trong dịp Tết chỉ có một số nhỏ có gia đình tại Sài Gòn và vùng lân cận được phép miệng về thăm gia đình, còn hầu như là ở lại với đơn vị.


    Vì khỏi trực gác, nên lính tha hồ rong chơi khắp hàng quán, dù phố lỵ Củ Chi nhỏ xiú và buồn hiu, lưa thưa vài hàng quán và cái lồng chợ cũng bé bỏng khiêm nhượng. Cũng may, quận nằm trên Quốc Lộ 1, nên có rất nhiều xe đò xuôi ngược Sài Gòn-Trảng Bàng-Tây Ninh... cũng như ngã rẽ tới Bầu Trai, Hiệp Hòa, Ðức Huệ… Ðứng bên đường, nhìn trộm những người đẹp ngồi trên xe đang hối hả mua quà vật khi xe ngừng, hồn lính cũng cảm thấy phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà. Ở đây mùa Đông không lạnh lắm so với Phan Thiết nhưng gió nhiều nên cũng tái tê, se sắt. Bao nhiêu năm lính, lần đầu được vui một cái Tết thị thành cũng thấy an ủi phần nào.


    Nhưng Tết chưa tới, tiệc cũng còn đang sửa soạn, thì lệnh hành quân khẩn cấp từ Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn ban xuống. Quân báo và an ninh tiểu đoàn lái xe ruồng bố khắp nơi để gom lính, làm cho người Củ Chi ngạc nhiên tuá ra đường dòm ngó, như thể họ đang xem hát tuồng. Và rồi nửa giờ sau Tiểu Đoàn 1/43 lại lên đường, lính chỉ mang theo súng đạn và nước uống với nhiệm vụ giải toả Ấp Cây Bài vừa bị giặc lợi dụng lệnh hưu chiến, từ mật khu Hố Bò tràn vào chiếm Ấp và bắt đồng bào làm con tin đỡ đạn. Quân ra đi như bóng ma đói, ai cũng phờ phạc buồn rầu thấy rõ, đầu gục xuống, súng vác vai, bất kể đội hình kỹ luật, im lặng như hến. Thế là thêm năm nữa, tàn mộng Tết-Xuân.


    Bốn giờ rưởi chiều ba mươi Tết, Tiểu Đoàn 1/43 đã có mặt ngoài vòng đai Ấp, trong khi đó toàn bộ Trung Ðoàn đều tham dự cuộc hành quân này và các đơn vị đang dần xiết vòng vây. Súng nổ khắp bốn hướng giữa ta và địch, từ trong Ấp cho tới Làng Paris Tân Quy, Bến Cỏ, Phú Hòa, Ấp Nhà Việt... chỗ nào cũng có đụng lớn. Riêng TÐ 1/43 án ngữ ngay con đường Tỉnh lộ dẫn vào Ấp, đường đã bị cày xới tan nát.


    Ấp nằm trong tầm ngó nhưng mù mịt vì bom đạn lửa khói và rừng cao su ngút ngàn che phủ. Cánh đồng lúa ven làng đang bắt đầu ươm hạt, mùi thơm sữa lúa theo gió thoang thoảng khắp nơi, mũi mòng từng đàn đáp đậu trên da thịt, tha hồ xơi tái lính. Trong cảnh buồn rầu thê thiết, ai cũng thẩn thờ quên đau vì muỗi chích, khi nghĩ tới đồng bào vô tôi đang nằm giữa dao thớt chiến tranh, trong lúc khắp nơi mọi nhà đang rộn rịp náo nức đón Xuân về. Thời gian qua thật chậm, chiến trường vẫn sôi sục bom đạn. Còi thúc quân vang dậy dồn dập nhưng lính vẫn không tiến nổi vì các khẩu súng cộng đồng của giặc từ các cao điểm trong Ấp bắn chận dữ dội, khiến cho lính TĐ lần hồi rụng tã tơi như mấy cánh mai vàng trước gió xuân tơi tả, khi tiệc tất niên chưa kịp hưởng, đã vội về với đất lạnh, đời lính như vậy sao mà không buồn?


    Không thể làm gì hơn, nên Bộ Chỉ Huy hành quân đã xin Khu chiến thuật nhờ Không Quân can thiệp. Màn đêm hững hờ buông rèm gói trọn vạn vật, chỉ còn nghe tiếng L19 và Khu trục cơ Skyraider vần vũ dội bom bắn phá mục tiêu. Xa xa về hường Sài Gòn, trời sáng hồng trong đêm tối, giờ này thiên hạ đang vui say chè chén nhảy nhót và hạnh phúc, chắc không ai ngờ tới, tại một thôn xóm hẻo lánh nghèo nàn, có không biết bao nhiêu người, dân cũng như lính, địch lẫn ta đang lặn lội trong bom đan, chỉ mong được phép lạ để sống còn. Suốt đêm trừ tịch, máy bay liên tục dội bom, Ấp Cây Bài đắm chìm trong biển lửa, bên ngoài tiểu đoàn nằm chờ trời sáng. ai cũng đói lạnh nên nhiều người mặc kệ lăn kềnh trên đất ngáy khò, bất kể cái chết kề cận.


