Người đẹp tắm trăng
Gekkô no Domina, 1958
tác giả Endo Shusaku - dịch giả Nguyễn Nam Trân
______________________________________________________________
Trên Boulevard Jourdan, con đường ven thủ đô Paris, có một nơi gọi là Làng đại học (Cité Universitaire). Nói là làng có vẻ hơi to tát nhưng đây là một vùng đất rộng, trên đó có nhiều ngôi nhà mọc san sát bên nhau. Mỗi nhà đều được chia thành từng phòng nhỏ, dành cho sinh viên từ các nước đến cư trú. Giữa khu vực cư xá với nhiều phòng ốc như thế, còn có một bệnh viện, nhiều quán ăn sinh viên, hội trường, chi nhánh ngân hàng và cả một sở bưu điện.
Cư xá cho lưu học sinh Nhật Bản gọi là Hội quán Satsuma (Satsuma Kaikan) nhưng danh xưng của nó vốn đến từ tên một nhà hảo tâm người Nhật sống lâu năm ở Paris, Satsuma Jirôhachi, người đã xây lên. Hồi tôi ở đó, quán trưởng là một vị giáo sư già của Đại học Paris nhưng hầu như ông không bao giờ ló mặt.Thay vào đấy, những người chăm lo công việc thường nhật trong cư xá là các bà bồi phòng (bonne) hay ông gác cửa (concierge), tất cả đều là dân Pháp. Có khoảng 20 phòng tất cả, mỗi phòng có khả năng chứa hai người. Như vậy, trong hội quán có từ 30 đến 40 lưu trú sinh. Vả lại, lúc tôi ở trọ nơi đây thì con số sinh viên hãy còn ít ỏi, thường là mấy họa sĩ hoặc các giáo sư trong nước gửi qua, họ đã chọn sống trong cư xá thay vì đi mướn khách sạn.
Thành thực mà nói thì trong khu Làng đại học, Hội quán Satsuma (mà sau sẽ có tên là Nhà Nhật Bản) là một kiến trúc vào hạng lùi xùi nhất trên Đại lộ Jourdan. Nơi chốn cũng cách xa phố phường, còn nếu so sánh với hai cư xá của Anh và Canada bên cạnh thì không những khuất nẻo, kiến trúc thiếu cân đối mà còn buồn tẻ. Vì người ta cố gắng thêm vào đó đường nét Đông phương, ngược lại, đã khiến cho hội quán này, từ mái đến tường đều có vẻ rẻ tiền, và hơn hết, trông ảm đạm như có âm khí lảng vảng đâu đây. Chắc điều này cũng không vô lý lắm vì biết rằng nó đã được xây lên vào đầu thời Shôwa. Trong khi những cư xá xung quanh đã được xây với ngân sách của các quốc gia, riêng Hội quán Satsuma là bằng tiền đóng góp cá nhân của ông Satsuma, một Mạnh Thường Quân Nhật Bản.
Một
Đầu tháng 10, tôi hạ cái va-li cũ kỹ xuống, rời thành phố Lyon nơi mình đã quen sống từ hai năm nay để lên Paris. Hôm đó, thành phố Paris đang được trùm lên bằng một màn mưa sương. Khi tôi xuống trạm xe buýt trên Đại lộ Jourdan, trời đã sập tối. Lề đường ướt nước mưa và rây bùn bẩn thỉu, những chiếc lá ngô (platane) khô héo rụng rải rác đó đây. Mấy sinh viên, cổ áo mưa lật cao, đang dẫm bước lên trên để đến chỗ ăn chiều.
Trong màn mưa và sương mù, Hội quán Satsuma trông giống như một cái nhà kho cũ kỹ, đen đủi, đang chìm trong âm khí. Chỉ có chỗ khu vực lễ tân (uketsuke) là hắt ra chút ánh đèn trắng bệch, kỳ dư các cửa sổ khác đều tối như hủ nút. Chỗ lễ tân ấy lại không có ma nào.Trên bàn viết, một cuốn niên giám điện thoại ố bẩn đang để mở.
-Kon nichi wa!
Đầu tiên, tôi mở lời chào bằng tiếng Nhật. Dù vậy, chẳng thấy tiếng trả lời, tôi buộc lòng phải "Bonjour!" to như là hét.
Trước ngày tôi rời Lyon, chẳng những ông quán trưởng ở đây đã gửi thư cho phép tôi đến trọ mà sáng nay, khi leo lên xe hỏa, tôi đã đánh điện tín báo tin trước cho ông. Tôi bèn đưa mắt kiểm tra xem mớ hành lý tôi đã gửi ở nhà ga và trả tiền lúc mua vé (chikki) có nằm lăn lóc quanh đây không mà chẳng thấy đâu. Bỗng nhiên, cái điện thoại đặt trên bàn viết bắt đầu reo lên thật to nhưng vẫn như nãy giờ, không ai ra nghe. Luồng ánh sáng lờ mờ từ phía cửa ra vào soi đến hành lang nhưng lại chìm vào bóng tối phía trong. Mấy cánh cửa của hai dãy phòng nằm dọc hành lang cũng đóng im lìm.
Tôi nghĩ nếu thế, có lẽ giờ này mọi người đang ra ngoài hay đi ăn cơm chiều. Nhìn lên vách khu vực lễ tân, tôi thấy có treo thấy mấy tấm biển con ghi tên người cư trú. Biển mang tên tôi cũng được treo lủng lẳng cuối hàng. Tôi thấy họ đã xếp cho tôi phòng số 24.
Tôi tay xách va-li, nương theo ánh sáng của ngọn đèn yếu ớt trong hành lang, đi một vòng để dò từng số phòng một. Cả tầng dưới không có phòng nào mang số 24. Tôi bèn lê đôi giày, bước thấp bước cao leo lên tầng hai.
Lúc ấy, có một người thanh niên thấp bé tay vin thành cầu thang, với cặp mắt nghi ngại, nhìn xuống phía tôi đang leo. Vẫn xách va-li trên tay, tôi ngẩng mặt lên hỏi.
-Ở đây không có người gác cửa (concierge) à?
Chẳng thấy anh kia lên tiếng trả lời.
-Tại sao thế nhỉ? Tôi gọi nãy giờ mà chẳng ai ra.
Thấy tôi lui cui leo sắp đến nơi, anh thanh niên thấp bé kìa hơi giật lùi, đưa mắt nhìn tôi với ánh mắt khiếp sợ. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ đó là một người tóc tai loe hoe, thêm nỗi sắc diện hết sức xấu. Xấu ở đây không có nghĩa là da xanh mét nhưng lại xám như màu chì. Hơn thế, cặp môi anh đỏ thâm một cách lạ thường.
-Tại sao vậy hở anh.
-Tôi chịu. Không biết!
Anh ta cứ để nguyên tay trên thành cầu thang và lại lùi về sau độ hai, ba bước nữa. Tôi không hiểu vì duyên cớ gì, thanh niên này lại có một đôi mắt u ám và khiếp sợ đến vậy.
-Tôi vừa mới tới hôm nay!
-Thế! Xin lỗi nhé.
Chợt anh ta quay ngoắt người lại, mở cánh cửa bên cạnh mình và biến mất đằng sau.
Suốt hai năm trời sống dưới tỉnh, tôi ít khi có dịp gặp đồng hương, nay lên Paris và lâu ngày mới thấy một người cùng chung xứ sở là anh thanh niên này, tôi không ngờ gặp phải một thái độ đối xử kỳ quặc đến vậy. Tôi bèn đặt cái va-li cũ xuống mặt sàn rồi ngắm nghía một đỗi cánh cửa phòng anh chàng. Chỉ thấy mẩu bìa dùng để vẽ được cắt ra với khổ của một tấm danh thiếp, trên đó có đề mấy chữ bằng văn tự La Mã (Romaji): "Chikuma".Tôi chẳng nghe gì từ bên trong căn phòng, không cả một tiếng động nhỏ.
Đêm hôm ấy, tôi đi một mình đến cái quán con nằm bên ngoài khu Đại lộ Jourdan và uống tí rượu. Khi trở về đến Hội quán Satsuma thì đã gần 12 giờ khuya. Từ khe cửa một số phòng, hãy còn lọt ra ánh đèn, nhưng cửa phòng của Chikuma vẫn thấy kín mít giống như hồi nãy.
-Không biết hắn đang làm gì, cái tên Chikuma này?
Sáng hôm sau, tôi tưng tửng hỏi người đàn bà đến làm phòng:
-Anh ta, sinh viên du học?
Đặt hai tay lên cán chổi, bà ta cười khẩy, làm như đã chờ sẵn câu hỏi của tôi.
-Không. Vẽ tranh. Cứ sống đơn độc như thế.
Bà ta nhún vai ra vẻ khinh miệt:
-Lúc nào cũng chỉ một mình.
-Anh ta tới đây trọ từ hồi nào?
-Nửa năm trước.
Thế rồi, bà đột nhiên hạ thấp giọng, thì thầm với tôi nhưng muốn hé lộ một bí mật quan trọng:
-Phòng hắn hôi hám lắm.
-Hôi là hôi làm sao? Tại mùi thuốc hay mùi sơn vẽ?
-Không phải. Mùi hơi người của anh ta.
Nghe đến đó, chợt tôi nhớ ra màu đôi môi đỏ bầm mà tôi mới thấy hôm qua. Tại sao hình ảnh của đôi môi ấy lại hiện ra trong trí tôi thì tôi không hiểu.Thế nhưng rõ ràng là cặp môi ấy có màu đỏ sẩm như máu cá ươn.
Bà bồi phòng đã nói lên sự thật. Chikuma hoàn toàn không giao du với bất cứ ai trong Hội quán Satsuma này. Không bao giờ hắn đi ăn cơm chung với người nào và cũng chẳng hề ghé phòng ai chơi. Nên hắn suốt ngày nằm im ỉm trong phòng tuy có khi bỏ đi đâu đó hai ba ngày liên tiếp không về. Hình như những người cư trú trong hộ quán này, ai nấy đều khinh bỉ Chikuma thì phải.
Xuống phòng chơi của cư xá, tôi hỏi thăm Sekine, một họa sĩ đã đến trọ ở đây từ hai năm trước:
-Anh Chikuma lạ thật. Trông gương mặt lúc nào cũng lo lo sợ sợ hay sao ấy nhỉ?
-Đôi khi có mở mồm đấy chứ, nhưng nói năng những gì mà chẳng ai hiểu.
Thì ra ông Sekine này cũng không đánh giá tốt về Chikuma:
-Tự ý anh ta không muốn chơi với chúng tôi. Biết làm sao bây giờ? Chả lẽ lấy giây thừng buộc cổ lôi anh ta bắt làm bạn à?
-Anh ấy vẽ đẹp không?
-Ồ, cái đó thì ...sao nhỉ? Chưa xem tranh bao giờ nên tôi không biết.
Thế rồi mùa đông gần kề. Mùa đông Paris không có một ngày nào được thấy màu trời xanh. Bầu trời u ám trọn ngày, mây phủ như trùm lên nó một manh vải cũ. Với thời tiết ảm đạm như thế, Hội quán Satsuma càng trở nên lặng lẽ và buồn bã. Khi đi đâu về và ngẩng đầu lên nhìn cửa sổ gian phòng của Chikuma, nhiều hôm tôi thấy cánh cửa lá sách (yoroido) của hắn cứ đóng kín. Tôi tưởng tượng không khí trong gian phòng đó phải bẩn và vẩn đục đến mức độ nào.
Tôi lại khẽ hỏi bà làm phòng:
-Phòng hắn ta lúc nào cũng hôi như thế à?
-Hôi chứ!
Bà ta đưa tay lên nắm lấy sống mũi của mình như muốn diễn tả cho tôi thấy.
-Thằng chả nuôi cả bọ mác-mốt (marmot) đấy. Những hai con cơ.
-Ui cha. Mác-mốt ấy à?
Trong đầu tôi hiện ra đôi mắt tí hí của đôi mác-mốt. Đôi mắt u ám của Chikuma cũng giống mấy con mắt đó. Tôi lấy làm lạ, không hiểu vì sao hắn ta lại đâm ra nuôi mác-mốt.
***
Tuy tôi có khinh miệt Chikuma nhưng không đến nỗi như đám người kia. Dù vậy, tôi nghĩ hắn đúng là một "quái nhân", thuộc loại người mà thiên hạ xưa nay thường hay ghét bỏ. Thế nhưng không hiểu tại sao mà khi tình cờ gặp hắn trong hành lang hay trên cầu thang, nhìn cái bản mặt xám xịt như chì, lúc nào cũng tỏ ra lo lo sợ sợ, nhất là cặp mội thâm kia là tôi có một phản ứng sinh lý là khó chịu. Tôi đã tưởng tượng tên này tất có một cái gì bẩn thỉu mà hắn cần dấu diếm. Tôi từng nghe những lời đồn đãi kiểu: "Chikuma là đứa đồng tính!" và cũng bắt đầu bán tín bán nghi.
Đầu tháng 12, tôi đến tòa án trên đảo Cité để dự khán một phiên tòa. Hồi đó, với ước mơ mai sau trở thành một cây bút viết tiểu thuyết, tôi nghĩ việc học hỏi về những cảnh ngộ cuộc đời kiểu đó chắc sẽ bổ ích cho mình.
Dĩ nhiên tôi không biết phiên tòa mở ra hôm đó sẽ phán xử về chuyện gì. Tôi chỉ thấy từ hàng ghế bàng thính viên mấy người đàn ông mặc quần áo màu xanh lá cây (napafuku) nồng mùi mồ hôi và các bà nội trợ đeo tạp dề (tablier) xanh dương đang chen lấn nhau để ngoi ra phía trước. Đứng đằng sau họ, tôi cũng rướn người lên tìm cách thấy cho được bị can, một người đàn bà trung niên có mớ tóc màu hạt dẻ và vầng trán rộng, đang đứng bên vành móng ngựa. Phiên xử đã tiến hành trong bầu không khí không được nghiêm chỉnh như thế. Sau khi lắp ba lắp bắp đọc xong được bản cáo trạng, công tố viên bắt đầu gọi các nhân chứng lên để chất vấn.
Người đàn ông sống cùng chung cư với nữ bị cáo làm chứng:
-Tôi từng nghe tiếng con nít khóc hàng giờ trong hành lang. Chúng tôi vẫn thường đem bánh mì cho cháu nó ăn.
Bị cáo tên Yvonne Salacrou là một người đàn bà bị cáo buộc đã ngược đãi đứa con ghẻ đến nỗi nó phải chết. Ngày thường bà ta đã bắt nó nhịn đói và đánh đập, còn lấy thuốc lá dí vào người để hành hạ. Hết người chứng này đến người chứng khác đã thi nhau lên trình bày sự bạo ngược của bà. Cuối cùng, bà đã đem đứa bé vào trong bếp, lấy giây lò hơi đốt siết cổ nó và sát hại. Mỗi khi công tố viên đọc to từng chi tiết về những cáo buộc ấy, đã nghe trong đám đông quần chúng đến dự thính có những tiếng thở dài mà người nghe không sao nén nổi. Trên vầng trán rộng của bị cáo Yvonne thấy lấp lánh những giọt mồ hôi.
Lúc ấy, tôi bỗng phát hiện ra sự có mặt của Chikuma trên hàng đầu của đám người dự thính. Hai cánh tay nắm lấy chấn song cách chia hai phía, anh ta đang nhô người lên, nghễnh tai để nghe cho rõ. Tôi tìm cách đến sát bên và đưa cùi chỏ huýt vào hắn, làm hắn ngạc nhiên quay lại, đưa cặp mắt với vẻ lo âu cố hữu nhướng lên nhìn tôi. Rồi như muốn "ra tay trước", Chikuma đã nhanh nhẩu đặt câu hỏi:
-Tại sao anh có mặt ở đây?
