Câu nói cuối - Mori Ôgai - Nguyễn Nam Trân

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 21047
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Câu nói cuối - Mori Ôgai - Nguyễn Nam Trân

Bài viết bởi Hoàng Vân »








  • Câu nói cuối
              
    Saigo no ikku, 1915
    tác giả Mori Ôgai - dịch giả Nguyễn Nam Trân

    ______________________________________________________________









              
    Hình ảnh
    Mori Ôgai
    Truyện này đã được Bộ Quốc Gia Giáo Dục Nhật Bản chọn làm tài liệu giáo khoa cho ban trung học (lớp 9) kể từ năm 1972.

    Nói về tác giả Mori Ôgai thì ai cũng biết là một cây bút quan trọng hàng đầu thời Minh Trị. Ông tên thật là Mori Rintarô (1862-1922), xuất thân từ vùng Iwami thuộc tỉnh Shimane, đồng thời là quân nhân, y sĩ và công chức cao cấp. Thời trẻ từng tu nghiệp ở Đức.

    Tác phẩm tiêu biểu có "Nàng vũ công" (Maihime), Gia tộc Abe (Abe Ichizoku), Sanshô, một truyện buôn người (Sanshô Dayuu), Thuyền giải tù (Takasebune),Thanh niên (Seinen), "Ngỗng trời" (Gan) vv...






    Đó là ngày 23 tháng 11 năm thứ 3 niên hiệu Genbun (Nguyên Văn) (1738). Ở phủ Ôsaka, các bảng yết thị (takafuda) đã được đem cắm để thông báo việc Katsuraya Tarobê, người làm nghề chở hàng bằng thuyền bè, sẽ bị phơi nắng [1] ở cửa sông Kizukawa trong vòng 3 hôm trước khi đưa đi xử trãm [2]. Không chỗ nào trong thành phố mà người ta không nghe tới những lời bàn tán về chuyện của ông. Nơi cảnh ấy diễn ra một cách đau khổ và thống thiết nhất có lẽ là ngôi nhà của gia đình Tarobê mé cầu Horiebashi cạnh bờ hào xóm Nam (Minamigumi). Từ hơn hai năm nay, những người sống ở đây hầu như đã cách ly hẳn với thế giới bên ngoài.

    Thông tin quan trọng mà gia đình Tarôbê nơm nớp chờ đợi đã được bà mẹ vợ của anh vốn sống ở một xóm khá xa là Hiranomachi đem đến báo. Người trong gia đình Tarôbê vẫn quen gọi bà cụ già có mái tóc bạc phơ này là "Ngoại Hirano". Vì bà ngoại thường mang đến cho lũ con nít năm đứa trong gia đình Tarôbê những món quà quí nên cả Tarôbê, người chủ gia đình lẫn vợ ông, nói chung là cả nhà, đều gọi bà với danh hiệu thân mật ấy.

    Lũ cháu yêu, được nuông chiều và hay đeo bám lấy bà gồm có 5 đứa. Trong bọn có 4 đứa là do con gái của bà, người đã về làm dâu nhà Katsuraya từ năm 17 tuổi, sinh ra trong khoảng 16 năm trời. Cô cháu ngoại lớn hơn cả là Ichi, năm nay 16, cô hai Matsu 14 tuổi.Tiếp đó là Chôtarô, cậu con trai năm nay 12 tuổi mà Tarôbê – vì biết các cô gái mai sau sẽ phải về nhà chồng – đã xin từ trong vòng thân quyến bên vợ ở Hiranomachi về làm dưỡng tử từ khi cậu bé hãy còn nằm nôi. Sau đó, vợ chồng Tarôbê lại có thêm cô con gái thứ ba tên Toku, năm nay lên 8. Cuối cùng, hai ông bà mới được một đứa con trai đầu tiên tên Hatsugorô, vừa 6 tuổi.

    Họ ngoại xóm Hiranomachi vốn khá giả nên quà cáp bà chúng mang đến lúc nào cũng khiến cho đám cháu ngoại hoan hỉ.Thế nhưng kể từ hồi năm kia, ngày Tarôbê bị tống giam vào ngục, chúng bắt đầu cảm thấy thất vọng. Bởi vì trong số món quà bà ngoại mang tới chủ yếu là vật dụng cần thiết cho sinh hoạt trong nhà, chứ đồ chơi hay bánh kẹo thì đã trở thành thiếu vắng.

    Tuy nhiên là đám trẻ đang tuổi lớn, đầy sức sống, chúng không những đã quen với sự thưa thớt quà cáp từ phía bà ngoại mà còn chai dạn với cả thái độ rầu rĩ của mẹ. Do đó, chúng chẳng tỏ ra buồn khổ gì đặc biệt mà vẫn sinh hoạt nhộn nhịp, thay đổi thái độ từng giây từng phút, mới vừa gấu ó tranh giành đã trở lại làm lành và vui vẻ với nhau...

    Thế rồi thay vì chờ tin tức người cha hiện "đang ở một nơi rất xa xôi và không thể quay về", chúng chỉ biết chào mừng những cuộc viếng thăm của bà ngoại.

    Ngược với lũ con, từ ngày tai ách giáng xuống gia đình, bà vợ của Tarôbê chỉ có mỗi thái độ u sầu và nuối tiếc, không chịu tiếp nhận điều gì đến từ thế giới bên ngoài. Ngay với mẹ mình, người lúc nào cũng lo lắng và ân cần chăm sóc, bà chưa có lấy một lời cám ơn. Ngày nào mẹ đến chơi, bà chỉ lập đi lập lại vài câu trong miệng đủ cho mẹ nghe, và như thế, tận lúc người mẹ ra về.

