Ngày đốn cây vú sữa

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5484
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Ngày đốn cây vú sữa

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Ngày đốn cây vú sữa




    Lời Tòa Soạn: Nhận được tin buồn, nhà văn Dương Nghiễm Mậu vừa qua đời ở Sài Gòn, Trẻ xin đăng lại truyện ngắn dưới đây của ông, viết vào năm 1969, như nén hương tưởng niệm một nhà văn lớn của văn học miền Nam trước 1975.





    Bên kia bờ sông của quận lỵ là một xóm nhỏ, những căn nhà thưa rải rác trên những khoảng đất trống không đều, có khoảng đất được canh tác, có khoảng bỏ cỏ hoang, những cây ăn trái và ít gốc dừa nước rải rác theo với mép sông nước ròng, có mấy con kinh nhỏ đưa nước vào sâu trong xóm. Trong khu xóm có một ngôi nhà ngói cũ, ba gian, một sân gạch nay đã hư nát, ngôi nhà ở phía ngoài đường liên tỉnh để tới đầu cầu đưa vào thị trấn. Trong khoảng vườn rộng của ngôi nhà có trồng một cây hoàng lan lớn. Ngôi nhà có một khoảng mái bị đạn nay được vá lại bằng một tấm tôn sáng bóng. Cách với ngôi nhà không xa, bám vào con đường liên tỉnh có một ngôi trường học nay bỏ hoang với mái ngói sụp đổ và là nơi những toán quân ngang qua vẫn coi chừng bằng cách nổ những loạt đạn bâng quơ vào trong những tường gạch đã cũ vì mưa nắng và um tùm những cỏ dại.

    Một người đàn ông đứng tuổi đạp chiếc xe đạp cũ vào thẳng trong sân ngôi nhà, trời đã chiều, toán dân vệ từ đồn nơi đầu cầu đi hàng một dọc theo con đường khởi đầu chuyến kích đêm ngoài vòng đai bảo vệ huyện lỵ. Người đàn ông chậm chạp ngừng xe lại trước cửa nhà, nhẹ nhàng bước xuống rồi nhấc chiếc xe lên hiên, đẩy cửa bằng bánh xe trước vào trong căn nhà đầy bóng tối. Tiếng người đàn bà:

    – Ai đó?

    – Không có, tôi đây, sao bà không đốt đèn lên một chút…

    Tiếng bước chân nặng nhọc từ trong nhà vọng ra. Người đàn ông lúi húi mở dây chiếc bao đèo phía sau chiếc xe. Người đàn bà già yếu, da xanh đứng tựa nơi cửa vào nhà trong:

    – Thằng hai nó gửi cho bà ký bôm, thằng nhỏ mới sinh thật ngộ, nó đen khoẻ như cha nó vậy, đôi mắt tròn quay dễ thương hết sức, thằng hai nói sẽ đón bà lên ở với bọn nó, nó la tôi quá trời, bọn nó đâu có hiểu gì…

    Người đàn bà lặng lẽ đón lấy những trái bôm tím ngon lành, hơi thở mệt nhọc, người đàn ông bật hộp quẹt châm lửa vào ngọn đèn huê kỳ nhỏ để trên bàn thờ, ánh sáng vàng úa lan ra căn nhà trống:

    – Bà ăn gì chưa.

    – Ông ăn cơm với bọn nó rồi há.

    – Ừa, ăn cơm sớm, thằng hai còn bận vào trại, tội nghiệp con vợ, người làm không có, trông vào con gái lớn một chút, cái hôm nó sinh may nhờ có hàng xóm người ta giúp cho không thì đẻ ra nhà, rồi ngày ngày thằng hai phải về mà bới cơm cho vợ, bọn nhỏ thì không có ai coi hết, mình mà ở trên đó được thì đỡ cho bọn nhỏ, thật cực hết sức…

    – Tội nghiệp…

    Người đàn bà nói buông thõng, người đàn ông cầm chiếc mũ vải đập đập trên tay rồi móc lên chiếc đinh đóng nơi tường mé gần chiếc bàn lớn dài bằng gỗ đã cũ. Người đàn bà đi ra ngồi xuống ghế:

    – Ông có nói chuyện hồi hôm cho thằng hai nó biết không?

    – Có…

    – Nó nói sao?

    – Nó nói mình lên trên đó ở với bọn nó.

    – Thế còn nhà cửa, còn thằng tư…

    – Thì tôi cũng nói vậy, nhưng nó nói nhà cửa mà làm gì, còn người còn của, chuyện thằng tư thì… coi như nó chết rồi.

    – Chết rồi, nó rủa em nó như vậy được sao, đằng nào thì cũng là em nó, tôi thương nó…

    Giọng nói chùng thấp nhợt nhạt, tiếng thở dài của người đàn ông. Thấp thoáng ngoài cửa bóng ngọn dừa lay động mơ hồ.

    – Thằng hai nói, chuyện ở trong quận người ta hỏi mình, làm rộn mình một chút là chuyện không thể tránh được, mình ở ngay chẳng hơi đâu mà sợ, nhưng tôi nói, tôi lo cho thằng tư, hồi này đã lâu rồi không thấy nó về, chắc là khó khăn, bà thấy đó, tối đến lính họ nằm ngoài đường lộ, tối không còn nghe thấy chó sủa, không biết hồi này nó thế nào, tôi lo nó chết bờ chết bụi mất xác…

    – Thời buổi loạn lạc…

    Người đàn bà đi vào nhà trong, người đàn ông ngồi im một lúc rồi lấy ra hộp thuốc vấn hút, ngụm khói đục trắng lờ lững không muốn tan. Nghe từ xa, ngoài sân có tiếng gà gọi nhau lên chuồng. Đêm đang xuống…

    Người đàn bà lấy chiếc tô lớn múc cháo từ trong chiếc soong nhôm ra, màu gạo đỏ lờ, ngọn đèn nhỏ leo lét trên mặt chiếc bàn cũ đã đen lại, gian nhà rộng mênh mông mịt mù trong ánh sáng nhờ nhờ đau yếu… Người đàn ông cài cửa nhà ngoài trở vào nằm trên bộ ngựa lớn nơi góc phòng. Tiếng nhai của người đàn bà chậm chạp rời rã.

    – Thế bà có tính lên trên đó với thằng hai không?

    Không khí im lặng kéo dài, tiếng con muỗi bay quấn vào gần vành tai khó chịu. Người đàn bà ngừng lại, nhìn vào ngọn đèn. Chiếc bóng thủy tinh có những bọt không đều nhau, phía trên khói đã bám đen thành một vòng đều. Người đàn ông bắt tay phải lên trán che hết ánh sáng trên đôi mắt vẫn còn mở lớn không động đậy:

    – Tùy bà, tôi sao cũng được, thật tôi cũng không còn ruột gan nào mà nghĩ, bà tính coi…

    Người đàn bà theo dõi mấy con muỗi cỏ đang bay quanh ngọn đèn, có lúc chúng đạp vào bóng đèn nóng loạng quạng một lúc rồi lại tiếp tục bay vòng quanh…

    Người đàn ông kéo chiếc ghế dài lùi xa chiếc bàn một chút, rồi ngồi xuống, người thanh niên bận quần màu lục sẫm cắm cúi đọc tờ giấy bỏ trên bàn lúc lâu mới ngửng lên người đàn ông trước mặt, tóc cắt cao không chải, có những ngọn tóc dựng đứng, hai bên tóc mai những sợi bạc, nước da xám, những vết nhăn, đôi mắt kèm nhèm, chiếc áo bà ba đen đã cũ, chiếc khăn ca rô vắt trên vai nhàu nhượi, hai bàn tay khẳng khiu bỏ trên mặt bàn và cái nhìn lơ đãng:

    – Bác còn cậu con đi theo giải phóng phải không?