    Tờ mờ mồng một Tết quân vào Ấp trong nổi thê lương tận tuyệt, khắp nơi chỉ là cảnh chết từ người tới trâu bò heo chó. Giặc Cộng đã chém vè bằng các đường giao thông hào, bỏ lại nhiều tử thi lõa lồ bất động. Chiến tranh tàn nhẩn, oan nghiệt khiến suốt đời lính không quên được hình ảnh chết chóc của những người dân lành vô tội, giữa nhang đèn bánh mứt... chờ đón Xuân về.





    - CHUYẾN TÀU BA MƯƠI TẾT.


    Chiều hăm chín Tết năm 1977, trại “cải tạo” Huy Khiêm của tỉnh Thuận Hải rộn hẳn lên vì ngày mai cho tới mồng hai Tết, đoàn tù khổ sai của VNCH tạm nghĩ lao tác, được đổi khẩu phần Tết với đường, thịt heo, cơm trắng không độn và một bao thuốc có cán. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cái danh sách phóng thích tù nhân vào mỗi dịp Tết về, sẽ được “cán bộ” gọi trong buổi sinh hoạt hôm nay.


    Ðúng 1 giờ trưa chiều ba mươi Tết năm đó, trại có mười người được nhận giấy phóng thích về nguyên quán trình diện. Quỹ trại không có tiền cho tù nhân mua giấy xe đò xe lửa, nên ai lo mạng nấy bằng cách lội bộ, từ Huy Khiêm tới Ga Suối Kiết xa chừng 20 cây số. Tám giờ tối cả bọn tới nhà ga thì đã lỡ chuyến tàu chợ nên đành phải chờ chuyến tàu suốt Bắc-Nam, Nam Bắc vào lúc 11 giờ khuya cuối năm. Trong bọn chỉ có tôi về Phan Thiết, còn lại đều ở rất xa tận Sài Gòn, Nha Trang… Chia ly rồi sắp chia ly nữa, anh em chỉ đành ngậm ngùi trao gởi, hưa hẹn. Trong khoảnh khắc năm cũ sắp tàn, mọi nhà cài then đóng cửa đón mừng năm mới, thì chúng tôi cũng đang chờ phút giây thay đổi của đất trời.


    Ga Suối Kiết nằm cheo leo trong rừng lá, cạnh vách núi Ông cao ngất hùng vĩ, bao quanh vài chụp nếp nhà lá lụp xụp của các công nhân hỏa xa và dân làm gổ. Có lẽ hôm nay mọi người đã về quê ăn tết nên xóm nhỏ thật đìu hiu không có một chút sinh khí, chứng tỏ nàng xuân chưa ghé chốn này. Cũng may Suối Kiết là một ga lớn trên tuyến đường xe lửa Nam-Bắc nên tất cả các chuyến tàu chợ và suốt đều phải ngừng lại, dù khách có hay không.


    Về đêm, núi rừng càng buốt cóng lạnh căm. Bộ quần áo trận năm nào dù đã được đắp thêm chục mãnh vá, vẫn không ngăn nổi cái sắt se xa xót, như từ một cõi mộ địa, theo cái lạnh xâm chiếm tâm hồn những bóng ma đang lạc lõng trong đêm Xuân, không biết rồi sẽ về đâu, để kiếm chút hơi ấm của tình quê. Trong cái hiu hắt của đêm buồn, cũng đủ để mọi người nhìn rõ hình ảnh của sự cô đơn nơi ga lẽ, từ những thanh sắt han rĩ tróc sơn trước quầy bán vé, cho tới hàng ghế gổ mọt đầy vết bẩn. Tất cả bỗng dưng được trùng phùng một cách ngẫu nhiên với những người tù không bản án, những Quân, Công, Cán, Cảnh của VNCH “bại trận”, vừa được phóng thích trong đêm tết quạnh quẽ, buồn rầu. Phải vui lên một chút để mừng năm mới, thay vì mượn rượu phá thành sầu, cả bọn lại chụm đầu vào nhau, rít chung vài bi thuốc lào ăn Tết, trong khi bên ngoài gió núi lồng lộng thổi, tạt sương muối vào mặt mũi da thịt, khiến cho cơn lạnh đói càng thêm hành hạ mọi người.