    Lần đầu tiên khi nghe tin tai họa xảy ra, bà vợ không biết làm gì hơn là trợn tròn đôi mắt vì kinh hoàng. Thế rồi, khi sửa soạn bữa ăn cho lũ con, bà vẫn chăm chút cho chúng một cách máy móc chứ phần mình thì không có lấy hột cơm vào bụng. Bà chỉ nhấp vài ngụm nước ấm, tiếng là để cổ họng khỏi khô se. Đêm đến, quá mệt mỏi, bà định lăn ra ngủ cho thật say nhưng vừa chợp mắt thì đã tỉnh rụi và không sao nén được tiếng thở dài. Bà bèn thức dậy, đem đồ ra khâu vá giữa khuya. Lúc ấy bọn trẻ con mới nhận ra rằng mẹ chúng không có ở bên cạnh. Đứa mở mắt ra đầu tiên là thằng út Hatsugorô, lúc ấy chỉ mới 4 tuổi [3]. Sau đó đến lượt con Toku lên 6. Bà mẹ nghe con gọi mới chui vào giường để đàn con an tâm ngủ tiếp nhưng phần mình lại mở to đôi mắt và thở dài sườn sượt. Được hai ba hôm như vậy, hôm bà ngoại chúng có việc cần đến nhà ngủ qua đêm, bà mới có thể vừa khóc vừa tỉ tê với mẹ mình đôi chút. Cứ thế cho mãi đến hai năm sau, cái việc mỗi ngày bà vẫn làm một cách máy móc là lẩm bẩm y nguyên những câu nói đó.

    Ngày người ta cắm bảng yết thị, bà ngoại đã đến nhà vào giữa trưa để báo tin cho vợ của Tarobê biết là số phận của ông chồng đã được quyết định. Thế nhưng người vợ tuy nghe tin dữ vẫn không tỏ ra kinh ngạc như bà mẹ dự tưởng, chỉ khóc và lẩm bẩm trong miệng mấy câu như thường lệ. Trước thái độ hờ hững của con gái, bà mẹ cảm thấy sao mà con mình không ý thức được sự nghiêm trọng của tình hình. Vừa lúc đó, Ichi – cô cháu gái cả - đứng sau cánh cửa kéo, đã tình cờ để lọt vào tai câu chuyện do bà ngoại kể.

    ***

    Tai ách kéo đến giáng lên gia đình Katsuraya vốn có đầu đuôi như thế này. Tarôbê, người chủ gia đình, tiếng là làm nghề đi thuyền nhưng không phải là người có mặt trên thuyền của mình. Ông chỉ là chủ nhân của một chiếc thuyền gọi là Hokkokugayo (Bắc Quốc thông) [4] - loại chở hàng chạy vòng tuyến đường phía Bắc - và để cho cộng sự viên – một người đàn ông tên Shinkichi – trực tiếp kinh doanh việc vận chuyển hàng hóa. Ở vùng Ôsaka, những kẻ như Tarôbê được gọi là Isendô (Cư thuyền đầu, Thuyền trưởng nằm nhà). Thuyền trưởng loại đó sẽ giao việc vận chuyển hàng hóa cho những Okisendô (Trùng thuyền đầu, Thuyền trưởng ngoài khơi) [5] như Shinkichi.

    Mùa thu năm Genbun nguyên niên (1736), thuyền của Shinkichi điều khiển đã chở đầy thóc gạo và dong buồm rời cảng Akita thuộc phiên Dewa (trên miền Bắc). Chẳng may giữa đường, chiếc thuyền ấy đã bị bão tố đánh cho tơi tả, thiếu điều sắp đắm, còn như hàng hóa thì phân nửa đã trôi giạt theo sóng nước. Shinkichi bèn đem số thóc gạo còn lại bán đi lấy vàng nhưng số vàng đó vẫn không đủ để hoàn lại cho những người chủ thóc cho nên sau đó, có lẽ nó đã được họ xem như món tiền dành để tu bổ chiếc thuyền.

    Cho đến lúc ấy, Tarôbê là một nghiệp chủ cương trực nhưng ngay sau khi việc kinh doanh bị một vố tổn thất to lớn như thế và đứng trước mớ vàng bày ra trước mắt, bất chợt lương tâm ông như tấm kính bị mờ nên đã đưa tay vơ món tiền ấy làm của riêng.

    Khi những ông chủ các vựa thóc ở Akita được người ta báo tin là thuyền chở hàng gặp nạn, số hàng hóa sót lại còn bao nhiêu và đã được ai mua lại thế nào, đã quyết tâm cử người điều tra. Cuối cùng họ còn biết cả mọi chi tiết về số vàng Shinkichi trao lại cho Tarôbê.

    Mấy ông chủ vựa bèn xuống phủ Ôsaka tố cáo. Một mình Shinkichi là tẩu thoát được, còn Tarôbê thì bị tống giam vào ngục và đợi ngày lãnh lấy án tử.

    ***

    Chuyện xảy ra vào đêm "ngoại Hiranomachi" đến nhà kể cho nghe cái tin khủng khiếp mà cô chị cả Ichi tình cờ nghe lóm. Bà vợ ông Tarôbê thì như mọi hôm, sau khi khóc lóc tỉ tê và lầu bầu trong miệng, đã thấm mệt rồi lăn ra ngủ như chết. Nằm hai bên hông bà là cậu út Hatsugorô và cô Toku. Phía bên ngoài cạnh Hatsugorô là cậu Chôtarô. Bên cạnh Toku là Matsu, cuối cùng cô chị cả Ichi, tất cả thành một hàng dài.

    Nằm được một đỗi bỗng thấy Ichi lẩm bẩm cái gì bên trong tấm chăn. Hình như cô đang nói:

    -À, thế thì mình phải làm như thế này. Có lẽ hay đấy!