    – Dạ, nó là thằng tư, thằng con trai út của tôi.

    – Anh ấy đi hồi nào vậy?

    – Có hơn hai năm, hồi quận chưa có.

    – Lâu nay có về nhà không?

    – Dạ không.

    – Bác cứ nói thật đi, không sao đâu, tôi muốn bác nói anh ấy nên về chiêu hồi đi, về làm ăn không sao cả…

    – Dạ lúc trước nó về tôi có nói, nhưng không được, vợ chồng tôi coi nó cũng như chết rồi…

    – Sao bà con lối xóm nói mới đây anh ấy có về thu thuế mà, tôi hỏi thật bác, nếu anh áy có trốn ở trong nhà thì bác không nên giấu chúng tôi…

    – Chết, đâu có, lúc trước cũng có đôi lần nó về, về ban đêm chốc lát rồi đi, khổ lắm, nó về thì chỉ thấy xin tiền bạc mà vợ chồng tôi thì có gì nữa, ruộng vườn bỏ cả, vợ chồng tôi cũng tính lên hẳn trên quận ở với thằng hai trên đó, nó làm việc trên quận, chắc ông biết…

    – Dạ, chúng tôi có biết bác có người con cả làm việc ở trên.

    – Hồi trước nó xuýt chết vậy đó ông, trước đây nó về thăm tôi, vừa ra khỏi nhà thì mấy ông du kích ập vào bắt nói nó làm mật thám cho đế quốc, mấy ông ấy cũng bắt chúng tôi phải kêu nó về với nhân dân, với giải phóng… Vợ chồng tôi thì già, sinh con ra lớn lên bọn nó làm gì thì làm chúng tôi nào có biết, ông nghĩ coi, rồi sau đó tôi được biết giải phóng kết án tử hình nó, từ đó tôi đâu có dám cho nó về, ông tính… (đó là những khuôn mặt dữ dằn, tiếng nói quen thuộc , quần áo nhem nhuốc, bất chợt có mặt và mất đi thật nhanh trong đêm tối chỉ để lại những tiếng chó sủa trong đêm thanh vắng, kẻ bị bắt được nói cho đi học tập, hoặc được mang ra ngoài vườn sau và một mũi dao thích vào bụng hoặc một tràng đạn nổ vào ngực, con ông Năm trong xóm được mời đi học tập, hai hôm sau thấy xác nổi trôi táp vô bờ sông hai tay bị trói giật sau lưng…).

    – Bác nên khuyên anh ấy về, không thì e khó sống được nếu còn quanh quất ở đây, bác biết tên xã ủy không, hắn bị hạ rồi, hôm đó bọn tôi nhanh thì con bác cũng bị hạ, may thoát. Bác biết chúng tôi về đây để giữ cho làng ấp được yên, bác coi hồi này đâu có bị phá rối, thu thuế, thu thóc như trước.

    – Dạ, cũng nhờ ơn mấy ông…

    – Mong bác ráng khuyên anh ấy, nếu không được khi nào anh ấy về bác mật báo cho chúng tôi.

    – Dạ, nhưng tôi chắc nó cũng chết rồi.

    – Không đâu anh ấy còn sống, người ta còn nhận được mặt anh ấy mà, bác không nên che chở cho đứa con hư ấy nữa. Và bác cũng đừng tiếp tế cho họ, nếu không bác cũng liên lụy, chúng tôi biết bác là người làm ăn lương thiện, chúng tôi cũng biết con lớn của bác mà.

    – Dạ cám ơn mấy ông hiểu dùm cho vợ chồng tôi.

    Người thanh niên mở xấp giấy lấy ra một bức hình đưa về phía người đàn ông:

    – Bác có nhận thấy mặt con trai bác không, đó, anh ta vác khẩu súng nơi vai, người đứng giữa là tên xã ủy chúng tôi mới hạ được, còn tên này nữa, nó là bí thư xã, nó đã bắn mấy người ở trong xã, chúng tôi đang tìm hắn, bác nhận mặt rõ chưa, nếu gặp hắn thì bác báo ngay cho chúng tôi và đừng bao giờ chứa hắn, hắn đã giết người.

    Dạ… (thằng tư mặc đồ bà ba đen, đầu trần, vai khoác khẩu súng ngắn gọn, nó đang tươi cười bá vai tên bí thư, tên giết người, sao hình hồi nào mà trông nó khoẻ và trẻ quá, sau nầy nó gầy đi nhiều mà có thấy nó mang súng như vậy bao giờ đâu).

    Người đàn ông ra khỏi nhà hội đồng lúc mặt trời đã đứng bóng. Nhấc chiếc xe đạp quay đầu ra ngoài rồi nhẹ nhàng leo lên và đạp ra con đường đất để ra con đường liên tỉnh. Khi chiếc xe vào đến sân, ngừng lại dưới hiên để nhấc chiếc xe vào nhà, người đàn ông nhận thấy hai chân hơi run và ù nơi hai mang tai, những giọt mồ hôi chảy ròng xuống cổ. Buổi trưa im vắng và nồng…

    Người cha ngồi hút những hơi thuốc đầy, nhìn lơ đãng vào khoảng không. Người con ăn, nhai vội vã, bàn ăn chỉ còn một mình người con với những bát chén ngổng ngang của những người đã xong bữa.

    – Thôi ba đừng nghĩ gì cả coi như không có thằng tư… Nào đâu mọi người không nghĩ đến nó.

    – Nhưng đằng nào thì nó cũng là em mày…

    – Vậy bây giờ bảo con phải làm sao? Thời buổi mà anh em phải bịt mặt mà giết nhau. Hồi về nhà may mà con không bị bắt, nếu không thì ba tính… Bây giờ con muốn ba lên ở luôn trên này với bọn con, thế là xong, nhà cửa thì nhờ bà con ở dưới vậy…

    – Nhưng má con không muốn đi, bà ấy thương nó…

    Người con bỏ chén bát đứng lên khỏi bàn ăn. Người cha vẫn ngồì im nhìn lơ đãng trên mặt bàn. Người con đi xuống nhà mang lên hai ly nước trà, một ly cầm nơi tay, một ly để trước mặt người cha. (Khi đi làm trở về người nhà đưa cho một lá thư, nét chữ quen của người em ruột: Mặt trận đã tuyên án xử anh, mong anh hồi tâm trở về thì sẽ được khoan dung, nếu không thì em cũng không thể cứu được anh. Cùng với phong thư có kèm theo một trái lựu đạn đã thối)…

    – Con nghĩ chắc thằng tư cũng không còn ở trong vùng nữa, bây giờ đâu có dễ gì mà lọt được trở lại vùng bình định, ba má có ở lại cũng không giúp được gì cho nó đâu, mà ba má thì già rồi, mình lên trên này khi nào yên hẳn thì về, nhà cửa ruộng vườn còn đó chứ ai lấy đi được mà lo.

    – Thôi được rồi, để rồi ba thu xếp, nhhưng con có cách nào gọi nó về được không?

    – Cách nào, biết nó ở đâu mà tìm, mà gặp nó nói nó chịu về không, thì ba má cũng đã nói với nó rồi. Nhà mình ba má được hai đứa, giá yên bình thì con cũng ở nhà làm ăn chứ có sao, nào đâu phải con xung phong đi lính, lệnh đi thì đi, cũng may là con chưa phải cầm súng mà đi kiếm nó, nó có số phần của nó… Con chỉ lo nó quanh quẩn đâu đó…

    Người cha uống một ngụm nước, đứng lên rời khỏi bàn ăn tới ngả lưng xuống chiếc ghế vải để ở bên cạnh tường. Người con vặn máy thu thanh, tiếng hát vang lên đầy căn nhà rộng… Người con ngồi xuống chiếc ghế thấp cầm lấy tờ báo đọc. Đứa trẻ sáu tuổi từ trong nhà chạy ra lăn vào lòng người con. Người con bỏ tờ báo xuống:

    – Thôi mà, làm nũng gì đây nữa, lại chơi với nội đi, thôi mai theo nội về vườn mà ăn trái cây, mùa này có vú sữa rồi đó.