    Hình như Giao Thừa sắp đến trong mông mênh cùng tận, như những năm nao, tôi lại âm thầm lâm râm cầu nguyện cho mẹ già, em gái, cho ngươi vợ trẻ, bạn bè, đồng đội, đồng bào… được may mắn an bình trong buổi hổn mang dâu bể. Hởi ơi giờ này không biết mẹ già em thơ, có còn như những ngày Xuân dấu ái trước năm 1975, Giao Thừa đi lễ chùa, xin xăm hái lộc, nhà có vui xuân đón tết hay gia đình cũng lại như tôi, tại sân ga nơi rừng núi thẳm tăm tối lạnh lẽo này, cô đơn, đói lạnh và nhục nhã trùng trùng.


    Kỹ niệm xưa từng mảng lại trôi bềnh bồng trên mắt, lén lút đẩn dắt đưa tôi về thuở hoa niên, khi những cánh hoa phượng đỏ ối nối hàng, dọc theo con đường Nguyễn Hoàng dẫn vào lớp học, đã bắt đầu rụng rơi lã tã giữa các trang lưu bút, trên từng rèm mắt ô môi, cũng là lúc bọn học trò nghĩ hè làm gã giang hồ lãng tử, trên những chuyến tàu hỏa chui Phan Thiết-Sài Gòn rồi Sài Gòn-Phan Thiết, đi hoài vẫn không thấy chán.


    Rồi những ngày dài chinh chiến, định mệnh lại đẩy đưa tôi về chốn cũ Long Khánh-Bình Tuy-Phan Thiết. Tuy tàu hỏa đã bị gián đọan nhưng suốt con đường sắt từ Mường Mán về Gia Ray, con đường mòn Võ Xu tới Suói Kiết, kể cả những suối rạch, bải đá ven sông La Ngà, đều là những lối lại qua quen thuộc, đã cùng tôi chắt chiu suốt đoan đường tuổi trẻ. Làm sao quên được những ngày dừng quân ở Văn Phong, Mường Mán? ngày ngày ngồi ngâm nga tách cà phê đen ngon tuyệt nơi quán lẽ ven sông, ngó nhìn các chuyền tàu xuôi ngược. Giờ đây cảnh xưa vẫn nguyên vẹn, riêng tôi thì ôm một tầng trời sầu thảm không đáy, lạc lõng trên quê hương hận thù với kiếp sống nào hơn loài cỏ cây.


    Cuối cùng rồi tàu cũng đến, chúng tôi chia tay trong nước mắt. Ai nấy hấp tấp lên tàu như kẻ trốn nợ trong đêm trừ tịch, giữa tiếng còi tàu lanh lãnh thét vang, phá tan cảnh tịch mịch của rừng núi âm u, nghe sao quá ảo nảo lạnh lùng.


    Chuyến tàu suốt Sài Gòn-Phan Thiết đêm nay ế ẩm, nhiều toa hành khách vắng ngắt lạnh tanh, không như ngày thường chen chân không lọt. Có lẽ mai là mồng một tết nguyên đán, nên ai cũng muốn ở nhà để xum họp với gia đình. Ðất trời buồn mênh mông quá, thêm gió thổi vi vút từ hai bìa rừng thả hơi lạnh khắp nơi, nhưng tôi vẫn muốn ngồi ngoài hành lang để được nhìn lại quang cảnh cũ Trong các toa tàu, đèn đóm tối om, dăm ba hành khách nằm dài trên ghế như đã ngũ tụ lâu rồi. Mặc kệ, tàu vẫn chạy xiết trên đường sắt như con thú điên, với hai ánh đèn pha phá tan màn đêm tăm tối. Hởi ơi cuộc đời sao oan nghiệt quá, trong lúc nhà nhà đang đầm ấm chờ đón chúa Xuân, thì tôi trong một tối ba mươi tết, buồn rầu nơi toa xe lửa lạnh lẽo này, yên lặng nép mình trong cô quạnh để đón một mùa Xuân vàng úa nữa, sắp rơi xuống bờ vai của cuộc đời.