    Matsu nghe được tiếng của chị. Cô bé mới bảo:

    -Này! Chị chưa ngủ sao?

    -Đừng nói to chứ em! Chị vừa nghĩ ra một cách hay lắm.

    Ichi nói như vậy trước để đe em đã, rồi mới thì thầm cho nó nghe một nội dung như sau: "Ngày mốt đây, cha sẽ bị xử tử, thế nhưng chị nghĩ có cách khiến cho họ không thể giết cha chúng mình được. Về cách thức thì mình phải viết một lá đơn thỉnh nguyện (negaisho) rồi gửi lên vị quan phụ trách hình án. Thế nhưng nếu chị em mình bảo xin thượng quan đừng giết bố tôi thì chẳng ai chịu nghe đâu. Phải nói là xin ngài hãy cứu lấy bố tôi, và thay vào đó, bọn con cái chúng tôi sẽ chịu chết thay cha, thì mới được. Nếu chỉ cần nghe thế thôi mà quan hình án không giết bố thì đúng là điều chúng mình mong đợi. Còn việc quan có đòi giết hết lũ con nít để thế mạng, hay chỉ giết mỗi mình chị và tha thứ cho các em bé thì đó là điều chị chưa đoán được.Tuy nhiên, khi làm đơn thỉnh nguyện, chị sẽ viết thêm là xin quan hãy chừa mạng cho một mình em Chôtarô. Lý do là thằng Chô không phải con bố đẻ ra nên không có lý do gì bắt nó phải chết. Hơn nữa bố có lần nói nó sẽ là đứa con trai nối nghiệp tông đường nên đừng để nó chết thì tốt hơn".

    Ichi chỉ trình bày với em gái có chừng đó. Matsu mới bảo:

    -Nhưng, em sợ quá chị ơi!

    -Như vậy là em không muốn cứu bố à?

    -Muốn chứ sao không?

    -Nếu thế thì đây này. Matsu cứ làm theo đúng y những gì chị làm là được. Tối nay chị sẽ soạn lá đơn thỉnh nguyện để ngày mai sáng sớm chúng mình đem đi trình quan nhé!

    Ichi bèn ngồi dậy, cầm lấy một mảnh giấy nửa khổ dùng để tập viết và thảo lá đơn thỉnh nguyện bằng kiểu chữ hiragana. Nội dung là xin quan hãy tha thứ cho bố và thay vào đó, xin xử tội chị em chúng con tức Ichi, Matsu, Toku và cuối cùng là cậu em trai Hatsugorô. Còn như Chôtarô thì em ấy không phải là con đẻ của bố chúng cháu thì xin quan hãy đặc xá cho nó. Nói là viết với cái ý như vậy nhưng không biết trình bày sao cho rõ nên Ichi cứ loay hoay xóa đi chép lại mấy lần làm cho mớ giấy trắng dùng để viết vơi đi gần hết.Tuy vậy, rối cục thì đến lúc gà gáy sáng lần đầu thì lá đơn kia cũng đã được viết xong.

    Giữa khi Ichi đang ngồi viết đơn, Matsu đã đi ngủ trở lại. Ichi phải gọi nho nhỏ để đánh thức em gái dậy và lấy tấm áo vẫn xếp ngay ngắn trên mặt chiếu bên cạnh chỗ nằm để em thay. Về phần mình, cô bé cũng sửa soạn mặc đồ vào.

    Mẹ cô và cậu em út Hatsugorô vẫn ngủ say, không hay gì cả. Duy Chôtarô thì đã mở mắt và đặt câu hỏi; "Chị ơi chị, bộ trời sáng rồi hay sao?". Ichi bèn đến bên chỗ em nằm và thì thào với cậu: "Trời hãy còn sớm. Em cứ việc ngủ. Hai chị có chuyện quan trọng phải lo cho bố, sẽ đi ra ngoài một chốc rồi về ngay thôi"

    -Như vậy thì cho em theo với!

    Chôtarô nói như thế và vùng ngồi dậy. Ichi mới bảo:

    -Thôi được. Dậy đi rồi chị mặc quần áo vào cho. Tuy Chô còn nhỏ nhưng em là đàn ông con trai, đi với hai chị cũng được việc lắm.

    Bà mẹ nghe những tiếng động lao xao quanh chỗ mình nằm giống như những gì đang xảy ra giữa cơn mơ, trong lòng bất an khiến bà phải trở mình nhưng vẫn không mở mắt.

    Ba đứa trẻ rón rén đi ra cửa vừa lúc tiếng gà gáy lần thứ hai báo sáng. Bên ngoài, trời hừng đông còn đẫm sương mai. Cô chị cả Ichi bèn cất tiếng hỏi một ông lão đang xách đèn lồng và chập hai thanh gỗ làm mõ tuần đêm xem đi đường nào sẽ tới được dinh quan án. Ông ta chăm chúnghe câu chuyện của mấy đứa trẻ và chỉ bảo rành rẽ cho chúng dinh của vị quan án ở nha thự phía Tây (Nishibugyô) hiện đang giữ phiên trực cho tháng này (tsukiban). Đương thời, về nha thự của các viên quan cai trị trong thành phố thì phía Đông có ngài Inagaki Tanenobu tước trấn thủ vùng Awaji, còn phía Tây có ngài Sasa Matashirô Narimune. Bấy giờ nhằm tháng 11 nên đúng là tháng mà ngài Sasa của nha phía Tây giữ phiên trực.

    Sau khi nghe ông lão tuần canh giải thích xong, Chôtarô bèn cất tiếng bảo:

    -Nếu đúng là khu vực ấy thì em biết đường mà!

    Do đó, hai cô chị bèn để cho Chôtarô đi đằng trước dẫn đi..

