Có những mùa Xuân…
________________________________ Phan Công Tôn
Khi nói hoặc nhắc đến mùa Xuân người ta liên tưởng ngay đến một mùa được nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ nhất trong năm. Biết bao Văn sĩ, Thi sĩ, Nhạc sĩ đã không tiếc lời ca tụng mùa Xuân, đã đưa mùa Xuân lồng vào tác phẩm của mình với những hình ảnh đẹp nhất, biểu tượng cho yêu thương, hạnh phúc và rải rác đó đây với những nét chấm phá của hoa, của bướm, của nắng Xuân vàng!
Qua chuỗi thời gian dằng dặc của đời sống, cũng giống như mọi người, tôi đã sống, đã kinh qua những mùa Xuân trong đó có những mùa Xuân - dù không cố ý tô đậm nét - vẫn in dấu hằn nổi bật mỗi khi nhớ đến, mỗi khi nói về. Những mùa Xuân đáng ghi nhớ này không hoàn toàn tràn đầy hoa bướm, không hoàn toàn tràn đầy hạnh phúc, không hoàn toàn tràn đầy yêu thương mà ngược lại, có những mùa Xuân đánh dấu chia xa, khổ cực nhục nhằn, hơn thế nữa, có những mùa Xuân ngập ngụa trong tang thương với đầy máu và nước mắt …
Mùa Xuân xa nhà đầu tiên:
Tôi đi vào Quân đội năm chưa tròn 20 và rất thấm thía với mùa Xuân và cái Tết đầu tiên phải xa nhà. Giã từ Đà Lạt, thành phố đã ươm cho tôi trọn mộng mơ của tuổi học trò và trải đầy kỷ niệm của thời thơ ấu, nơi đó còn cha mẹ và các em thơ với tình gia đình thiết tha gắn bó, nơi đó còn biết bao bạn bè thân thương đã vun lên trong tôi những kỷ niệm ngút ngàn…Chỉ mới hơn 4 tháng thưởng thức những lạ lẫm của đời lính, chưa kịp làm quen với đời sống gắt gao và đầy kỷ luật của Quân trường, chưa kịp làm quen với “mùi lính” qua các Quân trang, Quân dụng được cấp phát, chưa thể tách bạch trong bản thân mình giữa “cái tôi” của một cậu học trò và “cái tôi” của một người lính mới tò te… tôi bị rơi vào một cái Tết xa nhà!
Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đêm giao thừa năm 1960, ngồi ôm súng gác tại chòi gác gần cổng số 8 trên đồi Tăng Nhơn Phú (Trường Thủ Đức). Tôi nhớ cha mẹ, nhớ các em, với biết bao kỷ niệm êm đềm cuồn cuộn hiện về… Không có tôi ở nhà, ai sẽ đưa các em đi chơi chợ Tết? Ai sẽ thay tôi dọn dẹp, trang trí bàn thờ Tổ tiên và đánh bóng bộ lư đồng năm nay? Ai sẽ thay tôi ngồi châm nước và đun củi vào bếp lò để nấu nồi bánh tét vào đêm 29, 30 Tết? Tôi nhớ đến chị Phin (Josephine), chị của thằng bạn thân Roland, người tôi thường viết thư tâm sự; tôi nhớ đến Yvonne, cô bạn gái người Pháp thuở còn học ở Petit Lycée với hai thằng em trai Christien và Philip, tụi nó rất thương và quấn quít tôi và tôi cũng thương tụi nó như thương các em ruột của mình. Nhớ đến những lần “cả đám” cùng đi xem phim ở rạp Eden, rạp Langbian hoặc Cinéma d’Annam ở đường Hàm Nghi. Nhớ những dịp cùng đi ăn kem hoặc đi ăn quà vặt, những lần đi Pedal’eau trên hồ Xuân Hương.
Ôi! Cả vùng trời kỷ niệm của cảnh vật, của con người nơi Thành phố quê tôi cuồn cuộn hiện về… Không biết từ lúc nào, tiếng hát buồn não nuột của bài “Phiên gác đêm Xuân”, một bài hát thịnh hành vào thời điểm đó, đang rên rỉ trong tôi…
“Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào Xuân đến súng xa vang rền”….
… “Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
Mơ về bên mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày Xuân
Cùng hương khói vương niềm thương”…
Tự dưng nước mắt tôi tuôn tràn, tôi khóc thật mùi mẫn. Nếu không có các vị Sĩ quan đốc canh lâu lâu đến kiểm soát chắc tôi vẫn khóc triền miên trong suốt 2 giờ thượng phiên. Tôi vẫn nhớ mãi nhớ hoài những dòng nước mắt cho cái Tết và mùa Xuân đầu tiên phải xa nhà, xa tất cả mọi người thân yêu và cả vùng trời ắp đầy kỷ niệm …
Mùa Xuân tang tóc trong chinh chiến:
Đi vào Quân đội, tình nguyện gia nhập Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến - một trong những đơn vị Tổng trừ bị của Quân đội - được điều động đến những chiến trường sôi bỏng nhất của khắp 4 Vùng Chiến thuật. Bốn Vùng chiến thuật ở đây, đúng nghĩa của 4 vùng phân theo Địa lý và lãnh thổ, chứ không phải dùng chữ “4 Vùng chiến thuật” như một cường điệu hay cho hợp với thuật ngữ thời thượng! Cuộc chiến ngày càng tăng cường độ cho nên vào các dịp Lễ, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, các đơn vị đều ngưng cấp giấy phép thường niên, các đơn vị tác chiến vẫn trong tư thế ứng chiến, ngay cả các đơn vị Hành chánh hay Yểm trợ cũng phải cấm trại một trăm em ơi… Mặc dù cả phe ta và phe địch vẫn thỏa thuận hưu chiến, nhưng biết bao lần địch đã vi phạm lệnh hưu chiến. Những lần vi phạm lệnh hưu chiến trắng trợn nhất, dã man nhất và đồng khắp nhất là dịp hưu chiến Tết Mậu Thân 1968…
Đơn vị tôi tạm nghỉ quân trong vùng Cai Lậy sau một cuộc hành quân trong vùng này, với chiến thắng và hơn 200 vũ khí các loại của địch bị Tiểu đoàn tôi tịch thu. Để trả thù và gây yếu tố bất ngờ, 1 Trung đoàn địch tấn công vào đơn vị tôi từ nửa đêm đến khi trời ửng sáng đúng vào đêm dân trong làng cúng đưa ông Táo về Trời (23 tháng chạp trước Tết Mậu Thân). Tôi bị thương vì mãnh B40 vào lưng và đùi và được đưa về bệnh viện Mỹ Tho trong ngày hôm đó. Ba hôm sau tôi và một số thương binh của đơn vị được chuyển về Bệnh viện TQLC ở Thị Nghè. Hôm 28 Tết, tôi trình bày với Bác sĩ Chỉ huy trưởng BV và xin được về Đà Lạt thăm nhà vì từ ngày nhập ngũ đến lúc đó, tôi chưa hề được về thăm nhà trong dịp Tết. Vì tôi đang trong tình trạng bất khiển dụng nên các vị Bác sĩ ở BV cũng đồng ý cho tôi về thăm nhà. Thế là tôi khập khiễng chống gậy “Về nhà ăn Tết “… Đúng là số con rệp, được về thăm quê trong cái Tết ác ôn này. Cũng giống như các Tỉnh lỵ và Thành phố khác trên toàn quốc, Đà Lạt cũng bị Việt Cộng tấn công. Theo lệnh của Tiểu Khu Tuyên Đức, tôi phải chống gậy khập khiễng đi trình diện và được phân công chỉ huy “Một đạo quân” làm các chốt an ninh trong Thành phố và các vùng phụ cận. “Đạo quân” này gồm một số Quân nhân của hằm bà lằng Quân binh chủng và một số Quân nhân đi phép đặc biệt với hằm bà lằng lý do như quan hôn tang tế và một vài Quân nhân trong tình trạng như tôi: đang nằm Bệnh viện ở các nơi khác được “dzọt” về thăm nhà…
Sau hơn 1 tuần, khi tình hình an ninh và trật tự của thị xã Đà Lạt được tạm ổn và khi phi trường Quân sự Cam Ly được tái lập đường bay, tôi “xoay xở” được 1 chỗ trong ngày đầu tiên có chuyến bay để về Sài Gòn… tái nhập viện. Khoảng 10 hôm sau, vì nhu cầu hành quân, tôi được xuất viện và bay ra Huế. Tôi được trở về đơn vị để tham gia các trận đánh cuối cùng để tái chiếm Thành Nội Huế. Sau 28 ngày đêm chiến đấu, giành giựt từng con đường, từng căn nhà từ vùng Mang Cá, xuyên qua vùng Tây Lộc, qua cửa Nhà Đồ cho đến cửa Ngọ Môn… Việt Cộng bị đánh bật ra khỏi Thành Nội, ra khỏi Huế nhưng trước khi rút chạy chúng đã giết hàng ngàn người dân vô tội của Cố Đô và vùi dập thân xác họ dưới các mồ chôn tập thể. Huế Mậu Thân với đổ nát, điêu tàn, với sục sôi căm thù, với khói, với lửa, với máu và nước mắt…
Mùa Xuân đầu tiên trong lao tù Việt cộng:
Khi Cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris và cưởng chiếm Miền Nam vào cuối tháng 4/1975, các thành phần Quân, Cán, Chính được lùa vào các trại “cải tạo” qua cái thông cáo… “Mang theo đồ cá nhân đủ dùng trong 1 tháng…” Mấy tháng đầu tôi bị nhốt ở trại Long Giao, Long Khánh, hầu hết phe ta bị phù thủng vì “được” ăn gạo mục được đưa về từ các chiến khu của Việt Cộng. Sau đó tôi được chuyển về khu K2, trại Suối Máu, Biên Hòa; đây là “Trại giam Tù binh Phiến cộng” trước tháng 4/1975. Về đây được thưởng thức trọn vẹn cái “đổi đời” về thực tế và tâm lý: chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xây trại này để nhốt tù binh Phiến cộng, bây giờ Việt Cộng dùng trại này để nhốt “ngụy quân”…
Tôi được thưởng thức cái Tết đầu tiên trong lao tù tại trại Suối Máu này. Thoát được cái phù thủng ở Long Giao thấy hơi mừng trong bụng, ai dè khi tới Suối Máu phải đương đầu với kiết lỵ đang hoành hành tại đây. Khoảng 70% tù ở K2 bị kiết lỵ, nhiều người đã bị chết, nhiều người được “Chuyển đi viện” nhưng không biết số phận ra sao. Thời gian mấy tháng còn ở trong Nam, tù không phải lao động nhiều; lâu lâu mới phải ra đồng trồng sắn hoặc lao động vớ vẩn. Phe ta khoái đi ra đồng lắm vì mỗi lần đi lao động như vậy mới có dịp “gặp” “mấy chị vợ ngụy”. Mà các bà “đánh hơi” cũng hay thật, cứ giả dạng “Thường dân Nam bộ” lảng vảng trong vùng phe ta có thể ra lao động, mặc dù các bà có cải trang cách mấy, như mặc đồ bộ, đồ bà ba, thậm chí “diện” cả bộ đồ bần cố nông vào nhưng cái “air” của mấy bà vẫn là cái “air” của mấy bà vợ “ngụy”! Có vài người trong phe ta, may mắn “gặp” được thân nhân, cách nhau khoảng năm mười thước, chỉ còn cách duy nhất là “Đá lông nheo” một cái cho đỡ nhớ nhung. Và chỉ có thế!