    Trong giờ phút năm cũ sắp tàn, con tàu cũng hối hả lướt qua từng ga vắng Sông Dinh, Sông Phan,Suối Vận, Mường Mán rồi Phú Hội vừa đúng 12 giờ rưỡi sáng. Thế là năm mới đã qua và tôi cũng đã lở dịp nghiêng mình chào đón nàng xuân mới trên quê hương mình. Trên tàu ai nấy đều thức dậy, đang chuẩn bị xuống ga Phan Thiết. Tất cả đều xa lạ, hờ hững, buồn rầu, im lặng như bóng tối, không ai chúc nhau một lời ngắn ngủi dù là ngày Tết. Bổng đâu đấy nơi một thôn xóm nào đó, dọc theo con đường sắt vang lên mấy tràng pháo chuột, bóng sáng lập lòe như muốn đưổi theo con tàu, khiến cho hồn thêm buồn rầu thương tiếc. Nổi náo nức thầm kín vừa lóe lên, chợt tắt hẳn khi nghĩ đến thực tại não nùng.


    Bài hát cũ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông mấy chục năm về trước, nay sao vẫn nhớ như niềm nhớ về những cái Tết xa xưa nơi chiến địa:
    “Chốn biên thuỳ này Xuân tới chi, tình lính chiến khác chi bao người”.

              
    Trong những đêm tiền đồn hay các cuộc dừng quân bất chợt, được vui ké Tết với bản làng người Kpho ở Di Linh, người Thái tại Tùng Nghĩa, người Chàm vùng Tánh Linh hay người Mường tại Long Khánh... qua những cái Tết vui nhộn từ đầu thôn tới cuối ấp, khiến người lính trẻ xa nhà chạnh lòng để rơi nước mắt, khi “nhớ về những ngày Xuân cũ”, nhớ màu hoa Cúc hoa Mai, tết đến nở tròn như mắt môi em một thời tuổi học, tay anh đang ghì trên báng súng mà cứ ngỡ đang nắm chặt tay em khi hai đứa sóng bước vui Xuân trên các đường phố Phan Thành…


    Hỡi ôi, mấy chục năm về trước, tôi, người lính trẻ xa nhà vẫn đam mê chạy đuổi theo những giọt mưa Xuân giữa trời lửa loạn. Nay trong buổi Xuân về, người lính già nơi đất khách trong buổi hoàng hôn, vẫn cứ lội ngược thời gian để mong tìm dấu vết ngày thơ như còn giấu đâu đó nơi vòm trời đồng đội, và em, và những tết cuối cùng trong Quân ngũ, để ngẩn ngơ bàng hoàng xúc động như thể vừa bước chân lên con tàu về Quê hương của những Tết ấm yên hạnh phúc đầu đời.




    Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
    Xuân Đinh Dậu, 2017
    Hồ Ðinh
    KBC 4424, 3435, 4508

    https://hon-viet.co.uk/HoDinh_XuanChienDia.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21047
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Pháo Tết xưa

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Pháo Tết xưa
    ________________
    Đỗ Ngọc Trang




    Từ bốn ngàn năm xưa, Tết của ta bao giờ cũng có đốt pháo. Ca dao đã ghi rõ những nét đặc trưng của Tết Việt theo truyền thống:

              
    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, pháo nổ, bánh chưng xanh.

              


              

              


    Tết xưa tiếng pháo không thể thiếu. Tuy nhiên từ năm 1994, tục lệ đốt pháo đã bị “xì” bởi chính quyền cấm đốt pháo vì lý do an toàn. Dân nhớ pháo chẳng biết làm gì hơn ngoài buông lời cảm thán:

              
    Tết xưa pháo nổ trước hè
    Tết nay pháo nổ lên xe vô tù

              

    Khi đòi cái gì không được thì nói nẩy là “không thèm”, đó là khẩu khí của người sĩ diện hão, chẳng hạn như chàng ca sĩ Quang Lê. Anh ta hát ví von “Tết này anh không thèm đốt pháo, vì tiếng cười em, rộn rã lòng anh rồi”. (Bài ca Tết cho em). Nói gì thì nói, ngày tháng qua đi, lòng mọi người vẫn ấm ức không dễ quên tiếng pháo. Ngay vào đầu năm cấm đốt pháo, có bác vẫn mừng Tết bằng những tràng pháo nổ vang xóm. Công an phường hoảng hốt chạy tới rồi cũng đành nhập bọn với đám người đứng trước cửa nhà cười hô hố. Tưởng gì, hóa ra bác cho phát thanh băng cassette tiếng pháo nổ. Mới đây có “Hội những người mê đốt pháo ngày Tết”. Hội này đang hoạt động náo nhiệt trên Facebook. Hội viên thu tiếng pháo nổ vào thẻ USB, với âm thanh mp3, rồi cho nổ ở bất cứ chỗ nào họ muốn nghe cho đỡ ghiền. Có anh dùng tiếng pháo nổ làm nhạc hiệu cho cell phone. Dân ta vốn thích lập hội, bất cứ ai có một sáng kiến gì đó, dù vớ vẩn chăng nữa, cũng có thể lập ra một cái hội. Nhưng hội mê đốt pháo thì quá chí lý. Phải nói, từ trẻ nít đến cụ già, cả trai lẫn gái, ai chả mê đốt pháo ngày Tết.