    Cả bọn đi mãi, rốt cuộc nha thự phía Tây đã hiện ra trước mắt nhưng nhìn rõ mới thấy cổng dinh đang đóng im lìm. Khi đến dưới cánh cửa sổ của ngôi nhà dùng làm điếm canh, Ichi mới dọ dẫm nhiều lần:

    -Moshi, moshi, thưa có ai không ạ?

    Được một lúc, cánh cửa sổ ấy mở, từ bên trong có khuôn mặt của một người đàn ông trạc 40 ló ra nhìn xuống.

    -Làm gì ồn ào thế?

    Thế nhưng Ichi vẫn nghiêm trang cúi đầu thi lễ và nói:

    -Dạ chúng cháu có việc đến bày tỏ nguyện vọng lên quan án.

    -Ờ ờ!

    Tuy trả lời như vậy nhưng người gác cổng coi bộ không dễ gì hiểu hết ý nghĩa câu nói của Ichi nên cô bé đành phải lập lại một lần nữa.

    Hình như người đàn ông kia rồi cũng vỡ lẽ nên ông ta mới nói:

    -Quan trên ngài không bao giờ tiếp con nít. Bọn bay về nhà bảo cha mẹ bay đến đây đi.

    -Thưa không được ạ. Bố chúng cháu ngày mai sẽ bị đem ra xử tử (shioki). Vì thế hôm nay chúng cháu mới đến thưa quan đấy ạ!

    -Cái gì? Mai bị hành hình hả? Thế thì bọn bay có phải là con cái nhà Katsuraya Tarôbê hay không đấy?

    Ichi bèn trả lời:

    -Thưa đúng ạ.

    Người đàn ông "Hừm" một tiếng rồi suy nghĩ thêm một lúc.Sau đó, ông ta mới bảo:

    -Thế thì khiếp thật. Đến cả con nít còn không biết sợ quan trên. Ngài không thể nào tiếp chuyện chúng bay đâu. Cút đi ngay!

    Nói xong, ông ta sập cửa sổ lại.

    Matsu mới nói với chị:

    -Chị ơi. Người ta đã mắng mỏ như vậy thì mình về phứt đi chị nhé!

    Ichi trả lời:

    -Em im đi! Không phải vì bị mắng mà em phải bỏ về. Cứ làm đúng như chị làm là được. .

    Nói xong, Ichi bèn đến trước cổng nha và ngồi bệt xuống. Hai đứa Matsu và Chôtarô cũng lần lượt ngồi xuống như chị chúng.

    Ba đứa trẻ ngồi đó một hồi lâu để đợi khi cổng mở. Rốt cuộc chúng mới nghe tiếng người ta tháo cái song hồng (kannuki) và sau đó, cánh cổng được mở ra. Người ra mở cổng là gã đàn ông hồi nãy từ cửa sổ ló đầu ra nhìn xuống bọn nhỏ.

    Ichi đứng lên đầu tiên và bước vào bên trong cánh cổng thì Matsu và Chôtarô cũng đi liền theo sau lưng chị. Bởi vì thái độ của Ichi quá thản nhiên nên người canh cổng không kịp làm một cử chỉ để giữ chân cô bé lại. Chẳng mấy chốc mà cả ba đứa trẻ đã lọt được vào sân trong và tiến về phía cửa nha. Chỉ đưa mắt nhìn theo và coi chừng chúng đang làm gì, rốt cuộc người gác cổng như chợt nhớ ra mới la lên để ngăn chặn chúng: "Ê, ê, tụi nhỏ!"

    -Vâng!

    Ichi ngoan ngoãn dừng bước và quay đầu lại.

    -Chúng bay định đi đâu vậy? Hồi nãy tao đã bảo cút đi rồi cơ mà!

    -Chú có nói vậy thật nhưng chúng cháu nhất định sẽ không quay về cho đến khi lời thỉnh cầu của chị em cháu được quan trên biết tới.

    -Hừm! Bọn này lì lợm thật. Tuy nhiên, chúng bay không có quyền héo lánh đến nơi đó. Trở lại đây ngay!

    Bọn trẻ con bèn quành lại và đi về phía điếm canh. Thì cũng vừa lúc đó, từ bên hông nha thự có bóng hai ba thầy đội (yoriki) thuộc đám lính túc vệ (tsumeshuu) trực ban xuất hiện. Họ quây thành vòng chung quanh mấy đứa bé. Ichi làm như đã chuẩn bị sẵn cho lúc ấy, cô bé bèn quì gối xuống, lấy từ bên trong ngực áo lá đơn mà mình đã soạn và chìa thẳng về phía thầy đội đang đứng trước mặt. Matsu và Chôtarô cũng nhất loạt quì xuống đất và cúi đầu thi lễ.

    Thầy đội được Ichi chìa lá đơn về phía mình còn đang do dự, không biết có phải đưa tay cầm lấy nó hay không, chỉ đưa mắt nhìn xuống mặt cô gái. Ichi lại lên tiếng:

    -Xin thầy vui lòng nhận giúp cho.

    Người gác cổng chen vào để giải thích:

    -Mấy đứa này là con cái nhà Katsuraya Tarôbê, tội phạm bị đem phơi nắng ngoài cửa sông Kizukawa đấy ạ.Chúng nó bảo là muốn nộp đơn để xin quan trên cho cha chúng nó được toàn mạng.

    Thầy đội ấy mới quay lại nói với bạn đồng liêu:

    -Hay là chúng mình tạm thu lá đơn này rồi thử trình lên quan lớn xem sao, các bác nhỉ?

    Không thấy ai phản bác điều ông ta nói.Thầy đội ấy mới cầm lấy lá đơn Ichi chìa ra và đi vào bên trong cánh cửa nha.