Trong thời gian này ở K2 có một nhân vật khá đặc biệt làm cho tôi nhớ mãi, anh ta tên Thông, anh này là một anh khùng, khùng thật chứ không phải thuộc loại Tôn Tẩn giả điên! Trong ngày 30 tháng 4/1975, Thông lượm được một cái áo nhà binh trên xa lộ, gần Thủ Đức, (Ngày đó quần áo trận phe ta bỏ đầy đường) anh ta ngang nhiên bận và đi lang thang về Sài Gòn. Ngày hôm sau, Thông bị bắt với tội danh “Sĩ quan ngụy” và sau này được chuyển lên trại K2 Suối Máu. Dòm “bộ gió” của anh ta, biết ngay là một thằng khùng, nhưng chủ trương của Việt Cộng là “Bắt lầm còn hơn tha lầm” cho nên Thông bị ghép vào tội Sĩ quan “ngụy” và bị nhốt chung với các Sĩ quan “ngụy”. Tôi (Và chắc chắn những người ở K2 lúc bấy giờ) không thể quên anh Thông khùng này vì anh ta cứ lảng vảng tại khu nhà bếp, tình nguyện phụ giúp làm mọi việc như chẻ củi, xách nước từ giếng đưa vào nhà bếp, quét dọn và chùi mấy cái chảo đụn trong nhà bếp v.v..Các “anh nuôi” thấy tội nghiệp nên “bồi dưỡng” cho Thông vài miếng cơm cháy mỗi ngày. Tuy nhiên Thông vẫn còn quá đói và anh ta thường lượm các loại rau cải nhà bếp vứt đi để ăn thêm, dĩ nhiên là ăn sống, ăn xong ra giếng lấy gàu kéo nước lên uống tỉnh bơ. Trong trại mọi người đều uống nước sôi và ăn chín mà vẫn bị kiết lỵ dài dài, còn Thông cứ ăn uống thoải mái như vậy mà không bị bệnh gì cả. Mọi người đặt cho anh ta cái tên mới: “thằng Thông Vô Kỵ”…
Suốt đời, tôi không thể nào quên được cái Tết đầu tiên trong lao tù Cộng sản! Chưa đầy một năm kể từ ngày miền Nam sụp đổ, tôi vẫn chưa thoát khỏi tâm trạng bàng hoàng, những khổ đau và nhục nhằn đang dày xéo và ám ảnh mãnh liệt. Tôi cứ nhớ và nghĩ về gia đình và bà con thân thuộc. Bây giờ cha mẹ và các em tôi ra sao? Gia đình tôi có 4 anh em là Sĩ quan, cuối tháng 4/75 tôi gặp được 2 em và đưa các em ra xe đò về Đà Lạt vào những ngày đầu của tháng 5; còn một người em thứ ba, đơn vị đóng ở miền Trung nên không có tin tức, không biết sống chết thế nào?
Lại thêm một cái Tết và một mùa Xuân xa quê hương và xa gia đình, khác với những mùa Xuân xưa, dù xa quê và nhớ nhà nhưng tôi vẫn được an ủi và tự hào vì mình đang làm nhiệm vụ của một người lính: bảo vệ Tự do, bảo vệ Đất nước.
Nhưng lần này, mọi thứ đều xoay chiều, mọi thứ đều sụp đổ; thân phận của mình, của gia đình mình, của đất nước mình đang bị rơi vào hoàn cảnh bi đát, buồn tủi, nhục nhằn một đời không thể nguôi ngoai…
Một điều rất lạ lùng mà tôi không hiểu được, khác với bản tánh cố hữu của tôi, con người nặng về tình cảm và dễ bị xúc động; bị rơi vào một cái Tết xa nhà, mất mát đến như vậy, khổ đau đến như vậy, nhục nhằn đến như vậy mà tôi không khóc được! Những tố chất vật lý để tạo thành nước mắt trong cơ thể tôi chắc đã đông đặc, đã biến thành thể rắn để làm cho tôi nhức nhối, đau đớn, xót xa trong chất ngất buồn tủi và đầy ắp hận thù…
Mùa Xuân ly hương nơi đất khách:
Sau hơn 9 cái Tết và mùa Xuân “nằm ấp” tôi được tha về vào trước dịp Tết 1985. Năm cuối cùng tôi được chuyển vào Nam sau những năm lao động khổ sai ở Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Thanh Hóa… và được tha ra từ trại Gia Rai, Long Khánh. Nhờ có anh chị nuôi tôi “xoay xở” nên địa chỉ trong hồ sơ “cải tạo” của tôi được thay đổi, thay vì phải về Đà Lạt, tôi được tạm trú ở Thị Nghè, Gia Định với gia đình ba má nuôi. Tôi phải chấp nhận hy sinh về phần tình cảm của mình để thực hiện cho được điều này: chấp nhận sống xa cha mẹ và các em ở Đà Lạt để được tạm trú tại Sài Gòn, vì từ đây mới có nhiều “đường binh” để vượt biên…
Thành ra, vào 2 dịp Tết 1985 và 1986 tôi chỉ được về thăm nhà có mấy ngày, tôi đâu dám khai báo là gia đình tôi đang ở Đà Lạt và tôi đã “điếu đóm” với tên Công an khu vực vùng tôi tạm trú để được “Đi thăm bà con” trong 2 dịp Tết đó. Gặp lại cha mẹ và các em là điều sung sướng nhất như hằng ấp ủ và ước mơ trong những năm tháng lưu đày trên đất Bắc, tuy nhiên niềm vui không trọn vẹn vì người em thứ ba của tôi đã bị bọn Fulro thảm sát cùng vợ và đứa con gái tại một vùng quê ở La Ba, gần Đà Lạt.