              

              



    Tôi nhớ thủa tôi còn nhỏ ở Cầu Kè, Trà Vinh. Vào ngày Tết, nhóm “nít ranh” chúng tôi tụ năm tụ ba ở ngoài đường. Hễ nghe thấy tiếng pháo nổ ở nơi nào là chúng tôi chạy thục mạng tới chỗ đó, rồi đợi vừa lúc tràng pháo nổ hết là à-lát-sô nhào vô lượm pháo thối và pháo tịt ngòi. Ấy thế mà có tên vớ được quả pháo đại chưa nổ. Cả bọn vừa dành nhau, vừa la hét om sòm. Sau đó chúng tôi kéo nhau đến một góc phố, moi chiến lợi phẩm trong túi ra, sửa lại ngòi pháo, rồi đốt. Tôi nhớ có anh lớn biểu diễn cầm cái pháo bằng hai ngón tay cho nó nổ. Tiếng nổ vang trời, khói bay xanh lè, nhưng tay anh vẫn không sao. Tôi dại dột bắt chước làm như vậy cả mà bị sưng bàn tay. Sau này tôi tự khám phá ra cái mánh là phải cầm ở tận đít quả pháo thì pháo nổ trăm lần cũng chả hề hấn chi. Lại có mấy anh lớn ở xóm Đạo tụ nhau ngồi rình bên vỉa hè. Khi mấy cô từ nhà thờ ra về, đi ngang qua, mấy ảnh ném pháo ra đường khiến các cô vừa nhảy tưng tửng, vừa kêu Chúa oai oái. Các anh được dịp ôm bụng cười lăn lộn.


    Đừng tưởng dân đứng đắn không vui với pháo. Ở miền quê xưa có trò “bịt mắt đốt pháo”. Người ta treo một tràng pháo vào cái giá. Người dự thi đứng sau một lằn vạch. Người này được trao cho cây que trên đầu có cột cây nhang. Người này được vài phút nhìn kỹ địa thế để định vị trí tràng pháo rồi bị bịt mắt lại. Sau đó thí sinh nhớ lại vị trí tràng pháo để châm ngòi. Mỗi lần châm lửa hụt là dịp thiên hạ xung quanh phá lên cười và buông lời chọc quê. Trai thanh nữ tú, ông già bà cả, ai cũng có thể dự thi. Đôi khi hội Tết đã tàn mà cả làng không ai đốt được tràng pháo đố.



    Chẳng phải cứ nói “pháo” là xong chuyện, chúng có nhiều loại. Để cho dễ kể, tôi xin phân chúng làm hai hạng: hạng bình dân dành cho người nhát như thỏ đế và hang cao cấp dành cho dân chơi.


    Tôi xin mở đầu bản liệt kê pháo dành cho dân nhát gan bằng câu thơ của cụ Tú Xương:

              
    Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
    Loẹt lòe trên vách bức tranh gà.

              

    Pháo chuột là pháo gì vậy? Nó là loại pháo thân nhỏ xíu, rẻ tiền. Khi đốt lên nó khẽ nổ cái “đẹt” rồi xì khói ra ở “đít” đẩy pháo lủi đi như con chuột chí. Nó chạy tới đâu thì con nít né đường cho nó chạy rồi cười rú lên.


    Pháo Tép - nhỏ như con tép, rẻ tiền, tiếng nổ tí tách như tiếng con tép nhảy trong rổ. Nếu pháo to gấp hai thì gọi là pháo tôm. Các bà các cô khi canh nồi bánh chưng thường thảy vô bếp vài cái pháo tép hay pháo tôm cho nó nổ tí tách tung lửa hoa cho vui mắt, rồi cười sung sướng.


    Pháo Xiết - là cục diêm to như thỏi đường phèn. Xiết pháo trên sân gạch nó phát ra tiếng nổ lách tách.




    Sau đây là những pháo dành cho dân chơi, thường là đám thanh niên bạo gan, và cũng có chút rắn mắt.


    Pháo Lợn - cũng giống như pháo chuột nhưng to hơn. Khi đốt nó ré lên như tiếng heo đói đòi ăn, rồi phóng chạy. Các tay chơi thường để nó sát vánh tường rồi châm ngòi, phản lực của nó đủ mạnh khiến nó bò lên tường.