    Đứa trẻ nằm im mở mắt nhìn nghiêng tới ông nội nó đang trầm ngâm hút thuốc. Người con vuốt tay lên đầu đứa trẻ… Người đàn bà từ trong nhà đi ra:

    – Ba vào trong giường nghỉ trưa cho khoẻ.

    – Thôi ba nằm ngoài này cũng được, chút ba về rồi.

    – Mai ba lên?

    – Ừa để xem đã, còn nhà cửa ở dưới…

    – Hay để mai con xuống đón ba má luôn thể, mình kiếm một chuyến xe lam, còn đồ đạc lếch thếch, má thì yếu…

    – Con khỏi lo, con đi về rồi ai coi bọn nhỏ, ba khoẻ mà lo chi.

    Người đàn bà bế đứa nhỏ dỗ nó đi ngủ, người đàn ông vuốt tay lên má nựng nó giọng ngọt ngào. Đứa nhỏ bị nhột cười khích khích khi người đàn bà bế nó vào nhà trong. Không khí căn nhà trở lại im vắng.

    Buổi chiều người đàn ông đạp chiếc xe chậm chạp vượt qua cây cầu, chiếc xe không chạy thẳng, vòng xuống phía dưới, gần với bờ sông, chiếc xe chạy chậm chạp, người đàn ông chú ý tới những băng vải viết chữ căng ngang, những tờ truyền đơn rải bay trên đường đi, và những bích chương màu dán nơi những thân cây bờ tường gần nơi hội đồng xã, nơi đó một vài người qua lại. Người đàn ông ghé lại nhà một người quen, khoảng sân đất rộng, ngôi nhà tôn thấp. Một người đàn bà từ trong nhà đi ra:

    – Chú lại chơi.

    – Anh có nhà không thím?

    – Nhà tôi xuống dưới xóm, người ta tìm thấy xác vợ ông hội đồng hồi trưa, thật tội nghiệp…

    – Ở đâu vậy?

    – Ở ấp bên, nhà của ông gì đó, trong vườn, dưới một cái hố, trời ơi, nhà tôi nói trông mà phát khiếp vậy đó chú, họ cho ngồi xuống rồi đập đầu cho vỡ và đậy lên trên mấy miếng gạch xi măng, sao chết đã lâu mà chưa gì hết, còn chân thì xơ ra và quần thì bị rách lên tận thắt lưng, thật là tội…

    – Sao mà tìm được vậy?

    – Nghe đâu có người hồi chánh ở đâu đó nghe chuyện biết được nên chỉ cho quận, quận liền theo đó mà tìm. (Trong đêm tối một tốp người vào nhà gọi cửa bắt đi, bà ta không chịu đi, họ bắt đi, hai người mỗi người giữ một tay kéo đi, mặc tiếng kêu khóc vang lên cả ấp không ai dám mở cửa ra ngoài, rồi mất tích…).

    – May mà còn tìm được xác, ông bà ấy từ xưa tới nay ăn ở cũng đường hoàng, có gì đâu, chẳng biết có thù oán gì với ai không? Ông bà ấy chỉ còn có một người con đâu ở trên Sài gòn.

    Người đàn ông như nhớ ra mình vẫn còn đứng dưới sân với chiếc xe đạp, ông ta từ từ đẩy chiếc xe vào gần nhà dựa vào tường rồi bước lên hiên:

    – Tôi tính sang nhờ anh chị coi giúp cho cái nhà, tôi đưa bà ấy lên trên với thằng hai.

    – Bao giờ chú đi.

    – Thủng thẳng ít bữa, đồ đạc thì cũng không có gì, nhưng cái nhà thì phải ráng giữ cho nay mai yên ổn thì về có chỗ mà ở, thằng hai nó nói quá chứ tôi không muốn đi.

    – Dạ.

    Người đàn ông đứng im ngó nhìn những ngọn dừa xanh vượt lên bầu rời cao, buổi chiều êm ả không có gió. Một chiếc máy bay xuất hiện ở trên cao. Lúc sau người đàn ông xuống hiên đi vòng quanh khoảng sân ngó lên những ngọn cây ăn trái, những luống rau trồng ngoài vườn, khi trời đã sẫm người đàn ông đạp xe trở ra con lộ về nơi ngôi nhà mái ngói. Bóng tối xuống chậm…

    Khu vực ngoài thị trấn lúc trước, có một thời rất đông dân cư, đời sống khá sung túc, vườn tược sau thời gian chiến tranh canh tác trở lại, những ruộng bỏ hoang bắt đầu những vụ lúa mới, nhưng thời gian ấy kéo dài không lâu, chiến tranh trở lại, có lúc khu vực như hoàn toàn chịu quyền kiểm soát của thế lực mới, dân chúng không chịu được chiến tranh kéo sát bên mình một cách thường trực nên bỏ đi làm ăn xa tùy theo phương tiện và hoàn cảnh cho phép, tuy nhiên có một số người chỉ biết ruộng vườn thì buộc phải giữ lấy cuộc sống vẫn có, có người đã dời gia đình ra ở nơi những căn nhà làm bằng đất ngoài đồng trống để tránh tai hoạ. Chậm rải theo thời gian, số người sống mỗi lúc một hao mòn, số người đi xa cũng nhiều thêm, những trẻ nhỏ tha thẩn ngoài ruộng bùn với những bàn tay chai cứng, trong căn nhà tối chật hẹp chỉ còn những người già cả… Thôn xóm mang theo khuôn mặt buồn hiu. Có lúc người ta dửng dưng không còn xúc động với những cái chết. Những cuộc hành quân mở ra với từng đoàn xe nối nhau trên con đường liên tỉnh thỉnh thoảng xáo trộn đời sống bình thường của dân chúng, những trẻ nhỏ đứng ra dọc bên đường vẫy tay những ngườu lính lạ… Dần dần an ninh được vãn hồi, dân chúng lại làm ăn, một đôi người ở xa trở về thăm lại nhà cũ, và đã có một hai chuyến xe lam chạy nối khu vực với quận lỵ ở trong, và những phiên chợ bắt đầu đông hơn xưa… Nhưng ban đêm tới vẫn là những đe doạ không chừng, có những tiếng súng đánh thức người dân đang ngủ với nỗi lo âu bức rức thường trực…

    Buổi sáng bắt đầu với vẻ nhạt nhoà, người chồng ra sân đứng nhìn toán nghĩa quân đi kích trở về vẻ chậm chạp ngái ngủ mang theo ba lô, ít bó rau, ít trái cây, họ đi dọc theo mép con lộ về phía cây cầu, bóng chiếc trực thăng, đang bay vòng quanh ở phía nam, tiếng động nghe xa rời. Chiếc xe bò chở lá dừa chậm chạp lăn bánh với tiếng kêu khô khan và ngắn. Một người đàn bà gánh rau đang đi xuống phía nhà hội đồng. Nắng sáng trong nhảy nhót trên những cành lá xanh. Người chồng thở dài ngồi xuống nhìn cây vú sữa trụi lá giơ những cành khô lên trên trời… Mấy tháng trước, hai vợ chồng già chợt ngỡ ngàng nhìn nhau khi thấy những cành lá trên hầu hết những cây ăn trái trong vườn bỗng vàng và đổ xuống không đúng mùa. Người ta nói bị ảnh hưởng thuốc khai quang từ vùng trong theo gió trở ra. Sau đó, mùa mưa trở lại, cây cối phần lớn hồi phục với vẻ èo oặt, chỉ có cây vú sữa lá không ra, mỗi ngày người chồng ra bấm vào vỏ cây thăm dò và sau chót thì người chồng lắc đầu nói với người vợ: nó khô rồi…

    Người chồng đi vào nhà mang ra cây rựa lớn và bắt đầu đốn cây vú sữa, thân cây cũng không lấy gì làm lớn, người vợ từ trong nhà đi ra, ngồi xuống hiên mát nhìn người chồng bổ từng lát chốc chốc ngừng lại nghỉ:

    – Ông còn đốn làm gì nữa, khô rồi, mặc sức, hơi đâu…

    – Trông cái cây khô tôi khó chịu, đốn nó đi cho những cây chung quanh nó lớn, thế là nhà mình không còn cây vú sữa nào nữa, tôi còn tiếc cái cây năm trước bị bão…

    – Để mình trồng mấy cây khác, thứ này không chịu được thuốc khai quang, chỉ một chút cũng khó sống… Nhưng trồng rồi có được ăn trái không?