    ***

    Quan án sát (bugyô) Sasa, người đứng đầu nha thự phía Tây là một trong hai vị đường quan lo việc hình án. Ông vừa mới được bổ nhiệm và chỉ nhận việc ở Ôsaka chưa đầy một năm. Mọi việc điều hành trong nha đều phải nhờ bạn đồng liêu là Inagaki tư vấn rồi mới trình lên quan thủ thành (jôdai) [6] xử lý. Về chuyện tố tụng liên quan đến Katsuraya Tarôbê thì sau khi nhận được hồ sơ từ người tiền nhiệm và ý thức được đó là một vụ đại án, ông đã cho làm thủ tục hành chính xử tử can phạm. Sau khi quyết định xong xuôi, Sasa cảm thấy như mình vừa trút đi một gánh nặng trên vai.

    Thế mà đến buổi sáng hôm nay, khi bọn lính túc trực trong nha vào thưa với ông là có một lá đơn xin tha mạng, trước tiên Sasa có cảm tưởng khó chịu như có ai đó muốn đến phá đám một việc mình đã quyết định suôn sẻ.

    Giọng nói của Sasa lúc ấy lộ ra một vẻ bất mãn:

    -Đứa nào đang léo nhéo đó hở?

    -Bẩm quan, hai đứa con gái và một đứa con trai của phạm nhân Tarôbê đấy ạ. Nhân vì đứa con gái cả thưa là nó muốn trình ngài một lá đơn nên chúng con mới thu hộ cho nó. Ngài có thụ lý không ạ?

    -Giống như trường hợp Hộp thư dân nguyện (Meyasubako) [7] mà nhà nước đã thiết lập, bây giờ nếu ta có nhận một lá đơn của dân thì cũng không phải là chuyện gì đặc biệt nhưng tất cả đều phải theo đúng thủ tục chứ không thể nhận lấy một cách xằng bậy. Tuy nhiên, nếu các ngươi đã trót nhận thì cứ đưa đây cho ta xem.

    Thầy đội kia bèn trình lá đơn ấy cho Sasa. Vừa mới mở nó ra đọc, gương mặt của Sasa đã lộ vẻ sửng sốt:

    -Đứa gọi là Ichi có phải là con gái cả của phạm nhân hay không hử?

    -Chúng con chưa điều tra kỹ nhưng mới nhìn qua thì thấy đó là một đứa bé gái trạc 14, 15 tuổi.

    -Thế à?

    Nói xong, Sasa tiếp tục đưa mắt đọc lá đơn. Tuy không quen mắt với một thứ đơn từ chỉ viết bằng mỗi kiểu chữ hiragana giản dị nhưng ông thấy trong đó, lời lẽ rất rành rẽ, ngay cả một người lớn cũng không thể nào trình bày sự tình một cách gãy gọn qua một lá đơn ngắn ngủi như vậy. Bỗng nhiên trong đầu ông nẩy ra câu hỏi: "Biết đâu lá đơn này chẳng do một người lớn viết ra? Nếu đúng như thế thì cái tội mạo danh để lừa dối quan trên phải trừng trị mới được". Ông bèn nghĩ ra một cách xử trí. Đúng ra thì Katsuraya Tarôbê còn phải bị đóng gông phơi nắng cho đến cuối ngày mai. Giờ hành hình vẫn còn xa. Từ đây đến đó, dù thụ lý lá đơn này hay không, mình vẫn còn kịp thời giờ để tiếp tục bàn bạc với bạn đồng liêu và trình lên thượng cấp. Ví bằng lá đơn có điều gì dối trá thì mình cũng có đủ thời giờ truy nguyên trong lúc vẫn để cho mọi thủ tục hình pháp được tiến hành. Tuy nhiên, phải đuổi bọn con nít về nhà cái đã. Đó là điều Sasa nghĩ thầm trong bụng.

    Lúc đó, ông mới hạ lệnh cho thầy đội (yoriki): "Hãy giải thích cho bọn con nít là ngươi đã đọc qua (naiken) nội dung lá đơn nhưng không thể trình thẳng lên quan án được và bảo chúng nó mang về cho Hội đồng hương lão (Machidoshiyori) thông qua mới được.

    Thầy đội mới thưa với Sasa rằng người gác cổng đã nhiều phen đuổi mấy chị em về nhưng lần nào chúng đều dẫy nẩy không nghe. Sasa bèn lệnh cho bộ hạ hãy thử dụ dỗ chúng bằng bánh kẹo mà đuổi đi, ví bằng chúng vẫn không nghe thì hãy dùng sức mà lôi kéo cho kỳ được.

    Sau khi thầy đội rời nha, quan thủ thành Ôsaka là ngài Ôta Sukaharu, tước trấn thủ vùng Bichuu [8] vì có chút việc riêng quá bộ đến thăm Sasa chứ không phải là một cuộc tuần tra chính thức.Sau khi mọi việc cần thiết của Ôta đã được giải quyết xong, Sasa mới nghĩ rằng có lẽ đây là lúc ông phải báo cáo Ôta về chuyện đang xảy ra. Do đó, trước tiên ông đã trình bày quan điểm của mình và xin chỉ thị của Ôta.

    Nhân vì Ôta cũng chẳng có ý kiến gì mới mẻ nên đã đồng ý ngay với Sasa. Qua đến buổi trưa thì quan án nha phía Đông cũng được mời tham dự cuộc gặp mặt và họ đã quyết định gọi 5 cụ trong Hội đồng hương lão cũng như cho bắt đám con nít nhà Katsuraya Tarôbê đem đến dinh. Vì Sasa muốn làm cho ra lẽ để xem việc soạn thảo lá đơn này có gì uẩn khúc hay không nên ông đã cho bày trước cái sân trải sỏi (shirasu) [9] ba loại hình cụ dùng để tra tấn. Thủ đoạn này nhằm đe nẹt bọn con nít và buộc chúng phải thổ lộ sự thực.