Tôi về thăm nhà vào 2 dịp này chỉ đáp ứng được phần nào nỗi nhớ thương chất chứa trong lòng, nhưng nhìn chung với thân phận một “ngụy quân” như tôi, với thân phận “Gia đình ngụy” như gia đình tôi và cả miền-Nam-”chạy-theo-Đế-quốc-Mỹ bị thua trận” sao nghe toàn cay đắng, não nề. Tất cả đều đang xuống dốc, đang cúi đầu, đang đi vào vùng tăm tối… Lần sau cùng về thăm quê hương Đà Lạt, hình ảnh làm cho tôi thấy mất mát nhất là hồ Xuân Hương lúc bấy giờ đang khô cả nước, một con đường đất được đắp lên, chạy ngang hồ từ nhà Thủy tạ và nối sang bờ đối diện. Đà Lạt đẹp phần lớn nhờ vào cái hồ này, nhưng khi tôi về, còn đâu mặt hồ soi bóng những hàng thông, còn đâu mặt hồ soi bóng Nhà thờ Con gà, còn đâu mặt hồ soi bóng cái tháp của trường Yersin… Hồ Xuân Hương lần đó đã làm tôi buồn và thất vọng, tôi bị ám ảnh bởi cái hồ xinh đẹp và đầy kỷ niệm kia qua hình ảnh một người con gái có nét mặt đẹp tuyệt vời đang bị một nhát mã tấu chém phập ngang mặt. Nhát mã tấu này đang chém vào quê hương Đà Lạt của tôi. Nhát mã tấu này đang chém vào cả quê hương Việt Nam của tôi…
Hình ảnh đau buồn của quê hương Đà Lạt, của quê hương Việt Nam đã theo tôi trên đường vượt thoát …
Trong khoảng 2 năm nương náu và sống lây lất với gia đình ba má và anh chị nuôi với biết bao phập phồng, trông chờ sự gia hạn của tờ “giấy tạm trú” từng 3 tháng một. Tôi đã vượt biên tất cả 4 lần, 3 lần đầu bị “bể” và may mắn đã đến vào chuyến vượt biên lần thứ tư từ Rạch Giá vào tháng giêng năm 1987!
Tôi được hưởng cái Tết và mùa Xuân năm 1987 tại trại Phanat Nikhom, Chonburi, Thái Lan (Khoảng 30 dặm phía Nam Bangkok). Thời gian đó, trại này có khoảng 16 ngàn người Việt tỵ nạn còn kẹt lại. Trại dưới quyền sinh sát của “Anh Chô”, một Trại Trưởng thuộc Bộ Nội Vụ Thái Lan. Anh Chô đã dùng loại kỷ luật sắt để điều hành, đặc biệt là dùng “lực lượng Aran” làm trật tự nên toàn trại lúc nào cũng trong tình trạng lo âu, không biết sẽ bị hành hạ, đánh đập hay nhốt xà lim bất cứ lúc nào! “Lực lượng Aran” gồm khoảng hơn 100 người, họ là những anh Bộ Đội Việt Nam, phần lớn vượt biên bằng đường bộ qua ngã Kampuchia. Lúc đầu họ ở các trại ở Aran, một tỉnh phía Nam Thái Lan, về sau được chuyển về trại Phanat Nikhom. Lý lịch của họ dĩ nhiên không thể nào phối kiểm được: họ là thường dân phải đi Nghĩa vụ Quân sự, phải qua chiến đấu ở Kampuchia, chán nản, đào ngũ rồi vượt biên? Hoặc họ là những cán bộ Việt cộng được gài vào các thành phần này để hoạt động ở hải ngoại? “Lực lượng Aran “ đã ở trại này khá lâu, có nhiều người đã ở đây cả 6,7 năm, dĩ nhiên không thể nào “đậu” được qua các kỳ phỏng vấn và thanh lọc. Anh Chô xử dụng “Lực lượng Aran” này như những “Đội xung kích”, những “Đội hành động” đi lùng sục, uy hiếp, bắt bớ, đánh đập bất cứ ai vi phạm kỷ luật trại hoặc có những hành vi xấu. Vì vậy toàn trại lúc nào cũng lên cơn sốt, lúc nào cũng lo sợ phập phòng; bù lại tình trạng trật tự và an ninh của trại được coi là ổn định và đi vào khuôn phép… Vì số người tị nạn còn đọng lại quá đông nên mọi người phải nằm dưới sàn xi măng trong các lán trại, thức ăn và nước uống, nước tắm giặt được phát mỗi ngày theo tiêu chuẩn. Dù sao so với các trại cải tạo ở Việt Nam thì đây vẫn là một Thiên đàng vì được ăn cơm có rau, có cá, có thịt và nhất là mỗi ngày khỏi phải lao động khổ sai!
Phần tôi dù đang buồn vì phải xa cha mẹ, xa các em và nghĩ rằng không bao giờ có thể gặp lại các người thân, nhưng điều an ủi lớn nhất là tôi đã đặt chân đến đầu cầu của Tự do, niềm ước mơ đã từng ôm ấp trong những năm tháng đọa đày trong lao tù Cộng sản! Và tôi càng nôn nao hơn với tràn ngập niềm vui vì người tôi thương và người thương tôi đang vẫy gọi, đón chờ từ bên kia bờ Thái Bình…
Vào dịp trước Tết 1987 tôi được gọi phỏng vấn lần đầu tiên và qua lần phỏng vấn này tôi được mời làm Thông dịch viên cho phái đoàn. Trong trại lúc bấy giờ có hơn 100 người Việt tị nạn được chọn ra làm việc (Thông dịch viên hoặc Nhân viên văn phòng hay Thư ký v.v..) cho 2 tổ chức: Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn do Thái Lan điều hành và Văn phòng Điều hành người tỵ nạn do phái đoàn Mỹ phụ trách, tôi làm Thông dịch viên cho phái đoàn Mỹ. Sau khoảng 2 tháng làm việc cho phái đoàn Mỹ, tôi là một trong 4 Thông dịch viên được chọn làm “Out-of-Camp Interpreter” để làm việc với Phái đoàn Sở Di trú Hoa Kỳ. Chúng tôi rời trại Phanat và được đưa lên Bangkok để làm việc cho Chương trình Tỵ nạn do tòa Đại sứ Mỹ tại Bangkok phụ trách. Chúng tôi thoát khỏi cảnh nằm đất ở trại và được sống với các viên chức sở Di trú Mỹ tại Hotel ở Bangkok. Ngoài công việc văn phòng tại Bangkok, chúng tôi phải theo phái đoàn Sở Di trú Mỹ đi về các tỉnh ở miền Nam Thái Lan để phỏng vấn người Việt tỵ nạn tại các trại như Dong Creg, Platform I, Platform II v.v.. Sau mỗi lần đi phỏng vấn ở miền Nam xong, lại trở về Bangkok vào làm việc ở Văn phòng. Bốn Thông dịch viên chúng tôi được trả lương bằng tiền Thái, mỗi người mỗi tháng đổi ra khoảng 220 hoặc 230 đô la gọi là tiền dằn túi, thôi thì như thế cũng ấm lòng… tỵ nạn trong mùa Xuân ly hương! Ở trại Phanat, người tịỵnạn sau khi được phái đoàn Mỹ nhận, mọi người bắt buộc phải qua Phi Luật Tân học Anh văn khoảng 6 tháng trước khi vào Mỹ. Riêng bốn “Out-of-Camp Interpreters” chúng tôi được coi như “Qualified”, khỏi phải qua Phi học Anh văn, tiếp tục ở lại làm việc cho phái đoàn Mỹ ở Thái Lan và chúng tôi từ Bangkok được bay thẳng sang Mỹ vào tháng 8/1987.
Kể từ năm 1987 ở Thái Lan, đánh dấu cho cái Tết và mùa Xuân ly hương đầu tiên từ sau tháng 4/1975; tiếp nối là những cái Tết và mùa Xuân ly hương trên xứ tạm dung này. Cứ mỗi lần Tết đến Xuân về lòng tôi vẫn quặn thắt, đặc biệt mỗi năm lúc dâng hương lên bàn thờ gia tiên trong đêm Giao thừa, lúc nào cũng vậy, tâm tư ngập tràn xúc động và tôi không thể nào ngăn được dòng nước mắt.
Tôi, cũng giống như hầu hết mọi người Việt tạm dung trên đất nước này, chúng ta chỉ còn một giấc mơ duy nhất: mơ được thấy những cái Tết và mùa Xuân thật sự sẽ về trên quê mẹ Việt Nam để mọi người dân Việt được thoát khỏi ách thống trị của bọn Cộng sản tàn ác, độc tài; được sống trong Tự do, Dân chủ thật sự; được có những mùa Xuân tươi đẹp của đất trời hòa nhập với mùa Xuân bất tận của lòng người với tràn đầy tin yêu và hy vọng…
Cuối năm,
nhìn lại cuộc đời
_______________________________ Trần Anh Kiệt
ecole-polytechnique-de-montreal
Tôi đến miền đất lạnh vào đầu thu cách đây gần sáu mươi năm, bỏ lại sau lưng bà mẹ thân yêu nơi tỉnh nhỏ và cô láng giềng xinh đẹp mỗi ngày đi ngang qua nhà tôi để nghe tôi luyện giọng tiếng Anh với L’anglais sans peine, tôi ngây ngô muốn khoe khoang với người đẹp. Đường Maplewood, nay là Edouard Monpetit thật tuyệt vời, với màu lá vàng rực rỡ của hàng cây phong. Tôi lang thang đi tìm mướn nhà, hít thở không khí trong lành tươi mát trên con đường vắng buổi ban mai. Lúc ấy những nhà cao tầng cho thuê đối diện Centre social toàn là của người Do-thái. Cuối đường Maplewood góc Côtes-des-Neiges là một quán ăn Tàu mà tôi sẽ viếng thăm đều đặn sau nầy vào mỗi cuối tuần. Trường tôi, École Plolytechnique, nằm trên đỉnh đồi cao hơn Đại Học Montréal. Mỗi ngày tôi phải vượt trên một trăm bậc thang hoặc theo con đường mòn để đi học. Mùa đông tuyết trơn, thở ra khói nhưng tôi không thấy mệt ở tuổi mười tám đầy sinh lực. Tuy nhiên khi vào lớp học tôi hay buồn ngủ dù không thức khuya. Các thầy thật dễ dãi chỉ lấy cục phấn chọi vào đầu những kẻ không cưỡng nổi chính mình gục đầu trên bàn để “ngáy”. Giờ ra chơi, một số bạn cùng phì phà khói thuốc với thầy để đặt một số câu hỏi. Trong giờ học khi muốn chặn thầy để hỏi thì lấy hai ngón tay búng ra tiếng kêu “tắc”. Khi cần tập họp để thông báo một số vấn đề thì vài bạn sinh viên cong lưng hô to khẩu hiệu được người khác hưởng ứng ngay thành một bản hợp ca vang dội: C’est les po-po-po, c’est les ly-ly-ly, c’est les polytechniques. C’est les in-in-in, c’est les gé-gé-gé, c’est les ingénieurs, c’est les cal-cal-cal, c’est les cu-cu-cu c’est les calculateurs. Pipi dans les pots.