    – Mình không ăn thì con cháu nó hưởng, bà thì thật…

    – Thế ông tính bao giờ mình lên với thằng hai…

    – Bây giờ bà giục tôi, thì để vài bữa nữa, sao tôi cứ thấy bứt rứt không yên…

    Người đàn ông tiếp tục đốn cây vú sữa, mỗi lần chiếc rựa ăn vào thân cây, cây vú sữa khô lại rung lên, một vài cành nhỏ mục rụng xuống lần đất ẩm… Người đàn bà cầm chổi quét khoảng hiên nhỏ hẹp, con gà mái quanh quẩn dưới chân chạy theo sau người đàn bà vẻ quấn quýt. Nắng còn bỏ lại khoảng mát lớn trên chiếc sân vuông vức. Liên tiếp những nhát rựa chặt vào thân cây, cho tới khi đã mệt người đàn ông nhận thấy chỉ mới được nửa thân cây. Ông ta dùng hai tay cố sức rung nhưng thấy vẫn còn chắc, ông ta bỏ vào lấy nước uống và ngồi nơi hiên vấn thuốc hút. Người vợ đứng ngoài sân:

    – Ông viết thư cho thằng tư ra sao?

    – Tôi gửi cho nó một ít tiền, nói nó về, tôi cũng gửi cho nó một giấy thông hành nữa, tôi đã hỏi kỹ người ta rồi, có một thằng bạn nó cũng mới bỏ ngoài ấy về trình diện đây…

    – Chết, rồi nếu người đưa thư ấy không kín…

    – Người tôi gửi tin cẩn lắm, bà khỏi lo, nhưng thật tôi không hy vọng, nó là thằng cứng đầu…

    – Tôi lo cho nó…

    Người đàn bà quay mặt đi, không khí rời rã, người đàn ông nghỉ ngơi một lúc rồi ra dốn tiếp cây vú sữa, lúc cây khô ngã xuống thì bóng mát trên sân cũng đã thu hẹp lại. Một người đàn bà từ ngoài hớt hải đi vào, nhìn người đàn ông:

    – Bác ơi, bác đi theo cháu coi…

    Người đàn ông ngó lên, nhăn mày:

    – Gì vậy cháu?

    – Bác đi theo cháu coi xem có phải thật không, người ta vớt được một xác chết, có người nói trông như anh tư nhà bác…

    Người đàn ông đứng bật dậy, người đàn bà từ trong nhà đi ra. Người đàn bà đứng dưới sân nói:

    – Có lẽ người ta nhìn lầm…

    – Thằng tư…

    Người đàn ông vội vã đi xuống sân ra phía cổng; người đàn bà đi theo, người đàn ông quay trở vào lấy chiếc xe đạp ra hiên, nhưng lại dựa chiếc xe vào tường rồi vội vã đi:

    – Bà ở nhà, tôi ra coi, thằng tư…

    Người đàn bà ngồi xuống hiên nhà ôm mặt khóc. Người đàn ông vừa đi vừa chạy, người đàn bà theo sau tức tưởi. Đám đông tụ lại nơi bờ sông, gần nơi nhà hội đồng, toán nghĩa quân lố nhố ở bên, người đàn ông rẽ đám đông vào trong, một xác chết ướt sũng nằm trên bờ cỏ, tờ giấy báo phủ lên mặt, bộ quần áo đen ướt nhẹp, bàn chân cứng chỉ lên trời đã chương. Người đàn ông cầm tờ báo bỏ ra. Đầu tóc bù xù, miệng há lớn phơi ra hàm răng trắng hếu, dấu đạn khoan thủng một miếng nơi bả vai bên trái gần với cổ. Người đàn ông đậy vội tờ báo lại. Người đàn bà đứng sau, đám người im lặng, người đàn bà nói nhỏ:

    – Phải anh tư không?

    – Thằng tư nhà tôi…

    – Trời ơi, tội nghiệp…

    Người đàn ông không nói, mặt bình thản chậm chạp quay ra đi trở lại con đường về nhà…/.







    Dương Nghiễm Mậu
    1969

    Nguồn: http://baotreonline.com

              
Hình đại diện
Thi
Bài viết: 195
Ngày tham gia: Chủ nhật 03/07/16 22:12

Re: Ngày đốn cây vú sữa

Bài viết bởi Thi »

cảm ơn Bạch Vân với bài viết trên :flwrhrts:


thi xin dán bài viết này của Lưu Thủy Hương ở đây gửi các anh chị và các bạn nào chưa có đọc qua hay muốn đọc lại.


dương nghiễm mậu và một thế hệ bất khuất


Tôi rụt rè viết lên đây những dòng thương tiếc ông, khi giờ này, hầu hết các trang báo lớn từ quốc nội ra tới hải ngoại đều đã đăng lời tưởng niệm. Trong muôn vàn vòng hoa rực rỡ của những người từng là bạn vong niên của ông, của những người từng là bạn văn chương cùng chia sẻ với ông một mảnh quê hương tơi tả, của những nhà phê bình từng bỏ công sức nghiên cứu tận tường tác phẩm của ông, tôi chẳng có gì để đưa tiễn ông. Tôi chỉ thành kính đặt bên thềm nhà ông một đóa hoa vô danh, và xin cúi đầu gọi ông là "Thầy".

Đóa hoa vô danh này của một kẻ chẳng có danh phận gì trong cõi văn chương, chỉ một ngày tình cờ lang thang trên mạng, đọc được một truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu mà cả cuộc đời thay đổi. Thứ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mười hai năm được (!) nhồi nhét kỹ lưỡng dưới mái trường xã hội chủ nghĩa bỗng nhiên rồi tan xác, chỉ còn lại trong đầu một lỗ trống kinh hoảng. Thằng người trong Cũng Đành hiện ra đó không phải là một con người bằng xương, bằng thịt, nhân danh giai cấp vô sản đòi quyền làm chủ vận mệnh mình. Hắn không cần được tôn trọng và ca tụng. Hắn không cần rạch ròi kêu gọi cái thiện chống lại cái ác. Hắn không đanh thép lên án xã hội bất công đẩy con người (tính bổn thiện) vào kiếp khố rách lưu manh. Hắn không xác định rõ ràng vị trí ta và địch – Không – "Ở ngoài" hay "ở trong", cũng chẳng biết đâu là ta đâu là địch. Thằng người bị xóa dần quá khứ và đánh mất hiện tại. Hắn bị lột trần, phơi bày thân phận giun dế, bản chất khiếp nhược hèn hạ. Hắn nhầy nhụa vô liêm sỉ. Hắn bằng đất đá khô khốc trơ lì. Hắn chẳng muốn đại diện cho ai nhưng hắn là chính bản thân của mỗi người. Hắn là – tôi – trong nỗi nhục cúi đầu triền miên. Lần đầu tiên trong đời, tôi xúc động tự hỏi, có một thứ văn chương kỳ lạ như vậy sao? Dương Nghiễm Mậu là ai?