    Pháo Đùng - ngay cái tên cũng biết nó là quả pháo to. Pháo đùng, văn hoa gọi là pháo đại, thường là pháo lẻ. Nó nổ đùng một cái kinh thiên động địa rồi… hết. Cụ Nguyễn Khuyến có câu thơ:

              
    Dăm ba ngày nữa tin Xuân tới

    Pháo nổ nhà ai một tiếng đùng.

              

    Pháo Cối - pháo to, dĩ nhiên không to bằng cái cối, nhưng có thể to bằng cổ tay. Gọi là pháo cối vì nó được đặt ở trung tâm cuộn pháo khiến bánh pháo trông như cái cối xay. Cũng cần nói thêm, nếu dây pháo cuộn tròn thì gọi là bánh pháo. Nếu gỡ dài ra thì gọi là tràng pháo. Nếu gấp lại từng khúc thì gọi là băng pháo. Nếu pháo còn để nguyên trong bao gói thì gọi là phong pháo. Khi pháo cối nổ, âm thanh như tiếng sấm, đồng thời nó tung lên cao hằng trăm mẩu giấy đỏ như hoa đào bay trong gió, hình ảnh rất sống động.



    Pháo Đất - đây là loại pháo cổ, làm bằng đất, vốn là di tích truyền lại từ đời hai bà Trưng. Nguyên tắc của pháo là lấy đất nặn thành một cái nồi trống miệng. Pháo nâng lên cao rồi thảy xuống đất. Hơi nén trong nồi phá vỡ đáy nồi phát ra tiếng nổ. Hiện nay vùng Hải Dương vẫn còn duy trì tục lệ chơi pháo đất.


    Pháo Điện Tử - đây là tràng pháo giả không giống ai. Nó có hình dáng giống như pháo thật. Ngòi pháo cũng tóe lửa và cũng có tiếng nổ kèm theo, nhưng là lửa của bóng đèn chớp và âm thanh thu sẵn trong con chíp điện tử. Pháo điện tử có thể xài tới xài lui cho tới khi nào nhà bi cúp điện thì mới thôi.


    Tôi xin tạm chấm dứt bản liệt kê với một thứ pháo mà dân Kiến Tường không ai thích, đó là “pháo kích”.




    Sự Tích Pháo


    Tất cả các tục lệ bắt đầu từ thuở sơ khai bao giờ cũng gắn liền với một huyền thoại. Tục lệ đốt pháo cũng không ngoại lệ. Trong số những huyền thoại hơi khác nhau, sự tích Na-Á thường được nhắc đến nhiều hơn cả. Ngày xưa có cặp vợ chồng quỉ dữ, chồng là Na và vợ là Á. Hai quỉ này ẩn mình trong bóng tối vì chúng sợ ánh sáng và tiếng động. Vào dịp Tết khi các thiện thần bảo vệ dân gian về trời chầu ngọc hoàng, vợ chồng Na Á thừa dịp tung hoành gây tai họa cho mọi người. Vì vậy người ta bày ra cách đốt pháo để tạo lửa sáng và tạo tiếng nổ nhằm xua đuổi chúng đi.


    Tuy nhiên pháo ngày xưa không giống như bây giờ. Thuở ấy người ta chưa biết làm pháo bằng giấy. Người ta nhồi thuốc súng vào đốt tre để làm pháo, gọi là “bộc trúc” (pháo trúc). Sách “Kinh Sở tuế thời ký”, viết trong khoảng thế kỷ VI, ghi chép phong tục đất Lạc Việt có nói về pháo trúc và tục lệ treo bùa gỗ đào (đào phù) trên cây nêu, trong ngày tết. Di tích của tục lệ này còn lưu lại qua câu đối được truyền tụng đến ngày nay:

              
    Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế
    Đào phù vạn họ nhạ tân xuân

              

    Nghĩa là: pháo trúc nổ một tiếng xóa tan năm cũ. Có bùa đào vạn nhà đón xuân mới. (Người xưa tin gỗ đào có thể trừ quỉ. Họ lấy một cành đào làm bùa cột vào cây nêu. Sau này “bùa đào” thay đổi ý nghĩa để trở thành 2 câu đối Tết viết trên giấy màu đào dán ở cánh cửa).


    Theo dòng thời gian chuyện ma quỉ không còn ai tin nữa, nên việc đốt pháo trừ tà cũng mất ý nghĩa. Trái ngược lại, đốt pháo thời nay lại mang ý nghĩa vui mừng. Tiếng pháo Tết là âm thanh rộn rã của niềm hân hoan, và xác pháo màu đỏ là hình ảnh hồng phúc của năm mới. Tục đốt pháo đi xa hơn, trong các dịp vui như lễ cưới, lễ vinh qui bái tổ, tiệc thăng quan tiến chức, khai trương cửa hàng… người ta đều đốt pháo.