Các bạn học của tôi thật tử-tế nhưng rất chất phác. Thiếu kiến thức địa dư, họ tưởng tượng nước VN của tôi như các nước Phi Châu nghèo đói, dân tộc chậm tiến trong lúc tôi rất tự tin vì học giỏi, vững ngoại ngữ và hãnh diện văn hóa lịch sử nước mình. Nhiều câu hỏi về nước tôi không ác ý nhưng làm tôi phiền lòng vì tự ái dân tộc. Câu hỏi khác thường được đặt ra trong trường học là “bài thi có khó không”. Nó chấm dứt vài tháng sau khi bảng điểm kỳ thi đầu được công bố.
Chúng tôi là nhóm du học sinh học bổng Colombo được lựa chọn kỹ nên học rất giỏi. Nhóm các bạn tôi được chia đi phân nửa học ở ĐH Laval, Québec hầu hết đậu Ph.D. và thành giáo sư đại học tại đó. Lạc lõng có anh LTK trở về VN, sau đó qua Pháp trở thành nhà văn Kiệt Tấn có nụ cười hiền hòa, viết sách “tục” rất hay kể chuyện thật cuộc đời tình ái sôi nổi thuở sinh viên ở ĐH Laval. Ở Montréal, không thiếu gì những người có thành tích cua đầm nhưng sau cùng cũng trở về nguồn cội. Họ thường đến Centre Maria Goretti gần bệnh viện Sainte Justine để tìm partenaire đi nhảy đầm. Nhưng đa số trong nhóm nhỏ sinh viên của chúng tôi đều thích cây nhà lá vườn. Một năm sau khi tôi đến Canada, có một đoàn y-tá và nữ hộ sinh VN qua Montréal tu nghiệp một năm. Các đàn anh của tôi, sau bốn năm làm người sinh viên cô độc tranh nhau quỳ gối trước mặt các nàng với câu “Anh muốn đem lại hạnh phúc cho em”. Rồi dẫn các nàng đi ăn cơm Tàu, mua sắm ở Eaton, Simpson và sau đó… về VN thành gia thất. Tôi nghĩ các anh ấy đã được giải tỏa cái libido khi cùng người yêu tìm hơi ấm trong mùa đông giá lạnh. Tôi không quên được vị bác sĩ Đ. cùng qua với các cô y tá, gọi là “ông Thầy”. Ông có tài khôi hài tuyệt vời nhưng rất “tục”. Có phải ông bị dồn ép sinh lý? Ông còn độc thân ở tuổi trên bốn mươi. Có lẽ cái lạnh ở Canada làm ông thèm khát cái ấm áp của gia đình. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về VN cưới người con gái mà ông đã từ chối 15 năm trước.
Cái học của tôi không khó khăn nên làm cho tôi phạm sai lầm của tuổi trẻ. Tôi vẫn không quên được giấc mơ đi Pháp vào Grande École học khó để có bằng cấp có giá trị giống như bao sinh viên Mỹ muốn vào Harvard. Khi ra làm việc tôi mới ý thức được cái hay của trường tôi, giúp tôi tiến nhanh trên đường sự nghiệp.
Tôi trở về VN theo lời thúc giục của mẹ tôi. Tôi chỉ báo hiếu cho mẹ tôi được bốn năm. Bà từ giã cõi đời lúc tôi được huấn luyện 9 tuần lễ ở quân trường Quang Trung…
Sự nghiệp của tôi là cả một quá trình rèn luyện chuyên môn, học hỏi không ngừng. Một người bạn và là cấp dưới của tôi, anh T. đã cùng tôi xây dựng nhiều nhà máy đã chịu đựng nhiều lần sự nóng giận của tôi, sau nầy trở thành ân nhân của tôi, giúp tôi có việc làm tốt trên quê hương cũ của tôi.
Biến cố 30 tháng 4 đẩy tôi vào trại cải tạo Long Thành. Tôi còn nhớ những gì? Ông Lê Văn Thu, tổng trưởng tư pháp, đau đớn vì bệnh thấp khớp, phó thủ tướng Dương kích Nhưỡng múc phân tưới rau muống, nhạc sĩ Vũ Thành An gầy gò sợ nước không tắm…
Vừa ra khỏi Long Thành sau 10 tháng, tôi bị bắt vào nhà tù Bến Tre vì vượt biên với người bạn Trần Khiết. Tôi chỉ đóng 2 cây vàng, tiền dành dụm của tôi khi dạy học và bán sách năm thứ ba môn Quản trị tài chánh tại Đại học Đà Lạt. Tôi mang ơn bạn Khiết vì nhã ý cho tôi đi với số tiền ít oi dù cả hai phải ở tù ba năm. Khiết lạc quan, mỗi ngày thì thầm vào tai tôi câu “Chúng nó sắp chết rồi” trong một phòng đầy an-ten báo cáo cho VC. Một bạn trẻ võ nghệ đầy mình tên Quang vì một lời nói đùa liên quan đến Hồ Chí Minh bị bọn công an nhốt hành xác 20 ngày. Khi thả ra, anh cứ đi tiêu ra máu. Mọi người tưởng anh bị kiết lỵ. Bs Nguyễn Tú khám bệnh cho biết anh bị đánh dập phổi. Thế rồi anh từ giã cõi đời. Tôi được các bạn tù bầu làm trưởng phòng nhờ tài kể chuyện của tôi. Mỗi ngày các bạn tù trẻ Phục quốc, Gươm thiêng ái quốc v.v… được tôi cho nghe một đoạn Cô Gái Đồ Long cho đến khi xảy ra một vụ cướp ngục đẫm máu, do đó tôi bị truất phế. Trong vụ cướp ngục nầy, bao nhiêu người bạn trẻ anh hùng của tôi đã góp xương máu mình cho lịch sử.
Từ nhà tù Bến Tre, tôi được cho về làm việc tại Ủy Ban Khoa Học Kỹ Thuật và Công Ty dịch vụ kỹ thuật. Người đứng đầu Ủy Ban Khoa Học Kỹ Thuật là anh Đức học ở Đông Đức về. Anh tổ chức nhiều buổi hội thảo “brainstorming” để VC cao cấp học hỏi kiến thức kinh tế tư bản. Hai người được tôi quý trọng tư cách và tài năng là ông Nguyễn Xuân Oánh và công tử Đức chồng Bạch Tuyết. Công tử Đức dường như có cử nhân hay tiến sĩ kinh tế bên Pháp. Hai vị ấy giữ tư cách hiên ngang hầu như trịch thượng đối với cán bộ VC. Riêng công tử Đức là người cứu vớt nhiều công chức cao cấp chế độ cũ ở tù về có việc làm trong Công ty trục vớt tàu của ông trước khi họ vượt biên. Trong số ấy có ông Trần Ngọc Oánh cựu Tổng Trưởng Công Chánh, bị chết đuối tại bãi biển Thái Lan.
Tại Ủy Ban Khoa Học Kỹ Thuật, tôi và anh PMT trông đợi anh NVH, TGĐ Công ty Đường cho chúng tôi đi trên chuyến tàu vợ anh tổ chức nhưng anh đã bỏ lại không thương tình hai anh khố rách áo ôm không có được 6 lượng vàng.