Sau này, khi tiếng Đức tôi khá lên, tôi gần như dọn nhà vô ở luôn trong thư viện. Đọc nhiều, tiếp xúc nhiều thể loại văn chương, thích ông này và mê bà nọ lung tung lang tang, nhưng cảm giác kỳ dị (kinh hoảng) như khi bị Cũng Đành bắn vào đầu đã không bao giờ trở lại. Cơn sốc đó chỉ đến một lần trong đời, làm thức tỉnh, làm thay đổi, làm phá vỡ gông xiềng. Ở thời điểm đó, hơn mười năm trước, tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu trên mạng không nhiều, chỉ đôi ba truyện ngắn đăng trên Việt Nam thư quán. Cho tới bây giờ cũng không đầy đủ. Nếu có ai hỏi, đã đọc bao nhiêu tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu rồi, tôi sẽ thong thả đưa mấy ngón tay của mình lên. Không dối trá. Tôi chịu ảnh hưởng của ông không vì số lượng, mà vì một tác động trực diện lên ý thức làm người. Ở vị thế người đọc, tôi nhìn thấy trong tác phẩm của ông thân phận bi thảm của chính bản thân mình, của đồng bào Việt Nam, của một quê hương điêu tàn. Ở vị thế người viết, tôi nhận ra trách nhiệm cầm bút của mình, nhận ra con đường đưa cuộc sống vào văn chương, đưa văn chương trở về với cuộc sống. Con đường riêng của mỗi một người đi tới tự do.

Người miền Bắc chỉ nói về ông như một tài năng lớn, vượt qua cái thời đại mà ông đang sống để tác phẩm trở thành bất tử. Người miền Nam thường nghĩ về ông vì một nhân cách lớn, vượt qua những cám dỗ của thời cuộc để thanh danh trở thành viên ngọc quý trong ngần. Là người đọc và người viết, tôi kính trọng ông vì cả hai điều. Tôi kính trọng ông vì những năm tháng cầm bút, ông đã nghiêm túc lao động tạo ra những tác phẩm mang phong cách của riêng ông, cần cù và kiên quyết tự khai phá cho mình một con đường khác biệt, ngoan cường xây dựng một chỗ đứng độc lập trên văn đàn. Tôi kính trọng ông vì những năm tháng gác bút, ông giữ được cho mình một sự im lặng kiêu hãnh. Nhưng về tình cảm, tôi vẫn không ở bên ngoài cái chung, là một người miền Nam, sự kính trọng của tôi dành cho phần thứ hai vẫn sâu nặng hơn phần thứ nhất. Một nhân cách như vậy đòi hỏi phải có một bản lãnh phi thường tránh xa những cám dỗ danh vọng và vật chất, đòi hỏi một cái nhìn trầm tĩnh sâu sắc về thời cuộc.

Một nhà văn lớn nhất thiết phải có nhân cách lớn? Hay giá trị tự thân của tác phẩm quyết định chỗ đứng của nó trên văn đàn? Điều này cần những người đàn anh của tôi phân tích. Tôi chỉ nói suy nghĩ của riêng tôi thôi, ở vị trí kẻ hậu sinh. Trong thi ca, người yêu thơ như tôi vẫn mến mộ tên tuổi Xuân Diệu qua những bài thơ tình trước 1945. Tôi ít thấy ai quan tâm tới những thứ rác rưởi Xuân Diệu tống ra trong "dòng thơ công dân". Ta chào Vôn-ga Đông – Chào Liên Xô vĩ đại – Đồng chí Stalin – Mặt trời soi nhân loại – Ta chào mừng Đại hội – Đảng Bôn-sơ-vích thành công. Bàn tay nhớp nhúa của Xuân Diệu trong phong trào nhân văn giai phẩm cũng không hề làm vẩn đục những câu thơ tình ái run rẩy rung rinh lá. Thơ tình Xuân Diệu trên thi đàn đủ sức tỏa ánh sáng phủ lên thân phận lem luốc của tác giả, để người ta mặc nhiên yêu mến Xuân Diệu mà bỏ qua hết thảy. Trong âm nhạc chưa thấy có ai được như vậy. Tôi vẫn mê nhạc Trịnh Công Sơn nhưng không có cảm tình với thái độ thỏa hiệp vì hèn nhát, cách sống giả mù trong lạc thú của ông. Người khác có thể mê nhạc Trịnh và chấp nhận luôn con người của Trịnh, hay hơn nữa, hăng hái tìm cách biện hộ cho ông ta. Tuy nhiên công bằng mà nói, con người Trịnh Công Sơn và âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn chỉ có thể là hai thứ tách biệt trong lòng người thưởng thức.

Dương Nghiễm Mậu là một trường hợp khác biệt. Con đường văn chương của Dương Nghiễm Mậu bị cắt đứt đột ngột sau biến cố 75. Ông thôi viết và chọn cho mình một thái độ sống độc lập. Ông tự do trong khuôn khổ sống hạn hẹp mà một người công dân dưới chế độ cộng sản có thể xoay xở được. Ông tự do vì không phải cúi đầu nói ra những lời dối trá, không phải quỳ gối đưa tác phẩm mình cho bọn đao phủ băm chém. Ông tự do vì không phải thỏa hiệp với tội ác để nhận bổng lộc phận hàng thần. Dương Nghiễm Mậu lặng lẽ gác bút, lui về phía sau. Nhưng nhân cách của ông đã thúc dục một thế hệ hậu sinh lên đường, đi về phía trước.

Vâng. Tôi là một người thuộc thế hệ hậu sinh của Dương Nghiễm Mậu. Tôi nói lên điều này bao giờ cũng bằng tấm lòng thành kính dành cho một nhân cách mà tôi ngưỡng mộ. Nếu không có ông, không có những người đi trước như ông, thế hệ này, dòng văn chương này chỉ là nô lệ, là khiếp nhược cúi đầu, là một dàn đồng ca lem luốc phấn son. Nếu không có ông, không có một thế hệ đi trước vẫn âm thầm dấn thân, tôi sẽ không đủ sức cầm bút sau một ngày làm việc tả tơi, sau một tuần mệt nhoài vì mưu sinh, sau những lần phẫu thuật chết đi sống lại. Tôi sẽ không đủ nghị lực gom góp thời gian nghỉ ngơi dành hết cho văn chương, không đủ can trường dành dụm phần sức khỏe èo ọt cho việc trao dồi kiến thức văn học. Viết trong âm thầm, viết vô vụ lợi, viết khi thể xác mình đã kiệt quệ, cần có một niềm tin, một nguồn động viên để mà đi tới. Không có tấm gương trong ngần như Dương Nghiễm Mậu, không có một thế hệ nhà văn miền Nam bất khuất – không thỏa hiệp, tôi biết soi mình vào đâu để tìm lấy ngày mai. Bây giờ, ông đã vĩnh viễn lên đường đi về thế giới bên kia, những người đồng niên với ông cũng lần lượt ra đi. Tôi khóc cho ông, khóc cho một thế hệ tiền bối sinh ra trong chiến tranh, bất hạnh trong hòa bình mà vẫn giữ tròn khí tiết.

Cha tôi sanh trước Dương Nghiễm Mậu một tháng, tháng mười năm 1936, cũng vừa mới qua đời, để lại nhiều tác phẩm chưa một lần được tới tay bạn đọc. Những năm cuối đời trên giường bệnh, cha tôi viết miệt mài, viết như là trả nợ, viết để được khóc cho thân phận mình cho quê hương, viết để đừng phải âm thầm mang nỗi đau của thế hệ về thế giới bên kia. Chế độ thâm thù tàn ác này chỉ có thể bắt con người im lặng chứ không thể cấm con người viết trong im lặng và càng không thể cấm người ta lên đường trong im lặng. Hãy tin rằng, bên dưới tàn cây đại thụ im lìm đó còn có một dòng sông đang âm thầm chảy.