    Vừa khi cuộc thảo luận của các quan lớn sắp chấm dứt thì người đội trưởng khi nãy bèn ra phía cửa để nghe ngóng tình hình. Có tiếng Sasa vọng ra:

    -Sao? Bọn trẻ đã chịu về chưa?

    -Chúng con theo lệnh bề trên cho bánh kẹo, dụ dỗ chúng về nhà nhưng con bé tên Ichi nhất quyết không nghe. Chúng con bèn dúi trả lá đơn vào trong áo nó và dùng sức mạnh để lôi chúng đi. Trên đường, mấy đứa em gái khóc thút tha thút thít nhưng con bé Ichi tuyệt nhiên không có lấy một giọt nước mắt.

    Ôta quay lại nhìn Sasa và than:

    -Con nhãi này coi bộ ương ngạnh dữ nghe!

    ***

    Hôm ấy nhằm ngày 24 tháng 11 vào lúc cuối giờ Mùi, ở nha thự quan án sát khu vực phía Tây, trên mặt sỏi trắng sân pháp đình, ánh nắng một ngày tạnh ráo chiếu xuống chói chang. Trong gian phòng xử (shôin) [10], hai vị quan án ngồi thành hàng bên nhau. Phía sâu ở bên trong phòng, họ có bày một chỗ ngồi – tuy không lộ ra cho bên ngoài thấy – nhưng đủ giúp cho quan thủ thành theo dõi mọi diễn tiến. Mấy thầy đội lính túc vệ được lệnh điều tra ngồi dàn ra ở hai bên hàng hiên, họ sẽ hành động theo chỉ thị của quan thư ký (kakiyaku).

    Lũ thủ hạ của tòa án (dôshin) đã bày ba thứ hình cụ (mitsudôgu) [11] vốn dùng để tra tấn mà những phiên đại hình nghiêm trọng lúc nào cũng phải có. Người vợ của Katsuraya Tarôbê và 5 đứa con được dẫn ra đấy, theo sau là 5 ông già thuộc Hội đồng hương lão.

    Vợ Tarôbê là người được hỏi cung đầu tiên, tuy nhiên khi được hỏi tên hỏi tuổi, bà chỉ trả lời nhát gừng, ngoài ra, khi được hỏi về những chuyện khác thì cứ lập đi lập lại: "Tôi không biết gì cả!" hay "Xin các ông tha cho!" chứ không khai báo gì hết

    Đến lượt cô gái cả Ichi chịu thẩm vấn. Tuy hồi đó tuổi đã 16 nhưng cô bé ốm o này trông có vẻ hãy còn ngây thơ.Tuy nhiên cô không lộ ra một nét sợ hãi nào và cứ trình bày cùng một lối giải thích. Từ chuyện nghe lóm lời kể của bà ngoại, rồi nằm trên giường nghĩ ra chuyện viết đơn, việc tâm sự với cô em gái Matsu để rủ cùng đi, việc mình thảo lá đơn như thế nào, cậu em Chôtarô tỉnh giấc và đòi theo ra sao, khi hỏi đường đến dinh quan án và được chỉ dẫn như thế nào, từ việc gặp người gác cổng và sau đó là các thầy đội, cho đến việc trao lá đơn cho họ rồi sau đó bị họ cưỡng ép bắt về nhà vv...Nói chung là tất cả chi tiết những gì xảy ra từ ngày hôm qua, khi được hỏi, cô bé đã trả lời rành mạch không thiếu gì hết.

    Viên chức thẩm vấn bèn hỏi tiếp:

    -Thế thì ngoài Matsu, mi không đem chuyện này ra bàn với ai khác, có đúng không?

    -Cháu không bàn với ai hết ạ. Ngay với Chôtarô, cháu cũng không nói rõ. Cháu chỉ xin các em chung sức để cùng nhau cứu bố. Khi từ nha trở về và được gặp các cụ hương lão, chúng cháu đã thưa là 4 chị em chúng cháu nguyện đem dâng tính mạng mình để bố khỏi bị xử hình thì lúc ấy, em Chôtarô cũng xin được chia sẻ số phận với 4 chị em và nhờ cháu viết một lá đơn khác cho riêng mình để đưa đi trình.

    Ichi vừa thuật chuyện đó xong thì Chôtarô đã lấy trong ngực áo ra một lá đơn.

    Viên chức thẩm vấn ra hiệu, một tên bộ hạ bèn tiến đến lấy lá đơn đó từ tay Chôtarô và đưa về phía hàng hiên. Viên chức ấy bèn mở ra và đem so sánh với lá đơn của Ichi. Lá đơn này đã được các cụ hương lão trao sẵn cho nhân viên thẩm vấn trước khi cuộc hỏi cung bắt đầu.

    Trong lá đơn của Chôtarô, cậu bé cho biết mình muốn được cùng với 4 chị em chịu tội chết để cứu lấy bố. Bút tích của lá đơn này cũng cùng một kiểu với lá đơn trước kia của Ichi.

    Nhân viên thẩm vấn lại gọi Matsu. Tuy được gọi nhưng Matsu có vẻ như không để ý là có ai đang gọi mình. Ichi phải giục: "Người ta gọi em đó!", lúc ấy Matsu đang cúi mặt mới bắt đầu ngẩng lên với vẻ e sợ, nhìn mấy ông nha lại đang ngồi bên hiên.

    Viên chức thẩm vấn hỏi:

    -Mi cũng muốn chết chung với chị mi sao?

    Matsu trả lời "Vâng ạ!" và gật gật đầu.