Mặt tôi nghiêm lại:
-Tại sao cậu lại hỏi tại sao? Tôi vốn thích đi xem mấy phiên tòa như thế này.
Giọng của hắn bỗng cất cao, the thé như tiếng kim loại:
-À há! Thế thì anh cũng hiểu được cái cảm giác ấy, phải không?
-Cậu nói cảm giác ấy! Thế nó là cảm giác gì?
-Thì cái cảm giác của người đàn bà kia lúc đem đứa con ghẻ vào trong bếp siết cổ đó! Thế rồi bà ta lại qua phòng bên cạnh ăn nằm với tình nhân. Tôi muốn nói đến cái cảm giác lúc đó của Yvonne...
Cách nói chuyện của Chikuma lúc đó giống như cách nói chuyện của một người đàn bà.
Hai chúng tôi bước ra khỏi tòa án. Trời đã xế chiều. Trên con sông Seine, những cơn gió lành lạnh bắt đầu nổi lên, dăm chiếc xà lan (Darumabune) gắn đèn đỏ lừ đừ bơi ngược dòng. Bên bờ sông, ông lão hàng sách cũ đang thu xếp sách vở và tranh ảnh và cho vào hộp, sửa soạn đóng cửa ra về.
-Tôi...
Chợt Chikuma làm bộ rù quến, đến sát lại tôi. Anh ta nói tiếp:
-Tôi định đến thăm ngôi nhà của bà Yvonne đó.
Tôi ngạc nhiên nên dọ hỏi:
-Cậu đã tra cứu địa chỉ của bà ấy rồi sao?
-Đúng rồi. Nếu mình lấy Métro (tàu điện ngầm) thì mất chưa đến 10 phút.
Cách nói chuyện và thái độ làm như thân tình này của anh ta, tôi chưa hề thấy một lần nào khi ở Hội quán Satsuma. Thế nhưng điều khiến tôi chú ý lúc này là sự hiếu kỳ hơi kỳ quặc của Chikuma đối với vụ án của bà Yvonne.
Tôi hãy còn nhớ là đằng sau con phố Gambetta có dãy tường dài màu xám của một ngôi nhà thương thí. Trên bức tường đó, có ai đã viết nguệch ngoạc mấy chữ đại tự "Ridway, go home!" (Ridway cút xéo!) bằng sơn trắng. Những mẩu kim loại đến từ mảnh vỡ của mấy cánh cửa sổ của cơ xưởng trong khu vực đã cháy trụi nhưng đôi lúc vẫn ánh lên những tia sáng xanh bạc. Căn nhà nơi Bị cáo Yvonne Salacrou trú ngụ nằm ở góc phố ấy. Trong cái quán rượu rẻ tiền cho dân lao động nằm ở nằm ở tầng trệt, có mấy bóng mũ nồi (béret) của đám cư dân Ác-mê-ni (Arménien) đang đứng tụ tập bên quầy để uống rượu.
Chikuma tiến ra đằng trước tôi và leo lên thang gác tối mù. Những bậc thang này đã mòn nhẳn cả.
-Nếu xem cách sắp đặt hộp thư thì phòng bà này nằm ở tầng ba.
Tôi nghĩ mình hết còn chịu nổi cái mùi xú ế trong ngôi nhà thiếu ánh sáng này. Coi bộ mùi hôi ở đây chắc chẳng thua gì mùi hôi của căn phòng Chikuma đằng hội quán. Thế nhưng cái mà tự nãy giờ ttôi vẫn đang muốn tìm câu giải đáp là lý do nào đã khiến đầu óc Chikuma bị vụ án này ám ảnh đến như vậy. Tôi hoàn toàn không hiểu trong bụng anh ta đang nghĩ gì.
-Đây. Phòng này!
Bỗng nhiên, Chikuma dừng bước và nói như reo. Trong màn sương chiều xám xịt, đôi mắt của hắn ta ánh lên những tia kỳ dị làm tôi thấy bất ổn. Và đôi môi của hắn nữa, dưới mắt tôi, còn đỏ thẩm hơn nếu so sánh với cái màu hồi nãy.
-Đằng sau cánh cửa này là nơi Yvonne đánh đập và dùng lửa thuốc lá để hành hạ thằng bé.
Tôi nghe tiếng hắn nuốt nước bọt đánh ực.
-Gian bếp nằm ở đâu nhỉ? Bề gì tôi cũng muốn đến xem chỗ đó.
Chikuma bỏ tôi lại giữa đường, một mình tiếp tục đi về phía chỗ treo đồ cũ nằm trước mặt hắn. Bậc thang giờ này đã tối hù. Ở lối vào phía dưới, có tiếng cửa bật ra nhè nhẹ, rồi sau đó là tiếng đóng sầm lại thật to. Tiếp theo đó, tôi lại nghe vọng lại tiếng đàn bà cười lên khanh khách. Chợt tôi nhớ lại câu Chikuma vừa nói với mình khi nãy: "Thế thì anh cũng hiểu được cái cảm giác ấy, phải không?". Cảm giác của người đàn bà vừa xoắn xuýt lấy anh đàn ông trong giường vừa lạnh lùng chờ đợi giây phút hấp hối của cậu con ghẻ. Nó cũng là cảm giác của Chikuma khi giương đôi mắt sáng quắc và đi lòng vòng, muốn khám phá cho được chỗ ở chính xác của người đàn bà đó. (Hắn đúng là một kẻ tâm lý bất bình thường). Tôi vừa cho tay vào túi áo khoác, vừa nghĩ về hắn như thế. (Không hiểu một người như hắn thì khi vẽ, sẽ vẽ những loại tranh gì?)
Hắn đã quay trở lại. Hắn đang đút một ngón tay vào mồm và mút lấy mút để.
-Cửa sổ cao quá, đưa tay với không tới, làm một ngón bị cắt phải.
-Làm gì mà cậu quan tâm chuyện của Yvonne đến cỡ đó?
-En-chanơi! Tôi thích tìm hiểu nguyên do của vụ này mà.
Không hiểu sao mà thay vì gọi tôi là Endo, nay hắn ta lại bắt đầu đổi lối xưng hô thành En-chan. "Sao, cậu có thích tìm hiểu người đàn bà đó không vậy?"
-Không. Chả đến mức như cậu.
-Có thật không đấy. Một người đàn bà mê trai, dám giết cả con, chớ phải chơi!.Vì dục tình , bà ta đã không dằn lòng nổi. Mới rồi, tôi muốn bám lấy cửa sổ dòm vào trong cho biết, thành ra mới đứt cả tay đây này. Dĩ nhiên, bên trong phòng tối như mực.Thế nhưng, trong một chỗ tối đen như vậy, bà ta đã xoắn xuýt ôm lấy tình nhân và ăn nằm với gã.
Lạ lùng thay, cái âm thanh hắn phát ra chỉ là một giọng thều thào chỉ vừa đủ nghe và vầng trán hắn đã ướt nhẹp mồ hôi, giống như cảnh Yvonne lúc đứng trước vành móng ngựa khi nghe buộc tội: "Bà còn dí cả điếu thuốc đang cháy lên người đứa con ghẻ ...".
Tôi hơi thụt lui lại phía sau.Tôi thấy Chikuma đã thực sự trở thành một gã con trai ma quái. Nhận ra tôi đang muốn thối lui, Chikuma bèn im bặt. Dưới ánh đèn hành lang, sau khi đã phơi bày trước mặt tôi vẻ mặt lấm la lấm lét cố hữu như một người đang sợ hãi điều gì, hắn bèn tiến ra đằng trước tôi và bắt đầu bước đi.
***
-Cậu đó thật quái gở. Làm cho tôi có hơi hãi.
Ngày tiếp theo, sau bữa cơm trưa, tôi xuống phòng chơi và kể lại chuyện đêm qua cho anh Sekine nghe.
-Anh ta có những cái thú mà đối tượng đều khác với người bình thường.
-Hắn giống như thằng khùng (abu) ấy nhỉ?
-Bà bồi phòng kể là hắn nuôi cả bọ mác-mốt. Không hiểu để làm gì?
-Chịu thôi!
Sekine vừa dùng cái ngón tay to ra vẻ họa sĩ của mình để lau chùi tẩu thuốc (pipe) vừa thốt ra một tiếng kêu ngao ngán:
-Tớ không quan tâm làm gì đến hạng người như hắn.
Hàng thông bên kia của sổ đang run rẩy trước những cơn gió mùa đông. Từ giữa mấy cây thông ấy, tôi thấy cái bóng giống như gập người của Chikuma đang tiến về hướng chúng tôi bằng những bước chân hối hả.
-Coi, hắn về rồi kìa! Chắc mới ăn cơm trưa xong.
-Thế à?
-Không biết hắn vẽ những loại tranh gì?
Cặp mắt hấp ha hấp háy của Chikuma đang từ bên kia khung cửa kính dòm về hướng này làm cho đang nói, tôi chợt hạ giọng.
Anh Sekine bèn bảo:
-Nếu bạn muốn biết chuyện đó thì tự tìm hiểu đi!
-Ừ nhỉ! Để tôi đi xem thử.
Thế nhưng khi tôi chực đứng dậy thì anh Sekine đã lim dim đôi mắt và nhìn về phía tôi với một vẻ nghi ngại.
Căn phòng của Chikuma vẫn im ắng như mọi hôm. Hắn có nhà hay không cũng không sao biết được. Tôi bèn quyết tâm, dí đầu mũi giày đá nhẹ vào cánh cửa.
-Ai đó?
-Tôi đây!
Đợi một đỗi, không nghe hắn trả lời. Lúc tôi dợm rút lui thì có tiếng xoay nắm đấm trên cửa.
-Có việc gì thế?
Hắn chỉ mở cánh cửa he hé và không lộ diện.
-Không. Chẳng có chuyện gì đặc biệt. Định ghé anh chơi thôi.
Tôi thu hết can đảm, vận sức toàn thân từ từ ẩy cánh cửa vào thì thấy Chikuma, trong cái áo ngủ dài (gown) màu nâu nhăn nhúm, đang đứng đó, mấy ngón tay luồn trong chòm tóc loe hoe trên đầu và ngước lên nhìn tôi với ánh mắt sợ hãi.
Căn phòng bừa không thể nói. Giấy nhật trình, dép, đèn cồn, tạp chí và dụng cụ vẽ tranh sơn dầu, bình đựng dầu nhựa thông (matsuyani, trebinthina)... nằm tứ tán trên sàn, nhiều đến độ không có chỗ đặt chân. Tuy vậy, cái làm tôi phải dội ngược là mùi xú uế trong phòng mà tôi đã được nghe qua câu chuyện của bà bồi phòng hôm trước. Vâng, chính thế. Không biết phải tả nó làm sao cho đúng nhưng nó hăng nồng như mùi tỏi và rất khó chịu, khiến người ta phải buồn nôn. Tôi có cảm tưởng cái mùi xú uế ấy đã thấm lậm vào từng trang của đống nhật trình và tạp chí nằm tán loạn trên mặt sàn.
Mắt hắn muốn tránh cái nhìn của tôi, Chikuma nói mà như thì thầm:
-Tôi không thích cho ai vào cái phòng này. Mà phòng không tôi tối một chút là tôi cảm thấy không được thoải mái.
-Có sao đâu! Tôi đã biết mọi người trong Hội quán Satsuma này đều muốn sống riêng rẽ, một thân một mình mà.
Tôi đặt mông xuống một cái va-li lớn đặt ở góc phòng và đưa mắt tìm xem ở đây có bức tranh nào của hắn không.
Nhà Nhật Bản (Hội quán Satsuma) thời trước
-Không vẽ à? Có tranh thì cho xem nhé!
Chikuma lắc đầu:
-Bây giờ chưa muốn. Lúc này, tôi không thích đem tranh mình cho ai xem cả.
-Tại sao vậy?
-Không có duyên cớ gì đặc biệt. Chẳng qua là tôi chưa đủ tự tin. Thế nhưng, rồi có ngày tôi sẽ vẽ được những bức tranh coi được cho xem.
Lúc đó, đôi mắt hắn ta như thể đang tập trung nhìn vào một chỗ xa xăm nào đó đằng sau lưng tôi.
Cả hai chúng tôi im lặng trong một hồi lâu. Rốt cuộc, tôi mới lên tiếng dọ dẫm:
-Có thật là cậu nuôi mấy con mát-mốt không?
-Ai nói cho cậu biết vậy?
-Bà bồi phòng chứ ai. Định dùng chúng làm mẫu để vẽ à?
Chikuma chỉ cười ngượng nghịu.
-Không phải đâu.Từ hồi bé, khi cho tay sờ vào mấy con vật như vậy, tôi luôn có cảm giác thích thú. En-chan! Cậu có biết cái cảm giác ấy không nào?
Như thế, Chikuma đã lập lại câu hắn hỏi tôi tối hôm qua. Cái cảm giác của người đàn bà đang bận làm tình với trai giữa khi đứa con ghẻ hấp hối trong nhà bếp, cái cảm giác khi cho tay nâng con bọ mát-mốt lên và ôm siết bộ lông mềm và ấm áp của nó. Mùi xú uế giống như mùi tỏi trong căn phòng mỗi lúc một hăng thêm. Làm như không thể nào chịu đựng nổi tình cảm khinh ghét và cảm giác buồn nôn lâu hơn nữa, từ dưới đáy cổ họng tôi bỗng có cái gì đó đang chực trào ngược.
Tôi nổi cáu, la lên:
-Chikuma ạ. Cậu là người không được bình thường đấy nhé! Dẹp đi, đừng nói mấy chuyện bậy bạ như thế nữa.
-Tôi biết mà. Cậu không cần phải dặn.
-Thế thì dẹp phứt nó đi. Đó cũng là một thứ ham muốn tình dục đấy.
-Dĩ nhiên tôi biết nó là tình dục. Nhưng mà nhu cầu tình dục thì ngay cậu cũng có chứ!
-Tôi cũng có nhu cầu tình dục. Vấn đề là phải giải quyết nó một cách lành mạnh. Đúng không?
-Giải quyết một cách lành mạnh là cái gì nào?
Tựa người vào thành cửa sổ, Chikuma ngẩng mặt nhìn tôi như thách đố. Cặp môi thâm giờ đây trông ướt rượt.
-Ngủ với gái chớ sao! ...Còn không có gái thì phải bỏ tiền ra mà mua gái điếm. Mấy cách đó đều có thể xem như là lành mạnh.
-Nhưng nếu có người không thích ngủ với gái thì sao? En-chan nghĩ rằng ngủ với gái là xong chuyện nhưng tôi thì không thỏa mãn.
-Tại sao lại không?
-Cậu không hiểu được đâu!
Bất chợt mặt của Chikuma méo xệch. Trông hắn ta như sắp sửa khóc. Lúc đó tôi mới hiểu rằng Chikuma là loại đàn ông mà người đời thường gọi là "đồng tính"! Tuy vậy, về sau tôi mới khám phá ra rằng, hắn ta cũng không thuộc giới "đồng tính" nốt.
Kể từ hôm đó, Chikuma và tôi không còn mở miệng nói chuyện với nhau. Hơn nữa, nếu tôi không chịu bắt chuyện thì vốn là một thanh niên ngại giao du với người khác, hắn cũng chả thèm gặp. Và tôi cũng không lấy điều đó làm phiền hay khó chịu gì. Cứ thây kệ hắn có lẽ là thái độ đúng đắn nhất.