Tôi kính trọng tên tuổi những người đàn anh dù chưa một lần gặp mặt họ. Cõi văn chương mà tôi bước chân vào chỉ là thế giới ảo, nhưng tôi trân trọng và yêu quý nó. Đó là nơi người ta tìm đến tự do và tìm đến nhau vì một thứ văn chương vô vụ lợi, phi thỏa hiệp. Dương Nghiễm Mậu đối với tôi là con người kỳ vĩ của thế giới ảo này, dù các bạn đồng niên của tôi (Phan Nhiên Hạo, Trần Vũ, Thuận Nhiên…) không nghĩ vậy. Họ tìm đến Dương Nghiễm Mậu trong thế giới thật, bước qua rào cản của hai thế hệ để được chuyện trò với ông, để được làm bạn văn chương với ông, để nuôi dưỡng niềm tin. “Tôi tin người tốt trên đời nhiều hơn kẻ xấu." Nhưng họ cũng gián tiếp "cảnh báo" người đọc, "ông Nghiễm" là người sống ẩn dật và rất ít giao tiếp. Không sao. Tôi là người rất sợ giao tiếp, nhất là những mối quen biết trong giới văn chương. Đôi lúc tôi mường tượng ra chuyện cầm cuốn sách đầu tay tới nhà ông để ra mắt, để lúng túng tự giới thiệu: "Con cũng viết lách chút đỉnh. Dạ, một chút đỉnh thôi." Nhưng đó chỉ là chuyện tưởng tượng. Nó đã không xảy ra khi ông Nghiễm còn sống. Và cho tới bây giờ, tôi cũng không có cuốn sách nào trên tay, vì tôi chủ trương không in tác phẩm của mình ra giấy. Không có sách thì không là nhà văn, biết tới nhà ông Nghiễm với tư cách gì đây. Phan Nhiên Hạo động viên: "Chị muốn gặp ông Nghiễm thì tôi để giới thiệu cho." Tôi lưỡng lự mãi, không dám. Dẫu có sách, dẫu có là nhà văn thì thân phận vô danh của mình cũng không nên làm phiền một người đã ẩn dật như ông Nghiễm. Thật là buồn tủi. Nhưng lòng kính trọng của tôi dành cho ông lớn hơn những mong muốn xã giao bình thường.

Bây giờ ông đã ra đi. Trong những người đưa tiễn ông trên cõi Da Màu hư ảo, có một nhà văn thân phận nhỏ nhoi, rưng rưng nước mắt rụt rè đặt xuống thềm nhà ông một đóa hoa mong manh.

Thưa Thầy, dù không có sách con vẫn phải tự nhận mình là nhà văn. Nếu không can đảm nhận lấy trách nhiệm, không đủ ý thức cầm bút, làm sao con có thể theo Thầy lên đường?

Berlin, tháng 8. 2016

Lưu Thủy Hương

:pntfngrri: ===>nguồn :pntfngrlft:
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5484
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Ngày đốn cây vú sữa

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Cám ơn Thi đem bài viết của tác giả Lưu Thuỷ Hương về chia xẻ với nhà Nam :flwrhrts:


    ***


    Con Đường Dương Nghiễm Mậu




    Khoảng cuối thập niên 50 và bắc cầu sang đầu thập niên 60 – cây cầu đến nay còn soi bóng tuyệt đẹp trên dòng sông đất nước – những tấm lòng đồng chí với những phá vỡ và những làm mới của văn học và cho văn học, đã được liên tiếp chứng kiến gần như trong cùng một thời điểm, hai cuộc lên đường đi về những chân trời phía trước của một thế hệ những người cầm bút ở miền Nam.

    Lên đường thứ nhất khởi sự từ Lên Đường Lớn: từ hiệp định chia đôi đất nước, từ Bến Hải và vĩ tuyến 17, theo những bước chân trùng trùng của di cư một triệu. Đội ngũ tiền phong của nó là Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Quách Thoại, Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn và Nguyên Sa, những người trước vào từ miền Bắc, bài thơ thứ nhất viết dưới những mái lều vải tạm trú của sinh viên, hai người sau "viễn phương" hơn, lên khỏi những hầm rượu tả mạn sông Seine, mới từ Pháp về. Những vì sao đầu này của một vòm trời văn chương vừa dựng thoạt đầu là những lấp lánh lẻ tẻ. Trên tờ Dân Chủ của Vũ Ngọc Các, tờ Đời Mới của Nguyễn Đức Quỳnh, Trần Văn Ân, từ Lửa Việt, Người Việt của sinh viên Hà Nội di cư. Rồi sau cùng đến với nhau thành một họp mặt chung trên tờ Sáng Tạo.

    Lên đường thứ hai, đã thấp thoáng trong dấu chân lên đường thứ nhất, nên có thể coi như một đồng hành, làm một gờm thành đầy khí thế của những người viết trẻ, tất cả đều ở tuổi hai mươi, và diễn đàn chính của họ là tờ Văn Nghệ, chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, anh ruột nhà thơ Quách Thoại. Họ là Viên Linh, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Du Tử Lê, Đỗ Quý Toàn, Trần Đức Uyển, là Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Nghiệp Nhượng. Và một người viết mới, tuy cùng một lên đường với bằng hữu nhưng độc lập, tách biệt, như đi một mình trên con đường riêng. Đó là Dương Nghiễm Mậu.

    Những người của hai lên đường làm mới văn học nói trên, đến nay tuy đã mấy chục năm, nhưng với phần lớn tôi đều giữ được những kỷ niệm về lần đầu gặp mặt. Kỷ niệm với mỗi người mỗi khác. Thanh Tâm Tuyền, căn gác xép ám khói ở toà soạn Dân Chủ, hắn hỏi xin một điếu thuốc và tôi tưởng hắn là thợ sắp chữ. Nguyên Sa cái mũ trắng thầy giáo, lần đầu tới Sáng Tạo, gọi tôi vào phòng trong dậy một điệu nhảy swing. Cái áo thun cũ, cái quần sà lỏn của Doãn Quốc Sĩ, bữa ăn trưa đãi tôi ở Đại Học Xá. Cung Trầm Tưởng, cái cà-vạt đỏ chói, tóc đỏm dáng từng sợi. Viên Linh mặt mày cau có giận dữ vì đến đưa thơ tôi còn ngủ vùi, cửa toà báo treo tấm biển đi vắng. Trần Thanh Hiệp không nhìn lên, vùi đầu vào cuốn tự điển to gấp hai người Hiệp. Quách Thoại, cái anh chàng khả ố ngất ngưởng ở tiệm ăn Thanh Thế, lần gặp đầu đã tự nhận là vua thơ một thời. Nhưng kỷ niệm về lần thấy đầu, biết đầu với Dương Nghiễm Mậu là vô tình và lý thú nhất, sau này tôi kể chuyện lại, anh em còn cười lớn với nhau.