    Sau đó, viên ấy lại gọi Chôtarô. Chôtarô liền nhanh nhẹn nói "Vâng!"

    -Trong đơn của mi có viết là mi muốn được chết cùng với mấy chị em. Có đúng không?

    Chôtarô trả lời rõ ràng:

    -Thưa vâng. Nếu các chị em cháu chết thì cháu không muốn sống nữa đâu.

    -Toku!

    Viên chức thẩm vấn gọi tiếp.Toku thấy người ta gọi các chị và anh mình theo thứ tự nên em đã biết sẽ đến lượt mình. Do đó, nó chỉ ngẩng đầu lên và đưa mắt nhìn thẳng vào mặt người nha lại.

    -Bộ mi không sợ chết hay sao?

    Toku im lặng và trong khi nhìn ông ta, đôi môi của cô bé đã nhạt mất màu hồng và mắt bắt đầu rưng lệ.

    Viên chức lại gọi:

    -Hatsugorô!.

    Cậu con út mới vừa lên 6 Hatsugorô cũng chỉ im lặng nhìn khuôn mặt của người nha lại nhưng khi ông ta lại hỏi tiếp: "Mi thì sao? Muốn chết ư?" thì cậu đã lắc đầu một cách dứt khoát. Không hẹn mà những người ngồi trong gian phòng xử đều bất giác mỉm cười.

    Lúc ấy, Sasa mới đi ra tận phía trước bục cửa và lên tiếng gọi:

    -Ichi!

    -Thưa vâng.

    -Điều mi vừa thưa lên không có mảy may dối trá và hoàn toàn chính xác, có phải không nào? Nếu như có ai chỉ bảo hay mi đã bàn tính với một người nào khác thì hãy khai ra ngay! Ví bằng có điều gì ém nhẹm, ta sẽ sử dụng những hình cụ đang bày ra tra tấn cho đến khi ngươi thành khẩn khai báo.

    Thế rồi Sasa bèn trỏ ngón tay về phía góc có đặt mấy món hình cụ dùng vào việc hỏi cung.

    Ichi thoáng đưa mắt nhìn về hướng ông ta vừa trỏ, nhưng không hề bị lung lạc. Cô bé trả lời ngay:

    -Bẩm quan lớn, những điều cháu vừa thưa với ngài hoàn toàn không có gì gian dối.

    Mắt của cô bé lúc đó thật lạnh lùng và giọng nói cũng hết sức trầm tĩnh.

    -Thế thì bây giờ ta hỏi tiếp một câu: Vì mi nguyện đem tính mạng chết thế cho cha thì ta sẽ giết ngay tất cả chị em mi. Mi sẽ không bao giờ nhìn được mặt cha mi nữa. Đối với mi, như thế có ổn thỏa không?

    -Bẩm quan, thế cũng được ạ!

    Ichi vẫn nói với một vẻ mặt lạnh lùng và cùng một giọng bình thản như trước. Thế rồi, ngừng lại một thoáng và như vừa có điều gì chợt đến lên trong lòng mình, cô bé mới nói tiếp: "Bởi vì những gì quan lớn định đoạt có lầm lẫn bao giờ đâu ạ!" [12]

    Sasa bỗng thất sắc, ông thấy như có ai vừa tát một phát vào mặt mình nhưng cảm tưởng đó đã tiêu tán ngay, chỉ còn tia mắt nghiêm khắc của ông là đang đổ dồn vào mặt Ichi. Không biết có phải gọi nó là một cái nhìn vừa kinh ngạc vừa hiểm ác hay chăng? Thế nhưng Sasa đã không hé răng nói ra lời nào.

    Thế rồi không biết Sasa thì thầm điều gì vào tai sai nha phụ trách thẩm vấn mà sau đó viên này đã ra chỉ thị cho đám hương lão: "Thôi, việc quan đã xong, các ngươi hãy đưa chúng nó về!"

    Sau khi đưa mắt nhìn theo bọn trẻ con rời khỏi sân cát trắng nằm trước phòng xử án, Sasa bèn quay lại nói với Ôta và Inagaki: "Mai sau con bé này sẽ đáng sợ lắm đây, các ngài nhỉ?" Trong lòng mình, ông không giữ lại hình ảnh đáng thương của cô bé hiếu hạnh cũng như hình ảnh của đứa con gái ngu xuẩn dám lên mặt dạy đời mà chỉ có mỗi cái lạnh lùng như băng tuyết, bén nhọn như mũi kiếm đến từ câu nói cuối cùng của Ichi còn lanh lảnh đâu đây. Những kẻ nha lại dưới thời Tokugawa chưa hề biết đến từ ngữ Tây phương gọi là "Martyrium" [13] . Ngay cả từ điển thời đó vẫn chưa thấy có từ Nhật tương đương là "hiến thân" (kenshin) để dịch nó. Đâu phải quan án Sasa không biết rằng trong tâm hồn con người, bất luận nam phụ lão ấu, đều có thể nẩy sinh những phản ứng tương tự như câu nói vừa rồi của đứa con gái phạm nhân Tarôbê! Thế nhưng trong lúc Ichi làm một hành động hy sinh tính mạng của mình như vậy thì lưỡi kiếm của sự chống đối tiềm ẩn trong câu nói của cô bé không chỉ chĩa mũi vào mỗi Sasa mà còn đâm cả vào lồng ngực các vị đại quan đang ngồi trong phòng xử án.