Mỗi ngày, bầu trời vẫn tiếp tục giăng mây và xám một màu chì. Trong Làng đại học, có lẽ Hội quán Satsuma là nơi u ám và nặng nề nhất.Tất cả mọi cánh cửa lá sách căn phòng của Chikuma đều đóng im ỉm. Phần tôi cũng không còn hiếu kỳ và thấy thú vị nên chả muốn tìm hiểu về hắn như trước nữa. Giống như anh Sekine và các lưu trú sinh khác, tôi chỉ còn biết ngắm hắn từ xa và thấy giữa "quái nhân" ấy và cuộc đời mình, không có một điểm chung nào.
Thế rồi, một hôm, tôi mới hỏi một bà bồi đến làm phòng:
-Sao, phòng Chikuma bây giờ có còn hôi hám không bà?
Người đàn bà dựa người vào cây chổi và cười hì hì như một người khùng:
-Cậu đó hở? Đâu còn ở đây nữa mà hỏi.
-Ủa. Đi rồi à, hồi nào? Lạ vậy!
-Hai tuần trước.
-Đi đâu mới được chứ?
-Không biết.
Tuy hắn cũng là một thành viên trong Hội quán Satsuma nhưng việc dọn nhà của Chikuma ra khỏi nơi đây không ai buồn để ý. Cũng bởi vì hắn ta chưa bao giờ chịu chào hỏi họ, khi ra đi cũng không báo ai biết, cứ thế mà biến mất không biết về nơi chốn nào.
Một buổi chiều, tôi nhận ra là cánh cửa căn phòng ngày xưa Chikuma ở đang được mở ra. Chắc có một người Nhật nào vừa mới đến Paris được điền vào chỗ hắn. Khi thử đưa mắt nhìn vào trong phòng, tôi thấy ánh mặt trời buồn bã của mùa đông đang chiếu qua tấm kính cửa sổ dính đầy dấu ngón tay đục nhờ rồi chiếu xuống mặt sàn.
Nửa năm trôi qua, đã đến ngày tôi phải về Nhật. Vẫn còn muốn lưu lại Paris thêm ít lâu nhưng ba năm du học đã làm hao mòn sức khỏe. Anh Sekine và một số bạn hữu ở Hội quán đã ra nhà ga Paris để tiễn đưa nhưng trong đám họ, tôi không thấy bóng dáng Chikuma. Khi thò đầu qua cánh cửa toa tàu để vẫy tay chào từ giã mọi người, tôi đã quên mất hắn.
Khi về đến Nhật Bản, đôi khi tôi lên cơn sốt, tôi bèn lợi dụng để nằm quay ra giường và thử tập tành viết tiểu thuyết. Đến khi sử dụng hết mớ giấy nháp dùng cho bản cảo (genko-yôshi) chất đầy trong hành lý từ hai năm nay, không biết vì thế nào mà tôi đã nhận được một giải thưởng văn chương.
Khoảng 4 tháng sau ngày nhận giải thưởng ấy, một buổi sáng, nhân viên bưu điện đã đem đến cho tôi một cái phong bì màu nâu thuộc vào khổ lớn trong các loại bì thư, trên đó có dán một số tem của Pháp mà tôi đã quen mắt. Coi bộ phong bì này đã được gửi qua nhiều bến cảng trong vòng hai tháng trời hay sao đó mà đôi chỗ bên trên hay ở ngoài góc có vài vết rách nhỏ. Lấy tay thử mân mê, tôi thấy nó khá nặng. Thế nhưng, trên đó, không thấy ghi tên và địa chỉ người gửi đâu cả.
Khi trở về phòng mình, tôi mới chậm rãi cắt phong bì ra xem thì thấy bên trong có một cuốn sổ tay bọc bằng giấy dầu.Nhìn tên người viết trên cuốn sổ đó, tôi mới biết người gửi cho mình chính là Chikuma.
Quyển sổ tay kiểu Pháp thường có kẻ hàng dọc hàng ngang và chia thành ô vuông. Chikuma đã dùng văn tự để lấp đầy những ô vuông hình mắt lưới ấy.
Kỷ niệm về quãng thời gian sống ở Hội quán Satsuma mà trong bao nhiêu lâu tôi ngỡ mình đã quên, với hình ảnh khuôn mặt xám ngoét của Chikuma, với cái thói quen luồn mấy ngón tay vào bên trong chòm tóc thưa, với đôi môi thâm xì như màu máu cá ươn của một con người sức khỏe bạc nhược ... tất cả đã đồng loạt hiện ra trước mắt tôi.Thế nhưng giờ đây, không hiểu tại sao tôi không còn thấy chúng có gì đáng khó chịu nữa. Nó không còn gợi cho tôi một sự chán ghét nào.
***
"En-chan, nghe nói cậu vừa nhận được một giải thưởng. Nhờ đọc mấy tờ báo bên Nhật gửi qua mà mình biết được tin này." (Hắn đã viết cho tôi như thế). Việc En-chan có ngày trở thành tiểu thuyết gia là chuyện mình chưa bao giờ nghĩ tới nên đã không tin vào mắt mình (Ấy chết! Cho mình xin lỗi nghe!). Thế nhưng đọc xong bài báo, nhớ lại chuyện xưa, mình hết sức cảm động.Thật mà! Nhưng vì sao thế nhỉ? Cậu còn nhớ chuyện đến dự phiên tòa ấy không? Cả chuyện đi xem hiện trường ngôi nhà của Yvonne Salacrou? Bây giờ tất cả đều đã trở thành kỷ niêm xa xôi rồi cậu nhỉ? Kể từ hôm đó tới nay, mình đã giữ im lặng đối với mọi người (Việc giữ im lặng nào cũng đều có lý do của nó chứ!). Từ ngày rời Đại lộ Jourdan và dọn về sống ở con phố Surchet, nếu cậu muốn hỏi là tôi có khỏe mạnh không thì xin thưa với cậu là vẫn còn khỏe mạnh."
Tôi nhảy phớt qua một, rồi hai trang. Tôi hoàn toàn không muốn biết gì về trạng huống sinh hoạt gần đây của hắn ta. Cái mà tôi hiếu kỳ muốn biết là lý do nào đã thúc đẩy gã đàn ông ấy đem ký thác cuốn sổ tay của mình cho một người không mấy thân thiết như tôi.
Hai
"En-chan ơi! Cậu đã trở thành nhà văn. Tôi không biết cậu đã viết gì trong tác phẩm lãnh giải. Tôi đã nghĩ đến việc nhờ người gửi tạp chí từ Nhật qua đây để đọc nhưng theo đường tàu thủy cũng phải mất đến hai tháng đấy nhỉ. Thế thì không biết lúc nào nó mới đến được tay mình.
Dù sao bây giờ En-chan đã trở thành nhà văn. Việc En-chan trở thành nhà văn đã đủ làm tôi thỏa mãn. Thế là người hôm nay tôi gửi lá thư này không phải là En-chan mà mình quen biết thời ở Paris đâu nhỉ? En-chan có hiểu cho tâm tình ấy của tôi không?
Không biết En-chan có còn nhớ chuyện cũ? Này nhé, sở dĩ tôi viết lá thư này là vì sau khi nghe cậu lãnh giải, tôi chợt nhớ lại những gì xảy ra vào mùa đông năm đó. Buổi chiều mùa đông ba năm về trước, có lần cậu đã đột ngột bước vào phòng tôi, có phải không nào? Hồi đó, trong Hội quán Satsuma, tôi là một người cô độc. Không những mọi người xung quanh đều xa lánh tôi mà bản thân tôi cũng không thèm giao du với "quí vị" sinh viên và "quí vị" giáo sư, một bọn ngốc nghếch tự xem mình là "nghệ thuật gia" (geijikka) nhưng không hiểu biết gì cả. Bây giờ mới thú thực chứ lúc đó chính En-chan cũng là một người tôi không ngửi nổi.
Do đó, khi cậu bước chân vào phòng, tôi đã xem cậu như kẻ đến quấy rầy. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có một ý nghĩ là mong cậu mau mau bước ra khỏi phòng cho tôi nhờ. Có lẽ vì trong thâm tâm, tôi muốn dấu cả cậu những bí mật về đời mình mà cho đến nay, lũ người trong Hội quán Satsuma chưa ai khám phá ra.
Điều tôi không ngờ là hôm đó, cuộc nói chuyện giữa hai chúng ta đã xoay qua một hướng khác. Chuyện bọ mát-mốt. Chuyện tôi nuôi mấy con bọ ấy mà. Chuyện En-chan bảo rằng việc tôi muốn tìm đến nhà của bà Yvonne – người đã giết đứa con ghẻ - có động cơ tình dục. Và bạn đã mắng tôi rằng tuy cũng là một thứ tình dục nhưng tình dục nơi tôi có tính cách bệnh hoạn và bẩn thỉu.
Tôi không dám dấu cậu, bởi đó là sự thực. Khi nắm lấy mấy con bọ mát-mốt trong tay hay khi đi lòng vòng trong ngôi nhà của Yvonne, tôi lúc nào cũng phải cố dồn nén xung động tình dục trong người.
Có hôm, cậu đã bảo tôi:
-Giải quyết vấn đề tình dục của mình bằng một giải pháp lành mạnh thì có phải hơn không?
Và khi cậu nổi nóng, hét lên như vậy, tôi đã không chịu nhún mà còn phản pháo:
-Giải pháp lành mạnh là cái quái gì?
-Thì ngủ với gái!
Cậu đã trả lời như thế. Rồi nói tiếp:
-Nếu không có bạn gái thì ngủ với mấy cô điếm. Như thế còn lành mạnh biết mấy!
Tôi đã la lên:
-Còn những người không muốn ngủ thì sao? En-chan chỉ cần ngủ với đàn bà là giải quyết được ngon ơ nhưng tôi không thể làm được chuyện đó.
En-chan! Vì cậu là nhà văn nên xin cậu dù có ghét cũng cố gắng đọc cho đến cuối những gì tôi đang viết. Người như tôi cũng là một đối tượng rất xứng đáng để nhà văn như cậu tập trung khai thác đó nghe. Dù tôi là kẻ bẩn thỉu, khó ưa hay bệnh hoạn đến mức nào, En-chan cũng không có quyền từ khước tôi. Tôi không biết gì về văn chương. Dù không biết gì nhưng chẳng phải tôi đã dám đề cập đến chuyện này một cách rõ ràng đấy hay sao? Từ ngày En-chan trở thành nhà văn thì En-chan đã bắt đầu gánh cái trách nhiệm mà trong thời gian sống ở Paris, cậu vẫn chưa có. Chẳng phải là cậu đã đánh mất cái quyền chối bỏ tôi như đám sinh viên và giáo sư cư trú trong Hội quán Satsuma như khi họ kháo về tôi một cách không thương tiếc: "Cái thằng đó nó bất bình thường (abu). Thật đáng tởm!" rồi hay sao? En-chan muốn nổi giận, muốn ghét bỏ tôi cũng được. Cậu cứ tự do, tùy thích. Thế nhưng trước khi phán đoán về tôi, xin cậu đọc hết giùm cái đã.
En-chan ơi! Như tôi đã tình cờ tiết lộ cho cậu vào buổi chiều mùa đông hôm đó, tôi là một thằng đàn ông không bao giờ nghĩ đến việc ăn nằm với phụ nữ. Biết đâu cậu chẳng đã xem tôi thuộc vào "thứ đó" (are)! Có lúc, bất chợt tôi đã ăn nói với giọng điệu đàn bà. Thế nhưng tôi không phải là kẻ đồng tính ái. Lối ăn nói như phụ nữ, tôi đã có từ hồi nhỏ, do hoàn cảnh sinh hoạt tự nhiên của mình và tôi chưa bao giờ có ý định thay đổi thói quen ấy. Thế thì có gì mà không nên?
Đối với tôi, phải chi mình là người đồng tính thì tốt biết bao! Và như thế, tôi sẽ cảm thấy rất đỗi hạnh phúc. Vì trước tiên, trong thành phố Tôkyô thời hậu chiến này, tôi có thể dễ dàng tìm ra đối tượng để thỏa mãn tình dục. Có lẽ chỉ cần đến một số quán rượu hay quán nước có cách phục vụ "đặc biệt" nào đó, tôi đã có thể giải quyết trọn vẹn vấn đề của mình. Nói tóm tắt, từ khi đến đất Paris, một đứa như tôi cũng đã có không thiếu gì đàn ông tìm đến để tán tỉnh, chài mồi. Cảnh tượng đó, cậu làm gì chả biết!
Tuy "thấy vậy mà tôi không phải ... vậy"! Tôi xin phép mạnh dạn viết nó ra đây. Tôi không phải là "thứ đó" (are). Tôi còn u ám tối tăm hơn cả "thứ đó"nữa cơ. Tôi là thằng đàn ông đang mang trên lưng một gánh hành trang nặng nề hơn thế nữa.
Tôi không biết mình đã trở thành như vậy kể từ lúc nào! Bên kia cái đại dương của quá khứ đặc như sương mù, hình như tôi thấy có vài con sóng nhỏ lô xô và tôi chỉ muốn kéo một hai đợt sóng ấy đến gần bên để xem sao thôi.
Hồi còn nhỏ, tôi sống loanh quanh vùng Mishuku thuộc ngoại ô Tôkyô. Cách nói "sống loanh quanh" nghe hơi lạ tai nhưng thật ra thì mẹ tôi mất sớm nên đã được bà nội tôi - lúc đó đã ẩn dật – đem về nhà nuôi. Bố tôi chuyên môn về chứng khoán, vì ngụp lặn trong công việc và chuyện gái gẩm nên hầu như ông không bao giờ quay về với gia đình
Vì tôi không có anh em nên bà nội tôi rất yêu chiều. Có thể nói là nếu tôi đòi hỏi gì hay láo lếu mức nào, bà cũng chịu. Tôi không biết tại sao nhưng lúc nhỏ, trong một quãng thời gian dài, bà nội tôi thường cho tôi ăn mặc như con gái và cho tôi chơi những món đồ chơi của con gái. Nhìn những tập ảnh gia đình (album) cũ, tôi nhận ra khuôn mặt xanh rớt của một đứa trẻ con với những nét biểu lộ một hệ thần kinh quá nhạy cảm, hai tay đang ôm chầm lấy một con búp-bê, với cặp mắt như đang hờn dỗi. Những bức ảnh như vậy có khá nhiều và đứa trẻ trong ảnh lại chính là tôi.
En-chan chắc biết vùng Mishuku bây giờ thành như thế nào rồi nhưng vào thời đó, chung quanh khu vực, có nhiều sân diễn tập quân sự và trại lính, và những cánh đồng trồng hành (negi) trải rộng bốn bên .Ở chính giữa khu vực, độc có mỗi tuyến đường xe điện Tamagawa Dentetsu chạy ngang, nơi đây cỏ dại mọc nhiều vô số. Trên con đường sắt đó, nông dân vùng phụ cận thường đi ra kiếm thức ăn nuôi gà. Có khi người đang lái tàu điện lại nhảy xuống xe và đuổi theo đàn gà. Thời đó, xung quanh vùng này vẫn còn thấy những khung cảnh hiếm có như vậy.
Kỷ niệm đầu tiên tôi có là vào năm 6 tuổi. Năm vừa mới lên 6, bà nội đã dắt tôi đến trường mẫu giáo. Ngày nào bà tôi không đi được, chị người làm tên Masa sẽ thay thế bà để đưa rước tôi.
Tuy là một đứa trẻ hỗn láo vì được nuông chiều nhưng bản tính tôi lại nhút nhát, cả thẹn trước người lạ. Ngày nhập học, nhìn bọn con nít nhảy nhót reo hò, tôi càng thêm khiếp hãi. Có đứa lại giật tóc hay cấu vào tay mình nữa chứ. Bị chúng ăn hiếp như thế mà trong đầu, tôi không bao giờ có ý dám đánh trả, chỉ biết trợn tròn đôi mắt và nín chịu. Phần vì bà nội nuôi tôi như một đứa con gái nên tôi hoàn toàn không có dịp chơi đùa kiểu con trai, thêm vào đó, phải nói là tôi chưa hề có đứa bạn nào.