    Nhớ đó là một buổi trưa rảnh rỗi, tôi ghé vào thăm một diễn đàn bạn. Người bạn đang cắm cúi làm việc. Tôi kéo ghế ngồi hút thuốc lá, thấy ở cạnh mình một cái sọt rác đựng đầy những bản thảo gởi đăng không đăng và liệng bỏ đi. Buồn tay tôi nhặt những tờ bản thảo bị xé bỏ ấy lên coi. Cuối cùng và ở tận đáy cái sọt rác ấy là một bản thảo truyện ngắn. Tôi đọc mấy dòng đầu, giật mình vì lối vào truyện mạnh dạn, mới lạ, khác biệt hẳn với lối vào truyện vòng vo ngập ngừng thường thấy ở những người viết mới. Đọc tiếp mấy trang nữa; tôi hỏi người bạn: "Bỏ đi tất cả đây à?" Người bạn không ngửng đầu lên: "Ừ, đã đọc rồi bỏ không đăng" "Moi lấy đi được không?" "Để làm gì vậy?" người bạn ngạc nhiên hỏi. "Mặc moi" tôi nói, và cất cẩn thận cái truyện ngắn bị vất bỏ ở một diễn đàn bạn vào túi áo, trở về đăng ngay nó và nguyên văn không sửa một cái dấu phẩy trên tờ Sáng Tạo số đang làm. Người bạn tôi, chỉ biết thấy giá trị những tác giả đã thành danh, không thấy được những hạt ngọc lóng lánh lăn ra từ những cõi viết còn vô danh chưa tên tuổi đã liệng đi cái hạt ngọc văn xuôi ấy là truyện ngắn Rượu Chưa Đủ, truyện đầu tay của một người trẻ tuổi mới viết văn bấy giờ là Dương Nghiễm Mậu. Hạt ngọc bị vất bỏ ấy và tôi đã tình cờ lượm được, đúng là một hạt ngọc. Bao năm rồi không đọc lại tôi chẳng thể nhớ hết từng chi tiết của truyện chỉ nhớ cái chàng nào đó với bút hiệu Dương Nghiễm Mậu đã có ở Rượu Chưa Đủ một đoạn văn kết thúc tuyệt hay. Đoạn văn tả người anh đến đón em ở viện mồ côi. Hai anh em cùng mồi côi cha mẹ từ sớm. Hai anh em đi lang thang một ngày trong thành phố, không có một đồng xu nhỏ. Buổi chiều, trước khi đưa em trở về viện, người anh dẫn em vào một công viên, yên lặng lấy đất đắp thành những mô hình sông núi quê hương, thầm nghĩ hai anh em trơ trọi giữa đời, thôi bầy trò chơi đắp hình, sông núi với em, để có được cùng em, dù một cách rất tội nghiệp buồn rầu, một ý niệm về điểm tựa, về nguồn gốc. Thật là chửng chạc và cũng thật là cảm động. Đó là truyện ngắn thứ nhất của Dương Nghiễm Mậu.

    Sau này, ngắm nhìn một Dương Nghiễm Mậu đã nhanh chóng nổi tiếng, đã có hàng chục tác phẩm được in ra, có được thêm những nhận thức mới về cõi văn sáng rỡ một tâm thức thời đại vô chừng nghiêm chỉnh hiếm thấy ở một người viết trẻ, tôi vẫn mãi mãi nhớ đến hai đứa bé mồ côi đắp hình sông núi quê hương trong sáng tác Rượu Chưa Đủ tôi lượm được trong sọt rác một toà báo của Mậu. Một công viên vắng lặng. Công viên đó chính là hình ảnh con đường văn chương Mậu đã mở ra và đi trên đó, một mình. Những mô hình sông núi quê hương. Đứa nhỏ mồ côi nghiêm chỉnh, sớm hiểu biết, ý thức trong truyện cũng chính là Dương Nghiễm Mậu, đã đắp xong và rất hoàn chỉnh, những mô hình sông núi cho cõi văn, cõi viết của mình.

    Tuần lễ trước đây, ở một lá thơ của một người bạn thân gởi sang từ Sàigòn, có một đoạn bạn tôi vắn tắt cho hay về Dương Nghiễm Mậu sau 1975. Dương Nghiễm Mậu không đi năm 1976, phải trình diện học tập cải tạo, bị giam ở trại tập trung Phan Đăng Lưu Gia Định, hơn một năm sau được thả về cùng một đợt với Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Hiệu, Nhã Ca. Thư kể Mậu bây giờ làm việc ở một xưởng sơn mài thành phố, vẫn sống cùng vợ con trong ngôi nhà cũ vùng ngoại ô Trương Minh Ký, một đời sống từ lâu đã biết làm cho đơn giản đến tận cùng khiến nghèo túng đến mức nào cũng không còn là thảm kịch, và dẫu ở cảnh ngộ nào cũng thư thái ung dung. Thư kể Mậu đi bộ khoan thai trên hè phố, cái dù đen nơi tay, cái nhìn hóm hỉnh, nụ cười tươi tắn. Đúng là Dương Nghiễm Mậu, vẫn là Dương Nghiễm Mậu ấy, sau Rượu Chưa Đủ đến tìm tôi và đưa thêm những truyện mới, những sáng tác mở đầu cho sự nghiệp văn chương tốt đẹp này của Mậu đều được trang trọng giới thiệu trên tờ Sáng Tạo Bộ Cũ và Bộ Mới. Nụ cười tươi tắn, cái nhìn hỏm hỉnh. Đúng là Dương Nghiễm Mậu, độc lập một trời riêng, tách biệt một đường riêng, phản chiếu trong văn viết và trong một tấm hình nổi tiếng độc đáo của Trần Cao Lĩnh, Mậu nhắm mắt mĩm cười dưới một mặt kim đồng hồ kim phút kim giờ cùng ngộ nghĩnh rớt xuống.

    Sau biến cố 1975, trước khi bị truy nã và do đó đứt hết liên lạc bằng hữu, tôi còn gặp Dương Nghiễm Mậu nhiều lần. Một lần ở cổng xe lửa số 6. Trời râm mát mà tác giả Địa Ngục Có Thật vẫn chiếc dù đen trong tay, như một vật tùy thân. Mừng rỡ đứng lại trò chuyện giữa tan hoang Cộng Sản đã vào. Mậu cười nói với tôi: "Nhiều chuyện lạ lắm sắp xảy ra, đây chỉ là bắt đầu và anh em mình sắp nhìn thấy". Rồi kể là đã sắp đặt tức khắc xong xuôi đời sống. Đã đơn giản còn chỗ đơn giản hơn nữa. Đã thu hẹp còn cho thu hẹp hơn nữa. Để lúc nào phải đi thì đi.

    Ít lâu sau, quả nhiên Dương Nghiễm Mậu đã "phải đi", cùng với anh em văn nghệ sĩ miền Nam. Đi thẳng vào trại tập trung Phan Đăng Lưu. Một lần khác, gặp trên hè đường Tự Do, xế cửa nhà sách Xuân Thu. Mậu, một cây dù Tú Xương, tay kia xách một túi giấy, nói ở trong là một cái chăn len, đồ dùng quý nhất còn lại trong nhà, và Mậu đang trên đường ra chợ trời Tôn Thất Đạm bán lấy ít tiền đem về cho vợ mua gạo. Kể chuyện khốn quẫn mà cười thật vui, nét mặt sinh hoạt, ánh mắt riễu cợt. Sau 1975, tôi đã nhìn thấy ở nghệ sĩ ta một số bản lĩnh chói loà. Những phong thái trầm tĩnh, những bản ngã dũng liệt, trong nghịch cảnh mới như một đường kiếm tuốt ra khỏi vỏ, mới lấp lánh hiện hình. Nhưng tươi tắn, vững vàng và trong sự trẻ trung đặc biệt, gần như không có tuổi, thì là Dương Nghiễm Mậu thôi. Chỗ này là chỗ nói đến võ công thâm hậu, đến tư duy đạt thành và kín thầm nhưng đoán thấy, sự kiêu hãnh tuyệt của người nhà văn nơi Dương Nghiễm Mậu.