Nhưng rồi một quới nhân đã giúp tôi thoát khỏi “thiên đường cộng sản” miễn phí trên chiếc tàu ra khơi chứa 60 người. Giữa biển chúng tôi được một chiếc du thuyền mang tên Maya Roma của một văn sĩ giàu có, người Úc gốc Áo vớt lên tàu đi đến Singapore. Du thuyền lênh đênh trên biển 3 ngày. Chúng tôi cùng ca hát dưới ánh trăng, tiêu thụ hết dự trữ đồ hộp của nhà Mạnh Thường Quân và làm nghẹt cái toilette duy nhất trên tàu. Cao Uỷ Tỵ Nạn phải thương lượng thật lâu với Lý Quang Diệu chúng tôi mới được lên trại. Ân nhân của chúng tôi bị bỏ tù mấy ngày vì dám đem người tỵ nạn đến Singapore. Ông còn phải bị phạt một số tiền lớn chưa kể chi phí sửa chữa “cái cầu tiêu”. Để cám ơn lòng tốt của ông, chúng tôi có một nhà giáo vẽ viết tay rất đẹp làm một bảng tri-ân lộng kiếng với lời lẽ rất hay. Khi đọc lên bài văn trước mặt ông, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, chúng tôi không cầm được nước mắt, nhớ những phút vui đùa ca hát trên boong tàu dưới ánh trăng, sau những phút kinh hoàng trên biển cả.
Tôi được Cao Ủy Tỵ Nạn cho làm Trưởng trại Tỵ Nạn Singapore thay thế Trung Tá Hà văn Chuyên. Trong chuyến đi Cali vừa rồi tôi được biết ông Chuyên vẫn khoẻ mạnh nhưng anh Chuân, nhân viên Cao Uỷ vừa mới qua đời. Kỷ niệm tôi còn giữ lại của anh Chuân là phút giây anh biểu lộ vừa tức giận vừa nuối tiếc khi tra hỏi một thiếu nữ tuyệt đẹp, đầy vẻ hiền ngoan trốn ra khỏi trại làm gái điếm bị bắt trả về. Cô ta không khóc chỉ gục đầu im lặng. Một biến cố khác làm xôn xao trại tỵ nạn là sự xuất hiện của ba thiếu nữ đẹp được cho là vũ nữ trình diễn chuyên nghiệp. Ba cô trốn trên tàu của Ba Lan cập bến Saigon. Sau một màn trình diễn sôi động ở trại, nước Bỉ đã đem các cô đi chỉ sau một tuần lễ.
Còn kỷ niệm nào đáng ghi ở Singapore? Tôi nhớ đến anh Khiết phó trại tìm cho tôi áo mặc cho đỡ rách rưới, anh bác sĩ Quản Đức Hưng lo vệ sinh trại, đi Đức, anh Huấn ban ngoại giao thần tượng của các cô Hồng thập tự xinh đẹp. Tôi không quên Trung Tá Chuyên đòi nhốt con-nét những kẻ trốn trại và tiếng chuông mõ của thầy Pháp Châu vang lên trong đêm vắng. Bs Khoát, Bs Nga đã đóng góp nhiều cho bệnh xá. Nhà tôi, lúc ấy còn độc thân rất ghét tôi vì tôi không thoả mãn yêu cầu của cô thiếu nữ xinh xắn muốn chuyển công tác từ ban giáo dục sang ban ngoại giao. Tôi không còn nhớ tên rất nhiều bạn trẻ hằng đêm đến nhờ tôi viết đơn xin cùng đi Mỹ vì “chúng em đã yêu nhau và nàng đã có thai (tại Singapore!)!”. Tôi gặp khó khăn khi phải tập họp số người lên xe đi Ý và Pháp chỉ vì một bức thư: “Phải cố đi Mỹ, tụi tao qua Ý bị họ cho đi chăn bò”. Khó khăn thứ hai là thuyết phục trại viên đừng trốn trại ra ngoài kiếm tiền. Với số tiền lao động vài ngày, họ có thể mua thuốc gởi về VN hay tìm thú vui cùng người yêu trong một khách sạn. Những lời cầu khẩn Phật, Chúa trên biển cả hay trước khi vượt biên tạm gác lại để hưởng những ngày tươi đẹp. Ơn trên đã phù hộ chúng ta đến bến hạnh phúc! Nhưng thảm trạng vẫn còn trước mặt. Có một người bác sĩ dường như tên Trình hằng ngày lê la ngoài đường nói cười vô ý nghĩa: anh đã bị bệnh tâm thần rất nặng vì vợ con bị cướp biển giết chết trước mắt anh. Hiện giờ anh ở đâu? Nước Mỹ hay Âu Châu? Anh đã tỉnh chưa? Chưa hết thảm trạng. Trong một buổi họp với bà Druke đại diện Cao Uỷ Tỵ Nạn, một nhân viên đến báo cáo có xác của một phụ nữ và một em bé tấp vào bờ biển. Đó là xác hai người trên tàu của vợ tôi bị hải quân Singapore cho lên tàu theo lệnh máy bay của Cao Ủy Tỵ Nạn, sau đó bọn chúng quăng xuổng biển.
Thế rồi tôi rời Singapore để trở về quê hương cũ, miền giá lạnh nhưng ấm tình người. Một giai đoạn mới trên con đường sự nghiệp. Một người bạn học cũ ở Poly đã bảo lãnh tôi và cho tôi tá túc ở sous-sol nhà anh. Một người Ba lan chống cộng giúp tôi có việc làm đầu tiên, một bạn cố tri mà tôi hay gây gổ trở thành ân nhân giúp tôi có việc làm tốt hơn.
Nay tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân đã yếu. Tôi trải qua những tháng ngày mong đợi ngày tàn của bọn cộng nô. Nhưng chúng vẫn còn đó, tham ô, ác độc, đem dân tộc VN xuống hố thẳm vực sâu. Tôi hối hận cho cuộc sống vô tư thời tuổi trẻ, trước thảm cảnh của quê hương. Nhưng tôi quá bé nhỏ cho khát vọng của tôi: chứng kiến ngày tàn của cộng sản!
Bữa cơm chiều cuối năm
__________________________ Nguyễn Thế Hoàng
Vừa nghe tiếng gà rừng gáy phía sau chòi Thiệp đã tỉnh giấc. Như thường lệ, Thiệp bắt đầu công việc hằng ngày như một thói quen đã sẳn có từ nhiều năm ở nơi thâm sơn cùng cốc này. Nơi mà Thiệp đã đặt chân đến lần đầu tiên hơn năm năm mà người ta mệnh danh bằng cụm từ hoa mỹ "Kinh Tế Mới", quê hương của bọn phản động, ác ôn, của tầng lớp bị bỏ rơi, phân biệt đối xử, chính là những phần tử nguy hiểm đối với cái chế độ siêu việt hiện tại. Những thành phần nguy hiểm phải được tách rời khỏi lòng dân tộc, sống xa xã hội loài người văn minh tiến bộ được phát xuất từ cái hang tò vò Pắc Pó. Chính đó là những ung nhọt lây lan cho cái gọi là chuyên chính vô sản, làm theo năng suất, hưởng theo nhu cầu.
Mỗi buổi sáng thức giấc Thiệp thường bị ám ảnh những ấn tượng ma quái đó. Cũng từ đó Thiệp luôn tự hào ở mình trong một thế đứng riêng và hãnh diện nửa đời người phía trước như một gạn lọc để không bị ảnh hưởng. Suy nghĩ đã có từ ngày mất nước, tồn tại qua sáu năm tù cải tạo cho đến hôm nay.
Những suy tư đầu ngày là một thói quen để hun đúc bản lĩnh đối mặt thực tại. Thiệp vùng dậy làm vệ sinh, nhúm bếp lửa luộc nồi củ lang, củ mì, có hôm thì nồi bắp trái, cũng có lúc mấy tô bắp khô rang dòn đổi bữa. Đó là thực phẩm chính hằng ngày của bốn cha con. Ăn để mà sống và được tồn tại cho dù bao tử chưa lúc nào đầy. Thế mà vẫn còn là thiên đàng thật. Vẫn còn hơn kiếp sống đọa đày, đói khát cùng cực trong những năm tù đày cải tạo. Phải làm cật lực đổ mồ hôi, sôi nước mắt, đến mửa máu ra, bụng vẫn lép xẹp, tay chân run rẩy lâu ngày trở thành thói quen. Chết thì không chết ngay, cứ vật vờ vật vưỡng lung linh như ngọn đèn trước gió. Rồi cũng phải chết. Lần lượt giành nhau được chết. Chết đói, chết thèm. Chết khát. Chưa kịp chết trong tù thì về nhà cũng phải chết. Đó là chính sách siêu việt của chế độ, của bọn người tự nhận là kẻ chiến thắng. Nhưng Thiệp vẫn chưa chịu chết. Sự chết không phải dễ dàng. Chính đó có phải là điều rủi hay cái may, vì chàng còn phải trả nợ đời cho cuộc sống hiện tại ở "khu kinh tế mới vàng son" này.
Thường thì Thiệp thích suy nghĩ vẩn vơ như vậy trong mỗi buổi sáng ngồi nhấm nháp chén trà tươi bốc khói trước khi đến khu rẩy cuốc xới, bươi móc kiếm cái ăn. Có ai đó nhìn Thiệp trong lúc này để hiểu được anh đang nghĩ gì. Điều chắc chắn là Thiệp đã có được sự nhẫn nại mọi mặt để được tồn tại, để nuôi con, để chờ vợ còn đang trong tù cải tạo, chưa biết chừng nào họ chấp nhận là học tập tốt, lao động tốt để về với gia đình. "Tốt" của cái gọi là chế độ đương thời thật cao siêu, thiên hình vạn trạng, muốn định nghĩa thế nào cũng được, mà trên thế gian này chưa có một khối óc siêu nhiên nào giải đoán nổi.