Sở dĩ tôi vẫn thích đến ngôi trường mẫu giáo kia là để có dịp gặp đứa con gái nhỏ tên Fusako. Gọi là gặp nhưng một đứa nhút nhát như tôi, bây giờ nhớ lại, thì chỉ biết nấp dưới bóng cây, đút một ngón tay vào mồm và lặng lẽ ngắm cái mái tóc dài đang xõa xuống bờ vai của nó. Cô nàng thường mặc bộ đồ màu xanh da trời cắt theo kiểu Âu, ngực áo có ghim chiếc khăn mùi-soa trắng toát bằng kim băng.
Fusako lúc nào cũng được một nhóm con trai và con gái xúm xít xung quanh. Mỗi lần nàng ta xướng lên một trò chơi là cả bọn bắt đầu ngay cái trò chơi ấy. Không chỉ có thế, tôi muốn nói là khi nàng vừa phát ra một câu nói, cả đám đã tuân theo như chúng vừa được nghe mệnh lệnh. Có lẽ trong mọi ngôi trường mẫu giáo hay tiểu học, đều có những cô hay cậu bé con tính khí ngang ngược và dữ dằn như bạo chúa, chỉ muốn cai trị người khác. Fusako cũng thuộc mẫu người như vậy.
Một hôm, tôi lại bị hai ba đứa con trai ăn hiếp như mọi ngày. Một đứa trong bọn đã đưa chân đá văng ngọn đồi con bằng cát tôi vừa cất công xây đắp, còn đứa khác thì đưa tay túm lấy tóc tôi. Nhưng cũng như mọi lần, tôi đã nhát nhúa đến độ không dám làm gì, ngay cả việc vờ vung quyền để đe dọa chúng. Sợ hãi và đau khổ đã làm cho tôi rưng rưng và chực khóc trong khi vẫn để cho chúng kéo lê kéo lết lòng vòng,
Bỗng lúc ấy, bên trên đầu mình, tôi đã nghe giọng nói của ai đó khiến cho mấy đứa con trai ấy đều bỏ chạy. Thế nhưng tiếng nói kia không phải là tiếng của một thầy hay cô trong trường.
-Shin-chan! Có buông ra không? Không được ăn hiếp bạn đó nghe!
Tôi vừa ngẩng cái đầu dính đầy cát lên thì đã thấy Fusako đứng đó, đôi mắt đen lấp lánh đang nhìn xuống phía tôi:
-Này, đứng lên đi! Tới đây nào!
Giọng cô bé ấy nghe sao mà giống như giọng một người lớn. Ánh mặt trời chói lóa càng làm cho mái tóc dài đó óng ánh lên. Fusako hô: "Đứng lên đi!". Tôi vội vàng đứng lên như một kẻ vừa được phép phù thủy nâng đậy. Cô bé lại bảo: "Tới đây nào!". Tôi liền chạy đến bên cạnh.
"Từ giờ về sau, nếu chơi phải chơi bên cạnh tui thôi nhe. Bạn nhớ đừng để cho bọn Shin-chan chúng ăn hiếp nữa!
Thế rồi kể từ ngày ấy, trong sân trường mẫu giáo có nắng xuyên qua những vòm cây đong đưa, tôi đã chơi đùa đúng theo lời dặn dò của cô bé. Bên cạnh cô ta, khi thì tôi lượm đá bày thành hàng, khi thì giả làm bánh nếp bằng cách lấy đá xát lên miếng ngói để lấy bột phấn, nhổ nước bọt vào trong mớ bột phấn ấy rồi vo thành viên (tsuba-dango) để vui đùa.
Lúc nào tôi cũng thích nhìn về phía Fusako ngồi nghiêng nghiêng bên cạnh mình, chu môi nhểu những miếng nước bọt trắng từ miệng nàng vào trong đống bột ngói. Không hiểu đã có gì xảy đến với tấm lòng trẻ thơ của tôi mà tôi cảm thấy mặt mình như đang muốn xây xẩm. Hồi nãy tôi có nói rằng Fusako hình như là người có phép phù thủy sai khiến được chúng tôi, nhưng cho dù cô bé không có phép mầu nào đi nữa, mỗi lần được nghe cô ta chỉ bảo, tôi đã cảm thấy vui rồi. Tôi cứ để cho cô nàng lên nước, nói gì thì nói, còn mình thì cứ thế mà sung sướng và làm đúng theo mệnh lệnh.
Lại có hôm, tôi thấy có một cái bã kẹo cao su (gum) có vị quả chua chua mà cô bé đã ngậm trong mồm, nhưng vì vô ý nên đánh rơi trên mặt đất. Đó là một viên kẹo màu đỏ, hình tròn và làm bằng cao su. Nó rơi lăn lóc trên mặt đất và vì có nước bọt của Fusako dính vào nên trông óng a óng ánh.
Thấy tôi chực lượm lên, Fusako vội ngăn:
-Thôi bỏ đi, bạn, tiếc của làm gì. Nó đã rơi xuống đất, bẩn cả rồi.
Thế nhưng thấy cô nàng sau khi chán làm bánh nếp giả bằng nước bọt, đang hướng dẫn cả bọn đi chỗ khác chơi cầu tuột, tôi bèn khéo léo lượm cái kẹo ấy bỏ vào túi quần, không cho ai nhìn thấy. Lúc đó, tôi mới chỉ có 6 tuổi thôi nhưng đã đủ khôn để biết rằng cái kẹo cao su màu đỏ có thấm nước bọt và rơi xuống đất ấy là một món đồ đã bẩn. Tuy biết vậy, tôi vẫn cứ nhặt nó lên, chỉ vì một món đồ nào có thấm nước bọt của Fusako đối với tôi cũng quí giá biết ngần nào.
Kỷ niệm thứ hai đã đến với tôi vào năm thứ hai tiểu học. Có lẽ lúc đó tôi khoảng 10 tuổi thì phải.
Một bà dì từ dưới quê Shizuoka đã lên Mishuku sống với gia đình tôi. Nói là dì chứ bà ấy hẳn trẻ vì là cô em út của mẹ tôi. Dì vừa mới tốt nghiệp trường Nữ (trung) học. Có lẽ dì lên Tôkyô lần này là để chờ người ta mai mối chuyện chồng con.
Đó là một thiếu nữ tuy không phấn son nhưng mày ngang mũi thẳng, trông dễ coi. Bà nội tôi chỉ là mẹ chồng người chị của dì, tuy gọi là thân thích nhưng không có liên hệ huyết thống. Lúc đầu bà còn gọi dì là Nobu-san, Nobu-san như muốn giữ ý giữ tứ, nhưng chẳng bao lâu đã bắt đầu cho dì ý kiến về cả cách cầm đũa và buông đũa, nghĩa là ngụ ý chê bai. Bà nội thì đã đành nhưng ngay cả tôi, cũng bắt đầu tỏ ra khinh khỉnh trước người dì nhỏ tuổi. Đối với tôi, dì chỉ là một người đã tự tiện nhảy xổ vào sống trong cái nhà này nên cảm thấy bực bội. Tuy tôi biết vâng lời bà nội nhưng đối với người dì này, không bao giờ tôi cho lời dì khuyên là đúng. Tôi nhớ hình như có khi tôi còn đâm hỗn, đấm đá cả dì nữa.
Tôi không có đứa bạn nào để được ra chơi ở bên ngoài, đành chỉ du dú trong căn nhà Mishuku rộng thênh thang nhưng lại âm u vì rợp bóng cây che và phải tự bày ra dăm ba trò tiêu khiển. Trong những thú vui đó, có một trò hiểm ác hơn hết là đem chuyện của dì mách lẻo với bà nội.
-Con nhỏ đó thật ương ngạnh
Đang ngồi bên cạnh bà nội, sau khi im lặng nghe bà lẩm bẩm như thế xong, tôi đã làm bộ mặt ngây thơ, thành thực để chọt vào một câu kiểu: "Bà ơi! Dì Nobu đó nhe, bà...." rồi kể lể thế này thế khác.
-Còn con nít như mày, đừng có xía vô!
Bà nội lúc đó đã nhìn lảng qua chỗ khác và buông lời trách móc. Dù là một đứa trẻ những tôi hiểu rằng, sau đó, thế nào bà cũng sẽ hỏi tôi thêm. Đêm về, trong gian phòng khách và trước cái lò sưởi con, dì Nobu sẽ phải ngồi ngay ngắn, hai tay xếp trên đùi để nghe bài "giảng đạo" dài lê thê, không biết bao giờ mới chấm dứt của bà."Thằng nhỏ đó còn nói...như vầy như vầy nè! Sao con không biết cách dạy dỗ con nít!". Lúc đó tôi đang ở ngoài hành lang hay đắp chăn nằm trong cái phòng cách vách và lặng lẽ theo dõi lời bà.
Còn câu chuyện sau đây đã xảy ra vào một buổi chiều mùa đông. Hôm đó bà nội tôi có công việc gì đó phải ra ngoài. Hình như lúc đó, trong căn phòng tối mờ mờ vì trời đã nhạt nắng, tôi đang nằm cuộn tròn để đọc dăm ba tạp chí thiếu niên. Bên ngoài, có tiếng gió xạc xào đang xua lớp lá cây rụng trong vườn khiến cho trong nhà, thường ngày đã vắng vẻ nay càng thêm tĩnh mịch.
Đột nhiên, lúc đó, dì tôi bước vào phòng. Dì lặng lẽ đi vào trong, không gây ra một tiếng động, rồi vẫn không nói gì, đưa tay đóng tấm vách trượt (fusuma) lại.
-Có gì vậy hở dì?
Mặt tôi rời tờ tạp chí và ngẩng lên nhìn khuôn mặt tái xanh của dì.
-Dì ra ngoài cho!
-Mày ngồi xuống đi. Chỗ này nè!.
Dì vẫn đứng nguyên, dùng chân chỉ chỗ giữa mặt chiếu và phán:
-Ngồi xuống đi!
Tiếng nói bình tĩnh nhưng đầy áp lực kiểu đó, tôi chưa bao giờ được nghe từ dì.Thế nhưng khuôn mặt cứng cỏi, nghiêm khắc kia, sao mà nó đẹp đến độ làm tôi phải ngạc nhiên.
-Chìa tay tao coi!
Tôi ngồi xuống giữa như dì phán, và tiếp theo đó, với một giọng thấp hơn, dì Nobu lại hạ lệnh cho tôi:
-Đưa nguyên cánh tay ra!
Thế rồi dì bèn bấu vào cánh tay tôi mà véo mạnh thiếu điều rứt da rứt thịt tôi.
-Câm mồm, không được than!
Dì đưa cặp mắt đáng kinh hãi nhìn về hướng tôi: "Nếu mày hó hé một tiếng là sẽ biết tay tao!"
Tôi đang cắn răng chịu đựng cái đau nhưng vẫn không ngừng đưa mắt ngắm đôi môi của dì lúc đó đang méo xệch để nở một nụ cười tàn khốc.
-Được rồi. Từ rày về sau, tao có nói gì, mầy cũng phải vâng theo nghe!
-Dạ vâng..
-Không được mách lẻo nữa nghe!
-Dạ không.
-Không được kể chuyện xảy ra hôm nay cho ai hết nghe?
-Dạ không.
Dì bèn buông ngón tay ra. Rồi vẫn mỉm miệng để nụ cười quái lạ đó phảng phất trên khuôn mặt, dì lướt ra khỏi phòng mà không gây một tiếng động nào.
Sau khi dì đã bỏ đi, một bầu không khí lặng lẽ đến ghê rợn trùm lên gian phòng.Tôi cảm thấy mình đang rưng rưng nước mắt.Thế nhưng trong cái màn nước mắt mờ mờ vẫn còn đọng lại hình ảnh nụ cười tàn khốc đã làm bờ môi của dì căng đi đến méo xệch. Đêm hôm đó, tôi không tiết lộ gì cho bà nội cả. Không phải vì tôi sợ dì Nobu. Chỉ bởi vì tôi muốn được dì yêu theo hình thức đó.
***
En-chan ơi! Nếu tôi kể từng kỷ niệm đó ra thì không biết bao giờ mới hết. Những kinh nghiệm kiểu này thì thời trẻ con, ai mà chẳng có một hay hai nên có lẽ những gì tôi trải nghiệm chắc cũng không có gì đáng nói. Thế nhưng trong khi những người khác xem mấy chuyện xảy ra trong đời mình không có ý nghĩa gì và có thể bỏ qua, thì đối với tôi, những trải nghiệm này đã in dấu vết sâu đậm, thành nền tảng (shitaji) cho cuộc sống. Xem đó như những hạt giống vừa được gieo xuống chắc cũng không ngoa.
Bảo là hạt giống thì một khi đã biết nó là mầm mống, đáng lý ra tôi phải vứt đi cho thật nhanh. Tôi phải cắt tiệt nó đi, không đợi cho hạt giống ấy đâm chồi, vươn nhánh ra, lá và cắm rễ sâu vào trong lòng đất tức là lúc không còn trở tay được nữa! Thế nhưng tại sao tôi đã không cắt bỏ nó đi? Để En-chan hiểu được tâm trạng tiêu cực đó, thì có tuy dài dòng nhưng xin phép cậu cho tôi kể thêm một kỷ niệm khác. Nếu không có câu chuyện thứ hai này thì chắc là...tôi cũng có thể là con người biết sống tươm tất như ai.
Khổ là khi chuyện đó xảy ra rồi, cuộc đời của tôi đã rẽ qua một hướng khác. Nó có tính cách quyết định đến tâm tình và dục tình của tôi, bắt chúng phải chuyển hướng theo chiều đó.
Từ khi đụng chạm với bà dì, trong một khoảng thời gian dài, tôi không còn tìm ra được một lần thứ hai khoái cảm lạ lùng của ngày hôm ấy. Cơ thể tôi phần nào yếu về tuyến hạch (scrofulosis) nên vẫn là một đứa trẻ nhút nhát, cả thẹn trước mặt người khác. Thế nhưng khi vào được Trường trung học Shiba thì so với đám bạn cùng lớp, tôi không có gì khác họ. Tuy thành tích học không có gì nổi bật, tôi không thua kém ai. Tính nhát sợ cố hữu vẫn còn đó nhưng trong lớp, hãy còn ba bốn bạn khác cũng nhút nhát như tôi, thành ra tôi cũng có một ít bạn. Tóm lại, tôi là một học sinh trung học bình thường, không gây chú ý cho ai.
Cái năm chiến tranh mở rộng ở chiến trường phương Nam, tôi đang học năm thứ tư. Mùa hè năm đó, tôi có dịp ra bãi biển Ôiso sống với hai cậu bạn. Vì thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ phải thì vào trường cấp ba nên đã mướn căn gác hai của một gia đình đánh cá để ở đó mà chuẩn bị.
Căn gác đó luôn luôn tanh mùi cá. Mùi cá đã hòa lẫn vào cái mùi cơ thể của ba đứa con trai mới lớn. Mở cửa sổ ra, chỉ có những luồng gió nặng hơi nước và uể oải ngoài từ biển dạt vào bờ. Đôi khi, trong căn phòng đó, chúng tôi đã ngừng học, đưa những con mắt đang sáng lên như bầy thú để khám phá, mày mò, rà soát từng biến đổi trên các phần thân thể của nhau. Mấy kỷ niệm như thế chắc En-chan cũng từng có chứ? Vào thời điểm mùa hè năm đó, chúng tôi đang ở vào lứa tuổi vẫn còn chưa biết xử trí làm sao với những xung động mơ hồ đang chỗi dậy từ thân thể của mình.