    Nhưng pháo cũng có mặt trái của nó chứ chẳng phải chỉ đơn thuần là niềm “vui như pháo nổ”. Cuộc đời thường có một số chàng nghe tiếng pháo thì lại rầu thúi ruột, vì đó là tiếng pháo ngày cưới của “con sáo sang sông, con sáo xổ lồng, con sáo bay xa”.


    Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn tâm sự:
              
    “Rồi chiều nao, xác pháo bên thềm tản mác bay. Em đi trong xác pháo, anh đi không ngước mắt, thôi đành em”
    (Tà áo xanh).

              
    Ý ông muốn nói “em ra đi, anh gục đầu không dám nhìn theo nhưng tim anh vỡ từng mảnh như xác pháo”. Buồn!


    Còn cô dâu Việt Nam nghe tiếng pháo nổ đón dâu thì bật khóc thành tiếng. Theo truyền thống Việt, cô càng khóc to bao nhiêu càng được thiên hạ khen là có hiếu bấy nhiêu.


    Trong văn chương, người ta cũng dùng hình ảnh của pháo để diễn tả tư tưởng. Nếu ai chẳng may gặp lúc thân tàn ma dại thì phải gọi là “tan như xác pháo”. Khi bị ai chơi xấu, mình trả đũa lại thì gọi là “phản pháo”. Trong quân đội có một ngành đặc biệt gọi là “Pháo Binh”. Đừng tưởng binh chủng này chuyên trị đốt pháo Tết, chạy tới coi, mà toi… (chữ này kiêng nói trong ngày Tết). Nếu nó chẳng nguy hiểm, thi sĩ Yên Thao đã chả phải có lời nhắn:

              
    Này người bạn Pháo Binh ơi
    Anh rót cho khéo nhé
    Kẻo lại nhầm nhà tôi…

              

    Bên Tàu có bộ pháo quyền, tên chữ là “Tam Hoàng Pháo Chùy”, nghĩa là bộ quyền đời Tam Hoàng Ngũ Đế. Tương truyền bộ quyền này do phái Nga My sáng tạo. Quyền gồm những cú đấm nặng như quả chùy và phóng ra ào ào như pháo nổ. Quả là lối chơi chữ vì “pháo” ở đây không còn nghĩa là cái pháo.


    Nói đúng ra, pháo Tết là nét đẹp của nền văn hóa Việt. Pháo đẹp từ tiếng pháo đến xác pháo. Pháo vừa mang ý nghĩa linh thiêng, vừa là một nối kết xã hội, vừa là một truyền thống dân tộc. Ở trong nước cấm đốt pháo, nhưng ở đất Mỹ, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt, nơi đó đều có đốt pháo Tết. Chính quyền địa phương dành một khu riêng, thường là khu khố buôn bán, để mọi người tự do đốt pháo. Con tôi lớn lên ở Mỹ. Từ khi cháu còn nhỏ không có năm nào cháu không đi đốt pháo mừng Tết, cho tới khi cháu tốt nghiệp trung học mới thôi. Thế là pháo Tết của văn hóa Việt vẫn còn được bảo toàn nơi hải ngoại.


    Tuy nhiên đốt pháo tại một địa điểm tập trung như vậy chỉ là một hình ảnh tượng trưng. Xác pháo không rải trên sân của từng nhà trong tận cùng thôn xóm. Tôi nhớ ngày xưa khi tôi còn rất nhỏ, vào ngày mùng một Tết, ông nội tôi trân trọng treo một tràng pháo ngoài sân. Mẹ tôi núp trong hiên nhà. Pháo chưa đốt mà mẹ đã bịt kín hai tai. Trong ánh bình minh của ngày đầu năm, khói pháo và mùi thuốc pháo quyện vào ánh nắng mơ hồ trên không. Trông mới đẹp làm sao. Hình ảnh pháo Tết xưa đã xa rồi, xa đến nỗi tôi không còn thể nào đến đó được nữa.

              
    Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ ?
    (Vũ Đình Liên)

              




    Đỗ Ngọc Trang
    https://hon-viet.co.uk/DoNgocTrang_PhaoTetXua.htm
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5455
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Ất Tỵ ...

Bài viết bởi Bạch Vân »

          

Thái Thanh - Đón Xuân




Nhạc và lời: Phạm Đình Chương

Xuân đã đến rồi,
reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh,
muôn loài chim hát vang mọi nơi
Đem trong tiếng cười,
cho kiếp người tình thương đắm đuối
Ánh Xuân đem vui với đời

Kìa trong vạt nắng
Mạch Xuân tràn dâng
Khóm hoa nhẹ rung,
môi cười thẹn thùng
cùng bao nguồn sáng

Bướm say duyên lành
Thắm tô trời Xuân
Bầy chim tung cánh
Hát vui đón mừng mùa nắng tươi lan.