Đã vấn đến điếu thuốc rê lần thứ ba, cạn hết ấm (bằng đất) trà tươi được hái từ hai gốc trà rừng trước nhà mà Thiệp đã chăm chút tưới nước hằng ngày, vẫn chưa hết giờ nhàn rỗi đầu ngày. Ở cái đất "ngàn năm thảo mộc" này có gì phải tất bật lo toan. Ngày trước ngồi phòng trà, nghe nhạc sống, uống cà phê, xem vũ sexy, nhìn các em ca sĩ uốn éo trong ánh đèn màu. Thì giờ thời ấy tất bật bao trách nhiệm đè nặng trên vai. Giờ thì sáng nghe chim hót líu lo trong ngàn cây, nhìn bướm lượn từng đàn vờn hoa trong nắng sớm. Đêm về nghe nai kêu, vượn hú, cọp gầm, voi rống...lúc đầu ớn lạnh mãi rồi đâm ra nhớ và ghiền để được nghe.
Ngày mới đến nếu không vững nghị lực chắc chắn Thiệp đã bỏ cuộc trước cảnh rừng rậm bao la đầy muỗi mòng rắn rết, bao hiểm nguy rình rập. Cho dù có ý định trốn khỏi nơi này cũng không thoát. Sáu năm tù đầy đọa khốn nạn sau tháng tư bảy lăm, Thiệp trở về với hai bàn tay trắng. Anh Thy, vợ chàng đang còn bị giam cầm trong lao tù cải tạo. Nhà cửa, tài sản bị xóa sạch. Ba đứa con dại được bên Ngoại cưu mang. Thoát khỏi nhà tù nhỏ, Thiệp tiếp tục trong nhà tù lớn với bản án ba năm quản chế giữa vùng kinh tế mới. Trình diện công an địa phương sau vài ngày Thiệp bị bốc lên xe với ba đứa con dại đến chỗ ở mới với những phương tiện được nhà nước ưu ái tặng không, cuốc, xẻng, dao, rựa, ba bao gạo ẩm, vài chai nước mắm, bao muối hột và vài ngàn tiền Hồ. Chính đó là gia sản duy nhất có ban đầu Thiệp làm lại cuộc đời trong cái mà họ gọi là sống phải lao động để vinh quang của con người mới xã nghĩa, làm theo năng suất chỉ tiêu, hưởng theo nhu cầu giai cấp.
Những ngày đầu cực kỳ gian khổ, ngủ bụi, ngủ bờ giữa rừng thiêng nước độc xa hẳn loài người. May mắn có được vài gia đình đồng cảnh ngộ đến trước cũng bớt tủi thân. Mọi người đồng tâm trong tình nhân ái giúp nhau. Ngày đêm vật vã cật lực Thiệp mới có được túp lều che nắng đụt mưa. Phá rừng, khẩn đất trồng lúa, bắp, khoai, đậu...Trồng thả, ăn nước trời, mùa được mùa không, dần dần rồi quen đi. Tìm nguồn sông, suối bắt cá, làm bẩy thú rừng để có lương thực trong tự lực mưu sinh.
Thiệp an phận cho cuộc sống để được tồn tại và vẫn biết rằng xung quanh đang có những cặp mắt dòm ngó. Thiệp không phải thắc mắc. Đã rơi xuống tận cùng đáy địa ngục còn sợ nỗi gì. Ai sao, mình vậy, chuyện đúng thì nghe, bằng không cãi đến nơi không như hồi ở tù cứ phải cúi đầu nghe chúng răm rắp. Ngày đó, cứng đầu thì được hành hạ đánh đập, được cùm gông, được bỏ đói cho đến rục rĩu có ai thương.. Giờ giữa rừng sâu con người ở thế cùng như ngon lửa đổ thêm dầu, như ông vua lắm mưu mô cũng phải thua thằng liều đầy bản lĩnh.
Năm năm trôi qua cuộc sống bấp bênh trong thế chẳng đặng đừng. Khi nhìn cây rừng đâm chồi nẩy lộc, chim én lượn vòng biết là Xuân đang đến. Năm mùa Xuân trong khu kinh tế mới Thiệp cũng chẳng có Tết, cũng chẳng nghĩ đến Tết, không bánh mứt, nêu cao, pháo đỏ, bánh chưng...nhưng có bắp, khoai, đậu, thịt rừng, thêm được nồi cơm trắng và có niềm mơ ước Anh Thy được ân xá trở về.
Hôm nay lại ba mươi Tết Thiệp vẫn níu kéo niềm hy vọng kể từ lúc giặc tràn vào cho đến nay vợ chồng chưa một lần gặp mặt, con cái vẫn vắng xa mẹ cha.
Mặt trời đã nhô lên cao sau nhiều lớp cây rừng chằng chịt. Ấm trà tươi đã nhạt nước và gói thuốc rê đã vơi đi một ít. Thiệp đứng lên vươn vai. Chàng nhìn ba đứa con còn đang ngủ say trên vạc tre bện bằng mây rừng. Thiệp sắp đặt thức ăn cho con rồi chuẩn bị quang gánh cuốc rựa đi rẩy. Hôm nay ngày cuối năm Thiệp không cuốc xới, làm cỏ, trồng trĩa, chỉ ra rẩy thu góp thực phẩm dành cho ngày Tết. Có quầy chuối ở cạnh bờ suối trỗ quầy trái đã già. Đào khoai lang, khoai mì, bẻ bắp luộc, nấu chè. Thăm cá cắn câu, thăm bẩy bắt cheo, thỏ, mễn.
Trời đã quá trưa, Thiệp trở lại chòi tranh với gánh lương thực nặng. Có được mười con cá lóc lớn, ba con thỏ rừng mập ú. Bao nhiêu lương thực mà rừng núi ưu ái ban phát đủ cúng kính ngày Tết và no nê trong những ngày đầu Xuân về giữa rừng âm u. Thiệp đang có thêm một mùa Xuân nữa trong chốn sơn lâm cùng cốc.
Ba cha con hì hục nấu nướng. Luộc bắp, hấp khoai, nấu chè. Rang bắp khô giả nhỏ ngào đường làm cốm. Nấu nồi canh chua cá lóc với các loại lá chua hái trong rừng. Làm cá lóc nướng trui trên bếp lửa hồng. Xào thịt thỏ với măng le rừng. Thêm thịt thỏ xào xả ớt được trồng ở rẩy hái về.
Nấu nướng xong, thực phẩm được bày dọn lên bàn. Gọi là bàn để tôn nghiêm, thực ra là những bẹ tre rừng được kết lại trên những cây trụ đặt giữa chòi. Không chân đèn, lư hương, lọ hoa, mâm ngũ quả, không hương trầm nghi ngút. Chỉ có tấm lòng thành vọng tưởng gia tiên, ông bà, cha mẹ trong ngày cuối năm mừng Xuân đến. Dáng Thiệp nhỏ bé, lung linh giữa núi rừng trùng điệp. Rải rác những túp lều cây lè tè cỏn con hèn hạ của những gia đình đồng cảnh ngộ ẩn hiện im lìm dưới những tàn cây cao ở cách xa nhau hằng trăm thước đã không tạo được sinh khí sôi động ngày Xuân. Không tiếng pháo nổ, không xe cộ dập dìu, vắng bóng những bộ quần áo mới, thiếu mất những lời chúc Xuân...chỉ có ánh đèn dầu nhỏ nhoi le lói độc nhất từ những ngôi chòi lập lờ đom đóm. Năm năm rồi, năm cái Tết trong rừng sâu vẫn là những hình tượng ảm đạm, cô liêu, mất mát trong đời sống hoang dã..
Nắng chiều đã tắt sau những rặng núi phía xa trả lại quang cảnh âm u cố hửu của núi rừng dày đặc và kinh dị. Ngọn đèn dầu leo lét trên bàn không đủ ánh sáng giữa túp lều tranh. Bé Thoa mười lăm tuổi đã về Ngoại ăn Tết hồi đầu tháng. Ba đứa con của Thiệp được luân phiên về với Ngoại một lần trong những dịp Tết. Dù là con nít, sự ở, đi phải báo trình, vì cũng thuộc thành phần gốc ngụy ác ôn phản động.
Giờ này người dân cả nước đang tất bật lo toan công việc trong ngoài để chuẩn bị đón giao thừa. Thiệp không còn cái thói quen ấy kể từ ngày mất nước. Những năm tù tội, những năm vùng kinh tế mới, Thiệp đã bị tước đoạt quyền sống của một người dân lương thiện, đâu còn gì nữa để chiêm ngưỡng cuộc đời. Có tai không còn nghe, có mắt không nhìn thấy, có miệng không nói năng đã biến con người thành cù lần, lơ láo, chỉ biết ăn, biết lao động cật lực, thế mới được yên thân mà sống.