Ban đêm, ba thằng ngủ chung trong một cái màn chắn muỗi. Có đứa xoay trở, lăn qua lộn lại. Có đứa kéo chăn về phía mình. Có đứa đang làm gì đó, không biết đang thở dài hay thở dốc. Những giờ phút ấy thì ngay cả tiếng sóng biển rì rầm đơn điệu đang lọt vào tai cũng làm cho chúng tôi chán ngán không sao chịu nổi.
Có một đêm như thế, không hiểu vì sao tôi không tài nào chợp mắt, bèn bước ra khỏi màn, đến bên cửa sổ để tìm hơi mát. Ánh trăng trong như nước đang chiếu trên những nóc nhà và mấy con đường. Bất đồ nổi hứng muốn ra ngoài bãi nên tôi đã xỏ chân vào đôi guốc geta để rời nhà.
Dưới những mái nhà, dân đánh cá giờ đây đang chìm trong giấc ngủ. Những hàng hiên, những cái mái đổ bóng rõ từng nét một trên mặt đường. Sau khi qua khỏi những xóm chài như vậy, đột nhiên, tôi thấy gió đã cùng tiếng sóng biển từ ngoài khơi đi vào và thổi thốc lên vầng trán của tôi. Bãi cát bày ra bao la trước mắt.Những chỗ lồi lõm trên mấy đồi cát cũng đang phản chiếu ánh trăng và trải rộng ra. Mấy chiếc thuyền câu được kéo lên bãi đang nằm phục trên mặt cát như bầy thú.
Biển từ phía trước cuồn cuộn đổ về hướng này. Sóng đến trước mắt tôi, hết vỡ ra rơi xuống, rồi vỡ ra và lại cuộn tròn, đang dâng lên như ôm lấy nhau trước khi rút ra xa. Bãi cát ướt nước biển giống như những con cá bạc hết phóng lên lại đáp xuống. Nếu cứ tập trung nhìn vào một điểm của làn sóng đang dựng lên trên vùng cát ướt ấy, tôi e thân thể mình sẽ bị cuốn vào trong.
Lúc đó, tôi bỗng phát hiện là ở giữa lớp sóng trên mặt biển đen kia, có ai đó đang bơi lội. Bị những chuyển động của sóng che khuất, cái bóng đó chợt không còn thấy nữa. Vừa tưởng là thế, nó đã hiện ra trở lại. Đang nghĩ sẽ thấy được nó nhưng chưa chi, nó đã biến dạng. Thế rồi đột nhiên, sau khi dùng hai cánh tay đè lên ngọn sóng để đến gần bờ, cái bóng ấy đã đứng lên..
Đó là một phụ nữ trẻ. Phụ nữ da trắng. Không những thế, trên người nàng không có lấy một mảnh vải. Vuốt mặt rồi hất mái tóc màu hạt dẻ đang phủ trên vầng trán xong, nàng vừa đạp lên những con sóng con đang vỡ ra dưới đôi chân dài, từ từ bước ra khỏi biển.
Ánh sáng của vầng trăng chiếu lấp lánh trên mái tóc và khuôn mặt đẫm nước, trên tấm thân nở nang, trắng ngà. Tôi có cảm tưởng mình có thể nhìn thấy rõ từng giọt nước lấp lánh như những viên ngọc đang chầm chậm lăn xuống từ bờ vai, đôi vú và hai chân nàng.
Người đàn bà vừa chăm chú nhìn tôi vừa bước lên bãi. Thế rồi, đến trước mặt tôi, nàng đã dừng chân đứng lại.
Trong một đỗi lâu, cả hai không nói một lời nào. Thoắt cái, nàng vung cánh tay phải lên, miệng hét to, và đưa bàn tay tát mạnh vào má tôi.
Tôi loạng choạng, ngã xuống bờ nước. Trước mặt tôi là đôi chân đẫm nước và lấm đầy cát mịn. Mấy cái ngón trên hai bàn chân ấy đang được những lớp sóng nhỏ loang loáng ánh trăng xô đến như để rửa sạch cho. Rửa xong chúng lại rút về. Người tôi như say vì cái đau bị ăn tát. Cái đau đó không chỉ ngừng lại trên má. Tôi có cảm giác lạ lùng là từ đầu đến tứ chi (gotai) của mình, cho đến mọi hốc xó trong người, đều bị tê liệt. Đến độ tôi không còn biết cay cú hay căm tức. Làm như thể tôi đã bị lôi kéo và sắp sửa rơi vào một thế giới tối tăm. Thế nhưng, đó là thế giới tối tăm nơi người ta sẽ đến sau khi chết, lại giống như một cảnh Niết Bàn mà khi bị hút vào trong đó, mọi người sẽ được ngủ yên, không ai còn phải suy nghĩ và mọi nỗi khổ đau sẽ chấm dứt.
Sóng cứ vỗ vào bờ không biết bao nhiều đợt, làm ướt đẫm cả hai tay và quần áo tôi đang mặc. Thế nhưng, trước mắt tôi, không còn thấy đôi chân của người ấy nữa. Tự dưng lúc đó, chữ Domina vụt qua đầu tôi như một ánh sao băng. Tôi không hiểu tại sao chữ ấy lại chiếm đoạt tâm trí tôi. Thế nhưng tôi biết tên người đàn bà đó là Domina và tôi hiểu rằng mình phải gọi nàng bằng cái tên ấy. Thế rồi từ đó...
Thế rồi từ đó, những ngày chiến tranh dai dẳng cứ tiếp nối. Để năm sau có thể chui vào ban khoa học của một trường cấp ba ở Tôkyô, tôi phải tránh được cảnh bị bắt đi lính. Còn nếu nhập ngũ thì một đứa như tôi có lẽ sẽ bị người ta ức hiếp và chết trước tiên. Chắc cậu hãy còn nhớ là lúc ấy, ở trong trường, không còn có khóa học nào cho ra hồn và tôi cũng đã bị bắt đi làm nhân công ở công binh xưởng dưới Kawasaki để chế tạo những phụ kiện cho phi cơ chiến đấu.
Tôkyô lần hồi bị thiêu rụi. Những kẻ đã kiệt quệ tiếp tục sống lây lất trong thành phố như người đang chết dở.Trong thế giới nửa âm nửa dương như vậy, tôi chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: người đẹp đó hiện giờ ở đâu? Có lẽ bây giờ cô ta cũng chẳng còn ở Ôiso nữa. Và cũng không có mặt ở Tôkyô đâu. Tuy nhiên, tôi đã bước đi giữa lòng thành phố điêu tàn để tìm huyễn ảnh của người đàn bà ấy một cách vô vọng. Tôi muốn gặp nàng. Tôi muốn được nàng tát vào mặt thêm một lần nữa.Tôi muốn được ngã lăn chiêng dưới chân nàng thêm một lần nữa để xem sao. Nỗi đau đến từ cái tát bỏng rát hằn lên má tôi vẫn còn đó và sống động trong ký ức. Lúc quay cho máy chạy trong công binh xưởng hay khi về đến nhà ở Mishuku với cái thân thể rã rời như miếng giẻ rách sau một ngày lao động, cô đơn ngồi trong phòng mình, tôi đều có thể tái hiện được cái cảm giác đó trong lòng mình. Vào những đêm bị oanh kích, tôi vừa ngắm bầu trời phía Đông đang rực sáng vì những quầng lửa vừa gào lên cái tên Domina.
Đến khi biết rằng không thể nào tìm lại được con người đó, tôi bắt đầu khổ tâm vì những ước muốn tình dục hạ cấp của mình. Tệ hại hơn nữa là tôi đã tìm đến những người đàn bà trong tầm tay để thỏa mãn những khát vọng đó. Ngoài phương pháp này, tôi không biết phải làm gì khác.
Bây giờ tôi hãy còn nhớ nơi đó: một ổ điếm ở gần khu Shinjuku mà tụi bạn trường cấp ba đã chỉ cho tôi. Chúng nó cho tôi biết là chỉ cần xùy tiền ra thì muốn em nào cũng có. Để tránh cặp mắt của hiến binh và cảnh sát đi tuần, tôi đã diện quần áo vét và đi ghệt (guêtres) đàng hoàng trước khi ra khỏi nhà.
Bọn con gái khi nghe lời yêu cầu của tôi đã cười ồ. Trong căn phòng lạnh đến run người chỉ thấy lắc lư một cái bóng điện trần được phủ bằng vuông khăn vải dùng làm tay nải (furoshiki) để ánh sáng khỏi lọt ra ngoài, ngộ nhỡ không kích hay tuần tra xảy đến.
-Không, em không chịu đâu. Ai lại làm chuyện kỳ cục như vậy!
Cô gái cười ngặt nghẽo. Nhưng chính ra người thấy kỳ phải là tôi mới đúng. Cả gian phòng lẫn mùi hôi thối của nó, cả cái răng vàng mà người con gái để lộ ra lúc cô ta cười, đã làm tôi thấy bẩn thỉu và chán chường không thể nói. Nào chỉ có chừng đó!. Sau khi đã nhận xong tiền, cô ta chỉ thỏa mãn lời yêu cầu của tôi một cách miễn cưỡng. Được cô ta sử dụng những kỹ xảo như trong tuồng kịch để đánh đập và lăng nhục, tôi không thấy gì ngoài một cảm tưởng giả tạo, nhạt nhẽo và hụt hẫng. Tôi không hề nhận được từ cô ả này một chút cỏn con cái cảm giác đê mê khi bị Domina cho ăn tát trên bãi biển Ôiso. Dù vậy, tôi cũng đã lui tới cái tiệm đó rất nhiều lần.
Tôi bắt buộc phải đến ngôi nhà đó mà thôi. Khác với những người đàn ông bình thường, tôi là kẻ đang muốn được thỏa mãn những dục vọng u tối. Ngoài những cô gái đó, ai là người có thể giúp tôi? Và tôi phải đi đâu để tìm lại được người tôi yêu?
Tôi nghĩ rằng mình là người duy nhất đang phải mang trên lưng cái thập giá kinh khủng này. Đó là một bí mật đáng hổ thẹn. Đó là một dục vọng tôi chỉ có thể xử lý một mình và không biết đem tỏ cùng ai. Tôi mường tượng khuôn mặt rạng rỡ, ngập tràn hạnh phúc của đám bạn bè đang có người yêu và bắt đầu cảm thấy từ đáy trái tim là mình không có một mối tình nào cho đường hoàng, và mình bẩn thỉu, đáng khinh và đáng ghét biết chừng nào. Thế nhưng lúc ấy, tôi đã không còn có thể cứu vãn. Ký ức về những cảm giác kịch liệt mà tôi đã trải nghiệm từ Fusako cho đến dì Nobu, từ dì Nobu cho đến người đàn bà ở Ôiso kia không thể nào xóa đi cho được. Sau khi đi chơi với những cô gái trong ổ điếm ở Shinjuku, một cảm tưởng trống rỗng lúc nào cũng còn đọng lại dưới đáy lòng tôi. Thế nhưng, ít nhất tôi cũng đã dần dần quen thuộc với căn phòng ở Shinjuku và mùi hôi hám của nó, với cô gái mỗi lần cười đều phải nhăn cả mũi.
***
Chiến tranh chấm dứt. Khi nghĩ rằng biết đâu bây giờ mình lại chẳng có cơ hội tái ngộ Domina, lồng ngực tôi chưa chi đã rộn ràng. Tôi bèn bước đi trong lòng phố. Tôi gặp được dăm ba cô gái da trắng giống như nàng. Lúc nào mắt tôi cũng dõi theo, nhìn xem họ có cái bóng dáng thanh tú với đôi chân thon thả ấy không. Đôi chân mà lúc ngã trên bãi cát tôi đã thấy hiện ra trước mắt mình với hai bàn chân đang được sóng rửa cho sạch cát. Thế nhưng không một người nước lạ nào tôi gặp trên đường lại đúng là nàng. Khuôn mặt người đàn bà ấy càng đẹp hơn, càng tàn nhẫn hơn khi tôi nhìn nàng lồ lộ dưới ánh sáng của vầng trăng.
Dù sao tôi cũng bỏ rơi việc học ở đại học mà tôi vừa được nhận vào, suốt ngày cứ tự cấm cố trong ngôi nhà ở Mishuku. Trong thời gian bị oanh kích, cha tôi, một người khôn khéo, đã mua cái nhà ở giữa địa điểm chiến trường kia với một giá rẻ mạt. Nhờ đó mà tôi không phải ra ngoài kiếm việc. Suốt ngày tôi cứ giết thời giờ bằng cách ngồi trong ngôi nhà đó, tưởng tượng ra hình ảnh người mà tôi ghi khắc trong tim, để làm nó hiện ra trên mặt vải bố (canvas). Tuy nhiên, tôi không tài nào thể hiện được những cảm xúc lộ ra trên khuôn mặt tắm trong ánh trăng của nàng. Tôi còn nghĩ, đến ngày nào mình vẽ ra được, thì ngày đó, mình mới gặp lại nàng thôi.
Mỗi khi cho rằng phải đi đến một nước thật xa thì may ra nàng có đó, tôi lại đâm ra chán nãn. Tôi bèn xin cha cho ra nước ngoài học vẽ. Bốn năm sau khi chiến tranh kết thúc, cuối cùng, tôi đã leo lên một chiếc tàu chở hàng của Hà Lan.
En-chan ạ! Những chuyện xảy ra sau đó thì cậu đã biết hết cả rồi. Cũng như khi còn ở Nhật, tôi cũng sống lầm lũi, cô độc trong Hội quán Satsuma kia. Tôi không muốn trò chuyện với các cậu mà nói rồi thì cũng chẳng đi đến đâu. Hơn nữa, cái cảm giác mà người ấy đã thổi vào trong tôi vốn là một bí mật cá nhân mà tôi không muốn san sẻ cho ai hết.Tuy nhiên, chừng nào tôi chưa tìm được nàng Domina, người đẹp tắm trăng, thì tôi còn bị cái dục tình khiếp đảm ấy dằn vặt đến khổ sở. Do đó, khi thì tôi tìm đến ngôi nhà của Yvonne, khi thì tôi nuôi mấy con bọ mát-mốt, khi thì...tôi ra đằng sau xóm Montparnasse tìm những "ngôi nhà đặc biệt". Chắc En-chan không biết đâu, ngay ở Paris cũng có những ngôi nhà làm ăn kiểu đó. Vừa mới bấm chuông xong đã thấy một cô tóc đỏ ra mở cửa cho. Sau khi đưa tôi leo lên gác xong, cô ta sẽ dẫn tôi đến một căn phòng tối tăm bày đủ thứ dụng cụ chi li...Từ phòng bên cạnh, tôi nghe vọng lại tiếng đàn ông đang rên siết...
Tuy tìm đến những ngôi nhà buôn bóng sắc như thế nhưng lòng tôi vẫn thê lương hoang vắng giống như khi tìm đến những cô gái ở Shinjuku. Dù được cô gái tóc đỏ quất roi cho, nhưng qua sự đánh đập đó, tôi không cảm thấy cái khoái cảm đê mê của người bị hành hạ. Cô ta không phải là nàng Domina tắm trăng của tôi. Hơn thế, mọi hành động của nàng đều bắt nguồn từ lý do thương mãi. Chúng chỉ là những kỹ xảo giả tạo.
Một buổi chiều, trong khi tôi đang từ thang gác của ngôi nhà đó bước xuống, tôi đã tình cờ gặp một thanh niên đi ngược chiều. Lúc đó là mùa đông cái năm En-chan về nước. Thanh niên đó mặt dấu trong cái cổ áo khoác được lật lên cao, đang lách qua bên cạnh tôi để leo thang. Thế nhưng, sắc diện anh ta mới xấu làm sao!....Trong lúc hai người đang tránh nhau, anh đã đưa cặp mắt u ẩn như có mây che để nhìn tôi. Tôi nghĩ thầm anh chàng này hoàn toàn là một kẻ đáng vứt đi rồi.