    ***

    Cả quan thủ thành lẫn hai vị án sát đều cảm thấy Ichi là một "con bé khác thường". Kèm theo cảm tưởng đó là một lòng tin có tính mê tín dị đoan là họ sợ mình đang bị con bé ấy trù ẻo.Tuy sự đồng tình của họ đối với cô bé hiếu thảo ấy chỉ nông cạn như thế thôi nhưng vào thời đó, cơ cấu hành chánh tư pháp nhiều khi lại chịu ảnh hưởng của những động cơ hết sức cổ lỗ. Không ai ngờ là nhờ có nó mà những điều Ichi mong đợi đã đạt được mục đích cuối cùng. Ngày giờ Katsuraya Tarôbê phải chấp pháp đã "được triển hạn để chờ ý kiến của Edo". Điều này được viên chức phụ trách việc thẩm vấn thông báo cho Hội đồng hương lão ngay hôm sau tức ngày 25 tháng 11 năm Genbun thứ 3 (1738). Thế rồi qua ngày mồng 2 tháng 3 năm Genbun thứ 4 (1739), "nhân vì ở Kyôto có tổ chức đại lễ Daijôkai (Đại Thường Hội) [14] mừng tân thiên hoàng lên ngôi [15] tội tử hình của Tarôbê đã được ân xá và đổi sang án lưu đày biệt xứ". Phạm nhân từ giờ sẽ không được héo lánh tới ba vùng Bắc và Nam Ôsaka và Tenman. Gia đình Tarôbê một lần nữa được gọi tới nha thự phía Tây của quan án sát và họ được phép đến chào từ giã người cha. Buổi lễ gọi là Daijôkai đã bắt đầu cử hành từ năm Jôkyô (Trinh Hưởng) thứ 4 (1687) nhằm lúc Thiên hoàng Higashiyama tức vị và đã đình chỉ vào ngày 19 tháng 11, ngay trước khi bảng yết thị (takafuda) loan báo kết quả vụ án của Katsuraya Tarôbê được dựng lên tức ngày 23 cùng tháng 11 năm Genbun thứ 3 (1738). Như thế, nó đã kéo dài trong vòng 51 năm trước khi bị đình chỉ trong một thời gian ngắn cho đến lúc Thiên hoàng Sakuramachi [16] (lên ngôi năm 1735) nghĩ đến việc phục hồi trở lại.




    Dịch ngày 21/06/2022

              

    Văn bản:
    Mori Ôgai, Saigo no ikku (Câu nói cuối, 1915), trong Kyôikusho tampenshuu (Ningen no Jôkei) (Đoản văn trong giáo khoa thư nói về tình cảnh con người), thuộc loại sách bỏ túi do Nxb Chuô Kôron (Tôkyô) xuất bản lần thứ 3 năm 2016.


    [1] - Mục đích chính là thị uy thiên hạ trước khi hành hình.
    [2] - Truyện viết theo tập Ichiwa ichigen (Nhất thoại nhất ngôn) của nhà văn hí tác kiêm thi sĩ cuồng ca Ôta Nanpô (Thái Điền Nam Mẫu, 1877-1969) biệt hiệu Shokusanjin (Thục Sơn Nhân). Truyện nói về lá đơn thỉnh nguyện của Ichi, con gái can phạm Katsura Tarôbê, trong một vụ án xảy ra vào năm Genbun thứ 3 (1738).
    [3] - Chuyện xảy ra 2 năm về trước nên số tuổi của bọn trẻ con phải trừ đi 2.
    [4] - Đường biển tải hàng hóa từ vùng Đông Bắc xuống phía Nam rồi vòng vào biển nội địa ở Shimonoseki để đi ngược lên đến khu vực Kyôto và Ôsaka.
    [5] - Trên thực chất là người chịu trách nhiệm toàn bộ cuộc vận chuyển.
    [6] - Vào thời Edo, thành Ôsaka và Shunpu là hai ngôi thành đặc biệt trực thuộc trung ương chứ không được chia cho một lãnh chúa nào cả. Mạc phủ thường cắt một người thân tín thường thuộc nhóm Hashimoto (thân vệ nhà Chúa) làm người thủ thành thay cho họ.Ông này là thượng cấp của hai quan án.
    [7] - Bắt đầu từ đời Shôgun thứ 8 Tokugawa Yoshimune (tại chức 1716-45).
    [8] - Một trong 3 vùng (tiền, trung, hậu) thuộc Kibi (nay là tỉnh Okayama): Bizen, Bichuu và Bigo.
    [9] - Shirasu (Bạch châu), ám chỉ cái sân trải cát trắng, chỗ dành cho can phạm và nhân chứng đến hầu tòa quì, nó nằm đằng trước một bục gỗ cao nơi quan án ngồi xử kiện.
    [10] - Shôin (thư viện) vốn có nghĩa là thư trai hay gian phòng khách trong một dinh thự, nhưng theo ngữ cảnh ở đây, có thể hiểu là pháp đình đặt trước sân trải sỏi, nơi các quan ngồi để phán xử.
    [11] - Thường là gậy gộc, đao thương và giây treo.
    [12] - Câu nói này do Mori Ôgai hư cấu chứ không đến từ nguyên tác của Ôta Nanpô.
    [13] - Mori Ôgai dùng chữ gốc Đức (nơi ông từng du học) vốn có nghĩa là tuẫn đạo hay xả thân,
    [14] - Còn gọi là Đại Thường Tế (Daijôsai) trên nguyên tắc là lễ cúng lúa mới cho Nữ Thần Thái Dương và chư thần vào vụ mùa đến sau năm tân Thiên hoàng lên ngôi.
    [15] - Tức thiên hoàng đời thứ 112 tên gọi Higashiyama Tennô (Đông Sơn Thiên Hoàng,1675-1709), tại vì từ 1687 đến 1709.
    [16] - Thiên hoàng Sakuramachi (Anh Đinh, 1720-1750) trị vì từ 1735 đến 1747.


              

              
    http://chimvie3.free.fr/87/nguyennamtra ... oa_087.htm
Trả lời

Quay về “Nhật”