Qua hai lần van vái hương linh tổ tiên, dòng họ, Thiệp ra ngồi bệch trước cửa chòi với ấm trà tươi và bị thuốc rê cố hửu, hướng ánh mắt thẫn thờ ngắm cảnh Xuân đang về giữa núi rừng trùng điệp âm u. Bé Thắm mười ba tuổi, cu Tân mười một tuổi đang nghịch ngợm hai con thỏ rừng nhốt trong củi bên hông chòi giữa cảnh mờ hoàng hôn. Nhìn các con quần áo tơi tả vá đùm vá chụp mỗi lần Tết đến, nỗi lòng Thiệp đay nghiến xót xa.. Chúng đang gánh nỗi bất hạnh nơi cha mẹ chúng. Ngày mất nước cu Tân vừa sinh được mấy tháng đã phải sống xa cha xa mẹ, nhờ Ngoại nuôi dưỡng để cha mẹ rảnh tay mà đi ở tù. Lúc Thiệp ở tù về, nó lại không nhìn ra cha nó. Tập tành, dụ dỗ cu Tân nhiều lần nó mới gọi Thiệp là cha. Nó không biết mặt mẹ là ai. Cứ gọi bà Ngoại là mẹ. Bé Thắm cũng thế. Chỉ có bé Thoa còn nhơ nhớ, nhưng rất mơ hồ. Người ta đã tước đoạt một cách thô bỉ trí óc thơ ngây trong lứa tuổi hồn nhiên và những sở hửu làm người của chúng.
Có bóng người lúc ẩn lúc hiện sau mấy rặng cây trên lối mòn dẫn vào khu vực chòi tranh. Thiệp dõi mắt nhìn chăm chú. Từng đêm ngày trong cái giang sơn kinh tế mới đìu hiu quạnh quẽ này chẳng ai lai vãng đến đây, nên khi có dáng người xuất hiện trên lối mòn là cả một sự chăm chú tò mò nhìn không chớp mắt của cha con Thiệp. Bóng người càng đến gần hơn khiến Thiệp nhìn sửng, đang trông có vẻ quen thuộc. Thiệp thấy ngỡ ngàng rồi nôn nao với niềm mong đợi từng ngày tháng. Thiệp đã không còn nghi ngờ gì nữa...đó chính là Anh Thy vợ mình kia rồi..!
Bóng người đến gần, Thiệp vui mừng trong sững sờ khôn xiết:
- Em! Em về rồi sao..! Em ơi!.. Các con ơi! Má con về...má con về...!
- Anh !
Tiếng nấc nghẹn từ hai con tim đã qua hơn mười một năm mất cảm giác...giờ đang cuồn cuộn tuôn trào...sôi sục..! Hai giỏ xách tay nặng từ tay Anh Thy rơi xuống đất. Niềm vui bất chợt đến với hai người, không ai nói thêm được với nhau lời nào...mà chỉ còn ánh mắt bừng lên...trong vòng tay xiết chặt dồn dập hơi thở mừng vui, bên cạnh bé Thắm và cu Tân ngơ ngác nhìn trân trối hai người.
Anh Thy rời tay chồng, ôm chầm lấy hai đứa con thân yêư khóc ngon lành.
- Má đây con. Con nhận ra má không?
Hai đứa nhỏ cũng bật khóc theo. Thiệp nói:
- Má của hai con đó. Ba thường nhắc đến má với các con. Má ở tù mới về.
Bé Thắm và cu Tân ôm cứng lấy mẹ, khóc nức nở. Hồi lâu, cơn xúc động lắng dịu, Anh Thy trìu mến nhìn chồng:
- Em không ngờ! Anh đã chấp nhận chịu đựng được cuộc sống kham khổ như thế này bao nhiêu năm trời..!
- Giờ thì khá hơn một chút. Ngày mới đến dở khóc dở cười, anh đành chấp nhận ngậm bồ hòn nuôi con để chờ em về.
Anh Thy trở lại ôm hai con vào lòng vuốt ve âu yếm, xiết chặt từng đứa, xót xa nhìn hai đứa con thân yêu đói rách cơ hàn, còn Thiệp trông gầy ốm, đen đủi, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, dáng vẻ còn phong độ của một thời đã qua. Anh Thy nhìn lại mình, mười một năm tù cải tạo đã tàn phá thời xuân sắc, đã giết chết những ước mơ. Ở tù thật khốn nạn đối với con người. Nhưng ở tù dưới chế độ được mệnh danh là siêu việt lại càng khốn nạn hơn. Họ đã nghiên cứu để thăng tiến đến cao độ tính chất nham hiểm, xảo trá. để bằng mọi cách họ đã biến đổi người tù thành những bóng ma trơi vừa đói vừa lạnh để được hưởng sự chết thật chầm chậm.
Anh Thy nói với chồng:
- Em ra tù ngày 25 Tết. Em về nhà ba má ở dưới quê vì biết rằng mình đâu còn nhà. Em gặp bé Thoa nó mừng rỡ, nó nhận ra em ngay. Trông nó ốm và còi cọt làm sao! Má nói công việc cho em nghe. Má chỉ đường đi để em đến đây. Em đi qua mấy chặng sang xe đò, mất một ngày một đêm ngủ đường. Lần hồi hỏi thăm, em mới đến được. Nói là đi kinh tế mới nghe rất ngon lành, còn thua ở tù.
Thiệp nhìn vợ:
- Tất cả như một cơn ác mộng khủng khiếp. Mười một năm xa nhau dài thật dài. Giờ một thoáng qua như trong cơn ác mộng. Ngày mất nước, đất trời ngửa nghiêng, con người điên đảo, vợ chồng con cái phân ly. Ngày đoàn tụ trong cơ hàn khốn đốn. Bốn năm em phục vụ chế độ ngày trước đánh đổi mười một năm lao tù nghiệt ngã. Anh cảm phục em.
- Từ nay dù sống chết không lìa nhau. Ba đứa con là trách nhiệm nặng nề trước mắt. Hãy lo cho con.
Thiệp nhìn vợ và hai con, cười nói:
- Hôm nay, chiều ba mươi Tết anh vừa cúng rước ông bà. Mặc dù là chòi tranh vách lá giữa núi rừng trùng điệp, không tiện nghi, không cao lương mỹ vị, nhưng gia đình mình thực sự mừng ngày sum họp. Chúng ta sẽ bàn tính cuộc sống cho những ngày tới.
Hai vợ chồng Thiệp bày biện thức ăn giữa chòi tranh trên tấm bạt nhà binh bạt màu trãi rộng ra dưới nền đất. Nào khoai, bắp luộc đựng trong những lá rừng. Nào chè, nào cá, thịt thỏ rừng để nguyên trong nồi xoang....có thêm một nồi cơm trắng...! Thực phẩm ngày Tết..!
Bữa cơm chiều ngày cuối năm trong cơ hàn nhưng đậm đà tình yêu thương ngày đoàn tụ. Năm cũ hết rồi, như đang xóa đi những tang thương cơ cực. Ngày mai Xuân về Tết đến lòng người rộn ràng niềm vui Hội Tết...!
********
Mười bảy năm trôi giạt xứ người.
Tiếng nói của Anh Thy ngọt ngào trong điện thoại:
- Má muốn vợ chồng Thắm về ăn Tết với má năm nay. Má đã gọi chị và em con, tụi nó đồng ý rồi.
Tiếng trả lời điện thoại qua speaker:
- Vợ chồng con sẽ về trong ngày 28 Tết. Má có cần gì thêm, con mua?
- Có gì thì con cứ mang về. Con cố gắng mua cho má một con thỏ rừng. Thỏ rừng hay thỏ nhà cũng được. Nhớ lời má dặn. Mong gặp con. Bye! con!
Anh Thy gác điện thoại, lòng cảm thấy vui vui vì được các con hứa về ăn Tết. Hôm nay đã 25 Tết rồi, đúng cái ngày Anh Thy ra tù năm xưa. Hơn hai tuần qua, nàng mua sắm nhiều thứ cho Tết cũng vì thói quen từ ngày qua Mỹ. Mới đó mà đã mười bảy năm trôi qua. Con cái đã khôn lớn, ăn học đến nơi đến chốn, công việc làm vững vàng, yên bề gia thất, mỗi đứa đều có nhà riêng. Trách nhiệm cha mẹ đã hoàn thành.
Ngày vừa đặt chân lên xứ này hai vợ chồng tất bật kiếm việc làm và học thêm sinh ngữ. Sau mấy năm trời, hai vợ chồng mới mua được ngôi nhà, cuộc sống tạm đầy đủ và ổn định. Nhờ ơn Trời gia đình được hạnh phúc,con cái thảo hiếu, và hết sức thương yêu cha mẹ.
Rồi chẳng có gì là tồn tại. Gia đình đang sống trong hạnh phúc, thì Thiệp qua đời đột ngột vừa hơn năm vì bị thương hàn. Cái chết của anh thật lảng nhách. Chính đó là rủi ro và bất hạnh cho anh và gia đình. Bao năm đối đầu với bom đạn của kẻ thù ngoài chiến tuyến, những năm trong lao tù gian khổ trần ai và từng năm sống cơ cực giữa núi rừng hoang dã ở khu kinh tế mới trong chòi tranh không đủ ấm no, anh vẫn mạnh khoẻ chẳng hề hấn gì. Giờ ở nhà xây, đi xe hơi, ăn ngủ đầy đủ, nơi nào cũng có máy điều hòa không khí, hưởng thụ mọi tiện nghi trong đất nước văn minh bậc nhất, vậy mà bệnh tật không kịp trở tay, anh phải ra đi. Anh chết là một bất hạnh quá lớn đối với em, anh Thiệp ơi!