Hôm đó, khi trở về căn gác trọ phố Surchet, tôi đã thử soi mặt mình trong gương, Khuôn mặt tôi trông bệu và tái đến kinh ngạc. Cánh của sổ bị gió lay phát ra những âm thanh buồn bã và bầu trời mùa đông của thành phố Paris đang phủ lên nó một màn mây xám. Tôi tự nhủ: "Thế là không xong rồi. Ta phải ngừng ngay! Phải trở lại cuộc sống bình thường như mọi người". Nghĩ như thế nhưng tôi vẫn cảm thấy đâu đó trong lòng mình có một tiếng nói cho biết là tôi sẽ khó lòng thoát khỏi số phận và sẽ tiếp tục đeo đẳng cái dục tình đáng sợ này cho đến lúc mãn phần.
En-chan a! Nếu cậu chịu đọc những gì tôi viết cho đến đoạn này, cậu phải khó chịu lắm nhỉ? Và chắc cậu khinh bỉ tôi lắm. Kèm thêm một tình cảm chán ghét nữa, có đúng không? Dù biết hết những khinh khi và ghét bỏ cậu đang dành cho, tôi vẫn gửi cuốn sổ tay này đến chỗ cậu. Cho tôi nói lý do tại sao nhé! Vì tôi muốn bày tỏ lòng mình, vì tôi mong rằng mình vẫn chưa bị người khác cự tuyệt. Dù là kẻ xấu xa, kinh khiếp đến mức nào, nhưng khi tôi còn là một con người thì En-chan – kẻ đang theo đuổi cái nghiệp văn chương - sẽ không có quyền từ chối tôi và sẽ thấu hiểu sự cô độc của tôi thôi.
Ba
Tôi gói ghém tất cả những gì Chikuma gửi cho mình trong mấy tấm giấy báo rồi để vào một góc tủ. Lúc đầu, nửa vì hiếu kỳ, nữa vì thấy thú vị, tôi đã bắt đầu đọc nó nhưng đến giữa chừng, mỗi lúc tôi càng thấy bị một cảm giác lạ lùng xâm chiếm làm cho mình phải đau đầu. Thành thực mà nói, nguồn gốc của cảm giác sinh lý đó là sự ghét bỏ. Có lần, nhân việc gì đó phải mở cánh của tủ ăn vào hốc tường (oshiire), khi nhận ra cái bọc đựng cuốn sổ tay đang nằm đó, tôi đã vội vàng nhìn lảng qua chỗ khác. Lúc ấy, hình ảnh cặp môi thâm của Chikuma lại thoáng hiện ra trong trí và tôi cảm thấy cái mùi hăng hắc tựa mùi tỏi của cái căn phòng hôi hám như đang phả ra quanh đây.
Mặt cái bọc giấy dần dần đã phủ một lớp bụi mỏng. Lại có không biết bao nhiêu thứ rác rưởi linh tinh khác trong nhà đang đè lên trên. Chikuma đã trở thành một người không còn can hệ gì đến tôi nữa. Nói thế chứ, khi ra khu Shinjuku hay Shibuya, trong đám đông xô bồ, tôi có lần đi xẹt qua một thanh niên khổ người thấp bé và sắc diện không được tốt tựa như Chikuma. Lúc đó, tôi chợt nhớ lại một câu Chikuma từng nói: "Khi tôi hãy còn là một con người thì nhất định En-chan không có quyền từ bỏ tôi!". Nhưng tôi đã lắc đầu để tìm cách đuổi câu nói đó ra khỏi trí óc mình: "Cái anh này hình như cũng có mặt ở Paris thời mình sống bên đó, nhưng tên thì chịu, không sao nhớ ra!"
Buổi chiều trời mưa hôm ấy, tôi tình cờ lên cùng một chiếc xe với giáo sư M., một học giả ngành tâm lý. Bữa đó, một tạp chí phụ nữ đã nhờ tôi đóng vai trò người phỏng vấn giáo sư. Nhằm lúc câu chuyện kết thúc và cả hai đi chung một chuyến xe để ra về, tôi vừa thở dài vừa lên tiếng hỏi:
-Tại sao anh đó lại trở thành như thế hở, giáo sư?
-Không chỉ có mỗi anh đó đâu, ông ạ.
Giáo sư M. vừa lau cặp mắt kính mờ hơi nước vì không khí tù hãm trong xe, vừa tiếp lời:
- Ai cũng vậy, không ít thời nhiều đều có xung động thích bị ngược đãi (masochism) và ngược đãi người khác (sadism). Một là muốn ăn hiếp người khác, hai là không muốn được người khác đối xử cho ra hồn người mà chỉ muốn được họ xài xể như một món đồ. Đó là những ham muốn có tính bất thường.
Tôi chỉ ra phía ngoài của xe. Trên mặt đường ướt mưa, có những cặp tình nhân đang ghé sát vào nhau và chia chung chiếc dù. Trông họ tràn trề hạnh phúc. Lại có những anh chàng giống như tư chúc (salaryman), có lẽ từ vừa sở làm ra, cổ áo mưa lật lên, đang băng qua đường một cách vội vã.
-Giáo sư muốn nói tâm hồn những người này cũng giống thế sao?
-Chớ gì nữa! Biết đâu 20% trong bọn họ chẳng đã có sẵn một não trạng bệnh lý. Phần còn lại chắc không đến nỗi nào. Thế nhưng, lúc sau này, con số người có tâm lý kỳ dị coi bộ đã tăng nhiều. Có thể nói đó là một căn bệnh do cuộc sống văn minh tạo ra (bunmei-byô = văn minh bệnh).
-Không biết người đàn ông tôi quen sẽ ra sao nhỉ?
-Ôi chà, trường hợp ông ta coi bộ khó lòng cứu vãn. Nếu sa vào chỗ đó thì nguy lắm vì nó giống như đầm lầy.
Khi đến Shibuya, tôi bèn bảo xe dừng lại và chạy bay xuống giữa đường phố đang ướt nước mưa. Câu nói "Coi bộ khó lòng cứu vãn" của giáo sư M. cứ bám chặt trong trí tôi.
Vào trong một quán rượu nhỏ, tôi vừa nhấp rượu vừa suy nghĩ:
-Cũng đành chịu. Mình cũng đã biết là dù muốn cứu Chikuma đi nữa, cũng khó lòng cứu nổi.
Chính ra, không hề có chuyện tôi đã biết là có muốn cứu Chikuma cũng không ai cứu nổi. Anh ta đúng là một người không ăn nhập gì đến sinh hoạt và kiếp nhân sinh của tôi. Cho nên cho dù anh có đau khổ vì tình dục và do đó mà trở thành một con người cô độc, nào có gì để tôi phải quan tâm?
Một năm trôi qua. Cuốn sổ tay tôi bỏ mặc trong cái tủ ăn vào hốc tường kia đã bị chôn vui trong đám tạp chí, giấy nháp viết bản thảo.Tôi không nhớ chính xác nó nằm đâu nữa. Tôi chỉ có, mỗi một lần thôi, nghe chuyện về người đàn ông đó từ anh họa sĩ Sekine, trong lần anh ấy từ Pháp về nước sau nhiều năm vắng bóng.
-Chikuma còn ở Paris không, anh? Chắc hắn không muốn về Nhật đâu nhỉ?
-Vâng, không ạ.
Anh Sekine thọc một ngón tay vào cái lỗ bên trên tẩu thuốc, vừa lắc đầu:
-Hình như cu cậu không còn ở Paris nữa.
-Chứ biến đi đâu nào?
-Tôi không biết và cũng chẳng muốn biết. Lấy dùm tôi cái móc tẩu coi!
Vẫn giống ngày xưa, anh Sekine có vẻ không tha thiết gì đến Chikuma.
***
Mùa xuân năm nay, chợt tôi bắt được điện thoại của một người tự xưng là Ozawa. Anh ta bảo biết tôi đang bận nhưng xin phép được gặp nói chuyện và vì cũng có món đồ muốn trao.
Một buổi xế trưa, đúng phóc vào giờ hẹn, anh Ozawa này đã tìm tới ngôi nhà tôi ở. Đó là một thanh niên mặt mày điển trai, kém tôi chừng bốn, năm tuổi. Qua câu chuyện, tôi được biết anh là con trai một diễn viên sân khấu nổi tiếng.
Anh ta bảo tôi:
-Em có dịp xuống dưới Lyon. Hình như anh Endo cũng có thời kỳ sống ở đó, phải không?
-Thế à?
Tôi trả lời với một giọng tiếc nuối vì trước khi lên Paris, tôi đã lưu lại thành phố miền trung nước Pháp này và sống hai năm trong một ngôi nhà trọ buồn bã.
-Chắc bây giờ ở Lyon, người Nhật đông lắm hở cậu?
-Chưa đâu anh. Chỉ có khoảng ba hay bốn người thôi ạ. So với Paris thì chả thấm vào đâu.
Hồi tôi sống ở thành phố dày đặc sương mù kia, nếu nói là người Nhật thì chỉ có một ông già đã kết hôn với một bà người Pháp mấy chục năm về trước và ở lại luôn bên đó. Tôi vừa ngắm khuôn mắt anh Ozawa, vừa bùi ngùi nhớ lại thời mình còn sống trong thành phố Lyon.
-Lyon tuy vậy mà cũng là một thành phố ma quái lắm đấy, cậu ạ. Tôi nghe người ta nói lễ "Misa đen" (thánh lễ dành cho quỷ sứ) vẫn còn được tổ chức bí mật ở một vài vùng. Thế cậu có nghe nói về mấy chuyện ấy không?
Tôi cứ nghĩ anh Ozawa đến nhà thăm tôi là vì cái tình của một người đã học cùng một trường đại học nên đã định đưa ra những đề tài nói chuyện có liên quan tới thành phố ấy. Thế nhưng Ozawa đã lắc đầu:
-Dạ không, ạ. Thế anh Endo có quen với người nào tên là ... Chikuma không?
-Chikuma nào? Chikuma vẽ tranh ấy à?
^Đúng rồi. Anh Chikuma này cũng có sống ở Lyon.
Sau khi nhặt cái tay nải trên bàn đặt lên đùi mình, anh Ozawa bèn bắt đầu câu chuyện:
Chikuma đã xuống Lyon khoảng nửa năm sau khi chàng thanh niên Ozawa đến đó du học. Hình như hắn ta trọ trong một khách sạn nhỏ ở một xóm đằng sau lưng nhà ga. Hắn hầu như chỉ giao du với nhóm ba bốn người Nhật Bản ở Lyon trong số đó có Ozawa. Nghe anh kể như thế, tôi bèn nhớ lại cái thời chúng tôi còn ở trong Hội quán Satsuma và thấy không lạ gì vì hắn vẫn giữ nguyên tính cũ.
-Anh chàng đó khó ưa lắm phải không cậu?
-Dạ không.
Nhưng Ozawa không nói gì thêm mà chỉ mỉm cười
-Bây giờ anh ta còn ở Lyon không?
-Thưa, anh ấy mất rồi ạ!
-Mất? (Tôi ngạc nhiên hỏi). Tự sát à?
Thực ra thì Chikuma không chết vì tự sát. Anh ta chết vì bệnh ở trong nhà thương Saint Sirène (theo phiên âm) sau khi được đưa vào đấy. Tuy anh không mắc chứng ho lao nhưng phổi anh bị lan nhiễm ác tính (eso = hoại thư = grangene) nên đã chết trong khi đang được giải phẫu.
Tôi không ngờ rằng tin Chikuma chết đã làm sống dậy trong lòng tôi một niềm cảm khái. Lúc đó, không hiểu tại sao lòng tôi lại chạnh nhớ giây phút một mình đứng im lặng, ngậm ngùi nhìn những tia nắng yếu ớt của buổi chiều mùa đông rọi lên mặt sàn căn buồng hắn, vào cái hôm hắn dọn ra khỏi Hội quán Satsuma!
Ozawa lặng lẽ kể thêm:
-Vì anh ấy không có ai là bạn nên mọi chuyện hậu sự thì bọn lưu học sinh Nhật Bản ở Lyon chúng em phải lo liệu hết. Tất cả đồ đạc của anh ấy chỉ chứa đủ một cái va-li, và bên trong, có một phong bì đề tên người nhận là anh đó, anh Endo.
Ozawa tháo nút tay nải và trao cho tôi một cái bọc bằng giấy hẹp và dài. Tôi vừa nhận lấy vừa hỏi thăm:
-Bên trong là những gì thế, cậu?
-À! Cái đó em không biết!
Sau khi Ozawa ra về, tôi mở bọc ra xem và lại thấy có một cuốn sổ tay dùng để ghi chép.Trong cuốn sổ còn có kèm theo một tờ giấy với bút tích của Chikuma nghĩa là loại chữ viết kiểu in và to như đại tự. Trên bìa chỉ thấy ghi mỗi một giòng: "Xin đọc cuốn sổ tay này!"
***
"Ngày 20 tháng 10:
Thế là mình đến Lyon mất rồi. Nói là "đến mất rồi" nhưng chính ra phải ngậm ngùi mà than rằng "rốt cuộc mình đã rơi xuống tận đây".
Tôi được nghe chuyện về thành phố này chỉ mới có hai tuần trước. Buổi tối mà tôi chạy như trốn biến khỏi căn nhà nọ ở khu Montparnasse, lúc ra đến cửa, tôi đã tình cờ gặp một người đàn ông trung niên. Trong tấm áo khoác ngoài lịch sự, ông có vẻ là một nhà buôn nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt thâm quầng và cặp môi thôi, tôi hiểu ngay ông ta là người đang mắc cùng một căn bệnh như tôi.
Ông ta bước chầm chậm đằng trước. Cứ nhìn dáng điệu ông là tôi biết rằng, giống như tôi, ông có vẻ như đang tìm hiểu người đi bên cạnh là hạng người nào. Đột nhiên, thấy ông dừng lại, châm lửa vào điếu xì gà, làm như ông muốn đợi tôi:
-Monsieur, nếu ông không ngại, mình có thể đi đâu đó uống miếng nước không ạ?
Lời lẽ của ông ta nghe lễ phép nhưng khi mời mọc, ông ta chỉ ghé miệng sát mặt tôi và hạ thấp giọng.
Ở quán cà-phê, không nhớ tôi và ông đã nói chuyện với nhau đến mấy tiếng đồng hồ! Trong khoảng thời gian ấy, lòng tôi cảm thấy hân hoan vì đã làm quen được với một người có cùng hoàn cảnh cô đơn. Ông là một thương nhân ở Lyon, vì chuyện làm ăn cần bàn bạc nên phải lên Paris.
Nâng cốc cà phê bằng hai tay lên môi, ông ta nói như thì thầm:
-Đằng tiệm hồi nãy "chán" lắm, ông bạn ơi. Dưới Lyon, còn có chỗ "hay" hơn gấp bội.
Tôi gật đầu. Để thu tiền của bọn tôi, cô gái tóc đỏ chỉ làm công việc mà cô bị bó buộc và nó lại nặng phần kỹ xảo như đóng kịch. Cô ả không tra tấn thực sự và chỉ vờ tra tấn. Chúng tôi không được cô ả cho nếm mùi vị của đau đớn và khổ muộn thực sự, nên chỉ để lại nơi tôi một cảm giác nhạt nhẽo và hụt hẫng. Ông bạn ngồi trước mặt đã tỏ ra đồng ý với những gì tôi nói.