    Lần sau cùng gặp, thời gian này Mậu vừa được trả tự do, là chiếc dù đen hiền triết tôi nhìn thấy ở trước rạp chiếu bóng Trương Minh Giảng. Lần đó, kẻ bên này đường, kẻ bên kia, tôi đang bị truy lùng ráo riết, nên chỉ nhìn nhau gật đầu, vẫy tay chào không ai đứng lại. Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng tôi nhớ vừa đi vừa còn nhìn lại, nhìn cây dù đen văn chương xa dần, lòng đầy quý mến.

    Bạn hữu còn kể ít nhiều chuyện về hơn một năm lao tù của Mậu ở Phan Đăng Lưu. Như về cái thái độ trầm tĩnh của Mậu đã có một ảnh hưởng rất tốt đẹp với anh em cùng tù, đặc biệt là với Nhã Ca, bao nhiêu năm vẫn trước sau kính trọng Dương Nghiễm Mậu như một người anh lớn. Biết Nhã Ca ngạo ngược nóng nảy, Mậu vắn tắt khuyên: "Cô còn phải trở về nuôi tụi nhỏ", và kèm sát Nhã Ca trong những buổi học tập kiểm thảo. Phải nên có thái độ nào cho đúng, kiểm thảo như thế nào mới là khôn ngoan, an toàn, nhất nhất Nhã Ca đều chịu nghe theo những chỉ dẫn của anh "Dương Nghiễm Mậu". Một chuyện ngộ nghĩnh về Phan Đăng Lưu: Buổi sáng hai anh em được trả tự do, Nhã Ca có người đến đón ở cửa trại, Mậu không có ai, Nhã Ca còn 5 đồng trong túi, Mậu không có một đồng nào. Nhã đưa cả 5 đồng cho bạn, để đi xe. Mậu cầm tiền cười lớn: "Anh là ông vua đi bộ ở Sàigòn, cần gì xe cộ nữa" và dùng 5 đồng của Nhã Ca ung dung vào quán uống cà phê. Chi tiết này đủ cho thấy bản lỉnh Dương Nghiễm Mậu trong nghịch cảnh.

    Một chuyện ngộ nghĩnh khác, vẫn về Phan Đăng Lưu. Chẳng hiểu vì lý do nào cùng với Lê Xuyên tác giả Chú Tư Cầu, Mậu là một trong hai tù nhân văn nghệ bị quản huấn bỏ quên lâu nhất. Mãi gần nửa năm sau, mới được gọi tên. Cuộc thẩm vấn tức cười không thể tả được:

    - Dương Nghiễm Mậu. Tên thật Phí Ích Nghiễm.

    - Sao lại những hai tên?

    - Một tên cha mẹ đặt. Một tên vì nghề nghiệp.

    Quản huấn lắc đầu, Mậu không có một hồ sơ tội phạm. Đành hỏi:

    - Anh bị bắt vì tội gì?

    - Tôi không biết.

    - Vô lý. Phải có tội mới bị bắt. Anh làm nghề gì?

    Mậu nửa đùa nửa thật:

    - Nghề văn nghệ sĩ.

    Tên quản huấn dốt nát chẳng hiểu nghề văn nghệ sĩ là cái nghề quỷ gì, nhưng nét mặt rạng rỡ:

    - Có thế chứ. Vậy tôi ghi vào hồ sơ tội trạng anh, anh nhớ kỹ nhé, tội anh là tội văn nghệ sĩ.

    Tội văn nghệ sĩ. Tếu thật. Nhưng cũng là sự thật. Tác phẩm Dương Nghiễm Mậu, sau 1975, cũng bị đem ra trưng bày tại phòng Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy như sách của chúng tôi. Nội dung những tác phẩm Dương Nghiểm Mậu cũng bị đem ra mổ xẻ và đả kích thậm tệ ở các lớp học, các buổi họp và trên đài phát thanh Cộng Sản. Cái "tội văn nghệ sĩ" do tên quản huấn dốt nát định cho Mậu ở buổi thẩm vấn Phan Đăng Lưu, tôi biết. Mậu công nhận và còn thầm công nhận mãi. Như một ở cùng cảnh ngộ với bằng hữu. Như một tin tưởng vĩnh viễn ở chính mình, và qua bản thân, ở văn chương. Văn chương với Dương Nghiễm Mậu, mang ý nghĩa tốt đẹp nhất và toàn vẹn nhất của một tự thành. Con đường đi vậy là trước sau thông suốt. Những bước chân đi trên con đường ấy vậy là đã tới. Tôi vẫn nghĩ trở lại cái truyện ngắn đầu tay Rượu Chưa Đủ của Dương Nghiễm Mậu tôi nhặt được trong một cái sọt rác và đăng lên một số Sáng Tạo năm nào. Đứa trẻ mồ côi im lặng đào đất chơi trò đắp hình sông nước quê hương. Trò chơi tuyệt vời ấy đã hoàn tất. Nó cũng là cái trò chơi chúng ta cùng nhìn thấy là tuyệt vời và đã hoàn tất, bằng văn chương của người viết văn đi một mình trên con đường mình là Dương Nghiễm Mậu.

    Tin nhà đưa sang cho biết hiện giờ nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã trở thành công nhân một xưởng sơn mài thành phố. Bằng hữu văn nghệ ở Sài Gòn gần như trên hết thảy đã ngừng viết và đã phải đổi nghề. Để sống. Để có lao động, để được yên thân. Nghe nói Nguyễn Thụy Long đi đạp xích lô. Nghe nói Trần Lê Nguyễn bán sách cũ. Nghe nói Nguyễn Đình Toàn nuôi thỏ nuôi gà ở làng Báo Chí cũ. Tất cả đểu dãi dầu, tất cả đều sương nắng. Nghe những tin nhà về bạn bè, thấy lòng xót xa buồn rầu, nhìn thấy những khổ cực đang chồng chất lên những thân thể chữ nghĩa thất thế và đang phải sống giữa chế độ hiện giờ của chúng ta. Riêng nghe tin Dương Nghiễm Mậu bây giờ làm công nhân một xưởng sơn mài thành phố, không hiểu sao tôi lại thấy vui vui và muốn cười. Có lẽ vì Dương Nghiễm Mậu bao giờ cũng đến với tôi bằng khuôn mặt đó. Khuôn mặt một người nhắm cả hai mắt lại, cho cái nhìn trở thành cái nhìn bên trong, cái nhìn tâm hồn, và nụ cười tủm tỉm hóm hỉnh là chân dung Mậu ở tấm hình chân dung ngộ nghĩnh của Trần Cao Lĩnh. Cũng có lẽ vì tôi thấy Mậu vững chãi nhất, chẳng phải buồn phiền và xót xa cho hắn.

    Công nhân một xưởng sơn mài thành phố. Cây dù đen Tú Xương. Đúng là cảnh "Sáng vác ô đi tối vác về" rồi nhé. Dương Nghiễm Mậu! Những tấm sơn mài. Cây dù bên cạnh. Tôi đang hình dung ra Dương Nghiễm Mậu ngồi một mình một góc trong một xưởng thợ Cộng Sản, trước những tấm sơn mài ấy. Muốn hỏi Mậu ở Việt Nam nghìn dặm : "Những tấm sơn mài ấy có vẽ hình sông núi quê hương?" Chắc là có. Chắc là có. Không trên tranh thì trong tim, trong hồn, trong thức, trong ý. Và cái nền của sơn thì vẫn là một con đường. Con đường đi qua đời sống. Con đường đi qua văn chương. Con đường đẹp nhất, vì con đường thẳng tắp. Con đường đẹp nhất, vì là con đường một mình. Cuối cùng là đứa trẻ mồ côi trong truyện ngắn đầu tay Rượu Chưa Đủ của Dương Nghiễm Mậu sự thực không bao giờ mồ côi. Mồ côi là những kẻ khác kia.


    MAI THẢO


    Nguồn: http://vietmessenger.com

              
Trả lời

Quay về “của người”