Những lúc suy nghĩ về chồng, Anh Thy lại khóc thảm trong căn phòng đầy ắp kỷ niệm. Ngôi nhà vắng lạnh từng mỗi ngày trôi qua kể từ lúc Thiệp không còn nữa. Ngày đó, con cái khuyên mẹ về ở với các con, ngôi nhà đóng cửa treo bảng bán. Anh Thy không đồng ý vì chưa muốn xóa đi những kỷ niệm vợ chồng sống chung trong ngôi nhà tràn ngập hạnh phúc. Anh Thy quyết để nguyên mọi thứ, hằng ngày đi làm, tối về trên giường ngủ một mình ôm ấp hình bóng thân yêu của chồng trong giấc ngủ. Thường trong mơ, Anh Thy được an ủi vỗ về trong vòng tay của Thiệp. Những suy tưởng hiện hửu và tan biến trong thoáng chốc. Giấc mơ là nguồn an ủi mà Anh Thy được sống lung linh từng đêm. Ngẫm nghĩ đời chẳng có gì gọi là vui cả, nhưng chẳng có gì cho là khổ buồn trong cuộc sống. Vui, buồn, sướng, khổ do con người cảm nhận. Mỗi người phải hoàn thành trách nhiệm của mình trong danh dự làm người. Anh Thy tự cảm nhận mình đã hoàn thành trách nhiệm, để một ngày nào đó nhắm mắt sẽ không còn vướng víu, nuối tiếc điều gì.
Những năm sống hạnh phúc bên chồng, mọi việc do Thiệp quán xuyến, nhất là vào dịp Tết. Bây giờ thì Anh Thy phải tự lo mọi sự để có được một cái Tết cùng các con. Tết ở xứ người không ồn ào nhộn nhịp như lúc còn ở quê nhà. Người dân bản xứ vẫn tất bật đời sống mỗi ngày, không có gì là không khí Tết.
Ngày 29 Tết, các con các cháu đã về đầy đủ. Cháu nội, cháu ngoại mấy đứa quấn quít xung quanh Anh Thy. Nàng thích thú ẳm bồng từng đứa trong vòng tay thương yêu. Tình thương yêu con cháu lấp đầy khoảng trống tình cảm. Ngôi nhà im vắng hơn một năm qua từ lúc Thiệp không còn nữa, hôm nay nhộn nhịp hẳn lên. Từng mỗi đứa Anh Thy chỉ dẫn và giao công việc. Đứa lo bàn thờ, đánh bóng chân đèn, lư hương, treo đèn, kết hoa, đơm mâm ngủ quả. Đứa lo bánh tét, bánh chưng. Rim thêm mứt. Làm dưa món, củ kiệu. Đứa đi chợ mua thực phẩm. Mọi người lăn xăn nhiều việc. Con cái, dâu rể chăm lo công việc trong suốt một ngày, đến nửa đêm mới tạm xong để chuẩn bị cho ngày mai cúng kính tất niên. Nhìn các con làm công việc trong không khí nói cười vui vẻ hồn nhiên ngày Tết, các đứa cháu chạy nhảy vui đùa rượt bắt, giành giựt đồ chơi khóc la inh ỏi, Anh Thy cảm nhận trọn vẹn nguồn hạnh phúc bao la mà mình đã đạt được trong tuổi già. Công lao có được phần lớn ở Thiệp. Những năm ở tù, những năm cơ cực vùng kinh tế mới, những năm định cư xứ người, Thiệp đã quên bản thân mình để sống cho vợ con. Anh đã phải nhịn đói hàng ngày để dành khoai bắp cho các con khi mùa màng bị thất bát lúc sống trong rừng. Những ngày đầu định cư, ròng rã nhiều năm anh đã gò lưng trên chiếc xe đạp mặc cho trời rét buốt làm hai ba công việc ngày đêm, chắt chiu tiền bạc nuôi con ăn học, xây dựng cơ ngơi gia đình để được có như ngày hôm nay. Công lao của anh suốt đời dành cho vợ con. Nhưng khi đã hoàn tất trách nhiệm, đã tạo dựng được cơ ngơi thì anh không còn nữa. Chính anh đã hoàn thành trách nhiệm trong danh dự làm người. Anh đã kinh qua cuộc đời đầy gian lao và khổ nhục để có được ấm no hạnh phúc và vinh quang cho gia đình. Vinh quang không tự nhiên mà có, phải phấn đãu cam go mới có và anh đã thể hiện được.
Trưa ba mươi Tết, tất cả công việc hoàn tất. Các con khởi sự nấu nướng cúng rước ông bà. Không khí trong gia đình thật vui nhộn chưa từng có. Nhạc Xuân rộn rực tươi vui. Những bản nhạc Xuân ngày xưa len lỏi xen vào tâm hồn từng người, xao xuyến hoài vọng những mùa Xuân thanh bình ngày cũ. Những mùa Xuân quê hương an lành, rực rỡ nắng Xuân hồng.
Anh Thy coi ngó chỉ dẫn các con nấu nướng từng món ăn đặc biệt thuần túy Việt Nam đúng hương vị ngày Tết. Bên cạnh đó, Anh Thy thực hiện những món mà Thiệp đã cúng vào chiều ba mươi Tết năm xưa ở khu kinh tế mới lúc nàng vừa ra tù về với Thiệp. Những đĩa khoai lang, khoai mì, bắp luộc. Bắy rang giả nhỏ ngào đường. Chè khoai, thịt thỏ, cá lóc nướng trui, cá lóc canh chua lá rừng và...một nồi cơm trắng. Những thức ăn đạm bạc một thời để nhớ để thương...Những thức ăn đó đã thành bữa tiệc ghi nhớ ngày gia đình sum họp sau mười một năm chồng vợ, con cái xa cách tán loạn.
Trên bàn thờ đặt giữa căn phòng lớn giữa nhà, đèn nến sáng choang, hương hoa thơm ngát, thực phẩm chưng dọn đầy bàn. Bức chân dung toàn thân của Thiệp lộng kính đặt trên bàn thờ. Anh mặc sắc phục thiên thần mũ đỏ thật oai hùng, hiên ngang. Khuôn mặt anh rạng rỡ tự tin, rắn chắc, nghiêm nghị và thông minh.
Anh Thy đốt trầm hương khấn vái, cung thỉnh vong linh tổ tiên, ông bà, cha mẹ và nhắc đến tên anh trong nghẹn ngào nức nở. Anh Thy nhìn đăm đăm vào ảnh chồng lâm râm từng câu thì thào đứt quảng...lòng xúc động...nước mắt tuôn dài..".Hơn một năm rồi, anh không còn ở với em và con! Anh ơi! Anh hiểu lòng em đang nghĩ về anh không lúc nào nguôi. Em đang cô đơn giữa dòng đời nghiệt ngã. Cuộc đời chúng ta chưa sống tròn theo mong ước. Có những lúc thật êm ả trong hạnh phúc an bình, có những lúc giông bão tràn ngập nhận chìm. Chúng ta đã phấn đãu sống còn để mỗi người hoàn tất nhiệm vụ trong niềm vinh dự mà thượng đế đã ủy thác cho mỗi người. Anh đã hoàn tất trong niềm tự hào. Phần em vẫn còn đang bước đi một mình. Anh hãy về ở cạnh em và con cháu trong sự sum họp giữa mỗi mùa Xuân và từng năm tháng kế tiếp. Em đang chờ anh, nhìn anh, và tìm anh trong khắp không gian muôn ngã, như ngày xưa anh đã chờ em về từ lao tù để chúng ta hạnh phúc bên nhau trong bữa cơm chiều đạm bạc cuối năm dưới chòi tranh hèn hạ giữa chốn rừng sâu hun hút! Anh ơi! Thiệp ơi! tất cả con và cháu đang hiện diện bên anh như bao mùa Xuân đã qua khi anh còn sống...Anh hãy về với em trong ngôi nhà thân thương của mình và trong từng giấc ngủ của em hằng đêm..anh ơi!...Thiệp ơi!"
Anh Thy từng giây phút nức nở, nghẹn ngào! đôi mắt ướt đẫm và mờ dần... Bên ngoài các con đang dựng nêu và đốt pháo ầm ỉ. Tiếng pháo chát chúa, vang dội và xoáy mạnh vào tâm hồn người góa phụ đang ngột ngạt lòng nhớ thương chồng.
Năm cũ sắp kết thúc trong vài giờ còn lại. Bữa cơm chiều cuối năm của năm cũ đang diễn ra với những người còn sống trong niềm vui lẫn ngậm ngùi cho sự mất mát của từng mỗi người đang cảm nhận..!