-Thế nhưng ở đâu chúng ta có thể tìm được sự thỏa mãn, hở bạn? Nào phải ở đâu cũng có!
Tôi hồi tưởng lại những gì đã xảy ra cho mình suốt quãng thời gian dài mười mấy năm nay, từ những cô gái xóm Shinjuku đến cô nàng tóc đỏ. Mỗi lần ra khỏi căn nhà của bọn đàn bà đó, lúc nào tôi cũng cảm thấy lòng mình trống trải và như đang có những luồng gió thổi xuyên qua.
Người đàn ông nhìn khuôn mặt của tôi một hồi lâu như muốn dò xét. Thế rồi, ông ta nói nhỏ:
-Tôi có thể tin cậy được bạn không?
-Tôi nghĩ là được.
Tôi gật đầu khẳng định, trong lòng như đang kỳ vọng một điều gì.
Ông ta bèn ghé sát mặt tôi và chỉ dẫn:
-Thế thì bạn xuống Lyon đi. Nơi đây không có tính cách buôn bán. Ngôi nhà tôi nói chỉ là nơi tụ tập của những kẻ mang một tâm sự đau buồn. Tôi sẽ viết cho cậu bức thư giới thiệu. Cậu chỉ cần gọi điện thoại cho một phụ nữ tên là Mme Roque.
Chia tay người đàn ông, tôi từ Montparnasse tản bộ dọc theo vĩa hè dài, hướng về phía Port Royal. Đoạn đường đang bị vùi lấp dưới những chiếc lá khô. Tôi đặt bàn tay vào trong túi và thử chạm vào tờ giấy giới thiệu mà ông bạn mới quen vừa viết. Một cảm giác lạ lùng, trộn lẫn đau khổ với hân hoan, làm cho lồng ngực tôi bỗng nhói lên.
Thế nhưng sau khi trở về ngôi nhà trọ và một mình ngả lưng trên ghế, từ trong căn phòng tĩnh lặng, tôi chợt nghe đâu đó vọng lại một tiếng gọi hối hả như đang liều chết ngăn tôi lại: "Đừng đi nhé! Đừng đi tới chỗ như thế làm gì!". "Ô kìa! Không phải ngươi đã nhất quyết sống cho ra hồn người hay sao? Thôi, đừng đi! Cố làm lại cuộc đời của ngươi thêm một lần nữa!". Trong căn phòng, lúc đó trời đã tối mịt. Đôi khi từ bên ngoài, tôi nghe có tiếng trẻ con đang hát. Tôi không thắp đèn mà ngồi im lặng hồi lâu trên chiếc ghế. Thế nhưng lần này, từ trong bóng tối, huyễn ảnh ngôi nhà của Mme Roque mà ông bạn kia vừa giới thiệu lại hiện ra lờ mờ trước mắt tôi. Đó là một căn phòng mà từ cửa sổ cho đến mấy bức tường đều được buông che bằng những tấm màn màu đỏ rực như lửa. Còn bên trong phòng, một mùi trầm đang dậy lên thơm lừng. Rồi Mme Roque, vẫn mặc nguyên tấm áo lụa mỏng dính, đang nằm dã dượi, người vắt qua một chiếc ghế dài. "Đừng đi nhé! Đừng đi đến chỗ ấy làm gì!". Tôi bèn lắc đầu để xua đuổi những quang cảnh đang lởn vởn trước mắt.
Suốt hai tuần, tôi phải chiến đầu không ngừng với những huyễn tưởng như thế. Theo kinh nghiệm có cho đến nay, tôi thấy rằng lúc mình chui đầu vào giường chực ngủ mới là lúc những huyễn tưởng này lũ lượt kéo tới. Cho nên tôi đã đem sách vào giường và thử gắng đọc trong lúc đi nằm thế nhưng giữa những trang giấy trắng, thân thể nõn nường quấn trong làn lụa mỏng của Mme Roque lại lồ lộ hiện ra.
Khi đoàn xe hỏa băng qua cây cầu sắt bắc ngang sông Rhône, tôi mới chợt nhận ra là, ôi thôi, mình đã xuống tới Lyon mất rồi. Tôi không nhớ rõ mình đã rời khỏi căn nhà trọ và đã leo lên toa xe bằng cách nào. Nói như thế, tưởng chừng tôi muốn khoa trương, nhưng chính ra đó là sự thật. Bởi vì buổi sáng hôm trước, tôi hãy còn chưa có quyết tâm. Thế mà chỉ sau vài tiếng đồng hồ, tôi đã nhét mớ quần áo vào trong cặp rồi phóng ra nhà ga. Tôi đã bắt con tàu đi Lyon và leo lên đó như kẻ bị ma ám. Tôi vừa nhìn ra của sổ để ngắm cảnh thành phố Lyon đang nằm ngủ trong màn sương dày đặc vừa nghĩ "mình hãy còn khả năng đổi hướng" nhưng mặt khác lại có cảm tưởng là mình sẽ không thể quay lui và có lẽ sẽ đem lá thư giới thiệu của người đàn ông kia đến cho Mme Roque! Hình như có một sức mạnh vô hình đang dìu tôi từng bước một khiến tôi phải sa vào địa ngục.Tôi cố gắng thoát ra khỏi nơi đó, nhưng đã biết rằng mình không tài nào thoát được.
-Ngày 22 tháng 10:
"Thôi, thôi! Xé thư giới thiệu ấy vứt ngay cho!".
Tiếng của "Hắn" rì rầm, như rót vào lỗ tai tôi. "Hắn" nói thế này: "Lúc đầu chắc ngươi khổ sở lắm đấy. Tuy vậy, so sánh với những thống khổ mà ngươi sẽ tiếp tục nếm từ đây về sau, thì sự khổ sở bây giờ chưa thấm vào đâu, hãy cắn răng mà nhịn cho qua. Ít nhất trong hai tuần đầu."Hắn" đây là tiếng nói của một cái bóng (kage no koe), dạo này hay kêu gọi và nhắn nhủ tôi. "Hắn" bám theo tôi bất luận ở đâu.Trong phòng, trên thang gác, ngay ở trong giường...ở khắp nơi, lúc nào "Hắn" cũng muốn tìm hết cách để ngăn chặn, không cho tôi đến chỗ Mme Roque. Lúc sau này, tôi thường nghĩ đây phải là "Hắn" thôi. Bởi vì "Hắn" không là tôi? Dù có tiếng nói khuyên can ấy, tôi vẫn là thằng đàn ông đang bị cái dòng tình dục đáng sợ ấy cuốn trôi theo.
Hôm nay, lúc đang nắm điện thoại trong tay chực gọi, tôi lại nghe tiếng "Hắn" nhắn nhủ tôi, tiếng nức nở như người đang khóc. "Hãy buông ống nghe ra! Chỉ cần ngươi quay một vòng số (dial) thôi là rồi đời...."
Thây kệ, tôi vẫn quay số. Tôi không thể làm khác hơn.Tôi nghe chuông reo lên ở bên kia đầu giây...rất lâu, và sau đó là tiếng nói trong trẻo của một người đàn bà trẻ.
Với giọng khàn khàn vì xúc động, tôi kể lại cuộc gặp gỡ với người đàn ông ở Paris.
-Tối mốt, mời ông đến cho. Hôm ấy sẽ có một cuộc họp mặt.
Một người có lẽ là Mme Roque, tỏ ra hiểu chuyện, đã trả lời như thế. "Dĩ nhiên, ông phải hứa với tôi là không được tiết lộ chuyện này cho ai hết nhé!".
Khi buông ống nghe xuống, bàn tay tôi hãy còn run.
Đến tối, tôi bèn ra khỏi nhà bởi vì tôi muốn đến ngôi nhà theo địa chỉ mà Mme Roque đã cho, sớm chừng nào hay chừng ấy. Tôi thấp thỏm không thể nào đợi đến ngày mốt được. Từ khu Saint Jean, tôi lấy xe buýt, đi năm trạm thì đã đến nơi. Bên tay mặt là một ngôi trường học, vách tường của nó kéo dài cho đến cuối một con đường màu xám. Phía tay trái thì có những ngôi nhà nằm thành hàng bên nhau và đều có chấn song bằng sắt giống như phía tay mặt. Nhà của Mme Roque là một ngôi trong số ấy. Cửa sổ có màn buông kín. Không thấy ánh đèn nào. So với hình ảnh một ngôi nhà u ám, đầy âm khí mà tôi đã tưởng tượng trong đầu từ hai tuần nay thì nhà của bà ta không giống chút nào.
-Ngày 25 tháng 10:
Tôi không nhớ mình trở về khách sạn vào lúc mấy giờ. Có lẽ sau đó, tôi đã ngủ thiếp đi trong nhiều tiếng đồng hồ. Khi mở mắt, căn phòng đã tối mịt. Cả lưỡi và cổ họng tôi đều khô như một miếng bọt biển để hút nước (sponge).
Thế nhưng, tôi phải nhớ lại từ đầu để viết cho chính xác. Tối hôm qua, tôi đã ra khỏi khách sạn khoảng 10 giờ. Còn cho đến 10 giờ thì tôi đã ngửa người trên ghế để lạnh lùng nghe những lời "Hắn" van lơn và thuyết phục. "Hắn" vẫn là cái tiếng nói vô hình vô ảnh trước đây, nhưng lần này, cách trình bày của hắn đã bắt đầu bằng răn đe, sau đến lý sự, cuối cùng thì giống như than thở.
"Thôi, đừng đi nhé! Nếu là chỗ khác thì ngươi đi đâu cũng được, cho dù đó là mấy ổ điếm nằm sau lưng thành phố. Bởi vì đi như thế, hãy còn lành mạnh hơn nhiều. Còn như ngôi nhà của người đàn bà kia, cái họ sắp dạy cho ngươi đó, không phải là tình dục thông thường. Đó là một vũng bùn mà một khi đã chìm vào trong đó, ngươi không thể nào ngoi đầu lên được. Ngay ta đây cũng không còn cách nào nắm được tay ngươi lôi lên để cứu mi đâu". Dù nghe nói thế, tôi vẫn giữ im lặng. Tiếng nói ấy cứ rì rầm bên tai trong không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ nhưng lòng tôi đã quyết. Khi cái đồng hồ đặt bên giường vừa chỉ đúng 10 giờ, tôi bèn đứng lên, khoác áo ngoài vào. Tôi vừa ra đến cửa, "Hắn" liền chặn tôi thêm một lần nữa: "Nhất định đi hay sao?", rồi thì thầm một cách buồn bã: "Thôi, muốn đi thì đi. Ta rất khổ tâm nhưng mong sao một ngày nào đó, tình dục này sẽ khiến ngươi phải kêu gọi đến ta. Lúc nào tình dục khiến cho ngươi chạm đến đáy của cái đáy rồi, có lẽ ngươi sẽ chìa bàn tay ra cầu xin ta giúp đỡ. Cho dù mọi người đứng nhìn ngươi chết, mỗi mình ta sẽ không bao giờ quên ngươi!".
Tôi chạy xuống cầu thang, bước đi trong lòng phố bao bọc bởi màn sương. Lớp sương mù bốc lên từ dòng nước sông Rhône đã xóa đi hình ảnh cây cối bên đường, các bức tường cũng như nhà cửa trong thành phố. Tiệm quán đều đã đóng cửa ngủ yên. Nhờ cách đây hai hôm, tôi đã đến thăm dò trước một lần rồi nên dù là trong lớp sương mù dày như thế này, tôi cũng không đến nỗi mất nhiều công tìm kiếm ngôi nhà của Mme Roque.
Vừa bấm chuông xong, tôi đã thấy một thanh niên da trắng ăn mặc Âu phục đỏm đáng, bước ra mở cửa. Có lẽ anh ta đã được Madame thông báo về tôi nên đưa tôi ngay vào gian tiền đường. Đang bước trong hành lang, bỗng anh thanh niên có đôi mắt thâm quầng ấy đã quay lại phía tôi và hỏi:
-Bạn thuộc loại thích thống khổ hay loại thích lăng nhục?
-Pardon? (Gì hả anh?)
Tôi không hiểu rõ ý nghĩa câu anh hỏi nên đã hỏi trả.
-À, không sao.Anh ta mỉm cười. Tôi hơi ngạc nhiên vì anh có đôi môi với một màu đỏ rất lạ. Có lẽ anh đã tô son lên đó cũng nên.
-Trong hội này, có hai hạng hội viên đấy, bạn ạ! Đó là loại thích chịu đau đớn và loại thích đánh đập người khác. Nhiều người lúc đầu không biết mình thuộc loại nào, thế nhưng chẳng bao lâu sau, thế nào rồi họ cũng phân biệt cái khác nhau giữa hai loại cảm xúc tế nhị này.
Tôi không nói gì. Bởi vì tôi không hiểu rõ là nó như vậy. Hôm ở bãi biển Ôiso, khoái cảm mà tôi nếm được có phải là niềm vui đến từ sự thống khổ hay không nhỉ? Hay là cái hạnh phúc vì được ai đó sỉ nhục? Lúc đó, tôi không nghĩ đến sự khác nhau giữa hai thái độ. Tôi chỉ thấy ngất ngây khi má ăn cái tát. Thế nhưng khi ngã xuống bên bờ, nơi những ngọn sóng đang xô đến để rửa lấy bãi cát, thì tôi lại nhận thấy có một nỗi đau và niềm vui khác.
-Còn bạn thì sao?
Tôi vừa ực nước bọt, vừa hỏi anh ta. "Bạn thuộc loại nào?".
-Tôi? Tôi à? Loại thứ hai.
Anh thanh niên nở một nụ cười nhẹ trên cặp môi đỏ chót và đáp. "Theo tôi thì khoái cảm thực sự đến từ việc hành hạ người khác chứ không phải để kẻ khác hành hạ mình đâu, bạn ơi. Chỉ có bọn học giả tâm lý học ngoài đời mới suy luận một cách sai lầm là chúng mình thích bị xử tệ và chịu đánh đau thôi. Vì nghe theo lời bọn hắn cho nên thế hệ sau mới coi trọng sách vở nói về Mazo (Masochism). Này, bạn, mấy cuốn tiểu thuyết Mazo đã mắc phải sai lầm là đã cường điệu về cái khoái cảm đến từ sự đau đớn. Cái đó chỉ là dối trá. Chúng không những chẳng xem bọn mình là con người và còn muốn hạ bọn mình xuống hàng vật dụng.
Cái nóng của hơi nước lò sưởi cùng với mùi khen khét của kim loại bị cháy như đang dồn nén trong hành lang làm cho tôi muốn xây xẩm.
-Nào! Nếu bạn chỉ muốn bị hành hạ thôi thì vào cái phòng bên tay mặt cho tôi. Bằng không, xin qua phòng bên trái.
Anh ta đứng ngay giữa hành lang, lưng dựa vào tường và tréo hai chân. Cái hành lang đó được soi bởi một bóng điện tù mù như bên trong một bệnh viện, và chạy thẳng về phía trước.
Tôi trả lời với giọng khô se:
-Phòng bên trái đi...
Vừa mở cánh cửa phòng bên trái, tôi đã thấy có ba người đàn ông đang ngồi trến ghế. Phòng sáng trưng như phòng mổ. Không hiểu sao lúc đó tôi lại cảm thấy mắc cỡ như người bị ai lột mất áo quần. Bọn đàn ông đưa mắt liếc tôi thật nhanh rồi sụp mắt nhìn xuống ra chiều buồn bã.
-Monsieur, ngồi xuống đi ông. .
Thấy tôi cứ đứng nguyên ở cửa, một trong ba người thì thào như thể đang nói một mình, trong khi hai người kia vẫn giữ im lặng.
-Ông mới đến đây lần đầu à?
-Vâng.
Tôi ngồi xuống ghế và đặt hai bàn tay lên đầu gối.