Ta gió về lòng thiết tha,
như muôn tiếng đàn
Xuân dâng niềm vui,
cho ngày xanh không hoen lời than
Sầu thương xóa mờ
Tình yêu đời càng thêm chan chứa
Khát khao Xuân tươi thái hòa.

Cùng đón chúa Xuân,
Đang giáng xuống trần
Thế gian lắng nghe tình Xuân nồng
Kiếp hoa hết phay đời hương phấn

Nào ai hững hờ
Xuân vẫn ngóng chờ
Tới đây nắm tay cùng ca múa
Hát lên đón Xuân của tuổi thơ...


          
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3754
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Ất Tỵ ...

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Thân chúc Bạch Vân, chị Ngô, Ty, Vi, anh Hoàng Vân, anh Ngọc Hân, anh Thiên Hùng và toàn thể nhà Nam Năm Mới Ất Tỵ 2025 An Khang Thịnh Vượng.

Hình ảnh
t.
Bài viết: 1207
Ngày tham gia: Thứ bảy 08/12/18 06:03

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Ất Tỵ ...

Bài viết bởi t. »

:flwrhrts: :flower: :kssflwr:

chào nguyên xuân của Bùi Giáng có ngữ ngôn như rượu ngọc khiến độc giả chếnh choáng những chén thơ đầy ắp ý tình.

bài thơ kể về những con người, khi rong chơi nơi phố thị, đã không ngần ngại chào nhau giữa con đường, giữa làn môi, giữa bụi đầy... họ chào nhau để siết chặt những cựa mình lao xao của tóc xanh phai màu, của bóng ta bên người, của bạc mình xin kham, của hồng tàn lệ khóc, và đất trích chiêm bao. những trầm tích cuộc đời ấy đã kết gắn loài người với nhau, nên, khi chạm vào khoảnh khắc ly biệt, họ vẫn hẹn hò trùng ngộ ngày sau.

mỗi thi tứ Bùi Giáng viết ra vừa sâu xa, vừa minh triết khiến người đọc cứ mê mẩn quyến luyến hồn thơ …

như, “chào nhau một bận vẫn còn nhớ nhau", nghe ra thoáng chút bùi ngùi.

như, “thưa rằng: ly biệt mai sau. là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân”, tựa kẻ gieo mộng: mang dòng chảy chiêm vọng vào cảnh biệt ly.

như, “mùa Xuân phía trước miên trường phía sau”, là ánh lân tinh sáng rực cốt cách lạ thường của một mùa Xuân: chan hòa quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.


nguyên xuân của Bùi Giáng là chiều dài vô tận, là dòng bất tuyệt xanh ngần, là siêu hình trong bóng nguyệt của mùa Xuân. vài thế kỷ sau, nguyên màu xuân ấy vẫn hữu hình trong lòng khách tao nhân.


*
chào nguyên xuân
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
.
- bùi giáng.
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21047
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Xuân .. Xuân .. Xuân .. Ất Tỵ ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »





:flwrhrts: :flwrhrts: :flwrhrts:
:flower: :flower: :flower:
:huggroup: :huggroup: :huggroup:
:dancing3: :dancing3: :dancing3:





Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21047
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

THƠ ĐẦU NĂM

Bài viết bởi Hoàng Vân »






THƠ ĐẦU NĂM
_______________________
Bùi Chí Vinh



Năm mới ai cũng mong điềm lành
Ta ngược lại chờ những gì xấu nhất
Qua một vòng đời thập tử nhất sinh
Tự xét thấy chẳng có gì để mất

Ta đã sống đối đầu cùng cái ác
Suốt bấy nhiêu năm từ lúc mới chào đời
Những triều đại trôi qua như cỏ rác
Vua chúa chết chìm không chút tăm hơi

Ta đã từng phen bẻ nạng chống trời
Xem lũ bán nước, lũ quan tham là giặc
Ta từng làm thơ ghẹo thế gian chơi
Sá gì lẻ tẻ bọn ngoại xâm phương Bắc

Ta đã sống chẳng có gì để mất
Mất mạng cũng không sao, miễn đừng mất chất người
Hễ còn thở là thơ còn kiếm sắc
Chém phủ đầu mọi lý luận tanh hôi…




BCV


giữa Vinh Râu và Đỗ Trung Quân


https://www.facebook.com/buichi.vinh.3/ ... xUwT2PWyl?
          
Trả lời

Quay về “Chuyên đề”