-Chỉ có lần đầu là còn kha khá thôi!
Anh ta nói mà như đã mệt nhoài. Mặt anh lúc đó đúng là xanh xao, nhợt nhạt. Hố mắt anh đã có những quầng thâm. Tôi chợt nhớ ra là người đàn ông đi ngược chiều thang gác với tôi trong ngôi nhà đàn bà ở khu phố Montparnasse hay ông bạn thương nhân giới thiệu tôi đến đây, đều có cặp mắt với hố mắt quầng thâm như người đàn ông này.
-Tại sao anh lại bảo chỉ có mỗi lần đầu là kha khá?
-Biết ngay bây giờ mà! Ông sẽ trở thành như bọn tôi thôi. Lúc đầu ai cũng nghĩ rằng những gì mình khao khát bấy lâu sẽ được thỏa mãn. Nhưng nếu chỉ với chừng đó cách thức thì trước sau gì cũng đâm ra ngấy. Rồi sẽ muốn tìm những phương pháp mới hơn. Rồi lại chán ngay thôi. Bèn nghĩ đến những thứ kích thích khác. Nhưng cuối cùng sẽ không thấy phương pháp nào là có hiệu quả.
-Nếu thế, tại sao mấy anh đến đây làm gì?
-Vì bọn tôi không biết đi đâu. Không lẽ lại nhờ vợ nhà chữa trị cho mình? Anh này cũng thế!
Anh chàng chỉ về phía người đàn đàn ông đeo kính và hói đầu đang nhắm mắt, ngồi ở bên cạnh:
-Pierre. Được không, bạn? Tôi kể chuyện đó cũng không sao chứ?...Anh Pierre này ngoài đời là thầy dạy trung học đấy! Trong nhà, anh lại là cha của ba đứa trẻ. Này nhé! Người như thế mà lại nuôi trong lòng một sự khao khát không ai có thể hiểu. Anh quá đỗi hổ thẹn để thổ lộ cái ham muốn ấy cho người khác.Những kẻ còn có thể thỏa mãn anh là Mme Roque và những người bạn của bà. Trường hợp tôi cũng vậy. Suốt 40 năm nay, tôi chỉ trông đợi mỗi điều đó. Mà thực ra, ngay tôi không rõ về bản chất cái dục vọng của tôi. Chắc người như ông hẳn phải hiểu được tâm sự của tôi chứ nhỉ?
Vừa lúc đó, cánh cửa phòng mở ra và anh chàng thanh niên hồi nãy lại ló đầu vào, bảo rằng mọi sự đã chuẩn bị xong xuôi. Ba người đàn ông bèn đứng dậy rồi kẻ trước người sau lần lượt khuất dạng ngoài hành lang.
-Bạn nè! Ở đây được lắm nghe!
Khi tôi định theo chân mấy người đàn ông kia đi ra hành lang thì anh ta bèn đưa tay ra chặn tôi lại:
-Có một bà sắp tới gặp đó!. Bà này tên là Mme Lapin. Bạn cứ đợi ở đây cho tôi!
Thế ròi anh ta biến mất sau một cánh cửa khác. Tôi vẫn đặt hai tay trên đầu gối và tiếp tục chờ. Tôi không biết mình sẽ phải đợi bao lâu. Tôi có cảm tưởng nghe từng tiếng kim đồng hồ chỉ giây đang chạy rõ mồn một. Thế nhưng bên trên bức tường màu trắng xanh, tôi không thấy có treo một cái đồng hồ nào cả. Sau đó, tai tôi nhận ra có những bước chân bên ngoài hành lang tiến về phía mình.
-Ngày 27 tháng 12:
Trong vòng hai tháng trời, cuốn sổ tay này không ghi thêm một giòng nào cả. Không phải là tôi không ghi nhưng bởi vì tôi không thể ghi được. Cảm giác thực sự của tôi bây giờ là đã rơi đến tận cùng của cái chỗ mình phải rơi xuống. Đêm nay, sương mù lại bao trùm lên thành phố Lyon. Chỉ cần mở hé cánh cửa sổ của cái khách sạn rẻ tiền này là sẽ thấy một thứ sương mù vàng đục tràn ngay vào trong gian phòng. Tôi không hiểu vì sao mà dạo sau này, tôi tức ngực kinh khủng, những lo không biết mình đã vướng phải bệnh lao phổi hay chưa?
Tuy nhiên, đối với tôi lúc này thì, dù có bệnh hay không, tôi đã xơ xác, tiều tụy giống như một cái xác chết rồi. Mỗi lần soi mặt trong gương, tôi thấy nước da mình bây giờ xám ngoét và hốc mắt cũng thâm quầng. Mặt mày đám đàn ông cùng đến ngôi nhà ấy với tôi đều đã trở thành như vậy. Đó là gương mặt của "giống nòi" chúng tôi.
Tôi đang bước loanh quanh trong sương mù tự hồi nãy đến giờ. Trên quảng trường trước nhà ga, một bà lão đang ngồi bán hàu sống dưới anh đèn hơi a-xê-ty-len (lampe d’acétylène) trắng xanh. Phía ngang chỗ bà, một người đàn ông mới từ nhà ga bước ra và đang phát truyền đơn (tờ rơi, bira) cho bốn, năm người giống như dân lao động đang vây quanh anh ta. Anh ta cũng phát cho tôi một tờ.
"Không ai mà không truy cầu hạnh phúc. Không ai mà không muốn được cư xử bình đẳng. Nhưng chỉ có Đảng Cộng Sản mới có thể thỏa mãn nhu cầu ấy thôi"
Tôi đã đọc tấm truyền đơn với những giòng chữ in vụng về ấy dưới sáng của ngọn đèn hơi a-xê-ty-len. Thế nhưng giờ đây trong số những người đang ngủ yên trong lớp sương mù này, vẫn có một bọn người đang đi tìm sự bất hạnh, sự thống khổ và cái chết. Những người đàn ông cô độc tụ tập ở nhà Mme Roque kia cũng đều như thế. Và tôi cũng vậy.
À nhỉ! Dạo sau này, sao tôi lại không còn nghe tiếng nói của "Hắn" nữa. "Hắn" là tiếng nói của cái bóng đó đấy. "Hắn" là tiếng nói đã liều chết để ngăn cản tôi không nên xuống thành phố Lyon này và không nên đến ngôi nhà của Mme Roque.
Tôi đưa mặt mình ra ngay cửa sổ. Tôi không biết từ đây mình sẽ ra sao! Thế nhưng nhất định là ở nhà Mme Roque, tôi không thể nào tìm ra Domina. Đúng như lời người đàn ông mệt nhoài kia đã giải thích, sau khi đã chán một loại kích thích nào đó, con người sẽ tìm những kích thích mới, để rồi đến lúc không còn cảm xúc trước bất cứ gì cả, và nó có khác nào tình cảnh hiện tại của tôi! Tôi càng đuổi theo Domina bao nhiêu, nàng càng trốn biến.
"Hắn" hiện giờ cũng chẳng còn có gì để nói với tôi nữa."Hắn" là tiếng nói của cái bóng đó đấy! "Hắn" là tiếng nói đã liều chết để ngăn cản tôi không nên xuống thành phố Lyon này và không nên đến ngôi nhà của Mme Roque. "Hắn" cũng từng bảo: "Khi ngươi vươn cánh tay ra từ cái ao bùn" thì "dù mọi người để mặc cho mi chết, ta sẽ không bao giờ quên ngươi". Thế nhưng, tôi là kẻ không còn có thể cứu nữa. Tôi chỉ còn có cách đi trọn con đường của cái dục vọng hãi hùng này.
***
Cuốn sổ tay chấm dứt ở đây. Tôi lại nghĩ bâng quơ không biết Chikuma sẽ viết tiếp phần sau như thế nào? Tuy nhiên, tôi thấy mình có lẽ chẳng cần phải đọc thêm dòng nào nữa. Vừa lúc đó, trong gian phòng tôi ở, những tia nắng cuối của buổi chiều đã bắt đầu rút lui và thay vào đó, bóng tối màu xám tro đang len lén tìm vào. Khi di động thân hình trong khoảng xám mơ hồ đó, thì cái cảnh trời đêm của thành phố Lyon, nơi cả Chikuma, tôi lẫn anh Ozawa có một thời đã sống, bất chợt hồi sinh trong lòng tôi. Bên ngoài của sổ không còn bóng người qua lại, chỉ có màu tuyết lạnh đang ánh lên giữa màn đêm. Đêm ở Lyon không có một tiếng động nào, ngoài tiếng chuông giáo đường đôi khi cất lên để báo giờ giấc.Thế thì trong một đêm như vậy, thử hỏi tiếng nói của cái bóng (kage no koe) lọt vào tai Chikuma là cái gì? Tôi nghe nói là Julien Green có hôm định đến thú thật với vị linh mục trông coi phần hồn của mình một câu chuyện đáng buồn. Và lúc đó, ông đã đặt câu hỏi cho vị linh mục: "Con nghe nói rằng cho đến ngày sau rốt, Chúa Ki-Tô là người sẽ gánh chịu mọi thứ tội lỗi của chúng ta. Nhưng Chúa Ki-Tô có lẽ chẳng biết gì hết về những điều cay đắng nhất chúng ta phải chịu cũng như những nỗi khổ đến từ dục vọng của chúng ta".
Trước câu nói đó của Green, vị linh mục đã trầm ngâm một lúc lâu. Thế rồi, vẫn ngắm nghiền đôi mắt, ông lắc đầu và nói: "Không đâu. Ngài còn gánh những đau khổ gây ra bởi dục vọng xác thịt của chúng ta nữa. Ngài gánh hết cả đấy!"...
Dịch ngày 7/02/2023.
Bên lề tác phẩm:
Sinh viên chơi nhạc trong phòng khách Nhà Nhật Bản cạnh bích họa của Foujita
Nhà Nhật Bản trong Làng đại học (Cité Universitaire) là một địa chỉ khó quên đối với người dịch, vốn lưu lạc từ Nhật đến Paris vào tháng 3 năm 1970, nghĩa là gần 20 năm sau chuyến đi của văn hào. Trong suốt một năm trời, trong gian phòng khách, nơi có chiếc đàn dương cầm và những bức bích họa kỳ dị của họa sĩ người Pháp gốc Nhật Foujita Tsuguharu (1886-1968), thông qua những tờ báo và tạp chí tiếng Nhật, người viết đã cập nhật tin tức và gặm nhắm nỗi buồn "xa xứ" vì vừa từ bỏ một vùng đất mình có nhiều gắn bó.
Họa sĩ Foujita (không viết là Fujita, 1886-1968) đã sang Pháp vào năm 1913, Ông là thành viên của Họa phái Paris (Ecole de Paris), từng quen biết với Picasso và Modigliani. Nổi tiếng nhờ sử dụng chất liệu (matière) đặc biệt trong hội họa. Ông sở trường về bích họa (fresque, peinture murale), có khi chỉ cần một mình đã trang trí được cả một ngôi giáo đường nhỏ. Đặc biệt, nhân vật trong tác phẩm của Foujita đều có những đôi mắt xếch với cái tròng to tướng như mắt mèo. Còn nhớ là đằng sau Hội quán Satsuma này, lúc đó đã đổi tên thành Nhà Nhật Bản (Maison du Japon), có một khu vườn nhỏ với vài tảng đá kiểu thạch đình, hoa cỏ và dăm cây anh đào. Vì những lý do trên, việc dịch tác phẩm này, đối với bản thân người dịch, giống như một cuộc hành hương đơn độc vào quá khứ của hơn nửa thế kỷ trước.
***
Riêng về tác phẩm "Người đẹp tắm trăng" (Gekkô to Domina) - chính ra phải dịch thật sát là "Domina của ánh trăng" – thì trong đó, Endo Shusaku đã trình bày về cuộc sống – dĩ nhiên có màu sắc hư cấu – của những chàng trai Nhật Bản – thường là du học sinh, văn nhân hay nghệ sĩ - lưu lạc trên đất Pháp vào thời đại đó, cũng như nói về uy lực và sự thống trị của vầng trăng trên tâm lý và não trạng bệnh hoạn của con người. Quan niệm này khá phổ quát nhưng bộc lộ rõ ràng nhất trong sách vở Tây phương. Cũng nên biết thêm rằng Endo Shusaku đã nghiên cứu rất kỹ về Marquis de Sade (1740-1814) và có nhiều tác phẩm liên quan đến nhà văn quí tộc này.
Ảnh hưởng của Maupassant, Balzac đối với Nagai Kafu, của Sigmund Freud và Richard von Kraff-Ebing đối với Tanizaki, của Dostoievsky, Gogol và Anatole France đối với Akutagawa, của Radiguet và Theophile Gaultier đối với Mishima, của Tolstoy trên Arishima Takeo, của James Joyce và Marcel Proust trên Kawabata, của Marquis de Sade và Franccois Mauriac đối với Endo Shusaku... cho thấy các nhà văn cận đại Nhật Bản đã không ngừng tiếp thu ảnh hưởng phương Tây. Chẳng những để làm phong phú cho nền văn học nước nhà mà còn giúp họ hội nhập với thế giới. Không những họ chịu ảnh hưởng về mặt hình thức mà còn cả nội dung. Chẳng hạn khi muốn mô tả đời sống nội tâm đa dạng của con người (từ cái cao sang đẹp đẽ cho đến cái tối tăm, bẩn thỉu), họ đã theo gót những văn nhân Âu Mỹ bao lần thành công trước đó.
Trên những con đường trong thành phố Paris, ngày nay vẫn còn thấy lảng vảng bao hồn ma bóng quế của văn nhân tài tử mọi quốc tịch của một thuở nào, từ Ernest Heminway, qua Lawrence Durell, Henry Miller đến Anais Nin vv... . Riêng giới văn nhân Nhật Bản từng in gót giày trên kinh đô ánh sáng, ngoài Endo Shusaku, còn phải kể đến Shimazaki Tôson, Nagai Kafu, Horiguchi Daigaku, Tsuji Kunio, Mori Arimasa, Kato Shuichi, Watanabe Kazuo vv... nếu chỉ dừng lại ở đó.
***
Như có nhà thơ đã từng phát biểu: "Không ai có thể chữa lành vết thương thời trẻ" (Nul n’est guéri de son enfance), những yếu tố hoàn cảnh và thân phận buổi đầu đời, dù vô tình hay hữu ý, đã có tính cách quyết định trong việc hình thành nhân cách của con người, kể cả nhân vật Chikuma. Có những cuộc đời được phơi bày rạng rỡ dưới sáng mặt trời những cũng có những cuộc đời ẩn nấp trong xó khuất hay hang tối, chỉ được bao bọc bởi vầng trăng mà ánh sáng của vầng trăng ấy cũng chỉ là một thứ ánh sáng vay mượn. Cuối cùng, có lẽ qua tác phẩm này, Endo Shusaku đã muốn khai thác chủ đề "Tội lỗi và cứu chuộc" vốn rất gần gũi với ông. "Hắn", cái tiếng nói vô hình vô ảnh đã bao lần tìm cách thức tỉnh Chikuma, con người sa ngã: "Mỗi mình ta là không bao giờ quên ngươi", có thể là chút lương tri còn sót lại trong hắn, mà dưới nhãn quan của Endo, đấy là tiếng nói đến tự trời cao mà kẽ sa ngã ngỡ là mình vừa nghe được từ Thánh Chúa!
Thư mục tham khảo:- -Endo Shusaku, Toàn tập Endo Shusaku, Nxb Shinchô,1999, Tôkyô, quyển 6 trong 15 quyển, từ trang 181-210. Nguyên tác Nhật ngữ.
http://chimvie3.free.fr/89/nguyennamtra ... ng_089.htm